Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / 3 cuốn phim tài liệu chiếu ngày 13.11.2010 ở Paris

3 cuốn phim tài liệu chiếu ngày 13.11.2010 ở Paris

- Nguyễn Ngọc Giao — published 05/11/2010 16:44, cập nhật lần cuối 07/11/2010 10:32


Câu lạc bộ YĐA ngày 13.11.2010


HIỆN THỰC VIỆT NAM
QUA BA CUỐN PHIM

Nguyễn Ngọc Giao


Câu lạc bộ YĐA (Yêu Điện nh) sẽ sinh hoạt trở lại sau mấy tháng hè vào chiều thứ bảy 13.11.2010 (14g) tại Studio de la Clef (34 rue Daubenton, Paris 5e ; M° Censier-Daubenton) với sự có mặt của đạo diễn Trương Vũ Quỳnh, tác giả một trong ba cuốn phim tài liệu sẽ được giới thiệu (Người đưa linh), và (nữ) đạo diễn Đoàn Hồng Lê (mà khán giả YĐA đã có dịp xem Đất đai thuộc về ai ?).

Chúng tôi gọi họ là đạo diễn vì họ đã thực sự đạo diễn hai cuốn phim tài liệu giá trị. Nhưng cả hai thực ra là những nhà báo, làm việc ở Đài truyền hình Đà Nẵng, chưa bao giờ "quan niệm" một cuốn phim và chỉ huy một ê-kíp làm phim. Cho đến ngày họ tham gia "Trại sáng tác Varan" : Đoàn Hồng Lê năm ngoái, Trương Vũ Quỳnh năm nay. Cũng như nhà văn Phan Thị Vàng Anh, tham gia Trại sáng tác đầu tiên của Varan ở Việt Nam năm 2004, và đã thực hiện cuốn phim xuất sắc Ở phường Thành Công có làng Thành Công. Hay gần đây hơn, Trần Phương Thảo, sang Pháp theo học Sciences Po (Học viện Chính trị học Paris), về nước, đầu tiên tới "Trại Varan" để làm phiên dịch, rồi thành "học viên" và thực hiện cuốn phim Giấc mơ là công nhân (đã được giải thưởng ở Festival du Réel 2008, Paris).


VARAN, Jean ROUCH và "Cinéma Vérité"

Mời gọi những người ngoài nghề, nhưng có hiểu biết, kinh nghiệm và cái nhìn về hiện thực xã hội, giúp họ thực tập bằng cách làm phim với sự giúp đỡ của những nhà điện ảnh chuyên nghiệp (đạo diễn, quay phim, dàn dựng...) : đó là cung cách của "trường" Varan.

Varan thực ra là một hiệp hội thành lập trong những năm 1980 ở Pháp, tập hợp những nhà điện ảnh chuyên nghiệp tự nguyện mỗi năm bỏ ra mấy tuần sang một nước thế giới thứ ba để đào tạo. Varan ra đời từ một sáng kiến của nhà điện ảnh kiêm dân tộc học Jean Rouch, cha đẻ của trường phái Cinéma Vérité (Điện ảnh Chân thực). Năm 1978, chính phủ nước Cộng hòa non trẻ Mozambique mời Jean Rouch và mấy nhà điện ảnh nổi tiếng sang quay phim, để ghi lại những đổi thay ở miền Nam châu Phi. Thay vì làm phim, Rouch đề nghị đào tạo những nhà điện ảnh Mozambique để chính họ dùng máy quay ghi lại những hiện thực mà họ thấu hiểu.

Theo quan niệm của Jean Rouch cũng như của "trường Varan", nhà điện ảnh phải "thu mình" sau ống kính, để những con người thực việc thực "nói" với khán giả. Trong phim tài liệu của Varan, thường không nghe thấy lời bình luận của tác giả, lời của đạo diễn nếu có chỉ là những câu hỏi ngắn gọn, nhường lời cho các nhân vật thực, nói về công việc, về đời sống của họ. Cô Kim Hải, biên tập viên Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam, tác giả cuốn phim Luôn ở bên con (2009) vừa được giải "phim tài liệu xuất sắc nhất" ở Liên hoan quốc tế phim (Hà Nội, tháng 10.2010) đã tóm tắt khá chính xác quan niệm này :

" Năm 2009, tôi tham gia Trại sáng tác Varan (Pháp) tổ chức tại Việt Nam. Trong khóa học 3 tháng này, tôi phải thực hiện một bộ phim tài liệu. Xin nói thêm, Varan là một chương trình đào tạo làm phim tài liệu của Pháp theo phong cách điện ảnh trực tiếp. Hiểu một cách đơn giản, thì đây là phong cách làm phim ghi hình, ghi âm đồng bộ, không dàn dựng, bố trí, không lời bình, người đạo diễn ghi lại chân thực nhất câu chuyện mà mình thể hiện trong phim ".

Trong hai mươi năm qua, ngoài những khóa đào tạo tại Pháp, Varan đã mở những "trại sáng tác" tại gần 20 nước trên thế giới : Mexico, Columbia, Venezuala, Bolivia, Brasil, Bồ Đào Nha, Serbia, Montenegro, Nam Phi, Kenya, Đảo Maurice, Papouasia, Tân Đảo, Campuchia, Afghanistan (tháng 3 vừa qua, nhà điện ảnh Séverin Blanchet đã hy sinh trong một cuộc đánh bom khủng bố khi ông đào tạo một khóa học viên ở Kabul).

Tại những nước này, Varan chỉ mở trại một lần, nhiều lắm là hai lần. Riêng với Việt Nam, Varan hình như có mối duyên tiền định. Từ năm 2004 đến mùa xuân năm nay, Varan đã mở 5 khóa đào tạo (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng), với sự hưởng ứng nhiệt tình của Xưởng phim tài liệu trung ương và sự tài trợ của Quỹ UNDP, Ford Foundation, Viện Goethe...

Sự tồn tại của Varan và cuộc phiêu lưu của "Varan Việt Nam" là cả một nghịch lý vừa đáng mừng vừa đáng buồn. Nghịch lí vì phim tài liệu hầu như đã chết : ít nhất nó hoàn toàn vắng bóng ở các rạp chiếu bóng trên thế giới. Nó phải "tị nạn" trên một vài kênh truyền hình số rất ít người xem, phải ẩn náu trong những liên hoan phim chuyên môn (thí dụ như Festival du réel ở Paris, hay Festival de Clermont Ferrand (22-28.11.2010) vừa tuyển chọn Đất đai thuộc về ai ? của Đoàn Hồng Lê). Varan tồn tại và tình sâu nghĩa nặng như vậy với Việt Nam, rõ ràng là đáp ứng một nhu cầu bức thiết của bản thân điện ảnh và hiện thực thế giới, hiện thực Việt nam hôm nay. Những ai đã được xem phim của Phan Thị Vàng Anh, Trần Phương Thảo, Đoàn Hồng Lê trong những năm qua thường đặt câu hỏi : những phim này có được chiếu ở Việt Nam không ? Nếu có thì ai xem, phản ứng của người xem như thế nào ? Câu trả lời có thể tóm tắt trong nhận xét của một nhà văn Việt Nam khi anh ghé qua Pháp : "Thật buồn là phải sang đến Paris, tôi mới được xem những phim này".


Những mảng hiện thực hôm nay

Chương trình chiếu phim chiều thứ bảy 13.11 của câu lạc bộ YĐA sẽ cho khán giả xem thấy gì ? Đó là những mảng đời thường ở thành phố Đà Nẵng và một vài làng quê Quảng Ngãi, Quảng Nam.

Một người phụ nữ, cọc cạch chiếc xe đạp, đi từng nhà để mua lượm mấy cái chai lọ, vài ba hộp các-tông, và khi may mắn hơn, cái nồi cái xoong chảo cũ. Một cảnh thường thấy, kể cả trong con mắt du khách vội vàng. Nhưng camera của Trần Thị Cúc Phương (phim Má lên Thành phố) không ngừng ở đó. Nó theo chị Thân về căn nhà trọ, nơi chị và mười mấy phụ nữ nông thôn đồng cảnh tối tối đi về, tắm rửa, nấu nướng trong cái sân hẹp, ngủ đêm trên một tấm nệm, mà diện tích cũng là diện tích "không gian sống" của mỗi người. Rồi ống kính theo chị về Nghĩa Kỳ, Quảng Ngãi, nơi mỗi tháng một lần, chị về nhà, lo cho chồng con, đàn gà, con bò... từ viên thuốc, tấm vở, đụn rơm... Tác giả cuốn phim không nói gì, không nhấn mạnh ở hình ảnh nào, chị Thân cũng không nói gì, nhưng cả cuốn phim cho ta thấy cuộc sống của cả gia đình này dựa trên đôi vai của một phụ nữ trầm tĩnh.

Nói nhiều và nói nhanh (lại nói tiếng Quảng, cũng may cho khán giả là có phụ đề tiếng Pháp !) là nhóm "teen" tối tối tụ tập ở bờ sông Hàn (Đà Nẵng, thành phố có lẽ duy nhất ở Việt Nam có quy hoạch đàng hoàng) để đi "pa-tin" (đúng hơn là roller, tức là pa-tin một hàng bánh xe nhỏ). Nhưng rất nhanh, ống kính của Hoàng Tùng (tác giả Bọn trẻ bây giờ !) cho ta thấy những mối quan hệ đa nghĩa đằng sau những hình ảnh "bưu thiệp du lịch" ấy. Trước hết là sự lựa chọn của Thanh, khiến bà mẹ không hiểu và lo lắng : bỏ công ăn việc làm ổn định (nhưng chán phèo) nơi sở làm của anh lớn ở "Thành phố" (tức là Sài Gòn) để trở về Đà Năng, đi học trở lại, và... chơi. Chơi với đám "tuổi teen" (trong đó có "Bé Anh") mà Thanh vừa là anh lớn, vừa là "đại diện" để đi thương lượng với từng gia đình... Mẹ của "Bé Anh" là một hình ảnh nữa về người phụ nữ, rường cột của gia đình (và có lẽ của cả một xã hội đảo điên) hôm nay, khi mà người đàn ông hình như không hơn mấy những cái xác không hồn (khi ra khỏi bàn nhậu).

ndl

Cũng may nam giới còn có một đại diện sáng giá là ông Hoa, người đưa linh trong cuốn phim của Trương Vũ Quỳnh. Theo tác giả, thì người đưa linh là nhân vật vốn có trong làng từ khi anh còn nhỏ. Nhưng theo nhà văn Đặng Tiến và nhà xã hội học Nguyễn Tùng mà tôi hỏi chuyện, cả hai đều là người xứ Quảng và có dịp về Đà Nẵng thường xuyên, thì dịch vụ "người đưa linh" là một hiện tượng mới xuất hiện ở thành phố, và nhà đòn đề nghị với tang gia cùng với áo quan và dàn nhạc đủ loại cấp bậc giá cả. Chuyện dân tộc học, xin để các nhà nghiên cứu đào sâu thêm vai trò của hát bội, và liên hệ với chức năng người khóc mướn, thầy cúng.. ở các địa phương khác. Điều quan trọng là Người đưa linh,  chỉ trong hơn nửa giờ, cho ta làm quen với một gia đình nông dân (của ông Hoa, một vợ, một con trai, hai con trâu, hai xe máy), biết đôi chút về thảm kịch gia đình ông (cha hoạt động cách mạng, bị chính quyền Diệm bắt tù, giết chết, nay có mồ chôn, nhưng người nằm dưới mồ "không biết là cha hay bà con nào khác"), và chứng kiến vai trò tâm lí - xã hội - văn hóa - văn nghệ của người đưa linh mỗi khi trong làng có người từ trần (dù người đó là một quả phụ một mình nuôi con, một cán bộ lão thành, một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa chết ở bên Mỹ, quan tài được đưa về quê...). Và cứ thế, giữa hai buổi đồng áng, người đưa linh xoa dịu nỗi đau của mọi nhà, và làm công việc mà lẽ ra một chính quyền chân chính phải làm từ lâu : hòa giải dân tộc.

*

Tất nhiên, hiện thực phức tạp của xã hội Việt Nam không thể chỉ phản ánh qua những thước phim tài liệu trung thực. Nhiều khi nó chân thực theo một cách khác qua những tác phẩm hư cấu. Như trong Bi, đừng sợ ! của đạo diễn trẻ Phan Đăng Di (giải thưởng ở Cannes, tháng 5.2010), và nghe nói trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ truyện vừa tuyệt vời của Nguyễn Ngọc Tư. Cả hai phim sẽ ra mắt công chúng YĐA trong niên học 2010-2011.


Nguyễn Ngọc Giao


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss