Đời sống tinh thần thế kỷ XVI-XVIII
Hai bài viết trong sách "Sự sinh thành Việt Nam" (*)
Đời sống tinh
thần của người Việt
trong các thế kỷ XVI-XVIII
Hà Văn Tấn
1/ VĂN HÓA VIỆT NAM THẾ KỶ 16-17 : ĐỜI SỐNG TƯ TƯỞNG VÀ TÔN GIÁO
Trong các thế kỷ này, hệ tư tưởng Nho giáo vẫn giữ địa vị thống trị trong xã hội. Các vua chúa vẫn ra sức bảo vệ và đề cao Nho giáo. Các khoa thi vẫn được tổ chức đều đặn. Lễ xướng danh được tổ chức trọng thể. Tên người đỗ Tiến sĩ được ghi vào tấm bảng màu vàng treo ở cửa Văn miếu, và được khắc lên bia đá. Trên tấm bia năm 1529 có những dòng: “Tấm bia đá này dựng ở nhà Thái học, không chỉ để tỏ lòng sùng chuộng Nho giáo của nhà vua, và nêu ý đẹp của việc chuộng văn học từ lúc dựng triều đại (Lê) mà nó còn rèn dũa lòng người, bồi dưỡng sỹ khí, vun trồng giáo hóa mãi cho đời ”.
Nhưng vào thời kỳ này, Nho giáo không còn giữ được địa vị độc tôn nữa. Những biến động xã hội cũng đã làm lung lay những nguyên lý về quan hệ giữa người và người mà Nho giáo đã đề ra.
Trong lúc đó, Phật giáo có dịp để phục hồi. Sự đau khổ qua những cuộc chiến tranh đã khiến nhân dân tìm sự an ủi trong Phật giáo. các chùa Phật mọc lên rất nhiều, cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ngay khi vào Thuận Hóa, năm 1601, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ (hiện nay vẫn là một ngôi chùa lớn ở Huế). Nhiều chúa Nguyễn tiếp theo là những người sùng Phật giáo. Ở Đàng Ngoài, các chúa Trịnh cũng cho mở rộng nhiều ngôi chùa.
Trong thế kỷ này, nhiều nhà sư thuộc các dòng Thiền ở Trung Quốc như Lâm Tế, Tào Động đến Việt Nam, lập nên các môn phái khác nhau ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Lúc bấy giờ cũng có nhiều nhà sư Việt Nam nổi tiếng. Trong số đó có thiền sư Hương Hải (1631-1718). Ông đã từng tu hành 8 năm ở Cù lao Chàm ngoài biển Hội An, sau đó vào Thuận Hóa, ở chùa Thiền Tịnh, thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm 1682, sư đã cùng 50 đệ tử vượt biển ra Đàng Ngoài. Ông là tác giả tập Hương Hải thiền sư ngữ lục.
Cùng với Phật giáo, Đạo giáo cũng phát triển. Trong thời kỳ này, Đạo giáo kết hợp với tín ngưỡng dân gian, hình thành đạo thờ Tam Phủ, hay Tứ Phủ, mà bản chất của nó là sự thờ cúng thần Mẹ (Mẫu). Một nữ thần được bắt đầu thờ cúng phổ biến trong thời kỳ này là Công chúa Liễu Hạnh, được coi là con gái của Ngọc Hoàng Thượng đế. Nữ thần Liễu Hạnh được coi là một trong bốn vị Bất tử của Việt Nam, bên cạnh thần núi Tản Viên, Thánh Gióng và Chử Đồng tử.
Nhưng một hiện tượng mới trong đời sống tôn giáo Việt Nam là sự xuất hiện của đạo Thiên chúa. Từ thế kỷ 16, đạo Thiên chúa đã được các giáo sĩ phương Tây du nhập vào Việt Nam. Các cơ sở truyền đạo đầu tiên là của các giáo sĩ Bồ Đào Nha, nhưng bấy giờ sự truyền đạo còn ít kết quả. Sang thế kỷ 17, các giáo đoàn phương Tây hoạt động mạnh mẽ hơn. Những người Jesuits Bồ Đào Nha và Italia đã đến Đà Nẵng năm 1615. Sau khi đã thu được một số kết quả trong việc truyền đạo ở Đàng Trong, các giáo sĩ đã quyết định cử một giáo đoàn đến Đàng Ngoài, dẫn đầu là Alexandre de Rhodes, người Pháp.
Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năn 1624 và ra Thăng Long năm 1627. Ông ta đã được chúa Trịnh Tráng đón tiếp. Theo ông, cho đến trước khi ông bị trục xuất năm 1630, đã có 6700 người theo đạo, trong số đó có một số là các công chúa. Sau đó, trong khoảng từ 1640 đến 1645, ông đi đi lại lại giữa Macao và Đàng Trong, mà bấy giờ chúa Nguyễn Phúc Lan đã bắt đầu chống các giáo đoàn Thiên chúa. Ông trở về Rôma và viết quyển lịch sử Đàng Ngoài, quyển giáo lý Latinh-Việt và bộ Tự điển Việt-Bồ-Latinh. Hai quyển sau xuất bản ở Rôma năm 1651, đánh dấu sự xuất hiện của một hệ thống chữ viết mới bằng chữ cái Latinh của tiếng Việt, gọi là “chữ quốc ngữ”.
“Chữ quốc ngữ” đã ra đời trong một bối cảnh xã hội và chính trị đặc biệt, gắn liền với sự truyền bá đạo Thiên chúa cũng như sự bành trướng của thế lực chủ nghĩa tư bản phương Tây. Nhưng đó là một thứ chữ viết tiện lợi, tiến bộ, có thể trở thành công cụ truyền bá khoa học và phát triển văn hóa. Đáng tiếc là những chính quyền thống trị Việt Nam bấy giờ, do đầu óc bảo thủ, đã không biết lợi dụng nó.
2/ ĐỜI SỐNG TINH THẦN THẾ KỶ 18 : Ý THỨC VÀ TÍN NGƯỠNG
Thế kỷ 18 là một thời kỳ rối loạn, đó là thế kỷ của những cuộc chiến tranh nông dân, những cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn thống trị Đàng Trong và Đàng Ngoài, những cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Sự mất ổn định trong đời sống xã hội đã tác động lớn đến các hệ ý thức. Các giá trị Nho giáo giờ đây bị đảo lộn. Lòng Trung Quân, nghĩa Thày trò giờ đây nhường chỗ cho tiền tài, quyền thế, tranh chấp và phản bội. Năm 1786, Nguyễn Trang trả lời thầy học: “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu bản thân mình” (1) . Năm 1787, Trấn thủ Kinh Bắc là Lê Cảnh Thước đã chặn ngang đường, cướp vàng bạc, châu báu, lột cả áo hoàng bào của nhà vua đang lúc chạy trốn.
Chốn quan trường và thi cử trở thành một cái chợ mua bán chức tước và học vị. Nhân dân đã mỉa mai các ông tiến sĩ: “Triều Lê có 24 ông tiến sĩ, thì có 8 ông thật, 8 ông giả, 8 ông vừa thật vừa giả. Nếu cởi bỏ khăn chít đầu, chưa biết ông nào là thật, ông nào là giả ”.
Việc giáo dục và đào tạo cũng suy đốn. Trong Vũ trung tùy bút (Tùy bút trong mưa) Phạm Đình Hổ đã chép: “ Những kẻ chuộng công danh lúc bấy giờ chỉ nhặt lấy những chữ bã mía của tiền nho, tập lối văn chương hoa hoét chứ không có cơ bản gì cả ”.
Nhiều nhà Nho tìm đến các tư tưởng của Lão tử hay Đạo giáo. Cũng có người như Ngô Thì Nhậm từng làm nhà sư, tự xưng là Tổ thứ tư của phái Thiền Trúc Lâm. Ông viết quyển Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (Những âm thanh nguyên sơ của tông chỉ phái Trúc Lâm), trong đó cố gắng dung hòa tư tưởng Nho giáo với Phật giáo. Ngay nhà Nho bác học và là một ông quan như Lê Quý Đôn, cũng từng viết: “Đạo của Phật và Lão thanh tĩnh hư vô, cao siêu tịch diệt, không hề lụy đến sự vật, đấy cũng là đạo của bậc cao minh dùng để tu dưỡng bản thân. Đến những lời bàn luận sâu sắc của họ về đạo đức, về vật chất và tinh thần không điều gì là không có ý nghĩa mầu nhiệm. Nhà Nho chúng ta cứ giữ thành kiến, thường bác bẻ họ, như thế có nên không ? ”
Trong thời kỳ này, Phật giáo khá phát triển. ở Đàng Ngoài, các chúa Trịnh cho xây nhiều chùa. Năm 1719, chúa Trịnh Cương bắt dân các huyện Gia Định, Lang Tài, Quế Dương (nay thuộc Bắc Giang) trùng tu chùa Phúc Long ; năm 1727, cho xây chùa Tây Thiên (Phú Thọ) và chùa Độc Tôn (Thái Nguyên). Năm 1730, Trịnh Giang bắt dân các huyện Đông Triều, Thủy Đường, Chí Linh trùng tu chùa Quỳnh Lâm và chùa Sùng Nghiêm, 6000 dân phu phải làm việc cả ngày cả đêm trong một năm mới xong. Ở Đàng Trong, năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho trùng tu chùa Thiên Mụ (Huế). Từ năm 1738 đến năm 1741, chúa Nguyễn Phúc Khoát lại trùng tu chùa này và đặt ở đây nhiều bộ kinh Tam Tạng (Tripitaka). Phúc Khoát là ông chúa rất tôn sùng Phật giáo.
Phật giáo cũng hấp dẫn nhiều tín đồ là nông dân, đang đau khổ vì bần cùng và chiến tranh.
Các nhà sư nổi tiếng ở thế kỷ 17 như Hương Hải, Chân Nguyên đều sống đến đầu thế kỷ 18. Nhà sư Toàn Nhật, có nhiều tác phẩm văn học, đã sống vào khoảng cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19.
Tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (ba tôn giáo Phật-Đạo-Nho là cùng một nguồn gốc) cũng phát triển trong các nhà sư học giả thời kỳ này.
Trong thế kỷ 18, Đạo giáo cũng phát triển. Đạo giáo bấy giờ, ngoài Ngọc Hoàng thượng đế, còn thờ Tứ vị đại đế, Phù Tang đại đế, Trường Sinh đại đế, Chân Võ đại đế và Đông Hoa đế quân. Nhiều nhà Nho như tiến sĩ Nguyễn Hoãn cũng theo Đạo giáo, muốn luyện đan, tu tiên.
Tín ngưỡng dân gian cũng rất phát triển, trộn lẫn với Phật giáo và Đạo giáo. Phạm Đình Hổ đã chép trong Vũ trung tùy bút: “ Gần đây thói mê tín càng tệ lắm, những kẻ tăng đạo, thuật sĩ bịa đặt nhiều sự kỳ quặc. Ta thường đi qua các ngả ở dọc đường, thấy các nhà dân gian bầy đàn chay cầu đảo, bàn trên cúng Phật, bàn thứ hai cúng Đế Thích (Indra) thì bày một hình nhân mặc áo cổn, đội mũ miện giấy vàng, bàn thứ ba cúng Thiên đế (vua trời) và Địa kỳ (thần đất) thì bày hai hình nhân mặc áo cổn, đội mũ miện xanh và vàng, còn các bàn dưới thì cứ thứ tự bày các vị thần từ Chân Đế trở xuống... Từ năm Kỷ Dậu hiệu Chiêu Thống (1789), dân gian thường phát bệnh dịch, chỗ nào cũng thấy dựng rạp để cúng tế Trời... ”
Chú thích :
(*) Xem giới thiệu sách tại đây.
(1)... “Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long ngày 21 tháng 7 năm 1786. Chúa Trịnh Tông qua sông Chèm, đến huyện Yên Lãng (nay là huyện Mê Linh) thì gặp tiến sĩ Lý Trần Quán. Quán nhờ người học trò cũ là Trang dẫn chúa Trịnh đi trốn. Trang nói: “ Tôi sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu bản thân mình”, rồi giải Trịnh Tông nộp cho quân Tây Sơn. Trịnh Tông đâm cổ tự sát...” (Bài 102: Lật đổ chính quyền Lê-Trịnh)
Các thao tác trên Tài liệu