Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Dịch Sách

Dịch Sách

- Yoshimura Akira & Nguyễn Nam Trân — published 16/09/2016 12:00, cập nhật lần cuối 14/10/2016 23:27

Dịch Sách

(Truyện Maeno Ryôtaku)


Nguyên tác: Yoshimura Akira


Dịch: Nguyễn Nam Trân



hinh-1

Yoshimura Akira
(1927–2006)




Yoshimura Akira 吉村昭 (1927–2006) là nhà văn Nhật Bản chuyên viết thể loại tiểu thuyết lịch sử thực chứng theo truyền thống của Mori Ôgai, Inoue Yasushi, Shiba Ryôtarô... và hay lấy những biến cố lịch sử cận đại làm đề tài. Đời văn của ông kéo dài suốt hai triều Shôwa (1926–89) và Heisei (từ 1989). Tác phẩm chính có “Đắm tàu” (Hasen), ” Chiến hạm Musashi” (Senkan Musashi) , “Trận đại địa chấn vùng Tôkyô”(Kantô Daishinsai), “Vượt ngục” (Hagoku), “Cuộc ám sát ngoài cổng Sakuradamon” (Sakurada mongai no hen)... Ông đoạt được nhiều giải văn học danh giá như Giải Dazai, Kikuchi, Yomiuri ... Đặc biệt là một truyện ngắn của ông được phóng tác thành phim (nhan đề Unagi hay Con Lươn, với diễn viên Yakusho Kôji) đã nhận giải thưởng cao quí Cành Cọ Vàng (Palme d’Or) năm 1997 tại Đại hội điện ảnh Cannes. Ông từng là chủ tịch Hội văn bút Nhật Bản. Bà Tsumura Setsuko (sinh năm 1928), vợ ông, cũng là một nhà văn nổi tiếng, đoạt giải Akutagawa năm 1965. Có giai thoại là hai vợ chồng tránh đọc văn của nhau để người này khỏi chịu ảnh hưởng người kia.

Tuy được xem như một tác giả văn chương đại chúng nhưng Yoshimura không rơi vào sự dễ dãi. Thường xuyên nghiên cứu tư liệu lịch sử rất kỹ lưỡng trước khi viết, nhiều khi bị phê bình là chi ly quá mức. Dù sao, qua sự kết hợp những chi tiết rườm rà đó, ông đã làm lộ diện yếu tính của thông điệp mà ông muốn gửi gắm đến độc giả.

Dịch sách” (Truyện Maeno Ryôtaku) được giới thiệu sau đây trích từ tập “Truyện những người thày thuốc Nhật Bản” (Nihon ikaden, 1973) của Yoshimura Akira và đã được chọn làm bài tập đọc trong một giáo khoa thư quốc văn bậc trung học ở Nhật từ 1981.

Ngày nay, nếu mở từ điển ra tra chữ Kaitai shinsho (Giải thể tân thư) ta thường thấy nói đó là cuốn sách về giải phẫu học đầu tiên ở Nhật do Sugita Genpaku dịch từ tiếng Hòa Lan vào năm 1774 với sự hợp tác của Maeno Ryôtaku, Nakagawa Jun.an và một số người khác. Tuy nhiên theo điều tra thực chứng (nghĩa là có kiểm tra sử liệu) của Yoshimura Akira mà chúng ta thấy dưới đây thì sự thật không hề đơn giản như vậy.

N.N.T.





Một


Có tiếng ai gõ cửa phía nhà ngoài.

Maeno Ryôtaku1 đang đọc quyển sách thuốc đặt trên án thư bỗng ngừng lại. Mãi chăm chú vào những con chữ dưới ánh đèn leo lét, mắt ông đỏ hoe.

Vì say sưa đọc sách, Ryôtaku quên bẵng thời gian. Ông không nhớ chính xác bây giờ là giờ gì, chỉ biết rằng trời đã khá khuya.

Tiếng gõ cửa vẫn tiếp tục một cách rụt rè. Mấy khi có ai đến chơi giữa đêm hôm khuya khoắt thế này đâu!

Ryôtaku là thày thuốc của phiên Buzen Nakatsu (Fukuoka). Hiện ông đang tạm trú trong khu nhà ngang ở tư dinh Edo của lãnh chúa phiên mình là ngài Okudaira Masaka Ông đoán mò chắc có một người đồng hương bị bệnh cần cấp cứu.

Ryôtaku nghe như bà Binko, vợ ông, đã thức dậy và đi về phía cửa, cất tiếng hỏi nhỏ. Thế rồi giọng nói đó cũng im bặt.

Tiếng chân nhẹ nhàng của người vợ men theo hành lang tiến lại gần. Cánh cửa kéo đằng sau lưng ông mở ra, bà đến đặt trước mặt ông một phong thư.

Đó là thư của Sugita Genpaku2, thày thuốc phiên Obama (Fukui). Ngắn gọn như viết vội. Thế mà càng đọc, đôi mắt của Ryôtaku càng ánh lên sự vui mừng.

Số là đêm hôm ấy, Genpaku nhận được một bức thư từ Tokunô Manbê, gia thần viên quan cai trị ở Edo là ngài Magaribuchi, tước trấn thủ vùng Kai. Nội dung cho biết vào ngày mai, ở bãi Kozukabara khu Senju sẽ có cuộc giải phẫu thi thể một tử tù. Ông ta dặn nếu Genpaku muốn chứng kiến thì cứ việc đến bãi ấy. Được tin, Genpaku mừng rỡ, báo cho người bạn đồng châu và đồng nghiệp của mình là Nakagawa Jun.an hay. Ông cũng định mời cả Maeno Ryôtaku.

Chính ra đêm đó, Genpaku phải đến quán trọ Nagasakiya xóm Hongoku khu Nihonbashi để gặp một người bạn là Yoshio Kôzaemon, đang cùng với phái đoàn của mình lưu tại đó . Ông này rất nổi tiếng, vừa là thày thuốc vừa làm thông ngôn cho Thương quán trưởng (capitan) Hòa Lan. Mỗi mùa xuân viên chức này đều lên Edo để bái yết Shôgun3. Genpaku nghĩ thầm nếu tiếp xúc được với ông ta thì mình sẽ có cơ hội học hỏi thêm về y lý Tây phương. Khi ra khỏi Nagasakiya, Genpaku bèn tìm cách liên lạc với Maeno Ryôtaku nhưng khi biết cuộc giải phẫu sẽ bắt đầu ngay sáng hôm sau, ông thấy phải làm gấp.

Nghĩ hết phương cách, Genpaku mới ghé nhà người quen thảo một bức thư, xong, ra lệnh cho một anh khiêng kiệu đang chờ khách bên cạnh cánh cổng gỗ ở xóm Hongoku đem bức thơ tay này về tư dinh lãnh chúa phiên Nakatsu trong khu Tsukiji Teppôzu.

Ryôtaku từ lâu đã quan tâm đến y lý của người Hòa Lan và muốn hấp thụ học thuật của họ, nhưng cũng như Genpaku, ông chưa từng nhìn tận mắt bên trong cơ thể một con người khi được giải phẫu. Lời mời của Genpaku đem đến cho ông một dịp may hiếm có.

Theo lời lẽ trong thư, tảng sáng mùng 4 tháng 3, Genpaku hẹn ông ở một quán nước đầu ngõ xóm Asakusa San.ya, vốn không cách pháp trường Kozukabara là mấy.

Ryôtaku định phúc đáp cho nhanh chóng bèn hỏi vợ:

– Người đưa thư còn đó không?

Mới được bà cho biết anh ta đã đi từ lâu. Ông bảo bà:

– Sáng mai, tôi sẽ ra khỏi nhà thật sớm!

Thế rồi, ông rời khỏi chỗ ngồi và đến bên kệ sách, chọn một quyển nhỏ viết bằng tiếng Tây phương rồi mở ra. Sách này là một trong những quyển viết bằng tiếng Hòa Lan mà hồi năm ngoái (Meiwa thứ 7, 1770), trong khi tháp tùng lãnh chúa của phiên là ngài Okudaira Masaka từ Edo trở về bản quán Buzen Nakatsu, ông đã được phép ghé qua Nagasaki mua đem về. Đó là bản dịch của một nguyên tác Đức ngữ về khoa giải phẫu do Johann A. Kulmus viết sang tiếng Hòa Lan và có nhan đề Tâheru Anatomia (Anatomisch Tabellen)4, xuất bản tại Amsterdam.

johann

Johann Adam Kulmus (1689–1745)

Ryôtaku thấy mình như đang bị cuốn hút vào những bức tranh minh họa trong đó.

Ông thấy những khái niệm đến từ sách vở Trung Quốc như lục phủ (đại trường, tiểu trường, đảm, vị, tam tiêu5, bàng quang) ngũ tạng (tâm, phế, tì, can, thận) hãy còn chứa nhiều điều lầm lẫn. Ông cũng nhận ra rằng sách về khoa giải phẫu của người phương Tây chính xác hơn nên đã mua về tham khảo.

Xưa nay, việc giải phẫu xác chết, nếu không có sự cho phép của Mạc phủ là trái luật. Hơn nữa giữa đám thày thuốc với nhau, có nhiều tiếng nói cho rằng việc mổ xẻ thân thể con người là một hành động tàn nhẫn, không hợp với đạo lý của bậc quân tử. Trong bầu không khí nửa tin nửa ngờ như vậy thì xảy ra việc Yamawaki Tôyô6 thực hiện cuộc giải phẫu thi thể một tử tù vào năm Hôreki thứ tư (1754) và sau đó ông đã trình bày kết quả trong cuốn Zôshi (Tàng chí, 1759) của mình.

Theo đó, Tôyô chủ trương rằng ngũ tạng lục phủ (gozôroppu) trên thực tế không thấy đúng như người xưa giải thích, đồng thời khẳng định sự chính xác của sách giải phẫu phương Tây.

Ryôtaku là người đang nỗ lực học hỏi y lý Tây phương nên tán đồng chủ trương của Yamawaki Tôyô. Có điều ông nghĩ rằng nếu mình chưa nhìn tận mắt một cuộc giải phẫu cơ thể người ta thì chưa thể xác quyết về điều đó.

Ông vén mấy sợi tóc lòa xòa trên gò má, vuốt lên cho ngay ngắn. Nghĩ đến việc sáng mai, mình sẽ mang theo quyển Tâheru Anatomia để so sánh hình vẽ trong đó với nội tạng của người tử tù... đôi mắt ông long lanh.

Ryôtaku rời khỏi chỗ ngồi trước án thư và sửa soạn đi ngủ.

Vầng trăng xuân nhòa sương treo giữa đỉnh trời.


Hai


Maeno Ryôtaku (Tiền Dã, Lương Trạch) tên là Yomisu (Hi), tự Shietsu (Tử Duyệt), hiệu Rakuzan (Lạc Sơn). Ông là con phiên sĩ Taniguchi Shinsuke đất Chikuzen nhưng sinh ra trong khu Ushigome Yarai thành Edo vào năm Kyôhô thứ 8 (1723).

hinh-3

Maeno Ryôtaku, con người cứng cỏi và cô độc

Shinsuke, ngưòi cha, mất lúc Ryôtaku hãy còn bé, mẹ lại bỏ rơi khiến ông thành đứa trẻ mồ côi. Từ tuổi thơ ấu, ông bác tên là Miyata Zentaku,– một y sĩ phục vụ cho ngài Inada Masayoshi, tước trấn thủ vùng Tango7, lãnh chúa phiên Kuniyodo trong xứ Yamashiro – đem về nuôi dạy.

Miyata Zentaku thông thái nhưng đồng thời cũng là một nhân vật tính khí hết sức quái dị. Và như thế Ryôtaku, con người không cha không mẹ, đã được ông bác Zentaku dưỡng dục cho đến khi khôn lớn.

Zentaku thường răn bảo Ryôtaku:

– Người sinh ra trên đời phải biết kiếm một kỹ thuật hay nghệ thuật nào có vẻ sắp biến mất để gìn giữ cho nó còn mãi. Mày cũng vậy, phải yêu những cái gì thiên hạ bỏ bê không thèm mó tới và giữ cho nó tồn tại lâu dài. Nhớ đấy nhé! Đã là con người thời phải biết sống cho những mục đích như thế!

Ông bác ngang bướng Zentaku đã rót vào đầu Ryôtaku, đứa trẻ mồ côi mồ cút, những ý nghĩ khác thường. Vì vậy mà Ryôtaku trở thành một con người đặc biệt, cứng cõi và cô độc.

