Tết vẫn có Việt kiều
Tết vẫn có Việt kiều
Khi nghe báo Doanh
nhân trẻ mời
viết bài theo chủ đề Tết không
có Việt kiều, tôi nhận ngay, đinh
ninh thực tế hiển nhiên, dễ viết;
nhưng lập tức, phần khác sâu thẳm
trong tôi lại nghĩ chiều ngược lại…
Đúng, những ngày này năm ngoái là không khí khác trên khắp nước - sân bay, chợ búa, rạp hát, quán bar, phố đi bộ…; đâu đâu cũng thấy kiều bào nhộn nhịp. Vậy rồi Covid, như nhát dao bén ngót chém thẳng vào sợi dây đoàn tụ. Đã vậy tuyên bố ngày 9/1 của văn phòng Chính phủ hạn chế tối đa chuyến bay đưa người nhập cảnh từ nay đến Tết Nguyên đán, khiến sự chia ly triệt để hơn!
Thành phố buồn dĩ nhiên, bao kế hoạch kinh doanh vỡ tan, bao mảnh đời lắt lẻo; nhưng nỗi buồn lớn nhất là trong mỗi gia đình. Nước Việt tạm ổn, nhưng thế giới? Chỉ cần nghĩ về những nơi có thân nhân sinh sống, lòng ai cũng chùn lại. Người ta nói thiên tai, dịch bệnh là sự trừng phạt của Tạo hóa dành cho nhân loại tham lam, vị kỷ. Con người đang trả giá để thức tỉnh, nhưng như lịch sử chứng minh con người rốt cuộc sẽ vượt qua bi kịch để tồn tại. Trong những thông số bi thương vẫn lấp lánh hy vọng - hơn nửa số người nhiễm bệnh đã bình phục, vaccine Covid-19 của Pfizer chống lại hai biến chủng mới hiệu quả…
Trở lại chủ đề Tết không có Việt kiều và suy nghĩ ngược của tôi. Hiện thực «không có» chỉ là chuyện thân xác bị câu lưu, nhưng không ai cản được linh hồn chia sẻ, yêu thương, tin cậy - sự kết nối sâu thẳm, xét cho cùng giá trị nhiều lần hơn dập dìu bóng dáng mà tâm tư lạnh lùng, bất tín - điều chúng ta luôn cám cảnh những năm hậu chiến.Về khái niệm có/ không Việt kiều trong năm Covid, tôi sở hữu rất nhiều minh chứng, đặc biệt trong lũ lụt miền Trung, khi thân nhân tôi, thân nhân cô bạn cùng nhà liên tục gửi tiền về cứu trợ.
Minh chứng “có” rõ nhất trong tôi là anh Trần văn Thọ gốc Huế, giảng nghiệm viên Đại học Paris 8 hưu trí sống ở Paris – mà chúng tôi thân thiết gọi «Thọ xe đạp » để phân biệt với nhiều Thọ khác. Sau những lần về nước, anh phát kiến chương trình tặng xe đạp cho học sinh nghèo, và bắt đầu từ 2002 đến nay, theo lũy tiến đột phá: Năm 2002 có hai mươi học sinh của bốn tường trung học trên thành phố Huế được tặng. Năm 2020, có sáu trăm học sinh của ba mươi bốn trường được tặng. Công thức của anh là nhận của bất kỳ ai muốn cho, mỗi chiếc theo thời giá từ 30 - 35e, mang về nước mua xe nội địa, chở đến điểm phân phát. Chi phí cá nhân anh tự lo, không trích quỹ thiện nguyện.
Hỏi anh có kỷ niệm gì vui trên hành trình “xe đạp tình thương”, anh kể nhiều thứ, tôi nhớ vài chuyện: Như có lần liên lạc một trường xin chọn hai mươi học sinh để tặng. Trường gởi danh sách, lúc sau hiệu trưởng cho biết không nhận xe của “người lạ”, nên xe được chuyển sang… trường khác. Cũng có nơi đòi giấy phép Bộ Giáo dục, Hội chữ thập đỏ... Anh hứa xin nhưng chở đi tặng… trường khác! Cứ thế, không quan chức, không diễn văn, kèn trống; xe đạp của anh được trao trong thân ái, chân thành. Anh nói hình ảnh đẹp nhất anh đắm đuối là thấy các em hớn hở đạp xe mới toanh trở về nhà…
Thắc mắc từ đâu anh có tiền làm "xe đạp tình thương » lâu vậy, anh nói «trên trời rơi xuống». Ví dụ có lần nghe chuông, mở cổng gặp phụ nữ lạ: "Tôi nghe bạn bè nói có ông Thọ mang xe đạp về Việt Nam tặng học sinh nghèo, tôi xin ở các chùa được bảy chiếc, nhờ ông mang về hộ". Tuần sau khách hôm trước lại bấm chuông, nói "Tôi gọi điện cho các bạn ở Mỹ, Canada, xin thêm được chín chiếc nữa". Từ đó, cứ vào mùa tựu trường, người phụ nữ vốn công chức nhỏ ở Sài Gòn trước 1975, lại đem quà đến cho các em, với danh sách người cho rõ ràng. Riêng mình, bà ghi "ẩn danh".
Hay anh đi khám tim cốt hỏi đi máy bay có ổn không. Khi biết anh về Việt Nam cho xe đạp, bác sĩ J.L Bitar lấy ra tờ 50 tặng. Lại thêm "Tôi có một máy tim còn tốt, ông mang về biếu được không?". Lại đùa "Kiếp trước tôi là người Việt, kiếp này người Pháp". Người viết từng mục kiến bức ảnh to với dàn học sinh nhận xe đạp trong quán ăn Tây cạnh nhà anh. Chủ quán nói nghe anh kể vụ xe đạp, cho mười chiếc. Ai cho một-hai chiếc anh cũng chụp hình báo cáo. Anh thích minh bạch.
Anh giữ nhiều thư tín đáng
yêu của các mạnh thường quân,
nhưng tôi nhớ hai trường hợp:
« Kinh Ong, chung chau la ba anh em
(Khoi, Hieu va em (sap sinh vao thang 4/2016 va chua co ten, nen tam
thoi goi la Em. Chau se cho Ong biet ten em sau). Kinh tham Ong vui
ve, manh khoe. Khoi Hieu va em ».
Hay
« Anh Thọ kính
mến, Một cây
(anh Thọ) làm đã nên non. Nhiều
cây (tụi em) chụm lại, hơn hòn
núi cao. Nhìn xe đạp, thấy nôn
nao. Mong xe dẫn lối em (học sinh) vào tương
lai. Thơ con cóc tặng anh Thọ. Chúc
anh sức khoẻ dồi dào để sang năm
tiếp tục dắt tụi em đi nữa. Thủy
Tiên ».
Giờ Covid không về nước được, anh chuyển 10.000 euros (*) quỹ xe đạp giúp nạn nhân lũ lụt. Xe đạp chuyển qua lũ lụt vẫn là tình đất nước. Tết này biết bao bà con không về được, nhưng trái tim vẫn nơi đây. Nên với tôi Tết năm nay vẫn có Việt kiều…
Việt Linh
Nguồn: Bài tác giả gửi Diễn Đàn. Trên báo giấy của Doanh nhân trẻ, con số này (*) đã bị sót một số 0, thành 1.000 euros. Xem thêm trên mặt báo này chuyện Lũ lụt tình thương.
Các thao tác trên Tài liệu