Hoàng Hưng đi tìm mặt
HOÀNG HƯNG ĐI TÌM MẶT
(Nhân công bố ebook Tuyển thơ Hoàng Hưng)
Bảy mươi tuổi, cái tuổi có thể tổng kết cái gọi là “sự nghiệp” một đời, cũng có thể mở ra một đoạn đời mới theo cách ở đâu đó người ta gọi bảy mươi tuổi là “bảy mươi năm đầu tiên của đời người”! Với Nàng Thơ, thì ở tuổi này bị Nàng gút-bai là cái chắc. Nhưng ai cấm mình ngoan cố, ai cấm mình tơ tưởng, ai cấm mình hy vọng?
Vậy thì, việc tập họp những bài thơ làm được trong 45 năm sung sức nhất (1961-2005) có thể mang dụng ý “sơ kết” đoạn đời đầu tiên hay “tổng kết” cả đời, còn tùy!
“Nước
mắt một đời
Đổi
một dòng hư ảo thế thôi”
Dẫu sao, hư ảo này cũng rất thật một kiếp sống đầy ngang trái, nghịch lý, dại khôn, tin yêu và thất vọng, khát khao và bất lực, phát điên vì không nói được rồi lại ước mong lẳng lặng tan ra thành lời…
Đúng 10 năm trước, nhân dịp 60 tuổi, tôi đã trình vài NXB ở Việt Nam một bản thảo tuyển tập Thơ HH gồm 108 bài. Mặc dù là bạn của tác giả, các vị Giám đốc không dám cấp giấy phép tuy có vị sau đó lập tức công bố bài viết nhiều sự cảm thông và lời khen trong sách riêng của mình!
Giờ đây, trước khi mời các bạn vào đọc tuyển tập Thơ Hoàng Hưng 1961- 2005 & Những bài viết về Thơ Hoàng Hưng trong dạng EBOOK (PDF), tập sách thứ ba trong bộ sưu tập HHEBOOKS, tôi xin trân trọng giới thiệu bài bình luận của nhà thơ Hoàng Cầm về tập Người đi tìm mặt của HH gần 20 năm trước.
Hoàng Hưng, giữa tuổi 70
HOÀNG HƯNG ĐI TÌM MẶT
Anh
gan se ruột thắt
Sao
ai nỡ dày vò
Đến
nhàu nát hồn thơ ?
Hoàng Cầm
Nhà thơ Hoàng Hưng, ở Festival Sân khấu Avignon (Pháp). Ảnh H.V.
Nhớ dạo ấy Hoàng Hưng ỳ ạch thúc con Ngựa biển1 vào đời ngỡ như mặt mình. Được một lúc thì anh ngớ ra, thấy như không phải – Thế là anh trốn biệt. Đến sáu năm, anh lại tự giới thiệu, Hoàng Hưng đây Người đi tìm mặt2. Vì cái tên cuốn sách như một lời mời gọi, vẻ như e lệ, ngỡ ngàng và trăn trở, ngơ ngác, tôi bỗng hoá người đi tìm – theo anh và cùng anh. Có lẽ anh vẫn ngờ ngợ, chả biết cái mặt mình nó nấp ở chỗ nào trong cuộc sống vô cùng rắc rối và lắm mặt này, nhưng có lẽ tôi, khi đọc đi đọc lại năm bảy lần cuốn sách vuông mỏng mảnh y hệt cái mỏng mảnh của mỗi kiếp lụỵ, nặng nợ – càng nặng nợ hơn so với người bình thường khác vì chót đa mang cái nghiệp thơ vốn dĩ chẳng mấy khi suôn sẻ – thì, chợt tôi thấy hoá ra mình với anh ta là đồng bệnh. Xưa, người ta nói đồng bệnh tương liên, bây giờ trước những trang thơ quằn quại này, tôi xin nói: “đồng bệnh tương... tầm!” Không phải “tầm chương trích cú” mà đúng là tầm... tìm dung nhan, hay tìm chân dung thì phải. Vì lẽ đó, trong nội dung bài viết này, tôi không đụng đến những bài gọi là “thể nghiệm” của một nhà thơ đang băn khoăn nhiều về thi pháp. Tôi chỉ nói về “nỗi niềm thơ” của Hoàng Hưng mà thôi.
Khổ! Con người ấy rời ghế nhà trường, bước vào đời đã tự nguyện chấp nhận sóng gió cơ mà, ừ, thì đấy, cứ tung lên quật xuống đi! Chấp nhận rồi mà nào được yên thân làm một chiếc lá rách! Thà làm một anh kí phán “sớm vác ô đi tối vác về” có tí đồng lương nuôi vợ nuôi con! Nếu thế thì đã đi một nhẽ. Khốn khổ! Lại đeo đẳng cái nghiệp thơ quái ác, anh ta cứ phải tìm đến những bậc cha anh từ bao nhiêu thế kỉ, từ tám chín phương trời. Chịu khó học, để rồi trăn trở với châu ngọc bọc trong chắt lọc tinh hoa cười khóc, niềm yêu thương đùm bọc từ ngàn hương hoa ngát đến chân tơ kẽ tóc của thi ca mới ân cần quyến rũ làm sao! Không thể, sau mỗi lần vấp ngã, mỗi trận đòn đau mà dứt được nghiệp dĩ! Phải viết để phơi gan, giãi óc trước cuộc đời mà anh yêu, lắm phen yêu đến cuồng nộ khi chẳng may cái mình yêu lại trở mặt phũ phàng với mình.
Quá yêu nên mới mải mê tìm – tìm một hình thù giải đáp. Trước cái vô cùng của vũ trụ, cái cực nhục của mỗi kiếp người, anh cứ hỏi, hỏi từ quá vãng đến mai sau, từ sợi cỏ may đến cái nền đá trắng lạnh, nào, mình là ai đây, là thế nào đây ? Cuộc sống trong muôn mặt của nó đến từ đâu, sẽ đi đến đâu ?
Chẳng có một lời giải đáp. Cả đến Chúa trời cũng im như không có Chúa
Không
có Chúa cho người xưng tội
Chỉ
chờ xem trừng phạt lúc nào?
Gần anh nhất, thương anh nhất chỉ có vợ, là Em. Đọc thật chuẩn là Em Mờ, dẫu thương anh, Em cũng mịt mờ trước số phận:
Em
linh cảm suốt một đời dằn dọc
Em
bận tâm giải nghiệm những chiêm
bao
Thế thì còn ai nữa ? Có khi Hưng đành thôi, phó mặc trời đất, hơi đâu mà luẩn quẩn – Thà cứ xếp bằng như Đức Phật ngồi tù.
Nói thế chứ, làm sao thoát được những cơn đau quái ác vì còn phải sống, còn phải, lúc cần, quăng hết bản thân mình, để nuôi dưỡng những bản thể khác mà anh yêu lắm. Nhưng:
Kiếp
này anh lại vụng
Có
còn kiếp khác không em
Hưng thương người Em Mờ ấy quá, lắm lúc không biết đến thân mình nữa:
Tay
quờ sang Em
Ngày
buồn ăn cả vào đêm
Em
ngồi như núi lặng im mà buồn
Cái kiếp Hưng nó nặng nghiệp oan gia. Chỉ mong nói ra được. Như con chó đen trong đêm gừ gừ, âm ấm sùng sục cái
Nỗi
ngứa ngáy tiền kiếp
Phát
điên vì không nói được
Có một thời, không biết Hưng ở cõi nào về với gia đình, mà đến nỗi... vợ khóc một đêm, con lạ một ngày, đến nỗi... bước vào cửa người quen tái mặt, thậm chí giật mình... một cái vỗ vai.
Xa nữa, có một thời... Dạo ấy, Hưng còn trẻ lắm mà: Một trăm bạc rượu tới Thiên đường – Tới thiên đường mà sao dễ thế, và rẻ thế! Anh mới tuổi ba mươi bỗng có một đêm, trên thiên đường ấy, anh đã “mất tân vì cô điếm ế”.
Đời sống đã làm anh hoá đá, nhưng vì anh còn là một đấng người, lại thêm: đấng–người–thơ, nên dù hoá đá thì vẫn biết rùng mình vì một hạt mưa.
Anh đã sống một thời gì mà:
...gần
đất xa trời
Ngủ
là xum họp với người cõi âm
Tỉnh
ra là chết âm thầm
Cái kiếp hoàn toàn bất hạnh. Chả biết từ đâu, bất hạnh cứ dội xuống như mưa đá. Nhưng, tôi biết nếu không có phương tiện nói ra – nói ra được là nguôi được – thì sao đây ? Điên ư ? Hay phá phách đời mình ư ? May cho Hưng là còn có Thơ để giải oan khiên u uất của mình lên trang giấy ấm áp tình Người. Người viết hoa, mà anh tin và gửi gắm nhiều hi vọng.
Thế thì tại sao có đôi ba người nào đấy cứ tỏ ra bực bội khó chịu khi Hưng tự bộc bạch? Phải thiết tha với cuộc sống lắm, tôi nhấn mạnh: cuộc sống của dân tộc, của nước Việt Nam yêu quý – mới biết kêu lên để tồn tại, để làm việc gì đấy hữu ích cho đất nước. Nếu không thì tự cho mình một viên đạn vào đầu lại dễ. Sống được, thật khó. Hưng đã can đảm chấp nhận và kêu lên nỗi đau của chính mình – có thể là của vợ con mình, kêu giùm người khác nữa. Thiết nghĩ đó cũng là cái quyền sống sơ đẳng của một con người. Dẫu ghét anh ta đến mấy, ta cũng nên thừa nhận cho anh Hoàng Hưng cái quyền nhỏ nhoi và đau đớn ấy chứ ?
Phải nói, từ Ngựa biển đến giờ, tôi cũng được đọc ít nhiều tập thơ của các bạn ít tuổi hơn, cách mình một hoặc hai ba thế hệ - đến Người đi tìm mặt thì, với số lượng quá ít ỏi nước mắt, (tuổi già giọt lệ như sương ấy mà) tôi đã khóc được đôi lần. Khóc được thì nhẹ người. Vì cũng đã lâu, đến tập thơ này, tôi bắt gặp nhiều câu thật hay, thật hiện đại mà vẫn bình dị trong truyền thống cảm nghĩ Việt Nam. Hình tượng: Chiếc phi cơ ra đi trong đêm rồi người thơ hỏi vào không trung:
Biết về đâu mà rơi
cứ làm tôi se lòng thắt ruột. Khổ! Ấy vậy đấy! Số phận một con người trước vô cùng trời đất và sâu thẳm lòng người.
Ngày
ấy mắt em xanh
Yêu
anh mắt em bạc vì nước mắt
Những câu thơ đơn côi, không ra khỏi lòng tôi được nữa
Cái
mùi mồ hôi nước hoa
Đêm
nhiều hang ổ mà ta một mình
Tôi đã ứa nước mắt, do một câu thơ Hoàng Hưng hay đến sững sờ, đến ngơ ngác:
Anh
đánh mất mùi anh trên những sàn
đá lạ
Chỉ
còn mưa mùi nước mắt đêm
Chẳng biết cái gì đã thúc đẩy anh vào một cái rãnh chật, cạn nước chỉ còn bùn. Anh quẫy cựa. Anh sã cánh, tơi tả hết lông cánh như bị nhốt trong cái lồng bê tông vài mét khối. Anh thấm thía nông nỗi ấy đến
Ba
năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười
năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một tập thơ căng mọng sự thật. Mỗi chữ mỗi dòng đều từ sự thật mà ứa ra, bật ra, bung ra. Những con chữ vỡ, nổ. Để, thật ra, qua tập thơ này, Hoàng Hưng đã tìm thấy mặt mình tuy anh không dám nhận, không phải vì khiêm tốn, mà anh rất thật lòng, cảm thấy mình chưa vẽ được trọn vẹn chân dung mình, anh thú nhận:
Quên
ngay từng bước vừa đi
Không
biết chỗ bàn chân đặt tới
Vì Hưng này không đếm sang đến B. Từ A anh đi quanh quẩn mãi chỉ tìm thấy A rồi lại trở về A. Như toán học thì người ta viết A, A' rồi A''. Hoàng Hưng là thi sĩ tìm nỗi Đau, ta viết tắt là Đ; anh chỉ tìm thấy Đ và anh lại luẩn quẩn phát hiện ra nỗi đau tiền kiếp. Như Đ, Đ' rồi lại đến Đ''.
Đó là nỗi trằn trọc, băn khoăn, day dứt vào nửa cuối thế kỷ XX mà sau hai cuộc tổng chiến khủng khiếp, tưởng là sau những Postdam, những Nuremberg, Paris, những Genève... sẽ yên ổn cả hoá ra... Chao ôi !
Thơ
đi tìm mặt Thơ đây
Khiếp
thay mặt đất! Khổ thay mặt mình!
Một cuộc tìm kiếm cũng bất tận. Kết thúc sẽ là hư vô. Anh biết trước như vậy, nhưng anh vẫn muốn xông vào hư vô nữa mà tìm. Có nhà thơ đã nói:
Tôi bắt đầu đi, nghĩa là tôi đã đến
Nhưng "đến" để rồi làm gì? Có lẽ rất ít thi sĩ nào trên quả đất này lại "dừng" để hưởng thụ cái thành đạt - dẫu rằng lớn lao - của một tập thơ, kể cả một đời thơ. Ngay từ lúc sống, có lúc anh ta đã muốn đi vào cái chết để tìm xem phía sau cái chết là gì nữa cơ!
Tôi mong các bạn, trước những trang viết bằng máu và nước mắt, hãy mở tấm lòng độ lượng vị tha.
"La
douleur fait les grands poètes"
(Nỗi
đau làm nên những thi sĩ lớn)
Alfred de Musset
Không thông cảm mà cứ đọc, trước hết là thấy thơ quái gì mà khó hiểu thế. Đã không chịu hiểu thì liền kết tội nó là "đánh đố" thậm chí là xấu nữa, (tuy mấy năm gần đây quả thật cũng xuất hiện lác đác một số bài thơ vô cảm, vô nghĩa, viết bằng lối làm xiếc chữ nhưng độc giả vẫn cần bình tĩnh xem xét và phân biệt thực hư) trong khi nó đang ngửa mặt chờ những tia mắt yêu thương đấy. Đôi khi cũng có vài ba nhà thơ sống ung dung, xe ngựa, lâu đài sênh sang, gặp toàn may mắn. Nhưng cũng chính vì thế mà mất Thơ. Còn phần lớn đều phải chịu những nỗi đời đau khổ, thậm chí oan khiên. Nếu có phải nói lên một cái gì đó thì người thi sĩ chỉ chống đỡ với nỗi đau đang cắn xé mình và chống trả cái ác đang còn làm khổ mình và khổ cả thiên hạ. Còn thì người thơ, anh ta (hay chị ta) toàn là người lành, người hiền nhất dưới gầm trời này. Nếu có nổi lên một hình bóng nào của anh (hay chị) ta thì cũng bất quá là:
Cái
quay búng sẵn trên trời
Mờ
mờ nhân ảnh như người đi đêm
(Nguyễn Gia Thiều)
Tôi mong - và điều này, từ khi văn nghệ bước vào cuộc Đổi Mới đất nước, tôi mong ngày càng có nhiều bạn cảm thông được với mỗi chữ tâm huyết của người thơ, chia sẻ với anh ấy (hoặc chị ấy) những lo toan, ưu phiền, những quằn quại trong cơn đau sáng tạo, cơn đau của người mẹ sinh nở và cùng ghé vai gánh đỡ người thơ cái nghiệp quá nặng để rồi có thể cùng anh ấy hay chị ấy đi tìm mặt mình, bộ mặt ấy là cái gì đây, là thế nào đây, sẽ ra sao đây trong cõi nhân gian còn đầy rắc rối, đầy hiểm hóc và đầy bí ẩn ?
Hoàng Hưng đã đi tới một tính cách rõ rệt trong thơ. Nỗi quằn quại của đời anh, ngòi bút anh đang nói với chúng ta đôi điều mới lạ về số phận con người. Anh còn phải tiếp tục đi nữa, hoàn chỉnh nhân cách thi sĩ, nhìn thẳng vào số phận nghiệt ngã của mình và có thể của nhiều người khác nữa. Anh còn đi kể cả có lúc:
...Quên
ngay từng bước vừa đi
Không
biết chỗ bàn chân đặt tới.
Hà Nội, cuối tháng 4/1994
(Báo Văn Nghệ 1994; Văn xuôi Hoàng Cầm, NX B Văn Học, 1999)
1 Tập thơ của Hoàng Hưng, NXB Trẻ, 1988
2 Tập thơ của HH, NXB Văn hoá Thông tin, 1993
Bạn muốn đọc toàn bộ tuyển tập Thơ HH xin mở file PDF đính kèm:
Các thao tác trên Tài liệu