Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Vụ xử hai nhà báo (tiếp theo)

Vụ xử hai nhà báo (tiếp theo)

- Hoà Vân — published 16/10/2008 17:56, cập nhật lần cuối 16/10/2008 18:02

Vụ xử hai nhà báo (tiếp theo)


Hoà Vân


Hôm qua, người viết đã nói về bản chất phiên toà này. Tiếp theo đây là phần tin tức về kết quả của màn kịch.

Hai nhà báo bị cáo buộc những tội danh giống nhau, với những chứng cứ phạm tội (những bài báo của họ) giống nhau, một bị 24 tháng cải tạo không giam giữ và được trả tự do ngay tại toà (Nguyễn Văn Hải, báo Tuổi Trẻ), một bị hai năm tù giam (Nguyễn Việt Chiến, báo Thanh Niên). Đó là lời tuyên án của « hội đồng xét xử » toà án Hà Nội, trưa ngày 15.10, sau chỉ hơn một ngày trình diễn, với đầy đủ các vai Viện kiểm sát, Công tố, luật sư, đúng thủ tục, hợp lệ. Về phần mình, tướng Phạm Xuân Quắc bị phạt « cảnh cáo », thượng tá Đinh Văn Huynh bị một năm tù giam.

Những khác biệt trong các bản án cũng không làm ai ngạc nhiên khi đã đọc vài bài tường thuật phiên toà trên các báo (chẳng hạn, như trên VietnamNet, hoặc BBC) : một « chấp nhận các cáo buộc của Viện kiểm sát », một vẫn khẳng định mình vô tội và chứng minh mình đã làm đầy đủ các điều phải làm và có thể làm trong khuôn khổ Luật báo chí…

DL

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến không chịu khuất phục

Cả hai tờ báo được uốn nắn đều đưa tin về các hình phạt đối với phóng viên của mình một cách trung tính, vô cảm, không bình luận, đúng như chỉ thị nhận được1. Báo Thanh Niên thậm chí còn lờ đi những lời đối chất đầy bản lĩnh của anh Nguyễn Việt Chiến trước những lời buộc tội cả vú lấp miệng em của viên quan chức đóng vai chánh án. Như khi anh khẳng định "Có thể nói tôi là phóng viên duy nhất trong số 40 phóng viên đưa tin vụ PMU18 còn lưu giữ và giao nộp cho cơ quan ANĐT toàn bộ băng ghi âm mà tôi có trong quá trình sưu tập thông tin, đưa tin về vụ án". Hoặc khi anh nhắc lại là số tiền 2,6 triệu đô la mà Bùi Tiến Dũng dùng đánh bạc đều đã được các báo đưa tin sau buổi họp báo ngày 5.6.2006 của tướng Phạm Xuân Quắc đại diện Tổng cục Cảnh sát. Trong buổi họp báo đó, chính ông Quắc đã khẳng định « số tiền này là do tham nhũng từ các dự án của PMU18 », điều mà viên quan toà dám ngang nhiên tuyên bố bác bỏ (« Vấn đề Bùi Tiến Dũng chạy án ra làm sao, không có. Vấn đề Bùi Tiến tham nhũng, tham ô, lấy tiền đánh bạc như thế nào cũng không có ») dù vụ án tham nhũng này vẫn chưa được đem ra xử.

Số phận phải bị án nặng để làm gương của Nguyễn Việt Chiến, hiển nhiên được dự trù trong kịch bản, đã rõ, chẳng cần nhiều lời.

Nói tóm lại, phiên xử đã thành công tốt đẹp. Các quan tham có thể ngủ yên, các « đồng chí chưa bị lộ » sẽ được Đảng bảo vệ tối đa trước mọi toan tính vén những bức màn bí mật. Ban Tuyên giáo có thể gửi điện khen thưởng các viên chức toà án, và cả các tổng biên tập.


Hoà Vân


1 Chỉ thị này đã được nhiều báo chí hải ngoại và các blogs của các nhà báo trong nước đăng tải, gồm 6 điểm, trong đó điểm 1. là Khi tường thuật vụ xử, báo chí phải viết rằng “2 sĩ quan công an là "nguyên cán bộ công an," và hai nhà báo là "nguyên nhà báo”, và điểm 3. là Khi viết, báo chí phải dân chủ, công khai, công bằng, đúng người, đúng việc, đưa tin chính xác, khách quan,nhưng không đưa tin giật gân, câu khách, không được bình luận và không được suy diễn. Không được đưa tin đi sâu về các tình tiết xét xử hay quá trình tranh tụng, không được đưa tin đậm quá mức cần thiết. Chúng tôi không có điều kiện để kiểm chứng tính xác thực của thông tin này, nhưng đọc các báo trong nước tường thuật vụ án thì thấy hai điểm này được tuân thủ hầu như tuyệt đối (tất nhiên là bỏ qua cái câu văn bia « dân chủ, công khai, công bằng, đúng người, đúng việc, đưa tin chính xác, khách quan ») ! Đặc biệt, tất cả các báo trong nước đều phải dùng cụm từ "nguyên nhà báo" để chỉ các đồng nghiệp mình, dù "nhà báo" là một nghề mà họ không hề nói rằng đã từ bỏ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us