Hậu báo “Văn nghệ” và “Nỗi buồn chiến tranh” (kỳ 2)
Hồi ký
Hậu báo “Văn nghệ” và
“Nỗi buồn chiến tranh”
(kỳ 2)
Nguyên Ngọc
Đại hội Nhà văn lần thứ IV, họp từ ngày
28-10 đến 1-11- 1989 thì quả là một đại hội “hậu báo Văn nghệ”. Trong Hòa bình khó
nhọc tôi đã kể khá rõ việc trước đại hội ông Đào Duy Tùng “mời tôi
đến chơi” ở trụ sở Ban Bí thư Trung ương Đảng, đường Nguyễn Cảnh Chân
ngày đêm có công an gác chặt ở hai đầu. Cảm giác của tôi là hơi buồn
cuời: ông ấy, ủy viên Bộ Chính trị phụ trách tư tưởng, ông ấy sợ. Đại
hội họp quá gần với vụ báo Văn nghệ.
Họ sợ đây sẽ là cơ hội bùng nổ phản ứng rộng rãi, dữ dội và ồn ào việc
họ xử lý báo Văn nghệ, đến lúc này hãy còn nóng bỏng. Ông Tùng hỏi tôi
nghĩ gì về đại hội lần này. Câu hỏi ngớ ngẩn và vụng về, tại sao lại
hỏi tôi, người mới bị thanh trừng. Rõ ràng ông sợ tôi đứng ra hoặc anh
em lấy tôi làm “một ngọn cờ” (!) để nổi dậy thì sẽ khó cho các ông quá.
Tận dụng luồng gió còn có ít mùi dân chủ của Đại hội Đảng lần thứ VI,
các nhà văn đã đòi và đòi được họp đại hội toàn thể chứ không phải đại
hội đại biểu như các lần trước để cái gọi là hệ thống chính trị loại đi
bớt những người họ không ưa. Anh em cũng đã đòi được quyền đại hội bầu
trực tiếp Tổng thư ký. (Cũng xin nói luôn, trước đây có tục không thành
văn, hội nào có nhân vật thuộc loại khai quốc công thần tham gia ban
lãnh đạo thì mới bầu người gọi là Chủ tịch, như Hội Nhà văn có thời cụ
Nguyễn Công Hoan làm Chủ tịch, dưới ông mới đến Nguyễn Đình Thi là Tổng
thư ký. Sau đó lại trở lại chỉ có Tổng thư ký. Bây giờ thì Chủ tịch
tất, lệ mới không biết ra đời từ bao giờ, nhưng mà nhớ lại từng có lúc
dự định – hẳn phải là của Bộ Giáo dục – ngay từ lớp Một, lớp Hai, các
cô cậu nhóc con trưởng lớp sẽ được gọi là Chủ tịch lớp kia mà, “cái
nước mình nó thế” anh Hoàng Ngọc Hiến nói rồi.)
Tôi không trả lời câu hỏi đầy lo lắng của ông Tùng, chỉ nói cái đại hội
này, và thậm chí cả cái Hội Nhà văn của nhà nước kia chẳng có gì quan
trọng lắm đâu, ông và các ông chớ có lo. Đúng ra đừng có nó là hơn.
Nguyễn Huy Thiệp viết hay không dính dáng chút nào đến sự lãnh đạo Đảng
đoàn của tôi, tôi viết dở chẳng hề do tội ông Nguyễn Đình Thi làm Tổng
thư ký. Tôi nói một chuyện khác, theo tôi quan trọng hơn nhiều. Và tôi
nói với ông, nghiêm túc, trong gần một tiếng, về sự xuống cấp trầm
trọng ở tầng lớp trí thức nước ta bị Đảng liên tục vùi dập bao phen và
bằng nhiều cách. Với một nền tảng của một tầng lớp trí thức ưu tú của
dân tộc xuống cấp và bị “Đảng khinh bỉ sâu sắc” như anh Nguyễn Đăng
Mạnh đã nói thẳng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trong cuộc gặp mặt
nổi tiếng, thì đừng hòng có một nền văn học lớn như ta cứ muốn đòi vống
lên… Tôi không tin ông Tùng hiểu lắm ý kiến và mối lo thật sự của tôi.
Ông còn lo thậm chí đại hội bầu tôi làm Tổng thư ký.
Trước đại hội ít lâu, Nguyễn Khoa Điềm ở Huế ra có đến nhà tôi chơi. Có
lần tôi làm trưởng đoàn nhà văn Việt Nam đi thăm Liên Xô, thành viên có
Nguyễn Khoa Điềm và hình như cả Lê Văn Thảo, nên tôi có hiểu Điềm. Hôm
ấy ở nhà tôi, tôi có nói với anh lần này Điềm phải ra làm Tổng thư ký
đi. Theo tôi, Điềm là người hiểu biết hơn cả, có kinh nghiệm lãnh đạo,
quản lý, và là người đàng hoàng. Nếu Điềm không làm, tôi dự đoán tình
hình sẽ như thế này: tôi thì chắc chắn không bao giờ người ta để cho
tôi làm. Còn mấy người có thể làm được, Nguyễn Quang Sáng thì nhất định
không chịu ra Hà Nội đâu, anh ấy tốt nhưng là người thích tự do ăn
chơi, rượu chè, gái gú, sẽ không chịu bỏ Sài Gòn mà đi. Nguyễn Khải rất
có năng lực và tốt, nhưng lại lười, không muốn làm người đứng đầu gánh
vác. Tôi rất e người ta sẽ chọn một nhân vật sao cũng được, kiểu Vũ Tú
Nam chẳng hạn. Sẽ rất buồn và nhạt nhẽo cái hội dẫu sao ta vẫn cứ phải
đành hy vọng. Hai anh em trò chuyện khá lâu. Điềm nhất định từ chối.
Anh bảo để anh đi con đường của tỉnh chắc hơn. Lúc bấy giờ anh đang làm
Phó Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Tôi hiểu. Cả sau này, có lần sang
làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, anh vẫn giữ chắc chân cùng lúc làm luôn Bộ
trưởng Bộ Văn hóa. Con đường ấy rõ ràng và suôn sẻ hơn, cứ thế mà lên.
Ở đại hội, khi bầu cử, anh xin rút tên khỏi danh sách ứng viên.
Hội Nhà văn được coi là hội quan trọng hàng đầu, bao giờ cũng được họp
ở hội trường Ba Đình, cũng có một vị rất cao đến dự khai mạc và đọc
diễn từ chào mừng. Lần này lại đặc biệt đáng lo, hội viên cả nước về,
trông chừng khí thế rất hăng rất “dữ”, nghe bảo lúc nào cũng có một ông
ủy viên Bộ Chính trị ngồi giấu mình theo dõi phía sau màn sân khấu,
không biết có đúng không. Trí nhớ tôi tồi, tôi không nhớ những ông quan
trọng nào đã đến đại hội.
Vừa rồi có anh em nhắc chính ông Lê Đức Thọ cũng có đến, và nhân khi
ông đến, Phạm Tường Hạnh liền xông lên diễn đàn kêu cứu và hung hăng tố
cáo đám đổi mới.
Nguyễn Duy mô tả cảnh đó:
vọt lên đánh hụt một đường đại đao
Anh ta gào lên:
nhà ta nó phá tan rồi còn đâu…
Anh em còn nhắc chuyện ông Trần Trọng Tân chăm chỉ một cách bất thường,
bỏ nhà đến ăn ngủ ngay tại nhà khách 37 Hùng Vương, nơi đại biểu các
nơi về ở mấy ngày đại hội, để dò la tình hình chuẩn bị đói phó. Cũng
không ngờ họ sợ đến vậy…
Còn những người đầu tiên ngạc nhiên về đại hội là các nhân viên phục vụ
và bảo vệ ở hội trường Ba Đình. Chưa bao giờ họ thấy tụ hội ở cái nơi
long trọng nhất nước này một đám đông gọi là đại biểu những 396 người
hết sức ồn ào và mất trật tự, ăn mặc đủ kiểu đủ mốt, nói năng ngang
tàng, mà lại nghèo đến thế. Tuyệt đối toàn xe đạp, không ô tô đã đành,
chỉ duy nhất một nguời là ông nhà văn đại tá Hồ Phương cưỡi chiếc xe
máy Peugeot từ đời nảo đời nào của Tây, được coi là kỳ quan.
Tôi không nhớ người ta đã làm những gì ở đại hội để mà họp được lâu
thế, những năm ngày, từ 28 tháng 10 sang tận mồng 1 tháng 11. Gọi là
đại hội nhà văn nhưng hầu như chẳng mấy ai nói thật sự về những vấn đề
sâu sắc của văn học. Công kích nhau là chính, hoặc sỗ sàng dao búa hoặc
thâm thúy cay chua. Tất nhiên có phản đối mạnh mẽ vụ xử lý báo Văn
nghệ, trong khi Nguyễn Đình Thi và Chính Hữu im re như không nghe thấy.
(Thậm chí đến cuối buổi bế mạc, Nguyễn Đình Thi bỗng bất ngờ bước tới
ôm hôn tôi thắm thiết)… Còn thì chủ yếu hướng đến chuyện bầu bán, hoặc
ngầm ám chỉ đến chuyện bầu ai, loại ai.
Tôi không để ý, nhưng về sau Hữu Mai có lần bảo tôi: Cậu thấy không,
tất cả những người rốt cuộc được bầu vào Ban Chấp hành đều im lặng,
không ai phát biểu câu nào suốt năm ngày cực kỳ ồn ào ấy. Im lặng là
vàng…
Mấy câu của Nguyễn Duy trích ra ở trên là trong bản trường ca rất hay
của anh Nhìn
từ gần đại hội nhà văn. Trong tác phẩm bi hài ấy, anh chia đại hội
ra thành hai phe mà anh gọi là hai phái, “phái vui tươi” tức đám cải
cách, và “phái hằm hằm” tức đám bảo thủ. Nhìn chung phái vui tươi đông
hơn, tươi cười, hớn hở, rất thoải mái, tự do và tài tử; thường bỏ hội
trường xuống căng-tin uống bia, thậm chí bỏ đi chơi đâu đó, thích thì
trở về xông lên diễn đàn, ăn nói hùng hồn. Tất nhiên cũng có người nhỏ
nhẹ, mà nghe kỹ sắc tựa dao, như Trần Thùy Mai, con gái Huế mà lại! Có
chuyện anh Trần Độ đi công tác vắng, gửi lại đại hội một bức thư thẳng
thắn và nghiêm trang, Chủ tịch đoàn có Nguyễn Đình Thi và Trần Bạch
Đằng lúng túng không muốn công bố. Anh Nguyễn Văn Hạnh, là Phó Ban Văn
hóa Văn nghệ của anh Độ liền bước lên diễn đàn đọc thư anh Độ. Trong
trường ca đặc sắc viết nhại theo Chinh phụ ngâm của mình, Nguyễn Duy
ghi lại khoảnh khắc “lịch sử” ấy như sau:
Trần Độ biến nơi nào chẳng thấy
thấy phất phơ có mấy tờ thư
phấp pha phấp phới ngôn từ
đoàn Chủ tịch cứ ậm ừ mần thinh
…
Nguyễn Văn Hạnh một mình một ngựa
phá trùng vây ở giữa sa tràng
quyết lòng mở ruột phơi gan
đã vì đồng đội gian nan sá gì…
Đọc xong, Nguyễn Văn Hạnh lại có thêm mấy lời ngắn của mình. Thư anh Độ
và phát biểu của Hạnh được đông đảo vỗ tay rào rào.
Cũng còn cách vỗ tay khác, anh nào nói linh tinh và dông dài thì bị
phái đối lập vỗ tay kèm la ó đuổi xuống…
(ở nhà Khánh Trâm, ảnh do Ngọc chụp nên không có Ngọc)
Quan trọng nhất tất nhiên là đoạn bầu
cử, vào buổi chiều của ngày thứ tư. Không khí rất căng, nhiều người cứ
lân la quanh ban kiểm phiếu do Trần Hữu Tòng đứng đầu, nghe ngóng kết
quả. Đại hội nhà văn bao giờ cũng kỳ, lần trước chỉ tròm trèm 300 hội
viên, đã bầu ra một Ban Chấp hành hơn 40 người, lần này đại hội toàn
thể gần 400 hội viên lại bầu lần thứ nhất chỉ được có sáu người, theo
số ghi chép của Kim Cúc vốn là nhà báo rất cẩn thận, Nguyễn Quang Sáng
cao nhất 203 phiếu, thứ hai đến Xuân Cang 189 phiếu, thứ ba là tôi 188
phiếu, rồi lần lượt đến Hữu Thỉnh, Vũ Tú Nam, cuối cùng là Chính Hữu
178 phiếu. Đại hội quyết định dừng lại ở đây đã, sáng mai sẽ bầu tiếp,
ít nhất cũng phải được cho đủ chín người. Kỳ thực lúc đó cũng chưa muộn
lắm, thậm chí làm thêm lậm vào buổi tối một ít cũng chẳng sao, nhưng về
sau mới rõ vì sao mà đã có cái quyết định tạm dừng đó: sáu người vừa
được bầu bất ngờ được lệnh Ban Bí thư Trung ương Đảng gọi sang họp ngay
ở trụ sở bên Nguyễn Cảnh Chân. Kết quả bầu sáu người vừa rồi, có vẻ
phái vui tươi hơi lấn át, vả lại còn chuyện bầu trực tiếp Tổng thư ký
nữa, “lãnh đạo” lo, thấy cần chỉ đạo ngay.
Từ hội trường Ba Đình sang Nguyễn Cảnh Chân chỉ mấy trăm mét, chúng tôi
đi bộ sang.
Vừa đến cổng số 4 Nguyễn Cảnh Chân, tôi gặp ngay một người quen từng
gần gũi, biết khá rõ về nhau và khá thân từ những năm chiến trường: anh
Trần Kiên, lúc này đang là ủy viên Ban Bí thư, Trưởng ban Kiểm tra
Trung ương Đảng. Anh Kiên nắm tay tôi: Khoan vô đã, tao có chút chuyện
muốn dặn mày…
Cho phép tôi tạm dừng lại đây, có thể hơi dài, để nói về anh Trần Kiên,
một nhân vật rất đặc biệt, ngày ấy đã hiếm, bây giờ thì chắc không còn.
Anh Kiên, quê Quảng Ngãi, là cán bộ kỳ cựu, tham gia cách mạng từ năm
1936, từng là du kích Ba Tơ, và trong suốt cuộc đời chắc chắn là một
người liêm khiết nhất nước. Khi nghỉ hưu, anh trở về ngôi nhà gần như
rách nát của anh ở thị xã Quảng Ngãi, cầm về chỉ mấy cuốn sổ tay ghi
chép riêng. Vậy mà khi anh mất, lập tức có mấy người, chắc là từ trung
ương vội vã bay vào, thu ngay mấy cuốn vở ấy, không ai biết vì sao và
họ mang đi đâu. Có những gì trong mấy cuốn vở lùi xùi ấy để người ta
phải sợ chúng đến thế?
Năm 1954, anh Kiên không đi tập kết, có lần anh kể với tôi chuyến anh
đi từ Bình Định lên Kontum để gặp các đồng chí được bố trí ở lại và
thành lập Khu ủy bí mật Khu 5 trong khi đối phương đã tiếp thu vùng tự
do cũ của ta, rải quân canh gác dày đặc khắp các vùng anh phải đi qua.
Anh cải trang làm một người đi bán võng. Gặp một chị gọi anh vào để mua
võng, hỏi loại võng anh bán là võng mấy tay, anh toát mồ hôi vì mình có
biết tay võng là gì đâu! Thấy anh lúng túng, chị ấy cười, bảo thôi mấy
tay cũng được, anh cứ để đó tui mua, và chị đưa cho anh gần gấp đôi hơn
số tiền anh nói. Dân mình vậy đó, sau này anh kể lại với tôi, họ rất
tinh, chị ấy quá biết anh là cán bộ cộng sản cải trang, im lặng bảo vệ
và khôn khéo giúp anh. Còn có rất nhiều chuyến đi như thế của những
người ở lại, từ các vùng đồng bằng lúc này đã bị chiếm, tìm đường về
phía Bắc Tây Nguyên để hình thành Khu ủy Khu 5 và các bộ phận chung
quanh Khu ủy, đều ly kỳ, mạo hiểm. Lại cũng còn những chuyện về kẻ ở
người đi, phong phú, và có lúc cười ra nước mắt, tôi mong sẽ có dịp kể
khi đến đoạn thích hợp…
Suốt kháng chiến chống Pháp, anh Trần Kiên chiến đấu ở Bắc Tây Nguyên
(còn tôi thì ở phía Nam); đến thời chống Mỹ, anh tham gia Thường vụ Khu
ủy Khu 5, có lúc làm Phó Bí thư, phụ trách Chủ nhiệm hậu cần Quân khu,
nghĩa là người gánh vác trăm sự nhiêu khê cơm áo gạo tiền cho bộ đội,
cả cho dân, đặc biệt trong những năm tháng cực kỳ khó khăn sau Mậu Thân
1968. Anh là chuyên gia hàng đầu về Tây Nguyên, thông thạo đến từng hóc
núi trên cao nguyên rộng lớn này. Sau chiến tranh, anh từng làm Bí thư
một loạt tỉnh, Gia Lai-Kontum, Đắc Lắc, Quảng Ngãi, Nghĩa Bình… trước
khi ra làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, ở Đại hội VI của Đảng anh được bầu
vào Ban Bí thư Trung ương và làm Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Tôi có một chuyến đi xuyên Việt cùng anh, chỉ có hai anh em với một
chiếc u-oát Nga đủ sức leo mọi dốc cao, từ Hà Nội vào Sài Gòn, không
theo đường số 1, mà xuyên dọc suốt các tỉnh Tây Nguyên. Anh hỏi tôi đã
từng chiến đấu những đâu trên cao nguyên trong hai cuộc chiến, bị
thương mấy lần, ở đâu… Tôi chú ý những người từng cùng sống và nhất là
cùng chiến đấu, cùng vào sinh ra tử ở một vùng đặc biệt nào đó, trong
cùng một thời gian đặc biệt nào đó, thường cùng nhau hình thành như là
một góc xã hội của riêng họ, một không gian, một thế giới và một bầu
khí quyển riêng, thậm chí cả một ngôn ngữ riêng, không ích kỷ và kỳ thị
với “bên ngoài” nhưng là của riêng họ, chỉ cần nói một tiếng, gọi tới
một địa danh, nhắc đến một tên người, một sự kiện hay tình huống nhỏ…
là đã hiểu nhau đến cặn kẽ, cùng gợi lên trong nhau vô số kỷ niệm và
cảm xúc chỉ có mình biết. Và rất dễ thân nhau, tin nhau, có khi còn hơn
ruột thịt. Chuyến cùng đi xuyên Việt lần ấy kết chặt hai chúng tôi
trong một mối quan hệ như vậy. Tôi nhận ra ở anh một người giản dị,
chân thật, liêm khiết đến nhiều khi đến cực đoan, cực kỳ thông minh…
song cũng lại dễ duy ý chí lắm lúc đến lạ. Đi với nhau suốt từ Bắc đến
Nam, tôi không hề thấy anh nghỉ lại và ăn uống bất cứ khách sạn hay
quán xá nào, ngày nào cũng lận lưng một vắt cơm có vài lát thịt hay chỉ
kèm gói muối lạc hoặc muối vừng. Lính tráng Khu 5 hồi đó có câu cửa
miệng “Muốn ăn thì theo ông Ngọc,
muốn học thì theo ông Kiên”; Ngọc là bí danh của một ông Phó Tư
lệnh quân khu có tính đi đến đâu cũng hay tổ chức chè chén. Vậy mà cả
hai ông đều là xuất thân du kích Ba Tơ…
Như đã nói, sau 1975 anh Kiên còn trụ ở Tây Nguyên khá lâu, rồi lại ra
làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghệp. Bố trí như thế nghe rất phải thôi, còn ai
hiểu Tây Nguyên và hiểu rừng hơn anh. Vậy mà thật nghịch lý, chính anh
lại là một trong những người phá rừng Tây Nguyên nặng nề nhất. Đúng ra
thời ấy có chủ trương từ trung ương nay nghĩ lại thật kỳ quặc: dùng Tây
Nguyên để giải quyết vấn đề lương thực cho cả nước. Thậm chí có chủ
trương đổi một hecta rừng lấy một hecta lúa hay sắn, mà đâu chỉ một
hecta, hàng nghìn, hàng nghìn. Tôi lên Đakglei, thấy một công ty của
quận 5 Sài Gòn đang khai thác gỗ ở đấy, tôi nói với anh Kiên thế này
thì chết thôi anh ơi, còn gì rừng. Anh bảo cần thì phải làm thôi, đổi
rừng lấy cái ăn cho dân đang đói đã… Vậy đó, tác giả của những tai họa
hầu như không còn cứu chữa được ấy lại chính là những con người vô cùng
trong sạch, tận tụy, có tính kỷ luật cao nhất, và càng lạ hơn nữa, như
anh Kiên, một người rất chân thành ham học và cực kỳ thông minh.
Trên đường hai anh em cùng đi từ Bắc vào Nam, anh thường thật thà rỉ rả
hỏi tôi mình đánh nhau với bao nhiêu kẻ thù, phải thường xuyên giáo dục
kiên định quan điểm bạo lực, vậy tại sao lại còn cho chiếu những bộ
phim “xét lại” kiểu như Đàn sếu bay
qua, Người thứ 41, Trái tim trong ba lô… của Liên Xô
và các nước Đông Âu theo anh là đầy rẫy tư tưởng hòa bình chủ nghĩa có
hại. Tôi kiên trì giải thích cho anh, thấy anh im lặng lắng nghe, hình
như cũng có khiến anh đỡ thắc mắc đôi chút.
Hôm vào đến Sài Gòn, tôi có rủ anh đến thăm anh Hoài Vũ. Sài Gòn vốn có
đến mấy triệu người Hoa, nên ngoài bản tiếng Việt, báo Sài Gòn giải
phóng còn in thêm bản tiếng Hoa do anh Hoài Vũ làm Tổng biên tập. Tôi
ngạc nhiên thấy anh Kiên cầm tờ báo tiếng Hoa đọc ngon lành. Tôi hỏi
anh học chữ nho bao giờ mà đọc giỏi thế. Anh bảo có học được trường lớp
nào đâu, chỉ là hồi trẻ, đi làm thợ mộc, tới nhà người ta, thấy mấy câu
đối, câu liễn hay hoành phi, hỏi mò mà biết dần, lâu rồi cũng quen…
Tại Đại hội VII của Đảng (1991), có một sự việc nghiêm trọng: một đám
người nào đó, rất có thế lực, gửi đơn tố cáo đại tướng Võ Nguyên Giáp
về lý lịch của ông, vu cho ông có dính dáng đến mật thám Tây từ hồi
Pháp thuộc, đòi tước tư cách đại biểu của ông, tức đuổi ra khỏi Đại
hội. Anh Trần Kiên là Trưởng ban Kiểm tra tư cách đại biểu của Đại hội,
anh dứt khoát gạt đi, kiên định bảo vệ ông Giáp đến cùng. Một sự dũng
cảm và một đức cương trực đáng ghi vào sử sách…
Một người như vậy, anh Trần Kiên, đứng chờ tôi ở cổng Ban Bí thư sau
cuộc bầu bán còn dở dang chiều ngày thứ tư đại hội nhà văn. Anh nắm
cánh tay tôi, nói nhỏ: Tao dặn này, có đứa nào giới thiệu mày làm Tổng
thư ký Hội Nhà văn mày đừng nhận nghen. Quả thật tôi ngạc nhiên về câu
dặn vụng về đến thế ở một người nổi tiếng từng trải như anh. Tôi bảo:
Tôi hỏi lại anh điều này nhé, đấy là ý tự anh nói ra với tôi, hay ý Ban
Bí thư nhờ anh nói giùm? Anh hơi nhăn mặt: Cái thằng này! Sao mày hỏi
tau câu khó thế? Tôi cười: Tôi không làm đâu, tôi cũng đủ thông minh để
hiểu tất cả rồi, kể cả mục đích Ban Bí thư gọi gấp chúng tôi sang đây.
Anh có thể báo cáo lại để các vị an tâm…
Đây là lần đầu tiên tôi nói với anh Kiên một câu gay gắt như thế. Nhưng
rồi về sau chúng tôi vẫn thân nhau, sau lưng chúng tôi là cả mấy mươi
năm vào sinh ra tử cùng nhau trong hai cuộc chiến… Cuộc làm việc vội vã
với hầu như đông đủ Ban Bí thư có thể tóm tắt gọn thế này: vận động,
hay đúng ra là ép Nguyễn Quang Sáng, người vừa được cao phiếu nhất,
sáng hôm sau giới thiệu Vũ Tú Nam làm Tổng thư ký.
Sáng hôm sau, đại hội họp tiếp. Nguyễn Duy thật giỏi khi gọi phái đổi
mới là Phái Vui tươi, và phái bảo thủ là Phái Hằm hằm. Phái vui tươi,
coi đã bầu được sáu người chiều hôm trước đã là thắng lợi rồi, nên sáng
hôm sau bèn hào hứng rủ nhau… bỏ đi chơi. Một số la đà uống bia ở
căng-tin, số khá đông kéo nhau rảo phố Hà Nội, lại còn một nhóm không
ít, trong đó có cả Nguyễn Khoa Điềm, tổ chức đi du lịch… tít Lạng Sơn.
Còn phái hằm hằm thì quyết hằm hằm, họ hằm hằm bám đại hội, cố lật
ngược tình thế. Rốt cuộc bầu thêm được ba người: Nguyễn Thị Ngọc Tú,
Hữu Mai và Nguyễn Khải.
Và bầu Tổng thư ký Vũ Tú Nam.
Tôi vốn loàng xoàng vậy mà hóa ra là nhà tiên tri, chẳng thua gì bà già
mù Vanga nổi tiếng bên Bulgarie!
*
Ngày hôm sau Ban Chấp hành mới họp phiên đầu tiên, quyết định cử ra một
bộ phận Thường trực gồm bốn người: Tổng thư ký Vũ Tú Nam tất nhiên phụ
trách chung, Chính Hữu làm Trưởng ban Đối ngoại, Hữu Mai làm Trưởng ban
Công tác hội viên, thực chất là người lo chính sách và cơ sở vật chất
của hội; tôi làm trưởng một ban có cái tên nghĩ ra hơi kỳ, gọi là Ban
Sáng tác. Họp Thường trực, tôi đề nghị chúng ta chỉ có bốn người, nên
quy chế làm việc cần giống như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, khi biểu
quyết phải là đồng thuận hoàn toàn, mỗi thành viên phải có quyền phủ
quyết. Nhưng cả ba vị đều kiên quyết phản đối, cứ phải theo nguyên tắc
thiểu số phục tùng đa số thôi. Thế là tôi bị kẹt vào thế khi cần quyết
định những chuyện quan trọng, tỷ lệ thua của tôi sẽ là 1/3. Vậy tôi có
nên ở lại trong một tập thể như thế này không? Hay là rút lui ngay từ
bây giờ, từ chức luôn ngay lúc này? Tôi về trao đổi với một số anh chị
em đã bầu tôi, người bàn vô người bàn ra. Cuối cùng tôi quyết định thôi
thì cứ ở lại, cố gắng ngăn bớt những việc xấu, và nỗ lực tối đa làm
được một số điều tốt. Nghĩa là giai đoạn mới này của tôi cũng sẽ rất
khó khăn, căng thẳng, chẳng kém thời làm báo Văn nghệ; thôi thì cứ xin
nói luôn, suốt nhiệm kỳ 4, 5 năm ấy tôi “thắng” được một vụ kha khá, và
“thua” một vụ cũng khá đậm.
Có lẽ tôi cũng nên nói qua một chút về ba người còn lại trong ban
Thường trực bốn người của chúng tôi.
Chính Hữu thì chắc chẳng cần nói thêm.
Anh Vũ Tú Nam là người hiền lành và đứng đắn, rất vừa phải hầu như
trong mọi sự, viết cũng như ứng xử và điều hành, quản lý. Trong mấy “vụ
việc” của tôi, vụ Đề dẫn năm 1979 cũng như vụ báo Văn nghệ, thái độ của
anh là “trung bình”, không gay gắt cũng không nhiệt tâm bảo vệ hay công
kích. Vũ Tú Nam là em ruột anh Vũ Cao, nhưng tính tình hai người khá
khác nhau, và thực tình tôi thích anh Vũ Cao hơn. Anh ấy dân dã và nghệ
sĩ hơn. Anh được phong đại úy từ năm 1957, nhưng mãi mấy năm sau có lần
anh tâm sự sao mình chờ mãi không thấy được lên thượng úy nhỉ, thượng
là cao tất phải hơn đại chứ, anh yên trí vậy… Chúng tôi ở nhà số 4 Lý
Nam Đế, nghe nói được xây từ hồi Nhật chiếm Đông Dương, dành cho sĩ
quan Nhật. Cầu thang và sàn các phòng toàn bằng gỗ lim, anh em đều lau
sàn các phòng sạch bong, và trước cửa phòng đều có bảng ghi “Yêu cầu
không đi giày dép vào phòng”. Có anh nghịch còn viết thêm “… trừ ông Vũ
Cao!”, vì anh Cao bao giờ cũng đi chân không. Vũ Cao lùi xùi bao nhiêu,
thì Vũ Tú Nam thẳng thớm bấy nhiêu. Vậy mà con người luôn cẩn trọng và
vừa phải ấy cũng đã có lúc gặp tai nạn văn chương. Năm 1962 anh viết
truyện cho thiếu nhi Cuộc phiêu lưu
của Văn Ngan tướng công, na ná theo kiểu Dế mèn phiêu lưu ký của
Tô Hoài, chế giễu một con ngan lố bịch, cái gì cũng biết một chút, biết
bay một tí, biết chạy một tí, biết bơi một tí, biết hát ồ ề một tí, tức
là cái gì cũng biết nhưng chỉ mới biết đầu cua tai nheo, không đâu vào
đâu nhưng làm việc gì cũng dối trá lại huênh hoang. Truyện hiền khô, vô
hại, vậy mà bỗng nhiên bị báo Tiền phong đập cho một bài phê phán nặng
nề, lại nghe nói có cả một cuộc hội thảo ở Viện Văn học để lên án, lúc
này tôi đã đi vào Nam không biết rõ hết chi tiết, chỉ nghe nói nó bị
kết tội nặng gọi là “biểu tượng hai mặt” (symbole équivoque), một lối
vu vạ khá phổ biến lúc bấy giờ, chắc do một số vị nào đó rất to, có tật
giật mình, cho rằng nó nói Ngan chính là ám chỉ mình, và hiểu văn học
cũng y như khoa học, phải viết sao cho chỉ hiểu duy nhất một nghĩa,
hiểu thêm một nghĩa khác nữa thì đích thị là ác ý rồi… Nghe bảo còn có
chuyện ông bạn nhà văn Liên Xô Marian Tkachev rất giỏi tiếng Việt mau
mắn dịch nó ra tiếng Nga, đúng lúc ta đang theo Tàu chống Nga của
Khrouchev, nên nó còn tội có xu hướng xét lại nữa… Nhưng rồi vụ việc
cũng nhẹ nhàng qua đi. Nghe nói chính ông Nguyễn Chí Thanh đã bênh vực
Văn Ngan.
Người thứ ba trong Thường trực là Hữu Mai, bấy giờ có chủ trương chuyển
một số nhà văn vốn ở trong quân đội sang Hội và một số cơ quan văn học
nghệ thuật để tăng cường “sự vững vàng về chính trị” cho những nơi này.
Hữu Mai đối với tôi là một người “trung tính”, không thân không sơ, tôi
nhớ vụ Đề dẫn, vụ báo Văn nghệ của tôi anh hầu như hoàn toàn đứng
ngoài. Nhưng rồi xảy ra một việc: tôi không nhớ rõ Hội Nhà văn Hung hay
Thụy Điển cho ta một số tiền và ta đã dùng số tiền đó xây lại Nhà Sáng
tác ở Quảng Bá khá khang trang, Quảng Bá hồi đó gần như hoàn toàn nông
thôn, yên tĩnh, thoáng đãng, thi vị nữa. Nhưng rồi chẳng mấy ai lên
ngồi Quảng Bá để sáng tác, mặc dầu ở đó đã có cả bộ phận phục vụ khá
chu đáo. Vì nó gần Hà Nội quá. Tôi nhớ chỉ có anh Thái Bá Tân lên ở nhờ
một phòng do bấy giờ chưa có vợ chưa có nhà. Và một anh, thôi thì xin
không nói tên làm gì, đưa bồ lên cùng vui thú một thời gian. Lại thêm
đến lúc này Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương đã giải thể, nhập cùng Ban
Tuyên huấn và Ban Khoa giáo thành Ban Văn hóa Tư tưởng, anh Trần Độ đã
chuyển sang làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, và anh đã có sáng kiến xây một
khu nhà Sáng tác cho các ngành văn học nghệ thuật cạnh hồ Đại Lải gần
Phúc Yên, xa Hà Nội một cách vừa phải, rất đẹp, yên tĩnh, thuận lợi cho
nghệ sĩ sáng tác. Vậy là người ta đổ lên Đại Lải, nhà Quảng Bá đâm ra
ế, bỏ mốc meo, lại tốn người trông coi. Hữu Mai, là người phụ trách cơ
sở vật chất của hội, bèn đề nghị cho khách du lịch có thể thuê, ta lấy
tiền đó lo cho việc khác của hội, Ban Thường trực thấy cũng là phải.
Chắc ai cũng biết các nhà văn ta vốn tếng tăm khá oai trong xã hội,
nhưng cũng là cái giới rất lắm chuyện. Lập tức rộ lên gần như cả một
phong trào phê phán chê trách, cho rằng cái Ban Thường trực này lấy chỗ
sáng tác “thiêng liêng” của anh em đi buôn, trong số gay gắt nhất lại
thấy có Đào Vũ, và tập trung công kích chủ yếu vào Hữu Mai. Có điều lạ
là Thường trực không hề lên tiếng bênh vực Hữu Mai. Tôi bèn bàn với Hữu
Mai đánh tiếng mời Đào Vũ lên ngồi sáng tác ở Quảng Bá ba tháng đi. Tôi
nói trước với Hữu Mai: Để rồi anh xem nhé, chuyện này sẽ hay lắm đấy!
Giấy mời Đào Vũ được trang trọng đưa đến tận nhà. Tôi tiếc không nhớ rõ
số tiền phải tiêu tốn cho một nhà văn ngồi sáng tác ba tháng ở Quảng Bá
là bao nhiêu. Ngay sáng hôm sau Đào Vũ đã có mặt rất sớm ở cơ quan hội,
nhưng không gặp bất cứ ai trong Ban Thường trực, kể cả Hữu Mai, mà đi
thẳng luôn đến chỗ cô kế toán, tuyên bố: Tôi đấu tranh là đấu tranh cho
quyền lợi của tất cả hội viên, chứ nhà tôi ở ngay phố Huế, Quảng Bá gần
xịt, tôi lên đó làm gì. Hội đã có giấy mời, đề nghị đưa cho tôi đúng số
tiền như được lên Quảng Bá, tôi ngồi nhà viết tiện hơn nhiều…
Đào Vũ là người cao lớn, còn cô kế toán của chúng tôi thì vừa trẻ vừa
thấp bé, cô ngồi cặm cụi đếm kỳ đủ số tiền cho ông nhà văn cao lớn oai
phong đang đứng trước mặt mình, thỉnh thoảng ngước nhìn lên, kinh ngạc
và không giấu được khinh bỉ.
Từ đó cũng vắng hẳn chuyện công kích cách sử dụng nhà sáng tác Quảng Bá.
Còn Hữu Mai, tôi nhận thấy anh hiểu tôi hơn, chắc đỡ đi nhiều định kiến
từng có, thân với tôi hơn, hay đến nhà tôi chơi, tâm sự với tôi những
khó khăn của một anh cũng được gọi là lãnh đạo cái hội nghe chừng rất
sang trọng, thực chất là làm dâu trăm họ, phải biết chiều mấy trăm hội
viên từ ông già đến ông trẻ, đều khó tính theo trăm nghìn cách khác
nhau. Anh thường rủ tôi đi ăn ở quán cháo rất ngon đầu phố Cấm Chỉ, có
hôm còn mời tôi ăn tiết canh một quán cũng gần đó, may quá tôi vốn sợ
món ấy, không dám động đũa, còn Hữu Mai say sưa ăn ngon lành, bị một
trận kiết lỵ suýt chết…
Nguyên Ngọc
NGUỒN : Văn Việt, 22.2.2021
Các thao tác trên Tài liệu