Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Thư gửi Allen Ginsberg + ebook "Thơ Allen Ginsberg"

Thư gửi Allen Ginsberg + ebook "Thơ Allen Ginsberg"

- Hoàng Hưng — published 23/08/2012 14:12, cập nhật lần cuối 23/08/2012 14:15

Hoàng Hưng

Thư gửi Allen Ginsberg
(di dân sang thế giới bên kia được 15 năm)

     

Thế là đã 16 năm từ ngày tôi in những bản dịch đầu tiên thơ ông trên tạp chí Văn học Nước Ngoài hồi đó nằm trong tay một anh chàng tử tế là Đoàn Tử Huyến. 15 năm từ ngày tôi viết thư cho ông xin phép xuất bản một tập thơ ông (bản tiếng Việt) ở Việt Nam. 15 năm từ hôm ông reo lên với chàng trợ lý trẻ Peter Hale (mà tôi ngờ cũng là người tình của ông) : “Thế là cuối cùng ta đã có người dịch tiếng Việt!” và ông bèn viết lá thư tay chữ loằng ngoằng gửi cho tôi nói đồng ý, lại còn dặn nên dịch phần II bài Wichita Vortex Sutra (Wichita Xoáy lốc Kinh) bình luận về cuộc chiến tranh Việt Nam và hỏi thăm nhà thơ Vũ Hoàng Chương mà ông từng gặp ở Sài Gòn. 15 năm trước khi nhắm mắt ông còn hình dung quyển thơ của mình chữ Việt đặt bên cạnh cuốn thơ chữ Tàu đã có từ lâu. Thế là đã 4 năm từ buổi tôi tìm đến mộ ông, đặt một bông hướng dương, loài hoa ông yêu mến, trên một phiến đá giản dị trong những phiến đá của dòng họ Ginsberg tại một nghĩa trang hẻo lánh ở thành phố Newark, sau khi hoàn thành bản dịch mấy chục bài thơ của ông để sau đó trở lại Việt Nam đăng ký xuất bản cho kịp ra mắt dịp kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông.

Nhưng đến hôm nay thì tôi đành viết những dòng này cáo lỗi với ông. Ước vọng của tôi – và cũng của ông – đã không thực hiện được. Không nhà xuất bản nào của nước tôi chịu in bản thảo mà tôi đã môi giới để có bản quyền đàng hoàng của Quỹ mang tên ông và đăng ký xuất bản hợp pháp (quả đáng tội có hai NXB hứa hẹn, rồi thì… “lờ lới lơ”). Ông sẽ hỏi: “Why?” Tôi cũng hỏi như ông: “Tại sao?”. Một nhà thơ từng công khai viết “thời trẻ tôi từng là người Cộng Sản và tôi tự hào về điều đó”, từng lên án nhà nước cảnh sát quân phiệt Mỹ trong nhiếu bài thơ rực lửa, từng ngồi lên đường ray tàu hỏa để chống bom hạt nhân, từng đi đầu trong những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam và vào tù vì thế, từng bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ liệt vào danh sách “phần tử nguy hiểm”, từng được tiếp đón ở Bắc Kinh Trung Cộng, từng được đám đông dân chúng Praha của nước Tiệp Cộng bầu làm “Vua tháng Năm” và rước đi trong ngày hội… Một nhà thơ như thế tại sao lại không được xuất bản ở nước Việt Nam mà ông yêu quý, mà ông bảo vệ, một nước Việt Nam sau 25 năm “Đổi mới, mở cửa” đã xuất bản cả sách của các trùm tư bản lẫn trùm chính khách nước đế quốc lớn nhất, kẻ thù lớn nhất của mình. Why? Why?Why? Tại sao? Tại sao? Tại sao?

Có phải vì ông là một nhà thơ dấn thân, một nhà thơ không tách Thơ ra khỏi Trách nhiệm Chính trị của công dân? Có phải vì ông công khai chống lại mọi hình thức độc tài, kiểm soát trí óc con người? Có phải vì ông chủ trương trung thành với mọi ý nghĩ trong đầu mình mà không chịu “tự kiểm duyệt” chúng trước khi công bố?

Có phải? Có phải? Có phải???

Nhưng thôi. Trước khi có câu trả lời minh xác, xin ông cùng với các bạn đọc tiếng Việt của tôi tạm vui lòng với cuốn Thơ Allen Ginsberg mà hôm nay tôi trân trọng giới thiệu trong hình thức EBOOK (*), bản dịch có sự cộng tác của hai bạn Hoàng Ngọc Biên và Phạm Xuân Nguyên. Đây là cuốn thứ hai trong bộ sưu tập HHEBOOKS, sau cuốn Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm.

Tháng 8/ 2012

Hoàng Hưng


(*) Xin bấm vào đường dẫn cuối bài để hạ tải hoặc mở sách ra đọc.


ALLEN GINSBERG (1926 -1997)

   

bhd

Nhà thơ Mỹ được coi như người phát ngôn của “Thế hệ Beat” những năm 1960.

Allen Ginsberg sinh ngày 3.6.1926 tại Newark, bang New Jersey, Hoa Kỳ, con của Naomi Ginsberg, một phụ nữ Nga gốc Do Thái mà tinh thần xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng khá sâu với tuổi trẻ của con trai, và Louis Ginsberg, một nhà thơ có uy tín ở địa phương.


Học trường Đại học Columbia.

Bước ngoặt trong đời chàng sinh viên đang mơ ước trở thành luật gia chuyên về luật lao động là khi ông gặp Jack Kerouack và Williams S. Burroughs, những nhà văn về sau sẽ trở thành nòng cốt của phong trào Beat. Tốt nghiệp đại học năm 1948, ông làm đủ nghề linh tinh: thủy thủ, thợ nhà in, rửa bát, điểm sách, nhân viên tiếp thị... trước khi đến ở San Francisco năm 1950. Ở đó ông gặp các nhà thơ Kenneth Rexroth, Gary Snyder, Lawrence Ferlinghetti.

Ngày 13 tháng 10 năm 1955, Ginsberg đọc bài thơ dài “ Hú” (Howl) tại Gallery Six ở San Fransisco trước một cử tọa cuồng nhiệt. Bài thơ, được hiệu sách City Lights (Đèn Thành phố) của Ferlinghetti xuất bản năm 1956, đã bị ra tòa với tội danh “văn hóa phẩm bẩn thỉu”, nhưng kết quả là trắng án và tác giả của nó nổi tiếng như cồn. Thậm chí nó còn được gọi là cuốn “Thánh kinh Mỹ xét lại”. (Cho đến nay, “Howl” đơợc coi là bài thơ hiện đại được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất thế giới - 23 thứ tiếng).

Bài thơ là bản cáo trạng đầy phẫn nộ đối với những hy vọng giả hiệu và những lời hứa bị nuốt của nước Mỹ, sử dụng những hình ảnh mạnh mẽ sống động và câu thơ dài, tuôn trào. “Howl” và những bài thơ sau đó của Ginsberg thể hiện ảnh hưởng của nhà thơ Anh TK 19 William Blake (Ginsberg có lần tuyên bố đã nghe thấy ông nói chuyện với mình trong một ảo ảnh), và các nhà thơ Mỹ Walt Whitman (TK 19), William Carlos Williams (1883-1963). Thơ Ginsberg không nệ hình thức, lan man, trùng điệp, mang tính tức thời, trực tiếp, bộc bạch, phơi bày (nhất là những khát khao tính dục), rất rõ tính ngẫu hứng.

Những năm cuối thập kỷ 1950, Allen Ginsberg đi khắp các nước đọc thơ (ông đã từng sang Tiệp Khắc, được công chúng Praha bầu làm “Vua tháng Năm” trong ngày hội truyền thống; cũng đã tới Sài Gòn năm 1963).

Ginsberg đã làm thay đổi giọng thơ Mỹ và trở thành bộ mặt trung tâm của trào lưu phản - văn hóa những năm 60. Trong thời kỳ nhiễu loạn ấy, giới trẻ Hoa Kỳ đã coi ông như người dẫn đường tinh thần, một Đạo sư của những kẻ “rời bỏ”, người thuyết giảng về “quyền lực của hoa”.

Ông cũng tham gia những cuộc phản đối chính trị và đưa tinh thần ấy vào thơ (đòi quyền tự do, quyền của những kẻ yếu-nhất là những người đồng tính ái, chống nhà nước cảnh sát Mỹ, chống chiến tranh VN và bom hạt nhân).

Ông còn chịu ảnh hưởng của những triết học tôn giáo: Do Thái giáo và Phật giáo. Trong những năm 60 ông đã thực hành tọa thiền. Năm 1971 ông gặp nhà sư Tây Tạng Chogyam Trungpa Rinpoche và được sư hướng dẫn sâu vào đường tu tập. Ông cùng với sư thành lập Trường thơ Thoát xác mang tên Jack Kerouac tại Viện Naropa ở Boulder, Colorado - một trường đại học theo tinh thần Phật giáo đầu tiên ở phương Tây.

Allen Ginsberg đã được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ.

Ông mất ngày 5 tháng 4 năm 1997 tại New York City vì bệnh ung thư gan, sau một cơn đột quị tim.

Những tập thơ quan trọng của Ginsberg:

Howl and Other Poems (1956), Empty Mirror: Early Poems (1961), Kaddish and Other Poems, 1958-1960 (1961), Reality Sandwiches, 1953-1960 (1963), Wichita Vortex Sutra (1966), T. V. Baby Poems (1967), Planet News, 1961-1967 (1968), The Fall of America: Poems of These States, 1965-1971 (1972), The Gates of Wrath: Rhymed Poems, 1948-1951 (1972), The Fall of America: Poems of these States (1973), Mind Breaths: Poems 1971-1976 (1978), Plutonian Ode: Poems 1977-1980 (1982), Many Loves (1984), White Shroud: Poems 1980-1985 (1986), Cosmopolitan Greetings: Poems, 1986-1992 (1994)

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss