Bạn đang ở: Trang chủ / Biên khảo / Về cuộc kháng chiến chống quân Minh (5 và hết)

Về cuộc kháng chiến chống quân Minh (5 và hết)

- Hồ Bạch Thảo — published 03/08/2009 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:18


Thực lục về cuộc đấu tranh chống ngoại xâm
dưới thời quân Minh cai trị (5
)



Hồ Bạch Thảo



Xem các phần trước : (1)(2), (3), (4)



Năm Đinh Mùi [1427]


Tháng giêng, mùa xuân. Bình Định vương đóng quân ở bên sông Nhị Hà, phân phái các tướng tiến sát đến thành Đông Quan để đánh thành này.

Vương tiến quân đóng ở bờ bên bắc sông Nhị Hà : đồn luỹ đối ngang với thành Đông Quan. Vương sai bọn Trịnh Khả đóng quân ở phía cửa Đông, Đinh Lễ đóng quân ở phía cửa Nam, bọn Lê Cực đóng quân ở phía cửa Tây, Lý Triện đóng quân ở phía cửa Bắc : tất cả đều bao vây nhằm đánh thành Đông Quan. Vương lại sai đóng chiến thuyền, tập thuỷ chiến, điểm duyệt võ khí, bổ sung quân đội, chế thứ xe đánh thành. (1)


Trước khí thế của nghĩa quân, Vương Thông sợ Bình Định vương Lê Lợi tấn công tiếp, nên tỏ ra hoà hoãn ra lệnh rút quân từ Thanh Hoá trở vào nam trở về thành Ðông Ðô ; nhưng viên Chỉ huy thành Thanh Hoá không tuân, sợ bị giết dọc đường, nên vẫn tiếp tục cố thủ :


Ngày 5 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [2/1/1427]

Ngày hôm nay giặc họ Lê đánh châu Thanh Hoá không hạ được, bèn rút đi.

Trước đó, từ khi thất bại tại Ninh Kiều Thành sơn hầu Vương Thông không còn vững lòng như trước, tự tiện cho Lê Lợi cai quản từ Thanh Hoá trở vào nam, truyền hịch cho quan quân tại nơi này rút về thành Đông Quan. Riêng châu Thanh Hoá không chịu nghe lệnh. Trước kia Lê Lợi đánh Thanh Hoá, Tri châu La Thông, Chỉ huy Đả Trung suất quân dân kiên thủ, có lúc mang quân đánh núi đất (2), sát thương giặc nhiều, thế giặc bớt căng thẳng. Lúc này hịch tới, người trong thành kinh sợ. Thông nói với Trung rằng :

“ Bọn chúng ta chống cự, mấy lần đánh bại giặc, ra khỏi thành thì không sống được ; nay tại đây thành cao, hào sâu, lương nhiều, dân đông ; so với việc chịu trói, chi bằng tận trung mà chết, mà chưa chắc đã chết đâu ! Bọn [Vương] Thông bán thành cho giặc, lệnh này không thể theo được.”

Rồi cùng với Trung tưởng lệ quân sĩ, giữ thành vững thêm ; giặc đánh không hạ được, bèn bỏ đi. Khi Vương Thông bỏ Giao Chỉ, bọn [La] Thông cũng trở về kinh đô. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 606; Tuyên Tông q. 23, tr. 2b)


Về phía gần biên giới phía bắc, trên tuyến đường từ Trung Quốc sang thành Ðông Ðô [Hà Nội], quân ta bao vây và tấn công đồn Ải Lưu tại Lạng Sơn :


Ngày 18 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [15/1/1427]

Đêm hôm nay, giặc hơn một vạn người địa phương Giao Chỉ, đến bao vây và tấn công Ải Lưu, bọn Bách hộ Hoàng Bưu giữ thành bị hại. Bách hộ Vạn Tông bí mật San trèo lên thành hô lớn, cầm đao cùng quân cảm tử từ cửa nam ra đánh ; giặc rút chạy. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 617 ; Tuyên Tông q. 23, tr. 8a)

Tình thế khẩn trương, Vương Thông phải xin thêm quân cứu viện :

Trước kia, chiến dịch Tốt Động, Trần Hiệp thua trận, bị chết ; Vương Thông xin với nhà Minh cho thêm quân. Vua Minh được tin, vô cùng sợ hãi, bèn sai :

Tổng binh chinh lỗ phó tướng quân thái tử thái phó An Viễn hầu là Liễu Thăng, tham tướng Bảo Định bá là Lương Minh, đô đốc là Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư là Lý Khánh, Công bộ thượng thư là Hoàng Phúc và hữu bố chính sứ là Nguyễn Đức Huân thống lĩnh mười vạn quân, hai vạn ngựa, do đường Quảng Tây tiến đánh cửa ải Pha Lũy (3) ;

Chinh nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công là Mộc Thạnh, tham tướng Hưng An bá là Từ Hanh và Tân Ninh bá là Đàm Trung, do đường Vân Nam, tiến đánh cửa ải Lê Hoa (4).

Minh Thực Lục chép chi tiết hơn, tường thuật kế hoạch điều động, theo trình tự như sau :


Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427]

Do bọn Thành sơn hầu Vương Thông tâu giặc Giao Chỉ trở nên càn dữ, mệnh Thái tử Thái truyền An viễn hầu Liễu Thăng mang ấn Chinh Lỗ Phó Tướng quân giữ chức Tổng binh, Bảo định bá Lương Minh sung Phó Tổng binh, Đô đốc Thôi Tụ sung Hữu Tham tướng, mang quan quân đến Giao Chỉ phối hợp với bọn quan Tổng binh Kiềm quốc công Mộc Thạnh đánh bắt man khấu. Các quan quân lãnh đi, cùng các vệ quan quân, thổ quân, thổ dân tại Giao Chỉ đều dưới quyền điều động tiết chế. (Minh Thực lục v. 17, tr. 619-620; Tuyên Tông q. 23, tr. 9a-9b)


Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427]

Mệnh Thái truyền Kiềm quốc công Mộc Thạnh mang ấn Chinh Di Tướng quân sung chức Tổng binh, Hưng an bá Từ Hanh sung chức Tả Phó Tổng binh, Tân ninh bá Đàm Trung sung chức Hữu Phó Tổng binh ; mang quan quân đến Giao Chỉ phối hợp với quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đánh bắt man khấu. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 620; Tuyên Tông q. 23, tr. 9b)


Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Ðức thứ nhất [23/1/1427]

Sắc Thái tử Thiếu bảo Thượng thư bộ Binh Lý Khánh rằng :

Nay mệnh quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng mang quân từ Quảng Tây, Thái truyền Kiềm quốc công Mộc Thạnh mang quân từ Vân Nam ; hai đạo quân cùng tiến để chinh tiễu bọn phản tặc tại Giao Chỉ. Khanh là bậc lão thành có kinh nghiệm, đặc mệnh tham mưu việc binh, phàm công việc nên đồng lòng mưu với nhau, thoả đáng thì cho thi hành ; lại lo chiêu phủ quân dân, xứng với sự uỷ nhiệm quan trọng. Đợi Liễu Thăng đến Nam Kinh, thì cùng khởi hành. Cần dùng những tay văn học, cùng những người có tài liệu biện ; có thể lựa chọn trong các nha môn tại Nam Kinh để đi cùng ; chỉ cần trình cho biết tên họ và chức vụ.” (Minh Thực Lục v. 17, tr. 620; Tuyên Tông q. 23, tr. 9b)


Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [ 23/1/1427]

Sắc dụ Thượng thư bộ Công, kiêm Chiêm sự tại phủ Chiêm sự Hoàng Phúc :

Khanh trước kia nhậm chức tại Giao Chỉ thành tín cần mẫn, ban ân huệ một phương. Tiên Hoàng đế khen, nghĩ đến bậc lão thành nơi vạn dặm, bèn triệu về để giúp Trẫm. Nay dân Giao Chỉ quyến luyến khanh khôn xiết ; Trẫm vốn không muốn khanh bỏ đi, nhưng cũng không muốn trái ý nguyện của dân. Nay hãy vì Trẫm trấn nhậm thêm một lần nữa. Phàm vua tôi tương đắc với nhau, không kể xa hay gần ; khanh vốn đem hết tâm lực, thì dân chúng sẽ được yên chỗ, ngõ hầu xứng với lòng của Trẫm. Khanh hãy chỉ huy mọi việc tại hai ty Bố chánh và Án sát Giao Chỉ. Khâm tai ! ” (Minh Thực Lục v. 17, tr. 620; Tuyên Tông q. 23, tr. 9b-10a)


Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427]

Sắc mệnh điều các vệ tại hai kinh Nam, Bắc ;Trung đô Lưu thủ ty, Vũ xương Hộ vệ ; các Đô ty Hồ Quảng, Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu ; Phúc Kiến Hành Đô ty, cùng các vệ quan quân phía nam Trực Lệ do An viễn hầu Liễu Thăng thống lãnh. Thành Đô Hộ vệ, các Đô ty Tứ Xuyên, Vân Nam ; Tứ Xuyên Hành Đô ty do Kiềm quốc công Mộc Thạnh thống lãnh ; tổng cộng gồm 7 vạn tên, để sang đánh dẹp tại Giao Chỉ. Cần khí giới tinh nhuệ, y giáp tốt mới, dọc đường gia tăng ước thúc, không được nhiễu hại. Lương bổng quân dân tính từ ngày khởi hành ; tất theo lệ kỳ đánh Giao Chỉ lần trước chi cấp. Tại Nam kinh cùng các Đô-ty, vệ sở ; tiền thưởng lúc khởi trình do quan sở tại chi cấp, nếu tiền không đủ có thể dùng vải bố, quyên để chiết khấu ra tiền. Thưởng tiền giấy cho Đô Chỉ huy 500 quan, Chỉ huy 400 quan, Thiên hộ Trưởng quan vệ, trấn 300 quan ; Bách hộ Trấn-phủ sở 200 quan, Tổng kỳ 150 quan, Tiểu kỳ 120 quan ; quân lính, thổ quân 100 quan. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 0621-0622; Tuyên Tông q. 23, tr. 10a-10b)


Ngày 26 tháng 12 năm Tuyên Đức thứ nhất [23/1/1427]

Sắc dụ quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông, Tham tướng Đô đốc Mã Ánh. Nay mệnh An viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm quốc công Mộc Thạnh xuất sư do hai đường Quảng Tây, Vân Nam cùng tiến ; để hợp với bọn ngươi diệt giặc này. Các ngươi nên cố thủ thành trì, thao luyện quân mã, đợi bọn Thăng đến thì tiến binh. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 0622; Tuyên Tông q. 23, tr. 10 b)


Ngày 2 tháng 3 năm Tuyên Ðức thứ 2 [ 30/3/1427]

Sắc dụ điều thêm quan quân hộ vệ Vũ Xương 1.000 người, hộ vệ Thành Ðô 1.200 người. quan quân tinh nhuệ tại Nam Kinh, Nguyên Hạ, Tây Dương 10.000 người ; Trung đô lưu thủ ty, Ðô ty Hồ Quảng, Chiết Giang, Hà Nam, Sơn Ðông, Quảng Ðông, Phúc Kiến, Giang Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên ; cùng Tứ Xuyên hành Ðô ty 33.000 người ; theo An viễn hầu Liễu Thăng, Kiềm quốc công Mộc Thạnh sang đánh Giao Chỉ. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 673; Tuyên Tông q. 26, tr. 2a)

Trong khi chờ quân tăng viện từ Trung Quốc sang, quân Minh đánh thắng hai trận xung quanh thành Ðông Ðô, nhưng Vương Thông không dám triển khai sự thành công này, cuối cùng lâm vào thế hoàn toàn bị động :

Tháng 2. Phương Chính nhà Minh đánh úp huyện Từ Liêm : thái úy Lý Triện tử trận.

Các tướng Lý Triện, Đỗ Bí đóng quân ở huyện Từ Liêm, bị Phương Chính bí mật ra quân đánh úp. Triện cố sức chiến đấu, chết tại trận ; Bí bị bắt, kịp khi việc giảng hoà đã xong, được người Minh lấy lễ độ mời về. (5)

Tư không Đinh Lễ và thượng tướng quân Lê Xí đánh nhau với người Minh ở Mi Động (6) : bị thua, Lễ tử tiết.

Vương Thông đem quân tinh nhuệ trong thành lén đánh Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Bình Định vương sai các tướng Lễ và Xí đi cứu. Khi đến Mi Động, Thông thấy bọn Lễ ít quân, bèn chia binh đánh kẹp lại. Bọn Lễ thống lĩnh hơn năm trăm quân Thiết Đột, cố sức chiến đấu: voi bị sa lầy, Lễ và Xí đều bị bắt về thành Đông Quan. Đinh Lễ không chịu khuất phục, bị giặc giết chết. Còn Xí, nhân một đêm mưa gió, dùng mẹo trốn thoát được.

Vương cho rằng các tướng Đinh Lễ và Lý Triện đều có công lớn, chết vì việc nước, bèn phong em Lễ là Đinh Liệt làm nhập nội thiếu uý, phong cha của Triện là Lý Ba Lao làm quan sát sứ và cấp cho hơn một trăm mẫu ruộng, con của Triện là Lăng làm phòng ngự sứ. (7)

Minh Thực Lục chép gộp hai trận này làm một, và chê trách Vương Thông không dám vượt sông Hồng để đánh vào đại bản doanh của Bình định vương Lê Lợi :


Ngày 7 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 2 [4/3/1427]

Ngày hôm nay giặc Lê Lợi tại Giao Chỉ [Đông Đô]. Bọn Thành sơn hầu Vương Thông mang binh đánh bại, chém bọn ngụy Tư đồ Lê Trỉ [Triện], Tư không Đinh Lễ, Thái giám Lê Bí, và bọn Thái uý, Thiếu uý, Chánh đốc, Đồng đốc bọn Trần Chửng ; giặc bị giết có đến vạn tên, số còn lại bỏ chạy, Lê Lợi hoảng sợ đến vỡ mật. Trên đường, các tướng, cùng quan lại tại tam ty nói với Thông rằng :

“ Giặc bại tẩu, không phòng bị ; nên thừa thế vượt sông đánh bất thình lình, có thể bắt giặc được ; nếu trì hoãn, giặc chiêu tập được tàn dư tất sẽ liều chết chống lại quân ta.”

Thông do dự không quyết, trả lời :  “ Đợi xem xét .”

Qua ba ngày không chịu ra quân, giặc dò xét biết Thông sợ, bèn tập trung dư đảng xây đồn trại, đào hào, tu sửa khí giới, tiến công bốn phía. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 654-655; Tuyên Tông q. 25, tr. 3b-4a)

Tiếp tục quân ta tấn công Khâu Ôn [Lạng Sơn], nhờ Ðô ty Quảng Tây Cố Hưng Tộ sai quân đến cứu viện, nên thành không bị mất :


Ngày 11 tháng 3 năm Tuyên Đức thứ 2 [7/4/1427]

Ngày hôm nay giặc họ Lê tại Giao Chỉ đánh và vây Khâu Ôn, Đô Chỉ huy Tôn Tụ suất binh cố thủ ; dùng phi pháo, súng thần công bắn ra từ địch lâu, nên giặc không dám đến gần. Nhưng trong thành lương ít, ngầm sai người chạy đến báo cho Chinh man Tướng quân Trấn viễn hầu Cố Hưng Tổ. Hưng Tổ sai Chỉ huy sứ Dương Chính mang quân hộ tống, theo đường tắt đến cấp lương. (Minh Thực Lục v. 17, t. 0678; Tuyên Tông q. 26, tr. 4b)

Tuy nhiên mấy tháng sau, hai thành Khâu Ôn và Ải Lưu đều bị đánh tan, Cố Hưng Tộ bị đàn hạch vì không cứu viện kịp thời :


Ngày 13 tháng 7 năm Tuyên Đức thứ 13 [ 5/8/1427]


Chiếu mệnh bắt Trấn viễn hầu Cố Hưng Tổ. Lúc bấy giờ giặc Giao Chỉ phá Ải Lưu, tấn công Khâu Ôn ; Hưng Tổ đặt quân tại Nam Ninh (8), Thái Bình (9) không cứu viện, để cho giặc chiếm được thành. Hưng Tổ trước kia tâu rằng đã chém được giặc Vi Vạn Hoàng, bêu đầu thị chúng ; nhưng Vạn Hoàng vẫn ra vào cướp phá như xưa ! Hưng Tổ lại sai bọn Chỉ huy Trương Ban giả mạo việc quân đoạt của quan, dân hơn 2500 lượng bạc, 100 con ngựa ; lại cưỡng bách dân ép cưới con gái ; bị Tuần Án Ngự sử hặc tâu.

Thiên tử thấy tội ác không chừa, mệnh hành tại Đô sát viện bắt và điều tra, sai công hầu Đại thần cử tướng giỏi thay thế. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 763; Tuyên Tông q. 29, tr. 4a)

Về việc này sử nước ta xác nhận rằng Cố Hưng Tổ thực sự có mang quân đến cứu viện, nhưng bị đánh thua tại ải Pha Lũy [Nam Quan] :

Nhà Minh sai Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ, tổng binh Quảng Tây, đem năm vạn quân, năm nghìn ngựa, sang cứu Đông Đô. Khi đến cửa ải Pha Luỹ, bị các thủ tướng của ta là Trần Lựu và Lê Bôi đón đánh : giặc phải bỏ chạy. (10)

Ðô đốc thiêm sự Sơn Vân được cử thay thế Cố Hưng Tổ để trấn thủ Quảng Tây và lo việc hành quân vùng biên giới :


Ngày 23 tháng 7 năm Tuyên Ðức thứ 2 [15/8/1427]

Mệnh Hậu quân Ðô đốc phủ, Ðô đốc Thiêm sự Sơn Vân mang ấn Chinh Man Tướng-quân giữ chức Tổng binh, thay thế Trấn viễn hầu Cố Hưng Tổ trấn thủ Quảng Tây ; cùng suất lãnh quan quân do 3 Ðô-ty Hồ Quảng, Quảng Tây, Quí Châu điều đến để đánh bắt phản tặc. Trước đây Hưng Tổ có tội bị bắt, Thiên tử mệnh các quan Công, Hầu, Ðại -thần cử một tướng giỏi thay thế ; nay các quan Ðại thần đều nói Vân thanh liêm, uy dõng, có trí lược.

Thiên tử cũng công nhận như vậy, nên có mệnh này. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 770 ; Tuyên Tông q. 29, tr. 7b)

Sau khi Vương Thông đại bại tại Ninh Kiều, rồi bị vây tại thành Ðông Quan ; các thành Nghệ An, Thị Cầu, Ðiêu Diêu, Tam Giang lần lượt ra hàng. Ðặc biệt chỉ huy thành Tam Giang là Lưu Thanh tỏ ra biết kính trọng Bình Định vương Lê Lợi, đã quở mắng người lính bản xứ nói lời vô lễ về Vương ; khi đã đầu hàng không cho hàng binh dưới quyền dính líu vào âm mưu nổi loạn, nên quân thành này không bị giết :

Vương chia sai các tướng Trịnh Khả đi đánh các thành. Người Minh ban đầu còn đóng chặt cửa thành, đợi quân cứu viện ; về sau, bị quân ta bao vây đánh phá, lâu dần chúng càng cùng quẫn kiệt quệ.

Các thành Nghệ An, Diễn Châu, Thị Cầu và Điêu Diêu đều lần lượt đầu hàng.

Vương sai Nguyễn Trãi đem theo viên chỉ huy họ Tăng, là người Minh đã đầu hàng ta, đến dụ thành Tam Giang, thành này đầu hàng.

Trước kia, khi Vương còn ở Thanh Hoá, người bản thổ thành Tam Giang theo quân Minh, bị điều động đi trận, khi thua rút về, có kẻ nói ra những lời láo xược phạm thượng, Lưu Thanh bèn mắng ngay rằng :

Quân mán xá này vô lễ ! Người là vua của các nị (11) đấy ! ”.

Đến đây, Lưu Thanh đầu hàng. Sau đó ít lâu, nhiều người ở các thành khác đã hàng vì âm mưu làm phản đều bị giết cả, riêng có thành Tam Giang này không dính líu gì đến việc làm phản ấy (12).

Trong một văn bản chép về việc xét xử các cấp chỉ huy quân Minh từng đầu hàng, rồi hợp tác với nghĩa quân của Bình Định vương, sau đó được thả về ; Minh Thực Lục xác nhận Ðô đốc Thái Phúc bỏ thành Nghệ An, sai người tố cáo âm mưu nổi loạn của hàng binh, cùng đích thân đi kêu gọi các thành ra hàng :


Ngày 30 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 [12/7/1428]

Thái Phúc, Chu Quảng, Tiết Tụ, Chu Tán, Lỗ Quý, Lý Trung bị xử tử. Phúc là Đô đốc ; Quảng, Tụ, Tán đều giữ chức Đô chỉ huy, Quý là Chỉ huy, Trung là Thiên hộ.

Bọn Phúc trước đây tại Giao Chỉ trấn thủ Nghệ An, bị giặc vây, Phúc không đánh, lại đem bọn Quảng hàng giặc, chỉ cho giặc tạo chiến cụ để đánh thành Đông Quan. Lúc bấy giờ hơn 9000 quân định đốt trại giặc, bọn Phúc lệnh Bách hộ Mưu Anh tố cáo ; giặc giết sạch 9500 người, rồi đánh các thành như Xương Giang. Phúc đi thuyết dụ những người trong các thành ra hàng ; đến Thanh Hoá phi ngựa đến dưới thành, kêu to rằng :

Thủ thành lợi dụng cơ hội đầu hàng có thể bảo tồn mạng sống, không nghe thì gan não phơi mặt đất.”

Bị bọn Tri châu La Thông chửi mắng nên bỏ đi.

Nay bọn Lợi đưa bọn Phúc đến kinh sư. Mệnh Công, Hầu, Bá, 5 phủ, 6 bộ, Đô sát viện, cùng các quan 3 bốn lần hặc tội. Đều phúc tấu tội trạng, mệnh hành quyết phơi thây ngoài chợ và tịch thu gia sản. (Minh Thực Lục v. 18, t. 1075-1076; Tuyên Tông q. 43, t. 17a-17b)

Vụ quân Minh ra hàng rồi âm mưu nổi loạn nên bị giết, còn được chép kỹ hơn trong văn bản truy tặng viên Chỉ huy thiêm sự Chu An, y bị giết vì đã xúi dục hàng binh nổi loạn :

Ngày 20 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 [2/7/1428]

Chu An từ Chỉ huy thiêm sự vệ Chấn Vũ được điều đi đánh giặc họ Lê, cải nhiệm tiền vệ Giao Chỉ, trấn thủ Nghệ An. Gặp lúc giặc Lê Lợi lộng hành, Đô đốc Thái Phúc triệu các tướng đến bàn :

Nay tại đây thiếu lương thực, khó khăn, nên không thể giữ được, hãy thu thập về Đông Quan.

Tất cả đều đồng ý. Riêng Thiên hộ Bảo Tuyên lĩnh binh hơn 100 tên chạy đến trại giặc. An đốc suất kẻ dưới quyền, cùng quân dân vệ Diễn Châu trở về thành Đông Quan. Đi đến sông Phú Lương gặp giặc ; vì binh ít, yếu nên bị giặc bắt, Phúc bị giặc bức bách lệnh đến các thành dụ các chỉ huy thành ra hàng. An phẫn nộ cùng đồng đội mưu :

Quan quân sẽ đến diệt giặc, mỗi người chuẩn bị gậy, dao, súng ; chờ quan quân đến sẽ làm nội ứng chắc sẽ phá được giặc.”

Tuyên biết được mưu, đem sự việc cáo với Lê Lợi ; Lợi giận đem giết hết. Khi sắp bị giết An nói :

Ta là quan của Thiên triều, há lại chết dưới tay các ngươi.” Rồi cùng Chỉ huy Trần Lân Cựu nhảy lên cướp đao giặc, giết một vài người rồi tự tử. (Minh Thực Lục v. 18, tr. 1057-1062 ; Tuyên Tông q.43, tr. 8a-10b)

Tuy phần đông các thành ra hàng, nhưng cá biệt có thành Xương Giang, vị trí chiến lược nằm trên đường quân Minh tiếp viện phải qua lại vẫn cố thủ ; nghĩa quân phải vây đánh trong thời gian dài mới hạ được :

Các tướng Trần Hãn và Lê Sát đánh thành Xương Giang : hạ được.

Xương Giang là đường lối quân Minh tất phải qua lại. Bọn chỉ huy Minh là Kim Dận và Lý Nhiệm (Nhậm) bị vây hàng hơn sáu tháng, liều chết cố giữ để đợi viện binh ; quan quân không hạ được. Đến đây, các tướng Trần Hãn khoét đất thành đường hầm đi xuyên vào thành, đánh kẹp lại, mới phá được thành này. Bọn Kim Dận đều bị chết.

Minh Thực Lục mô tả sự khốc liệt của trận đánh này như sau :


Ngày 2 tháng 4 năm Tuyên đức thứ 2 [28/4/1427]

Ngày hôm nay giặc Giao Chỉ Lê Lợi công hãm thành Xương Giang. Lợi cho rằng Xương Giang là nơi quan trọng, [trên đường] đại quân ra vô ; bèn dùng hơn 8 vạn quân đánh. Quan giữ thành Đô Chỉ huy Lý Nhiệm, Chỉ huy Cố Phúc ra lệnh già, trẻ, phụ nữ đều lên mặt thành, dương cờ hò hét, ngày đêm chống cự ; Bọn Nhiệm bất ngờ mang quân tinh nhuệ ra công kích, đốt phá dụng cụ đánh thành. Bốn phía giặc đều xây núi đất, dùng phi minh bắn vào thành ; Nhiệm sai quân cảm tử ban đêm mở cửa thành ra đánh, giết giặc giữ núi đất. Mưu tập kích doanh trại, giặc đào địa đạo vào thành, Nhiệm sai đào hào ngang chặn địa đạo, rồi ném đá xuống, khiến giặc chết nhiều.

Giặc nghe tin đại binh của Chinh di Tướng quân sắp tới, sợ sẽ dùng thành này làm chổ dựa, bèn tăng cường thêm quân và voi tấn công. Tên đá bắn vào như mưa. Nhiệm dùng trăm cách để chống cự, trải qua 9 tháng trời, giao tranh hơn 30 trận ; khởi đầu trong thành có hơn 2000 tướng sĩ, lúc này chết và tật bệnh đến một nửa, nhưng giặc vẫn quyết vây đánh, dùng thang mây leo lên thành, rồi đoạt cửa, Nhiệm điều lính quyết tử ba lần đánh lui, nhưng giặc lại xua voi và lính vào. Bọn Nhiệm kiệt sức, đánh không xuể, Nhiệm và Phúc đều tự tử ; quan trong thành là Phùng Trí khóc ròng, hướng về phía bắc bái tạ, rồi cùng Chỉ huy Lưu Thuận, Tri phủ Lưu Tử Phụ thắt cổ chết. Trong thành các quan quân, cùng trai gái chết rất đông ; giặc phóng hoả đốt, cướp phá đến sạch không. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 0701-702; Tuyên Tông q. 27, tr.2b)

Tình thế quẫn bách, Vương Thông triệu tập các quan lại nhắm thông qua quyết định giảng hoà với Bình Định vương Lê Lợi để rút quân về ; nhưng không được đám dưới quyền hoàn toàn nhất trí :


Ngày 11 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 2 [7/5/1427]

Ngày hôm nay bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông bị giặc đánh vây gấp, nhưng gom binh lại không dám ra đánh, giặc bèn gữi thư cho Thông xin hoà. Thông từ khi quân bại tại Ninh Kiều, tinh thần suy sụp rất nhiều ; tuy thắng một trận dưới thành nhưng chí khí không vững, bèn hứa cho giặc những đất tại các châu Thanh Hoá. Ý của Thông cho rằng Liễu Thăng đã xuất sư nhưng chưa đến ngay được, đường sá có nhiều sự ngăn trở ; nay Lê Lợi cầu hoà, thành tâm dâng biểu tạ tội ; thuận theo lời xin của y còn có đường sống, để có thể thu xếp cách tiến thủ sau này ; vả lại Thiên tử nhân từ không muốn giết, dùng binh nên thể theo ý của Thiên tử.

Tướng hiệu dưới quyền có kẻ cho là đúng, có kẻ im lặng không có ý kiến, có người phản đối nhưng chưa ra mặt ngăn cản ; chỉ một mình Án sát sứ Dương Thời Cập can :

Phụng mệnh đánh giặc lại chịu hoà với giặc. Tự tiện bỏ đất mang quân về, làm sao tránh tội được ; việc này không thể làm được !

Thông to tiếng nạt rằng :

Việc phi thường, chỉ có con người phi thường mới làm được, ngươi làm sao hiểu nổi !

Từ đó không có ai dám nói. Bèn sai thuộc hạ cùng đi với người của Lê Lợi để dâng biểu, cùng phương vật. (Minh Thực Lục v. 17, tr. 0713-714; Tuyên Tông q. 27, tr. 8a-8)

Tháng 9 viện quân của Liễu Thăng sang đến nước ta, Bình Định vương sai các tướng Trần Lựu, Lê Sát đón đánh, cả phá được quân địch, Cương Mục (13) trình bày về chiến dịch này như sau :

Trước kia, các tướng sĩ ta được tin quân cứu viện của Minh sắp kéo sang, phần đông đều khuyên Vương nên đánh gấp Đông Đô để diệt địch ở trong làm nội ứng. Vương bảo rằng

Đánh thành, là mưu thấp ; chi bằng nuôi sức quân, tích luỹ lấy tinh thần sắc bén, đợi giặc đến, ta đánh phá ngay. Một khi viện binh đã bị tuyệt diệt thì thành Đông Đô tất phải đầu hàng. Đó là mưu chước vạn toàn : làm một việc mà được lợi cả hai ”.

Vương bèn sắp xếp việc phòng thủ một cách nghiêm mật, ra lệnh cho các lộ Lạng Giang, Bắc Giang, Tam Đái, Tuyên Quang và Quy Hoá làm cho đồng ruộng sạch quang (14) để tránh mũi dùi sắc bén của địch. Đến đây, hay tin bọn Thăng đã kéo nhau đến đầu biên giới. Vương nhóm họp các tướng, bàn rằng :  “ Quân địch cậy mạnh lấn yếu, ỷ đông hiếp phía ít người. Ý chúng chỉ cốt chạy theo mối lợi chứ không đoái nghĩ gì đến chuyện gì khác. Chúng đi gấp suốt ngày đêm từ hàng nghìn dặm sang đây để cứu viện. Thế là đúng như Binh pháp đã nói : 'Quân đi hàng năm trăm dặm mà chỉ vội nhằm lấy lợi thì viên thượng tướng tất phải kiệt quệ !'. Bây giờ thừa cơ chúng nó mới đến, người mệt, ngựa mỏi, chúng ta với cái thế lấy sức thong thả chờ đợi quân giặc đang nhọc nhằn, đánh ngay cho đòn phủ đầu để làm bạt tinh thần của chúng thì không còn chệch đâu mà không thắng nữa ”.

Vương liền sai các tướng Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Linh , Đinh Liệt và Lê Thụ đem hơn một vạn quân và năm thớt voi trước đặt phục binh ở cửa ải Chi Lăng (15) để đợi giặc. Lại sai Lê Lý và Lê Văn An lĩnh ba vạn quân, lục tục tiến lên.

Bấy giờ Trần Lựu phòng thủ cửa Pha Luỹ, thấy giặc đến, lui giữ cửa Ải Lưu (16). Giặc tràn đến, giành lấy Ải Lưu, Trần Lựu lại lui giữ cửa ải Chi Lăng. Phía trước cửa ải này cứ cách từng quãng lại có rào luỹ để chống giữ. Liễu Thăng thừa thắng đánh gấp, phá luôn được : tiến đến đâu cũng không còn ai dám chống cự nữa. Thăng rất đắc ý.

Vương sai người đem thư đến cửa quân của Thăng, cầu xin nhà Minh làm theo cái ý  “ tiếp nối cho dòng vua một họ đã bị tuyệt diệt ” do Minh Thành Tổ (1403-1424) đề xướng trước và cho lập Trần Cao làm chủ trong nước, bãi việc binh đao, khiến dân được yên nghỉ.

Sau mấy tháng, bức thư này được trình lên vua Tuyên Tông, bản dịch nguyên văn như sau :


Ngày 28 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [16/11/1427]

Hồng lô tự tâu trình Thiên tử bức thư của Lê Lợi gửi qua quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng. Thư như sau :

Kẻ hèn này được nghe thầy Mạnh Tử dạy : Duy bậc nhân mới có thể dùng đức người trên vỗ về kẻ dưới ; kẻ trí lấy lễ người dưới để thờ người trên. Lấy đức người trên vỗ về kẻ dưới là vui với đạo trời, lấy lễ kẻ dưới thờ người trên là sợ trời.

Trước đây khi Thái tổ Hoàng đế mới lên ngôi báu, tiên Quốc vương nước An Nam là nước đầu tiên đến triều cống ; được đặc biệt khen thưởng và ban tước Vương, đời đời giữ đất, triều cống không khuyết. Từ khi Lê Quý Ly làm điều thoán nghịch, lật cả một dòng họ, trên thì lừa dối triều đình, dưới hành hạ dân khổ. Thái tông Hoàng đế hưng sư thảo phạt, một lần ra quân đều bình định, ban chiếu tìm con cháu nhà Trần để phụng thừa tổ miếu. Bấy giờ vì lâm vào cảnh độc hại của Quý Ly, con cháu họ Trần đều phiêu dạt trốn tránh nơi xa xôi, nên nhất thời không tìm ra được.

Nay con cháu họ Trần có người tên Cảo, trốn tránh tại Lão Qua đã 20 năm. Người trong nước không quên ân trạch của Tiên vương, tìm Cảo tại chốn ky lữ, muốn được Cảo kế thừa tổ tiên. Trăm vạn tấm lòng không hẹn cùng đồng lòng, do vậy bọn Lợi không dám mạo phạm uy trời với lời ngông dại, chỉ mong được ơn Thiên tử thể theo chiếu thư của Thái tông Hoàng đế với lời ghi rõ “ kế tuyệt ” khiến họ Trần đã diệt lại được phục hồi, thì chẳng riêng Cảo được hưởng đại ân, mà mọi người trong nước đều được đội ơn Thiên tử vô cùng vậy.” (Minh Thực Lục v. 17,tr. 0830-0831; Tuyên Tông q. 32, tr. 8b-9a)

Tiếp theo, Cương Mục kể thêm :

Thăng nhận thư, không mở xem, liền cho chạy trạm đem về tâu với vua Minh, còn mình thì cứ kéo quân ruổi dài thẳng tiến. Khi Thăng đến chỗ còn cách Chi Lăng vài dặm, các tướng Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh, giả cách thua chạy. Thăng hí hửng mừng, chính hắn cầm đầu hơn trăm quân kỵ xông xáo lên trước, xa lìa toán quân hậu đội, rồi hắn, vì lầm lỡ, sa xuống lầy. Phục binh của ta thình lình nổi dậy : đánh cho quân địch phải thua xiểng liểng, chém Thăng ở sườn núi Đảo Mã và hơn vạn thủ cấp quân Minh.

Đạo quân của các tướng Lê Lý vừa vặn kéo đến, hội với đạo quân của các tướng Lê Sát. Bấy giờ quân phục lại trổ sức đánh khép lại : chém Lương Minh ở vòng trận và làm cho Lý Khánh phải tự vẫn chết. Thôi Tụ và Hoàng Phúc sắp xếp lại quân đội, rảo thẳng xuống Xương Giang. Các tướng Lê Sát đón đánh : phá được địch. Bọn Tụ thu lượm số quân còn sót, gượng gạo tiến lên. Kịp khi biết tin Xương Giang đã bị phá, chúng cả sợ, phải đắp luỹ đất ở ngoài đồng để tự vệ. Vương sai quân thuỷ và quân bộ bao vây chúng. Rồi ra lệnh cho Trần Hãn cắt đứt đường vận tải lương thực của địch, các tướng Phạm Vấn, Lê Khôi và Lê Xí thống lĩnh ba nghìn quân Thiết đột đi tiếp ứng. Mặt trận quân Minh rối loạn. Quan quân chém hơn năm vạn thủ cấp địch, bắt sống bọn Tụ, Phúc và ba vạn quân Minh. Thôi Tụ không chịu khuất phục, Vương sai giết chết.

Bấy giờ Mộc Thạnh đang cầm cự với các tướng Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả ở cửa ải Lê Hoa. Vương liệu trước rằng Mộc Thạnh là tay lão luyện, tất còn phải nghe ngóng cánh quân Liễu Thăng được thua ra sao đã, chứ không chịu vội vã tiến quân một cách khinh thường. Vương bèn sai mật dặn các tướng Văn Xảo và Trịnh Khả đừng giao chiến với địch vội. Kịp khi Liễu Thăng thua trận, Vương sai đem những tì tướng nhà Minh đã bị bắt làm tù binh và những sắc thư, phù tín, ấn chương đã bắt được đưa đến chỗ quân Mộc Thạnh cho Thạnh biết. Thạnh quá kinh hãi. Quân Thạnh tự tan vỡ, lẩn chạy. Các tướng Trịnh Khả nhân đà đang sắc bén, tung quân ra đánh phá ; chém hơn vạn thủ cấp, bắt được hơn một nghìn quân địch và hơn một nghìn ngựa. Mộc Thạnh chỉ kịp một người một ngựa chạy thoát. (13)

Tuy chép theo quan điểm của kẻ địch, nhưng Minh Thực Lục cũng phải công nhận phần lớn những sử liệu nêu trên qua văn bản dưới đây :

Ngày 10 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2 [1/10/ 1427]

Ngày hôm nay quân của quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đến Ải Lưu quan ; Lê Lợi cùng các đầu mục lớn nhỏ sai người đến cửa quân dâng thư xin bãi binh để yên dân và lập con cháu họ Trần làm chủ đất này. Bọn Thăng nhận thư, không mở ra xem, sai người tâu về kinh. Lúc này những chỗ quan quân đi qua, giặc làm trại để thủ, quan quân liên tiếp công phá, đến ngay ải Trấn Di như vào chỗ không người. Ý Thăng xem thường, Thăng là người võ dõng nhưng ít mưu. Bấy giờ Tả Phó Tổng binh Bảo định bá Lương Minh, Tham tán quân sự Thượng thư Lý Khánh đều bệnh ; Lang trung bộ Lễ Sử An, Chủ sự Trần Dung nói với Khánh rằng :

Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng, có vẻ kiêu ; kiêu là điều tối kỵ của nhà binh. Vả lại bọn giặc nguỵ trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta ; huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, Ngài nên nói gấp.”

Khánh rán ngồi dậy gặp Thăng, hết sức can gián. Thăng ừ ào, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh phòng bị. Đến eo núi Đảo Mã, cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu ; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nổi lên bốn phía, Thăng bị đâm chết bằng giáo ; đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch. Lúc này Hữu Tham tướng Đô đốc Thôi Tụ thu thập quan quân, chỉnh đốn đội ngũ. Cũng ngày hôm đó Lương Minh bệnh chết, lại ngày hôm sau Lý Khánh cũng chết. Rồi đến ngày hôm sau nữa, Thôi Tụ điều quan quân tiến ; đến Xương Giang gặp giặc, quan quân ít giặc thì đông, cố gắng đánh nhưng giặc xua voi vào trợ chiến, nên quân lọan, Thôi Tụ bị bắt sống. Giặc hô lớn :

Kẻ hàng không bị giết.

Quan quân hoặc tử trận, hoặc chạy về biên giới, không một ai hàng. Lang trung Sử An, Chủ sự Trần Dung, Lý Tông Phương đều chết vào ngày hôm đó ; duy một mình Chủ sự Phan Hậu thoát trở về được.

Liễu Thăng người đất An Khánh, huyện Hoài Ninh. Cha tên là Đức, thời Hồng Vũ giữ chức Bách hộ vệ Trung Cẩn, tại Yên Sơn. Thăng thay chức, theo Thái tông Hoàng đế dẹp yên nội nạn, tham dự trên hai mươi trận đều có công, mấy lần được thăng đến chức Đô Chỉ huy Đồng tri giữ Trung Đô. Năm Vĩnh Lạc thứ 3 thăng chức Tả quân Đô đốc Thiêm sự. Năm Vĩnh Lạc thứ 4 theo Anh Quốc công Trương Phụ bình Giao Chỉ, năm thứ 6 được thăng An Viễn bá. Năm thứ 8 sung chức Phó Tổng binh hỗ tòng Thiên tử chinh phạt phía bắc, đến sông Huyền Minh đánh bại giặc, được đặc cách phong tước Phụng Thiên Tĩnh Nạn Suy Thành Tuyên Lực Vũ thần Đặc Tiến Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc An viễn hầu, hưởng lộc 1500 thạch, trấn tại Ninh Hạ. Rồi tuân chiếu chỉ về kinh, giữ chức Tổng binh đại doanh, lại hỗ tòng Thiên tử bắc chinh, tiến đến Thương Nhai, Hiệp Quỉ, sông Lực Nhi, Khánh Châu ; đều có công lao.

Nhân Tông Hoàng đế lên ngôi, được gia phong Thái tử Thái truyền, đến nay sung chức Tổng binh quan, đem quân đánh giao chỉ, tử trận. Thăng tính trực, giản, điềm tĩnh ; xử sự bình dị ; dõng cảm lúc lâm địch, thắng sinh kiêu, mà lại ít mưu lược nên đi đến chỗ thất bại.

Lương Minh người huyện Nhữ Dương, Hà Nam ; thời Hồng Vũ tập ấm chức của cha làm Bách hộ Tiền vệ Yên Sơn. Lúc Thái Tông Hoàng đế tĩnh nội nạn, theo hầu Hoàng đế Nhân Tông ở lại giữ Bắc Kinh. Bấy giờ quân địch vây thành, Minh ra sức chiến đấu, lập kỳ công mấy lần thăng đến chức Hậu quân Đô đốc Thiêm sự. Khi Hoàng đế Nhân Tông giám quốc tại Nam Kinh, Minh can tôi nhận hối lộ, bị hạ ngục. Năm Vĩnh Lạc thứ 19 được tha và phục chức rồi nhận sắc mệnh đến Quảng Đông đánh giặc Nụy. Lúc vua Nhân Tông lên ngôi, được thăng Đô đốc Đồng tri mệnh trấn Ninh Hạ ; lại được hậu thưởng về công thủ thành, được phong tước Bảo định bá, đến nay bị bệnh mất.

Minh tính rộng rãi, công việc ưa giản dị ; nhưng quả cảm, gặp giặc hăng đi trước, rành chỉ huy quân lính ; phút cuối nếu Minh không chết, Tụ không đến nỗi bị bại.

Thôi Tụ người đất Phượng-Dương, huyện Hoài Viễn. Theo vua Thái Tông bình nội nạn có công, được thăng đến chức Chỉ Huy sứ vệ Tô Châu. Năm Vĩnh Lạc thứ 8, hỗ tòng Thiên tử chinh phạt phương bắc, đánh bại giặc tại Quảng Hán, được thăng Đô Chỉ huy Thiêm sự Hà Nam. Năm Hồng Hy thứ nhất thăng Tả quân Đô đốc Thiêm sự, đến nay theo bọn Liễu Thăng đánh Giao Chỉ. Sau khi Thăng chết quân bại, Tụ thu liễm thực lực đánh tiếp, nhưng sức không đương nỗi, bị giặc bắt. Giặc ép Tụ dụ chúng hàng, Tụ không theo ; giặc dùng trăm kế để cưỡng dụ, Tụ không nghe, nên bị giết.

Lý Khánh người huyện Thuận Nghĩa, phủ Thuận Thiên. Vào thời Hồng Vũ, từ Sinh viên Quốc Tử giữ chức Đô sát viện Hữu thiêm Đô Ngự sử, sau đó được trao chức Viên ngọai lang bộ Hình, rồi thăng lên Tri phủ Thiệu Hưng. Năm Vĩnh Lạc thứ nhất chiếu ban Thị lang bộ Hình, năm thứ 5 cải sang Hữu Phó Đô Ngự sử Đô sát viện, xây dựng Bắc Kinh được thăng Thượng thư bộ Công, năm thứ 22 điều sang bộ Binh, kiêm Thái tử Thiếu bảo ; Nhân Tông Hoàng đế mệnh thị tòng yết Hiếu lăng. Khánh ước thúc, nên tùy tùng tướng sĩ không dám xâm phạm mảy may của dân. Thiên tử muốn săn bắn, mấy lần dâng thư can gián. Rồi lưu tại bộ Binh, Nam Kinh. Khi An viễn hầu Liễu Thăng chinh Giao Chỉ, mệnh Khánh tham tán quân sự, đến Quảng Tây phát bệnh, vào đất Giao Chỉ thì mất… (Minh Thực Lục q. 31, tr. 0797-0801; Tuyên Tông q. 31, tr. 2a-4a)

Thế cùng lực kiệt, không còn chỗ nương dựa, Vương Thông gấp rút điều đình với Bình Định vương Lê Lợi lập đàn tuyên thệ tại bờ sông phía nam thành Đông Quan [Hà Nội], để được rút quân về an toàn :

Ngày 26 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [12/11/1427]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Thành Sơn hầu Vương Thông tập hợp đông quân dân quan lại tại bờ sông thuộc vòng đai phòng thủ, lập đàn cùng Lê Lợi thề, ước hẹn rút quân ; sau đó ban yến tiệc, tặng hàng dệt kim tuyến, lụa nõn hoa văn hai lớp trong ngoài. Lê Lợi cũng tạ bằng bảo vật. (Minh Thực Lục q. 32, t. 0828)

Cùng với việc lập đàn thề, hai bên thoả thuận để Bình Định vương Lê Lợi đưa ra một người được gọi là tôn thất nhà Trần tên Cảo, với danh nghĩa làm quốc chúa, để thuận tiện giao thiệp với nhà Minh. Vương Thông sai viên Chỉ huy Hám Trung hướng dẫn Sứ giả mang tờ biểu của Trần Cảo gửi đến vua Tuyên Tông :

Ngày 29 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [17/11/1427]

Giặc Lê Lợi tại Giao Chỉ sai người dâng biểu cùng sản vật địa phương.

Trước đó quan Tổng binh Thành Sơn hầu Vương Thông hoà với giặc, bèn sai Chỉ huy Hám Trung cùng người của Lợi sai đi dâng biểu cùng phương vật, đến nay tới kinh. Biểu rằng :

Cháu ba đời dòng đích Quốc vương cũ Trần Hiệt thuộc nước An Nam, thần là Trần Cảo thành hoàng thành khủng, dập đầu cúi đầu dâng lời như sau :

Trước đây bị tặc thần cha con Lê Quý Ly soán đoạt ngôi vua, giết hại dòng họ đến gần hết, thần Cảo chạy trốn sang Lão Qua, mong kéo dài hơi tàn, đến nay đã 20 năm. Mới đây người trong nước được tin thần còn sống, bèn ép thần trở về, bọn chúng đều nói rằng : “ Trước đây khi Thiên binh mới dẹp xong giặc họ Lê, có chiếu chỉ tìm hỏi con cháu nhà Trần để lập làm vua, lúc đó tìm chưa được bèn đặt quận huyện. Nay muốn thần trần tình sự việc, để xin mệnh được lập.Thần tự biết tội đáng chết vạn lần, nhưng nghĩ đến ơn sinh thành của trời đất bèn kính cẩn dâng biểu lên.

Thần Cảo nghĩ rằng Nam Giao vốn là đất hải ngoại, thời Thiên triều Thái Tổ mới mở vận nước, tổ phụ thần là nước đầu tiên cho người đến triều, hàng năm nạp cống, mấy đời được phong tước vương. Mới đây giặc họ Lê chất chứa tội ác, khiến mệt nhọc Thiên binh từ xa đến thảo phạt, rồi tìm hỏi con cháu họ Trần để kế tục ; lúc này họ hàng bôn ba phiêu tán tại làng mạc nên không tìm ra được ; vì nhu cầu cai trị nhân dân, nên đặt ra châu huyện.

Nay dân địa phương vẫn nghĩ đến việc kế tục sự nghiệp tổ phụ thần, may mắn chiếu chỉ của Thiên triều cũng thường nhắc đến “ phục hưng nước bị diệt, nối lại dòng bị đứt ” ; Thần lọc máu viết lời trần tình, cầu Thiên triều thỉnh mệnh. Duy Hoàng đế Bệ hạ rộng lòng che chở như trời đất, chiếu rọi tựa mặt trời mặt trăng, như mùa xuân ban khắp bốn biển, mây bay mưa móc đượm nhuần ; nghĩ đến tổ phụ thần chết không trọn kiếp, riêng thần linh đinh cô khổ, cho thần có được nước cũ, thần Cảo há dám không khắc vào xương, ghi vào lòng, trung thành quy thuận, mãi mãi kính mệnh trời, chăm chăm với lòng thành thờ nước lớn. Bọn thần Cảo trong lòng sợ hãi ngưỡng cầu ơn Trời, Thánh.

Thiên tử đọc xong tờ biểu, bèn dụ quần thần văn võ như sau :

Trước đây khi Thái Tổ Hoàng đế mới định thiên hạ, An Nam đến triều cống trước tiên. Đến lúc tặc thần soán ngôi chúa, độc hại người trong nước, Thái Tông Văn Hoàng đế vì cớ đó phát binh diệt, rồi hỏi tìm con cháu họ Trần để lập ; tìm không được nên phải đặt quận huyện ; sau này vua cha ta [Nhân Tông] than tiếc khi nghĩ đến việc họ Trần không có người nối dõi. Mấy năm nay nước này không yên, vương sư bị mệt nhọc, Trẫm há lại vui vì việc dùng binh ư ! Nay họ Trần có người nối dõi, lời cầu xin nên chấp nhận, hay không nên ? Quần thần đều tâu : “ Lòng của Bệ hạ cũng giống như lòng của tổ tiên, vả lại xếp việc binh để yên dân, trên hợp với lòng trời, nay chấp nhận cho họ là đúng.” Vua bảo : “ Có người dùng lối chiết tự “ chỉ qua vi vũ (17) 止 戈 爲 武 ” cho rằng không dùng vũ lực không ngừng được can qua, nhưng nếu dân được yên thì Trẫm sá kể gì lời bàn đó ! ” (Minh Thực Lục q. 32, t. 0832-0834).

Lúc này vua Tuyên Tông không còn lòng dạ nào nghe theo lời bàn của phe chủ chiến, họ lập luận bằng cách dùng phép chiết tự “ Chỉ qua vi vũ ” để khuyến khích tiếp tục chiến tranh. Qua mấy lần tăng viện bị thất bại, trong đầu óc nhà vua chỉ còn ý nghĩ duy nhất là làm sao ngưng chiến, mà khỏi mất mặt. Nhân việc Trần Cảo dâng biểu văn, vua Tuyên Tông dựa vào đó, để hoạch định ngay một lộ trình [roadmap] chấm dứt chiến tranh với những nét sau đây :

- Gửi chiếu thư tha An Nam mọi tội lớn nhỏ. Sau khi Sứ giả hỏi han kỳ lão tại An Nam, xác nhận Trần Cảo là hậu duệ nhà Trần, thì sẽ phong tước.

- Đại quân của Vương Thông cùng toàn bộ quan lại, quân lính, gia nhân thuộc guồng máy cai trị Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty đều rút về.

Khổ công vạch lộ trình, vua Tuyên Tông mưu tránh tiếng bị thua phải rút quân, lại muốn lên mặt Thiên tử ban phát hoà bình cho nước ta. Thực hiện gấp việc này, nội trong ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427] nhà vua ban hành 3 chiếu dụ : Văn kiện thứ nhất để phủ dụ An Nam, văn kiện thứ hai gửi cho vua Lê Lợi, văn kiện thứ ba gửi Vương Thông :

a. Chiếu phủ dụ An Nam

Ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427]

Mệnh Tả Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ, Hữu Thị lang bộ Công La Nhữ Kính làm Chánh sứ, Hữu Thông chính thuộc ty Thông chính Hoàng Ký, Hồng Lô Tự khanh Từ Vĩnh Đạt làm Phó sứ mang chiếu phủ dụ An Nam. Chiếu thư như sau :

Đạo trời chí nhân, dựa theo sự mong muốn của con người ; vua cũng thể theo lòng trời để cai trị. Trước đây khi Thái Tổ Cao Hoàng đế mới nhận mệnh trời thống ngự Trung Hoa và các Di Địch, Quốc vương An Nam Trần Nhật Khuê đầu tiên cung thuận xưng thần, đời sau con cháu nối tiếp một lòng theo. Rồi bị tặc thần Lê Quý Ly thí vua soán đọat ngôi vị, giết họ hàng nhà Trần, độc hại người trong nước, không có chỗ tố cáo. Bấy giờ vua Thái Tổ Văn Hoàng-đế ta, mệnh tướng xuất sư thay trời thảo phạt, trừ kẻ tàn bạo, nối dòng bị đứt, bản chất thực là bực thánh nhân. Cha con Hồ Quý Ly bị bắt sống, hỏi han trong nước về con cháu nhà Trần nhưng không có tin tức ; bèn ra lệnh đặt quận huyện để cai trị. Trải qua năm tháng, quan lại cai trị thất sách khiến dân không yên, phải mệt nhọc quân lính. Trẫm là chúa thiên hạ, há nỡ để một phương chịu cảnh tệ hại, nên ngày đêm lo nghĩ làm cách nào thu xếp để được an ninh.

Nay viên Tổng binh cho người mang thư của bọn Lê Lợi đến bảo rằng con cháu nhà Trần hiện còn sót lại, lòng người nghĩ đến triều trước, vậy xin ân mệnh được thừa kế, vĩnh viễn phụng chức cống. Xem lời lẽ khẩn thiết, làm đẹp lòng Trẫm, nên ban ân mệnh để được đổi mới. Phàm các quan lại lớn nhỏ, quân dân tại Giao Chỉ, phạm tội không kể lớn nhỏ đều được tha. Về việc cháu của Vương An Nam họ Trần xưa, lệnh đầu mục kỳ lão trình bày đầy đủ sự thực, rồi sai sứ sách phong ; triều cống thì vẫn theo chế độ cũ thời Hồng Vũ. Bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông hãy điều động quan quân trở về nguyên vệ sở. Các quan lại văn võ, quân nhân các hiệu cờ, thuộc Giao Chỉ Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty, vệ, sở, phủ, châu, huyện được mang gia thuộc trở về. Trấn phủ, công sai, nội quan, nội sứ đều trở về kinh.

