Hoa cỏ quanh tôi
HOA CỎ QUANH TÔI
Nguyễn Thị Kim Thoa
Những lần đi khám bệnh quanh xóm, những buổi đi dạo trên đường đê bao, tình cờ hay cố ý nhìn thấy những những bông hoa, cây cỏ bên đường, tôi đã cố gắng chụp cho chúng những tấm hình “đẹp” bằng khả năng mình có được. Những hoa cỏ tôi đã biết tên, hoặc hỏi dân địa phương, tôi ghi lại bằng hình ảnh và đôi điều nhớ nghĩ về chúng.
Đây là những bông hoa, cây cỏ tôi chụp ở vùng ngoại ô Sài Gòn, khu phố Hiệp Bình Phước.
HOA LẠC TIÊN
Cạnh nhà có cô gái trẻ chiều chiều đi hái dây nhãn lồng về điều trị chứng động kinh sau tai nạn cho tía. Tôi theo cô gái một đôi lần, đi dọc theo bờ kênh và chụp vài tấm ảnh dây nhãn lồng.
Dây nhãn lồng quê tôi gọi là cây lạc tiên hay cây mắm nêm.
Mùi hăng hăng, vị đắng đắng của lá hay vị chua chua, ngọt ngọt của trái lạc tiên tôi đã thưởng thức từ lúc còn 5 – 6 tuổi.
Trong vườn nhà tôi ngày đó lạc tiên mọc hoang nơi này, nơi kia, cha mẹ tôi không nhổ bỏ đi, cũng không ủ phân tưới nước, nó tự mọc, tự tàn, nhánh này vàng úa, nhánh kia đâm chồi xanh nghít, cây ra hoa, trổ trái quanh năm.
Cha tôi bị chứng mất ngủ kinh niên, mẹ tôi khi thì luộc lá vông nem, lá dâu, khi thì pha trà tim sen, khi thì nấu chè táo đỏ bạch quả, nhưng thứ ngày nào cũng có là nước hãm cây lạc tiên phơi khô.
Lạc tiên hái về gồm cả thân và lá, rửa sạch treo trên các chói tre cho ráo nước, chặt thành từng khúc nhỏ chừng 4 hay 5 phân rồi phơi hai nắng trên những cái nia lớn. Lạc tiên khô được bỏ vào túi lát, cất giữ trên giàn bếp. Mỗi ngày mẹ lấy chừng hai nắm bỏ vào bình tích sứ, pha nước đang sôi, đậy nắp bình hãm chừng mươi phút, bỏ bình sứ vào vỏ trái dừa khô giữ nóng, để dành cho cha uống dần trong ngày.
(...)
Mẹ tôi bảo thời thanh niên cha ngủ rất khỏe nhưng từ khi rời vùng kháng chiến trở về, ngày nào cũng ôm cái ra-đi-ô Philips mỗi sáng, mỗi chiều nghe ngóng tin tức rồi mất ngủ triền miên. Mẹ lại bảo cha mất ngủ một phần cũng do dư chứng của bệnh sốt rét.
Không những cha tôi mất ngủ mà ông cậu Mới, người làm vườn, người bạn vong niên của tôi cũng không ngủ được. Trong căn chòi ở cuối vườn, cái ấm nhôm và bao tải lạc tiên khô đã cho tôi thấy điều đó. Về sau, khi lớn lên, qua sách báo, nhớ lại lời kể của cha, của ông cậu Mới tôi nghiệm ra rằng nhiều người thuộc thế hệ cha, thế hệ ông cậu đã mất ngủ vì một lý do chung là “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”(*).
Cây lạc tiên còn gọi là cây mắm nêm, người Nam bộ gọi là dây chùm bao, dây nhãn lồng, dây lưỡi, người Quảng Nam gọi là dây bầu đường. Người Tày gọi là tay phiên liên, mò pì, quanh mon. Người Thái gọi là cỏ hồng tiên.
Tên khoa học là Passiflora Foetida.
Thành phần hóa học: Quả, hạt và lá có chứa một acide không bền: acid cyahydric và acéton. Quả chín có chứa muối Ca, P, Fe.
__________________________________
(*) lời bài hát Tình Ca của Phạm Duy
Diễn Đàn : Trong bài tuỳ bút này tác giả giới thiệu hơn một chục loài hoa cỏ của đất nước, với tư cách người bác sĩ, người yêu thiên nhiên, nhà thảo mộc học... để kể lại những dịp đã thấy chúng, trong những lần đi dạo, những lần gặp gỡ người thân trong gia đình, bạn bè, các vị sư..., để rồi chụp ảnh, và giới thiệu chúng... qua những cái tên rất dân dã như hoa "mắm nêm" "nhãn lồng" hay chữ nghĩa như "lạc tiên" và cả tên khoa học tiếng latinh nữa, cùng với giá trị y học hay/và ẩm thực của chúng... như trong phần trích dẫn này.
Xin bấm vào đường dẫn tại dòng dưới để xem toàn bài dưới dạng pdf.
Các thao tác trên Tài liệu