Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Việt Nam ở Hội đồng Bảo an LHQ

Việt Nam ở Hội đồng Bảo an LHQ

- Nguyễn Quang — published 08/01/2008 00:48, cập nhật lần cuối 08/01/2008 10:37
Vị trí quốc tế của Việt Nam đã được thừa nhận qua việc tham gia WTO và trở thành thành viên Hội đồng Bảo An. Nhưng trong những hồ sơ nóng bỏng mà HĐBA sắp phải thảo luận, VN vẫn chưa có lập trường.

Ngoại giao quốc tế


Việt Nam tai Hội đồng Bảo an LHQ


Nguyễn Quang



Bắt đầu từ ngày 1 tháng giêng 2008, và trong hai năm 2008-2009, Việt Nam ngồi ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, trung tâm quyết định của Liên Hợp Quốc, và sẽ làm chủ tịch Hội đồng Bảo An trong 6 tháng, kể từ ngày 1 tháng 7 tới. Tất nhiên, với tư cách thành viên không thường trực, Việt Nam không có quyền phủ quyết, nhưng không phải vì thế mà sẽ chỉ đóng vai trò cây cảnh. Ở cương vị chủ tịch hội đồng, phần nào Việt Nam sẽ làm chủ lịch trình nghị sự và nhật thứ. Quan trọng hơn nữa, cùng với Indonesia (cũng là thành viên không thường trực) và Trung Quốc (thành viên thường trực), Việt Nam sẽ đại diện cho khối 53 quốc gia châu Á. Đứng về mặt hình ảnh quốc tế, đó là thành quả của cả một quá trình. Mấy ai còn nhớ rằng trong những năm 80 của thế kỉ trước, vì đưa quân sang và chiếm đóng Campuchia, Việt Nam đã bị thế giới tẩy chay ? Phải hơn một thập niên sau đó, nhờ hiệp định hoà bình năm 1991, dưới sự bảo trợ của LHQ, Việt Nam mới giải kết được ở Campuchia và nối lại quan hệ bình thường với các nước phương Tây cũng như với ông bạn láng giềng khổng lồ « trốn trời không khỏi nắng » là Trung Quốc. Cũng phải nói rằng, với sự sụp đổ của khối Liên Xô, « mở cửa » trở thành vấn đề sống còn đối với Hà Nội, và ngày nay khi chế độ đã từ bỏ mũ mão tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản mà chỉ còn giữ lại kĩ thuật đàn áp chính trị, nó đã trở thành đối tác « chơi được » của thế giới tư bản (nghĩa là của thế giới, ít nhất ở giờ phút này).

Sau việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đầu năm 2007, việc Việt Nam vào ngồi ở Hội đồng Bảo an LHQ đầu năm 2008 đánh dấu một thập niên nỗ lực hội nhập của Việt Nam vào cuộc chơi kinh tế và chính trị toàn cầu. Về mặt ngoại giao, các nỗ lực ấy đã thể hiện từ năm 2006 ở mức cao nhất : Hà Nội đón tiếp nhiều nhà lãnh đạo quốc gia và những phái đoàn thương mại, thủ tướng Việt Nam đi thăm chính thức châu Âu và Hoa Kì... Ưu tiên tìm kiếm sự thừa nhận quốc tế rõ ràng đã trở thành chìa khoá của của chính sách ngoại giao « sẵn sàng làm bạn với mọi nước » : một mặt duy trì quan hệ với các đồng minh cũ là Nga, Trung Quốc, Cuba..., mặt khác Hà Nội đã thiết lập quan hệ với những nước thù địch cũ ở châu Âu, Bắc Mĩ, châu Đại Dương... cũng như với những đối tác mới ở châu Mỹ Latinh (đặc biệt là Brasil và Venezuela) và Trung Đông (đặc biệt là Iran). Điều này cũng giải thích tại sao Việt Nam tỏ ra « nhũn » khi bị phương Tây công kích về nhân quyền và dân chủ hay khi bị Trung Quốc khiêu khích về Hoàng Sa và Trường Sa.

Điều nghịch lí là chính ở thời điểm Việt Nam được thừa nhận vị trí trên trường quốc tế (gia nhập WTO, tham gia Hội đồng Bảo an) mà nền ngoại giao Việt Nam gây cảm tưởng là nó đang bị hẫng hụt, đang « chóng mặt ». Bởi vì giữa những cố gắng « vận động », làm « lobby » (để được bầu vào HĐBA) và việc đảm đương đầy đủ trách nhiệm của mình ở HĐBA đúng lúc mà tình hình thời sự (chương trình năng lượng hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên, các cuộc thảm sát ở Darfour, cuộc đàn áp ở Myanmar, quy chế của Kosovo, tương lai của Irak...) buộc HĐBA phải thông qua những quyết nghị tác động trực tiếp tới sự ổn định của thế giới, giữa hai sự việc ấy, có một khác biệt lớn về bản chất. Thế mà trong mỗi vấn đề vừa kể trên, Trung Quốc có phần tham gia thực chất, còn Việt Nam thì chưa hề xác định lập trường chính thức trên bất cứ vấn đề nào. Một nhà ngoại giao phương Tây đã thổ lộ : « Chúng tôi đã gặp những người trách nhiệm ở Bộ ngoại giao Việt Nam và hỏi họ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Kosovo và Sudan ra sao. Họ trả lời là họ chưa có lập trường. Chúng tôi đã gợi ý là họ nên gấp rút nghĩ tới là vừa » (*). Cho dù thành viên mới, trong trường hợp khẩn cấp, có thể « cần thời gian để nghiên cứu các hồ sơ », nhưng sẽ tới lúc mà nhiệm vụ thành viên HĐBA của Việt Nam sẽ đụng chạm tới quyền lợi thiết thân của mình, chẳng hạn như trong quan hệ có tính xung đột với Trung Quốc (cuộc tranh chấp ở Biển Đông rất có thể sẽ được mang ra thảo luận ở hội đồng) hay trong những quan hệ tay đôi mới mà Việt Nam đã dày công tạo dưng (thí dụ như với Iran). Giải pháp dễ dàng nhất là bỏ phiếu trắng, nhưng trong trường hợp bỏ phiếu xấp xỉ ở HĐBA, người ta chờ đợi ở nước chủ tịch những sáng kiến chủ động hơn là để đại diện của nó đánh « bài lỉnh ». Tóm lại, cái ghế ở HĐBA mà Việt Nam mong muốn ngồi vào từ bấy lâu nay có cơ trở thành « hot seat » (cái ghế nóng bỏng), nói theo tờ báo tiếng Anh của Singapore.


Nguyễn Quang


(*)Theo báo The Strait Times, ngày 5.12.2007.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss