Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Viết cho lịch sử trở nên chân thật hơn

Viết cho lịch sử trở nên chân thật hơn

- Khuất Thu Hồng — published 05/07/2023 08:00, cập nhật lần cuối 05/07/2023 11:50



Viết cho lịch sử trở nên chân thật hơn


Khuất Thu Hồng

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội

(Institute for Social Development Studies)



Thưa các quý ông, quý bà, thưa các đồng nghiệp và các bạn,

Tôi xin muốn dành những lời đầu tiên để cảm ơn Giáo sư Bùi Trân Phượng, người đã dành cho tôi vinh dự được tham gia chương trình “Phụ nữ Việt Nam dấn thân và sáng tạo”. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến Collège de France đã tổ chức chương trình này. Nhờ Madame Phượng và Collège de France mà tôi và một số phụ nữ khác có thể đến đây để cùng nhau giúp quý vị hình dung về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam trong một thời kỳ đầy biến động trong lịch sử đương đại của đất nước tôi.

Hôm nay tôi đến đây để kể với các quý vị về dự định viết hồi ký về cuộc đời mình. Mặc dù không phải là người có những thành tích phi phàm hay là nạn nhân của những sự kiện bi thảm trong lịch sử nhưng đã từ lâu tôi ấp ủ ý định viết lại những gì mình đã trải qua. Là một người nghiên cứu xã hội học, luôn tìm kiếm những điều phổ biến, tôi nghĩ, câu chuyện cuộc đời của một người bình thường – typical – như tôi có lẽ cũng có giá trị nhất định. Dưới đây là dàn bài tóm tắt của cuốn hồi ký đó.


Phần một tôi sẽ viết về gia đình và tuổi thơ


Tôi sinh ra năm 1960 khi một phần lớn của địa cầu đang hồi sinh sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và khi người Việt Nam vẫn đang kiêu hãnh ngẩng cao đầu trong dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ. Lẽ ra tôi đã có thể lớn lên trong cuộc sống hoà bình nhưng thay vào đó tôi trở thành chứng nhân của cuộc chiến kéo dài nhất trong thế kỷ 20 và một mô hình xã hội theo lý tưởng cộng sản.

Tôi được sinh ra ở Quảng Ninh, nơi có vịnh Hạ Long nổi tiếng nhưng tôi lớn lên ở Hà Tây, bây giờ là một phần của Hà Nội. Tuổi thơ của tôi là những chuỗi ngày trộn lẫn nỗi khắc khoải vì nhớ cha mẹ và sự dày vò vì thiếu thốn triền miên. Tuổi thơ của tôi cũng là những năm tháng khát khao đọc sách đến cháy bỏng. Năm 9 tuổi tôi đã từng ước có tiền để mua tất cả sách trong hiệu sách ở thị trấn. Tôi đọc tất cả những gì vớ được, thường là những cuốn sách không có trang đầu và trang cuối. Tôi đọc “Những người khốn khổ” của Victor Hugo năm lên 10 tuổi và mỗi khi phải đi giặt quần áo cho cả nhà trong những buổi sáng sớm mùa đông lạnh buốt tôi thấy mình giống như Cosette và mơ ước cha tôi sớm trở về để tôi cảm thấy được che chở.


a1


Cha tôi là quân nhân. Ông đã tham gia tất cả các cuộc kháng chiến của Việt Nam trong thế kỷ 20. Suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi, ông chỉ hiện diện trong vài đợt phép ngắn ngủi và chủ yếu trong những bức thư thường đến muộn sau vài tháng. Mẹ tôi là dược sĩ. Một mình bà đã nuôi dạy 6 người con. Cuộc sống kham khổ trong thời kỳ chiến tranh và bao cấp đã cướp đi hai đứa em của tôi. Em trai tôi chết năm 1966 vì không được cấp cứu kịp thời khi chưa đầy 5 tuổi. Đó là giai đoạn Mỹ ném bom miền Bắc lần thứ nhất. Em gái của tôi ra đi năm 1984, khi em chưa tròn 17 tuổi, lúc đó Việt Nam đang ở trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất. Giờ đây, mỗi lần nghĩ về những năm tháng gian nan đã trải qua tôi lại nhớ đến hình ảnh mẹ tôi tóc bạc trắng qua một đêm sau khi em trai tôi mất. Khi đó bà mới 29 tuổi. Tôi cũng thường nhớ hình ảnh mẹ tôi, không một giọt nước mắt, đăm đăm nhìn theo xe của cha tôi trở lại chiến trường trong khi tôi lặng lẽ khóc ở bên cạnh. Chiến tranh chống Mỹ kết thúc năm tôi 15 tuổi. Tôi vui mừng vì nghĩ rằng gia đình tôi sẽ được đoàn tụ nhưng cha tôi vẫn chưa được trở về. Những chiến trường tiếp theo đang chờ đợi ông là Cambodia và biên giới phía Bắc. Cho đến năm tôi 28 tuổi ông mới được về gần nhà.

Cuộc đời của cha mẹ tôi trải dài trong thời kỳ khốc liệt nhất của lịch sử Việt Nam đương đại. Cha tôi năm nay 92 tuổi. Ông đã viết hồi ký của mình và hiện đang dự định bổ sung và tái bản lần thứ hai. Mẹ tôi 86 tuổi và sẽ không bao giờ có hồi ký cho dù cuộc đời bà rất đáng để viết lại. Bà là một người phụ nữ rất đẹp và thông minh nhưng cuộc đời của bà vô cùng vất vả. Hiện nay trí nhớ của bà đang dần bị huỷ hoại bởi căn bệnh Alzheimer.


a2
Với mẹ tôi, Sơn Tây, 1965


Là đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh và suốt tuổi thơ ngóng đợi tin cha từ chiến trường đã khiến tôi luôn khao khát hoà bình. Nhưng những tháng năm vật lộn với cuộc sống kham khổ bên một người mẹ kiên cường đã tạo nên ở tôi ý chí của một chiến binh. Có lẽ nhờ trái tim khao khát hoà bình và phẩm chất của một chiến binh mà tôi có thể vượt qua nhiều thử thách trong cuộc đời.


Phần quan trọng nhất có lẽ tôi sẽ dành để viết về
những bước ngoặt trong cuộc đời của mình.


Những năm thiếu nữ, tôi từng nghĩ cuộc đời mình sẽ giống như cuộc đời của hàng triệu phụ nữ Việt Nam cùng thế hệ. Tôi sẽ cố gắng trở thành một cán bộ Nhà nước để có thu nhập ổn định, lấy một người chồng – chắc cũng là quân nhân, và sống một cuộc đời giản dị với những đứa con. Nhưng cuộc đời đã khiến tôi trải qua hết bước ngoặt này này sang bước ngoặt khác, khác xa với kịch bản tôi dựng lên cho mình trong thuở thiếu thời.


a3
Kiev, 1978


Bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời tôi xảy ra vào năm 1978. Thay vì đi học đại học sư phạm ở Hà Nội để trở thành cô giáo dạy văn thì tôi lại được chọn đi học Tâm lý ở trường Đại học Tổng hợp Moscow - Liên xô cũ. Trong những năm đói khổ ở nông thôn, tôi đã đôi lần được xem những hình ảnh về lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng trường Đỏ, về cuộc sống hạnh phúc của người dân Liên Xô. Khi đó tôi không thể ngờ rằng có một ngày tôi sẽ đến và sống ở đất nước này trong 6 năm liền. Nhưng cũng chính ở đây tôi đã thấy khoảng cách giữa thực tế và những điều được đưa lên hoạ báo. Tôi đã biết thêm nhiều điều không phải qua những bài giảng mà qua các câu chuyện thì thầm với những bạn học người Nga, người Đức, người Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary … Tôi đã học được cách nhìn thấy ý nghĩa đằng sau các sự việc. Tôi coi đó là bước ngoặt quan trọng trong nhận thức của mình.


Tôi trở về Việt Nam năm 1984 và đạt được ước mơ của mình là trở thành cán bộ trong một viện nghiên cứu của Nhà nước. Nhưng trong 16 năm làm việc ở đó tôi luôn phải cố gắng để vượt qua cảm giác buồn chán khi thực hiện các nghiên cứu theo chỉ đạo và viết những báo cáo tròn trịa minh hoạ cho các chính sách trong khi xã hội Việt Nam đang đối mặt với nhiều thay đổi chưa từng có kể từ khi Đổi mới. Đến năm 2000, tôi quyết định ra ngoài, từ bỏ con đường mà tôi đã vẽ sẵn cho mình từ thời thiếu nữ.

Đó là một quyết định điên rồ đối với bất kỳ người Việt Nam nào ở thế hệ của tôi khi đó. Từ bỏ biên chế Nhà nước có nghĩa là từ bỏ việc làm ổn định vĩnh viễn, từ bỏ một vị thế xã hội đi kèm sự bảo đảm về chính trị. Gia đình và bạn bè tôi đã hết sức lo lắng cho tôi. Ai cũng khuyên tôi hãy tỉnh táo và sáng suốt, Nhưng không ai có thể đảo ngược quyết định của tôi.

Ra khỏi Nhà nước, tôi làm việc cho Chương trình Phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam với vị trí là chuyên gia về giới (gender specialist). Chỉ sau 14 tháng tôi lại quyết định rời đi vì không chịu nổi hệ thống quan liêu toàn cầu đó. Quyết định của tôi đã gây phiền toái cho tổ chức và khiến một số người nghĩ rằng tôi thật dại dột. Tuy nhiên, kể từ đó giới đã trở thành lĩnh vực quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi.

Bước ngoặt tiếp theo xảy ra vào năm 2002. Tôi đã làm một việc mà những người quen biết đều coi là hết sức liều lĩnh. Tôi cùng một số đồng nghiệp thành lập Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Institute for Social Development Studies – ISDS) – một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là tôi đã lựa chọn cho mình một con đường chông gai và một vị thế mong manh, bất ổn bởi sự tồn tại của ISDS phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà tôi không thể kiểm soát: không khí chính trị của Việt Nam, nguồn tài trợ quốc tế và sự cam kết đồng hành của đồng nghiệp.

ISDS dần dần trở thành một “ thương hiệu ” trong nghiên cứu, vận động chính sách và nâng cao năng lực cộng đồng về các vấn đề xã hội ở Việt Nam. Thật trớ trêu là ở vị thế mong manh của mình, tôi lại có thể làm những điều mà khi ở vị thế vững vàng hơn trong hệ thống Nhà nước tôi không thể làm được. Tôi không nghĩ những điều mà tôi và ISDS làm được là xuất sắc nhất nhưng rất nhiều những điều chúng tôi làm được là duy nhất hoặc lần đầu tiên trong bối cảnh Việt Nam những năm qua. Và điều quan trọng là những việc chúng tôi làm đã được xã hội ghi nhận.

Chúng tôi tập trung vào những vấn đề được coi là cấm kỵ về mặt văn hoá như tình dục, phá thai, nhạy cảm về mặt chính trị như mại dâm, ma tuý, di cư, bảo trợ xã hội, hoặc những vấn đề gây “ dị ứng ” ở cấp độ xã hội như nữ quyền, bình đẳng giới, LGBT,… Chúng tôi thường bắt đầu bằng nghiên cứu, tiếp theo là sử dụng các kết quả nghiên cứu để vận động chính sách, xây dựng các tài liệu giảng dạy và các sản phẩm truyền thông về các chủ đề này. Quan sát những động thái xã hội trong những năm qua, tôi có thể tự hào nói rằng công việc của chúng tôi đã góp phần thúc đẩy các tranh luận xã hội dẫn đến sự cởi mở nhiều hơn trong nhận thức của công chúng và cả trong luật pháp chính sách của Việt Nam đối với những vấn đề mà trước đó thường bị lảng tránh. Xã hội Việt Nam đã sẵn sàng hơn để thảo luận về các vấn đề như tình dục và phá thai trước hôn nhân, và đã giảm bớt sự kỳ thị đối với cộng đồng LGBT, những người sống chung với HIV, người sử dụng ma tuý hay những người bán dâm …

 

a4
ISDS kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (27/5/2002-27/5/2022)


Trong hơn hai thập kỷ qua, tôi đã sống hàng nghìn cuộc đời qua các cuộc phỏng vấn và tiếp xúc với những phụ nữ và nam giới trong các nhóm yếu thế như người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người di cư, người sống chung với HIV và cộng đồng LGBTIQ+ … Tôi cố gắng nói lên hoàn cảnh và nguyện vọng của họ trong các báo cáo nghiên cứu, tài liệu giảng dạy, trong các cuộc tham vấn chính sách và trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng nhiều khi tôi thấy mình bất lực và tôi vẫn thường xuyên bị ám ảnh bởi số phận đau buồn của rất nhiều người trong số họ.

Tôi không tìm kiếm sự nổi tiếng nhưng nhờ công việc của mình tôi trở nên nổi tiếng như một chuyên gia về giới và nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam. Nếu bạn tìm tên tôi trên Google search, trong vòng 0,40 giây sẽ ra 5,5 triệu kết quả chủ yếu là về các xuất bản phẩm của tôi hoặc các bài phỏng vấn của báo chí. Tôi được mời giảng dạy ở trường đại học, tham gia vào quá trình dự thảo một số bộ luật liên quan đến các lĩnh vực xã hội khác nhau. Tôi là khách mời thường xuyên của đài truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và của rất nhiều tờ báo của Việt Nam và quốc tế.

Hơn hai mươi năm qua cũng là những năm tháng tôi dấn thân vào một con đường khó khăn để  khẳng định vai trò của các tổ chức xã hội dân sự (civil society organizations), để sự đóng góp của họ được thừa nhận và tiếng nói của họ được lắng nghe. Xin lưu ý rằng, ở Việt Nam, thuật ngữ “ xã hội dân sự ” không được sử dụng một cách chính thức. Những tổ chức như ISDS được gọi chung là các tổ chức xã hội. Tôi luôn phải sẵn sàng để trả lời các câu hỏi về hoạt động của chúng tôi và thường xuyên đối diện với một khả năng là có thể phải đóng cửa bất kỳ lúc nào. Nhưng tôi vẫn cùng các đồng nghiệp cố gắng tìm cách nới rộng không gian cho xã hội dân sự (civil society). ISDS đã sáng lập và đồng sáng lập nhiều mạng lưới của các tổ chức xã hội dân sự như Diễn đàn hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương tại Việt Nam (Vulnerable Community Support Platform of Vietnam – VCSPA), Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam (Gender-based Violence Prevention and Response Network in Viet Nam – GBVNET), Liên minh Hành động vì Công bằng Sức khoẻ (Partnership of Actions for Health Equity) và gần đây nhất là Mạng lưới Nam giới Việt Nam vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (Network of Vietnamese Men for Gender Equality & Sustainable Development).

Nhìn lại sự nghiệp của mình tôi nhận thấy mình toàn làm những việc “ nguy hiểm ”. Tôi nghiên cứu về tình dục – một chủ đề được coi là cấm kỵ nên phẩm hạnh của tôi có thể bị nghi ngờ. Tôi truyền bá tư tưởng nữ quyền và vận động cho bình đẳng giới – một việc được cho là chống lại hệ thống gia trưởng phụ hệ đầy quyền lực nên tôi có thể trở nên khó ưa trong con mắt của nhiều người. Tôi kêu gọi giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBT và những người sống chung với HIV – các nhóm bị coi là tệ nạn xã hội ở Việt Nam, việc làm này khiến tôi có thể bị coi là bao biện cho những hành vi thiếu đạo đức. Tôi đấu tranh cho sự tồn tại và tiếng nói của xã hội dân sự – một lĩnh vực mà nhiều người ở Việt Nam muốn lảng tránh, vì thế tôi có thể trở thành một nhân vật đáng nghi ngờ về mặt chính trị.

Tôi không thích bị coi là tồi tệ hay đáng ngờ nhưng tôi chưa bao giờ sợ hãi hay lùi bước. Tôi tin là những thay đổi tích cực của xã hội Việt Nam hôm nay có một chút đóng góp nhỏ bé của mình.


Phần thứ ba tôi sẽ viết về tình yêu và cuộc sống riêng tư của tôi.


Trong cuộc sống cá nhân, tôi cũng trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Tôi kết hôn năm 21 tuổi, khi đang là sinh viên. Gần giống với kịch bản từ thời thiếu nữ, chồng tôi khi ấy không còn là quân nhân nhưng đã từng có 9 năm phục vụ quân đội. Năm 26 tuổi tôi muốn ly hôn nhưng tất cả thế giới chống lại tôi. Cha mẹ, anh chị em và bạn bè không ai ủng hộ quyết định của tôi. Tất cả đều bảo tôi điên vì người chồng mà tôi muốn rời xa có tất cả điều kiện mà những người phụ nữ khác ao ước. Khi đó tôi không có tiền, không có chỗ ở, và nếu ly hôn tôi chắc chắn sẽ không có quyền nuôi con. Tôi đầu hàng số phận và chấp nhận ở lại. Trong những năm tiếp theo tôi đã có những giai đoạn bị trầm cảm nặng và thường xuyên nghĩ đến cái chết. Đến năm tôi 43 tuổi tôi lại quyết định ly hôn. Cha mẹ tôi vẫn không đồng ý vì sợ ảnh hưởng danh dự của gia đình nhưng sự ủng hộ của các con và của bạn bè khiến tôi mạnh mẽ hơn. Lần này tôi đã không nghĩ về ly hôn như một điều tồi tệ, trái lại nhìn nó như một việc hữu ích để mở ra một cuộc sống tốt hơn cho cả hai người và cho các con.

a5


Tôi hay nói đùa với bạn bè của mình rằng trong cuộc đời mình tôi đã trải qua ba cuộc ly hôn. Lần thứ nhất tôi ly hôn với Nhà nước. Lần thứ hai, với siêu Nhà nước – Liên hiệp quốc. Lần thứ ba ly hôn với cha của các con mình. Cả ba cuộc ly hôn đều không dễ dàng nhưng tôi không bao giờ hối tiếc. 

Giờ đây tôi có một cuộc sống hạnh phúc bên người chồng hiện tại vốn là bạn và đồng nghiệp của tôi. Anh ấy đã cùng tôi xây dựng ISDS và đồng hành cùng tôi đối mặt với những thách thức và khó khăn trong hai mươi năm qua. Chúng tôi đã tận hưởng những ngày tháng êm đềm, cùng nhau đọc những cuốn sách hay nhất và cùng nhau du hành đến những nơi đẹp nhất trên thế giới. Hơn năm mươi năm trước, ngồi trong căn hầm tránh bom ẩm thấp, đầy muỗi ở làng quê với cái bụng sôi réo vì đói, tôi không thể tưởng tượng rằng mình sẽ có một cuộc sống hạnh phúc như vậy.


a6


Tôi đã có thể bình yên sống cuộc đời của một phụ nữ tuân thủ những giá trị truyền thống nhưng tôi đã đã lựa chọn một cuộc sống khác. Cuộc sống của tôi nhiều trắc trở nhưng đó là một cuộc sống thú vị và nhiều ý nghĩa. Giờ đây, tôi có thể tự hào nói rằng đó là một  hành trình dấn thân và sáng tạo không ngừng.

Tôi trăn trở rất nhiều với dự định viết về cuộc đời mình. Một mặt, tôi sợ câu chuyện của mình quá bình thường và nhạt nhẽo, chẳng có gì đáng để viết hoặc những điều đáng để viết thì lại không thể viết ra. Mặt khác, khi nhìn lại cuộc đời mình tôi sợ tôi sẽ không đủ dũng cảm để đối mặt với những nỗi đau và cả những điều đáng hổ thẹn trong quá khứ hoặc không thể  vượt qua nỗi e ngại làm phiền những người liên quan đến cuộc đời tôi. Nhưng có lúc tôi lại nghĩ tôi thực sự đã từng làm phiền nhiều người, đã từng làm nhiều điều đáng hổ thẹn và đã từng trải qua những nỗi đau tưởng chừng đã khiến tôi gục ngã. Vậy mà tôi vẫn sống và mang theo hành lý ngày càng nặng hơn của e ngại, hổ thẹn và khổ đau, viết ra có lẽ là cách để đặt nó xuống và tìm thấy sự thanh thản cho tâm hồn. Những điều tôi chưa thể viết ra bây giờ có thể sẽ được viết bởi những người khác hoặc vào một thời điểm khác. Lịch sử không chỉ toàn những vĩ nhân và những sự kiện trọng đại. Biết đâu, câu chuyện của những người bình thường như tôi có thể góp phần giúp cho lịch sử đương đại của đất nước tôi trở nên chân thật hơn và sống động hơn.

Xin trân trọng cảm ơn vì đã lắng nghe câu chuyện của tôi.

Khuất Thu Hồng



NGUỒN : Tham luận tại Hội thảo “ Phụ nữ Việt Nam : sáng tạo và dấn thân
tại Collège de France, ngày 8.6.2023
Bài và ảnh do tác giả gửi cho Diễn Đàn (29.6.2023)
Video bài tham luận : xem ở đây.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss