Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Vài kỷ niệm với anh Đào Văn Thuỵ

Vài kỷ niệm với anh Đào Văn Thuỵ

- Nguyễn Tùng — published 19/08/2019 23:50, cập nhật lần cuối 27/08/2019 10:26



Vài kỷ niệm với anh Đào Văn Thụy


Nguyễn Tùng


Trong bài này, tôi đã thử dùng từ « ông » để gọi anh Đào Văn Thụy, vì tuy anh Thụy hơn tôi đến bảy tuổi (anh sinh ngày 20 .09 .1936 ở làng Tú Đôi, Kiến An nay thuộc thành phố Hải Phòng thì phải), chúng tôi vẫn quen xưng hô với nhau bằng từ « ông » trong hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng khi đọc lại, tôi thấy không ổn, vì trong bối cảnh của một đám tang, từ « ông » gợi lên một chút gì xa cách, lạnh nhạt. Tôi thấy phải thay « ông » bằng từ « anh » để nói lên sự quý mến, sự thân tình ruột thịt giữa anh Thụy và tất cả chúng ta. Cũng xin nói thêm rằng sở dĩ ngay từ lần đầu tôi gặp anh vào khoảng năm 1968, tôi đã gọi anh Thụy bằng « ông », vì trông anh rất trẻ về thể xác cũng như về tinh thần và nhất là rất dễ mến. Chẳng những thế, anh còn hoàn toàn hoà mình hăng hái tham gia mọi sinh hoạt của Liên đoàn sinh viên Phật tử tại Pháp và của Hội Phật tử Việt kiều hải ngoại - chi bộ Pháp (do thầy Thiện Châu làm chủ tịch và có lúc anh làm tổng thư ký) : từ việc làm báo Gió nội cho đến việc tổ chức các lễ Phật, các đêm văn nghệ tết (có khi lôi cuốn đến cả ngàn khán giả), các trại hè với sự tham gia của hàng trăm sinh viên Phật tử Việt Nam ở châu Âu…

Tiếng Việt mình kể cũng lạ : cùng một từ « ông », nhưng tùy theo bối cảnh và tùy theo quan hệ giữa những người đối thoại với nhau có khi nó gợi lên sự xa cách, lạnh nhạt, và có khi nó biểu hiện sự thân thiết như trong lối « tutoiement » của tiếng Pháp.

Kỷ niệm đầu tiên của tôi về anh Thụy là những lần anh đưa tôi về cư xá đại học Jean Zay ở Antony sau những tối sinh hoạt ở Paris, rồi tiếp tục ngồi trong chếc xe 2 CV Citroën của anh cùng tôi nói chuyện trên trời dưới đất cho đến hai, ba giờ sáng, dù sau đó anh còn phải về tận cư xá đại học Nanterre, cách Antony đến gần 30 km : đúng là vào hồi đó chúng tôi quá sung sức, quá hăng say và vô tư ! Cũng chính chiếc xe hai ngựa này đã chở anh Cao Huy Thuần, Nelly và tôi đi trượt tuyết một tuần ở Chamonix vào mùa đông năm 1969. Phải đợi đến tám năm sau, Nelly và tôi mới được thực sự « tiếu ngạo giang hồ » bằng xe ô tô cùng anh Thụy ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong gần một tháng vào mùa hè năm 1977 : rất mệt nhưng rất vui. Trong lần này có thêm chị Ngọc Dung, Thanh Tân và con gái của tôi là Hoàng Mai.

Ngay từ đầu anh Thụy đã là ân nhân của tôi : thấy tôi quá túng bấn sau khi tôi bị chính quyền Sài Gon cắt học bổng vào khoảng năm 1968, anh đã đưa tôi vào làm việc cùng anh mấy năm ở thư viện của Viện Quản trị xí nghiệp (IAE) thuộc Đại học Paris : do anh phụ trách một mình, thư viện này nằm ở góc đường Soufflot và Saint-Jacques (khu La tinh). Nhờ được ông Tổng thư ký của IAE đặc biệt quý trọng, sau tôi anh Thụy còn đưa thêm được nhiều sinh viên Việt Nam vào làm ở IAE thời ấy như hai nhà thơ Nguyễn Nam Trân và Nguyễn Hồi Thủ.

Năm 1973, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ luật về đề tài « Sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam, nguồn gốc, sự phát triển và các khía cạnh pháp lý».

Từ khoảng năm 1968 đến năm 1975 (thậm chí đến năm 1980), hầu như mỗi tuần tôi đều gặp anh Thụy ít nhất một lần : bạn bè chơi thân với nhau như thế kể cũng hiếm có !

