Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / VÕ NHƯ LANH (1948-2014)

VÕ NHƯ LANH (1948-2014)

- Diễn Đàn — published 24/11/2014 16:22, cập nhật lần cuối 24/11/2014 16:22



Nhà báo
VÕ NHƯ LANH
từ trần

lanh

Nhà báo Võ Như Lanh (sinh năm 1948) vừa từ trần ngày 23.11.2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau nhiều tháng trọng bệnh (ung thư phổi). Anh là tổng biên tập đầu tiên của báo Tuổi Trẻ, rồi là người sáng lập và tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Võ Như Lanh là một trong những lãnh tụ của phong trào sinh viên học sinh miền Nam, chủ tịch Tổng hội sinh viên Đại học Vạn Hạnh, bị chính quyền Thiệu bỏ tù. Năm 1973, sau Hiệp định Paris, anh ra tù và sang Pháp hoạt động cho đến tháng 5.1975. Năm 1974, anh đã triệu tập Đại hội sinh viên hải ngoại tại Paris.

Anh để lại trong lòng đồng nghiệp và bạn bè ở Việt Nam và nước ngoài niềm mến phục và tiếc thương vô hạn.

vonghoa


Một đời làm báo vì người đọc


Tuổi Trẻ - Đến chia tay nhà báo Võ Như Lanh, bạn bè, đồng nghiệp của ông ai cũng kể về niềm say mê đến phút cuối cùng của ông với những bài báo, với nghề báo. 

Ông là người kiến tạo, người xác lập, người dẫn dắt con đường, số phận của tờ báo” - nhà báo Huỳnh Sơn Phước trầm ngâm nói.


Và tờ báo mà ông Phước nói đến, tờ báo đầu tiên mà ông Võ Như Lanh đặt tâm huyết, say mê của mình vào đó, chính là báo Tuổi Trẻ.

Biết đọc báo thì biết làm báo


Ông Trần Minh Ðức (Ba Lãng), người mà ai cũng biết với vai trò một trụ cột của báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện làm ngạc nhiên những người đi sau:


Tháng 7-1977, tôi về Tuổi Trẻ theo đề nghị của anh Lanh với tâm trạng ít nhiều trống rỗng, yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần, cứ để mình bị trì kéo bởi những hình ảnh, kỷ niệm cũ. Tôi là một anh phóng viên suốt hơn năm trời chỉ viết được ba, bốn bài, không có máu mê làm báo. Tôi xoay sang nhận nhiệm vụ xây dựng Tuổi Trẻ thành cơ quan hoàn chỉnh. Tôi theo sau anh Võ Như Lanh, góp nhặt các chất liệu, tư tưởng để nhào nắn lại thành nguyên tắc, phương châm, cơ sở để xây dựng đội ngũ”.


Làm tổng biên tập, ông Võ Như Lanh luôn bức bối và yêu cầu tất cả những người xung quanh cũng phải cùng bức bối.

Ông không bao giờ tỏ ra hài lòng với số báo hôm qua, kế hoạch, đề tài số báo sắp tới.


Ngày ấy Tuổi Trẻ chỉ mới ra một tuần một số vào ngày thứ sáu với 12 trang mà ông Ba Lãng so sánh rất hình tượng: “Như một đứa trẻ sơ sinh gầy guộc nằm trong đôi tay khẳng khiu của bà mẹ thiếu sữa, suy dinh dưỡng”.


Thế nhưng có rất nhiều buổi tối, tổng biên tập Võ Như Lanh bắt anh em phóng viên, biên tập ngồi từ tối tới gần nửa đêm, bất động cả tay chân và miệng để suy nghĩ, để tìm kiếm, để đề xuất cách làm báo “sao cho coi được”.


Cứ thế, vừa dẫn dắt, gợi mở, vừa thúc đẩy, phản biện, ông Võ Như Lanh đã cùng đội ngũ xác lập nên những giá trị cốt lõi của báo Tuổi Trẻ:

1. Làm báo một cách chuyên nghiệp. 2. Ðáp ứng nhu cầu được biết của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên. 3. Thông tin một cách nghiêm cẩn, nhanh chóng, đầy đủ, khách quan tình hình mọi mặt đời sống, chính trị, xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế đến người đọc. Làm báo vì một nước VN giàu mạnh, văn minh, dân chủ, người dân sống tự do, hạnh phúc.

Những giá trị ấy vẫn là mục tiêu lý tưởng của Tuổi Trẻ cho đến hôm nay.


Ông Huỳnh Sơn Phước, người có hơn 30 năm gắn bó với Tuổi Trẻ, trong đó 25 năm là phó tổng biên tập, chia sẻ: “Năm 1980 tôi vẫn còn là phóng viên của Ðài phát thanh Giải phóng. Khi thấy được màu sắc của báo chí thật sự manh nha trên Tuổi Trẻ, khi chia sẻ được những quan điểm nghề nghiệp, tôi theo anh Lanh về Tuổi Trẻ để được làm báo một cách chuyên nghiệp”.


Từ đó, cả nhà báo Võ Như Lanh lẫn nhà báo Huỳnh Sơn Phước đều có một câu cửa miệng nhắc nhở các phóng viên của mình: “Hãy đặt mình vào vị trí của người đọc mà viết báo”.

Hôm nay, nhớ lại những ngày sôi nổi ấy, ông Phước vẫn còn ngạc nhiên: “Tôi được đào tạo báo chí bài bản ở đại học, làm báo từ những ngày học sinh, trong khi anh Lanh là người học ngành xã hội học lại có cái nhìn sắc bén về báo chí đến như vậy. Những điều hành của anh trong làm báo đều sắc sảo và chính xác. Trong đời, đã rất nhiều người hỏi anh Lanh học làm báo ở đâu? Anh trả lời: Tôi biết làm báo từ lúc biết đọc báo”.


Không khí làm báo chuyên nghiệp, đầy nhiệt huyết ấy đã thành lực hấp dẫn để hút về cho Tuổi Trẻ những người làm báo đúng nghĩa: Nam Ðồng, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Trọng Chức, Ðoàn Khắc Xuyên, Lê Văn Nghĩa, Lý Quý Chung, Kim Hạnh, Hàng Chức Nguyên... Và từ đó, tên tuổi của Tuổi Trẻ cũng được định hình.


Tờ báo phải sống được bằng người đọc


Trần Thị Ngọc Huệ, tổng biên tập Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, nơi ông Võ Như Lanh là người sáng lập và làm tổng biên tập suốt 16 năm (1990-2006), nhận định: “Bây giờ nhiều khái niệm hóa ra là chuyện đương nhiên với chúng ta, nhưng hơn 20 năm trước đây, cổ vũ, thúc đẩy những chuyện đó không phải là chuyện đơn giản. Nhà báo Võ Như Lanh đã xác định ngay từ đầu cho Thời báo Kinh Tế Sài Gòn là ủng hộ hết lòng cho một nền kinh tế phát triển lành mạnh, tạo mọi điều kiện cho cạnh tranh, thúc đẩy nền kinh tế nước nhà bền vững và bình đẳng trong hoạt động”.


Với báo Tuổi Trẻ, tư tưởng ấy của ông đã thấm vào chính hình vóc của Tuổi Trẻ từ rất sớm.


Từ năm 1980, tổng biên tập Võ Như Lanh đã xác định: một tờ báo vì người đọc phải sống được bằng người đọc, để cởi bỏ bao cấp về tư tưởng phải thoát được bao cấp về kinh tế.


Tư tưởng ấy của ông, may thay, lại gặp được ngay sự ủng hộ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt.


Từ đó, ban biên tập Tuổi Trẻ chủ động xác lập quan hệ với nhà máy giấy Tân Mai, Bãi Bằng cung cấp nguyên liệu, hóa chất cho nhà máy để mua giấy.


Số bản in tăng lên, hàng trăm bạn đọc mới xuất hiện hằng ngày. 1979, Tuổi Trẻ đã tăng số phát hành lên 3 kỳ/tuần; 1983, đã thực hiện được phương án tự chủ tài chính, đến 1985 thì Tuổi Trẻ thật sự sống được bằng sự chi trả của người đọc, có tiền đóng thuế cho Nhà nước.


Không học báo chí, nhưng ông là nhà kiến tạo báo chí tài ba. Không học kinh tế, nhưng ông đã mở đầu cho việc quản trị tờ báo như một công ty, không phải như một cơ quan hành chính. Chúng ta đã được thừa hưởng những tài sản mà ông khởi tạo, được đi tiếp con đường mà ông mở ra” - ông Huỳnh Sơn Phước lặp lại, tự hào với người đàn anh của mình.


Anh cả của báo Tuổi Trẻ”, những người làm báo Tuổi Trẻ đều gọi ông Võ Như Lanh như thế. Với Tuổi Trẻ là như vậy và với Thời báo Kinh Tế Sài Gòn cũng thế.


Những người làm báo đi sau như chúng tôi thấy mình thật hạnh phúc khi có những người mở đường như vậy...



Trên giường bệnh vẫn quan tâm đến báo chí


Đến với ông Võ Như Lanh những buổi cuối cùng này, những người bạn của ông không quên mang đến những tờ báo.

Trong bệnh viện, sáng nào ông ấy cũng dặn mang báo, mang tài liệu đến như ngày làm việc bình thường và ông cũng vẫn đọc bình thường” - bà Lê Thị Điệp, người bạn thân thiết từ những ngày hoạt động phong trào SVHS ở Đại học Vạn Hạnh, kể.

Không thích người khác nhìn thấy mình đau bệnh, ai vào thăm, ông cũng chỉ nói chuyện làm báo, hỏi những diễn biến trong đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị những ngày sôi động này. Và chỉ có tuần cuối cùng, khi tay yếu không cầm được tờ báo, khi mắt mờ không đọc được con chữ, ông mới để người thân thấy vẻ tuyệt vọng hiện trên gương mặt mình.

NGUỒN : Tuổi Trẻ, ngày 14.11.2014



Võ Như Lanh, người của những dấu ấn


Nam Đồng


(Pháp Luật) - Sáng 23-11, tin buồn về nhà báo Võ Như Lanh ra đi đã khiến giới báo chí bàng hoàng tiếc thương. Pháp Luật TP.HCM xin ghi nhận lại tình cảm của người làm báo cùng thời và thế hệ làm báo sau này về một người anh đáng kính.

Năm 1969, tôi là sinh viên ĐH Y khoa đồng thời là sinh viên năm ba của ĐH Vạn Hạnh và anh Võ Như Lanh học năm tư cùng trường. Môn khó nhất đối với tôi là môn nhân chủng học. Lúc này, chúng tôi là cơ sở cách mạng, tổ chức có chỉ đạo là lập ra những hình thức biến tướng, tức những hình thức trung gian tập hợp sinh viên để tuyên truyền cách mạng. Anh Lanh lúc đó cũng nhận chỉ thị tổ chức ra những nhóm biến tướng, là lớp bồi dưỡng về nhân chủng học. Lần đầu tiên tôi biết anh Lanh qua lớp đó.

Người thiết kế đường lối của Tuổi Trẻ


Anh Lanh lúc đó còn là chủ tịch sinh viên ĐH Vạn Hạnh, còn tôi là tổng thư ký sinh viên Phật tử Vạn Hạnh. Lúc ấy ở ngay Sài Gòn có thể nói có ba lãnh tụ đấu tranh nổi tiếng nhất là Huỳnh Tấn Mẫm (Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), Lê Văn Nuôi (Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn), Võ Như Lanh (Tổng hội Sinh viên ĐH Vạn Hạnh - một trung tâm đấu tranh thuộc loại dữ dội tại ĐH Vạn Hạnh). Sau đó tôi thoát ly ra vùng giải phóng, anh Lanh bị bắt bỏ tù.

Khoảng năm 1973, anh Lanh được trao trả ở Lộc Ninh và tổ chức đưa anh đi Paris để vận động phong trào cách mạng ở nước ngoài. Sau giải phóng, tháng 9-1975, tôi cùng một số anh em nữa cùng về xây dựng nên tờ Tuổi Trẻ. Kiểu cách làm báo lúc bấy giờ cũng giống như làm báo “phong trào” của trước năm 1975. Đại khái là tập họp một số sinh viên-học sinh về 55 Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch bây giờ) ăn chung, ở chung và mỗi ngày có các má, các dì mang gạo, rau và thực phẩm đến để cùng nấu nướng. Còn công việc làm báo thì bất kể ngày đêm…

Mãi đến năm 1977, anh Lanh mới được phân công về làm tổng biên tập. Mặc dầu đã có gặp gỡ anh trước đó nhưng bây giờ làm việc chung, tôi có cảm nhận anh là một người thẳng thắn, có phần nóng nảy và quyết liệt. Bài báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ chống tiêu cực phản ánh ông Nguyễn Minh Xuân, Giám đốc Bến xe Miền Tây, nói về vụ đoàn thanh niên đấu tranh chống tiêu cực với ông giám đốc Bến xe Miền Tây. Ông Nguyễn Minh Xuân (giám đốc) nói rằng: “Còn Nguyễn Minh Xuân này thì không có đoàn thanh niên”. Anh Lanh trực tiếp biên tập và đặt lại cái tựa là “Còn đoàn thanh niên thì không còn Giám đốc Nguyễn Minh Xuân”. Quả nhiên điều này sau đó đã thành hiện thực.

Tiếp theo đó, hàng loạt bài chống tiêu cực ra đời trên Tuổi Trẻ.

Song dấu ấn của tôi đối với anh Lanh không phải ở những bài chống tiêu cực mà là anh là người đặt nền móng, phương hướng và những quy định cụ thể về đường lối tác nghiệp của báo Tuổi Trẻ. Điểm nổi bật nhất tôi không quên và nó có tác động lâu dài cả tới bây giờ, đó là quyết tâm thoát khỏi bao cấp của báo Tuổi Trẻ. Giữa cuối năm nay, tôi được tham dự vào nhóm phản biện viết lịch sử báo Tuổi Trẻ. Anh em chúng tôi (những người trong ban biên tập hồi ấy) đều nhìn nhận rằng anh Lanh như là một nhà kiến trúc sư thiết kế nên vóc dáng, đường lối và thực hiện tờ báo. Người tiếp nối để thực hiện bản vẽ này một cách khá trung thành là chị Kim Hạnh. Chị Kim Hạnh tận tụy, quyết liệt, sáng kiến đưa Tuổi Trẻ có những bước phát triển đột phá nhưng phải nói đường lối chiến lược và phương châm là từ anh Võ Như Lanh. Bên cạnh đó, người bạn tâm đầu ý hiệp là anh Trần Minh Đức (tức anh Ba Lãng), Chủ tịch HĐQT Công ty Thế kỷ 21 bây giờ. Những ngày anh Lanh làm tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, báo còn nghèo lắm nhưng anh em sống gắn bó với nhau, mỗi người một tính khí, nhiều trận cãi nhau nảy lửa nhưng đều cùng mục đích chung và sau đó không ai vướng bận gì trong lòng cả.

Có một kỷ niệm nhỏ mà bây giờ tôi muốn sám hối trước vong linh anh Lanh, đó là có lần nhận định về một công việc liên quan tới một con người, tôi với anh Lanh đụng độ nhau nảy lửa. Vốn coi anh như là một người chân chính, tôi chỉ vào mặt anh và nói rằng : “Anh là một thằng Nhạc Bất Quần!” (một nhân vật quân tử dỏm trong Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung). Anh hồn nhiên trả lời: “Tôi không biết Nhạc Bất Quần là ai cả”.

Ngày ấy, báo Tuổi Trẻ rất nghèo nhưng lâu lâu vẫn tổ chức mượn xe chở nhau đi Vũng Tàu. Tổng Biên tập Võ Như Lanh ra lệnh: “Nhà thì mượn để ở, ăn thì đi chợ mua về tự nấu”.

Chị Hằng Nga lúc ấy lột vỏ tôm xước cả móng tay, càu nhàu : “Mình phải gọi cha Lanh là Tư tự nấu” (bởi anh Lanh còn có bí danh là Tư Cường).

Nhà báo chẳng là cái thá gì…


Sau này, tôi về làm báo Pháp Luật TP.HCM, có tổ chức nhiều khóa đào tạo phóng viên. Trong nhiều bài giảng, tôi luôn nhớ đến những ý của anh Lanh ngày tôi còn làm báo Tuổi Trẻ: “Nhà báo, anh là cái gì? Anh có quyền ban ơn, giá họa tới cho người khác? Anh chỉ là người đưa tin, anh ráng đưa tin trung thực đi. Hoặc giả anh chống tiêu cực ư? Đừng có làm ông Bao Công phán kẻ này chết, kẻ kia sống. Chắc gì anh đúng, đừng có ảo tưởng. Nhà báo chẳng là cái thá gì…”.

Có lần anh kể tôi nghe một câu chuyện có một nhà doanh nghiệp bị nhà báo “làm tay sai cho một thế lực khác” viết sai lệch và có tác hại cho doanh nghiệp. Khi bài báo in ra, nhà doanh nghiệp đó đau khổ vì phải chịu một hậu quả rất nặng nề trên thị trường. Anh Lanh hỏi: “Sao ông không viết thư đến báo nói rõ là bài báo sai?”. Ông doanh nghiệp ấy nói: “Tôi như thằng đứng dưới đất, ông nhà báo đứng trên lầu nhổ nước miếng vào mặt tôi. Tôi phun nước miếng lại thì tôi là người hứng đủ”. Câu chuyện ấy tôi vẫn đem vào giảng dạy trong quá trình đào tạo nhiều lớp phóng viên.

Khi giã từ báo Sài Gòn Giải Phóng về làm Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, anh nói với tôi: “Báo mình sẽ không chống tiêu cực”. Tôi ngạc nhiên. Lúc đó chống tiêu cực trên báo chí như là công việc vinh quang, tại sao anh nói vậy? Anh cười: “Mình làm báo tuần như một dạng tạp chí, cái lớn là truyền thông về chủ trương, chính sách và tác động tới chủ trương, chính sách chứ không phải đi vào những điều cụ thể. Vả lại chuyện cụ thể, tôi nói cho ông nghe, chả có tác động gì đâu, nếu có cũng nhỏ lắm. Đó là chưa kể đa số chuyện chống tiêu cực là cử điểu giữ tha nhân tiểu tiện (cầm chim cho người ta đái)”.

*

Anh Tám Hùng (Đặng Thanh Tâm), Phó Tổng Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, bốn ngày trước gặp tôi có nói giọng buồn: “Mấy hôm nay bác sĩ chỉ truyền đạm cho ảnh thôi, bất cứ thứ gì đưa vào thực quản ảnh đều nôn ra…”. Im lặng một lúc ảnh nói: “Chắc tụi mình phải chia tay với bạn mình thôi”.

Anh Ba Lãng cách đây năm ngày vào thăm thấy anh Lanh gầy quá, anh nói rằng tôi nói ông có nghe được không. Nghe được, ông bóp cái tay tôi đang cầm tay ông đó. Anh Lanh lúc đấy không nói được, bóp tay anh Ba Lãng. Anh Ba Lãng nói tiếp: “Lúc trước tôi bị bệnh chỉ có 33 kg, vậy mà tôi sống thêm 37 năm, bây giờ ông hơn tôi hồi đó, sá gì mình sẽ còn gặp nhau dài dài”. Anh Lanh mỉm cười. Chị Mười Thanh (vợ anh Lanh) nói: “Hai tháng rồi mới thấy ảnh nở nụ cười”…

Tôi mong rằng người bạn thân yêu của tôi mang nụ cười ấy xuống cõi vĩnh hằng.

NAM ĐỒNG (*)

(*) Nguyên Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM

Thanh Mận ghi

NGUỒN : Pháp Luật TP. HCM ngày 24.11.2014


Người sống nhân hậu


Năm 1970, Sài Gòn bùng lên những cuộc hội thảo, bãi khóa, xuống đường sục sôi khói lửa của hàng ngàn sinh viên từ hàng chục trường đại học và học sinh trung học. Tôi và anh Võ Như Lanh là những thủ lĩnh hoạt động trong phong trào đấu tranh của SVHS Sài Gòn lúc bấy giờ. Nhằm chuẩn bị an toàn cho cuộc bầu cử tổng thống với liên danh duy nhất là hai ông Nguyễn Văn Thiệu - Trần Văn Hương diễn ra vào giữa tháng 10-1971, từ đầu tháng 9, Tổng thống Thiệu lệnh cho lực lượng cảnh sát, mật vụ mở chiến dịch càn quét, bắt giam theo “danh sách truy nã” khoảng 120 người gồm các thủ lĩnh và lực lượng nòng cốt của phong trào SVHS Sài Gòn. Ở Chí Hòa, hơn 40 SVHS chúng tôi sống chung một phòng giam tập thể. Sáng 22-7-1973, người ta đọc tên danh sách SVHS và trí thức đi trao trả cho Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Lộc Ninh.

Tiếng loa đã hơn con số 20 người rồi mà vẫn không nghe tên tôi. Nhóm 23 người đi trao trả vội xốc chiếc ba lô lên vai, lần lượt chia tay anh em. Anh Lanh trong bộ đồ nâu bước đến ôm vai tôi: “Anh đi trước. Em sớm muộn gì cũng được tự do. Em ở lại ráng cùng anh em bảo vệ quyền lợi mình đã đạt được nha!”. Tôi muốn nói với anh nhưng nghe se thắt trong ngực và cổ họng như có gì chặn ngang; nếu cố nói, nước mắt sẽ trào ra. Nên tôi nín lặng, chỉ bóp chặt tay anh Lanh… như một lời hứa hẹn…

Qua những năm tháng kết bạn với anh Lanh trong thời chiến và thời bình, trong thời gian làm chung báo Tuổi Trẻ và cùng hoạt động trong làng báo Sài Gòn từ 1992 đến 2003, tôi thấy mình đã  học hỏi được từ con người anh Võ Như Lanh hai đức tính: Phải luôn tư duy sáng tạo trong phương cách làm báo và lối sống nhân hậu với con người.

Lê Văn Nuôi

nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ 1992-2003


NGUỒN : Pháp Luật TP. HCM 24.11.2014




Đồng nghiệp nói về Võ Như Lanh



Vĩnh biệt một nhà báo lớn.

Có một điều ít ai biết là anh Lanh tự nguyện thôi làm Tổng biên tập TBKTSG vào năm 2006, hai năm trước khi anh đến tuổi về hưu nhằm chuyển giao cho thế hệ trẻ hơn. Và khi đã nghỉ hưu, không như một số người nhầm tưởng, anh không can thiệp gì vào nội dung tờ báo nữa – một cách dứt khoát (góp ý thì đương nhiên là có).

Nguyễn Vạn Phú, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn (TBKTSG)


Võ Như Lanh mới thực sự là tổng biên tập đầu tiên của Tuổi Trẻ dù trước anh có những nhà lãnh đạo khác và thời kỳ rực rỡ nhất của tờ báo này là thời Vũ Kim Hanh (1983-1991).

Tôi rất biết ơn anh vì năm 2001, khi anh Đoàn Khắc Xuyên giới thiệu tôi về Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tôi có ra điều kiện, "Anh phải cho em đi học tiếng Anh, em muốn biết tiếng Anh"; anh nói, "rất hoan nghênh; chính tôi cũng muốn biết tiếng Anh". Năm 2005, khi nhận học bổng đi học một năm ở Mỹ, anh nói, "Huy Đức nên ra khỏi biên chế đi, nếu trong biên chế Thành ủy không cho Huy Đức đi đâu"; ý kiến anh thật là xác đáng.

Lần duy nhất thấy anh bối rối là khi ở nhà anh Nguyễn Thanh Toại, một vị bộ trưởng (của Chế độ CHXHCNVN) hỏi anh: "Lanh có hối hận khi ủng hộ Hà Nội chống Sài Gòn hồi trước 1975?". Anh Võ Như Lanh không trả lời.

Cho dù anh trả lời thế nào, "sếp" của tôi, Võ Như Lanh, vẫn là một trong rất ít nhà báo sau 1975 ở Sài Gòn mà tôi kính trọng. Kính mong anh yên nghỉ.

Huy Đức


"Có cái đách gì mà sợ !". Anh ấy gằn giọng khi ngồi ăn cơm hai người trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (hà nội). Mình lúc ấy là thằng nhóc miền Nam thường trú thủ đô.

"Có cái đách gì mà buồn !". Anh ấy nói khi mình vừa bị rút thẻ nhà báo.

Bùi Thanh


Khi còn làm Tổng biên tập, mỗi lần có một bài báo được lệnh không đăng, hay một bài báo quá trung thực, thẳng thắn bị phía quản lý nhà nước rầy rà vì anh Lanh và những người như anh muốn phản biện với chính sách của nhà nước hay những trì trệ của xã hội.

