Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀ NGƯỜI CHA KHÔNG NHẬN RA

NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀ NGƯỜI CHA KHÔNG NHẬN RA

- Hân Nhiên / Nguyễn Ngọc Giao dịch — published 01/06/2023 23:45, cập nhật lần cuối 03/06/2023 11:19


NGƯỜI ĐÀN BÀ MÀ NGƯỜI CHA KHÔNG NHẬN RA



HÂN NHIÊN



Đêm đầu tiên ngủ ở trại giam nữ tù nhân Tây Hồ Nam, tôi không dám nhắm mắt vì sợ những cơn ác mộng tuổi thơ sẽ trở lại. Mắt mở, nhưng tôi vẫn không ngăn nổi những hình ảnh của tuổi thuở nhỏ. Tảng sáng, tôi tự nhủ phải để quá khứ lại đằng sau và tìm cách nào cho Hoa Nhi tin cậy để tôi có thể chia sẻ chuyện đời cô ấy cho chị em khác. Tôi yêu cầu giám thị cho tôi gặp lại Hoa Nhi ở phòng thẩm vấn.

Khi cô bước vào, những nét gai góc hay thách thức không còn hiện ra trên khuôn mặt, nhường chỗ cho những vết hằn đau khổ. Cô ngạc nhiên nhìn tôi như thấy tôi cũng đã đổi khác sau một đêm trăn trở với những hồi ức.

Mở đầu cuộc phỏng vấn, Hoa Nhi kể cho tôi nghe chuyện mẹ cô đặt tên cho anh chị em cô như thế nào. Mẹ cô nói trong cuộc đấu tranh sinh tồn của vạn vật, vững mạnh nhất là cây, núi và đá, nên đặt tên con gái đầu lòng là Thụ (cây), con trai lớn là Sơn (núi), con trai thứ là Thạch (đá).  Cây đơm hoa kết trái, trên núi trên đá có hoa mới đẹp, nên Hoa Nhi được đặt tên là Hoa.

“Ai cũng nói là tôi xinh nhất… có lẽ vì tôi tên là Hoa.”

Tôi thấy cách đặt tên như vậy đầy tính thơ và nghĩ bà mẹ của Hoa Nhi hẳn là người rất có văn hóa. Tôi lấy bình thủy đặt trên bàn, rót cho Hoa Nhi một ly nước nóng. Cô nâng lý nước bằng cả hai tay, nhìn làn hơi nóng bay lên, thì thầm : “Cha mẹ tôi người Nhật Bản”.

Tôi bật ngửa người. Trong hồ sơ tội phạm của Hoa Nhi hoàn toàn không có tình tiết này.

“Cha mẹ tôi dạy đại học và chúng tôi được đối xử với tiêu chuẩn đặc biệt. Các gia đình khác ở một phòng, chúng tôi có hai phòng. Cha mẹ tôi ngủ trong phòng nhỏ và chúng tôi ở phòng lớn. Chị Thụ thường dẫn anh Sơn và tôi đến nhà bạn. Cha mẹ họ rất tử tế, cho chúng tôi món ăn chơi để nhấm nháp và muốn chúng tôi nói tiếng Nhật cho họ nghe.  Tôi còn nhỏ tuổi lắm, nhưng tôi nói tiếng Nhật rất sõi và thích dạy người lớn những câu chữ Nhật ngữ. Trong khi tôi dạy mấy người lớn thì bọn nhỏ tranh nhau ăn đồ ăn, nhưng chị Thụ bao giờ cũng giữ mấy miếng cho tôi. Chị luôn luôn che chở em.”

Khuôn mặt Hoa Nhi rạng lên.

“Cha tôi tự hào về chị Thụ vì chị học giỏi. Cha nói nhờ chị mà ông trở nên minh triết hơn. Mẹ cũng khen chị ngoan vì chị biết chăm lo cho anh Sơn và tôi, để mẹ rảnh rang lo cho Thạch ba tuổi. Sướng nhất là những lúc chơi với cha. Ông cải trang thành nhiều người làm chúng tôi cười vang. Có khi ông làm Cụ Già cõng Núi như trong truyện cổ tích Nhật Bản, rồi cõng cả bốn chúng tôi trên lưng. Chúng tôi nhấn trên lưng đến nỗi cha phải thở hổn hển, nhưng vẫn tiếp tục, vừa đi vừa la : “Tôi đang… cõng… núi !”

“Có khi cha trùm cái khăn choàng cổ của mẹ lên đầu để làm Mẹ Sói trong truyện cổ tich Trung Quốc. Mỗi lần cha chơi ú tim với chúng tôi, tôi trốn trong cái chăn và ngây thơ la to : “Hoa Nhi không ở trong chăn đâu !”.

“Còn cha thì trốn rất tài. Có lần cha chui vào trong cái vại chứa ngũ cốc. Lúc cha leo ra, người đầy những ngô, kiều mạch và gạo”, Hoa Nhi cười, nhớ lại, và tôi cũng cười theo.

Cô nhâm nhi ngụm nước.

“Chúng tôi đã sống hạnh phúc. Nhưng đến năm 1966 thì cơn ác mộng bắt đầu”.

Trong mắt tôi, hiện ra những ngọn lửa rực cháy đã kết thúc tuổi thơ của tôi. Giọng nói của Hoa Nhi đánh tan những hình ảnh ấy.

“Một buổi chiều hè, cha mẹ đi làm, tôi đang làm bài ở nhà, chị Thụ coi tôi làm, em Thạch mải mê với mấy cái đồ chơi. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng hô khẩu hiệu vang vang bên ngoài. Bọn lớn thường hò hét như vậy nên chúng tôi cũng không để ý. Nhưng tiếng hò la lớn lên dần, đến sát cửa nhà. Một đám trẻ đứng trước cửa, hô to : “Đả đảo bọn đế quốc chó săn ! Tiêu diệt bọn gián điệp ngoại quốc !”.

“Chị Thụ xử sự như một người lớn. Chị mở cửa và hỏi bọn sinh viên, dường như cùng lứa tuổi với chị : “Các người làm gì vậy ? Cha mẹ tôi không có nhà.”

“Một người con gái đứng hàng đầu đám đông : “Này, bọn nhóc, cha mẹ chúng mày là gián điệp của bọn đế quốc Nhật. Chúng đang bị giai cấp vô sản giữ lại để kiểm tra. Mấy đứa phải dứt khoát với chúng và khai báo hoạt động gián điệp của chúng !”

“Cha mẹ tôi mà làm gián điệp ! Tôi có xem phim, thấy gián điệp nào cũng độc ác. Thấy tôi sợ hãi quá, chị vội đóng cửa, đặt tay lên vai tôi, “Đừng sợ ? Đợi ba má về mình sẽ kể cho ba má biết”, Hoa Nhi nói.

“Anh Sơn đã đôi lần ngỏ ý muốn thăm gia Hồng Vệ Binh. Bây giờ anh nói : “Nếu ba má là gián điệp, tôi sẽ lên Bắc Kinh tham gia cách mạng, đấu tranh chống lại họ.”

Chị Thụ lườm anh và nói, “Đừng có nói nhảm !”

“Khi đám sinh viên ngừng hò hét ở bên ngoài thì trời đã tối. Về sau, có người nói với tôi là chúng đã định vào khám nhà, nhưng không dám vì chị tôi đứng chận cửa và bảo vệ ba chúng tôi. Hình như sau đó thủ lĩnh của đám Hồng Vệ Binh đã cho chúng một trận đòn nên thân.

“Chúng tôi không gặp cha suốt một thời gian dài.” Hoa Nhi đanh mặt lại.


Trong suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa, bất luận người nào xuất thân từ gia đình giàu có, hoặc đã học cao, là chuyên gia hay học giả, có quan hệ với nước ngoài hoặc đã từng làm việc cho chính quyền trước 1949 đều bị quy là phần tử phản cách mạng. Số tội phạm như vậy quá nhiều, nhà tù không đủ chỗ. Thế là những trí thức bị đày đi những vùng sâu vùng xa để lao động ở nông thôn. Tối về, họ phải “thành khẩn nhận tội” với Hồng Vệ Binh, hoặc học tập nông dân là những người cả đời chưa thấy một cái xe hơi hay nghe nói tới đèn điện. Cha mẹ tôi đã trải qua những thời kỳ lao động cải tạo như vậy.

Nông dân dạy trí thức những bài hát họ thường hát trong mùa gặt, rồi dạy họ chọc tiết lợn. Lớn lên trong môi trường học thức, sách vở, giới trí thức rùng mình khi nhìn thấy máu, và thường khiến nông dân kinh ngạc vì họ thiếu kiến thức và kỹ năng thực hành.

Tôi có dịp phỏng vấn một nữ giáo sư đại học, bà kể chuyện người nông dân giám sát bà, thấy bà nhổ nhầm cây mạ lúa mì, bèn ngạc nhiên hỏi bà : “Bà không phân biệt nổi cọng cỏ với mầm lúa mì. Thế thì bà dạy học trò cái gì, mà làm sao học trò nó kính phục ?”. Nữ giáo sư nói nông dân vùng núi mà bà đi cải tạo đối xử rất tử tế với bà, và bà học hỏi được rất nhiều từ cuộc sống nghèo khó của họ. Bà thấy bản chất con người cơ bản là đơn giản, không phức tạp, chỉ khi nào người ta được dạy về xã hội thì người ta mới xía vào đó. Bà nói có mặt đúng, nhưng phải thừa nhận là bà gặp may trong Cách mạng văn hóa.


Hoa Nhi tiếp tục câu chuyện. “Một hôm, mẹ đi làm về rất muộn. Chỉ còn chị Thụ chưa ngủ. Ngủ gà ngủ gật, tôi bừng tỉnh, nghe mẹ bảo chị, “Cha bị giam. Mẹ không biết họ giam ở đâu. Từ nay, ngày ngày mẹ phải đi dự lớp học đặc biệt, chắc sẽ về nhà rất muộn. Mẹ sáng mang em Thạch đi với mẹ, còn con phải giữ hai em Sơn và Hoa. Thụ này, bây giờ con đã lớn, mẹ nói con phải tin : cha mẹ không phải là người xấu. Bất luận thế nào, con phải tin cha mẹ. Chúng ta sang Trung Quốc cốt là để họ hiểu biết thêm về văn hóa Nhật Bản, để dạy họ tiếng Nhật, chứ không là để làm điều gì xấu cả... Con phải giúp mẹ trông nom hai em. Trên đường đến trường, con ngắt những lá dại để thêm vào món ăn. Dỗ các em cho chúng nó ăn nhiều lên ; các con đang tuổi lớn, phải ăn cho đủ. Buổi tối trước khi đi ngủ, nhớ đậy nắp lò, chứ không sẽ bị ngạt hơi than. Khi ra khỏi nhà, nhớ đóng kín cửa sổ và khóa cổng, cẩn thận không mở cửa cho ai cả. Nếu Hồng Vệ Binh tới khám nhà, con đưa hai em ra ngoài cho chúng nó khỏi sợ. Từ giờ trở đi, hai em đi ngủ thì con cũng đi ngủ ngay, đừng có thức đợi mẹ về. Cần cái gì, con viết vài chữ trên tờ giấy, sang hôm sau, trước khi đi, mẹ cũng để giấy lại cho con. Ráng tiếp tục học tiếng Nhật, học văn hóa Nhật. Một ngày kia, tri thức sẽ rất cần. Kín đáo mà học, đừng sợ. Rồi mọi việc sẽ ổn thỏa”.

“Mặt chị Thụ bất động, nhưng hai dòng lệ chảy dài trên má. Tôi úp chăn lên mặt mà khóc, không muốn mẹ trông thấy.”

Nhớ lại cảnh em trai tôi khóc gào đòi mẹ, tôi không ngăn nổi nước mắt, mường tượng ra tình cảnh của Hoa Nhi. Mặt cô buồn, nhưng mắt ráo hoảnh.

“Một thời gian dài sau đó, chúng tôi ít gặp mẹ. Anh tôi và tôi biết là hằng đêm mẹ về ngủ cùng phòng với chúng tôi, nhưng chúng tôi chỉ có những chỉ dấu duy nhất là những lời dặn và thông tin mà mẹ để lại cho chị Thụ.

“Về sau, tôi khám phá ra là tôi có thể trong thấy mẹ nếu ban đêm tôi dạy đi tiểu. Thế là mỗi tối trước khi đi ngủ tôi uống thật nhiều nước. Hầu như không lần nào thấy mẹ ngủ cả. Mỗi lần tôi đứng dậy, mẹ lại đưa tay ra vuốt ve tôi. Bàn tay mẹ ngày càng thô ráp. Tôi muốn áp má tôi vào tay mẹ nhưng lại sợ chị Thụ mắng tôi quấy rầy mẹ.

“Ban ngày thức dậy tôi bơ phờ mệt mỏi vì ban đêm tôi dạy năm sáu lần để trông thấy mẹ. Có một lần, trong giờ học tập “huấn thị tối cao” của Đảng, tôi ngủ gục. Cũng may cô giáo là người rất tử tế. Sau giờ học, cô kéo tôi ra một góc khuất gần sân thể dục và nói, “Ngủ gục trong giờ học tập huấn thị tối cao của Mao Chủ tịch là sẽ bị Hồng Vệ Binh quy là cực kỳ phản động, em phải cẩn thận nhé”.

“Tôi thực sự không hiểu cô nói gì, nhưng tôi sợ lắm, vì chồng cô là lãnh tụ Hồng Vệ Binh địa phương. Tôi vội giải thích là tôi bị mất ngủ. Cô lặng yên một lúc lâu, làm tôi càng sợ thêm. Cuối cùng, cô xoa đầu tôi nhè nhẹ, rồi nói, “Em đừng lo, rồi mẹ em sẽ được về sớm thôi”.

“Ít lâu sau, mẹ bắt đầu về sớm hơn, vào lúc chúng tôi sắp đi ngủ. Thấy mẹ thay đổi hẳn : ít nói, đi đứng dón dén ; dường như mẹ sợ chúng tôi mất tin tưởng ở cha mẹ. Anh tôi, vốn cá tính mạnh, một mực tranh cãi với mẹ về chuyện đi Bắc Kinh gia nhập Hồng Vệ Binh của Mao chủ tịch. Dần dần, cuộc sống trở nên bình thường hơn. Một hôm tôi nghe mẹ thở dài, “Giá như cha các con cũng được trở về...”

“Chúng tôi chẳng đứa nào mong gặp lại cha. Chúng tôi yêu cha, nhưng nếu cha làm gián điệp thì chúng tôi coi như không có.

“Ít lâu sau, vào mùa thu 1969, chị Thụ được nói cho biết là phải vào một tổ học tập buổi tối để xác định lập trường khi cha chúng tôi được thả, vạch ra đường ranh giữa chúng tôi và cha.

“Sau mỗi buổi học tối, chị về nhà rất muộn. Mẹ tôi ngồi không yên chỗ, ra đứng bên cửa sổ trông ngóng. Tôi cũng không ngủ được, nóng lòng muốn biết tổ học tập như thế nào. Hồng Vệ Binh chỉ kết nạp những người có tư tưởng cách mạng. Tôi biết những ai được tham gia về sau không bị tra hỏi nữa, nhà cửa không còn bị khám xét và người nào trong gia đình bị  giam giữ đều được thả về. Liệu cha chúng tôi có sắp được về không ?

“Mẹ bắt tôi vào giường, tôi phải rụi mắt liên tục, cắm ngòi bút vào gối để khỏi ngủ quên. Cuối cùng, tôi nghe thấy tiếng chân bước và giọng đàn ông thầm thì ngoài cửa sổ, nhưng tôi nghe không rõ ông ta nói gì. Khi chị Thụ bước vào phòng, mẹ tôi nhào tới, hỏi “Con ra sao?”. Giọng mẹ đầy lo sợ.

“Chị Thụ mặc nguyên quần áo, nằm xuống, lặng im. Khi mẹ muốn giúp cởi quần áo, chị gạt ra, quay lưng lại và nắm chặt lấy chăn.

“Tôi vô cùng thất vọng. Mẹ và tôi đợi chị lâu như vậy mà chẳng được gì.

“Đêm ấy, tôi nghe mẹ khóc rất lâu. Tôi ngủ thiếp, băn khoăn tự hỏi mẹ buồn vì chị không chịu nói hay vì sợ chúng tôi không thương mẹ. Đêm hôm ấy, tôi được vào tổ học tập chính trị, nhưng vừa bước qua cửa lớp học thì tôi bừng tỉnh.

Chị Thụ đi học tập rất lâu và không chịu nói gì. Suốt mấy tháng trời, chị về rất muộn, rất lâu sau khi tôi ngủ. Một buổi tối, chị vừa đi đã trở về, người đàn ôn đưa chị về nói với chúng tôi, “Thụ bị ốm, tối nay ngất đi. Chính trị viên bảo tôi đưa cô về nhà”.

“Mẹ tôi mặt trắng bệch, đứng khựng lại khi chị Thụ quỳ trước mặt mẹ, ‘Mẹ ơi, con không thể làm gì được. Con chỉ muốn Cha được ra sớm’.

“Mẹ tôi rùng mình, gần như ngã quỵ xuống đất. Anh Sơn vội chạy lại đỡ mẹ ngồi xuống giường. Rồi anh đưa em tôi và tôi sang phòng bên. Tôi không muốn, nhưng không dám nói gì”.

“Hôm sau, khi tôi sắp sửa rời trường ra về thì một người trong phe Hồng Vệ Binh đứng đợi sẵn. Hắn nói chính trị viên ra lệnh tôi tới tổ học tập chính trị. Tôi không dám tin là thật. Tôi mới mười một tuổi. Làm sao tôi có thể đi học ? Có lẽ, tôi nghĩ, cô giáo đã nói với họ là tôi ngoan lắm.

“Tôi mừng quá, chỉ muốn chạy ngay về nhà báo tin cho mẹ, nhưng người đàn ông bảo mẹ tôi đã được thông báo rồi.

“Lớp học là một cái phòng rất nhỏ, trang bị như nhà ở, có giường, bàn ăn và mấy cái ghế giống như ghế ở trường, nhưng lớn hơn. Có cả một cái tủ chứa đầy sách cách mạng. Trích lục Mao chủ tịch và khẩu hiệu cách mạng viết chữ đỏ dán khắp bốn bức tường. Tôi mới lên lớp bốn nên không hiểu hết.

“Người Hồng Vệ Binh đưa tôi vào đây đưa cho tôi một cuốn Sách Đỏ – tôi vẫn thèm cuốn Sách Đỏ của chị Thụ – và hỏi, ‘Em có biết cha mẹ em là gián điệp không ?’

“Tôi gật đầu, mắt mở to. Tôi sợ rốt cuộc họ sẽ không cho tôi dự lớp học tập.

“‘Em có biết tổ học tập chỉ nhận Hồng Vệ Binh không ?

“Tôi lại gật đầu. Tôi mong sao được là Hồng Vệ Binh, để được ngồi trên xe tải, đi khắp phố phường, hô khẩu hiệu ; oai hùng và vinh quang biết bao !

“‘Vậy thì cấm không được tiết lộ bí mật của Hồng Vệ Binh cho bọn gián điệp, nghe chưa ?’, anh ta nói.

“Nhớ tới chuyện hoạt động bí mật của Đảng và chuyện gián điệp mà tôi đã xem phim, tôi lắp bắp, ‘Tôi – tôi về nhà sẽ không kể cho ai’

“‘Đứng dậy, và tuyên thệ với Mao chủ tịch là em sẽ giữ gìn bí mật của Hồng Vệ Binh’.

“‘Tôi xin thề!’

“‘Tốt. Bây giờ, đầu tiên là em phải tự mình đọc ngữ lục Mao chủ tịch. Ăn cơm xong, các anh sẽ giảng cho em học tập như thế nào’

“Tôi ngạc nhiên thấy được cho ăn. Thảo nào, tôi nghĩ, chị Thụ không kể gì về tổ học tập. Chị đã tuyên thệ giữ bí mật, mà chắc sợ anh Sơn và tôi lại ghen tị khi nghe nói tới ăn. Những ý nghĩ ấy miên man trong đầu, nên tôi đọc ngữ lục mà chẳng hiểu gì cả.

“Tôi ăn xong thì có thêm hai Hồng Vệ Binh đi vào. Họ rất trẻ, có lẽ chỉ hơn chị tôi một hai tuổi. Họ hỏi tôi, ‘Em đã hứa với Bác Mao chưa?’. Tôi gật đầu, thắc mắc tại sao họ lại hỏi thế.

“‘Tốt lắm’, họ nói, ‘Hôm nay chúng ta sẽ học tập đến khuya, nên trước tiên em phải nghỉ một lúc đã’.

“Họ nhấc tôi dậy và dắt tôi tới giường, nhoẻn miệng cười và giúp tôi kéo chăn lên, và cởi quần áo, cả quần lót. Họ tắt đèn, cái nút công tắc bật to một tiếng cạch.

“Chưa bao giờ có ai, kể cả mẹ, nói với tôi về chuyện đàn ông đàn bà. Điều duy nhất mà tôi biết là đàn ông khác đàn bà ở chỗ quần đàn ông mở đằng trước, còn quần đàn bà mở bên hông. Cho nên khi ba người đàn ông bắt đầu mò mẫm trên người tôi thì tôi không hề hiểu gì, không biết điều gì sẽ xảy ra.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi. Vì sao đó, tôi không tài nào mở mắt nổi. Đầu óc mụ mập, tôi nghe họ nói, ‘Đây là bài học thứ nhất. Các anh phải  xem trong người em có ảnh hưởng phản cách mạng không’.

“Một bàn tay bóp vào cái vú chưa nảy nở của tôi và một giọng nói cất lên, ‘Còn nhỏ quá, nhưng phải có cái núm chứ’.

“Một bàn tay khác tách hai đùi tôi ra, và một giọng khác cất tiếng, ‘Những thứ đồ phản cách mạng bao giờ chúng nó cũng giấu ở những chỗ sâu kín trong người, ta phải nhòm xem’.

Một nỗi kinh hoàng chưa từng thấy tràn ngập người tôi. Tôi bắt đầu run bần bật vì sợ, nhưng một ý nghĩ lóe lên trong đầu, tổ học tập chỉ toàn là người tốt, không ai sẽ làm điều gì xấu xa.

“Rồi một người nói, ‘Tôn nhi, đây là của em. Các anh đã hứa mà’.

“Tôi không hiểu họ nói như thế nghĩa là gì. Nhưng tôi không còn kiểm soát được cơ thể của mình nữa. Sau này, lớn lên, tôi hiểu ra họ đã bỏ thuốc vào đồ ăn của tôi. Một vật gì to cồm cộm đâm vào thân thể trẻ con của tôi như muốn xuyên thủng người tôi. Không biết bao nhiêu bàn tay dầy vò ngực và mông tôi, một cái lưỡi hôi hám thọc vào miệng tôi. Bao quanh người tôi là những hơi thở hổn hển, tôi đau như bị thiêu đốt, như bị roi vọt.

“Tôi không biết giờ học ‘địa ngục’ này kéo dài bao lâu, toàn thân tôi tê dại.

Mặt Hoa Nhi trắng bệch. Tôi phải cắn môi để khỏi lập cập hai hàm răng. Tôi đưa tay về phía cô, nhưng cô phớt lờ.

“Cuối cùng, mọi tiếng động và động tác ngừng lại. Tôi khóc và tôi khóc.

“Trong bóng tối, tiếng nhiều người chen nhau, ‘Hoa Nhi, sau này em sẽ thấy thích’, ‘Hoa Nhi, em như vậy là tốt, không phải phần tử xấu. Cha em sắp được thả rồi’.

“Tôi thụ động như một con búp bê giẻ rách khi có ai cúi người xuống nâng tôi lên để mặc quần áo cho tôi.

Một trong mấy người đó nói nhỏ, ‘Hoa Nhi, tôi xin lỗi em’. Từ đó đến giờ, tôi vẫn muốn biết ai là người đã thốt ra câu đó.

“Mấy Hồng Vệ Binh thay phiên nhau cõng tôi trong cơn gió thu lạnh buốt. Còn cách nhà khá xa, họ đặt tôi xuống và nói, ‘Đừng có quên là em đã hứa gì với Mao chủ tịch’.

“Tôi thử bước đi một bước, nhưng không động đậy được người. Phần dưới người tôi như bị xé ra từng mảnh. Một Hồng Vệ Binh bèn bế tôi đến tân cửa nhà, rồi hắn cùng với cả bọn biến mất trong bóng tối. Nghe thấy tiếng người, mẹ tôi ra mở cửa, và ôm chầm lấy tôi.

“‘Sao vậy con? Sao con về muộn vậy?’, mẹ hỏi.

“Đầu óc tôi trống rỗng : tôi không nghĩ tới lời hứa với Mao chủ tịch. Tôi chỉ biết khóc. Mẹ bồng tôi lên giường trong khi tôi nức nở. Nhìn mặt tôi dưới ánh đèn, mẹ chợt hiểu mọi chuyện.

“‘Trời đất ơi!”, mẹ thở hổn hển.

“Chị Thụ lay lay tôi rồi hỏi, ‘Em đi lớp học tập phải không?’ nhưng tôi cứ rưng rưng khóc, ‘Vâng, em đi dự “nhóm họp tập”, nhóm nữ, nhóm...’

Cuối cùng, Hoa Nhi bật khóc. Hai vai cô rung lên với những tiếng nức nở yếu ớt. Tôi ôm cô và cảm thấy cô run rẩy trong vòng tay tôi.

‘Hoa Nhi, thôi đừng kể tiếp, cô sẽ không chịu nổi đâu’, tôi nói. Mặt tôi sũng nước mắt, và tôi nghe vang vọng trong tai tiếng khóc của những em gái trong “tổ học tập” ở trường của em trai tôi.

Giờ trưa, giám thị mang đồ ăn đến cho chúng tôi. Hai mâm, hai tiêu chuẩn. Tôi kín đáo đánh tráo, Hoa Nhi cũng chẳng để ý. Thổn thức, cô kể tiếp, ‘Tôi còn nhỏ tuổi quá. Mình mẩy đau đớn, nhưng tôi vẫn thiếp ngủ, trong tiếng khóc của mẹ và chị.

“Tôi choàng dậy khi nghe tiếng anh Sơn đứng ở cửa phòng, thét lớn, ‘Ai cứu chúng tôi với! Mẹ tôi treo cổ tự vẫn!’

“Chị Thụ rên rỉ, ‘Mẹ ơi, sao mẹ bỏ chúng con!’

“Em Thạch thì khóc rống, tay ôm chặt cái gì đó. Tôi vội chạy ra khỏi giường xem nó đang ôm cái gì. Hóa ra em đang ôm mẹ, mẹ treo lủng lẳng từ lanh tô cửa.”

Hoa Nhi thở hổn hển. Tôi ôm chặt lấy cô, ‘Hoa Nhi, Hoa Nhi,...’

Mấy phút sau, tôi trông thấy mẩu giấy hiện ra trong khung cửa nhỏ mà giám thị có thể nhìn qua để kiểm soát tu nhân. Trên tờ giấy là thông điệp : ‘Yêu cầu đồng chí giãn cách với tù nhân’.

Tôi thầm chửi thề rồi ra cửa gõ mạnh gọi giám thị mở cửa. Tôi để Hoa Nhi ở lại phòng thẩm vấn và đi tới phòng giám đốc – trong tay cầm lá thư của thủ trưởng Mỹ – khẩn cầu ông cho phép Hoa Nhi ngủ lại ở phòng tôi trong hai tối. Do dự một lúc lâu, cuối cùng ông giám đốc chấp thuận, với điều kiện tôi viết tờ cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có chuyện gì xảy ra với Hoa Nhi trong thời gian đó.

Trở lại phòng thẩm vấn, tôi thấy Hoa Nhi khóc lã chã, đĩa thức ăn đã đầy nước mắt. Tôi đưa cô về phòng tôi, và trong suốt hai mươi bốn giờ sau đó, Hoa Nhi không nói một câu. Tôi nghĩ có lẽ cô đang đấu tranh để thoát ra khỏi nỗi đau, nhưng không dám tưởng tượng ra là cô còn phải vật lộn với những trải nghiệm bi thảm hơn nữa.

Khi Hoa Nhi đủ sức để nói chuyện, cô kể tiếp là mẹ cô tự vẫn được bốn ngày thì cha cô được thả về, nhưng ông không nhận ra con cái nữa. Nhiều năm sau, có người nói với họ là ông thân sinh của họ đã mất trí từ khi được biết người vợ thân yêu của ông đã quyên sinh. Hai đêm liền, ông ngồi không nhúc nhích, hỏi đi hỏi lại ‘Ưu Mỹ đâu rồi ?’

Cả Hoa cũng như chị Thụ, không ai dám tìm hiểu xem cha có biết chuyện “tổ học tập” hay chuyện ấy có góp phần làm ông suy sụp không. Được thả về nhà, ông đã sống bên các con như những kẻ xa lạ. Hai mươi năm trời, điều duy nhất các con đã đạt được là ông nhận ra chữ « cha » là chỉ mình. Ai gọi « cha », đâu cũng vậy, ông cũng đáp lời.

Chị Thụ không bao giờ lấy chồng. Hôm chị đi học tập mà về nhà sớm là bởi vì chị có mang và bọn đàn ông trong tổ đã quyết định chị không thể tiếp tục « học tập » được nữa. Lúc ấy chị mười lăm tuổi. Mẹ không dám đưa chị tới bệnh viện vì Hồng Vệ Binh sẽ quy kết chị là « tư sản », là « giày rách » (nghĩa là chửa hoang, ND) và sẽ diễu hành chị khắp phố phường. Mẹ đành phải đi tìm một thứ lá thuốc phá thai. Chưa kịp tìm ra thì hôm sau, Hoa Nhi bị cưỡng hiếp, mẹ bị dồn vào đường cùng.

Thụ không biết phải làm sao, chẳng biết dựa vào ai. Cô ngây thơ lấy vải quấn chặt cái bụng chửa và bộ ngực, nhưng không ăn thua. Cô không biết tìm đâu ra loại lá thuốc mà mẹ nói, nhưng một hôm cô nhớ mẹ có lần nói thứ thuốc nào cũng có ba phần độc. Thế là trong nhà có bao nhiêu viên thuốc, cô gom lại và uống tất, đến trường thì ngã bất tỉnh, bị thương nặng. Bệnh viện cứu được cô, nhưng không cứu được cái thai, còn cô bị cắt dạ con. Từ ấy Thụ bị coi là « đàn bà hư hỏng », là « giày rách ». Năm tháng trôi qua, trong khi những phụ nữ cùng lứa tuổi háo hức với thiên chức làm mẹ, thì Thụ trở thành một cô gái lạnh lùng, lầm lì, khác hẳn cô gái vui tươi, hạnh phúc thuở trước.

Chiều hôm trước ngày tôi rời trại tù Tây Hồ Nam, tôi phỏng vấn Hoa Nhi lần cuối cùng.

Khoảng hai năm sau trải nghiệm của Hoa Nhi ở tổ học tập, cô tìm thấy trong phòng tàng thư của trường một cuốn sách đầu đề Bạn là ai ?, nói về sinh lý phụ nữ và quan niệm trinh tiết ở Trung Quốc. Bấy giờ cô mới hiểu ra đầy đủ những hệ quả của những việc đã xảy ra đối với mình.

Hoa Nhi bước sang tuổi trưởng thành, rùng mình ý thức được về bản sắc và nhân phẩm. Cô không có được giấc mơ của một cô gái bước đầu hiểu được tình yêu, không còn hy vọng gì về một đêm tân hôn. Cô mang ám ảnh về những giọng người và những động tác lóng ngóng trong đêm tối của phòng học tập. Vậy mà cuối cùng cô đã lấy được người cô yêu, một người chồng tử tế, tốt bụng. Thời họ kết hôn, trinh tiết đêm động phòng là thước đo đức hạnh của người phụ nữ, mất trinh thường dẫn tới đổ vỡ cay đắng. Khác với những đàn ông Trung Quốc khác, ông chồng cuả Hoa Nhi không bao giờ nghi ngờ sự trinh trắng của vợ. Ông tin lời Hoa Nhi khi cô nói màng trinh bị rách khi cô chơi thể thao.

Trước năm 1990 hay sau đó, các gia đình thường sống chung mấy thế hệ trong một căn phòng, khi ngủ thì ngăn cách bằng một tấm màn mỏng, hay ngủ trên những cái giường riêng. Làm tình phải làm trong bóng tối và im lặng, và hết sức thận trọng ; vợ chồng bị ẩn ức trong bầu không khí kiềm chế và trấn áp ấy, thường dẫn tới xung đột hôn nhân.

Vợ chồng Hoa Nhi ở chung một căn phòng với gia đình, họ phải làm tình trong bóng tối vì thắp đèn, thì bóng họ sẽ in lên tấm màn ngăn cách chỗ ngủ của người nhà. Hoa Nhi kinh hoàng khi chồng đụng chạm trong bóng tối, bàn tay của chồng cứ y như bàn tay của bọn ác quỷ thời thơ ấu ; cô hoảng hốt thét lên. Chồng cô dỗ dành cô và ướm hỏi có chuyện gì, Hoa Nhi không dám nói thật. Anh rất mực yêu cô, nhưng chẳng biết làm sao với nỗi kinh sợ của cô khi họ làm tình, anh chỉ còn cách chấm dứt mọi ham muốn tình dục.

Về sau, Hoa Nhi phát hiện chồng mình trở thành liệt dương. Cô tự trách mình và dằn vặt đau khổ vì cô rất yêu anh. Cô gắng sức giúp anh hồi phục, nhưng không thể chế ngự được nỗi kinh hoàng của mình trong bóng tối. Cuối cùng, cô phải để anh tự do, cho anh cơ hội có quan hệ tính dục bình thường với một phụ nữ khác, nên cô xin ly dị. Anh chồng từ chối và hỏi vì lý do gì cô muốn ly dị, cô đưa ra những lời biện bạch không đâu vào đâu. Cô nói anh không lãng mạn, mặc dầu anh ta thuộc ngày sinh nhật của cô cũng như những ngày kỷ niệm, tuần nào anh cũng mua hoa cắm trên bàn. Mọi người đều thấy anh hết mực yêu cô, nhưng cô vẫn một mực nói anh là người nhỏ nhen, không mang lại hạnh phúc cho cô. Còn trách anh thu nhập thấp quá, mặc dầu bạn bè của cô đều ghen tị với những đồ trang sức vàng bạc mà anh tặng cô.

Không tìm ra lý do chính đáng nào để đòi ly dị, cuối cùng Hoa Nhi nói với anh là anh không làm cô thỏa mãn về tính dục, dù trong thâm tâm, cô thừa biết nếu có một người đàn ông có thể làm được điêu ấy, thì chính là anh. Trước tình thế ấy, chồng Hoa Nhi không biết nói sao nữa. Trong lòng tan nát, anh bỏ đi tận Chu Hải, thời đó còn rất lạc hậu.


Giọng nói của Hoa Nhi văng vẳng trong tai tôi khi tôi nhìn cảnh vật đổi thay chung quanh chiếc xe jeep đưa tôi về nhà sau mấy ngày ở nhà tù phụ nữ Tây Hồ Nam.

“ Người chồng yêu quý của tôi bỏ đi rồi ”, Hoa Nhi nói, “ tôi cảm thấy như quả tim bị móc ra khỏi lồng ngực… Tôi tự nghĩ : mười một tuổi tôi đã có thể làm cho đàn ông thỏa mãn, hai mươi tuổi tôi có thể làm cho họ điên đầu, ba mươi tuổi làm cho họ mất hồn, bốn mươi tuổi… ? Đôi khi tôi muốn dùng thân xác của tôi để giúp cho những đàn ông còn biết xin lỗi hiểu được rằng quan hệ tình dục với người phụ nữ phải như thế nào ; đôi khi tôi lại muốn tìm ra những tên Hồng Vệ Binh đã tra tấn tôi, làm cho gia đình của chúng phải tan nát. Tôi muốn phục thù tất cả bọn đàn ông, muốn làm cho chúng đau khổ.

“ Đối với tôi, danh tiếng phụ nữ không có mấy ý nghĩa. Tôi đã từng sống với năm bảy đàn ông, để cho bọn họ thỏa thích với tôi. Vì thế tôi đã hai lần bị đưa vào trại cải tạo, hai lần bị án tù. Chính trị viên trong trại cải tạo đã gọi tôi là thứ đàn bà tội phạm vô phương cải tạo, tôi thấy cũng chẳng sao. Người ta bảo là tôi không biết nhục là gì, tôi cũng không giận. Người Trung Quốc chỉ quan tâm tới cái « sĩ diện », tới cái « mặt », nhưng họ không hiểu rằng cái « mặt » của họ gắn liền thế nào với phần còn lại của cơ thể.

“ Chị Thụ là người hiểu tôi nhất. Chị biết tôi sẽ đi đến cùng để xóa bỏ hồi ức về những nỗi kinh hoàng tính dục mà tôi đã trải qua, rằng tôi muốn có một mối quan hệ tính dục chín chắn để hàn gắn bộ phận sinh dục đã bị tổn thương. Đôi khi tôi đúng như chị nói, đôi khi không.

“Cha tôi không biết tôi là ai, tôi cũng thế”.


Về lại đài phát thanh một ngày, tôi điện thoại cho hai người. Người thứ nhất là một bác sĩ phụ khoa. Tôi nói với bà tình hình tính dục của Hoa Nhi, và hỏi xem có thứ thuốc gì trị liệu những chấn thương tâm thần và thân thể mà cô đã kinh qua. Dường như bác sĩ chưa bao giờ nghe hỏi như vậy. Thời đó ở Trung Quốc không có khái nhiệm tâm bệnh, chỉ có bệnh cơ thể.

Sau đó tôi gọi cho thủ trưởng Mỹ, cho ông biết Hoa Nhi là người Nhật, và hỏi có thể chuyển cô ấy sang một trại giam người ngoại quốc mà điều kiện chắc phải khá hơn.

Ông Mỹ ngừng một lúc, rồi trả lời, ‘Hân Nhiên à, việc Hoa Nhi là người Nhật, thì im lặng là vàng. Hiện nay, tội trạng của cô ta là phạm tội tính dục, chung chạ bất hợp pháp, không bao lâu nữa thì mãn hạn tù. Nếu bây giờ mà biết cô ta là người nước ngoài, thì có thể sẽ bị kết tội là hành động vì động cơ chính trị, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.


Ai đã từng trải qua thời Cách mạng văn hóa còn nhớ phụ nữ mà phạm “tội” mặc quần áo ngoại quốc hay có tác phong nước ngoài thì bị làm nhục nơi công cộng như thế nào. Tóc họ bị cắt tỉa lung tung để làm trò cười cho Hồng Vệ Binh ; mặt mũi bị tô son trát phấn nguệch ngoạc ; đôi giày cao gót được buộc vào nhau, quấn quanh người ; những mảnh vỡ thuộc đủ loại « hàng ngoại » được treo lủng lẳng trên quần áo theo những kiểu kỳ quái nhất. Người phụ nữ buộc phải khai đi khai lại là làm sao họ có được hàng ngoại. Hồi tôi bảy tuổi, lần đầu tiên tôi trông thấy những phụ nữ như vậy bị dẫn đi ngoài đường và bị chế nhạo ác độc ; tôi nhớ mình đã ước kiếp sau không bao giờ làm đàn bà con gái.

Phần lớn những phụ nữ ấy đã theo chồng trở về Tổ quốc của người chồng, hiến thân cho Cách mạng và công cuộc xây dựng nước Trung Quốc mới. Về tới Trung Quốc, họ phải thiết bị nơi ăn chốn ở với những vật dụng sơ đẳng nhất, nhưng điều ấy không thấm gì so với việc họ phải từ bỏ những tập quán và thái độ quen thuộc ở nước ngoài. Mỗi lời nói, mỗi thái độ đều bị xét đoán trong bối cảnh chính trị, họ phải chịu đựng sự trấn áp với chồng, bị quy là « gián điệp », trải qua hết cuộc « cách mạng » này đến cuộc « cách mạng » khác, vì tội sở hữu « hàng ngoại phụ nữ ».

Tôi có dịp phỏng vấn nhiều phụ nữ đã trải qua những nghiệm sinh như thế. Năm 1989, một nữ nông dân nói với tôi là chị đã từng học nhạc viện. Trên mặt chị đầy vết nhăn, hai bàn tay thô kệch và chai sạn. Tôi không thấy dấu hiệu gì chứng tỏ chị có sở năng âm nhạc. Nhưng khi chị nói, cách phát âm đúng là cung cách của người đã được luyện giọng, thì tôi mới bắt đầu tin là chị nói thật.

Chị cho tôi xem những tấm ảnh chứng tỏ tôi đã hoàn toàn nghi oan. Chị và gia đình chị đã sống ở Mỹ một thời gian ; khi họ về Trung Quốc, chị chưa đầy mười tuổi. Chị đã phát huy năng khiếu âm nhạc tại một trường nhạc ở Bắc Kinh, cho đến ngày Cách mạng văn hóa. Cha mẹ chị đã mất mạng vì có liên quan tới Mỹ, và cuộc đời của chị bị hủy hoại.

Năm mười chín tuổi, chị bị gửi đến một làng sơn cốc cực nghèo và bị cán bộ xã gả cho một nông dân. Từ đó, chị sống ở đây, trong một vùng nghèo khó đến mức dân làng không có tiền mua dầu nấu ăn.

Trước khi chia tay, chị hỏi tôi, ‘Lính Mỹ vẫn còn ở Việt Nam hay không ?’

Cha tôi có quen một phụ nữ sống nhiều năm ở Ấn Độ, trên năm mươi tuổi mới trở về Trung Quốc. Bà là giáo viên, đối xử hết sức tốt với học trò – thường lấy trích quỹ tiết kiệm của bà để giúp học sinh bị khó khăn tài chính. Khi Cách mạng văn hóa bắt đầu, không ai nghĩ bà sẽ bị liên lụy, nhưng rồi bà bị « đấu » và gửi đi “cải tạo” hai năm chỉ vì cách ăn mặc.

Bà giáo viên vẫn chủ trương là phụ nữ phải mặc màu sáng, chứ quần áo kiểu Mao quá đàn ông, vì vậy và vẫn bận sari bên trong, áo khoác bên ngoài. Hồng Vệ Binh quy bà là « bất trung » với Tổ quốc, và kết án bà vì tội « tôn thờ và mù quáng tin tưởng vào những thứ của nước ngoài ». Trong số những Hồng Vệ Binh « đấu tranh » lên án bà, có những sinh viên đã từng được bà trợ cấp. Họ xin lỗi bà, nhưng nói ‘Nếu chúng em không đấu cô, thì chúng em sẽ bị khốn đốn, gia đình chúng em cũng sẽ gặp khó khăn’.

Bà giáo không bao giờ mặc sari nữa, nhưng khi nằm hấp hối trên giường, bà vẫn thì thầm ‘Sari mặc đẹp lắm’, nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Một bà giáo khác cũng kể cho tôi trải nghiệm của mình về Cách mạng Văn hóa. Thông qua một thành viên phái đoàn chính phủ, một người bà con xa của bà ở Indonesia đã gửi cho bà một ống son môi và một đôi giày cao gót mang thương hiệu Anh quốc. Ý thức ngay là gói quà sẽ làm mình bị nghi ngờ làm gián điệp cho nước ngoài, bà vội vàng vứt bỏ mà không mở ra xem.  Bà không để ý thấy đứa con gái khoảng mười một mười hai tuổi đang chơi bên thùng rác, đứa bé đã báo cáo “tội ác” của bà cho chính quyền. Suốt mấy tháng ròng, bà đã bị đưa đi khắp thành phố trên thùng xe tải để đám đông đấu tố.

Từ 1966 đến 1976, những năm đen tối của Cách mạng Văn hóa, giữa quần áo của phụ nữ và nam giới Trung Quốc chẳng có mấy khác biệt về hình dáng hay màu sắc. Hiếm có những vật dụng gì đặc biệt dành cho phụ nữ. Phấn sáp, quần áo đẹp hay nữ trang vàng bạc chỉ có trong những tác phẩm văn học bị cấm. Nhưng cho dù nhân dân Trung Quốc thời đó cách mạng tới đâu, không phải ai cũng cưỡng lại được tự nhiên. Một người có thể rất cách mạng về mọi mặt, nhưng người nào chạy theo dục vọng « tư bản » thì lập tức bị đưa ra đấu tố hay tống ngục ; có người đã tự vẫn trong tuyệt vọng. Những người khác tự coi là gương mẫu đạo đức nhưng lại lạm dụng những người đang bị cải tạo – nam cũng như nữ – biến họ thành đồ chơi tính dục, coi đó là « thử thách về lòng trung thành ». Phần lớn những người đã kinh qua thời đó đã phải chịu đựng một môi trường tính dục khô cứng, phụ nữ thì hầu hết. Ở độ tuổi sung sức nhất, các ông chồng bị tù đày hay bị đưa đi « trường cán bộ » có khi suốt hai mươi năm, trong khi vợ của họ lâm vào cảnh góa bụa trọn đời.

Giờ đây những tai hại của Cách mạng Văn hoá đang được cân nhắc, cũng phải tính sổ những tác hại của nó đối với bản năng tính dục tự nhiên. