Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Một thời để nghe Trịnh Công Sơn Khánh Ly

Một thời để nghe Trịnh Công Sơn Khánh Ly

- Hậu Hiền — published 09/08/2022 22:55, cập nhật lần cuối 09/08/2022 22:59

Một thời để nghe Trịnh Công Sơn Khánh Ly


Hậu Hiền


Thân tặng hai bạn nối khố H. và Q.


Không biết từ lúc nào bọn nó bắt đầu biết đến Trịnh Công Sơn ? Những năm đó, dân trường Tây chỉ biết nghe nhạc trẻ Shadows, Beatles, Johnny Halliday, Françoise Hardy, Adamo … từ đĩa hát cỡ nhỏ 45 tours nhập cảng về Sài Gòn đều đều cùng với báo chí Paris Match, France Football, Tintin, Spirou … và các đồ ăn Tây như La Vache Qui Rit, paté, jambon v v …. Trên radio thì ngày nào cũng ra rả Căn Nhà Ngoại Ô hay Nỗi Buồn Hoa Phượng nghe riết thằng nào cũng thuộc lòng lời hát, may bọn nó nhờ sống trong gia đình Bắc Kỳ di cư cũng có thằng nghe được nhạc Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Ban Thăng Long, coi như nhạc của « ông bà già », hoặc chương trình thơ Tao Đàn, « tiếng thi ca của miền Tự Do » qua lời giới thiệu truyền cảm của thi sĩ Đinh Hùng, có thằng còn gồng mình nghe lóm được “Cổ nhạc Bắc phần” (về sau mới biết là ca trù hay chèo !) từ radio ông già để tối tối ! Nhạc sến, nhạc ngoại quốc hay Cổ nhạc Bắc phần, tụi nó không thấy nhạc nào của thế hệ tụi nó cả !

*

Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em
Anh đi tìm màu hoa em cài
Chiều nay nhớ em rồi
Và nhớ áo em đẹp màu thơ
Môi tràn đầy ước mơ


Một hôm, trên radio, nó nghe bài nào lạ hoắc nó thấy sao lời hát lãng mạn nhẹ nhàng quá khác hẳn những bài thường phát. « Quý vị vừa nghe bài Bây giờ tháng mấy của nhạc sĩ Từ Công Phụng do ca sĩ Thanh Lan hát ». Thanh Lan thì nó biết vì cô học Marie Curie nổi tiếng với bản Pendant les Vacances của Sheila trong các gala cuối năm của Trường Tây còn Từ Công Phụng “ca sĩ Chàm” lần đầu tiên nó nghe tên. Lời hát giống như trong thơ mới của Xuân Diệu, Huy Cận mà nó đã đọc trong sách Việt văn của mấy ông anh lớn của nó học trường Việt vì anh em nó chia làm hai phe, hai ông lớn phe Trường Việt, bốn thằng nhỏ trường Tây, cũng lạ là nó không nhớ có ai hỏi ông bà cụ tại sao có sự « chia phe » như vậy ? Nó đoán là lúc mới vào Nam năm 1954 chân ướt chân ráo, chắc ông cụ nhờ ông bạn học cũ làm hiệu trưởng trường Chu Văn An lấy hai cậu con trai vào trung học còn mấy đứa bé thì cho vào trường mẫu giáo tiểu học Tây hết. Lớn lên mấy đứa bé vào Saint Exupéry rồi Jean-Jacques Rousseau hết, dù có một thời nó lăm le “bị” nhảy vào Petrus Ký (xem hồi ký « Thánh Nhân trong Thảo Cầm Viên »).

Trở lại Từ Công Phụng, một thời gian sau, nó thấy trên báo đăng tin buổi hòa nhạc ra mắt Từ Công Phụng miễn phí tại Trường Cao Đẳng Nông Lâm Súc đường Đinh Tiên Hoàng, thành Cộng Hòa cũ. Nó mừng quá, chạy đến nhà mấy thằng bạn rủ tụi nó đi nghe nhưng chẳng thằng nào biết Từ Công Phụng là ai cả, nó bực quá nó la toáng lên « Tụi mày không thằng nào chịu đi hả ? Thì tao đi một mình ». Sitôt dit, sitôt fait ! (Nói xong, làm liền - chú thích của DĐ) Nó muốn chứng tỏ cho đám bạn nó là nó có thể đi chơi một mình không cần tụi nó. Khi nó đến trường Nông Lâm Súc, hội trường đã đầy người, nó tìm được một chỗ tuốt trên cao, có một mình nó mặt non choẹt, hồi đó nó chừng 15, 16 tuổi, chung quanh toàn là sinh viên con trai sơ mi dài tay bỏ trong quần, con gái mặc áo dài. Rồi Từ Công Phụng lên sân khấu, tướng chàng cao lớn mặt mày đen đũi tóc quăn đúng là người Chàm còn Thanh Lan lần này mặc áo dài màu vàng rực rỡ tươi cười với nốt ruồi duyên cố hữu trên môi. Hai người rất tự nhiên lúc nói chuyện cười đùa lúc đàn hát như trong vòng thân mật, Bây Giờ Tháng Mấy, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, nó nhớ nhất hai bài này. Tối hôm đó, nó đi về trong lòng thật sung sướng vì đã dám đi nghe nhạc một mình lần đầu tiên mà nhạc thật hay đúng ý nó.

Từ đó nó gồng mình đi nghe nhạc một mình mỗi khi có một đêm nhạc sinh viên có tính chất văn hóa, trở về dân tộc (xem hồi ký đã dẫn) vì đối với nó và mấy thằng bạn học trường Tây tụi nó cảm thấy như đang sống trên một mảnh đất khô cằn không được dòng nước tươi mát tưới tẩm đến từ thâm sâu của lòng đất nghìn năm cha ông đã sống và nuôi dưỡng. Tụi nó đang bị dằn vặt trong cơn khát khủng khiếp trong khung cảnh chiến tranh ý thức hệ phi lý không có chỗ cho tình tự dân tộc. Một buổi tối khác, nó được biết, một nhạc sĩ trẻ hát nhạc du ca - mà khác với Gió Khơi hay Nguyễn Đức Quang của Xin Chọn Nơi Này Làm Quê Hương – sẽ ra mắt tập nhạc với bài « Gia Tài Của Mẹ » bắt đầu được dư luận thiên hạ bàn tán khắp Sài Gòn. Buổi hát này, nó nhớ mãi, diễn ra trong một phòng học chật chội ở dưới tầng trệt không có cửa sổ với hai ba bóng đèn lờ mờ soi sáng. Vậy mà khán giả ngồi chật hết dưới đất, chỉ có vài chiếc ghế cho mấy cô áo dài ngồi. Đứng giữa đám đông, một người đàn ông chừng 30 tuổi trán cao đeo kính vuông gọng đen ôm đàn giới thiệu bài hát bằng giọng Huế nặng, anh ta hát say sưa về “người con gái Việt Nam da vàng”, về “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, về “người yêu ở Chiến Khu D chết trận Đồng Xoài”,… đôi mắt mở to, giọng hát bay cao, như có lửa, như muốn báo động người nghe về một thảm họa một đám cháy lớn đang thiêu hủy quê hương đồng bào, và thúc giục tuổi trẻ thành phố phải đứng lên làm một cái gì. Buổi hát kết thúc, khán giả vỗ tay nồng nhiệt, người ta bu lại mua tập nhạc và xin chữ ký của nhạc sĩ. Tối hôm đó, nó về nhà với tập nhạc “Ca Khúc Da Vàng” gáy buộc bằng giây chỉ với chữ ký « Trịnh Công Sơn » chiếm hết trang đầu.

Mấy thằng bạn được nó kể lại khoái lắm hứa bắt đầu từ nay « Tụi mình chắc chắn phải đi chung với nhau ». Tiếng tăm Trịnh Công Sơn lúc bấy giờ đã nổi như cồn, gần như tháng nào cũng có buổi trình diễn. Hôm đó gần đến Noel, ngày 20/12 thì phải, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly có buổi hát ở Quán Gió, theo thằng Q.

- Mình hẹn nhau thẳng Quán Gió lúc 7g tối nghe mày K. ? Tao với thằng Q. đi Honda đến thẳng đó, thằng H. dặn nó.

- Mà tại sao tụi bây không đến nhà tao rồi đi chung luôn cho vui ? Nó hỏi lại.

- Ghé qua nhà mày mất công lắm, phải đánh một vòng lớn trong khi nhà thằng Q. gần nhà tao, tao đến đón nó rồi đi thẳng đến Quán Gió luôn, H. trả lời

- « Tụi bây lúc nào cũng cặp kê, giống như hai thằng « bê đê » vậy ! nó bực nó chọc tức hai đứa.

- Còn mày thì bị « complexe d’abandon » ( Mặc cảm bị bỏ rơi - chú thích của DĐ), thằng H. phá lên cười.

Thế là tối hôm đó tụi nó đi riêng. Từ nhà nó đến Quán Gió cũng không xa. Quán Gió nằm trong khu đất trống đường Lê Thánh Tôn sau Đại học Văn Khoa, nơi này sinh viên hay tụ tập cắm trại tổ chức văn nghệ hát hò mỗi cuối tuần hay dịp hè. Nó gửi xe Puchs xong rồi đi bộ đến quán. Nó ngạc nhiên không thấy hai thằng bạn đâu chỉ thấy lèo tèo chừng hai ba chục sinh viên trong khi mấy buổi hát Trịnh Công Sơn có khi đến cả trăm người đông nghẹt không có chỗ đứng. Một lúc sau, vài người mang đàn trống ra giới thiệu chương trình văn nghệ của ban Gió Khơi ! Nó nhủ thầm « Chết cha ! Hay thằng H. nó lộn mẹ nó chỗ rồi ! Trịnh Công Sơn thì không thấy đâu chỉ thấy Gió (Hát) Khơi (Khơi) ! ». Mà hát kiểu gì đâu kiểu hướng đạo « Đoàn ta vui bước đi đường mưa gió về, Còn nghe vang dư âm bao lời ca âu yếm .. ». Chán quá ! Nó quay sang hỏi người bên cạnh « Xin lỗi anh ! Đây có phải Quán Gió không anh ? » « À không anh ! Đây là Quán Văn anh ! ». Nó trợn mắt, há hốc mồm, ú ớ « Vậy hả anh ? Quán … Văn, quán Văn ». Lặng người một lúc, nó nghĩ thôi thì lỡ rồi, bây giờ chạy đến Quán Gió ở thành Cộng Hòa cũng trễ người ta đông nghẹt cũng khó lòng lọt vào, « chi bằng » cứ ở đây nghe khơi khơi một lúc chán thì về, để tháng sau sẽ có buổi Trịnh Công Sơn khác, lo gì. Nó ngồi một hồi, ngáp lên ngáp xuống, nó kín đáo lỉnh ra phía sau lấy xe gắn máy chuồn về nhà.

Sáng hôm sau, nó gặp hai thằng H. và Q. lúc nghỉ giải lao ở sân trường, nó thấy hai đứa mặt hớt hơ hớt hải hai mắt trợn trừng, chỉ nói được mỗi một câu « K. ơi ! Khủng khiếp lắm ! Tối hôm qua khủng khiếp lắm !  để yên tao kể cho mày nghe. Tao với thằng Q. đến từ 7 giờ mà chỗ hát ở ngoài trời đã đầy người, tao thấy có một đám sinh viên Tây, có người bảo là sinh viên phản chiến Mỹ. Người đến trước ngồi đầy vòng trong, ai đến sau nửa đứng nửa ngồi, không thấy đường thì phải đứng dậy, đang nhốn nháo giành chỗ của nhau thì nghe tiếng vỗ tay ào ào, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly bước ra tươi cười, TCS đeo cái đàn ghi ta cố hữu, Khánh Ly mặc áo dài, đi chân đất, dáng đứng liêu trai hơn bao giờ. Mọi người im lặng hết. Rồi tiếng hát hai người cất lên …

« Đại bác ru đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chối đứng nghe …

Hàng vạn chuуến xe, claуmore lựu đạn
Hàng vạn chuуến xe mang vô thị thành
Từng vùng thịt xương có mẹ có em

« Một ngày mùa Đông, một người Việt Nam đi ra dòng sông, nhớ về cội nguồn nhớ về đoạn đường … »

Một ngày mùa Đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan

« Một buổi sáng mùa Xuân một đứa bé ra đồng, đạp trái mìn nổ chậm, xác không còn đôi chân …

Em thơ ơi, chiều nay trường học lại
Trong sân chơi, bạn và thầy im lời
Bài học về yêu thương trên giấy mới
Sao hôm nay nét mực đã phai?

……………………..

Mọi người đều im lặng. Giọng hát Khánh Ly Trịnh Công Sơn đâm sâu vào tim óc từng người, ai nấy đều rùng mình như đang ở ngoài ruộng đồng, trong trận địa đang có bom rơi súng nổ, xương tan máu đổ, tiếng thét, tiếng la, tiếng khóc không ngớt… Chợt một giọng Huế nhỏ nhẹ cất lên « Xin anh chị cho Khánh Ly và Sơn nghỉ giải lao vài phút uống chút nước «. Mọi người ồ lên, tiếng xì xào nói chuyện lan rộng ra sân cỏ, không khí nhẹ nhàng hẳn. Vài phút sau, Trịnh Công Sơn trở lại trước micro, đang sửa soạn nói thì bất thình lình một sinh viên đeo kính trắng chạy tới giật micro bắt đầu nói một cách sôi nổi :

- Xin phép anh Sơn tôi có điều này quan trọng phải nói với anh chị em và đồng bào !

Cử tọa hồi hộp không hiểu chuyện gì xẩy ra, anh chàng này là ai mà dám chơi ngông vậy ? Anh ta dằn giọng nói tiếp :

- Hôm nay là 17 năm ngày thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ! Mặt Trận kêu gọi anh chị em sinh viên đồng bào thực tâm muốn hòa bình thì phải đứng lên chống đế quốc Mỹ và bọn tay …

Anh ta chưa kịp nói xong thì có tiếng thét to từ trong đám đông :

- Việt Cộng ! Việt Cộng ! Bắt nó lại ! Bắt nó lại !

Có nhiều tiếng súng nổ đinh tai nhức óc, ai nấy đều chạy tán loán tìm chỗ trú ẩn, có người chạy không kịp nằm rạp xuống đất lấy hai tay che đầu, tụi tao chạy ào ra chỗ gửi xe định lấy xe chuồn lẹ, ra đến nơi thì thấy cảnh loạn xạ, ai cũng tranh nhau lấy xe người thì còng lưng xuống để tránh đạn. Loay hoay một hồi tụi tao mới kiếm được xe, lúc đó không còn nghe tiếng súng nữa, chỉ nghe có người la »Việt cộng tụi nó thoát rồi ! «. Về đến nhà, tụi tao thở phào nhẹ nhõm, kể cho ông bà già nghe chuyện bắn súng, bị mắng cho một trận « tơi bời hoa lá ».

*

Hai mươi năm sau, từ Pháp về Sài Gòn, nó mò đến nhà thăm Trịnh Công Sơn với vài chai Chivas. Lần đầu tiên nó giáp mặt Trịnh Công Sơn trong vòng thân mật nó cũng khớp, nó nói thật nhiều để lấp khoảng trống, anh Sơn cũng lịch sự nghe nó rồi mời nó khui rượu. Phải sau vài ly Chivas và đồ nhậu không khí mới thư giãn, nó mới mở lòng với « thần tượng » của nó, nó kể lể « recetativo » không ngừng nào là nó bắt đầu mua tập nhạc đầu tiên Ca Khúc Trịnh Công Sơn với lời giới thiệu tuyệt vời của Tô Thùy Yên, nào là nó đi dự những buổi hát của anh, nó không kể chuyện « Ta đã thấy gì trong đêm đó » không biết nhạc sĩ sẽ phản ứng ra sao. Rượu vào nó cũng gồng minh hát những bài nó thích cho thần tượng nó nghe, bị nhạc sĩ sửa lưng mấy lần như bài Ca Dao Mẹ « Hát chậm hơn ! ». Tối hôm đó là một đêm nhạc Trịnh Công Sơn thật bất ngờ không do nhạc sĩ hát mà do một người bạn họa sĩ to cao để râu giống Clark Gable có giọng thật khỏe hát vang cả « căn gác đìu hiu », đưa người nghe say mê vào thế giới âm nhạc mầu nhiệm của Trịnh Công Sơn trong vòng mấy tiếng cho đến khi … xỉn quá gục tại chỗ. Hai mươi năm sau nó vẫn tìm được cái thú đi nghe hát nhạc Trịnh Công Sơn dù lần này không phải Trịnh Công Sơn hát.

Sau ngày anh Sơn mất, nó được dự nhiều đêm hát tưởng niệm anh ở Paris. Lúc này nó không còn đi một mình nữa. Nó nhớ T.H., một anh ca sĩ trẻ cha là bạn học với Trịnh Công Sơn, để khỏi run trước khi ra trình diễn anh thường nhắc mấy ca sĩ tài tử khác :

« Anh Chị ơi ! Mình uống một ly Chivas cho cậu Sơn nghe ! ».


Paris mùa Hè cháy bỏng 2022

Hậu Hiền

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us