Bị phía quản lý của nhà nước rầy rà thì anh Lanh nói: "Để mai mốt triển lãm". Cuộc triển lãm đó anh đặt tên là "Triển lãm rủi ro trong nghề báo". Tên gọi cuộc triển lãm là để nói câu chuyện phía sau những trang báo được in, được đăng, là những mong muốn cái cách xã hội, những khát vọng dân sinh của người làm báo bị cấm đoán, một thứ vòng kim cô chính trị, bó buộc tự do báo chí mà một Tổng biên tập như anh Võ Như Lanh mong muốn phá bỏ. Vì những lý do đó anh đứng ở vị trí một ngọn cờ.

Giờ đây anh mất đi, dù anh đi hay ở, anh gần hay xa, anh vẫn mãi mãi là một ngọn cờ. Biết vậy, nói vậy, nghĩ vậy nhưng anh đi lúc này, với chúng tôi, những người bạn, những tên lính lì, những "hậu duệ", những đồng nghiệp của anh, thì vẫn là một thứ rủi ro.

Chúng tôi yêu quý và tôn kính anh. Vì vậy chắc gì anh đi mà thanh thản.

Chúng ta còn nợ nần nhau. Chán anh quá!

Sao đi mà không bảo gì nhau vậy anh?

Huỳnh Thanh Diệu



Tôi kẻ hậu sanh, dám đâu là nhận biết anh.

Anh rời Thành Đoàn khi tôi còn dưới quê thơ dại. Anh rời Tuổi Trẻ khi tôi chưa biết tới Thành Đoàn. Rồi nhờ duyên phận nên anh em cũng gặp được nhau. Ban đầu từ những cuộc họp mặt các thế hệ Tuổi Trẻ rồi đến những bữa họp bàn chương trình học bổng dạy nghề "Nhất Nghệ Tinh" (anh Hàng Chức Nguyên cũng là người bàn bạc và cùng tham gia sáng lập chương trình này).

Tôi tham gia chương trình này như một loại công việc còn anh đeo đuổi như trách nhiệm của mình với xã hội, với non sông. Không dừng ở chuyện học bổng, khi tôi về NXB, anh chủ động kêu tôi qua bàn để phối hợp với các anh chị ở Uỷ ban tương trợ người Việt Nam ở Đức, xuất bản các đầu sách dạy nghề cho thanh niên Việt Nam.

Bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cản trở, anh cùng với các anh chị ngày đêm tháo gỡ. Đến hôm nay, cuốn cơ khí và cuốn điện đã ra đời. Khó khăn còn đó nhưng con đường đã rõ. Công việc còn đó mà anh đã ra đi.

Vĩnh biệt anh, một cán bộ Thành Đoàn xuất sắc và có chính kiến. Vĩnh biệt anh, một nhà báo lớn, một người quản lý có tầm. Vĩnh biệt anh, một con người có tâm với xã hội mà em may mắn được quen. Anh hãy yên tâm nghỉ ngơi trong cõi vĩnh hằng. Dự án làm sách mà anh em mình đã thống nhất thì em sẽ tiếp tục triển khai. Em đây tuy nhỏ nhưng cũng là em anh nên không có chuyện nói hai lời. Vĩnh biệt Anh - Anh Võ Như Lanh.

Nguyễn Minh Nhựt, Nhà Xuất bản Trẻ


Vừa nghe tin anh Võ Như Lanh, tổng biên tập đầu tiên của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn qua đời. Đã biết anh lâm trọng bệnh mà khi nghe tin anh ra đi vẫn thấy choáng váng, nước mắt tuôn rơi.

Anh Lanh là nhà báo mẫu mực, một tổng biên tập tài giỏi, chính trực hiếm có ở làng báo Việt Nam này. Anh Lanh có ảnh hưởng lớn thế nào đến tư tưởng của thế hệ nhà báo cùng thời đại anh, chắc sẽ có rất nhiều người sẽ nói về điều đó. Saigon Times Group là nơi tôi thực sự bắt đầu được học cách làm báo chuyên nghiệp. Có rất nhiều anh chị ở đây đã trở thành những người thầy của tôi, anh Lanh là một trong những người đó.

Anh Lanh là người cởi mở, tin tưởng vào con người. Đi họp giao ban anh đứng lên nói thẳng lắm. Nói chung là người giỏi mà lại tốt, không bao giờ biết luồn cúi.

Lan Anh, Forbes Việt Nam



Năm đầu tiên mình trở thành phóng viên trẻ ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh Võ Như Lanh ra Văn phòng Hà Nội và mời mình đi ăn trưa. Phong cách giản dị, gần gũi của anh khiến mình trở nên cởi mở và vui vẻ thay vì hơi rụt rè như bình thường.

Hai anh em ăn trưa là bánh cuốn phố cổ, nói chuyện nhiều đến mức thành ăn tối luôn. Giữa cuộc nói chuyện, mình chợt nhận ra cuộc sống của mình đã thay đổi đến thế nào khi được làm việc trong một môi trường thân thiện và có tâm thực sự vì báo chí chứ không vì mục đích thương mại hay chính trị, các phóng viên được ủng hộ để làm việc hết mình mà không phải chịu sự đố kỵ cá nhân trong toà soạn hay những sức ép tư lợi khác.

Mình nói: "Anh là sếp đầu tiên mà em nói chuyện nhiều đến thế. Bình thường em sợ sếp lắm". Anh cười to.

Chắc anh không biết rằng việc anh không phải là một vị sếp báo chí quan cách, mà có tâm trong sáng và thực sự vì nghề, có ý nghĩa như thế nào với một phóng viên trẻ, chỉ quan tâm đến chuyên môn như mình. Năm tháng trôi qua, vài lần vào SG gần đây, mình tự nhủ sẽ đến thăm anh. Nhưng nhiều việc quá nên mình đã không đến. Bây giờ không còn kịp nữa.

Tạm biệt anh, anh Võ Như Lanh, người đã mang đến môi trường toà soạn báo chí lành mạnh và thực sự vì báo chí.

Trần Lệ Thùy


Ở Sài Gòn, có nhiều nhà báo đáng kính trọng cả về tư tưởng, nghề nghiệp, phẩm chất, hơn nhiều ở Hà Nội. Có những người như anh Võ Như Lanh, mình mới được gặp 1 lần, không được học gì ở anh, mà anh đã đi. Xin thành thật chia buồn với những người thân, những bạn bè thân thiết của anh, với các anh chị, các bạn ở Saigon Times Group, báo Tuổi Trẻ...

Mạnh Quân


Anh Lanh đi rồi!!!!!!

Buổi sáng hay tin anh ra đi, mãi đến giờ khi ngồi viết lại vài dòng nhớ đến anh mà tôi vẫn nghẹn ngào. Rất nhiều anh chị em từng làm việc cùng anh ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã viết nhiều về anh về một Tổng biên tập đáng kính của làng báo Sài Gòn.

Tôi cũng có cái may mắn được làm “lính” của anh 7 năm, nhiều người có nhiều kỷ niệm với anh trong công việc, trong nghề báo… Riêng với tôi, bài học đầu tiên anh dạy cho tôi không phải về nghề báo mà về môi trường, khi tôi thấy anh cuối xuống cầu thang nhặt tàn thuốc lá bỏ vào thùng rác. Lúc đó là năm 1996, khi tôi mới vào làm cộng tác viên ở Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hình ảnh một ông Tổng biên tập nhặt rác ở cầu thang cứ in mãi trong tâm trí của tôi đến bây giờ.

Có rất nhiều điều tôi muốn kể về anh, nhưng gần như mọi người đã kể hết rồi. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với anh, nhưng nhớ hoài là khi tôi nói lời chia tay anh, chia tay Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh đã siết chặt tay tôi và nói: “Anh rất quí em, em ra đi anh cũng tiếc lắm, nhưng em phải ra ngoài để trưởng thành em à.” Lúc đó tôi hiểu anh là người biết rõ lý do tôi rời khỏi Thời báo Kinh tế Sài Gòn, anh hiểu và thông cảm cho tôi, tôi cảm ơn anh về điều đó.

Mãi mãi nhớ đến anh, một người sếp, một người thầy, một người anh tôi luôn quí trọng.

Mỹ Xuân

NGUỒN : BBC 24.11.2014

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss