Bạn đang ở: Trang chủ / Giới thiệu Giai phẩm Xuân 2017

Giới thiệu Giai phẩm Xuân 2017

- Diễn Đàn — published 23/03/2017 12:00, cập nhật lần cuối 04/04/2017 22:57

Lời nói đầu cho Giai phẩm Diễn Đàn Xuân 2017


Bạn đọc thân quý,

Giai phẩm Diễn Đàn Xuân 2017 này lần thứ hai tới tay bạn đọc tại một thời điểm "lệch pha" đối với báo Tết truyền thống của người Việt, nhưng lại rất hợp với mùa Xuân vừa mở ra trên bắc bán cầu (mùa, theo cách tính của người châu Âu, nơi tờ báo này được thực hiện, mở đầu bằng những ngày Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí, hơi khác với lịch âm-dương của Việt Nam). Cái Tết tha hương trong một xã hội công nghiệp hối hả, chẳng mấy khi được ăn đúng ngày, là lý do đầu tiên của sự lệch pha ấy. Lý do thứ hai, vốn là một tờ báo không tài trợ, không quảng cáo (và tất nhiên, không vì lợi nhuận, một cụm từ đang mất giá ở trong nước, kể cả trong môi trường giáo dục), Diễn Đàn không đủ sức cạnh tranh với báo chí trong nước trong các khoản nhuận bút của báo Tết, mà chúng tôi biết rằng cần thiết đối với nhiều tác giả, cộng tác viên trong nước, để sống hoặc chỉ để bổ sung những thu nhập ít ỏi, bất xứng đối với người trí thức lương thiện trong xã hội.

Xin nhắc lại một xác quyết đã từng xuất hiện nhưng không hề thừa khi được nhắc lại : Diễn Đàn không thể hiện hữu nếu đằng sau nó không có đông đảo các nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, học giả ‒ thuộc nhiều lứa tuổi và cư ngụ tại nhiều nơi trên thế giới ‒ đã chọn nó làm nơi gửi gấm tác phẩm của mình, dù không nhận được khoản nhuận bút nào. Xin cảm tạ tất cả, và để cảm tạ chúng tôi chỉ biết cố gắng xuất bản với những hình thức trình bày dễ đọc nhất.

Sự gắn bó giữa tờ báo và các tác giả càng quý giá hơn khi nó còn có cơ sở là tình bạn, sự thông hiểu thân thiết về các mục tiêu vì dân chủ và phát triển mà Diễn Đàn đã đặt ra từ đầu, không phải như một khẩu hiệu tranh cử của một tổ chức chính trị mà đơn giản là những đòi hỏi cấp thiết của xã hội Việt Nam, càng cấp thiết khi những mối đe doạ từ bên ngoài kết hợp với tình trạng tụt hậu của đất nước, ngày càng tỏ ra nguy hiểm hơn.

Yêu cầu nâng cao dân trí mà Phan Tây Hồ đưa ra gần một thế kỷ trước do đó vẫn là một yêu cầu hàng đầu khi ta nhìn vào xã hội hiện nay, đầy bạo lực, vô nhân, mê tín dị đoan. Những lễ hội tràn lan (theo nhiều nguồn, Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội !), ít phần văn hoá hơn phần trục lợi (chỉ cần nhìn lại các lễ "khai ấn", các lễ chém lợn, đập trâu...), những câu chuyện phong thuỷ (câu "hòn đất mà biết nói năng/thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn" hình như chẳng ngăn chặn được ai !), "ngoại cảm" v.v., đầy dẫy trên báo chí, đôi khi còn nhận được sự hỗ trợ, nhân danh văn hoá truyền thống, nhân danh những giới hạn của khoa học..., là lý do để chúng tôi đưa ra chủ đề tôn giáo và các vấn đề liên quan tới văn hoá, xã hội, chính trị bên cạnh các bài "truyền thống" của giai phẩm này. Phần triển khai cho chủ đề được viết như sau trong Thư mời viết bài cho Giai phẩm :

Sự gia tăng của các hiện tượng « tâm linh » ở Việt Nam, của những xung đột mượn lốt tôn giáo trên thế giới, sự lớn mạnh của những đảng và chính khách dân tuý, cực hữu ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, có những khía cạnh tôn giáo (cả trong tư duy và hành xử thực tiễn) cần được phân tích dưới nhiều góc độ, văn hoá, chính trị và có thể cả kinh tế.

Các bài viết của GS Hà Văn Tấn (Đời sống tinh thần của người Việt trong các thế kỷ 16-18, hai chương trong một cuốn sách sắp xuất bản mà gia đình giáo sư và nhà xuất bản đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn đăng trước), TS Nguyễn Thị Hậu, nhà thơ Dương Tường, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Ngọc Giao, Đào Tiến Thi (bài gửi cho giai phẩm, nhưng do tính thời sự, chúng tôi đã đăng trước đó), trực tiếp đề cập tới những vấn đề nêu ra trong chủ đề. Ngoài ra, Bùi Văn Nam Sơn (tham luận tại một hội thảo quốc tế về "tôn giáo mới"), Nguyễn Tùng (giới thiệu cuốn Định chế Totem ngày nay của Lévi-Strauss), Trần Hữu Quang (Trí thức và không gian công cộng trong xã hội hiện đại), bàn về những vấn đề lý luận không xa. Những bất trắc của tự nhiên và xã hội dĩ nhiên là nền tảng dẫn đến nhiều câu hỏi mà con người đặt ra trong cuộc sống tâm linh của mình, cái gì sẽ xảy ra, cái gì có khả năng xảy ra, đâu là những chọn lựa có thể, đâu là tự do..., đâu là ngẫu nhiên và đâu là tất yếu. Ngẫu nhiên và tất yếu cũng là tên cuốn sách nổi tiếng của nhà khoa học Jacques Monod vừa được dịch ra tiếng Việt, mà Giai phẩm hân hạnh giới thiệu với bạn đọc qua một vài trích đoạn của chương cuối, chương kết luận sách. 

Chung quanh sự lớn mạnh của những đảng và chính khách dân tuý, cực hữu ở Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, có các bài của Vũ Quang Việt, Phan Huy Đường bàn về tình hình chính trị ở Mỹ sau khi Donald Trump thắng cử, của Trần Hải Hạc về cuộc bầu cử tổng thống tháng 5 tới ở Pháp, với sự lớn mạnh của đảng cực hữu Front National.

Bên cạnh chủ đề, như đã nói, Giai phẩm còn gồm nhiều bài trong các mục "truyền thống" : thời sự, Biên khảo, đọc sách, văn, thơ (làm sao có thể thiếu thơ khi ngày mở đầu của mùa Xuân cũng là Ngày thơ thế giới !)... Và tất nhiên, dù "lệch pha", không thể quên những bài viết về Tết con gà, và những tranh gà mà hoạ sĩ Đỗ Phấn đã có nhã ý gửi cho Diễn Đàn. Bài giới thiệu ngắn này không thể kể ra hết 46 bài của giai phẩm, do đó tốt hơn là dành cho bạn đọc khám phá :

Khi bấm vào trang Zoom với chùm hoa tuylip bên đây, trang chủ của giai phẩm sẽ hiện ra, với hình bìa của giai phẩm và một danh mục chung gồm bài này, hai bài chính trong chủ đề (Nguyễn Ngọc GiaoNguyễn Thị Hậu) và tên của 5 mục của số báo (Thời sự, Biên khảo, Thơ, Văn-Ký, Truyện ngắn & Điểm sách), kết thúc là bài "Xem tranh Đỗ Phấn".  Khi bấm vào tên mỗi mục bạn sẽ được dẫn tới một mục lục riêng của nó, với danh sách các tác giả và tác phẩm trong mục ấy, cũng như đường dẫn tới từng bài, nhấp nháy khi bạn lướt con trỏ tới dưới tên tác phẩm.

Bạn cũng có thể tìm bài theo tên tác giả, hoặc tên bài viết trong ô tìm kiếm ở góc phải, bên trên trang chủ của báo. Trong danh sách các bài xuất hiện, bạn bấm vào bài mình muốn đọc và nó sẽ hiện ra. 

Vì một lý do dễ hiểu, mục Các bài mới trên "trang chủ" (hay "trang nhất") của tờ báo chỉ cho phép hiện ra một số giới hạn các bài, và vì không gian giới hạn đó vẫn phải dành cho những bài mới tiếp tục có trên báo, chúng tôi sẽ phải dùng một "thủ thuật" của trang mạng, ẩn phần lớn các bài trong Giai phẩm xuống các lớp bên dưới, nhưng chúng tôi sẽ lần lượt đưa lên trang chủ này, mỗi ngày đôi ba bài (chủ yếu là các bài liên quan tới thời sự hoặc trong chủ đề của giai phẩm). Vì Diễn Đàn vẫn hân hạnh được nhà nước chiếu cố bằng các biện pháp tường lửa không lành mạnh và vinh quang gì (nhưng biết sao được!), chúng tôi cũng sẽ đưa dần một số bài lên trang Facebook của báo.

Một lần nữa, toàn ban biên tập và kỹ thuật Diễn Đàn xin gửi đến tất cả các tác giả đã cộng tác cho số giai phẩm phong phú này lời cảm ơn chân thành nhất. 

Xin mời bạn đọc (chậm rãi và thoải mái) thưởng ngoạn..., bài giới thiệu này và trang Zoom dẫn tới giai phẩm sẽ còn ở vị trí của chúng khoáng một tháng nữa, sau đó bạn vẫn có thể  tìm tới Giai phẩm trong mục Các số đặc biệt thường xuyên ở cột bên phải báo, hoặc trực tiếp ở địa chỉ này.


Diễn Đàn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss