Cuộc di tản kiều dân Hàn Quốc tại Việt Nam 1975
Cuộc di tản kiều dân Hàn Quốc
tại Việt Nam 1975
Đỗ Kh.
Tôi đã thuật lại cuộc di tản của 1300 kiều dân Hàn Quốc cùng với một số người Việt năm 1975 trong các bài viết trước đây, Ngày 30 tháng 4 của tôi (Talawas) và Cô y tá ở trại tỵ nạn Phú Sơn (Diễn Đàn). Đây là một cái nhìn riêng và hạn hẹp của một nhân chứng, viết lại vài mươi năm sau và hoàn toàn trung thực về mặt… chủ quan. Mãi đến tháng 4.2017 người viết mới tò mò lục lạo được một số tài liệu bằng Hàn ngữ liên quan đến sự kiện. So với chiến dịch « Frequent Wind » của Hoa Kỳ vào cùng thời điểm, di tản 8 000 người bằng trực thăng phần phật và so với 140 000 người ra đi ngày ấy bằng đủ mọi phương tiện thì cuộc hành quân « Quyết định » (hay « Mấu chốt », Sipsajeong) của Nam Hàn rất là khiêm tốn. Các công văn Hàn Quốc thời ấy cũng chỉ mới được giải mật và công bố năm 2016. Nhầm lẫn lớn nhất của tôi là cho rằng tổng số được tàu di tản có 800 người, trong khi tổng số này là 1 300 hơn. Việc sai lệch này cũng không thay đổi gì câu chuyện như đã kể.
Các tài liệu liên quan đến sự kiện là bằng Hàn ngữ. Xin cám ơn Alexa Kim đã giúp đỡ về mặt này. Khi tìm được tên Hán-Hàn (Hanja) của các nhân vật (thí dụ, bà Park Geun-hye là Phác Cẩn Huệ), cảm tạ bạn Hồ Như Ý đã phiên hộ sang Hán-Việt.
*
Ngày 22.4.1975 dương vận hạm LST 810 (Kaebong - Kê Phong) cùng với LST 815 (Bukhan - Bắc Hán) của hải quân Hàn Quốc cặp bến Tân Cảng, mang thực phẩm và hàng cứu trợ sang Việt Nam. Dự án ban đầu khi rời cảng Phú Sơn (Busan) ngày 8.4 là cặp bến Đà Nẵng nhưng Đà Nẵng đã thất thủ ngày 29 tháng 3. Ngày 19.4, tàu chuyển hướng sang Nha Trang thì các đơn vị miền Nam đã triệt thoái khỏi thành phố này từ 2.4, nên hạm đội 2 tàu này của Hàn Quốc trực chỉ Sàigòn [1]. Chỉ huy tàu 810 là trung tá Park Inseok (Phác Lân Tích), 39 tuổi, tốt nghiệp khóa 14 Hải quân, và từ khi nắm tàu, chưa hề đi quá đảo Tế Châu (Jeju) ở Nam Hàn.
Ngoài khơi, tàu LST 810 đã gặp 2 sự cố, máy hỏng phải khắc phục và khi đến hải phận Việt Nam, chuẩn bị các pháo tháp thì có tiếng nổ, 1 pháo thủ bị thương nặng và hạm trưởng đẫm máu. Thủy thủ này bị thương hạ bộ nhưng hạm trưởng đứng cạnh chỉ vấy máu của anh nhưng không hề hấn gì. Lý do là đạn 40 mm bị kẹt và nổ trong nòng trúng 2 bi (lắc lư) của xạ thủ kém may mắn.
21.4, LST 810 đến cửa Vũng Tàu và gặp 1 số dương vận hạm LST của hải quân Đài Loan đứng đợi. Tàu Đài Loan không vào vì sợ bị kẹt lại và tắt hết đèn đóm tối om như tàu ma. Năm 1975, 2 đồng minh thân thiết nhất của chế độ miền Nam là Nam Hàn và Đài Loan, cùng một hoàn cảnh chia cắt và cùng là tuyến đầu của « Thế giới Tự do » trong khu vực. Cả hai quốc gia này đều có thù địch gián tiếp tại Việt Nam là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên nên họ ngại, ngại phía miền Bắc Việt Nam thì ít nhưng ngại người anh em máu mủ của họ mới là nhiều. Việc tàu hải quân của họ bị kẹt lại và đem giao cho các nước trên cùng với thủy thủ đoàn là chuyện họ không muốn phải xảy ra. Cảnh tối lửa tắt đèn này của đồng minh cùng một hoàn cảnh gây ấn tượng mạnh cho trung tá Park. Lúc đó, trạm hải đăng ngoài cửa biển và các trạm kiểm soát đường sông của Việt Nam Cộng Hòa không còn hoạt động, nên dấn tàu vào lấy tàu ra 80 km quanh co này là 1 cuộc phiêu lưu. Sau khi Bộ tư lịnh Hải quân tại Kê Long (Gyeryong) bàn cãi đôi co với đại sứ tại Việt Nam, Hàn Quốc quyết định mang 2 chiếc LST 810 và 815 vào Tân Cảng như dự tính.
Chuyến đi này khiến trung tá Park hụt sinh nhật của một trong ba cô con gái và vì là "tay mơ" tại chiến trường Việt Nam nên ông rất hồi hộp. Hạm trưởng tàu LST 815 đi cùng và các sĩ quan bộ tư lịnh hạm đội Hàn Quốc thì đều từng phục vụ và tham chiến tại Việt Nam trước đây. Riêng trung tá Park năm 1960 có đến thăm Việt Nam 1 tháng và có kỷ niệm đẹp, kiểu, ừ thì, thiếu nữ áo dài trên bến khi hoàng hôn xuống. Ông không biết kỳ này có gặp lại 1 công dân Hàn ông quen ngày ấy và định cư tại Việt Nam từ thập niên 50. Đây là những điều duy nhất ông nhớ và biết về đất nước này.
Các tàu hàng cứu trợ của Hàn Quốc được công nhân Việt Nam bốc dỡ rất chậm chạp khiến trung tá Park nghi ngờ là có tính phá hoại bởi cộng sản nằm vùng tại Tân Cảng. Chuyện này chưa chắc là như vậy, hay chỉ thể hiện tinh thần ngờ vực của giới chức và quân đội Nam Hàn vào dạo ấy, đâu cũng thấy bàn tay cộng sản. Ngay tổng thống Park Chung Hee (Phác Chính Hy) lúc còn mang quân hàm đại úy cũng bị kết tội cộng sản và phải bỏ ngũ trốn, may nhờ một bà vợ che chở nên thoát nạn để có ngày trở thành tướng lãnh quân phiệt độc tài ! Biết đâu công nhân Việt Nam chỉ vì trời oi bức vào tháng 4 mà ngồi đó quạt cho đỡ nóng và đợi phía Hàn Quốc mang bia đến cho uống thì mới có sức dỡ hàng ?
Nhưng Hàn Quốc nôn nóng vì một lý do họ giữ kín. Sứ quán đã quyết định dùng 2 tàu này để hồi hương Hàn kiều [2] nên cần mấy cha gỡ hàng cho nhanh. Tình hình lúc đó lại lơ lửng, nước thì đến chân rồi nhưng muốn nhảy vẫn chưa được. Thành phần Hàn kiều và gia đình rời Việt Nam vẫn cần phải có visa xuất cảnh cho từng cá nhân do chính quyền miền Nam cấp và phía giới chức Việt Nam Cộng Hòa không hợp tác. Một bên, Việt Nam Cộng Hòa thổi kèn đánh trống trao huy chương cứu trợ tỵ nạn cho các sĩ quan hải quân Hàn Quốc nhưng một bên họ làm khó, đòi nếu muốn di tản kiều dân Hàn thì tàu phải nhận 500 người Việt do phía Việt Nam Cộng Hòa chọn lọc. Đây là 1 hình thức tống tiền và đại sứ Hàn Quốc đành chấp nhận. Nói thêm, ở quan điểm của trung tá Park như năm 2013 ông thuật lại cho tờ Chosun Nhật báo, thì phía Việt Nam đối với ông là phía…Việt Nam, tức chỉ là một. Nhưng Bộ Xã hội Tỵ nạn Việt Nam có thể thành thật tuyên dương mà Bộ Nội vụ Việt Nam vẫn có thể, cũng thành thật không kém mà vòi tiền hay vụ lợi. Phần công nhân cảng Việt Nam, thì chẳng cần cộng sản (Việt Nam) xui khiến vẫn có thể thành thật mà…lười.
Thủy thủ đoàn Hàn Quốc phải săn tay áo xông vào gỡ hàng xuống cho xong. Hạm trưởng Park theo dõi số hàng này thì thấy được chở thẳng ra chợ trời để bán chứ còn đợi gì nữa. Chuyện này cho thấy mâu thuẫn giữa công nhân dỡ hàng và cơ quan nhận cứu trợ, hẳn nếu bán ngay mà chia cho họ thì họ đã mau mắn, và việc họ nhác có thể là gây áp lực với giới chức nhận hàng và không chia chác chứ không phải là với tàu Hàn Quốc ! Mặt khác, các tàu rời bến phải có dầu và nước ngọt thì Tân Cảng không chịu cung cấp cho đến khi thành phần sĩ quan cảng nhận được quà ! Phải nói, đây chắc chẳng phải là âm mưu gì hết của Việt Nam Cộng Hòa : bộ phận dỡ hàng dỡ chậm chắc là vì Hàn Quốc chậm hiểu, không có quà thì dỡ từ từ. Dỡ xong thì bộ phận nhận hàng mang đi bán ngay. Bộ Xã hội Tỵ nạn thì trao huy chương, vì họ là thành phần nhận hàng và mang ra bán ngoài chợ thì phải cảm tạ chứ – gamsahamida rối rít – nhưng chức sắc thủ tục visa của Bộ Nội vụ hay Bộ Ngoại giao thì nhân dịp này làm khó dễ để gửi chui các gia đình của họ hay các gia đình đóng tiền cho đường dây. Còn bộ phận dầu nước của cảng thì không có nhân sâm giúp trí nhớ phục hồi thì dầu nước ở đâu họ tìm không ra !
Ngày 26, phần Bộ tư lịnh hải quân Việt Nam thì không cho phép tàu Hàn Quốc rời bến, còn dọa bắn nếu trái lệnh [3]! Khi đêm 26.4, LST 810 theo sông Sàigòn ra biển, soái hạm LST 815 đi trước (lúc trời còn sáng) ra lệnh phải bật đèn nhưng trung tá Park bất tuân vì sợ máy bay « địch » (Việt Nam Cộng Hòa) oanh tạc. Ông kể lại toát mồ hôi phải thay đồ lót đến 3 bận vì ướt sũng. Đây là hải quân nhé, chứ bộ binh thì chắc ướt cũng chỉ thay một lần đồ lót thôi mang được trong ba-lô, còn không quân thì ngồi cứng trên ghế lái, có ướt quần đùi cũng khỏi thay luôn.
Chuyện tắt đèn tối om này tôi xác minh, vì lúc đó nằm trên boong cạnh mấy anh Thủy quân Lục chiến đang ghìm súng nhìn bờ. Đại tá Kwon Sang Ho (Quyền Thượng Hổ), chỉ huy hạm đội, ra lệnh bật đèn là để cho phía Việt Nam (bên này hay bên kia) thấy rõ là mày có muốn bắn thì cứ bắn vào đồng bào của mày đây ! Trung tá Park bất tuân vì ông không sợ du kích bên bờ Soài Rạp mà bị ám ảnh bởi phi pháo, tức là phía không lực miền Nam [4]. May mà cả chuyến hải hành đêm này không thấy có tàu nào bay qua bay lại chứ không ông đã không còn đến bộ đồ lót thứ 4 để mà thay. Tuy nhiên, kết quả là phía Hàn Quốc đâm ra ngại cả quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sáng ngày 30.4, khi LST 810 rời cảng Phú Quốc, các tiểu đĩnh của miền Nam bám theo ra hiệu ơi ới dạng kêu cứu, thì hạm trưởng Park lên áo phao tác chiến và súng ngắn đường đường. Chẳng hiểu có thay đồ lót mới khô hay không, nhưng ông phát biểu với quần chúng là « Bà con chớ lo, tôi còn sống thì không ai lên tàu này được ». Súng ống trên tàu lăm lăm chĩa xuống khiến các tiểu đĩnh miền Nam phải tiếc nuối rẽ ra. Có lẽ ông nghĩ là họ muốn chặn đường triệt thoái của tàu chứ không phải là họ chỉ muốn xin quá giang. Phần tôi, thấy rõ là có cả đàn bà con nít, mặt mày lính tráng thì xám xịt âu lo và hiểu là họ muốn xin lên tàu lớn để tỵ nạn chứ chẳng hăm dọa ai hết, hay vào giờ đó lại còn thi hành lệnh của một vị phó đề đốc Việt Nam nào ! Đây là khác biệt giữa hai văn hóa của hai quân đội nên mới có hiểu lầm này. Hàn Quốc, trong tình huống tương tự, nếu đã nói « Đi là bắn », thì chắc đã bắn thật vì họ không biết đùa như ta.
Từ 1.4, sứ quán đã ba bận thông báo kiều dân và và năn nỉ họ ra đi bằng tàu nhưng một số không chịu di tản, vì nghĩ là chẳng sao, không muốn bỏ công việc nhà cửa hay thân nhân còn kẹt ở các tỉnh miền Trung. Tại Hán Thành, chính quyền muốn tàu sau khi dỡ hàng ra ngay Vũng Tàu để đợi kiều dân. Nhưng đại sứ Kim Yung Gwan (Kim Vinh Khoan) cãi lệnh trên, ông quyết định giữ tàu lại Tân Cảng vì đưa kiều dân ra Vũng Tàu là chuyện không thể tổ chức an toàn được vào lúc đó. Sứ quán Hàn Quốc không có phương tiện, phải nhờ đến Hoa Kỳ mà Hoa Kỳ những ngày đó thì lắm việc phải lo. Ngay xe buýt chở kiều dân từ đại sứ quán ra đến Tân Cảng cũng là việc phải mượn Mỹ. Quyết định của ông đúng đắn vì chiều ngày 26, quân đội miền Bắc đã tấn công Phước Tuy và cắt đường quốc lộ từ Sàigòn ra Vũng Tàu.
Như vậy, ngày 26.04, số người Việt lên tàu không chính đáng, tức là không phải kiều dân hay thân nhân Hàn Quốc có 2 loại. Loại được sứ quán Hàn Quốc gia ân cho đi chui (như gia đình tôi), và loại Hàn Quốc bị áp lực của giới chức Việt Nam Cộng Hòa bắt phải cho đi chui nhờ. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Cộng Hòa, ông Kim, là người mới nhậm chức có vài tháng. Văn phòng luật sư của bố tôi là đại diện tư pháp cho sứ quán Hàn Quốc nên với các đại sứ đều có quan hệ xã giao và ông này bố tôi chỉ gặp trước đây có một bận ăn uống chào hỏi chứ không qua lại nhiều như các đại sứ tiền nhiệm. Việc ông Kim gia ân làm giấy tờ giả cho chúng tôi là một điều đáng kể, có lẽ nhờ gửi gấm của các vị trước và một ông bạn đại sứ cũ thân tình với bố tôi giờ về nước làm giám đốc vụ châu Á của Bộ Ngoại giao.
Tổng số này là 1 300 người lên tàu LST 810. Bộ Xã hội và Tỵ nạn Việt Nam Cộng Hòa nhờ mang thêm trên 1 000 người tỵ nạn từ miền Trung đến Phú Quốc nhưng đây là chuyện chính đáng, không phải dấm dúi làm áp lực nhờ quá giang chui. Đây là việc của soái hạm LST 815 (chuyên chở bộ chỉ huy hạm đội) do trung tá Lee Yon Do (Lý Xung Đạo) làm hạm trưởng và bốc họ từ cảng căn cứ Cát Lái [5]. Số tỵ nạn miền Trung này xuống Phú Quốc ngày 29 và đêm 30.4 ngoài khơi Biển Đông, tàu 810 sớt ½ số hành khách sang 815 cho cân. Việc san sẻ làm đôi này phải xảy ra trên biển thay vì trên bến vì sáng ngày 30.4 cả 2 tàu phải đột ngột rời bến vì tình hình ở Sàigòn.
Trở lại ngày 22.4 khi 2 dương vận hạm Hàn Quốc mới đến Sàigòn thì đại sứ Kim vẫn còn phải đối phó về mặt ngoại giao. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn đó và luật pháp Việt Nam Cộng Hòa vẫn có đó. Trên danh nghĩa là 2 tàu này mang hàng cứu trợ và Việt Nam Cộng Hòa đón tiếp, trao huy chương rùm beng “Giờ phút khó, có Đại Hàn”. Dùng 2 tàu này để di tản kiều dân của họ với Hàn Quốc vào lúc đó là 1 điều tế nhị, “Mày chết đến nơi rồi, tao chạy thôi”, sau khi trao vội cho bao mì gói. Nội bộ Hàn Quốc lại căng thẳng, Bộ tư lịnh Hải quân muốn tàu rút ra Vũng Tàu đợi, tổng thống Phác Chính Hy không muốn bằng bất cứ giá nào binh sĩ Nam Hàn kẹt lại và được trao trả cho Bắc Triều Tiên. Trên nguyên tắc, sứ quán Hoa Kỳ đã nhận di tản công dân Hàn kiều tại Việt Nam nhưng đại sứ Kim nghĩ rằng tự lo lấy thân vẫn hơn là ỷ lại vào Mỹ. Sứ quán thôi thúc kiều dân Hàn là đi ngay và đi tàu thủy chứ đợi máy bay là muốn tự sát đấy ! Trước khi nhậm chức đại sứ tại Việt Nam Cộng Hòa (1974), ông Kim từng là đô đốc tham mưu trưởng (tức là tư lịnh) của hải quân Nam Hàn (1966-1969), tướng 4 sao đầu tiên (1969) của binh chủng, nên tiếng nói của ông vẫn còn được Bộ tư lịnh Hải quân nể nang khi ông trái lệnh và giữ tàu lại ở Tân Cảng. Rốt cuộc, chính quyền Đại Hàn cho ông toàn quyền quyết định.
Phía Việt Nam Cộng Hòa, đại sứ Kim lại gặp những khó khăn khác. Theo
thủ tục bấy giờ, như đã nói, công dân Nam Hàn rời Việt Nam phải có
chiếu khán xuất (exit visa) cho từng người. Sứ quán Hàn Quốc phải trình
hồ sơ cho phía Việt Nam Cộng Hòa giải quyết. Tuy Sàigòn chưa loạn nhưng
ngày 21.4 tuyến Xuân Lộc đã vỡ và thành phần quan chức hay của cải của
miền Nam đã lo xa di tản, chí ít là lo cho gia đình, vợ con họ, ra nước
ngoài. Gia đình tôi trước đó đã hụt chuyến “cướp” máy bay Air Vietnam
sang Singapore do nhóm các cựu tổng trưởng Phạm Kim Ngọc, Nguyễn Ngọc
Linh tổ chức. Đây là một chuyến bay định kỳ và hợp pháp, toàn bộ trên
100 hành khách móc nối với phi hành đoàn được thuê bao, giả dạng du
khách đeo kính mát đáp tàu đến Singapore thì xin tỵ nạn [6]. Trở lại vấn đề của đại sứ Kim, giới
chức nào đó phía sở tại chỉ chấp thuận cho kiều dân Hàn Quốc rời Việt
Nam Cộng Hòa nếu tàu cho 500 người Việt Nam dạng VIP đi quá giang. Đây
có thể là thân nhân các chức sắc Việt Nam Cộng Hòa đó hoặc những gia
đình đóng tiền cho họ qua các đường dây xuất ngoại chui này. Đại sứ Kim
đành phải chịu. Khi lên tàu ngày trưa ngày 26.4, mỗi người ngực dính 1
mảnh vải có con dấu của sứ quán mang 3 màu khác nhau. Ưu tiên 1 là kiều
dân Hàn Quốc, ưu tiên 2 là thân nhân bằng hữu của sứ quán và ưu tiên 3
là dạng gửi gấm của giới chức Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình tôi thuộc
dạng 2, chẳng hiểu có phải vì vậy mà khi 1 quân cảnh lên xe nhìn tôi
hỏi giấy, 1 nhân viên sứ quán đã giúi ngay cho anh này túi bụi mấy nắm
tiền 500. Nhân viên người Hàn này phục vụ tại Việt Nam nên nhanh trí
hơn 1 trung tá Park mới đến và chậm hiểu khi gặp phải lôi thôi như đã
kể ở trên.
Khó khăn thứ 3 của đại sứ Kim là với chính kiều dân Hàn. Theo phía một
nhân viên sứ quán, kiều dân nào càng ở Việt Nam lâu thì lại càng
cho rằng miền Nam không thể nào mất và rất khó thuyết phục họ ra đi.
Một số khác, vì lý do nào đó, bà vợ khó thương lăm le tại quê nhà, hay
con nợ cũ vẫn còn truy nã, khiến họ đã gạt bỏ Nam Hàn hẳn khỏi kí ức và
xin nhận Việt Nam Cộng Hòa làm quê hương. Số làm ăn tại miền Nam thì
tiếc của, chưa kể 1 số cho đây là cơ hội để chụp giật và thời thế của
anh hùng đô-la, vào hang chém mãng xà làm nên nghiệp triệu phú nên nào
chịu ra đi mặc dù sứ quán hết lời năn nỉ. Phải nói, đại sứ Kim đã tận
tụy làm hết sức của ông trong nhiệm vụ này, thương thuyết với Việt Nam
Cộng Hòa, cãi nhau với Bộ tư lịnh hải quân Hàn Quốc và bất tuân cả Bộ
ngoại giao để đưa kiều dân Hàn đến an toàn. Đây là nhận định của tôi
khi phát hiện mới đây phần tài liệu Hàn ngữ. Toàn bộ hồ sơ ngoại giao
của Hàn Quốc thời đó đã được giải mật và tờ Chủ nhật Thời báo tường thuật năm
ngoái vào ngày 28.4.2016. Phần cá nhân, thì tôi chỉ gặp ông Kim có đúng
3 lần : sáng 26.4 khi ông tiếp ở bàn giấy và tự tay ghim ảnh tôi vào
travel document, mắt còn dáo dác nhìn quanh khiến tôi phát cảm động.
Lần thứ nhì là chiều 26.4 khi ông lên tàu chia tay và giới thiệu gửi
gấm gia đình tôi với chỉ huy hạm đội. Lần chót là khi ông vào trại Phú
Sơn, có thăm bố tôi và mặt mày thiểu não, kể lại chuyện vào ngày 30.4.
Lúc đó, theo tôi hiểu là xe chở ông mang cờ Âm Dương vào được sứ quán
Hoa Kỳ di tản nhưng tướng tùy viên quân sự và 1 số người khác bị kẹt
lại bên ngoài. Đại khái thì là như thế, và cũng chẳng sai, nhưng sự
thật thì có khúc mắc hơn đôi ba phần.
Sau khi phần lớn Hàn kiều đã di tản hôm 26.4 thì số 13 nhân viên sứ
quán Hàn Quốc còn lại đến điểm hẹn “Số 3” vào ngày 29 để được trực
thăng Mỹ di tản lúc 10:00. Vì chuyện gì không biết, an ninh bên ngoài
không cho họ vào điểm hẹn. Họ bèn kéo nhau đến sứ quán Hoa Kỳ lúc
10:25. Nhóm đại sứ Kim được đưa lên tầng ba trong khi số còn lại do chuẩn
tướng Lee Dae Yong (Lý Đại Dung) cầm đầu ở trong sân sứ quán (nhưng
ngăn với tòa nhà chính bằng 1 cổng). Ông Kim xuống thăm mọi người ở
dưới sân tòa nhà phụ và ông được đại sứ Mỹ bảo đảm là sẽ có trực thăng
cho trên 100 nhân viên và kiều dân Hàn còn trong sân. Lúc 16:30 ông lại
trở xuống thì cổng ngăn 2 bên đóng kín, và vì có 2 bãi đáp trực thăng ở
2 nơi nên ông nghĩ là mọi người đi dược rồi hay không biết là mọi người
có đi chưa. Khi Hoa Kỳ giục giã mọi người trên lầu đi thôi thì ông ra
đi với đại sứ Iran và nhóm Hồng thập tự Quốc tế lúc 18:25 ngày 29. Đại
sứ Martin nấn ná và ra đi lúc 5:00 sáng ngày 30 theo lệnh trực tiếp của
tổng thống Ford. Dưới sân, các sĩ quan Hàn Quốc lên quân phục cho oai
vệ nhưng lính Mỹ rút lên lầu tung trái khói chặn đường bám theo và dọa
là có gài mìn khiến 1 000 người dưới sân phải ở lại.
Tướng Lee dẫn họ chạy sang sứ quán Pháp đập cửa thì Pháp im như tờ.
Cùng đường, họ đến sứ quán Nhật cầu cứu thì đại sứ Nhật Hitomi ra gặp
họ từ chối thẳng thừng bọn không biết nói babibubebo hay gagigugego này
[7]. Tướng Lee chạy ra phía bến tàu
thì đạn từ cảng bắn về hướng đoàn khoảng cách 15 hay 30 mét khiến họ
thối lui. Nhờ một người Pháp (ông Bonné hay Bonnet?) chủ nhà hàng và có
vợ Hàn Quốc, họ được vào trú tại bệnh viện Đồn Đất (Grall) của Pháp.
Ông Pháp này còn bản lãnh, thay cờ sứ quán Hàn Quốc bằng cờ Pháp và cắt
2 người Pháp đứng canh trước cổng nếu đoàn Hàn Quốc không có chỗ trú
nào khác. Không hiểu ông có lo tìm một bộ quân phục sen đầm (gendarme)
cho tướng Lee với 1 cái mũi lõ giả để tướng này Bonjour-yseo với lại
quân Giải phóng ! Hôm sau, 1 tháng 5, một cố vấn sứ quán Nhật, ông
Watanabe, đến Grall thăm an ủi, bảo tôi không làm được gì cho các bạn
và khi ra về tặng họ 1 cây bút !!! Thảo nào người Hàn thù người Nhật là
phải, lúc sắp chết viện tình mẫu quốc trước kia thì đuổi thẳng, còn làm
nhục bằng cách cho mày 1 cây bút chắc là để mà còn có cái viết thư
tuyệt mạng !
Tất cả có 9 nhân viên sứ quán Hàn Quốc và 140 Hàn kiều kẹt lại. Ngoài
phái đoàn 4 người của đại sứ Kim, một số khác ở bên ngoài tự túc di tản
được theo Hoa Kỳ. Một người thành tích độc đáo là sang 2.5 còn thoát
sang được Singapore. Trong nhóm theo tướng Lee còn có 7 phạm nhân Hàn
kiều đang ngồi tù Việt Nam Cộng Hòa và được ông đích thân lúc chót đến
Chí Hòa lãnh ra. Trong khi họ được về nước thì ông lại vào thế chỗ ở
Chí Hòa để xem con ma vú dài [8].
Tuy tổng thống Park rất hài lòng [9]
nhưng đại sứ Kim bị dư luận khiển trách là đã không tròn nhiệm vụ, bỏ
rơi lại nhân viên mà lên tàu Mỹ còn được ưu đãi. Nhân viên hiện diện
trên tàu Mỹ Hancock gièm pha là ông được đưa ngay về Subic Bay bằng
trực thăng và được hồi hương đầu tiên bằng phương tiện Mỹ sau khi liên
hệ với sứ quán Hàn Quốc tại Philippines. Không biết hải quân Xã Hội Chủ
Nghĩa như thế nào chứ hải quân tư bản rất là kiểu cách biệt phái, theo
truyền thống riêng của binh chủng. Ông Kim là đô đốc nên hải quân Hoa
Kỳ cư xử kiểu nghi lễ thiên vị phe ta. Thí dụ, khi tàu chở ½ tá tướng
lãnh Việt Nam Cộng Hòa đến Subic Bay, thì tư lịnh hải quân Mỹ của căn
cứ cử xe riêng có tướng kỳ đô đốc của ông ra bến để đón vị đô đốc hải
quân Việt Nam Cộng Hòa. Có lính thủy thổi còi chào lúc xuống tàu, lên
xe và đi về… trại tỵ nạn. Cũng về trại tỵ nạn nhưng các tướng lãnh khác
thì xếp hàng mà lên xe búyt như mọi người. Đối với hải quân, thì đô đốc
bại trận, đô đốc tỵ nạn, vẫn là đô đốc, đó là cái kiểu hải quân đồ
trắng tinh tươm của họ với nhau.
Tại Việt Nam, thành phần Hàn kiều bị kẹt lại lần lượt bị trục xuất, trừ
tướng Lee bị giữ lại ngồi tù. Bắc Triều Tiên gửi
người sang thẩm vấn ông để khai thác tình báo và đòi mang ông về Bình
Nhưỡng nhưng phía Việt Nam không cho phép. Khi thương lượng 3 bên
sau này (1978) tại Ấn Độ về số phận của ông (giữa Việt Nam, Nam Hàn và
Bắc Hàn) thì thái độ và đòi hỏi của Bắc Hàn vô lối khiến phía bạn Việt
Nam cũng bực cả mình. Bắc Hàn đòi dùng ông để tráo với điệp viên của họ
bị Hàn Quốc giữ, khiến phía Việt Nam phải nhắc « đây là tù binh của
chúng tôi chứ không phải của các đồng chí nhé ». Tướng Lee năm 1980
được Việt Nam thả về nước chứ không bị gửi sang Bình Nhưỡng theo
yêu cầu của Bắc Triều Tiên [10].
Vì lỡ tin vào lời cam kết của đại sứ Martin, đại sứ Kim ăn năn đến nỗi
bỏ ngành ngoại giao (1977) và đi tu, trở thành mục sư tin lành. Năm
1993, tức là 18 năm sau, ông quên ân quên oán trở lại Việt Nam với tư
cách mục sư này để giúp việc xây dựng 1 bệnh viện. Ông được nhìn lại
chiếc Cadillac của đại sứ quán lúc đó vừa được sơn phết lại và tân
trang dùng làm xe cho thuê.
Tướng Lee thì không trách ai hết, ông nhận là chính ông nhầm lẫn, và
ngày đó chuẩn đoán là miền Nam sẽ mất vào 10.5 nên tính nhầm thì 5 năm
ở tù ông chỉ biết trách thân, tuy từ 78 kg ông xuống còn có 42 kg khi
được thả. Tướng Lee là người đã phục vụ tại Việt Nam 9 năm 1/2 trong
nhiều bận và nhiều chức vụ từ 1963, tùy viên quân sự, đặc trách kinh tế
tại sứ quán và sau cùng là sứ thần. Ông từng quen thân tổng thống Thiệu
khi cả 2 theo học khóa cao đẳng quốc phòng tại Hoa Kỳ. Ông sau này có
dịp trở lại ngắn ngủi Việt Nam năm 2004, ở cương vị giám đốc ngoại vụ
của 1 công ty Hàn Quốc khi công ty này xây dựng 1 nhà máy ở đây. Nhưng
chuyện mất 36 cân và 2 năm rưỡi biệt giam ông không hề quên và có đến
gây gổ với đại sứ Viêt Nam tại Hán Thành năm 2003, được vị này đáp kiểu
« Núi sông thì không thay đổi nhưng thù có thể biến thành bạn ».
Tôi trở lại Hàn Quốc lần đầu vào năm 2008, ở một thời gian nhưng thay
vì thăm lại Phú Sơn thì đi thăm… Bắc Triều Tiên. Phú Sơn, tôi có 1 dịp
ngắn ngủi ghé qua vài năm sau đó nhưng không sửa soạn trước nên không
tìm đến chỗ trại tỵ nạn cũ (đã phá và xây lên tòa nhà mới). Cô con gái
hơn tôi 1 hay 2 tuổi của ông giám đốc Á châu vụ Bộ ngoại giao Hàn Quốc
ngày nào cùng ăn kem Givral, vào lúc đó thì cũng đã 40 năm qua. Giờ này
em ở đâu? Trại… Gangnam hay tuyến địa đầu? Vào 2017, khi bán đảo lại
lục đục súng đạn thì tới lượt tôi phải lo ngại cho cô, ngoại ô Hán
Thành giờ đã lan ra đến cạnh « tuyến địa đầu » là Vùng Phi quân sự giữa
hai miền Nam Bắc.
Sự kiện di tản 1 300 người trên chuyến hải hành 5 000 hải lý (đi-về)
được coi là độc đáo trong quân sử của hải quân Hàn Quốc. Tuy vậy, 269
quân nhân Nam Hàn tham gia vào cuộc hành quân di tản này cho đến 2013
vẫn không được vào danh mục cựu quân nhân tác chiến vì Hàn Quốc đã
chính thức thôi tham chiến tại Việt Nam vào ngày 23.3.1973.
Tôi nhớ lại lời của Đại tá chỉ huy hạm đội Hàn Quốc vào tối ngày 29.4
khi ông họp thành phần người Việt trên tàu lại : “Đất nước của các bạn
giờ đã có hòa bình và thống nhất, là điều chúng tôi đây vẫn hằng mong
ước và mơ tưởng”.
Đỗ Kh.
[1] Đây cho thấy phía Hàn Quốc không theo dõi kịp tình hình và thay đổi tại miền Nam. Đà Nẵng thất thủ 29.3 và Nha Trang bỏ ngỏ ngày 2.4 thì tàu rời bến ngày 8.4 vẫn dự tính là đi Đà Nẵng, đến gần nơi vẫn còn định đổ hàng tại Nha Trang.
[2] Hàn Quốc còn tăng cường dương vận hạm LST 808 Deokbong sang Việt Nam nhưng tàu này lên đường quá trễ và phải trở về Phú Sơn.
[3] Không hiểu ai bên hải quân Việt
Nam Cộng Hòa lại dọa Hàn Quốc như thế. Bộ Tư lịnh Hải quân vào lúc đó
đang bối rối tứ bề, hơi đâu mà lo chuyện Hàn Quốc đi hay ở trừ khi biết
đâu nạt họ một câu lại được tặng vài củ sâm.
[4] Hàn Quốc vốn ngay thẳng nên nghe
sao tin vậy, chứ không quân miền Nam cũng chẳng rỗi hơi vào lúc đó.
Không quân miền Bắc thì sáng 27 mới đánh bom Tân Sơn Nhất bằng 5 phi cơ
trong cuộc không kích duy nhất của họ trong cuộc chiến.
[5] Đại tá Kwon (chỉ huy hạm đội Hàn
Quốc) ở trên soái hạm LST 815 tại Cát Lái nếu nhận được lệnh cấm ra đi
này là từ phó đề đốc (tướng 1 sao) Nguyễn Thanh Châu ? Ông Châu là
người trách nhiệm « nút chặn » Cát Lái, nơi đang tạm chứa người tỵ nạn
từ miền Trung. Thông tin này là từ đại tá Kwon cho trung tá Park biết
(khiến ông đổ mồ hôi hột) nhưng khác với ông Park, tôi không tìm ra
tường thuật của sự việc từ ông Kwon hay từ hạm trưởng LST 815 là trung
tá Lee Yoon Do. Đại sứ Kim thì không nói gì về cả giai đoạn di tản Việt
Nam. Tướng Lee Dae Yong thì viết sách kể lại rất nhiều nhưng là về thời
gian tù đày và ông không rõ chi tiết bên các dương vận hạm.
[6] Tổng thống Hương đã xin dẫn độ nhóm này và được chấp thuận, nhưng khi quân cảnh Việt Nam Cộng Hòa sang đến Singapore để áp giải các tội phạm này về nước thì miền Nam mất.
[7] Người Hàn phát âm chữ « b » thành chữ « p » và chữ « g » thành chữ « k ». Thuật ngữ bibô và guigô này trong biến loạn 1923 được người Nhật dùng để thanh lọc kiều dân Hàn tại Nhật, ai không phát âm đúng thì bị giết.
[8] Ca từ chế bài hát quảng cáo nổi tiếng của Trần Văn Trạch « Xổ số Kiến Thiết Quốc Gia, giúp đồng bào ta, vô khám Chí Hòa, gặp ma vú dài »
[9] Tổng thống Park khi nghe tin đại sứ Kim đến được Philippines đã chỉ thị cho Ngoại trưởng tìm ngay cho ông 1 nhiệm sở đại sứ mới. Ngoại trưởng bảo hiện không có chỗ nào và chắc là chỉ có thể Chile (là 1 nhiệm sở không quan trọng) thôi.
[10] Khi xảy ra chiến tranh giữa Việt Nam và Kampuchea (1978) thì Bình Nhưỡng về phe Kampuchea. Sang 1979 thì xảy ra chiến tranh Việt Nam-Trung Quốc và Bình Nhưỡng thêm lạnh nhạt với chính quyền Việt Nam. Các diễn biến mới này khiến phía Việt Nam chấp thuận trao trả tướng Lý cho Hán Thành.
Các thao tác trên Tài liệu