Năm 1975, sau khi hoà bình được lập lại ở Việt Nam, cũng như tôi anh Thụy tham gia Ban Thư ký của Hội Khoa học xã hội Việt Nam tại Pháp do anh Lê Thành Khôi làm chủ tịch. Anh được giao làm « thường trực toà soạn » của Tập san Khoa học xã hội. Từ năm 1976 đến năm 1987, tập san này ra được cả thảy 14 số với nhiều bài nghiên cứu có giá trị, đặc biệt của bác Hoàng Xuân Hãn. Riêng anh Thụy có cho đăng ba bài trong đó có hai bài về luật biển mà anh là chuyên gia (vào khoảng năm 1960, sau khi đậu cử nhân luật ở đại học Sài Gòn, anh được học bổng sang Pháp theo học chuyên môn này)  :

  • « Hồ sơ luật biển : Hội nghị quốc tế lần thứ III về luật biển và chế độ pháp lý vùng đáy biển », 11.1977, số 3, tr. 101-119.

  • « Trật tự kinh tế quốc tế mới và xu hướng phát triển của luật quốc tế », 12. 1978, số 5, tr. 93-114.

  • « Viễn tượng luật biển sau Hội nghị Liên Hiệp Quốc lần thứ ba », 12.1983, số 10-11, tr. 87-91.

Năm 1980, anh sang Algérie dạy luật một năm.

Năm 1985, anh bắt đầu hành nghề luật sư ở Paris.

Năm 1997, anh tham gia toà soạn tạp chí Thời đại (1997-2003) ra được cả thảy 8 số, trong đó anh có cho đăng một bài liên quan đến luật biển : « Lập trường của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa » *,  3.1999, số 3, tr . 25-45.Bài này là tham luận anh đọc ở Hội thảo hè họp lần đầu tiên ở Trường đại học New York,tháng 8.1998.

Về sau, đôi khi anh cũng bài gửi đăng trên báo Diễn đàn ** trong số đó có hai bài chứng từ rất cảm động về băc Hoàng Xuân Hãn và anh Bùi Mộng Hùng.

Tuy chẳng biết gì về luật (nhất là luật biển), tôi có cảm tưởng là những bài nghiên cứu của anh Thụy đều nghiêm túc, và được viết với một lối văn trong sáng, súc tích.

Có một điều nên nói nữa : anh Thụy còn là một nhân vật « văn võ song toàn » : trong thập kỷ 1970, sáng chủ nhật nào anh Thụy cũng đến đại học xá Paris ở đại lộ Jourdan để tập Karaté cùng khoảng 30 người khác trong đó có anh Bùi Mộng Hùng, anh Cao Huy Thuần và tôi, dưới sự « chân truyền » của đạo hữu võ sư Đỗ Phước Hưng.

Sau năm 1975, và nhất là trong thời gian anh Thụy đi dạy ở Algérie (1980) và vợ chồng tôi xuống làm ở Valbonne (Côte d’Azur, 1981-1986), chúng tôi ít găp nhau hơn nhiều, nhưng vẫn tìm cách ăn nhậu với nhau mỗi năm vài lần, thường là với sự tham gia đầy nhiệt tình của các anh chị Bùi Mộng Hùng, anh chị Nguyễn Ngọc Giao, anh chị Trần Hải Hạc … Sau khi anh Hùng qua đời vào năm 1999, các cuộc ăn nhậu này ngày càng thưa dần, chủ yếu vì cái già sồng sộc đến !

Đối với tôi, và dường như đối với nhiều người khác, anh Đào Văn Thụy không những là một người bạn chân thật, rộng lượng, nhân từ và hào phóng, mà còn một người chồng và một người cha tốt. Về điểm sau, tôi chắc chị Ngọc Dung cùng hai cháu Thanh Tân và Thụy Nhân cũng nghĩ như thế.

Tuy anh Thụy và tôi đều táo bạo tự xem mình là đệ tử của Phật, tôi mạo muội xin dùng lối nói (tôi thường nghe thuở nhỏ ở Quảng Nam) nghe rất « êm tai » và nhất là tạo được cho chính bản thân tôi sự an tâm và sự thanh thản, để chúc anh Thụy « an giấc nghìn thu », dù dường như lối nói này rất ít « chính thống » vì trái với thuyết luân hồi thực ra đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới như Ai Cập cổ, Hy Lạp, La Mã, … ; riêng ở Ấn Độ nó đã có trước Phật hơn nghìn năm. Thú thật lắm khi tôi lẩn thẩn băn khoăn : phải chăng « nhập niết bàn » « đi vào cõi Phật » hay « đi vào cõi vĩnh hằng » thực ra là rơi vào một giấc ngủ sâu và dài trong đó ta vĩnh viễn quên đi tất cả : cả ta lẫn vũ trụ mà ta là một phần vô cùng bé nhỏ, như cát bụi ?

Nguyễn Tùng







* Tham luận tại Hội thảo Hè họp lần đầu tiên tại Trường đại học New York, tháng 8.1998.


** « Kỷ niệm về học giả Hoàng Xuân Hãn : những năm tháng tạp chí Khoa học Xã hội », Diễn Đàn số 52, 5.1996

https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-052/nam-thang-tap-chi-khxh


« Tưởng nhớ anh Hùng », Diễn Đàn số 86, 6.1999,

https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-086/tuongnho-dvt


« Quyền tự do lập hội : Kỷ niệm một trăm năm Luật 1901 », Diễn Đàn số 105, 3.2001 

https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-105/quyen-tu-do-lap-hoi


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss