Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vụ "Quán Cụ Hồ" đi tới đâu rồi ?

Vụ "Quán Cụ Hồ" đi tới đâu rồi ?

- Tổ Phóng Viên Diễn Đàn — published 27/12/2011 14:50, cập nhật lần cuối 21/09/2012 07:58
Phần I



Vụ « Quán Cụ Hồ » đi tới đâu rồi ?


Tổ Phóng Viên Diễn Đàn


Hơn 2000 chữ kí "bảo vệ gia đình Võ Văn Thận"


Tính đến ngày 26.12.2011, 2030 người đã ký tên vào bản kiến nghị phản đối quyết định "dẹp" quán Monge và bảo vệ "gia đình Võ Văn Thận và nhân viên phục vụ". Hơn một nửa là người dân quận 5, khách hàng quen của quán ăn. Thành phần xã hội thực là đa dạng : thương gia, lao động, nhà giáo, nhà khoa học, sinh viên, nghệ sĩ, luật gia, công chức (chúng tôi đếm có mấy người là "cẩm" cảnh sát), ông thị trưởng Quận 14, nhiều nhân viên tòa thị chính các quận 5, 13, 14 Paris. Trong số đông đảo người Việt Nam ký tên, có những người sống trong nước, đã từng có dịp sang Pháp và biết "Quán Cụ Hồ" và chủ quán - nhà thơ : nhà kinh tế Lê Đăng Doanh, các nhà thơ nhà văn Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Dương Tường, Hoàng Hưng, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Đà Linh Nguyễn Đức Hùng, Minh Thái, họa sĩ Phan Ngọc Minh, nhà giáo Phạm Toàn, Trần Trí Dõi, Nguyễn Thị Từ Huy, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Hồng Cổn, nhà báo Ý Nhi, Hồ Nhật Thảo, nhà khoa học Vũ Hải Long... Từ các nước Âu Mỹ : Nguyễn Minh Thọ, Nguyễn Huỳnh Mai, Roland Poirrier (Bỉ), Hoàng Văn Khẩn, Đỗ Tuyết Khanh, Hồ Văn Tiến, Lê Phạm Ngưng Hương, Lê Huy Sơn, Phan Quốc Tuyên, Hồ Thị Như Quỳnh, Nguyễn Thị Trâm - Berger (Thụy Sĩ), Nghiêm Xuân Kính, Lê Hải Lý, Trần Văn Cung, Trần Thu Thủy, Vũ Mạnh Cường (Đức), Ngô Vĩnh Long, Vũ Quang Việt, Đào Vân Hương, Đinh Cường, Nguyễn Đình Thuần, Đỗ Kh. (Hoa Kì), Turine Trần Việt Tú (Anh), Đào Hữu Dũng (Nhật). Tại Pháp, trong số những người ký tên : Hà Dương Tuấn, Đặng Tiến, Phạm Xuân Yêm, Bùi Đức Hào, Bùi Đức Thị Vân, Bùi Chưởng, Colette Bùi Trọng Liễu, Lê Thành Khôi, Thẩm Hồng Anh, Trần Bích Thủy, Vũ Ngọc Quỳnh, Nguyễn Ninh, Nguyễn Thị Xuân Sương, Nguyễn Văn Khoa, Cao Thiện Phước, Đinh Cao Minh, Trần Tố Nga, Phan Hồng Hạnh, Joël Luguern, Phan Văn Trà, Trần Hải Hạc, Phạm Thị Uyên, Phạm Tư Thanh Thiện, Nguyễn Chí Thiện, Nguyễn Đình Lan, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Ngọc Giao, Trần Tứ Nghĩa, Hoàng Thị Minh Nguyệt, Đặng Nhất Lập, Giang Marc, Đặng Lãm Thúy, Đặng Tam, Ngô Thiện Hớn, Phạm Văn Đỉnh, Nguyễn Đình Hải, Hà Dương Tường, Nguyễn Thị Thanh Tùng, Nguyễn Phạm Đôn, Phạm Lê Tuấn, Phạm Nicole, Phan Phạm Thúy, Thái Quang Nam, Trần Đình Nam Anh, Vũ Ngọc Oánh, Vũ Quỳnh Châu, Nguyễn Vũ Thị Xuân Phương, Đặng Đình Cung, Nguyễn Quang Đỗ Thống, Vũ Văn Luân, Nguyễn Trọng Hùng, Nguyễn Nam Trân, Đào Bạch Tuyết, Trần Minh Tâm, Bùi Thái Khánh Linh, Trương Anh Loan, Đào Dương Anh, Vương Quan Mai, Vương Nina...

Trong bài Ai gửi côn đồ tới cướp phá "Quán Cụ Hồ" ? đăng trên Diễn Đàn ngày 13.11.2011, chúng tôi đã tường thuật vụ phá cửa đột nhập Foyer Việt Nam (ở số 80, rue Monge, Quận 5, Paris) sáng thứ bảy 12.11.2011. Bảy tám người Pháp, dưới sự chỉ huy của hai anh em ông N.B. (người mang giấy « ủy quyền » của đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), đã tỏ rõ trình độ của một đội biệt kích lão luyện. Trong vòng ít phút, họ đã gần như đồng thời tiến hành mấy công đoạn sau đây :

  • đập vỡ 4 ô kính ở cửa vào quán ăn, bẻ khóa, đột nhập tầng trệt (phòng quán ăn), sau đó chặn bít tất cả các cửa trước và sau và các cửa nhà bếp, bịt kít hàng chục mét vuông các cửa kính trông ra phố Monge và phố Pestalozzi

  • xông lên lầu, dồn vợ chồng ông Võ Văn Thận, hai con gái nhỏ (5 và 8 tuổi) và hai con trai nhà thơ Thanh Thảo (ở tạm trú trên đường từ Ý về nước) vào hai căn phòng nhỏ, không có phòng vệ sinh, không nước, không bếp núc.

  • mang một tấm gỗ chữ nhật, với kích thước đã đo đạc vừa khít, bít lối thông ra cầu thang xuống tầng dưới.

  • thay máy điện thoại bằng một máy khác, có sẵn lời nhắn « Quán Monge tạm đóng cửa, sửa sang ». Những áp phích với nội dung tương tự cũng được dán trên cửa kính trông ra hai mặt đường.

cuavao
Cửa vào quán Monge bị đập vở 4 ô kính, bẻ khóa, bịt kín bằng 2 tấm ván và khóa chặt bằng hai sợi xích (ảnh biên bản của thừa phát lại).
  • Thế là nội bất xuất, ngoại bất nhập, họ chiếm lĩnh toàn bộ tầng trệt và tầng hầm, lục lọi đồ đạc, mang đi các hồ sơ giấy tờ sổ sách, những vật dụng, họa phẩm mà đến nay hình như chủ quán vẫn chưa có can đảm kiểm kê đầy đủ (điều chắc chắn là số tiền 600 Euros mà anh Hồ Nhật Thảo nhận lời của một « chú Việt Kiều » mang về cho người anh ruột ở Đà Nẵng đã không cánh mà bay ra khỏi cái phong bì còn ghi tên và địa chỉ người nhận). Gia đình ông Võ Văn Thận khó có thể sống trong khung cảnh ấy, ắt sẽ phải dọn đi nơi mà họ không cần trục xuất thêm bằng võ lực.

    Sự tính toán và thực hiện gần như hoàn hảo : ông Thận có khiếu nại và đòi người chủ phải bồi thường, sa thải theo đúng luật lao động của nước Pháp, thì cứ khiếu nại, mọi sự sẽ tính sau. Trụ sở này, người đứng tên ký hợp đồng thuê là sứ quán Việt Nam tại Pháp, mà quan hệ Việt-Pháp lại đang tốt đẹp, chắc rằng chính phủ Pháp sẽ chẳng xía vô một chuyện « nhỏ như con thỏ » như vậy – ông tham tán bí thư đảng ủy đã từng tuyên bố một câu xanh rờn trước đó mấy tháng với ông Thận : « Quán Monge là lãnh thổ Việt Nam, chuyện này chỉ cần 48 giờ chúng tôi giải quyết là xong, tôi nói anh có hiểu không ? ». Làm việc gần 11 năm trời, nhưng không có hợp đồng lao động, giấy lương không có một tờ, đương sự cứ đi kiện đi, có khi « con kiến lại kiện củ khoai » cho mà xem.

Trong khi chờ đợi, « Quán Monge » được sửa sang, làm mới, sẽ « không là của tư riêng, không nhằm mục đích có lợi nhuận, chỉ để hỗ trợ các sinh hoạt hội đoàn nhờ phòng sinh hoạt sẽ được thành lập và quán ăn tập thể » như lời khẳng định chắc nịch trên trang mạng www.foyer-vietnam.org (mới xuất hiện cùng ngày với cuộc biệt kích), hay chỉ là một cái bình phong, để sẽ mở ra ở đây, với hợp đồng mới, một công ti làm ăn gì đó, với vốn liếng từ đâu đó, như thông tin của một cán bộ sứ quán cho chúng tôi biết (với điều kiện là chúng tôi không được phép tiết lộ danh tính) ? Xét cho cùng, sứ quán là người đứng ra thuê nhà theo hợp đồng, thì sứ quán hoàn toàn có quyền chỉ định người quản lý, hay thương lượng với chủ nhà để chấm dứt hợp đồng trước kỳ hạn và giới thiệu người thuê khác, ký hợp đồng làm ăn khác...

bitkin
Cửa kính hai mặt tiền bị che kín (ảnh biên bản của Thừa phát lại).

Chỉ có điều, làm gì thì làm ở trụ sở 80 phố Monge, cũng không được quên rằng đây là lãnh thổ Pháp. Đây không phải là nơi có đặc quyền ngoại giao (extraterritorial) như trụ sở sứ quán, mà là trụ sở thương mại, phải tuân thủ pháp luật của nước Pháp về thương mại, về lao động... Không thể hô một tiếng, là người làm thuê phải « giải tỏa », « 48 giờ là giải quyết xong », như lời phán của ông bí thư đảng ủy (khổ một nỗi, ông í có vẻ rất tin vào điều mình nói). Có lẽ cũng nên thông cảm với ông ta, bộ máy tổ chức cử ông ấy sang công tác « đảng », chắc không kịp đào tạo những điều sơ đẳng nhất về ngoại giao và pháp lý. Điều khó hiểu hơn, là những người lãnh đạo đương nhiệm của Hội người Việt Nam tại Pháp (là người đã sử dụng ông Võ Văn Thận từ ngày 1.1.2001 đến 10.5.2011) cũng ù ù cạc cạc về pháp luật như vậy : họ cho rằng không có hợp đồng lao động, ông Thận làm « chui », thì sa thải lúc nào, thế nào cũng được. « Hội » chịu đưa một số tiền tượng trưng, không chịu thì « Hội » trả lại sứ quán, lúc đó đừng trông chờ sẽ được bồi thường gì hết. Thế là « Hội » đã giữ lời : một văn thư của sứ quán xác nhận là kể từ ngày 10.5.2011, HNVNTP đã trao trả Quán Monge cho sứ quán, và ngày 2.9.2011 sứ quán đã ủy nhiệm cho ông N.B. làm quản lý Quán Monge. Ông N.B. là một doanh nhân ăn nên làm ra, nhưng hiểu biết về pháp luật cũng hơi bị hạn chế.

Nếu chịu khó tham khảo luật lao động, hay giản tiện nữa hơn, tham vấn bất cứ một luật sư nào có chút hiểu biết về luật lao động, thì các vị biết rằng :

  • khi một người chủ « thuê chui » người làm công, không hợp đồng, không khai báo, thì cả hai đã vi phạm pháp luật, nhưng người chủ phải chịu trách nhiệm lớn hơn.

  • cụ thể, người làm công chỉ vi phạm một điều là có thu nhập mà không khai thuế – và theo pháp luật hiện hành, sẽ phải đóng thuế trên thu nhập của ba năm cuối (từ bốn năm trở về trước thì xí xóa) và một số tiền phạt do sở thuế quy định.

  • còn người chủ sẽ bị phạt nặng và phải đóng tiền URSAFF (quỹ bảo hiểm xã hội) cho 10 năm gần đây

  • đồng thời phải bồi thường cho người làm công mà mình muốn sa thải (tiền bồi thường căn cứ vào tiền lương và thời gian làm việc).

Đó là khi vụ việc ra trước tòa án lao động. Còn trước đó, người chủ và người làm công (hay cố vấn pháp lí của hai bên) có thể thương lượng một giải pháp êm thấm, hai bên cùng có lợi (nếu chính quyền sở tại quyết định xí xóa những vi phạm kể trên). Thay vì chọn giải pháp này, thừa dịp đại sứ Lê Kinh Tài kết thúc nhiệm kì, đại sứ Dương Chí Dũng mãi đến ngày 22.12.2011 vừa qua mới trình quốc thư với tổng thống Pháp, một « hạt nhân cứng » ở sứ quán đã quyết định chọn giải pháp « mạnh ». Và kết quả là : (1) nay chỉ còn cách thương lượng một cách hợp pháp ; (2) vụ dùng cơ bắp côn đồ để « tiếp quản » mang những yếu tố hình sự đang chờ Công tố viện Paris quyết định xử lý.

Tại sao có chuyện tai tiếng này ? Tại sao Quán Monge đã hoạt động « bên lề pháp luật » trong bao nhiêu năm trời mà không có điều tiếng gì, và nhà cầm quyền sở tại vẫn để yên ? Ngược lại, Quán Monge từ mấy năm nay đã trở thành một địa chỉ « không thể thiếu vắng » trong cảnh quan Khu Latinh, thân thuộc với hàng xóm láng giềng, với giới đại học và nghiên cứu, với kiều bào và với đồng bào, cán bộ ở Việt Nam ghé qua, thì tại sao « hạt nhân » lãnh đạo HNVNTP lại đương nhiên quyết định sa thải ông Thận ?

Trước khi trả lời một phần những cái « tại sao » ấy, có lẽ cũng nên ngược dòng thời gian, nhắc lại lịch sử « Quán Cụ Hồ », cũng là nhắc lại lịch sử đời sống của cộng đồng người Việt ở Paris từ hơn nửa thế kỉ nay. Nhắc lại lịch sử cũng sẽ giải thích một phần cái quy chế rất đặc biệt của « quán ăn không giống những quán ăn khác ».


« Quán Cụ Hồ »

quan
Quán Monge những ngày giáp tết Đinh Hợi 2007

Tên chính thức của Quán Monge là « Foyer Viet Nam », nhưng bà con vẫn quen gọi là « Quán Cụ Hồ ». Nhiều người cho rằng, và không ít bài báo đã giải thích : quán ăn có treo hình Cụ Hồ. Đúng là ở ngay quầy đặt ở cửa vào, người ta có thể thấy bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà nhiếp ảnh Roger Pic, tác giả nhiều phóng sự điện ảnh về Việt Nam những năm 60 và 70. Đây không phải là bức chân dung chính thức, trang nghiêm, mà là bức ảnh thân mật, Cụ Hồ phì phèo điếu thuốc (cũng hơi phi pháp vì vi phạm đạo luật Evin cấm quảng cáo thuốc lá). Cách đây không lâu, tấm áp phích quảng cáo phim « Ông Hulot nghỉ hè » của Jacques Tati còn bị cấm vì Tati miệng ngậm cái tẩu. Nhưng đây là tấm hình lịch sử, lại để trong phòng, nên thanh tra sở vệ sinh thường xuyên đến kiểm tra cũng không thấy nói gì. Có điều chắc chắn, là « Quán Monge » có lẽ là tiệm ăn duy nhất trên thế giới, có treo hình chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ai về nước, đi ăn ở các quán sang trọng hay bình dân, đều không bao giờ thấy hình Cụ Hồ, chỉ thấy bàn thờ thần tài nghi ngút đèn nhang hương khói.

Nhưng vậy mà không phải vậy. Tấm hình trên mới chỉ xuất hiện từ mấy năm nay (theo lời chủ quán, ông tình cờ tìm thấy tấm hình này dưới nhà kho, tầng hầm – đó là tấm poster mà Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã in ra vào những năm 70. Thấy đẹp quá, nên ông Thận đã quyết định treo lên). Còn cái tên « Quán Cụ Hồ » đã có trong cửa miệng người Việt Nam ở Paris từ lâu lắm rồi.


Lâu là từ bao giờ. « Ít nhất là từ năm 1958 », một anh bạn khẳng định với chúng tôi như vậy. Chứng từ của anh đủ chính xác, nhân thân đủ điều kiện để chúng tôi tin như vậy. Anh bạn kể : « Đầu tháng 10.1958, tôi được học bổng Ngô tổng thống từ Sài Gòn sang Paris du học. Khoảng trung tuần tháng 10.58, tôi được ông đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, bác sĩ Phạm Khắc Hy, tiếp tại tòa đại sứ, ở 45 avenue de Villiers. Ông Hy dặn dò tôi : thế nào cũng thèm cơm Việt Nam, cố nhịn ít lâu, đừng có đi ăn Quán Cụ Hồ, vài tháng nữa, Quốc gia sẽ mở quán ăn cho sinh viên ». « Nhờ ông đại sứ Hy, tôi mới biết ở Paris có « Quán Cụ Hồ », và tôi mới đi tìm ! Còn quán « Quốc gia » mà ông Hy nói, chính là Quán Monge, khánh thành khoảng đầu năm 1959 », anh bạn kể tiếp.


Nếu ông đại sứ thật thà kia thuộc tên « Quán Cụ Hồ » thì chắc nó cũng phải tồn tại từ khá lâu trước đó. Theo điều tra của chúng tôi, đó là quán ăn của Liên hiệp Việt kiều (mà chủ tịch là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện), đặt tại trụ sở của hội, ở số 4 rue Git-le-Coeur (đây là đường phố nhỏ, chạy từ phố St André des Arts ra sông Seine, song song với đại lộ St-Michel, gần ngay quảng trường St-Michel). Quán ăn này hoạt động từ năm 1957, tiếp nối những quán ăn sinh viên « tiền thân » trong thời Kháng chiến, ở phố Jean de Beauvais hay phố Pascal.


1959, năm « Quán Quốc gia » bắt đầu hoạt động ở 80 rue Monge cũng là một thời điểm có ý nghĩa trong lịch sử bang giao Pháp-Việt. Cho đến năm ấy, chính sách của « Việt Nam Cộng Hòa » tóm tắt vào tiêu ngữ « đả thực, bài phong, chống cộng ». Đả thực đây là Hoa Kỳ hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam, tiện thể quét một lớp sơn « chống thực dân » lên chế độ Ngô Đình Diệm. Bài phong là truất phế quốc trưởng Bảo Đại, thành lập « đệ nhất cộng hòa », ông Diệm lên ngôi tổng thống. Chống cộng thì khỏi phải nói dông dài, chỉ cần nhận xét là đàn áp cộng sản dài dài (và không chỉ cộng sản, cả những tổ chức quốc gia đối lập) song cộng sản không hết, mà còn nổi dậy "đồng khởi". Có lẽ đây cũng là lúc vai trò của đồng minh Hoa Kì bắt đầu hơi nặng nề, nên chính quyền Sài Gòn tìm cách cải thiện quan hệ với Paris. Tướng De Gaulle cũng không muốn gì hơn, vì nhiều lẽ, trong đó có cái lẽ kinh tế (bảo vệ các công ti Pháp, thí dụ như đồn điền cao su Michelin). Trong cuộc đổi chác này, chính phủ Michel Debré đã giải tán Liên hiệp Việt kiều (phải mười năm sau, Hội Liên hiệp Việt Kiều tại Pháp mới được chính thức thành lập trở lại), và thỏa thuận để tòa đại sứ VNCH mở « căng tin » phố Monge để « sinh viên quốc gia » không lai vãng « Quán Cụ Hồ » mà « nhiễm độc cộng sản ».


Thế là « Quán Monge » hoạt động như một căng tin dành cho sinh viên, không phải tuân thủ luật lệ dành cho quán ăn thương mại, không phải đóng thuế. Quản lí Quán Monge là một cựu tham tán đã từng bị tai tiếng trong vụ « 300 hồ sơ chuyển ngân ma » (1), nhân viên do ông quản lý tuyển dụng, không khai báo, không hợp đồng, với sự mặc nhiên « không thấy, không biết » của chính quyền Pháp (sự mặc nhiên ấy tiếp tục suốt 52 năm qua, vì không xảy ra một sự xung đột gì – cho đến năm 2009, sẽ nói sau).


Còn « Quán Cụ Hồ » ở phố Git le Coeur phải đóng cửa khi Liên hiệp Việt kiều bị giải thể. Phong trào Việt kiều từ đó, trong suốt mười năm, phải hoạt động nửa bí mật, nửa công khai. Phong trào vững mạnh, mục tiêu đấu tranh hoàn toàn không liên quan tới nội trị nước Pháp, lại được sự ủng hộ của các tổ chức tiến bộ Pháp, nên các hoạt động đa dạng vẫn triển khai, ngày càng mạnh khi Mỹ tăng cường can thiệp ở miền Nam, rồi leo thang ở miền Bắc. Về mặt công khai, có quán ăn Maubert, ở đằng sau tòa nhà nay là sở cảnh sát quận 5, gần góc đường Montagne Ste-Geneviève và đầu đường Monge. Đây là một quán ăn tư nhân, do một phụ nữ Pháp (vợ của bác Lê Văn Phu, công nhân) đứng làm chủ. Quán tư nhân, không có dấu hiệu, biểu ngữ gì, nhưng đầu bếp là những bác « lính thợ » sang Pháp từ 39-40, sau đó từng làm công nhân ; dọn bàn, giữ két là những anh chị em sinh viên hay trí thức trẻ. Những người bị « cắt chuyển ngân », có thể xin tới đây dọn ăn, được bữa ăn và một chút tiền phụ vào việc ăn học. Ai quen các bác công nhân, la cà với các bác để xin một điếu thuốc lào (ống điếu là cái chai nước bạc hà Ricqlès, mà bác Văn Thự, người thợ thủy tinh chuyên nghiệp đã khoan và hàn một cái nõ điếu cũng bằng thuỷ tinh), vào trong « văn phòng » cạnh nhà bếp, sẽ thấy một trang giấy ghi đôi câu đối, thủ bút của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện :


Bán rượu, bán chè, không bán nước

Ăn cơm, ăn thịt, chẳng ăn Ngô.


(Ngô đây không phải là bắp, mà là chính quyền gia đình trị họ Ngô).


Tên quán ăn là Le Maubert (tên quảng trường cạnh đó, cũng là tên trạm métro), nhưng bà con người Việt vẫn quen gọi là « Quán Cụ Hồ ».


Quán Maubert mở ra vào cuối năm 1959, khi Liên hiệp Việt kiều bị giải thể, quán Git-le-Coeur phải đóng cửa. Thế là, trong hơn 15 năm trời, cuộc « chiến tranh chính trị » đã diễn ra ở trung tâm Paris dưới dạng thức « ẩm thực », giữa quán Maubert ở đầu phố Monge và quán Monge ở cuối phố (cách nhau 973 mét, theo www.mappy.fr).


Cuộc đấu tranh ấy kết thúc vào ngày 30.4.1975, khi Cơ quan đại diện của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản « Quán Monge » từ Sứ quán của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa đã cáo chung. Một năm sau, đất nước thống nhất, hai quán ăn cũng vậy. Đặt tại 80 rue Monge, quán ăn từ nay mang tên « Foyer Viet Nam », nhưng mọi người vẫn quen gọi là « Quán Cụ Hồ ». Từ năm 1976, Foyer Viet Nam vẫn do sứ quán Việt Nam chính thức đứng tên trên hợp đồng, nhưng đã trao quyền quản lý cho phong trào Việt kiều.



(đón đọc phần thứ II)


(1) Chuyển ngân : sinh viên miền Nam được phép du học tại Pháp trong thời gian 1954-1975 có thể được cấp "sổ chuyển ngân", mỗi tháng gia đình có thể gửi cho khoảng 1000 Francs (mới) theo hối suất chính thức. Hối suất này cao gấp đôi hối suất tự do. Nếu tằn tiện, 500 F có thể đủ sống, do đó, nhiều sinh viên bán lại 500 F theo hối suất tự do, và gia đình coi như không tốn đồng nào cho con ăn học. "Sổ chuyển ngân" do đó là công cụ trấn áp sinh viện khá hữu hiệu : người nào ngấp nghé "theo Việt cộng", bị chỉ điểm báo cáo cho "tòa đại sứ" là bị "cắt sổ chuyển ngân", chỉ còn cách vừa đi học (ít) vừa đi làm (nhiều). Đây cũng là nguồn lợi béo bở cho những nhân viên sứ quán, làm "hồ sơ ma" để buôn tiền. Có vụ lên tới 300 hồ sơ "chuyển ngân ma".

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us