Y Hy ! Hưng diệt kế tuyệt thể theo lòng của tổ tiên, xếp võ yên dân thuận đức chở che của trời đất. Nay chiếu chỉ đặc cách, biểu thị tấm lòng ! Bọn Hành nhân Lý Kỳ được ban tiền giấy 5000 quan. (Minh Thực Lục q. 33, t. 0835-836)


2. Sắc dụ Ðầu mục Giao chỉ Lê Lợi :

Ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427]

Sắc dụ bọn Đầu mục Giao Chỉ Lê Lợi : Trước đây tại thời vua Thái Tổ Cao Hoàng đế nước ta mới thống ngự xã tắc, An Nam là nước đầu tiên đến quy thuận, kính cẩn giữ tiết bề tôi, trước sau không trái. Đến lúc tặc thần cha con Lê Quí Ly soán thí chúa, giết cả họ Trần, tàn độc với người trong nước, xâm hại lân cảnh ; vua Thái Tông Văn Hoàng đế nước ta thể theo lòng trời mang quân điếu phạt, vì muốn trừ tàn bạo, nối dòng bị đứt để yên ổn một phương. Tội nhân đã bắt được, nhưng bỏ thời gian lâu tìm kiếm con cháu họ Trần thì không gặp, bèn ra lệnh chia đất này thành quận huyện, đặt quan lại để cai trị. Ngày tháng lâu dài, quan lại cai trị hiền ác không đều, nên dân chúng không yên, lại phải mệt nhọc đến quân lính, trải qua năm này đến năm khác, việc binh giáp không chấm dứt được.

Trẫm cho rằng dân trong bốn biển đều là con đỏ (18) của ta, làm cha mẹ há để một phương bị chìm đắm, nên ngày đêm lo tính sự yên ổn. Nay viên Tổng binh tâu việc thư từ của ngươi trình rằng con cháu họ Trần An Nam xưa vẫn còn, xin thể theo mệnh của Thái Tông Văn Hoàng-đế “ nối dòng bị đứt ”; lời lẽ khẩn khoản, hợp với lòng Trẫm. Phàm đạo của bậc Đế Vương thuận theo dân để trị, lời nói có lợi cho dân tất nghe theo ; đã hạ chiếu đại xá Giao Chỉ, mọi việc đều được đổi mới. Lệnh Đầu mục, kỳ lão tâu trình đầy đủ rõ ràng việc con cháu nhà Trần vẫn còn, để sai sứ sang sách phong. Nay sai bọn Thị lang Lý Kỳ mang sắc dụ ngươi, từ nay trở đi nên yên dân, giữ gìn biên cảnh, thể theo lòng kính trời thương người của Trẫm. Khâm tai ! (Minh Thực Lục q. 33, t. 836-838)


3. Sắc dụ bọn quan Tổng binh Thành-Sơn hầu Vương Thông

Ngày 1 tháng 11 năm Tuyên Đức thứ 2 [19/11/1427]

Sai Đô Chỉ huy Trương Khải, Chỉ huy Thiêm sự Điền Khoan mang sắc dụ bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu Vương Thông, Hữu Tham tướng Đô đốc Mã Ánh rằng : “ Nhân quan Tổng binh An Viễn hầu Liễu Thăng tiến đến An Nam, nên nhận được thư của bọn Đầu mục Lê Lợi, cùng cháu đích tôn của Vương An Nam trước là Trần Cảo khẩn khoản xin phục hồi họ Trần để nối dõi, lời thiết tha hợp với lòng Trẫm. Trẫm là chúa thiên hạ, đều muốn cho dân trong bốn biển vạn nước được an cư lạc nghiệp, há nỡ để cho Giao Chỉ riêng chịu cảnh tệ hại. Gần đây dân nước này không yên, cũng do quan lại cai trị sai, ngược đãi ; xét về bản tâm cũng có chỗ đáng thương. Nay đều chấp nhận theo lời xin, đặc biệt ban chiếu xá tội cùng canh tân. Sắc đến, bọn ngươi hãy suất lãnh quan quân cùng mọi người trở về.” (Minh Thực Lục q. 33, t. 837-838)

Chú thích


1. Cương Mục, Sđd, trang 374.

2. Núi đất : tức Thổ sơn, quân đánh thành thường đắp ụ đất cao gọi là thổ sơn, để quan sát trong thành, cùng đặt súng lớn bắn vào.

3. Pha Luỹ : tức ải Nam Quan.

4. Cương Mục, Sđd, trang 378-379.

5. Cương Mục, sđd, trang 377.

6. Mi Động : Tên xã. Nay là Hoàng Mai thuộc huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội.

7. Cương Mục, Sđd, trang 378.

8. Nam Ninh :hiện nay Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vị trí cách ngã ba các sông Tả Giang, Hữu Giang khoảng trên 10 km.

9. Phủ Thái Bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam ; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.

10. Cương Mục, sđd, trang 382.

11. Các nị : Chúng mày.

12. Cương Mục, sđd, trang 278.

13. Cương Mục, sđd, trang 382-384.

14. Ðồng ruộng sạch quang : tức tiêu thổ kháng chiến.

15. Chi Lăng : thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

16. Ải Lưu : là cửa ài trên đường từ Khâu Ôn đến Chi Lăng ; nay thuộc giáp giới xã Nhân Lý và Sao Mai huyện Chi Lăng ngày nay.

17. Câu này lấy từ điển “ Chỉ qua vi vũ 止 戈 爲 武 ” Hán Thư giảng như sau : Thánh nhân dùng vũ lực để cấm bạo loạn, ngừng can qua ; do đó chữ vũ được cấu tạo theo phép hội ý gồm chữ chỉ và qua gộp lại.

18. Con đỏ tức “ xích tử ”, chữ vua dùng chỉ dân chúng.

Năm Mậu Thân [1428]


Cho dù cố gắng vớt vát phần đuôi, nhưng thời cuộc vẫn dửng dưng tiến theo xu thế tất nhiên, không thuận theo lòng vua Tuyên Tông xếp đặt. Sau khi hội thề, Vương Thông sợ bị vua Lê Lợi đổi ý thì tính mệnh y khó vẹn toàn, bèn vội vã mang quân về nước, không kịp chờ lệnh của triều đình.

Về đến nơi an toàn, đóng quân tại Nam Ninh, Quảng Tây ; bấy giờ Vương Thông mới sai người dâng lời tâu nhắm trần tình gỡ tội :

Ngày 7 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [21/2/1428]

Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông sai người đến tâu rằng :

Năm ngoái Lê Lợi tấn công và vây [thành] Giao Chỉ, Thần mang quân đánh, mấy lần thắng, chém bọn Tư đồ nguỵ Lê Chích, bắt sống bọn Tư không nguỵ Đinh Lễ, cùng đuổi hàng vạn giặc đến sông Phú Lương, chết trôi nhiều không kể xiết, giặc sợ không dám đánh tiếp. Gần đây Lê Lợi tập trung dân bản xứ, tự phong nguỵ Vương để làm vững lòng dân chúng, bất ngờ mang đại quân vượt sông xâm lược. Bọn thần mong đại quân đến tăng viện gấp, lại nghe An viễn hầu Liễu Thăng đến quan ải Trấn Di tử trận, Bảo định bá Lương Minh, Thượng thư Lý Khánh đều bị bệnh chết, Đô đốc Thôi Tụ mang quân tới Xương Giang thì bị giặc tập kích, Kiềm quốc công, Tân ninh bá đến châu Quy Hoá bị giặc ngăn trở không tiến được.

Thần đôn đốc ngày đêm công kích, Lê Lợi sợ triều đình lại mang đại quân đến đánh bắt, bèn sai người đưa thư xin hàng, đem đầu mục lớn nhỏ đến cửa quân chịu tội, cùng nguỵ Vương Trần Cảo sai người dâng biểu trần tình tạ tội, cống người vàng, người bạc thay thân. Lại tiễn Đô đốc Thái Phúc, Đô chỉ huy Lỗ Tăng đưa 13.391 người cùng 1.200 lừa ngựa về kinh trước xin toàn bộ ban sư ; kế tiếp lại sai con cháu đến cửa quân nạp lễ xin qui thuận triều đình.

Thần trộm nghĩ phụng mệnh diệt giặc, đáng dốc lòng trung thành liều chết để đợi viện binh, nhưng trong thành quân ít, lòng người kinh sợ, chí không vững ; bọn giặc lại điên cuồng giảo hoạt hơn trước, các đường thuỷ bộ quan trọng đều bị chúng chiếm, cho dù có viện binh cũng khó đến ngay được. Nếu thành trì bị hãm, không khỏi phải hưng binh một lần nữa ; vì một góc đất mà mệt nhọc nhiều người trong thiên hạ, khiến đấng quân phụ phải lo, không hợp với lòng trung thành của kẻ thần tử. Thần và chúng [quan] bàn rằng nhân cơ hội này, chỉnh đốn quân lữ, vượt trở về đất sống rồi tái mưu đồ hậu sự. Thần đã đốc suất các nha lại trực thuộc Giao Chỉ cùng quan quân trở về Nam Ninh, Quảng Tây để phục mệnh, và trông đợi Hoàng thượng xét Trần Cảo có đúng danh nghĩa con cháu nhà Trần không ; sai sứ qua lại xem xét, nếu có sự giả mạo, xin lượng cho thêm quân mã thuỷ bộ chia đường cùng tiến thảo ; nếu còn một lần nữa không có hiệu quả, bọn thần xin chịu tru lục. Kính cẩn phủ phục đợi mệnh.

Thiên tử xem tờ tấu, nói với thị thần rằng : “ Quan Tổng binh ở ngoài tự tiện liên lạc với giặc, không đợi mệnh lệnh của triều đình mang quân trở về, không còn theo lễ của bề tôi nữa ! ” (Minh Thực Lục q. 36 t. 0897-0899)

Mấy ngày sau đó, vua Tuyên Tông gửi sắc dụ đòi bọn Vương Thông trở về kinh đô. Tức giận trút trên đầu kẻ dưới, nhà vua không còn úp mở, bộc bạch rõ về kế hoạch của mình đã bị Vương Thông vì tham sống sợ chết muốn giữ an toàn cho bản thân mà làm hỏng, để rước lấy nỗi nhục nhã bị người nước “ man di ” chê cười :

Ngày 10 tháng 2 năm Tuyên Đức thứ 3 [24/2/1428]

Sắc dụ Thành sơn hầu Vương Thông, Đô đốc Mã Ánh. Nhận tờ tấu của các ngươi, được biết quan quân đã về tới Nam Ninh, Quảng Tây. Trước đây nghe tin An viễn hầu Liễu Thăng, Đô đốc Thôi Tụ bị bại ; Trẫm cho rằng các ngươi sẽ đem hết dạ trung thành, tiếp tục chiến đấu không ngừng. Nghĩ rằng sinh linh có tội tình gì mà gan óc phải phơi bày nơi đất cát, nên muốn tìm kế vẹn toàn, vốn là ý nguyện của Trẫm.

Mới đây nhận tờ biểu của Trần Cảo, cùng thư của Lê Lợi gửi quan Tổng binh xin lập hậu duệ họ Trần, lời lẽ phù hợp lòng Trẫm, nên sai bọn Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ mang chiếu xá tội quân dân quan viên Giao Chỉ, lệnh con cháu nhà Trần đến trình bày sự thực để sai sứ sắc phong ; lại sắc dụ các ngươi suất lãnh quan quân, cùng Trấn thủ, Nội quan, quan lại thuộc tam ty (1) trở về. Làm việc này chứng tỏ rằng không phải vì bọn giặc cường ngạnh đại binh không tiêu diệt được, mà chỉ vì không nỡ để con đỏ bị lầm than quá lâu.

Các ngươi đáng nên giữ vững thành trì để đợi mệnh lệnh của Trẫm, cớ sao thông đồng với giặc, bỏ thành trở về nước. Các ngươi lo gấp kế bảo toàn cho bản thân, còn về quốc thể thì sao ; lại thất lễ vua tôi, há không bị bọn man di chê cười hay sao ! Khi sắc tới, phải đưa quân lính mang về, cùng quân rã ngũ bị Lê Lợi tống về, cho trở về nguyên vệ, sở ; lại sắc Nội quan Sơn Thọ, Mã Kỳ, cùng Thông tới kinh. (Minh Thực Lục q. 36, t. 0900)

Riêng đối với Bình định vương Lê Lợi thì vua Tuyên Tông cũng chẳng làm gì hơn được. Tuy tỏ lòng giận dữ kết tội nhà vua “ nghị hoà riêng với Vương Thông để chiếm thành trì, tiếm quyền vô lễ không phải chỉ có một chuyện ” nhưng cũng đành nuốt hận tiếp tục “ khoan hồng ” cho xong việc, để tìm cách mang về hết số quân lính và khí giới đang còn bị kẹt lại :

Ngày 1 tháng 4 năm Tuyên Đức thứ 3 [21/2/1428]

Giao Chỉ sai Đầu mục Lê Thiếu Dĩnh từ giã trước bệ rồng ; ban cho áo văn ỷ, sa, cùng sắc dụ Đầu mục Lê Lợi rằng :

Tháng 10 năm ngoái trong quân gửi đến thư trần tình cùng biểu văn của các ngươi xin lập con cháu họ Trần. Trẫm thể theo lòng hiếu sinh của trời đất, cùng ý lúc khởi đầu của Thái Tông Văn Hoàng đế, thuận theo lời thỉnh. Đặc cách sai bọn Thị lang bộ Lễ Lý Kỳ mang chiếu thư đại xá Giao Chỉ ; lệnh cho ngươi, cùng các Đầu mục, kỳ lão trong nước trình bày đầy đủ sự thực về cháu đích tôn họ Trần.

Đáng ra các ngươi phải kính cẩn đợi mệnh của triều đình, nhưng lại ôm lòng xảo trá nghị hoà riêng với bọn Vương Thông, dụ rút quan quân để vào chiếm thành trì, tiếm quyền vô lễ không phải chỉ một chuyện. Tuy hiện nay ngươi dâng lời xin tạ tội, nhưng các quan văn võ quần thần hợp tấu rằng tội ngươi không thể tha được. Trẫm đã ban ân mệnh cho ngươi, nay vẫn giữ sự khoan hồng, nhưng việc làm sau này phải hợp lòng dân, ngươi không thể tự chuyên được. Khi sắc tới ngươi phải cùng với kỳ lão Giao Chỉ trình bày đầy đủ sự thực về cháu đích tôn họ Trần, đợi tâu lên, để căn cứ vào đó mà ban chiếu sách phong. Ngươi phải đem những người còn bị câu lưu cùng binh khí về kinh, để một phương được an định. Tấu chương của quần thần (4) cũng được giao cho Lê Thiếu Dĩnh đưa cho ngươi để ngươi hiểu rõ. (Minh Thực Lục q. 41, t. 993)

Chú thích

1.Tam ty: gồm Đô Chỉ huy sứ ty, Bố chánh ty, Án sát ty.

2. Lời tâu của quần thần nhà Minh về cách đối xử với vua Lê Lợi. Ý vua nhà Minh muốn dùng thêm lời quần thần để gây áp lực.


Kết Luận

Trên 20 năm đấu tranh không ngưng nghỉ, dòng lịch sử khởi đầu tựa những khe suối, nguồn lạch trong rừng, trải qua ghềnh thác cheo leo, biết bao sinh mệnh nổi trôi hy sinh nơi vực sâu triền đá, cuối cùng biến thành sông lớn êm đềm, toả ra muôn ngàn sức sống. Hàng trăm cuộc nổi dậy từng dấy lên, ví như ánh đèn, đuốc, lửa thuyền chài le lói trong đêm trường ; để rồi mặt trời mọc, đèn đuốc tự nhiên tắt dần, hoà nhập với ánh bình minh của dân tộc. Còn địa vị thì phải xứng đáng với công nghiệp ; dù nhất thời phải dùng Trần Cảo để tiện giao thiệp với nhà Minh, nhưng rồi tất nhiên người áo vải đất Lam Sơn, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua.

Ðất nước chẳng những độc lập thống nhất ; mà dư oai của cuộc chiến thắng oai hùng, khiến nước ta lấy lại được Ninh Viễn, Lộc Châu, tức phần đất thuộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên và một phần Lạng Sơn ngày nay, trước đó đã bị mất dưới thời nhà Hồ :


Ngày 4 tháng 7 năm Thiên Thuận thứ 8 [6/8/1464]

Đầu mục châu Ninh Viễn Thứ Mãnh Thứ Tiễn dẫn thổ dân Di trắng chân đen [Thái Trắng] đến cướp phá vùng La Mai thuộc phủ Lâm An, Vân Nam ; viên Tri phủ Chu Anh giấu việc này không trình. Rồi có một số hơn 80 người gồm cả trai gái thuộc trại Ha tại An Nam đến theo ; y trưng công việc này và che giấu lỗi cũ. Bọn quan Tổng binh Đô đốc Đồng tri Mộc Toản tâu lên. Đô sát viện xin Tuần Án Ngự sử bắt điều tra. Châu Ninh Viễn vốn là đất của Trung Quốc (1), hồi đầu triều [Minh] thuộc ty Bố chánh Vân Nam ; năm đầu Tuyên Đức Lê Lợi làm phản, triều đình cho lại đất cũ. Chúng bèn chiếm cả châu Ninh Viễn và Lộc Châu thuộc phủ Thái Bình, Quảng Tây ; lúc bấy giờ cơ quan hữu trách không kiểm soát, nên nay bị mất vào tay người Di (2). (Minh Thực Lục v. 39, t. 163-164; Hiến Tông q. 7, t.1a-1b)

HỒ BẠCH THẢO



Chú thích

1. Do Hồ Quí Ly bị áp lực, nhường cho Trung Quốc. Xin xem thêm Việt Sử Tư Liệu Lời Bàn, bài số 27, trang 350, Vua Lê Lợi lấy lại được phần đất bị mất bởi triều đại trước, tác gỉả Hồ Bạch Thảo.

2. Di : người Trung Quốc kỳ thị gọi lân bang bốn phương là tứ Di, tại bài này chỉ Việt Nam.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss