"Xã hội hoá" giáo dục ?
"Xã hội
hoá" giáo dục ?
Diễn Đàn : Ngày 22 tháng 7 vừa qua báo điện tử VietNamNet đã đăng một bài của GS Bùi Trọng Liễu về cụm từ "xã hội hoá" giáo dục. Sau đó độc giả của VietNamNet đã có nhiều phản ứng, đại đa số đồng tình với tác giả, nhưng cũng có vài hiểu nhầm. Do đó ngày 31.07 tác giả đã viết một bài tiếp theo để xác định rõ thêm vài điều.
Vấn đề giáo dục, cũng như vấn đề ngôn ngữ và tư tưởng, là những mối quan tâm hàng đầu của bạn đọc Diễn Đàn, do đó chúng tôi đã xin GS Bùi Trọng Liễu cho phép đăng lại hai bài này. Dưới đây là nguyên văn do tác giả gửi cho chúng tôi.
Những
kỳ dị đằng sau cụm từ
« Xã hội hóa »
giáo dục
Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư Đại học (Paris, Pháp)
Ở các nước phương Tây, dù là người cộng sản hay không, cụm từ “xã hội hóa” (tiếng Pháp là socialisation, từ ngữ mà tôi quen thuộc) từ trước tới nay, vẫn thường được dùng theo nghĩa “tập thể hóa”, “đặt dưới chế độ cộng đồng”, “quản lý hay điều khiển [của nhà nước] nhân danh xã hội”, vv. Tôi nghĩ rằng các ngôn ngữ nước khác, qua từ điển, thấy cũng có nghĩa tương đương.
Cho nên tôi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cụm từ “xã hội hóa” ở Việt Nam ta – có lẽ là xuất hiện từ khoảng mươi năm nay, và càng ngày càng bị sử dụng một cách thản nhiên theo nghĩa ngược lại – theo nghĩa đẩy gánh nặng tài chính lên vai người công dân , và trao cho tư nhân đảm nhiệm một số lĩnh vực thuộc bổn phận nhà nước phải quản lý, đặc biệt là giáo dục đào tạo. Theo tôi biết, ở các nước tiên tiến hay không, sự tham gia của người công dân vào lĩnh vực giáo dục đào tạo này được thể hiện qua sự hiện diện trong các hội đồng quản trị hay tư vấn, của các phụ huynh học sinh, của các công đoàn, của đại diện xã hội dân sự, vv. và nói chung qua tiếng nói của dư luận, chủ yếu là để góp ý về chiến lược, về hướng phát triển, đề nghị những giải pháp phù hợp cũng như để tố cáo những bất cập. Ở những nước đó, tôi không hề thấy có sự cưỡng bức nào ghi trong hiến pháp (thí dụ như cuỡng bức học hết tiểu học, hay học đến tuổi 16, vv.) mà lại gắn liền với sự cưỡng bức gia đình người học phải đóng học phí, nhất là học phí cao. Nếu có, thì thật là một sự kỳ dị, vì người dân phải đóng thuế, vậy thì thuế đó dùng để làm gì? Nếu quả là mức thu nhập của người dân đất nước đó chưa đủ cho phép có phương tiện vật chất để bảo đảm những mục tiêu “cao” trong việc học hành , vv. thì họ cũng đủ lương thiện để “liệu cơm mà gắp mắm”, và không đưa vào hiến pháp những điều mà rốt cục nhà nước của họ không thực hiện được.
Ai cũng ước mơ có một nền giáo dục đào tạo với chất lượng tốt. Và tất nhiên, chất lượng tốt đòi hỏi những phương tiện về nhân sự và về vật chất, với một giá phải trả. Nhà nước thay mặt xã hội để điều hành, quản lý công việc của đất nước, bảo đảm cuộc sống của toàn dân. “Công bằng”, “bình đẳng” trong việc học hành, không có nghĩa là ai ai cũng phải có bằng cấp cao, mà có nghĩa là : giàu nghèo sang hèn, ai có trình độ thì học cao, ai không có trình độ thì học vừa đủ, theo số chỗ mà phương tiện của đất nước có thể bảo đảm nổi. Thi tuyển để lấy người vào học trong các trường công lập mang ý nghĩa đó, cho nên không thể tăng học phí vô tội vạ ở các trường thuộc hệ thống đó, gây ra sự kỳ thị giàu nghèo. Nếu không đủ ngân quĩ để bảo đảm mức độ của trường công lập, thì đừng mở tràn lan. Đó là trách nhiệm quản lý của nhà nước. Tất nhiên, có thể có những đóng góp của những nhà hảo tâm cho các trường, nhưng đó là tự nguyện. Thiết tưởng đừng dùng cụm từ “xã hội hóa” để nhập nhằng che đậy việc ép buộc đóng học phí cao hay những chi phí nhì nhằng gì khác trong hệ thống công lập. Còn các trường tư thì tùy mức độ ; tuy nhiên tư bản hoang dã kiểu thế kỉ 19, và kinh doanh giáo dục tàn nhẫn, ngày nay không còn tồn tại ở đa số các nước trên thế giới nữa.
Xã
hội hóa:
vài lời thanh minh
Sau khi tôi đăng bài Những kỳ dị đằng sau cụm từ « Xã hội hóa » giáo dục, http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/721181/
có một số phản ứng. Trước hết, tôi xin có lời cảm ơn những bạn đọc tỏ lời thông cảm đồng tình. Đối với vài độc giả có ý kiến ngược lại – có thể là do hiểu lầm, đôi khi hiểu ngược lại ý tôi phát biểu – tôi xin được trả lời cho thật rõ:
1/ Tôi không hề « đổ hết trách nhiệm lên người thầy khi mà thu nhập của người thầy quá thấp vì ngân sách không có để chi, học phí thì quá thấp». Tôi trân trọng với nghề dạy học, vì đó cũng chính là nghề của tôi. Và cũng như mọi người, tôi mong mỏi nhà giáo có lương đủ sống để có thể hành nghề một cách tương xứng. Nhưng lương đó ai phải trả ? Tạm nói đến nhà giáo trong hệ công lập đã, (hệ tư lập tôi sẽ nói sau): nhà nước trả hay gia đình người đi học phải trả ? Trong bài http://www.laodong.com.vn/Home/sknb/2007/7/43566.laodong , GS Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) viết như sau: « Giảm biên chế hành chính, đồng thời tăng lương gấp hai lần mức lương hiện nay. Liệu giải pháp này có khả thi? Chỉ xin kể kinh phí Nhà nước cấp năm 2007 đã là 4 tỉ USD, trong khi đó lương cho cán bộ GV trong toàn bộ hệ thống khoảng 1 tỉ USD/năm, vậy số còn lại đi đâu? », để khẳng định rằng việc này khả thi. Một số đồng nghiệp trong nước cũng có ý tương tự như ý GS Hãn. Nếu ai thắc mắc không tin, cần hỏi, thì có lẽ nên hỏi nơi quản lý.
2/ Tôi không hề chủ trương « không mở các trường công lập [để phổ cập giáo dục] ». Tôi đồng tình với GS Hãn khi ông viết: « Cấp phổ cập giáo dục không thu học phí được coi là một nguyên tắc cho mọi thể chế », cũng như tôi đồng tình với GS Trần Văn Thọ (Tokyo) trong bài http://www.thanhnien.com.vn/Giaoduc/2007/7/26/202504.tno khi ông cũng phát biểu ý tương tự.
Tóm tắt vài con số ở Pháp : Tất cả các trường tiểu học và trung học công lập đều miễn phí ; bất cứ học sinh nào muốn học trường công lập đều được nhận. Tuổi cưỡng bức học là tới 16 tuổi. 91% học sinh tiểu học (vì phụ thuộc các thị xã) và 100% học sinh trung học cơ sở (vì phụ thuộc tỉnh) được cho mượn sách giáo khoa. Tùy gia cảnh, mỗi lần khai trường, mỗi học sinh cho đến 18 tuổi, được hưởng một « phụ cấp khai trường » (năm nay là khoảng 272 euros) ; 5 triệu 4 trăm nghìn học sinh được hưởng phụ cấp này . Luơng của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở (sau 2 năm hành nghề) là 1550 euros/tháng.
Khi tôi viết câu: « giàu nghèo sang hèn, ai có trình độ thì học cao, ai không có trình độ thì học vừa đủ, theo số chỗ mà phương tiện của đất nước có thể bảo đảm nổi » là có ý nói đừng có mở vung vãi những trường đại học «làm cảnh », và đừng cho phép các đại học mở vung vãi nhiều ngành, khi số nhà giáo chưa đủ, khi ngân quĩ nhà nước chưa bảo đảm cho lương nhà giáo đủ sống, trang thiết bị dụng cụ chưa tương xứng, như tôi đã viết trong bài « Giáo dục ĐH: Không cung với cầu rởm» trong http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/01/659380/
3/ Nhưng tôi cũng đã phát biểu ý là cần có một hệ giáo dục dân lập tư lập bổ sung cho hệ công lập. Điều lạ là cũng có ý trách tôi chống việc mở trường « ngoài công lập ». Tôi xin được kể câu chuyện sau đây làm bằng chứng cho thật rõ: Ngày 2/4/1988, tôi có viết một thư gửi cho 5 nhà khoa học trong nuớc, đề nghị các anh chị này đứng ra xin phép chính quyền cho mở « Trung tâm đại học dân lập Thăng Long». Từ « dân lập » xuất hiện đầu tiên trong dịp này. Và khi chính quyền đã cởi mở cho phép, trong vòng 4 năm (1988-1992) vợ chồng tôi cùng một số bạn bè đã vận động đóng góp tiền bạc cho cơ sở này tồn tại với mức học phí thấp nhất hoặc miễn phí cho sinh viên, và với mức lương đủ sống cho nhà giáo khỏi phải làm một nghề tay trái kiếm sống trong thời buổi rất khó khăn đó. Nếu ai muốn kiểm chứng, có thể tạm mở đọc bài http://www.vnn.vn/psks/2006/01/536437/, hoặc tìm hỏi những nhân chứng, như 3 vị trong đám 5 người sáng lập ra Trung tâm đại học dân lập Thăng Long này : GS Phan Đình Diệu (Đại học Quốc gia Hà Nội); GS Nguyễn Đình Trí (Đại học Bách khoa Hà Nội) ; GS Hoàng Tụy (Viện Toán). Và cao hơn nữa, nếu các vị cho phép, có thể hỏi nơi Đại tướng Võ Nguyễn Giáp, lúc đó đang là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, người đã ký giấy cho phép mở trường, và nơi Tướng Đặng Quốc Bảo, lúc đó là trưởng ban Khoa giáo Trung ương, người đã chuyển đạt lệnh cho phép của Tổng bí thư thuở đó. Đừng quên là thuở ấy, Liên Xô và Khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu còn đang tồn tại, Giáo dục là độc quyền của Nhà nước, ai dám nói tới dân lập, tư lập?
Nhưng tôi cũng như nhiều đồng nghiệp trong và ngoài nước, không tán thành việc mở vung vãi trường tư thục vị lợi, và tôi chống việc dùng Giáo dục như một thứ hàng hóa để kinh doanh kiếm lời, và tôi đã tỏ ý lo ngại về việc Việt Nam muốn nâng tỉ số sinh viên hệ « ngoài công lập » lên 40% , thậm chí 50%, trong khi chính ở Mỹ, tỉ số sinh viên công lập là 77%, tư lập là 23% (bài của tôi tại Hội thảo Đà Nẵng tháng 7/2005, đăng trên http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai6/200506_BTLieu.htm).
4/ Một độc giả khác chất vấn tôi (nhưng lại cắt đi một mẩu) đã viết câu : « tuy nhiên tư bản hoang dã kiểu thế kỉ 19, và kinh doanh giáo dục tàn nhẫn, ngày nay không còn tồn tại ở đa số các nước trên thế giới nữa ». Tôi trả lời : Thế kỉ 19, tư bản kinh doanh không bị kiềm chế, và tha hồ mặc sức sử dụng nhân công với tiền trả tùy tiện, số giờ lao động tùy tiện; người lao động không có ngày nghỉ và « tự do mất việc ». Mới đây, có xảy ra ở một nước lớn, vụ việc chủ một lò gạch bắt cóc, giam cầm làm nô lệ và cưỡng bức trẻ em lao động không công 18g /ngày. May là vụ việc được phát hiện ra, và có án xử tử và án chung thân đối với đám chủ lò, nhưng còn bao nhiêu vụ chưa phát hiện ra ? (nguồn Associated Press 17/7/2007). Nếu không phải là hoang dã thì là gì ? Ở các nước tư bản phương Tây, trong hơn 150 năm, có những cuộc đấu tranh đổ máu của công nhân. Dần dần mới có những luật lao động ra đời, cải thiện đời sống của người lao động như ngày nay.
Trong bài http://vietnamnet.vn/giaoduc/vande/2007/07/718033/ , tiến sĩ Vũ Quang Việt (chuyên gia cao cấp của Liên hợp quốc), ước tính (trích tóm tắt một trường hợp trong bảng tính) : nếu mức học phí là 200.000 đồng/tháng, ở vùng Đông Nam Bộ, khoảng 60% học sinh có khả năng bỏ học. Tôi chưa thấy ai phản đối bảng tính của ông Việt. Nếu đúng vậy, thì không phải là tàn nhẫn thì là gì ?
5/ Vị độc giả chất vấn tôi kể trên, còn viết : « Tôi thấy mọi người nói nhiều về cái gọi là "xã hội hoá" giáo dục mà không thấy ông Bùi Trọng Liễu còn nói những điều chưa đúng về gd Việt Nam ». Tôi xin thưa rằng tôi có nói đấy, nhưng có thể tôi nói mà không được nghe thấy. Tự tôi biện minh thì cũng khó tin, vậy tôi chép lại một lời chứng của (cố) GS VS Nguyễn Văn Đạo, nguyên giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, khi ông viết lời tựa cho một cuốn sách của tôi : « Đóng góp ý kiến nhằm xây dựng đất nước tốt hơn thì nhiều kiều bào ta đã thực hiện được. Song kiên trì góp ý kiến nhiều lần, nhiều năm như Giáo sư Liễu cũng là một hiện tượng hiếm thấy ». Tôi chép lại câu này để cảm ơn lời tri âm của GS Đạo chứ không phải để khoe, vì định cư ở nước ngoài, tôi không cần đến điều này.
6/ Tôi không biết khi học tập Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, điều 15 của Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1946 : « [...] Cấp học phổ cập là miễn phí » , và lời Hồ Chủ tịch mong muốn : "...ai cũng có cơm ăn áo mặc ; ai cũng được học hành..." , có được nhắc đến như GS Hãn đã nhắc trong bài của ông không ? Trở lại cụm từ « xã hội hóa », tất nhiên không chỉ có vấn đề từ ngữ, dù cho không muốn giữ gìn tiếng Việt trong sáng, như lời nhắc nhở của (cố) Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời. Tôi không chống việc « tư nhân hóa », « cổ phần hóa » một số lĩnh vực, khi cần thiết đi vào nền kinh tế thị trường trong khung cảnh toàn cầu hóa. Tôi chỉ chống việc dùng từ ngữ để biện bạch cho một số hành động kỳ dị.
Bùi Trọng Liễu
Nguyên giáo sư Đại học (Paris, Pháp)
Các thao tác trên Tài liệu