HOÀ BÌNH KHÓ NHỌC
Một chương hồi ký
HOÀ BÌNH KHÓ NHỌC
Nguyên Ngọc
Đôi lời cùng bạn đọc
Diễn Đàn xin đăng dưới đây, lần đầu tiên, toàn văn một chương hồi
ký của nhà văn Nguyên Ngọc. Bắt đầu từ năm 1978, khi ông được cử
làm phó tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam, bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn,
viết bản "Đề dẫn" đọc trước hội nghị đảng viên – bản "đề dẫn" cho đến
nay chưa hề được công bố ở trong nước, và đã gây sóng gió một thời –
chương hồi ký kết thúc ở thời điểm cuối năm 1988, khi tác giả phải chấm
dứt công việc Tổng biên tập báo Văn Nghệ – độc giả còn nhớ mãi những số
báo Văn Nghệ "thời Nguyên Ngọc".
Tôi được gặp Nguyên Ngọc, lần đầu tiên, vào mùa hè 1981, tại trụ sở "phía nam" của báo Văn Nghệ, 43 Đồng Khởi, Sài Gòn. Đến thăm nhà thơ Nguyễn Duy, như mọi lần, và lần này tình cờ được gặp tác giả "Đất nước đứng lên", "Đường chúng ta đi", "Đất Quảng I", và tác giả "Con trâu" (nhà văn Nguyễn Văn Bổng) vừa từ Hà Nội vào.
Không cần nhắc, mọi người đều nhớ tình
hình Việt Nam khó khăn ra sao vào đầu thập niên 80 (chiến tranh
Campuchia, Trung Quốc tiếp tục bắn phá ở biên giới sau khi thất bại
trong cuộc chiến "dạy cho Việt Nam một bài học" 1979, Mỹ cấm vận,
thuyền nhân, kinh tế khủng hoảng..). Làm báo Việt kiều, tôi càng lo
lắng thêm khi đọc bài viết của nhà thơ Chế Lan Viên (hình như dưới một
bút hiệu khác, nhưng dễ nhận ra văn phong tác giả) lên án một đường lối
văn nghệ "chống Đảng" thể hiện qua một bản "đề dẫn" (không nói tên ai
viết) và bài viết nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến về "văn học phải đạo".
Giọng điệu của họ Chế khiến tôi tự hỏi : sẽ có chăng một vụ Nhân vân
Giai phẩm ? rồi hậu quả sẽ ghê gớm đến đâu ?
Chính vì nỗi lo ấy, mà ngay phút đầu, hai anh vừa ở Hà Nội vào, tôi vừa chân ướt chân ráo từ Paris về, tôi đánh liều hỏi thẳng thừng : chuyện gì đang xảy ra ở Hội nhà văn, tại sao anh Chế Lan Viên viết như vậy ? Điều khá bất ngờ, là gần như ngay tức khắc, anh Nguyên Ngọc đã trả lời không tránh né, tuy ngắn gọn, nhưng đủ để tối hiểu bản chất vấn đề. Năm sau, tôi bị cấm cửa, mãi mùa thu 2001 mới có visa về nước. Ở Hà Nội, đến thăm anh Nguyễn Văn Bổng. Nhắc lại cuộc gặp trước, hè 1981, anh Bổng mỉm cười, nói sau đó Nguyên Ngọc nói với anh, câu hỏi thật bất ngờ, lại đến từ một người chưa quen biết, từ xa về, nhưng anh ấy đã quyết định trả lời thẳng thắn. Quan hệ giữa chúng tôi đã bắt đầu từ cuộc hỏi thẳng thừng, đáp thẳng thắn như thế. Từ đó là gần ba mươi năm. Những năm đổi mới, báo Văn Nghệ khởi sắc, tôi vẫn bị cấm cửa, nên chỉ trao đổi với anh bằng những dòng thư ngắn. Sau này, ở Paris, hay trên đường xe hơi chở anh sang dự hội thảo hè ở Munich, hay chuyến đi thăm Đà Nẵng, Tam Kỳ, được anh dẫn đi ăn mì Quảng, tôi có thời gian trò chuyện với anh, nhưng chủ yếu chỉ nói chuyện hiện tại, chuyện dự án (anh dự định mở Trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An, rồi lập Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh...). Tôi không hỏi anh về thời gian 1978-88 ở Hội nhà văn, có lẽ chỉ vì muốn tiết kiệm thời giờ. Khi có dịp nói về quá khứ, tôi thường hỏi anh về Khu V thời kháng chiến chín năm và thời đánh Mỹ vì đó là địa điểm và thời điểm tôi ít hiểu biết... Còn một lẽ nữa, là khoảng giữa thập niên 90, một người bạn thân của anh ghé qua Pháp, đã cho tôi một bản chụp bản thảo chương hồi ký Hoà Bình Khó Nhọc, với điều kiện "chỉ để anh đọc, không đưa ai, không nói với ai".
Quen làm báo, tuân thủ nguyên tắc bảo vệ
nguồn tin, tôi giữ đúng lời hứa, đọc xong cất kỹ. Kỹ tới mức đôi khi
muốn đọc lại mà tìm không ra. Vừa qua, đi xem phim Trang giấy trằng của
đạo diễn Hồ Quang Minh, trong cuộc thảo luận của câu lạc bộ YĐA xoáy
quanh tình hình Campuchia dưới thời Pôn Pốt, tôi chợt nhớ tới những
trang viết của Nguyên Ngọc về chuyến đi "quyết định" của anh năm 1979 ở
Campuchia, và hứa với các bạn, tôi đang dọn nhà, cho mấy ngàn cuốn sách
vào thùng để tặng các thư viện, sẽ cố tìm lại tập hồi ký Nguyên Ngọc và
xin phép công bố.
May thay, năm ngày sau, mở ra thùng các-tông gần chót trong phòng, tôi tìm ra 35 trang ấy. Sau một đêm đọc lại, tôi viết ngay thư cho tác giả, đề nghị, nếu anh không tính đợi khi hoàn thành hồi ký mới công bố, thì thiết tha mong anh cho công bố ngay tập bản thảo, mà chủ đề là câu chuyện văn học và không khí chính trị Việt Nam cách đây vừa đúng 40 - 30 năm ; và nếu anh dành cho Diễn Đàn vinh dự ấy, thì tôi sẽ xung phong làm "cậu đánh máy" vì thấy có khả năng "giải mã" mấy chục trang viết tay "xấu như đơn thuốc bác sĩ" của anh.
Dưới đây là toàn văn chương hồi ký ấy của nhà văn Nguyên Ngọc. Nó đã được tác giả kiểm lại, không thay đổi, chỉ thêm một đoạn (chữ nghiêng) để giữ mạch lạc giữa hai phần của chương sách.
Diễn Đàn trân trọng giới thiệu với bạn đọc. Cùng với lời cảm ơn tác giả, chúng tôi mong nhà văn Nguyên Ngọc sớm hoàn thành tập hồi ký chứng từ quý báu này.
Nguyễn Ngọc Giao
15.6.2019
Đọc toàn văn chương hồi ký Nguyên Ngọc : bấm vào
dòng HOÀ BÌNH KHÓ NHỌC.pdf ở dưới.
Các thao tác trên Tài liệu