Về sau Ryôtaku đã được gia đình một thày thuốc phiên Nakatsu tên là Maeno Tôgen nhận làm dưỡng tử. Kể từ lúc đó, ông chăm chỉ theo đòi nghiệp y. Ông không quên lời căn dặn của người bác Zentaku nên đã chăm chỉ luyện tập cách thổi loại sáo ngắn Hitoyogiri – loại này không phải là sáo Shakuhachi ống to hơn vốn được thiên hạ yêu chuộng. Ông cũng thường lui tới chỗ tập hài kịch Saruwaka Kyôgen, làm cho người xung quanh không khỏi bàn tán vì cho là ông có những thị hiếu lạ lùng.

Việc ông muốn tìm hiểu tiếng Hòa Lan cũng giống y. Thời ấy nào có mấy ai đi học ba thứ đó.

Số là một hôm có người cùng phiên tên Saka Kôô đem một cuốn sách viết bằng tiếng Hòa Lan đến cho Ryôtaku xem và bảo ông:

– Này, cậu thử đọc cuốn sách này xem có hiểu nó nói gì không?

Ryôtaku đặt cuốn sách Hòa Lan viết bằng một thứ văn tự kỳ dị trước mặt mình, lặng thinh không nói gì nhưng trong bụng nghĩ thầm dù là sách viết bằng tiếng nước ngoài, một khi do con người viết ra thì cớ gì người khác lại không thể hiểu được. Thế rồi vào mùa xuân năm Meiwa thứ 3 (1766), vào dịp viên Thương quán trưởng người Hòa Lan8 cùng đoàn tùy tùng lên Edo và ngụ ở quán trọ Nagasakiya xóm Hongoku thì Ryôtaku tìm đến nhà Sugita Genpaku. Chủ nhân hỏi ông:

– Nhà thầy đi đâu đấy?

Ông trả lời:

– Tôi định tới quán Nagasakiya gặp viên thông ngôn để tìm hiểu về nước Hòa Lan, rồi nếu tiện sẽ xin hỏi ông ấy thêm về tiếng Hòa Lan, xem nó là thứ tiếng như thế nào.

Nhân Genpaku cũng thường đi lại nơi đó, Ryôtaku mới rủ ông ta cùng đến Nagasakiya để gặp viên thông ngôn chính trong đoàn là Nishi Zenzaburô.

Khi Ryôtaku cho biết mình có ý định học tiếng Hòa Lan, Nishi lắc đầu quầy quậy. Ông ta giải thích:

– Người như tôi sáng chiều phải tiếp xúc với người Hòa Lan mà khi học tiếng của họ còn rất đỗi cực nhọc. Hơn nữa Edo là nơi không tiện cho việc học tập. Cả Aoki Konyô9 tiên sinh cũng vậy, mỗi lần ông Thương quán trưởng Hòa Lan lên Edo, tiên sinh thường đến Nagasakiya này tham vấn nhưng có nhiều chỗ cụ phải khổ sở vì không hiểu được thông suốt.

Ông ta đưa ra một số ví dụ để giải thích chuyện ấy.

– Khi người Hòa Lan dạy chúng tôi diễn tả việc “uống” nước hay “uống” rượu, họ phải làm điệu bộ một người nâng tách trà lên miệng. Thế thì mình hiểu được. ”Uống” trong tiếng Hòa Lan là “dekinki”. Khổ thay, đến khi dạy những từ ngữ “uống rượu giỏi” (jôgo) hay “uống rượu yếu” (geko) thì họ không biết phải làm thế nào. Làm động tác bằng tay thì khó mà diễn tả được, đành phải giải thích kiểu kẻ uống lắm rượu là giỏi rượu và kẻ uống ít là yếu rượu để phân biệt hai bên. Tuy nhiên, “giỏi rượu” hay “yếu rượu” không chỉ liên quan đến lượng rượu mà thôi, nó còn có nghĩa là có thích và mạnh rượu hay không. Cách giải thích của họ về hành động uống rượu như thế là chưa lột tả được cái nằm bên trong con người.

Nishi thở hắt:

– Cha tôi vốn làm nghề thông ngôn cho nên từ bé, tôi đã biết nhiều từ vựng Hòa Lan hơn người thường. Vậy mà cho đến tuổi năm mươi tôi vẫn không biết “yêu thích” thì người Hòa Lan họ nói ra sao. Mãi đến gần đây khi theo ngài Thương quán trưởng lên Edo, giữa đường ông mới dạy cho tiếng đó trong Lan ngữ thì gọi là “aanterekken”. “Aan” là “phiá trước mặt” còn “terekken” là “kéo về phiá mình”. Tóm lại, khi “yêu thích” cái gì thì mình muốn kéo cái vật đang ở đằng trước về gần với mình. Muốn nói “nhớ” quê hương cũng có thể dùng cách diễn tả “Aanterekken” như thể mong mỏi kéo được quê hương sát lại. Học những khái niệm Hoòa Lan như vậy thật là khó khăn. Thành thử tuy biết thày hiếu học nhưng tôi xin khuyên đừng đụng tới nó thì hay hơn.

Nishi nói như đoan chắc. Cả Maeno Ryôtaku lẫn Sugita Genpaku chỉ biết cúi đầu nghe.


hinh4

Sugita Genpaku


Genpaku thật thà tin lời khuyên can của viên thông ngôn chính Nishi Zenzaburô. Nghĩ rằng mình không thể mất thời gian theo đuổi một công việc đòi hỏi sự kiên trì như vậy mà chưa chắc đã đem lại lợi lộc gì, ông đã định phá ngang, không theo học tiếng Hòa Lan nữa.

Riêng Ryôtaku là mẫu người ở thái cực bên kia so với Genpaku. Tính ông hễ gặp khó khăn thì càng năng nổ và quyết tâm thực hiện cho được điều mình muốn. Vì vậy, ông đã đến gõ cửa nhà Aoki Konyô.


khoai

Ông thày khoai lang” Aoki Konyô (ảnh minh họa)


Aoki Konyô là người cùng với Noro Genjô10 nhận mệnh lệnh trực tiếp của Shôgun đời thứ 8 là Tokugawa Yoshimune đi học tiếng Hòa Lan. Mỗi lần vị Thương quán trưởng Hòa Lan và tùy tùng lên Edo bái yết Mạc phủ thì hai ông lại có dịp học tiếng nước ấy từ viên thông ngôn của đoàn. Nhờ đó, về sau Aoki đã có những trứ tác như Oranda Moji Ryakkô (Hòa Lan văn tự lược khảo), Oranda Wayaku (Hòa Lan Hòa dịch), Oranda bun.yaku (Hòa Lan văn dịch).

Ryôtaku theo học tiếng Hòa Lan với Konyô với tất cả nhiệt tình nhưng đành phải bỏ nửa chừng khi Konyô qua đời (1769).

Vẫn không chịu lùi bước, Ryôtaku xuống Nagasaki với quyết tâm đào sâu tri thức. Tuy chỉ với vốn liếng ngữ học ít ỏi, ông đã trở thành một người thày thuốc Nhật Bản duy nhất nghiên cứu chuyên sâu tiếng Hòa Lan.


Ba


Ngày mùng 4 tháng 3 năm Meiwa thứ 8 (1771), trong khi trời vẫn còn tờ mờ, Ryôtaku bọc trong lớp áo bản dịch sang tiếng Hòa Lan quyển sách giải phẫu học và ra khỏi nhà.

Bình sinh Ryôtaku không giao du với ai, tiếp xúc với Genpaku thì có những cũng ít khi. Cho nên thấy Genpaku không quản đêm hôm khuya khoắt còn sai người đến mời mình đi chứng kiến cuộc giải phẫu tử thi tù tử hình, ông rất vui.

Ryôtaku bước cho nhanh để chóng đến quán nước xóm Mitani khu Asakusa. Tại chỗ đã thấy Sugita Genpaku, Nakagawa Jun.an11 cũng vừa tới. Sau khi Ryôtaku tỏ lời cảm ơn người đã mời mình đến, ông rút trong tay áo ra cuốn sách về giải phẫu của Đức đã được dịch sang tiếng Hòa Lan, và nói:

– Tôi nghĩ cuốn sách này có thể giúp chúng ta tham khảo khi xem mổ xác nên mang theo đấy ạ.

– Thật là một mối duyên kỳ ngộ.

Genpaku chăm chú nhìn quyển sách. Thế rồi họ trao đổi với nhau những điều suy nghĩ. Mở quyển sách ra, họ châu đầu lại nhìn tranh vẽ bên trong. Ryôtaku vừa đưa tay chỉ vào những bức tranh, vừa giải thích cho Genpaku và các bạn:

– Này nhá, đây là hart có nghĩa là quả tim, maag là bao tử, còn meeld là lá lách đấy.

– Thế nhưng sao nó chẳng giống lục phủ ngũ tạng mình đã học gì cả. Tôi nghĩ bản dịch Hòa Lan này có thể chính xác hơn đó ...!

Anh chàng trẻ tuổi Jun.an hăng hái đưa ra nhận xét như thế.

Cả bọn đứng lên khỏi ghế:

– Bề gì chúng mình nên đợi lúc xem mổ hẳn hay!

Ra khỏi quán nước, mặt mày ai nấy đều hớn hở. Một phần, đây là lần đầu họ được trông thấy tận mắt một cuộc mổ xác, phần khác vì bọn họ lại có thêm quyển sách giải phẫu bằng tiếng Hòa Lan. Nó viết đúng hay sai thì cứ đợi đến lúc xem mổ, mọi sự trắng đen sẽ rõ ra thôi.

Trên cánh đồng rộng tỏa ra hai bên bờ đường, mùa xuân đã làm nhú lên những chồi xanh. Tuy vậy nơi gọi là bãi hành hình Kozukabara vẫn như bao trùm một bầu không khí thê lương. Bọn họ hướng về nơi đã được chỉ định, một túp nhà nhỏ và xập xệ. Xác chết đã được khiêng tới nằm sẵn đó, trên người phủ một tấm chiếu lác.

Theo lời kể của viên tiểu lại, cái xác nằm đấy là của một người đàn bà hung tợn tên Aochababa, xuất thân vùng Kyôto, tuổi độ 50, vì phạm tội đại hình nên lãnh án chém.

Việc mổ xác đã được định trước sẽ trao cho Toramatsu, một anh chàng làm tạp dịch khá khéo tay. Thình lình hắn ta bị ốm nên ông nội hắn được cử thay cháu làm chuyện đó.

Tuy đã 90 nhưng không ngờ với số tuổi như thế mà lão ta hãy còn rất tráng kiện cương cường. Người ta cho biết là đến nay, mỗi lần mổ xác, lão vẫn đóng vai trò giải thích về các bộ phận cho mấy ông thày thuốc đến tham quan, cái nào là tim, là phổi , là thận vv...

– Riêng việc tự tay mổ thì đối với tôi đây mới lần đầu...

Sau khi nói xong điều đó với giọng kiêu hãnh, lão vung tay hất tung tấm chiếu ra. Thây chết đã cụt đầu, máu thấm suốt từ phần từ ngang vai trở xuống bụng. Cái thủ cấp phủ tóc bạc lăn lóc bên nách.

Lão già thọc mũi nhọn vào trong lồng ngực xác chết, nhanh nhẹn xẻ nó ra làm đôi và phanh luôn cả phần bụng. Thế rồi lão đưa tay chỉ chỏ vào nội tạng của xác chết và huênh hoang giải thích với bọn Ryôtaku:

– Cái này là lá gan, cái này là quả thận... .

Kể từ khi lão sư Yamawaki Tôyô được chứng kiến tận mắt việc mổ xác tù tử hình, việc nhà đương cục cho phép các y sĩ đi coi đã trở thành phổ biến. Ngay cả mấy lần trước, khi mổ xác ở bãi hành hình Kozukabara này, không thiếu gì thầy thuốc đã được mời đến tham quan.

Tuy vậy, hầu như việc mỗ xác ở pháp trường chỉ dành cho bọn làm tạp dịch hạ tiện, mấy ông y sĩ chỉ biết đứng cạnh họ mà nhìn. Thế rồi những y sĩ vốn chẳng có kiến thức bao nhiêu về vị trí xếp đặt của nội tạng đã phải nhờ người mổ xác giải thích cho. Vì vậy mới xảy ra việc lão già kia đã có thái độ hợm hĩnh khi đứng trước Maeno Ryôtaku và các đồng nghiệp.

Thế nhưng lúc đó, lão già bắt đầu nhận ra rằng mấy ông thày thuốc có mặt hôm nay có cái gì khang khác. Maeno Ryôtaku và các bạn hầu như chẳng tỏ ra chú ý đến lời lão giải thích. Họ còn lấy ở đâu ra một quyển sách viết bằng thứ chữ kỳ lạ, say sưa lật qua lật lại nhìn ngắm và so sánh hình vẽ trong đó với những nội tạng đang bày ra trước mắt rồi trao đổi với nhau không biết những chuyện gì. Họ cũng chẳng tỏ vẻ sợ hãi khi cho tay sờ nắn chúng. Họ xì xào, suýt soa :

– Hầu như chẳng khác nhau chỗ nào cả.


giaiphau

Họ thấy chẳng khác trong sách ở chỗ nào cả ...


Lão già im bặt, hai mắt lão dán vào những bộ mặt căng thẳng và nghiêm nghị của những người đứng đằng trước. Thế rồi, sau khi cuộc xét nghiệm chấm dứt, lão mới cung kính cúi đầu nói:

– Cho đến bây giờ mỗi lần mổ xác, lão có phận sự thuyết minh cho các y sĩ và không một ai tỏ ra hoài nghi về lời của lão. Thế nhưng mấy thày đây là những người hoàn toàn khác với họ. Vậy xin quí thày tha thứ cho lão cái tội ba hoa.

Ryôtaku và các bạn còn muốn kiểm tra hình thù xương cốt nữa cho nên mới đi ra ngoài thu nhặt những bộ xương đã bị gió mưa vùi dập trên bãi hành hình. Nào là xương lưng, xương sọ, xương tay, xương chân... Họ so sánh chúng với những hình vẽ trong quyển sách, xem hai bên có thống nhất hay không.

Chuyến đi xem mổ xác như vậy là kết thúc, cả bọn kéo nhau ra về. Phải nói là ba người vô cùng cảm kích về những điều vừa xảy ra.

Trong đôi mắt của Genpaku thấy như có ngấn nước long lanh. Ông bảo mọi người:

– Trong buổi tham quan hôm nay, thực là chúng ta đã đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Hận mình là người đeo đuổi nghiệp y để có ích cho chủ quân mà lại không có chút tri thức cơ bản là cách bố trí nội tạng trong thân thể con người. Nhìn lại đoạn đường đã đi cho đến nay, thật hổ thẹn khôn xiết. Nếu chúng ta không biết dựa trên kinh nghiệm này để có sự phán đoán chính xác về cơ thể con người và chuyên chú vào y thuật thì mai sau sẽ không biết thưa gửi thế nào với thiên địa thần minh.

Nghe thế, Ryôtaku cúi đầu thật thấp và trả lời:

– Tôi cũng xin đồng ý với thày.

Cả bọn sau đó như nhẹ gánh, thong dong bước trên con đường về.

Bỗng nhiên Genpaku khựng chân dừng lại.

– Sao, chuyện gì vậy thày? Cho chúng tôi biết với!

Có tiếng thảng thốt hỏi. Cả Ryôtaku lẫn Jun.an đều quay đầu nhìn Genpaku.

– Thế này nhé, hai thày ạ. Tôi đang nghĩ đến việc thử dịch cuốn sách giải phẫu từ tiếng Hòa Lan sang tiếng nước mình. Nếu dịch được và hiểu bên trong và bên ngoài cơ thể có gì thì thật vô cùng hữu ích cho phương pháp chữa trị bệnh nhân chúng ta đang có. Duy có cái khó khăn mà các thày đều đã biết là bọn thày thuốc chúng mình phải làm sao có đủ sức đọc và hiểu được sách mà không phải nhờ vả mấy thày thông ngôn....

Mặt Genpaku thấy như đang bừng lên một niềm đam mê.

Ryôtaku nhìn thật sâu vào đôi mắt của Genpaku, dò hỏi. Thế rồi, mắt của ông cũng rực sáng. Ông nói:

– Thú thực với các thày, từ hai ba năm về trước, trong đầu tôi lúc nào cũng bị ám ảnh bởi ý nghĩ là làm cách nào để đọc được chữ Hòa Lan. Ngày ngày tôi vẫn bị dằn vặt, cứ than thở rằng mình không có những người bạn tốt cùng chí hướng. Thế nhưng nếu hai thày đây cũng rắp tâm làm chuyện dịch thuật, thì xin thưa là năm ngoái bản thân tôi cũng đã xuống dưới Nagasaki, học được dăm ba chữ Hòa Lan rồi. Xin coi việc đó như là bước đầu để thử tìm hiểu quyển sách giải phẫu.

– Nếu thế thì vững lòng quá! Bọn mình đồng lòng hiệp sức, quyết tâm làm cho được cái chuyện hữu ích này nhé!

Nghe Genpaku lên tiếng như vậy, mặt mày Ryôtaku lộ nét vui mừng.

Anh bạn trẻ Nakagawa Jun.an, hãy còn trong lứa tuổi 30, cũng khoa tay múa chân bày tỏ sự hăng hái. Ba người mắt đẫm lệ, đăm đắm nhìn nhau.

Ryôtaku bảo họ:

– Nếu đã đi đến quyết định rồi thì phải làm như lời ngạn ngữ, nghĩa là “Sớm chừng nào tốt chừng nấy”. Vậy xin hai thày ngày mai quá bộ đến tệ xá và chúng ta khởi công nhé!

Genpaku và Jun.an nghe thế đều tỏ ra đồng ý. Thế rồi, hôm đó, ai về nhà nấy.

Câu chuyện phiên dịch Tâheru Anatomia – đáng được gọi là một cái mốc lịch sử – này, đã bắt đầu ngay hôm sau.


Bốn


Ngày mùng 5 tháng 3 năm Meiwa thứ 8 (1771), đúng giờ hẹn, Sugita Genpaku và Nakagawa Jun.an họp mặt với Maeno Ryôtaku ở dãy nhà ngang tư dinh lãnh chúa phiên Nakatsu là ngài Okudaira trong khu Tsukiji Teppôsu, nơi Ryôtaku đang trú ngụ.

Maeno Ryôtaku là người lớn tuổi nhất trong bọn, năm đó đã 49. Sugita Genpaku 39 còn Nakagawa Jun.an mới có 32.

Cha của Genpaku là Hozan, vốn là một y sĩ từng theo học ngoại khoa của người Hòa Lan. Hơn thế nữa, khi Genpaku vừa 17 tuổi, ông đã nghe theo lời khuyên của cha đến vùng Nihon Enoki, nhập môn Nishi Gentetsu, một y sĩ ngoại khoa Lan học. Tiếng là được truyền thụ y thuật Hòa Lan nhưng tri thức mà Genpaku thu thập được lúc đó hãy còn rất ấu trĩ và nghèo nàn.

Sau đó, nhân một lần viên Thương quán trưởng Hòa Lan và đoàn tùy tùng lên Edo, Genpaku đã có một lần chứng kiến cảnh Pauwells, một y sĩ người Hòa Lan, mổ một cái nhọt trên lưỡi cho anh y sinh Kawahara Genba.

Genpaku kinh ngạc trước tay nghề của Pauwells. Khi lưỡi dao mổ đưa vào thì máu có tuôn ra ràn rụa nhưng Pauwells đã đặt ngay một vật để hứng ở một chỗ cố định ngay bên dưới, để cho máu có chảy ra cũng chỉ rơi vào đúng một nơi thôi. Vào dịp đó, Genpaku đã được Yoshio Kôzaemon, viên thày thuốc và cũng là người thông ngôn nổi tiếng, cho mượn một cuốn sách về ngoại khoa. Tuy Genpaku không nắm được ngôn ngữ nhưng đã thức suốt đêm để sao chép lại nguyên quyển sách, chứng tỏ nhiệt tình của ông muốn tiếp thu cho bằng được y lý Hòa Lan.

Còn về Nakagawa Jun.an thì đến nay người ta đã biết rõ ông có lần đứng ra làm trung gian để kiếm cho Genpaku một cuốn sách giải phẫu được dịch sang tiếng Hòa Lan giống y quyển Ryôtaku có trong tay. Do đó, có thể xác định rằng ông cũng có nhiệt tình muốn hiểu biết y học nước người. Ông cũng đã học được từ Yasutomi Kiseki, thày thuốc của lãnh chúa vùng Yamagata 26 chữ cái tiếng Hòa Lan. Dù sao, cũng như Genpaku, ông hoàn toàn không có tri thức nào khác về ngôn ngữ này.


tanthu

Những hình vẽ trong Kaitai Shinsho (Giải thể tân thư)


Đương nhiên, nhân vật chủ chốt của việc dịch thuật là người lớn tuổi nhất trong bọn, Maeno Ryôtaku, cho dù trình độ của ông chẳng có bao nhiêu. Cả Genpaku lẫn Jun.an đều trọng ông như người thày.

Công trình dịch thuật đã bắt đầu từ ngày hôm đó. Tuy nhiên khi mắt vừa chạm dòng chữ đầu tiên, các nhà dịch thuật đã há hốc nhìn nhau. Một lần nữa, họ hiểu rằng đây là một việc làm tuyệt đối khó khăn nhưng không vì thế mà nản lòng. Họ lại bàn cãi với nhau xem phải làm cách nào để có thể hiểu được nội dung quyển sách.

Kết quả họ quyết định dẹp qua một bên phần nói về nội tạng vốn đầy dẫy những từ khó, để đó xem sau. Họ nghĩ rằng phương pháp hay nhất là dịch mấy đoạn nói về những cơ quan bên ngoài thân thể trước đã.

Ở đầu quyển sách giải phẫu, có một bức tranh vẽ hai nam nữ lõa thể, trên các bộ phận đều có đánh dấu và liên kết với những lời chú dẫn. Nếu nhìn văn tự viết bên cạnh cái miệng thì nhất định sẽ hiểu được trong tiếng Hòa Lan danh từ nào dùng để chỉ cái miệng. Rồi cứ thế mà nhích từng chút một, mỗi ngày họ biết thêm vài từ vựng.

Cho dù biết đủ các tiếng đơn vẫn chưa có thể hiểu trọn một câu. Bọn họ mỗi ngày chỉ ráng đọc cho được một câu, thế mà lắm lúc vẫn không sao nắm ý nghĩa.

Chẳng hạn, trong phần nói về cái đầu (hoofd) thì thấy có một dòng chữ in như thế này:

Het hoofd is de opperste hollingheid

Ryôtaku suy luận : Is có thể là “dã也”, (nari) có nghĩa là “là”. Ông biết sẵn de là một trợ từ. Thế thì câu nói trên nhất định phải dịch thành “Cái đầu là .....” mới được. Khổ nỗi, trong phần này có hai từ ông không hiểu người ta muốn nói gì.

Ryôtaku lật đi lật lại quyển Từ điển Phật Lan12, khổ sở lắm mới biết rằng opperste có nghĩa là “chỗ cao nhất ở bên trên”. Bọn họ bèn suy nghĩ và trao đổi ý kiến rồi bất chợt Genpaku nói như hét lên:

– Thôi tôi hiểu rồi. Không phải họ muốn nói là “ở nơi cao nhất bên trên”hay sao?

Jun.an hỏi lại Genpaku:

– Cái gì cao?

– Cái đầu chớ cái gì! Trong thân thể, không phải cái đầu nằm ở chỗ cao hơn cả à?

Genpaku vừa trả lời, vừa đưa tay lên vỗ vỗ đầu mình.

Bọn họ mừng đến nhảy dựng lên và bắt đầu đặt bút dịch:

Trong thân thể, đầu ở nơi cao nhất.

Rồi cứ thế mà họ tiếp tục mò mẫm và con số từ ngữ được dịch càng ngày càng tăng thêm. Cộng thêm kiến thức sẵn có – tuy không là bao – của Ryôtaku, công việc dịch thuật càng ngày càng tiến.

Kể từ ngày bắt đầu công việc, một năm đã trôi qua. Nhóm dịch thuật bước vào năm Meiwa thứ 9 (1772). Ngày 11 tháng 2 năm đó, cô con gái cả của Maeno Ryôtaku lâm bệnh rồi mất làm cho tinh thần ông suy sụp nặng nề. Để quên đi nỗi buồn đó, ông lại vùi đầu vào việc dịch quyển sách giải phẫu từ tiếng Hòa Lan.

Thế rồi, không biết tự lúc nào, việc làm của nhóm đã được các nhân vật dòng dõi danh y tham gia. Có thể kể đến Katsuragawa Hoshuu, y sĩ thân cận của Shôgun, Ishikawa Genjô, thị y bên cạnh lãnh chúa Hitotsubashi, Kiriyama Shôtetsu, thày thuốc phiên Hirosaki, Mine Shuntai, phiên y ở Takasaki, Karasuyama Shôen, y sĩ từ lãnh địa Shônai... cũng như nhiều vị khác nữa.Tuy vậy, việc dịch thuật đòi hỏi sự trì chí chứ không hề dung dị cho nên rất nhiều kẻ không theo nổi đã phải rút lui.

Việc phiên dịch của nhóm vẫn tiến thêm nhưng kể từ lúc này, bỗng nhiên Maeno Ryôtaku bắt đầu tỏ ra bực mình với thái độ dịch thuật của Sugita Genpaku.

Bởi lẽ Genpaku chỉ mong sao việc dịch cuốn sách giải phẫu từ tiếng Hòa Lan này chóng kết thúc để ông còn đem ra trình với công chúng nên luôn luôn lên tiếng giục giã.

Thấy ông ta cứ rối rít để in sớm cho bằng được, bọn Jun.an không khỏi cười cợt. Nghe thế, Genpaku bào chữa:

– Tôi nay tuổi đã lớn. Không gấp rút sao cho được. Chỉ e rằng khi các thày hoàn thành công việc này rồi thì chắc mồ tôi đã xanh cỏ.

Những người trẻ như Katsuragawa nghe nói thế bèn tặng đùa ông ta cái danh hiệu “Mồ xanh cỏ”13

Đã đành Sugita Genpaku là người có công khởi xướng việc dịch thuật nhưng cá nhân ông ta chỉ nuôi hy vọng là khi đưa được bản dịch này ra công chúng, mình sẽ nổi tiếng.

Đương nhiên đó là dục vọng ai mà chẳng có, thế nhưng đối với kẻ chỉ chú trọng vào học hỏi nghiên cứu như Maeno Ryôtaku thì thái độ của Genpaku khó lòng được tha thứ. Có điều là Ryôtaku vẫn không thể nào bỏ ngang việc làm đang dang dở chỉ vì nhiệt tình không bờ bến của ông đối với học vấn. Một mặt tuy không bằng lòng với thái độ của Genpaku nhưng mặt khác ông vẫn cặm cụi dịch tiếp.

Nhìn thái độ của Ryôtaku, Genpaku hiểu ra là ông ta khó chịu với mình. Thế nhưng Genpaku không thể loại Ryôtaku ra khỏi chương trình bởi vì kiến thức tiếng Hòa Lan của ông ta vượt trội hơn cả nhóm. Nếu không có Ryôtaku thì việc dịch thuật khó lòng thành tựu.

Sau khi chương trình dịch thuật khởi công được một năm mười tháng, Genpaku mới lấy một số hình vẽ trong Taaheru Anatomia kèm thêm lời chú dẫn, nhờ nhà khắc mộc bản ở Edo tên là Suhara Yaichibê cho in thành một tập Kaitai yakuzu (Giải thể lược đồ)14. Nó chỉ gồm có ba bức tranh đóng gáy cùng với hai trang chú thích thành một tập nhỏ, với cái ý đây là bản công bố tạm thời về chương trình dịch thuật sách giải phẫu của nhóm. Tên dịch giả chỉ có hai người: Sugita Genpaku và Nakagawa Jun.an.

Đối với Maeno Ryôtaku thì việc Genpaku cho xuất bản quyển sách mỏng này chỉ là một hành động thiếu đẳng cấp và làm phật ý ông thêm.


Năm


Tháng 8 năm An.ei thứ ba (1774), việc dịch thuật từ khi bắt đầu đến giờ đã mất tất cả 3 năm 4 tháng. Quyển sách dịch từ nguyên tác Đức ngữ của Johann Adam Kulmus sang tiếng Hòa Lan thành ra Taahe Anatomia nay mang một cái tên mới qua bản mà nhóm chuyển ngữ sang tiếng Nhật là Kaitai shinsho (Giải thể tân thư) và đã được phát hành.

Chính văn gồm 4 tập, thêm 1 tập có lời tựa và tranh vẽ nữa thành 5 tập tất cả, in bằng mộc bản. Tập một có 21 trang, tập hai 23 trang, tập 3, 24 trang, tập bốn 26 trang ... các tập này là phần chính văn. Chữ Hán trong đó đều được chua cách đọc lối Nhật ở bên cạnh.

Lời tựa do nhà thông dịch kiêm y sĩ Yoshio Kôzaemon viết. Ông không ngớt lời ca tụng sự nghiệp vĩ đại mà Maeno Ryôtaku và Sugita Genpaku vừa mới hoàn thành.

Khốn nỗi cuốn “Giải thể tân thư” vừa được in ra đó đã bộc lộ một sự thực kỳ quái. Từ tập thứ nhất cho đến tập thứ năm, trên mào đầu đều có in 4 cái tên của những người đã đóng góp. Đó là:

Dịch: Sugita Genpaku

Hiệu chú: Nakagawa Jun.an

Tham gia: Ishikawa Genjô

Duyệt: Katsuragawa Hoshuu

Chỉ có thế. Riêng tên người đứng ra điều khiển việc dịch thuật là Maeno Ryôtaku thì đã bị đục bỏ.

Cớ sao trong lời tựa, Yoshio Kôzaemon đã không tiếc lời ca tụng Ryôtaku lẫn Genpaku mà nay lại không thấy tên Ryôtaku nằm trong danh sách dịch giả! Chuyện này thật quá khó hiểu.

Nào có nghe ai nói là sau khi công việc dịch thuật hoàn tất, giữa Ryôtaku và Genpaku đã có sự bất hòa đâu!

Chỉ vì đối với Ryôtaku, bản dịch “Giải thể tân thư” chưa được hoàn chỉnh, phải đợi vài năm nữa mới có thể đưa in.

Genpaku lại vội vàng quá đỗi. Ryôtaku, vì lương tâm của nhà nghiên cứu, không thể chìu theo ý đó nên đã tự động rút tên mình ra khỏi danh sách các dịch giả.

Genpaku cũng chấp nhận một cách thoải mái. Thành ra trong danh sách người dịch, chỉ có mỗi tên Sugita Genpaku.

Giữa khi khắp nơi vang dội những lời hay tiếng tốt dành cho bản dịch, Maeno Ryôtaku đóng chặt cửa, thu mình trong thư phòng. Năm đó ông 53 tuổi.

Thanh danh y sĩ của Sugita Genpaku thoắt cái đã nổi như sóng cồn, một mình ông qui tụ tất cả sự vinh hiển và tôn kính dành cho một nhà sáng lập Lan học. Thế nhưng việc nghiên cứu tiếng Hòa Lan của Genpaku thì từ khi tác phẩm “Giải phẫu tân thư” ra đời, không có dấu hiệu gì cho thấy ông đã tiếp tục.

sách

Kaitai Shinsho bản hiện đại
chỉ có tên Genpaku
(杉田玄白)

Genpaku trường thọ, sống đến 85 tuổi. Nửa đời sau, nhờ mở phòng mạch tiếp con bệnh, ông có một cuộc sống sung túc. Hình như ông cũng khá để ý đến tiền bạc vì một lần vào dịp cuối năm, thấy ông ghi lại trong nhật ký những câu như sau: ”Năm nay thu được 476 lạng 2 phân 2 chu15, bái lĩnh thêm 67 lạng 3 phân, tổng cộng 544 lạng 1 phân 2 chu”. Sau đó, thu nhập của Genpaku ngày lại càng tăng vọt.

Ngoài ra, với cái cớ Genpaku là một y sĩ tinh thông, người ta cho phép ông vào bái yết Shôgun Ienari. Đây là lần đầu vinh dự này được dành cho một y sĩ Lan y.

Nếu so sánh với thái độ của Genpaku thì Ryôtaku, ngay cả sau khi bản dịch “Giải thể tân thư” ra đời, ông vẫn miệt mài học tiếng Hòa Lan. Ông lấy cớ bệnh hoạn, đóng cửa tạ khách, tích cực lẫn tránh mọi thứ giao tế. Số lượng sách ông dịch tăng thêm nhiều nhưng vì lòng vẫn coi thường danh lợi nên sách có đó mà chẳng buồn đem in.

Ông sống một đời nghèo khổ, cũng không hề thu nhận ai làm học trò. Thế rồi, ông lại vượt ra ngoài khuôn khổ ngành y mà nới rộng hoạt động dịch thuật đến những lãnh vực khác như thiên văn, lịch học và địa lý, để lại vô số dịch phẩm đủ loại.

Sau khi trưởng nam của ông qua đời, vợ ông – bà Binko – cũng nối gót theo con. Ông được Mineko, cô con gái thứ đã lấy chồng là viên y quan của Mạc phủ, Kojima Shun.an, đem về phụng dưỡng. Ngôi nhà ông dọn đến nằm ngay cạnh biệt thự của Genpaku.

Ngày 17 tháng 10 năm Kyôwa thứ 3 (1801), Maeno Ryôtaku lâm bệnh và mất, thọ 81 tuổi. Thế nhưng Genpaku chẳng đến đưa ma, trong nhật ký, hôm đó ông ta chỉ ghi lại vỏn vẹn mấy chữ:

Ryôtaku chết.

Di hài của Ryôtaku được mai táng ở nghĩa trang Khánh An Tự (Kei.anji) khu Shitaya thành Edo. Hiện nay ở Cao Viên Tự (Kôenji) trong khu Suginami hãy còn tấm bia lập lên để nhớ ông.


Dịch xong tại Tokyo ngày 6 tháng 9 năm 2016

Nguyễn Nam Trân




1 Maeno Ryôtaku 前野良沢 (1723–1803), y sĩ Tây y (Lan học) thời Edo trung kỳ (thế kỷ 18).

2 Sugita Genpaku杉田玄白 (1733–1817), y sĩ Tây y (Lan học) thời Edo trung kỳ (thế kỷ 18). Gia đình đời đời làm thày thuốc của phiên. Tác giả Rangaku kotohajime 蘭学事始(Nguồn gốc của cái học Hòa Lan)

3 Thời đó có thông lệ là Thương quán trưởng Hòa Lan ở Dejima (Nagasaki) hàng năm phải lên bẩm báo với Shôgun về những chuỳển biến mới của tình hình thế giới.

4 Tên bản tiếng Nhật là Kaibô Zufu解剖図譜 (Giải phẩu đồ phổ). Trước đó, đã được dịch từ Đức ngữ sang tiếng Hòa Lan năm 1734. Sau này được biết nhiều với cái tên mới là Kaitai Shinsho解体新書 (Giải thể tân thư, 1774).

5 Sanshô (tam tiêu三焦) là một khái niệm y học hơi trừu tượng thấy trong Hoàng Đế Nội Kinh để chỉ hô hấp (thượng tiêu), bài tiết (trung tiêu và hạ tiêu). Còn tì là tụy tạng ( hizô) tức lá lách.

6 Yamawaki Tôyô 山脇東洋 (1705–1762), thày thuốc thời Edo trung kỳ (thế kỷ 18), người tiên phong trong y học thực nghiệm và là thày học của Maeno Ryôtaku. Tác giả Tàng chí蔵志.

7 Xưa kia, ở Nhật, thường có chức và tước. Tước là do triều đình Kyôto ban cho, danh giá hơn và không liên quan gì đến chức phận trong thực tế.

8 Hòa Lan (Hà–Lan) là một trong những quốc gia hiếm hoi được Mạc phủ Tokugawa cho mở Thương quán (Foreign Merchant Office) để làm mậu dịch với Nhật. Từ năm 1641, họ có cơ sở gồm khu ăn ở, nhà kho và bến cảng riêng ở Dejima, khu đất lấp hình nan quạt phía nam thành phố Nagasaki.

9 Aoki Konyô 青木昆陽 (1698–1769) nhà Nho học và Lan học, phụ trách thư tịch ngoại quốc (Man thư) của Mạc phủ. Từng được Shôgun ra lệnh học tiếng Hòa Lan. Có viết tác phẩm “Hòa Lan văn tự lược khảo”. Ông còn được biết như người đã đem khoai lang (cam thự) vào trồng ở Nhật như một nguồn thực phẩm mới trong một xã hội hay gặp nạn đói. Người Nhật rất biết ơn và hay nhắc tên ông một cách yêu quí là Cam thự tiên sinh (Ông thày khoai lang).

10 Noro Genjo 野呂元丈 (1693–1761), y sĩ kiêm nhà thực vật học (bản thảo học) đời Edo trung kỳ (thế kỷ 18) , từng theo học thuốc với Yamawaki Tôyô và thực vật học với Inou Jukusui. Đã viết Oranda sôboku Wakai (A Lan Đà thảo mộc Hòa giải) , một từ điển Hòa Lan–Nhật về cây cỏ.

11 Nakagawa Jun.an 中川順庵 (1739–1786), xuất thân phiên Obama, y sĩ Lan y thời Edo trung kỳ (thế kỷ 18), người về sau sẽ cộng tác với Sugita Genpaku và Maeno Ryôtaku trong việc dịch thuật.

12 Có thể hiểu là Từ điển tiếng Hỏa Lan. Thời ấy Hòa Lan được gọi bằng nhiều tên (Hà Lan, A lan đà, Hòa Lan vv...).

13 Nguyên văn là Kusaba no kage (Dưới bóng cỏ lá) ý nói chết chôn mất đất.

14 “Giải thể” trong văn mạch này chỉ có nghĩa là Giải phẫu cơ thể.

15 Chu (shu) là đơn vị hoá tệ thời Edo. Một lạng (ryô) có 16 chu.Một phân (bu) có 4 chu.



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Thu 2016
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss