Quy hoạch Paris và vùng Île-de-France
Quy hoạch Paris và vùng Île-de-France
Nguyễn Quang Chánh
Nhiều người sống ở Paris, rời Paris một thời gian dài mấy chục năm sau trở lại vẫn thấy Paris không có gì thay đổi, vẫn đường xưa lối cũ, những dấu vết những kỷ niệm xưa. Đi xa trở về Paris vẫn thấy lại những quầy sách cũ trên bờ sông Seine, những con đường góc phố không thay đổi nhiều. Những dấu vết của thành trì thời vua Philippe Auguste (1165-1223 ) hay của Charles V (1336- 1383) vẫn còn đấy. Xa hơn nữa, những ai tinh tế sẽ còn tìm thấy Đấu trường Lutèce (Arène de Lutece) hay nhà tắm thời La Mã (giữa thế kỷ I và II) thời vua Julien. Hình ảnh đường phố cấu trúc Paris không xa lạ lắm với những gì Victor Hugo mô tả Paris vào thế kỷ 15 trong truyện Notre Dame de Paris. Paris là một trong những đô thị cũ nhất thế giới.
Ngày hôm nay nếu các bạn đi dạo trên bờ sông Seine chắc các bạn thấy Paris rất thơ mộng, nhưng nếu các bạn bị kẹt xe giữa quảng trường Concorde nghe cô nhà báo trên đài FIP với giọng nói rất êm ái quyến rũ : « … bây gờ là 18g 30 nếu các bạn đang ở giữa quảng trường Concorde, các bạn hãy chuẩn bị tinh thần vì các bạn cần ba giờ để qua khỏi nút thắt.. ; » nghe mà nản lòng. Paris nổi tiếng kẹt xe, dân Parisiens lúc nào cũng than thế nhưng sự thật không hẳn phải thế. Thời gian di chuyển từ nhà đến sở làm trung bình cả vùng Paris là 41 phút. Thời gian đi làm nếu di chuyển bằng xe hơi là 34 phút và... Riêng dân Paris thời gian di chuyển trung bình là 33 phút cho xe hơi và 37 phút cho phương tiện giao thông công cộng (*). So sánh với những thành phố lớn ở Âu Châu và Mỹ thì thời gian di chuyển ở Paris xếp vào hạng trung bình nhưng vẫn còn quá nhiều đối với dân chúng.
Và dầu mưa bão thế nào, Paris cũng không còn cảnh ngập lụt tràn lan vài chục cm trên mặt đường phố. Dưới lòng Paris là một hệ thống ống dẫn nước phủ khắp, gần như mỗi đường trên mặt đất nằm trên một con đường cống dưới lòng đất. Sau trận lụt năm 1910 mực nước sông Seine dâng lên thêm 8 m người ta đã xây dựng bốn hồ chứa nước sông Seine ở thượng nguồn Paris – « lacs de la Forêt d’Orient ». Thêm vào đó người ta cũng có những biện pháp phòng ngừa trong trường hợp có thể xảy ra mưa lũ lớn.
Nhưng Paris cũng là một trong những thành phố linh động nhất thế giới ngày hôm nay. Mỗi ngày có trên 24 triệu lượt người di chuyển từ nơi này qua nơi khác trong Paris và ngoại ô bằng phương tiện cơ giới (*) . Từ 1970 đến nay có năm thành phố mới mọc lên, tạo chỗ ở, công ăn việc làm, hoạt động trong nền kinh tế. Khu đô thị mới La Défense là một thành công về kinh tế, kiến trúc mà thế giới đều công nhận. Đường xe tàu công cộng cho phép phần lớn những di chuyển giữa bất kỳ hai điểm AB nào trong vùng Paris và ngoại ô chỉ phải đổi phương tiện chuyên chở tối đa hai lần.
Grand Paris
Hiện nay chương trình Grand Paris Express với 200km đường tàu Métro hoàn toàn tự động và 70 trạm ga mới đang được xây dựng. Để thực hiện được những điều đó dĩ nhiên phải có quy hoạch.Và những quy hoạch đó đã được thực hiện từ năm 1965 đến nay qua 8 đời tổng thống, hai chế độ (đúng ra là hai chế độ rưỡi vì có hai thời kỳ « chung sống » - cohabitation -, tổng thống thuộc đảng Cộng hòa, thủ tướng thuộc đảng xã hội và ngược lại).
Tôi sẽ kể cho các bạn nghe cuộc hành trình này từ năm 1965 đến nay qua những lần xét lại 1976, 1984, và cuối cùng là năm 2008 với chân trời 2030 (**).
Người ta đã thực hiện được những gì, họ đã làm thế nào và với tinh thần thế nào ?
Dĩ nhiên mọi thực hiện là vì ‘dân cần’ nhưng đồng tiền bỏ ra phải đem lại hậu quả tốt nhất cho cộng đồng và đáp ứng lại những đòi hỏi của người dân và đặc biệt là những người cần nhất, những người dân có điều kiện kinh tế thấp nhất.
« Delouvrier, Anh hãy sắp đặt lại mớ hổ lốn này cho tôi » « Delouvrier, remettez moi de l’ordre dans ce bordel » Đó là lời của tướng De Gaulle nói với Paul Delouvrier, thống đốc Paris trong dịp đi kiểm tra Paris bằng trực thăng năm 1961. Tiếp theo đó Delouvrier đã thành lập Viện Quy hoạch đô thị vùng Paris (l’Institut d’aménagement et d'urbanisme de la Région parisienne). Và từ nơi này năm 1965 đã tạo ra « Giản đồ chỉ đạo thiết kế cho vùng Paris » (Le Schéma directeur d’aménagement et d’urbanisme de la Région parisienne). Lần đầu tiên một tập thể các chuyên gia về khoa học xây dựng, tâm lý, đô thị, giáo dục, kinh tế, khoa học địa chất, kiến trúc sư, xã hội học…đưa ra một thiết kế tổng thể, rõ ràng, hệ thống và những chặng đường phải thực hiện vượt qua ngưỡng tâm lý gò bó trong khuôn khổ ‘Paris’ và nhìn Paris như một thực thể trong toàn vùng « Île-de-France » (Paris và 5 tỉnh – départements – bao quanh, dưới đây gọi tắt là « vùng Paris » hoặc « Vùng Paris » khi nhấn mạnh khía cạnh hành chính, « Vùng » (Région) là một đơn vị trên tỉnh, trên nữa là cả nước) vì số đông người dân chia sẻ cuộc sống và việc làm tại Paris..
Sau thế chiến thứ hai dân trở nên đông hơn trong vùng Paris. Sinh nở nhiều hơn và sau khi chiến tranh Algérie chấm dứt, nhiều người Pháp lập nghiệp tại Algérie trở về Pháp sinh sống và một số khá lớn chọn về vùng Paris.
Sự tăng trưởng dân số không có kiểm soát trong vùng Paris là điều lo ngại lớn cho các nhà quy hoạch.
Trung tâm thành phố lúc nào cũng bị kẹt xe và khu trung tâm trở nên khó sống vì thiếu vệ sinh.
Trong vùng đô thị Paris có sự gãy đổ phân biệt trong đời sống kinh tế, văn hóa xã hội ; những gia đình kinh tế thấp và những gia đình có con nhỏ trong tầng lớp trung bình đã bắt buộc phải mất thì giờ nhiều hơn để di chuyển, đi làm và dẫn đến sự bất bình đẳng trong lối sống, đi lại ăn uống, sức khoẻ và giải trí công cộng.
Bảo đảm săn sóc sức khỏe cho mọi người, phòng ngừa và chữa trị là nhiệm vụ trọng yếu.
Những vấn đề về môi trường và tiếng động cũng là những vấn đề phải giải quyết.
Trong « Giản đồ chỉ đạo thiết kế » (Quy hoạch năm 1965) bao gồm chỉ đạo về xây dựng, tiên liệu và thực hiện về giao thông vận tải, khu đô thị được phát triển theo hai hướng về phía đông và tây của Paris. Năm « thành phố mới » (villes nouvelles) được lập ra : Cergy-Pontoise, Marne-La-vallée, Sénard, Saint-Quentin-en-Yvelines và Evry chung quanh Paris cách Paris từ 15 đến 50 km. Mục đích là cho những thành phố mới lập này giảm gánh nặng phát triển quá nhanh của Paris và sẽ trở thành những vùng có sự phát triển độc lập có khả năng giữ quân bình giữa chỗ ở và nơi làm việc để tránh dân ngoại ô phải đổ vào Paris làm việc. Hơn 50 năm sau tất cả người dân và chuyên gia và những nhà quan sát thế giới đều công nhận đây là một thành công đáng kể. La Défense trước kia là một khu ổ chuột (bidonville ) trở thành khu tài chính thứ hai Châu Âu, sau ‘the City’, London
Những thành phố mới này được nối với nhau và với Paris trong một hệ thống xe lửa đô thị, « hệ thống giao thông vùng » có tên là RER (réseau express régional ), một số đường Métro được nối dài ra vùng ngoại ô hoặc xây mới.
Một hệ thống giao thông bằng đường bộ cũng được phát triển theo hai trục Đông và Tây.
Năm thành phố mới này đến năm 2013 là nơi cư trú của hơn 1.100.000 người và đã hấp thụ một phân nửa tăng trưởng dân số trong vùng Paris.
Hệ thống RER vùng Paris, theo Quy hoạch
Những nhà thiết kế đã thành công đưa ra một dự án đi xa hơn tính chất thực dụng. Nếu mục đích là để tạo việc làm trong những đô thị mới nhưng không vì thế mà giam hãm trong vòng chật hẹp của đô thị, Nếu mục đích là tạo ra khả năng cho phụ nữ có công ăn việc làm không xa nhà và ít phí tổn di chuyển nhưng không vì thế mà từ chối tạo ra một cuộc sống xã hội, gặp gỡ trao đổi. Chính đời sống, sự trao đổi, tiếp cận văn hóa mới là nền tảng của một thành phố đúng nghĩa. Ngoài việc tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp – sản xuất cũng như thương mại -, hệ thống giáo dục, y tế cũng được xây dựng bài bản, mỗi thành phố mới có đầy đủ nhà thương và trường học từ mẫu giáo tới đại học. Ngay từ đầu, chính phủ đã dành đất ở 4 thành phố mới Cergy-Pontoise, Marne-La-vallée, Saint-Quentin-en-Yvelines và Evry để xây dựng đại học và « sơ đồ Đại học 2000 » (schéma Université 2000) được chính phủ thông qua năm 1992 đã cho phép thành lập 4 viện đại học mới với trung bình khoảng 10.000 sinh viên vào năm 2000, mục tiêu đạt được theo một báo cáo năm 2007 của « Cour des Comptes » (cơ quan kiểm tra tài chính công của Pháp).
Trong những đô thị mới này mục đích ưu tiên là giữ lại dân cư ngụ tại nơi đó và để giúp cho mọi người có khả năng mua nhà. Một chương trình cho vay dài hạn với lãi suất thấp để cho mọi người có thể sở hữu căn nhà mình ở.
Cư dân các vùng đô thị mới nhận thấy rằng vòng quen biết được nới rộng, họ có nhiều bạn hơn hoặc là những người hàng xóm, hoặc trong các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ
Trả lại cho dân tự do lựa chọn: chọn chỗ ở, nơi làm việc, giải trí, quán ăn, bạn bè.
Thế thì dân cư đang sống tại những vùng, những mảnh đất được nhà nước sung công để lập nên 5 đô thị mới, số phận họ ra sao ? Đây là câu hỏi đáng quan tâm: Và câu trả lời là phần đông dân chúng vẫn ở lại trong vùng. Họ được giúp bằng cách được vay tiền với lời rất thấp hoặc được trợ cấp để mua nhà ở lại chỗ cũ. Không có một cuộc cưỡng bách nào xảy ra, chỉ vài vụ kiện tụng ra tòa hòa giải. Dân số từ 178.000 năm 1968 đến năm 2000 là 1.000.000.
Khu nhà ở được tạo dựng là một hỗn hợp nhiều tầng lớp dân ; trong một khu phố có nhà chung cư và những nhà riêng có vườn để dân có thu nhập khác nhau vẫn ở chung đụng con cái đi học cùng trường, cùng lui tới những nơi giải trí, thể thao với nhau, cùng ăn chung với nhau ở nhà ăn. Cùng một bữa ăn ở căng tin trường học, gia đình thu nhập thấp trả 1€, gia đình khá giả trả 10€.
Trả lại tự do cho mọi người cũng có nghĩa là xây dựng một hệ thống giao thông tiện lợi bình đẳng. Người dùng métro khi mua vé tàu métro thực ra chỉ trả một phần ba (1/3) chi phí thực sự của nó. Hai phần ba (2/3) còn lại được các xí nghiệp, chính phủ và cộng đồng tài trợ. Mục đích là để khuyến khích dân chúng dùng phương tiện giao thông công cộng và tránh dùng xe hơi để bớt kẹt xe, giảm mức ô nhiễm môi trường và hạ thấp chi phí xã hội cho cộng đồng vì tai nạn giao thông và giúp cho những người có điều kiện kinh tế thấp có thể đi lại dễ dàng.
Những chính sách ưu đãi này tới nay hầu hết đã chấm dứt, các "đô thị mới" trở thành những thành phố, thị trấn "bình thường" theo pháp luật.
Vị trí đặc biệt của Paris
Và riêng về thành phố Paris đã được quy hoạch thế nào trong những năm này ?
Cũng như tất cả mọi quy hoạch, Quy hoạch Paris bắt đầu bằng nhận xét thực tế ; Và thực tế đó là gi ?
Hiện tượng mất gốc của dân Paris ! Năm 1954 có 2.850.000 dân, và năm 1975 chỉ còn 2.300.000 (trong khi năm 1886 Paris đã có 2.344.000 dân). Từ năm 1962 đến năm 1968 trong vùng ngoại ô Paris dân số tăng mỗi năm 128.000 người trong khi dân Paris sụt 33.000 người. Giữa năm 1968 và năm 1975, 940.000 người đã rời Paris và 590.000 người khác vào sống ở Paris. Nếu đà này tiếp tục thì trong khi vùng ngoại ô tăng dân cư (từ 7.300.000 năm 1954 lên 9.885.000 năm 1975), Paris mất dần những người linh động nhất ; người già và những người di dân ngoại quốc sẽ nhiều hơn lên trong khi những người trẻ và người có thu nhập thấp sẽ ít dần Một nhận xét là tỉ lệ sinh nở lớn hơn tỉ lệ người chết là 4%, vậy lý do dân Paris thấp dần phải tìm trong các lý do kinh tế, như chỗ ở và việc làm. Một thành phố mất đi dân cư có chất lượng sẽ mất đi khả năng phát triển nên phải tìm cách chặn đứng hiện tượng này. (***)
Quy hoạch Paris phải để ý tới vị trí đặc biệt của Paris trong vùng, trong nước Pháp và trên thế giới. Paris được biết đến vì vẻ đẹp đô thị vì vị trí chính trị kinh tế, văn hóa và nghiên cứu khoa học cũng như chất lượng tiếp đón khách du lịch.
Cầu
Simone de Beauvoir, khánh thành năm 2006 sau khi một phần của
quận 13 ven
sông Seine
được cải tạo lại
theo công trình quy hoạch đô thị
mới - khu Bercy,
với việc xây dựng Thư viện
Quốc gia Pháp - bên này cầu (ảnh Cổ
Ngư)
Một nhiệm vụ trong quy hoạch là phải làm nổi bật những địa điểm gắn liền với quá khứ đầy ý nghĩa mà lịch sử đã ghi lại mà tự nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa. Mọi hoạt động đô thị phải tôn trọng khung cảnh của quá khứ, cảnh quan và tính chất xã hội. Mọi xây dựng mới phải tôn trọng cảnh quan toàn thể.
Trong các khu phố Paris là sự hỗn hợp của chỗ ở, nơi làm việc, cửa hàng, là kết quả trong quá trình hình thành của Paris qua các thời đại từ 2 ha ở ‘Île de la cité’ đến 10.500 ha ngày hôm nay qua các giai đoạn lịch sử với những vòng thành được xây dựng qua nhiều thời đại.
Nhiều khu phố (như Faubourg du Temple, Belleville, Faubourg Saint-Antoine, Passy, Auteuil, Ménilmontant, Butte-aux-Cailles, la Chapelle...) có nguồn gốc là những làng cổ ngày xưa và ngày nay vẫn còn có nhà thờ ngôi chợ, đường xe lửa cần được bảo tồn trong các công trình cải tạo và làm mới lại chỗ ở. Và kết quả là rất nhiều khu phố trong Paris và ngoại ô ngày nay vẫn còn tồn tại những ngôi chợ như ngày xưa để cho những người nông dân có thể đem những sản phẩm của mình tới bán.
Sự
bảo tồn
và làm nổi bật cảnh quan
trong một khu của Paris phải bắt đầu
bằng nghiên cứu một cách hệ
thống lịch sử hình thành và
biến chuyển của khu đô thị đó
và những tính chất truyền thống
địa lý để hình thành phải
được xem như một trục chính
cho mọi xây dựng. Vì thế không
những phải bảo vệ từng khu phố mà
còn phải bảo vệ cả khu đô
thị hình thành từ thế kỷ
trước
Bảo tồn không phải chỉ
tạo dựng lại di sản kiến trúc ở
trong khu trung tâm lịch sử mà còn
phải chú trọng, khi thực hiện những
kiến trúc mới, tới sự
hài hòa với nhịp
điệu, phương hướng toàn thể
và đường nét của những con
đường theo tổ chức không gian sống.
Phải
chú ý
quan sát hình thái địa lý cảnh
quan những vết đường sá và
khu nhà ở hiện tại hai bên đường
vẻ nên bộ mặt của thành
phố
Nhưng không phải vì muốn
giữ lại hình ảnh cũ của Paris mà
bắt buộc phải giữ lại những khu
nhà ở từ quá khứ không còn
phù hợp với đời sống hiện
đại, nhưng những xây dựng khu nhà
mới phải có sự hòa hợp với
cảnh quan của thành phố trong
từng khu phố từng con đường. Một
ví dụ là khu Faubourg Saint-Antoine, một
khu phố có từ nhiều thế kỷ, con
đường Faubourg Saint-Antoine là một
trong hai trục ngang đông tây của Paris
mà nhà văn Victor Hugo đã tả
trong Notre-Dame de Paris. Khu phố một thời gần
đây là trung tâm sản xuất bàn
ghế bằng gỗ theo kiểu xưa. Những
năm gần đây loại bàn ghế này
không thể cạnh tranh với những sản
phẩm Ikea … nên các tiệm đóng
cửa, các xưởng sản xuất đóng
cửa. Khu phố thay đổi hoàn toàn
nhưng xây cất kiến trúc mới mọc
lên phải tôn trọng con đường
cong của nó từ xưa nay. Opéra de
Bastille được xây dựng uốn cong
theo con đường nhỏ ‘rue de Charenton’.
Opéra Bastille (ảnh Internet)
Giúp đỡ dân sống tại chỗ bằng cách cho họ vay tiền hoặc giúp vốn cho họ sửa nhà để giữ họ lại nơi họ đã sinh sống, đôi lúc từ bao nhiêu đời, vì các nhà thiết kế nghĩ rằng cái hồn của khu phố không những chỉ là những con đường góc phố khu nhà mà chính ra là những con người cư ngụ tại đấy. Ngày hôm nay chúng ta còn có thể tìm thấy ở khu Marais (quận 4), một khu phố cổ xưa nhiều tiệm bánh mì hay tiệm ăn của những thế kỷ trước.
Đầu những năm 1960 (theo thống kê 1968), Paris có 2.600.000 dân sống trong 1.200.000 căn hộ (**). Phần lớn những căn hộ này khá cổ xưa : một phần tư (1/4) những căn hộ này có trên 100 năm và chỉ một phần mười (1/10) căn nhà được cất dưới 10 năm. Nếu những căn nhà, khu phố này có những hình thái ngoạn mục thì ở đó cũng là nơi thiếu tiện nghi cho cuộc sống. Cho đến năm 1975 một phần ba những căn nhà ở Paris không có phòng tắm và 30% không có WC trong nhà (WC chung trong hành lang hoặc trong cầu thang). Paris lúc đó còn nhiều nhà tắm công cộng.
Chương trình làm mới lại Paris, đến năm 1990 hơn 90% nhà ở đã có những tiện nghi hiện đại.
Paris là kinh đô của văn hóa không những vì những kiến trúc quá khứ mà còn phải tiến theo thời đại nhưng vẫn giữ được cái hồn đặc biệt của Paris.
Trung tâm Pompidou với kiến trúc hoàn toàn ‘avant-garde’ là một trong hai viện bảo tàng chứa những bức tranh đương đại lớn nhất trên thế giới (chỉ đứng sau MoMA - Museum of Modern Arts, New York) Không nói đến những công trình mà ai cũng thấy : những công trình văn hóa như bảo tàng Orsay (1986) nơi lưu giữ những bức tranh từ 1848 đến thời bắt đầu của phong trào lập thể (cubisme), Lò mổ thú vật La Villette (quận 19) trở thành Khu Bảo tàng Khoa học và Công nghệ (1979), Khu quốc tế Âm nhạc La Villette (1981), « Grand Louvre » (1989), Opéra Bastille, Viện Thế giới A Rập , Thư viện Quốc gia Pháp. Những điều ít người biết hơn: Tu chỉnh lại hai bên bờ sông Seine thành công viên, đường đi dạo, kiến tạo lại hai bên bờ kênh l'Ourcq, Bassin de la Villette và Canal Saint-Martin. Biến khu xưởng Citroen (quận 15) thành khu giải trí với những quán sách, gian hàng thủ công, quán ăn.
Vùng Paris (Île-de-France) đứng thứ nhì trên thế giới trong sự lựa chọn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và đứng hàng đầu trong các dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học.
Quy hoạch 2008
Trong điều kiện thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khan hiếm năng lượng và những khó khăn kinh tế, Quy hoạch đã thành công, giữ được số lượng đân chúng là 11,5 triệu (năm 2020).
Trong quá trình phát triển đô thị theo các quy hoạch trước kia đưa đến hậu quả là những vùng đất được phép xây cất nhà tỏa rộng ra. Thị trấn lan tràn trên những mảnh đất nông sản màu mỡ vùng Brie, Beauce (phía đông và phía nam Paris).
Cuộc chiến đấu thứ nhất : Tranh thủ cho mọi người chấp nhận giá trị của nông nghệp : không chỉ bảo vệ mà còn phải nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và vị trí của nông dân.
Mặt trận thứ hai: Ngừng ngay sự thâu tóm đất đai của các nhà bất động sản bằng những phương tiện mới trong điều kiện khó khăn và mâu thuẫn; xây dựng 1,5 triệu nhà ở và giới hạn sử dụng đất đai bằng cách tạo dựng những khu dân cư đông dân nhưng có quy hoạch với những không gian xanh. Và giữ lại những vùng đất phì nhiêu trong vùng quy hoạch.
Quy hoạch phát triển Vùng Paris đến ngưỡng 2030 có mục đích giải quyết được lối sống hiện đại và tương lai của dân chúng trong các vấn đề đi lại, nhà ở, việc làm và liên hệ đến môi trường sống cũng như liên hệ xã hội, đời sống văn hóa, thư giãn hay thể thao.
Nhà ở là nền tảng của sinh hoạt xã hội nhất là nhà cho thuê với giá phải chăng sẽ được thực hiện. Mục tiêu là 70.000 nhà mỗi năm và cho đến năm 2030 sẽ thực hiện 1,5 triệu nhà ở.
28.000 việc làm sẽ được tạo ra mỗi năm. Tránh tạo ra sự phân biệt xa cách giữa khu nhà ở và khu làm vệc. Khuyến khích tạo ra vùng sinh sống và công việc hỗn hợp, với mục tiêu là đem gần lại khoảng cách chỗ ở và nơi làm việc để giảm thời gian đi lại.
Sự phát triển đô thị chủ yếu trong những vùng đất đã cấu thành, nhất là những vùng đã có được một hệ thống giao thông công cộng tốt. Tăng mật độ dân cư để tạo những vùng đô thị gọn nhẹ, tiết kiệm đất đai và năng lượng.
Một mạng lưới giao thông mới với 200km metro tự động, 930 nhà ga trong đó 70 nhà ga mới trong hệ thống “Grand Paris Express”, 69 nhà ga cũ sẽ được nối lại với hệ thống này. Sự phát triển đô thị sẽ phần đông tập trung vào chung quanh những nhà ga lớn. Một dự án tầm cỡ - 30 tỉ euros - mang rất nhiều tham vọng trải qua nhiều thay đổi chính trị, với bao rắc rối hành chính đã trở thành hiện thực.
Thực hiện những không gian xanh : Năm 2030 vùng Paris sẽ có được 2.300 hecta công viên và 500 hecta rừng (****)
Từ đầu những năm 2000 sự tăng trưởng dân số ở vùng Paris chậm lại và dân trong thành phố Paris đã tăng lên một cách có kiểm soát không phải bằng phương tiện hành chính mà bằng quy hoạch trong những năm gần đây, sau 40 năm thuyên giảm.
Về vấn đề giao thông, Quy hoạch Vùng Paris đặt ra bốn mục tiêu :
- Thỏa mãn sự đòi hỏi đi lại giữa các vùng ngoại ô.
- Tổ chức hệ thống chuyên chở công cộng để thỏa mãn những đòi hỏi trong giao thông giữa những khu đô thị đang thành lập.
- Phát huy hệ thống xe điện (tramway). Phương tiện giao thông này rất thích hợp cho những liên lạc thường xuyên của những khu không đông dân vừa nhẹ nhàng ít chiếm lòng đường vừa ít tốn kém và dễ bảo quản.
- Tổ chức và xây dựng lại đường sá để có thể dùng nhiều phương tiện giao thông khác hơn là xe hơi.
Nếu phải ghi lại những mốc thời gian cho sự thay đổi lớn của Paris thì phải nói đến Nam tước Haussmann (đệ nhị đế chế 1852-1870), công trình xây dựng métro Paris của Fulgence Bienvenüe và Edmond Huet, Giản đồ chỉ đạo thiết kế cho Vùng Paris với những đô thị mới và RER của Paul Delouvrier và bây giờ là ‘le Grand Paris’.
Nhưng trước khi được chấp thuận và trở thành sự thực, Dự án Le Grand Paris đã được đưa ra thảo luận rộng rãi trong dân chúng từ tháng mười năm 2010 đến tháng giêng năm 2012 (sau khi Quốc hội đã thông qua vào tháng 5.2010). Tất cả mọi thành phần chính trị, kinh tế, văn hóa, mọi xu hướng mang tầm nhìn và tham vọng cho tương lai đều có quyền bàn cãi, đưa ý kiến, sửa đổi và làm cho dự án giàu lên. Nhiều vạch đường sá, đường tàu điện được thay đổi, nhiều nhà ga được thêm vào. Uỷ ban Quốc gia về Thảo luận công cộng (Commission nationale du débat public) đã tóm tắt những thảo luận này và những bước tiếp theo của Dự án ở trang web của mình.
Kết luận
Để đánh giá những thành tựu của các « Quy hoạch vùng Paris ».
Mục đích của « Giản đồ chỉ đạo thiết kế » vùng Paris năm 1965 : Củng cố sức hấp dẫn của Paris dính liền với củng cố hình ảnh của Paris và cải thiện đời sống của dân chúng và của những khách viếng thăm Paris, chính sách phát triển góp phần xác nhận Paris như là một kinh đô kinh tế và văn hóa tầm cỡ thế giới.
Mục đích của Quy hoạch cho đến năm 2030 là đem lại giải đáp cho cuộc sống hiện đại và tương lai của dân chúng trong các vấn đề di chuyển, chỗ ở, công việc và sự liên hệ đến môi trường. Và cũng là tìm cách san bằng sự bất bình đẳng trong đời sống về giao thông, và tiếp cận các cơ sỏ công cộng trong mục tiêu hàng đầu là tương trợ.
Vùng Paris (Île-de-France) không những đứng hàng đầu trên thế giới về số người viếng thăm mà còn đứng thứ nhì trên thế giới trong sự lựa chọn đầu tư của nước ngoài và đứng hàng đầu trong các dự án xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học.
Phụ lục : Phương pháp quy hoạch đô thị
Những mô hình lý thuyết về quy hoạch
Vùng Paris là một lò thí nghiệm đưa các lý thuyết về quy hoạch vào ứng dụng cụ thể. Chúng tôi đưa ra đây vài nét sơ thảo về các mô hình :
- Mô hình truyền thống : dựa trên sự hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm và tài năng của những nhà chuyên môn. Họ vẽ lên những bản đồ và những tính toán chuyên môn của họ.
- Mô hình chiến lược : có nguồn gốc trong quân sự, sau đó được ứng dụng trong các xí nghiệp và bắt đầu từ những năm 1980 được áp dụng vào lãnh vực công và quy hoạch đô thị. Mô hình chiến lược cốt yếu tìm đến hiệu quả của những hành dộng thực tiễn. Những quy hoạch 1965 ; 1976, 1984 có thể xếp vào mô hình chiến lược.
- Mô hình cộng tác : Mô hình cộng tác xuất hiện vì sự đòi hỏi của những phong trào xã hội và trước hết là những người cùng góp phần xây dựng quy hoạch và sau đó là những nhóm người chịu ảnh hưởng của sự quy hoạch. Dĩ nhiên mô hình này không chỉ dựa vào hậu quả kinh tế xã hội mà còn tìm sự đồng thuận của xã hội đa nguyên mà quyền lợi có thể tương phản nhau bằng sự đối thoại và tìm giải pháp chung.
Quy Hoạnh 2008 đã dùng Mô hình cộng tác. Một sự huy động tập hợp các hội đoàn, các hiệp hội, dân chúng, các đại biểu các thị trưởng… trong các cuộc họp mặt, diễn đàn, hội thảo theo một hình thức cởi mở.
Phương pháp tiên liệu giao thông
Giao thông là mạch máu của đô thị. Quy hoạch đô thị dựa trên những mô hình (modèle) tiên liệu về giao thông. Mô hình ở đây phải hiểu theo nghĩa toán học: xây dựng lại hiện tượng giao thông bằng một ‘công thức’ toán học. Những tính toán trong mô hình rất dài và phức tạp đòi hỏi những phương tiện tin học hiệu quả.
Chú dẫn:
(*) Enquête globale de transport (EGT 2020), La Drieat Île-de-France (La Direction régionale et interdépartementale de l’environnement, de l’aménagement et des transports)
(**) Trước năm 1965 cũng đã có những quy hoạch như quy họach Henri Prost (còn gọi là Plan Prost), 1939, xét lại năm 1956.
(***) Paris Projet n° 10-11 (1974), Apur (Atelier parisien d'urbanisme).
(****) Île-de-France 2030 Projet spatial régional et objectif, publication du Conseil régional d’Île-de-France.
Nguyễn Quang Chánh
Các thao tác trên Tài liệu