Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nguyễn Thanh Hiện, kẻ hát rong phận người

Nguyễn Thanh Hiện, kẻ hát rong phận người

- Nguyễn Thanh Hiện & Hàn Thuỷ — published 01/08/2013 23:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Giới thiệu trường ca "những bài hát rong đương đại"


Nguyễn Thanh Hiện,
kẻ hát rong phận người


(Giới thiệu trường ca
"những bài hát rong đương đại")


Hàn Thuỷ


Mỗi thi pháp là một bản thể luận.
Diễn từ kỷ niệm Dante

Toute poétique est une ontologie.
Pour Dante, 20/04/1965

Saint John Perse



Thi pháp Nguyễn Thanh Hiện không ngoại lệ.

Có thể nói đến "thi pháp" không ? có thể. Vì các bài thơ của Nguyễn Thanh Hiện mang một dấu ấn độc đáo trong thơ Việt đương đại. Tác giả là một người làm thơ đã thành danh, từ lâu thường xuất hiện trên các trang mạng văn chương Da MàuTiền Vệ, ngoài ra toàn bộ các tác phẩm rất phong phú của ông được xuất bản trên trang cá nhân http://nguyenthanhhien.com/. Riêng Diễn Đàn cũng đã hân hạnh đăng 20 bài của ông dù bắt đầu muộn, chưa tới ba năm trước. Thơ văn xuôi, thơ không vần hay văn xuôi có nhạc điệu để nói chung về một loại văn bản mà ta mơ hồ nhận ra nhưng khó gọi tên, vì nó đã phá vỡ biên giới thể loại – ở Việt Nam ; tuy hiện nay vẫn còn ít được sử dụng nhưng không phải không có từ trước. Có lẽ độc giả Việt Nam đã quen thuộc và chấp nhận vẻ đẹp của nó, ít ra là từ những bản dịch thơ Tagore từ những năm 1960 của nhiều người ở cả miền Nam và miền Bắc. Nhưng sáng tác những bài thơ/truyện vừa phức tạp, phong phú, lại vừa tự nhiên, phóng khoáng, như Nguyễn Thanh Hiện – cả về nội dung lẫn hình thức, đến độ mà, thực ra gọi nhiều sáng tác của ông là thơ hay là truyện đều không có gì quan trọng – thì người viết bài này không được biết có ai khác.

Và có nên nói đến một "bản thể luận" không ? dĩ nhiên nên. Trong chừng mực mà thơ, thứ thơ đích thực, không làm gì khác hơn là nói về bản thể. Bởi vì thứ thơ ấy nói về những gì người làm thơ cảm nhận và suy tư ở chốn sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình, nơi ngụ cư của bản thể, dù thi sĩ có ý thức về điều đó hay không. 

Những dòng thơ như thế, những dòng thơ :

...
mơ hồ, không thể chất, thuần khiết
ngu ngơ,
minh giác thuần khiết
của người tinh khôi chất phác
...

Thơ, La Poesía, Pablo Neruda
Hàn Thuỷ dịch

Thì dù nói về điều gì cũng chính là nói về bản thể. Thơ nói về bản thể, cho nên mỗi thi pháp là một bản thể luận.

*

Trường ca những bài hát rong đương đại còn là một cuộc truy tìm bản thể có ý thức tự thân. Để thấy điều này, hãy đọc đoạn mở đầu chương một, gồm một trích dẫn Saint John Perse và một đoạn thơ Nguyễn Thanh Hiện tiếp liền :


Con người đặt vào bàn tay cho ta trái khổ.
Người xa lạ. Người đi qua. Và đây là tiếng động
vang xa trong sắc đồng cây gỗ. Hoa hồng và
nhựa, quà tặng của bài ca. Và tiếng sấm, và tiếng
sáo trong nhà…
*

Saint John Perse


Và một hôm, vào cuối thế kỷ, con rắn đen bỗng
trườn vào làng Cù của ta, là nhà người đang mang
trong mình những nọc độc của rắn, con rắn đen
vừa trườn vào làng, vừa nói, và ta, Người Gieo Hạt,
ta phải lập tức thay đổi những cách nhìn bấy lâu
về thế giới…


Và thế là nhân vật chính rời làng Cù để đi chu du, và hát lên bài rong ca đương đại về cuộc chu du ấy. Chu du những đâu, để làm gì, và tại sao hát ?

Và, ngay từ trang đầu tiên của tập thơ, tác giả đã viết :


Ta biết là ngươi đang đi về
phía Mesopotamia, đi về phía
đông Mediterranean Sea,
biển Giữa, nhưng làm sao mà
ngươi biết hát?


Thưa, tự thuở sơ khai loài
người đã biết hát, hết thảy
những khúc hát ấy là nằm
trong ký ức nhân loại, nay chỉ
làm mỗi việc nhớ lại mà thôi.


Hát, là cất lên tiếng nói uyên nguyên của bản thể, để trả lời câu hỏi ta là ai ? Vẫn là người làng Cù mà không còn là người làng Cù, vì người hát rong vừa hát với ta về làng Cù đã rời đi, để săn tìm chính mình qua những cái nôi của văn hoá con người, ở thời đại chúng đang thành hình, nhiều thiên niên kỷ trước : Sumer, Ai Cập, Hy Lạp, Crete... để hân hoan, để căm giận, để phê phán hay chấp nhận những gì đến với con người, hình thành nên phận người. Kẻ hát rong này hát về phận người chứ không chỉ về một thân phận...

Ta là ta, và ta cũng là tổng thể văn hoá mà ta đã thừa hưởng từ những người khác. Cũng như thế, Nguyễn Thanh Hiện đã sử dụng hình thức kể chuyện "tân sử thi (néo-épopée)" của Dante trong "La divina commedia (Câu chuyện thần thánh)**" : dùng ngôi thứ nhất kể lại một cuộc du hành trong thế giới ảo ; cộng với một bút pháp "thơ văn xuôi" rất gần Saint John Perse... để cất lên tiếng hát của Nguyễn Thanh Hiện, không là của ai khác. Vì, khác với thế giới trong tân sử thi của Dante, một thế giới ảo xây dựng bằng những niềm tin tôn giáo Trung cổ, thế giới trong tân sử thi của Nguyễn Thanh Hiện chỉ ảo trong độ lệch thời gian mà thôi, đó là thế giới thực của lịch sử loài người nhiều thiên niên kỷ trước. Còn vì, bút pháp có thể giống nhau, nhưng thi pháp thì không, bút pháp chỉ là cái vỏ hình thức của thi pháp, thi pháp đích thực phải là sự thống nhất tự nhiên không gượng ép của hình thức và nội dung, nó là bộ phận của ngôn ngữ, cái chuyên chở của cả một nền văn hoá trong trạng thái sinh động của nó.

*

Câu hỏi đặt ra là : mang theo ngôn ngữ của làng Cù, một mình một ngựa lang thang vào những miền đất nguồn cội khác của phận người, khi kẻ hát rong trở về thì dân làng Cù sẽ tiếp nhận tiếng hát như thế nào ? Bởi ngôn ngữ luôn chuyển tải một bản sắc văn hoá; khi trở về, bản sắc văn hoá đã khác, thì ngôn ngữ cũng sẽ phải khác đi. "Sáng tạo đó là nhiệm vụ được truyền thừa của nhà thơ về ngôn ngữ (Telle est l’obligation filiale du poète envers la langue créatrice... Pour Dante, Saint John Perse) ".

Truyền thừa và sáng tạo : một sứ mệnh nhiều bất trắc ! vì sáng tạo sẽ chỉ tồn tại khi được chấp nhận để trở thành một phần của truyền thừa tương lai. Vậy hãy để thời gian trả lời, và hãy tham dự vào quá trình này : quá trình một dân tộc chấp nhận hay không nhà thơ như một người nói lên được tiếng nói của mình.


Tôi không có khả năng bàn nhiều hơn về thi pháp Nguyễn Thanh Hiện, cũng không thể tóm tắt những gì người hát rong đương đại này kể lại, chỉ xin mời bạn đọc mở cuốn tân sử thi "những bài hát rong đương đại" dưới đây (bằng cách bấm vào dòng cuối của bài giới thiệu này), để tự mình tiếp nhận, thưởng thức và thẩm định.

Để mời bạn đọc làm quen, xin trích dẫn vài bài trong số hàng trăm bài thơ trong tác phẩm tân sử thi này, mà người hát rong đem về cho chúng ta sau cuộc phiêu bồng trong thế giới ảo của ông, mà chúng ta vốn cũng có phần chia sẻ.


Hàn Thuỷ





và ai đang nói
về những thằng mặt trắng

con đường vào làng nói với ta, rằng suốt những nghìn năm qua là chưa bao giờ phải buồn phiền vì một điều gì do người làng mang lại, con đường vào làng là khúc ruột bao dung, bà mẹ bao dung rứt ra từ niềm trắc ẩn đem đặt giữa chốn thế gian phiền tạp, con đường vào làng nói với ta, rằng cái khúc ruột rứt ra từ niềm trắc ẩn ấy là quyết cùng sống chết với người làng, nhưng một hôm, bỗng nghe bước chân thô bạo của ai đó dẫm trên đường, thì ra là những thằng mặt trắng, bọn chúng nói là bọn chúng đi thu hồi sự tự do của những kẻ đang sống trong làng, đã đủ quá rồi bởi bấy lâu là con người vẫn được đi lại dưới bầu trời cao xanh, những thằng mặt trắng nói, và tiếp tục bước đi, chúng nói là chúng theo lệnh của những vị thần trên cao đi lấy lại tự do của người làng, con đường vào làng nói với ta bấy giờ thì cả con đường gồng mình lên, hét, hỡi những thằng mặt trắng hãy thôi đi thói xu nịnh, chớ đem chữ nghĩa của con người ra ca ngợi sự tăm tối, bấy giờ thì những thằng mặt trắng cũng chường những gương mặt có chữ nghĩa ra mà cãi, rằng thật sự là chúng chỉ theo lệnh của những vị thần trên cao đi thu lại tự do của những người đã dùng bấy lâu để đem ban phát cho những nơi còn thiếu, con đường vào làng nói với ta bấy giờ thì chẳng hiểu sao khúc ruột rứt ra từ niềm trắc ẩn chẳng thể giữ được sự trắc ẩn vốn có của mình khi nghe có những nơi nào đó chẳng có tự do, là cả con đường cứ gồng mình, hét lên, hỡi những thằng mặt trắng hãy thôi đi thói giả dối, không tự do thì ngay cả các vị thần trên cao cũng sẽ trở thành đất đá, cả con đường vào làng là cứ gồng mình lên thành những đèo, dốc, thành những hang, hố, lũ mặt trắng lớp ngoi ngóp dưới những hang hố, lớp tháo chạy trở lui, con đường vào làng nói với ta, rằng đã trừ được lũ mặt trắng ấy, nhưng giống người mặt trắng ấy thời nay đông lắm, nên cứ sợ một ngày nào bọn chúng lại quay lại phá nát con đường vào làng…





và ký ức của một vùng đất



treo giữa tồn tại là một Babylon lộng lẫy

thứ kỳ công vang danh mặt đất

và lịch sử con người có thể hô to lên

hoan hô đức vua Hammurabi

hoan hô nhà thiết kế thời đại Hammurabi

( cái cách thiết kế của ông là cả vùng đất giữa hai sông

phải thuộc về đất nước Babylon vĩ đại )

và ta cứ tưởng luật Hammurabi là trường tồn trên đá

cứ tưởng học thuyết Hammurabi vĩ đại của nước Babylon vĩ đại là chiến thắng được thời gian

hãy để cho kẻ đàn áp được khiếu kiện

và được xuất hiện trước pho tượng của trẫm

ta cứ tưởng những lời lẽ được nói ra từ cửa miệng vua Hammurabi sẽ trở thành chân lý lịch sử

nhưng từ cao nguyên Anatolia đã đổ về những chiến xa chạy bằng bánh sắt

và đám người man rợ rất xa lạ với từ ngữ văn minh

nhà thiết kế vĩ đại Hammurabi là chỉ vĩ đại với những thành phố buổi bình mình

trước mắt người anh hùng Murshili của xứ sở Hittite man rợ ông cũng chỉ là để cho tên đạn

vĩnh hằng trong giấc mơ con người cũng chỉ như ngọn gió mùa thu

thổi qua ký ức loài ong về một bông hoa không tên nào đó

nở vào một ngày mùa xuân nào đó



ta còn đang băn khoăn về sự biến đổi của thế giới

thì vị thần nào đó đã lên tiếng trong ta bảo chớ có nghĩ ngợi

bởi đó là thời của suy tàn





và ta đã có lỗi với người ấy



cuối cùng thì ta cũng đã trở lại đất nước sông Nile

người giữ vườn bấy giờ chẳng phải em mà là một người con trai có đôi mắt màu tro

đang vào mùa nho chín

có lẽ những người hái nho đang vội vã trong việc hái nho cho kịp trước khi cơn mưa trái mùa đổ xuống

nên chẳng ai nhìn thấy ta từ phương đông mới đến

ngựa còn đang thở dốc

còn ta thì vì nôn nóng gặp lại em nên chẳng thấy mệt


sông Nile vẫn lặng lẽ như ngày ấy

và những kim tự tháp vẫn rủ xuống cuộc trần gian những cái bóng nghìn năm ân oán của chúng


mỗi ngày có bao nhiêu người đã đến nơi này để tìm gặp

nhưng nàng thì đã đi làm kẻ hầu hạ cho đức vua thần thánh

cuối cùng thì người con trai cũng đã nói cho ta nghe về việc em đang là nữ nô lệ của pharaoh thần thánh

người con trai có đôi mắt màu tro ta biết là chủ nhân trái tim em từ những mùa nho trước


phải rồi cũng là đang mùa nho chín ta đã cầm lấy tay em khi từ giã em để trở về phương đông

ta đã cầm lấy tay em người con gái mà ta chỉ biết có mỗi điều

là chủ của vườn nho

là ta đã có lỗi với em

lỗi rất nhiều

vì ta chỉ mới biết có mỗi điều em là chủ của vườn nho


cuối cùng thì ta cũng đã trở lại đất nước sông Nile

chưa tạ tội được cùng em

nhưng lại thêm niềm băn khoăn ở trong lòng

sao một vì vua của một đất nước lại không thấy là mình có lỗi khi làm việc ấy đối với em?





Sapho… Sapho



Trăng lặn

để lộ chòm sao khuya

thời khắc cứ trôi

và em vẫn chỏng chơ một mình…


Sapho Sapho

chỉ nhớ tên người nữ sĩ tài hoa đảo Lesbos là người ta có thể nhìn thấy một thời,


Dường người đưa tin đã rời khỏi Crete để nói cho loài người trên mặt đất biết sự hủy diệt là nằm trong nguồn cảm hứng của tồn tại

cơn mưa đổ giữa sáng mùa xuân làm rơi vỡ lá rừng mới nhú trong đêm

và lũ phù du lăn ra chết trong khi vui đón cơn gió mới

nhưng ở Crete không phải gió mưa

mà là những ý nghĩ man rợ kết tụ lại thành sức tàn phá,


Crete vẫn hằng trong trí nhớ nghìn năm

dường người đưa tin đã rời khỏi Crete để nói cho loài người trên mặt đất biết

trong trí nhớ của Crete vẫn còn nguyên những vườn nho

những cô gái hái nho

những con thuyền mang dáng vóc hòn đảo xinh đẹp đến tận miền viễn tây của biển Giữa

trong trí nhớ Crete

vẫn còn nguyên những lời ngợi ca của các vị thần về những người con của Crete đã làm nên những kỳ tích

vẫn còn nguyên gương mặt vua Minoan rạng ngời giữa thứ ánh sáng có tên văn minh Minoan,


dường người đưa tin đã rời khỏi Crete để nói cho hết thảy loài người trên mặt đất biết con quái vật Minnotaur là sinh ra từ văn minh Minoan, chỉ trong chốc lát con quái vật Minnotaur đã phá nát Minoan.


***


Chàng vẫn đến và vẫn làm như thế

còn em vẫn đang đợi

mong dịu đi khát vọng

từng nung nấu trái tim em


Sapho… Sapho

chỉ nhớ đến tên Sapho của đảo Lesbos là người ta đã có thể nhìn thấy một thời,


Dường người đưa tin đã rời khỏi Athens để nói cho loài người trên mặt đất biết nền dân chủ đã được thiết lập ở đó, những người tự do của xứ sở Athens đã tụ tập ở Acropolis, mười hôm lại tụ tập một lần, Acropolis những ngàn năm qua vẫn như dấu vết của niềm mơ ước lớn lao nhất của con người, hỡi những công dân thành Athens, đây là thời các bạn làm chủ đất nước, là thời demokratia, thời dân chủ, niềm mơ ước dường như lần đầu tiên được nói ra thành lời, những lời kỳ diệu dường như là lần đầu tiên được nói ra từ cửa miệng của Cleisthenes, nhà trị nước tài hoa của đất nước Athens,


Nhưng chúng em là nữ công dân, không phải là nam công dân của Athens, nên chúng em chẳng thể hội họp ở Acropolis, nhưng chúng em là nữ nô lệ được mang về Athens từ cuộc chiến ấy, là nữ nô lệ nên chúng em chẳng thể hội họp, ở Athens nô lệ thì nhiều hơn tự do, và nữ công dân cũng đông bằng nam công dân, cho nên ở Athens dân chủ chỉ mới có một nửa,


(...)





* Chú thích của Diễn Đàn: trong bài thơ Anabase, Nguyễn Viết Thắng dịch, trích theo www.thivien.net

** Một tác phẩm nền tảng của ngôn ngữ và văn học Ý, gồm ba tập : Địa ngục, Vùng chuộc tội, Thiên Đường, mỗi tập dài cỡ truyện Kiều.

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss