Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Cách đây 62 năm

Cách đây 62 năm

- Bùi Trọng Liễu — published 03/09/2007 12:15, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:21
Nhân cái chết của cựu thủ tướng Pháp P. Messmer, nhắc lại vài tình tiết về quan hệ Pháp-Việt năm 1945

Pierre Messmer (1916-2007)

Cách đây 62 năm


Bùi Trọng Liễu

 

Trước đây vài ngày, báo chí đưa tin cựu thủ tướng Pháp Pierre Messmer từ trần, thọ 91 tuổi. Nhà báo nói nhiều đến sự nghiệp của ông ta ở đất Pháp (một trong những người đầu tiên kháng chiến chống Đức quốc xã, người của phái tướng De Gaulle, cựu thủ tướng (1972-1974), cựu bộ trưởng quốc phòng, viện sĩ viện hàn lâm Académie française,…) nhưng hầu như không đả động nhắc gì đến vai trò của ông ta trong mối quan hệ Việt-Pháp vào năm 1945 và những năm sau đó. Ông ta là một người đã giữ những chức vụ quan trọng liên quan đến việc người Pháp trở lại Đông Dương lúc đó : trưởng đoàn quân sự liên lạc về hành chính ở Viễn Đông (chef de la mission militaire de liaison administrative en Extrême Orient), nhảy dù xuống Bắc Bộ vào tháng 9 năm 1945, đoàn viên « đắc lực » của phái đoàn Pháp ở hội nghị Đà Lạt (10/4-11/5/1945) và hội nghị Fontainebleau (6/7-10/9/1946), đoàn viên của phái đoàn bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet đi thị sát Đông Dương (27/12/1946 tám ngày sau ngày toàn quốc kháng chiến), chánh văn phòng của cao ủy Đông Dương Bollaert  bốn tháng sau…

Tất nhiên, tôi không có ý viết một điếu văn về ông. Tôi chỉ muốn nhân dịp này nhắc lại vài điều mà chính ông ta là một trong những « chứng nhân », phần nào tôi coi ông như là một trong những nhà chính trị Pháp lương thiện nhất, đã công nhận lầm lỗi của Chính quyền Pháp, đặc biệt là của ông De Gaulle trong việc để xảy ra chiến tranh Việt-Pháp năm 1946. Những điều tôi nhắc lại dưới đây, tôi đã vài lần viết lên, đặc biệt một đoạn trong chương mang đầu đề « Giảm khinh » của cuốn sách Học gần, Học xa của tôi (nxb Đại học Quốc gia Hà Nội 2004) và vài câu trong bài Những sự việc dẫn tới 19/12/1946 đăng trên www.diendan.org ; tôi xin nhắc lại :

Trong cuốn sách Les Blancs s’en vont (Người da trắng ra đi), nxb Albin Michel, Paris 1998, trang 35-39,  ông Pierre Messmer tuy tự bào chữa cho mình, nhưng thú nhận rằng « Bản tuyên bố của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp », ngày 24/3/1945 (Déclaration du gouvernement provisoire de la République française, đây là chính phủ của tướng De Gaulle vào thời gian mới giải phóng nước Pháp sau khi bị Đức Quốc xã chiếm đóng 1940-1944), là một kế hoạch không-thể-chấp-nhận-được nhằm tái lập thuộc địa (un programme inacceptable de recolonisation). […] . Chính ông Messmer viết rằng : từ ngày đảo chính Nhật 9/3/1945, không một người Việt Nam nào chấp nhận sự trở lại đô hộ của Pháp như thuở trước, và ông [Messmer] không bao giờ hiểu được tại sao tướng De Gaulle thuở ấy lại chấp nhận một Bản tuyên bố tai hại như vậy (une telle déclaration calamiteuse). Theo ông Messmer, tác giả của Bản tuyên bố này là toàn quyền (gouverneur) Laurentie, lúc đó là vụ trưởng vụ chính trị ở bộ Pháp quốc hải ngoại tức là Bộ thuộc địa (directeur des affaires politiques au ministère de la France d’outre-mer) ; nhưng chính ông này sau đó rất ân hận, và tìm cách « diễn giải » văn bản này theo một hướng tiến bộ hơn vào tháng 9 năm 1945, và do đó đã bị ông De Gaulle khiển trách nặng nề. Rồi ông kết luận rằng, rốt cục, ông chỉ thở phào hoàn toàn đồng ý với ông De Gaulle [về thái độ của nước Pháp đối với Đông Dương] ngày 2/9/1966, khi ông De Gaulle tuyên bố tại Pnom Pênh : « […] không có khả năng là các dân tộc châu Á chấp nhận sự áp đặt của người ngoài đến từ bên kia bờ biển Thái Bình Dương [nghĩa là Mỹ], dù cho với ý định nào và với vũ lực nào ». [Nguyên văn :  […] il n’y a, d’autre part, aucune chance pour que les peuples d’Asie se soumettent à la loi de l’étranger venu de l’autre rive du Pacifique, quelles que puissent être ses intentions et si puissantes que soient ses armes]. Nghe ông Messmer kể như vậy, thì ông là người thức thời, nhất là khi ông luận về việc những người Pháp thời 1945-46 mù quáng từ chối cái từ « độc lập » mà mọi người Việt Nam ai ai cũng tha thiết.

Trong một buổi trả lời phỏng vấn của đài TV « Histoire » (Lịch sử) cách đây đã một hai năm (tôi không nhớ rõ thời điểm), ông còn phát biểu rõ hơn : theo ông, có một đống nhà chính trị tả hay hữu thuở ấy đều là bọn thực dân (ông nói đích danh Marius Moutet, đảng xã hội SFIO, Letourneau,…), tôi không nhớ ông có nói tới Bidault đảng lãnh tụ đảng MRP không (xem thêm bài tôi viết Thuở ấy về lời chứng của ông Nguyễn Mạnh Hà, trên www.diendan.org)… Nhận xét như vậy là « lương thiện », cũng như ông De Gaulle sau này : Trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8 /2/1966, [Tổng thống Pháp] Charles De Gaulle viết : « Giá có một sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước Ngài hôm nay ». Trong ngôn ngữ của một chính khách lão luyện, đó phần nào là sự nhìn nhận (tuy muộn màng) trách nhiệm của ông ta trong chính sách của Pháp ở Đông Dương giai đoạn 1945-1946. (Nguồn : Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, trang 91).

Có thuyết cho rằng là đảng Cộng sản Pháp thuở ấy cũng chưa mặn mà gì với nền độc lập của Việt Nam ; họ còn ưu tiên cho cuộc đấu tranh giai cấp ở các thuộc địa ; có lời ông tổng bí thư Maurice Thorez đang tham gia chính quyền nói với đô đốc D’Argenlieu vào đầu năm 1946, rằng […] nếu phải nện [Việt Minh] thì cứ nện, nện cho mạnh (cognez, cognez dur) (*); họ chỉ ủng hộ kháng chiến Việt Nam khi Quốc tế cộng sản chú ý đến Việt Nam hơn, và sau khi họ đã gửi Léo Figuère, đầu năm 1950, sang khu Kháng chiến để kiểm tra.

Người Pháp có câu : « A quelque chose, malheur est bon » (mà tôi hiểu theo nghĩa : trong đại họa, cũng có sự may mắn cho ai đó). Đại hoạ đây là dân tộc Việt Nam phải chịu đựng hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm với bao nhiêu máu, mồ hôi và nước mắt, và những hậu quả của chúng. Còn về sự may mắn, thì có ý cho rằng trải qua những gian khổ đó, đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1945 mới chỉ có khoảng 5 nghìn đảng viên, chưa nắm toàn bộ Mặt trận Việt Minh và bộ máy chính quyền, đã trở thành một lực lượng vô song, trách nhiệm hầu hết các sự việc xảy ra, trong đó có cuộc Toàn thắng mùa Xuân 1975, thống nhất lãnh thổ, và tình hình đất nước ngày nay.

2.9.2007

Bùi Trọng Liễu


(*) Nguyên văn câu nói là : « Amiral, étant donné le parti auquel j'appartiens, je souhaite naturellement que tout se règle au mieux avec le Viet Minh mais nos couleurs avant tout ! Et donc s'il faut cogner, cognez et cognez dur » (Đô đốc à, đảng tôi là thế, tất nhiên tôi mong rằng mọi sự giải quyết êm thấm với Việt Minh, nhưng màu cờ của chúng ta trên hết ! Vậy nếu phải nện, thì cứ nện, nện cho mạnh !), theo Chronique d'Indochine của Amiral Thierry d'Argenlieu (nxb Albin Michel). Tôi không có lý do gì để không tin lời kể này.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss