Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Giọt mực giọt đời : C. Lévi-Strauss và cái quần bò

Giọt mực giọt đời : C. Lévi-Strauss và cái quần bò

- Nguyễn Ngọc Giao — published 05/11/2009 18:30, cập nhật lần cuối 10/11/2009 09:14


Claude Lévi-Strauss và cái quần bò



Trùng hợp tình cờ anh Phạm Ngọc Tới từ trần ngày 3.11.2009, cũng ngày đó báo chí loan tin nhà bác học Claude Lévi-Strauss từ trần (xem bài của Đặng Tiến). Viết về anh Tới, tôi lại nhớ tới anh Bùi Mộng Hùng (xem bài Anh Tới). Bài vừa đưa lên mạng đêm hôm kia mồng 3, thì sáng hôm qua, mồng 4, tôi  được đọc thư của một nhà toán học từ trong nước. Trong thư (gửi cho bạn bè) anh nói tới Claude Lévi-Strauss và Bùi Mộng Hùng. Lại một sự tình cờ.

Nhà toán học -- vốn là anh em họ với anh Hùng, nếu tôi không lầm -- kể : năm 1989, trên đường sang thỉnh giảng ở Phần Lan, anh ghé qua Paris gặp anh Hùng. Thấy anh vừa mua cuốn Race et Histoire của nhà nhân học sáng lập ra dân tộc học cấu trúc, anh Hùng kể lại một chuyện buồn. Số là anh vừa đến sứ quán Việt Nam gặp một đoàn bác sĩ sang thực tập, nhân bàn tới khoa học xã hội, nhất là nhân học (anthropologie), anh Hùng gợi ý "bên nhà nên quan tâm tới Claude Lévi-Strauss, ông này tiến bộ và giúp chúng ta hiểu kỹ thêm nhiều khía cạnh mà Marx chưa đề cập tới". Chưa kịp nói thêm, ông tuỳ viên văn hoá của sứ quán có mặt trong cuộc gặp, đã nhanh nhảu ngắt lời anh Hùng :

-- Cái này anh Hùng khỏi lo. Ngoại thương bên nhà đã nghiên cứu loại quần này rồi, nhập về bán chạy lắm vì tụi trẻ rất thích...

Đọc đến đây, tôi phì cười. Không phải tôi cười gì ông tuỳ viên tội nghiệp kia (nhà nước nhập quần "jean" lúc đó là một dấu hiệu đổi mới, mở cửa rõ ràng, mà lại nhập loại xịn của Levi's nữa kìa) mà vì tôi mường tượng ra nét mặt anh Hùng lúc đó. Chắc anh "tức như bị bò đá" thì ít, xót xa đau buồn thì nhiều. Và tôi tưởng tượng ra khuôn mặt anh Tới nếu/khi anh được nghe câu chuyện này... Cười, đôi khi cũng là một cách khóc.

Buổi tối, một đài truyền hình chiếu lại mấy đoạn phỏng vấn Claude Lévi-Strauss năm ngoái, nhân dịp mừng thọ ông 100 tuổi. Sau khi kể lại chuyến "du hành" trong rừng Amazonie, cuộc gặp Jakobson ở New York, và sự hình thành cấu trúc luận trong dân tộc học, nhà bác học tủm tỉm cười, nói thêm : "Không có năm nào mà tôi không nhận được đơn đặt hàng quần jean". Thế mới biết, ông tuỳ viên văn hoá nọ không phải là người duy nhất nhầm lẫn Claude Lévi-Strauss với ông chủ hãng quần bò Levi's.

Nếu phải nói đến sai lầm -- và sai lầm nghiêm trọng -- thì không phải là Việt Nam đã nhập và/hay gia công sản xuất quần Levi's, mà đã không biết học hỏi Lévi-Strauss (chỉ cách đây hai tuần, bản dịch Nhiệt đới buồn mới được xuất bản), và rộng hơn, không biết tới và không sử dụng những thành tựu về khoa học xã hội của thế giới. Sinh thời của "chủ nghĩa xã hội hiện tồn", có thể hiểu được tại sao người ta coi cấu trúc luận hay các bộ môn khoa học xã hội phát triển (chủ yếu ở phương tây) là "khoa học tư sản" (đầu thập niên 60, người ta thậm chí còn rút về nước tất cả các nghiên cứu sinh khoa học xã hội sang học ở Liên Xô và các nước Đông Âu vì sợ họ bị tiêm nhiễm chủ nghĩa xét lại). Nhưng hai mươi năm qua, nhân học Việt Nam đã có thêm những công trình nào phát triển hay vượt qua công trình của Georges Condominas, Jacques Dournes ? Nếu có, thì nhà cầm quyền có biết dùng tới những hiểu biết này để hoạch định các chính sách liên quan tới vùng Tây Nguyên ?

Những gì xảy ra ở Tây Nguyên từ các cuộc bạo loạn cách đây mấy năm cho đến quyết định về khai thác bô-xit ở Nhân Cơ và Đắc Nông cho thấy là chưa. Dường như trong đầu óc những người đứng đầu nhà nước hiện nay, quan niệm về đồng bào Tây Nguyên vẫn không khác não trạng của Ngô Đình Diệm thời Việt Nam Cộng hoà (1955-1963) hay của Lê Duẩn mười năm đầu chế độ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam : văn minh tiến bộ là phải thay cái khố bằng quần ống dài, nhà sàn bằng nhà "đồng bằng", khai thác Tây Nguyên cho cạn kiệt bất chấp mọi dữ kiện về an ninh, môi trường, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân tộc... Các ông quan cách mạng hành xử không khác ông tuần vũ Bình Thuận, khi nào nhớ thì không quên ban phát một vài tấm vải, mái tôn, cho những con người mà họ không thể nào mường tượng được rằng đó là những chủ thể, thừa kế một nền văn hoá mấy ngàn năm, mà họ có thể học và nhận được ít nhất cũng bằng, nếu không nói nhiều hơn là họ dạy và cho. 

Tôi không nghĩ rằng Ngô Đình Diệm và Lê Duẩn có thể thắng được cái khố. Vả lại, có rất nhiều khả năng là sớm muộn, cái quần bò Levi's (hay đồ rởm khác) sẽ thành công hơn hai ông ấy. Vấn đề, là các nhà dân tộc học, nhân học, xã hội học Việt Nam tiếp thu Lévi-Strauss ra sao, là chính quyền có biết rằng một nền khoa học tự lập là điều kiện không thể không có để mọi chính quyền có thể hoạch định chính sách một cách nghiêm túc. Quyết định 97 mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt bút ký sau một năm suy nghĩ (hay không suy nghĩ) cho thấy họ đang đi ngược.

Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss