VHI và vi tín dụng
Tổ chức VHI và vi tín dụng ở Việt Nam
Đỗ Tuyết Khanh
Giải Nobel hoà bình năm nay được trao cho ông Muhammad Yunus và ngân hàng Grameen do ông sáng lập. Đó là điều khích lệ lớn cho những tổ chức lớn hay nhỏ trên khắp thế giới đang thực hiện những chương trình vi tín dụng nhằm giúp đỡ những người rất nghèo. Cách đây hơn hai năm, trong bài "Vi tín dụng, một phương thức xoá đói giảm nghèo" trên số 138 (tháng 2.2004) của báo Diễn Đàn, chúng tôi đã trình bày các hoạt động của tổ chức Vietnamese Heritage Institute (VHI) như thí dụ cụ thể của vi tín dụng ở Việt Nam. Đây cũng là dịp để xem lại các chương trình của VHI và đánh giá hiệu quả của nó ngày nay.
VHI là một tổ chức bất vụ lợi do một số Việt Kiều tại Bắc Mỹ và Âu châu thành lập năm 1987, đặt trụ sở tại California (Hoa Kỳ). Ngoài một số hoạt động như xây trường mẫu giáo và nhà trẻ ở Nam và Trung Bộ, mở các lớp huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên của 7 đài truyền hình các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cấp học bổng cho học sinh và sinh viên nghèo tại An Giang, Nha Trang và Huế ; VHI còn thực hiện từ tháng 12.2001 một dự án vi tín dụng tại Tân Công Sính, tỉnh Đồng Tháp.
Tân Công
Sính là một xã
nghèo thuộc huyện Tam Nông, nằm ven Vườn Quốc
Gia Tràm Chim, có hơn 4 000 dân, sống
rải
rác trên 75 cây số vuông. Hai
phần ba
diện tích được cày cấy,
phần còn lại là rừng tràm. Tất cả
bắt đầu bằng một ngân
sách khiêm tốn, 4 200 đô-la,
để cấp vốn cho một nhóm 40 hộ nghèo
nhất, bị suy dinh dưỡng. Họ là
những người nông dân lam lũ, mò cua bắt
ốc, lao động thuê theo
mùa gặt để sống qua ngày.
Họ không hề biết đến thu nhập hàng năm
là
gì, thậm chí không
biết sẽ có được bữa ăn ngày mai hay
không.
Đa số thành viên
chương trình vi tín dụng
(34 hộ) chọn chăn nuôi trồng trọt và 6
hộ chọn sản xuất thủ công nghiệp và buôn
bán nhỏ. Chỉ 6 tháng sau (7.2002), tất cả
nhóm
đã trả lại đầy
đủ vốn và lãi và xin được
vay tiếp cho đợt hai, với thời hạn ấn định là
một năm. Họ còn kiến
nghị mở rộng thêm chương trình để
người khác cũng được hưởng cái may của họ,
vì một tháng trước đó
đã có thêm
160 gia đình ghi tên
xin được tham gia. Tháng
7.2003, toàn bộ 40 hộ đầu
đã trả lại đầy đủ
vốn và lãi và xin được
vay tiếp đợt ba. Tất cả đã cải thiện được
cuộc sống, ổn định thu nhập và học được
cách làm ăn có
hiệu quả hơn.
Trước sự thành công này, đầu năm 2003 VHI quyết định triển khai chương trình thu nhận thêm 160 phụ nữ đại diện cho các hộ nghèo ở Tân Công Sính. Mỗi người được vay 1 triệu đồng (70 đô-la) cho một đợt 12 tháng, với lãi suất 1 % một tháng. Nếu họ làm ăn khá, họ có thể xin vay tiếp hàng năm trong vòng 5 năm liên tục. Tất cả thành viên đã trả đầy đủ vốn lãi và xin vay tiếp sau 1 năm. Đến nay, sau 5 năm đầu, đã có 35 trên 40 hộ thuộc nhóm đầu tiên đạt mức tự lực cánh sinh với thu nhập hàng năm là 450 đô-la. Họ đã hoàn lại số vốn ban đầu để VHI xoay vòng số vốn này cho 35 hộ mới vay.
Đặc biệt trong chương trình này, VHI khởi xướng việc nuôi dê để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng (sữa dê) và kinh tế lâu dài cho các hộ thành viên. Từ 3 con dê gửi cho một hộ tiên phong nuôi dưỡng, trong vòng hai năm đã nhân lên thành 27 con. Sau đó, dê cũng được xoay vòng, được phát đều ra đến 8 hộ nữa. Và như thế cứ liên tục. Chính mô hình nuôi dê thành công này đã thuyết phục Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Program - UNDP) cấp 50 000 đô-la năm 2005 cho các hộ nghèo quanh các xã lân cận Vườn Quốc Gia Tràm Chim để nuôi dê.
Song song với vi tín dụng, VHI cũng tiến hành một dự án trồng tràm, kết hợp ổn định kinh tế và bảo vệ môi sinh. Đây là vùng đất phèn chua, canh tác khó nhưng thích hợp với cây tràm bản địa. Các gia đình tham gia trồng tràm được vay vốn là 15 triệu đồng (1000 đô-la) mỗi hộ, với lãi suất khuyến khích 0,5 % (thay vì 1 %) một tháng. Các hộ này sẽ được hưởng quyền thu hoạch lợi nhuận kinh tế từ các cây tràm (gỗ làm cột nhà v.v.), đồng thời được đào tạo cách quản lí bền vững để duy trì và tái sinh rừng tràm do chính họ trồng lên. Đây là một dự án thử nghiệm, với ba gia đình được chọn để huấn luyện rồi sau đó hướng dẫn lại các gia đình khác. Tràm lên tốt mạnh như ước tính. Tuy nhiên nông dân lại không chuộng dự án này vì vốn cao và thời gian gặt háí lợi nhuận kinh tế quá lâu (7 năm), nên dự án không đươc phát huy rộng rãi. Như vậy, đến nay ở Đồng Tháp, ngoài 35 hộ đã tự lập được và 3 hộ trồng tràm, có 200 hộ tiếp tục vay vốn VHI với 70 đô-la một suất.
Số tiền trả lãi được dùng cho nhiều mục đích phúc lợi, không chỉ phục vụ cho các hộ tham gia chương trình :
-
10 câu lạc bộ được thành lập theo yêu cầu của các thành viên và do Hội Phụ Nữ Tam Nông quản lí : các câu lạc bộ hạnh phúc gia đình, khuyến nông, quản trị, kinh tế gia đình, gia đình thể thao, và tôn giáo.
-
giúp đỡ các gia đình neo đơn, người bệnh, các trẻ mồ côi hay khuyết tật.
-
xây dựng nhà cửa sau thiên tai.
-
cấp học bổng cho học sinh nghèo trong xã, v.v.
Ngoài việc cải thiện cuộc sống của người dân cả về kinh tế lẫn văn hoá xã hội, dự án vi tín dụng của VHI còn góp phần củng cố tinh thần đoàn kết cộng đồng, vì các hộ được tổ chức thành tổ để đốc thúc, nâng đỡ và trợ giúp lẫn nhau. Một phần lớn sự thành công này là do hợp tác chặt chẽ giữa Hội Phụ Nữ địa phương và Đại học Cần Thơ, thông qua giáo sư Dương Văn Ni. Ở Tam Nông, Hội Phụ Nữ đóng vai trò rất quan trọng, và một yếu tố quyết định không kém là sự hỗ trợ kĩ thuật, huấn luyện đào tạo của Đại học Cần Thơ. Giúp vốn cho người nghèo chỉ là một bước đầu (một trong các yếu tố của bài toán xoá đói giảm nghèo), còn phải giúp họ kiến thức, để họ có thể tự quản lý từ kinh tế gia đình đến phương án làm ăn. Để họ đứng vững hơn trên đôi chân của mình, và đi xa hơn.
Các chương trình,
chính sách,
chiến lược xoá đói
giảm nghèo của các tổ chức quốc tế
đều đặt trọng tâm vào vấn đề đào
tạo để trang bị cho người nghèo những phương
tiện tri thức cho phép họ phát triển khả năng
và ổn định đời
sống một cách bền vững. Tặng ai một con cá
giúp người ấy no một bữa, tặng họ cái cần
câu giúp họ no được nhiều bữa. Nhưng để họ
không còn phải cần ai giúp nữa, phải
đưa
họ đi học nghề đánh cá, học cách bảo
quản tôm cá, và cả làm sao
bán
buôn cho có lời. Vi tín dụng
khác với
các hình thức cứu trợ nhất thời ở hai đặc
điểm: mục tiêu lâu dài, nhắm sự tự lập
của người được giúp đỡ, và yếu tố tập
thể, dựa trên sự liên đới trách nhiệm
và liên kết giữa những người nghèo với
nhau. Thể hiện sự liên kết này không chỉ
là nguyên tắc quay vòng vốn để người
khác cũng đến được với vi tín dụng, mà
còn là truyền bá kinh nghiệm
và học
hỏi lẫn nhau. Trong tinh thần này, VHI đã mở
rộng chương trinh vi tín dụng sang một địa phương
khác, ở Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Từ rừng tràm Đồng Tháp đến cồn cát Quảng Bình
Tất cả bắt đầu
bằng một cuốn phim tài liệu, Les
oubliées de
la piste Ho Chi Minh – The Girls
who opened the Road, của một ký giả
Pháp,
bà
Laurence Jourdan, chiếu trên các đài
truyền
hình Pháp và Thụy Sĩ mùa
xuân
năm 2004. Cuốn phim kể lại cuộc đời và hoàn
cảnh sống hiện nay của một số cựu thanh niên xung
phong (TNXP) đã hy sinh tuổi thanh xuân của
mình
trong những năm chiến tranh ác liệt nhất để xây
cầu, vá đường, chuyển thương binh khi bom đạn và
thuốc khai quang ngày đêm giội
xuống con đường mòn Hồ Chí Minh. Trong
tám
năm, từ 1967 đến 1975, khoảng 150 000 thanh niên xung
phong, trong đó đa số là thiếu nữ, đã
âm thầm làm công việc dã
tràng
xe cát ấy. Rất nhiều người đã nằm xuống ở
trong rừng sâu và trong những người còn
sống để vui thấy ngày hoà bình đa số
cũng trở về với sự nghèo túng và khổ
nhọc. Ba mươi năm sau, đã có cả một thế hệ
may mắn không biết đến chiến tranh, điều đáng
mừng của một đất nước hồi sinh, nhưng cũng làm
chìm sâu thêm trong quên
lãng những
người con gái mở đường ngày xưa. Trở về
quê với hai bàn tay trắng, mang thêm
trong
người thương tích và bệnh tật do sốt
rét
hay chất độc da cam, họ phải chịu số phận của những
cô gái "lỡ thời". Có người chấp
nhận bị xã hội dè bỉu để có được
đứa con không cha, có người nương thân
nơi
cửa Phật, tất cả đều sống trong neo đơn, cô
quạnh. Cuốn phim gây nhiều xúc động nơi người
xem và làm nảy nở một ý tưởng rất tự
nhiên : phải làm gì để giúp
họ. Từ
bảo nhau xem phim đến trao đổi rồi quyên góp,
một nhóm bạn bè thân hữu của
báo
Diễn Đàn và cũng của VHI quyết định
tìm
đến các chị cựu TNXP trong phim để trao tặng món
quà nói lên tình cảm chia sẻ
của
mình.
Tháng 7.2004, nhà văn Mai Ninh trong chuyến về thăm quê hương đã đại diện nhóm bạn bè này đến huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, để trao quà tận tay 7 chị cựu TNXP. Một cuộc gặp gỡ rất cảm động, không thể quên, khiến năm sau một câu hỏi khác cũng đến thật tự nhiên : các chị TNXP bây giờ ra sao, và tương lai sẽ thế nào. Những người đã nghĩ đến các chị năm trước lại vui lòng đóng góp để một nhóm bạn khác đem về cho các chị. Và câu hỏi tự nhiên thứ ba tất nhiên được đặt ra : làm gì để giúp các chị một cách lâu dài hơn, trong khuôn khổ một chương trình hẳn hòi, thay vì cứ đột xuất hàng năm. Câu trả lời cũng rất đương nhiên : vi tín dụng, dựa vào kinh nghiệm chương trình thực hiện thành công của VHI ở Tam Nông.
Một chút chia sẻ với những người
chịu nhiều mất mát
Chuyến đi trao quà cho các chị TNXP hè 2005 do đó cũng là dịp tìm hiểu thực tế để phác hoạ một chương trình khả thi. Tìm hiểu các nhu cầu vay vốn, hình thức sản xuất thích hợp với môi trường, kinh tế địa phương, và cả khả năng lao động của những người đã quá tuổi 50 và kém sức khoẻ ; lập quan hệ với đối tác trong nước để thực hiện dự án, lập danh sách đối tượng và duyệt kế hoạch kinh doanh của họ, những bước đầu này đòi hỏi cả một quá trình làm việc trong gần một năm. Cuối cùng một chương trình vi tín dụng thí điểm tại Quảng Bình được xây dựng trên mô hình VHI đã thực hiện tại Tam Nông, với sự tham gia của bốn hội đoàn, thông qua những người đã hưởng ứng quyên góp : Quỹ Tương Trợ Việt Nam - Canada, Hội văn hoá Trịnh Công Sơn, Hội người Việt Nam tại Thuỵ Sĩ và VHI. Vì là tổ chức duy nhất có kinh nghiệm về vi tín dụng, VHI đảm nhận vai trò làm đầu tàu, thực hiện dự án hợp tác "liên lục địa" này.
Chương trình vi tín dụng Quảng Bình Lệ Thuỷ (QBLT) khởi đầu với 15 hộ, gồm các cựu TNXP và gia đình của họ, mỗi hộ được vay 4,5 triệu đồng, dự tính sẽ xoay vòng sau hai năm. Những người được vay vốn tuổi từ 52 đến 65, người già nhất đã ngoài 70, và tất cả đều dự tính kết hợp chăn nuôi và thủ công nghệ. Đối tác của VHI trong nước là Hội liên hiệp Thanh niên (HLHTN) huyện Lệ Thuỷ, cơ quan đã có nhiều hoạt động tích cực giúp đỡ các cựu TNXP trong hoàn cảnh khó khăn ở đây (xây nhà tình nghĩa, uỷ lạo, cứu trợ v.v.). Trong quá trình chuẩn bị, một Câu lạc bộ cựu TNXP phát triển kinh tế được HLHTN và Uỷ ban nhân dân xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, thành lập. Để có khả năng quản lý và chuyển giao kiến thức đến người vay vốn cũng như học tập kinh nghiệm, hai cán bộ HLHTN được VHI tài trợ tham gia một khoá tập huấn hai tuần tại Đại Học Cần Thơ, Đại Học An Giang, và Hội Phụ Nữ Tam Nông, về phương cách quản lý và đào tạo các hộ vay vốn ở nông thôn, sản xuất bioga và cách nuôi thỏ, cá, dê, lợn, trâu, bò. Về lại Quảng Bình, họ đã mở lớp tập huấn, truyền lại những điều đã học cho các cựu TNXP tại Lệ Thuỷ. Ngay sau đó, tháng 8.2006, lễ phát vốn cho 15 gia đình cựu TNXP đánh dấu giai đoạn đi vào thực hiện cụ thể của chương trình. Vì mọi chuyện mới bắt đầu nên chưa thể đoán được dự án sẽ tiến triển thế nào và đánh giá các khả năng thành công hay khó khăn của vi tín dụng tại Quảng Bình, nhưng gây dựng được một chương trình thứ nhì sau Tam Nông là một bước tiến có ý nghĩa. Một điểm đáng nêu lên của vi tín dụng là tác dụng dây chuyền, sự thành công của một người hay một nhóm vay không những khuyến khích các nhóm khác mà còn tạo ra thêm vốn để người khác cũng đến được với vi tín dụng. Những gì đã làm được ở Tam Nông chưa đủ để đáp ứng mọi nhu cầu tại nơi ấy, nói chi đến hỗ trợ những gì đang bắt đầu ở nơi khác, nhưng những kinh nghiệm và kiến thức truyền đạt cho Lệ Thuỷ chính là cái vốn tri thức quí báu, những hạt giống gieo ngày hôm nay cho ngày thu hoạch mai sau.
Ở hai miền cách xa nhau của đất nước, nơi đất phèn rừng tràm của Đồng Tháp hay các cồn cát cháy bỏng đôi chân của Quảng Bình, đều có những người chỉ cần một chút vốn thôi, một số tiền nhỏ nhoi nhưng đủ để giúp họ vươn lên, ra khỏi cái vòng lẩn quẩn của nghèo đói, đổi đời. Như 42 người đàn bà của làng Jobra, Bangladesh, cách đây mấy chục năm, chỉ cần chia nhau 27 đô la của ông Muhammad Yunus là đủ thêm vốn để làm ăn có lời. Song chính một ưu điểm đã nêu của vi tín dụng – nhắm lâu dài và vững bền – cũng là mối quan tâm lớn của những tổ chức thực hiện các chương trình này : làm sao bảo đảm sự vững bền của chính mình để tiếp tục đáp ứng các nhu cầu vay vốn. Nói nôm na hơn là làm sao có đủ tiền và có được nguồn tài trợ vững chắc để người nghèo có thể dựa vào mình lâu dài, không phải "bỏ rơi" ai giữa đuờng. Giải Nobel trao cho ông Yunus và ngân hàng Grameen năm nay không chỉ tôn vinh ông và thừa nhận công ích của việc ông làm. Cổ vũ sự đóng góp của vi tín dụng cho hoà bình cũng là thừa nhận vai trò đáng được hỗ trợ của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, dù khiêm tốn như VHI hay nổi tiếng và lớn mạnh như Grameen. Như Uỷ ban Nobel khẳng định trong bản thông cáo năm nay: "Không thể có hoà bình lâu dài cho đến khi đông đảo dân chúng tìm được con đuờng ra khỏi lầm than. Vi tín dụng là một trong những con đuờng ấy ... Mỗi người trên trái đất vừa có khả năng vừa có quyền được sống một cuộc đời đàng hoàng."
Một cuộc đời đàng
hoàng là uớc mơ giản dị của nhiều người
đang trông cậy vào VHI ở Tam Nông
và
Lệ Thuỷ. Và ước mơ giản dị của VHI cũng chỉ
là được tiếp tay, tiếp sức để tiếp tục công
việc khiêm tốn nhưng rất thiết thân của
mình.
Đỗ Tuyết Khanh
Tháng 11.2006
Tác giả chân
thành cảm ơn
các bạn trong VHI đã góp
ý và
bổ sung bài viết này. Bạn đọc
muốn tìm hiểu thêm xin
vào
xem trạm www.thevhi.org (ở
trong có ghi những hình thức đóng
góp ủng hộ),
hoặc
liên lạc với tổ chức VHI bằng email về địa
chỉ thevhi@pacbell.net,
và đọc bài viết của Mai Ninh
Con
đường đồi cát.
Các thao tác trên Tài liệu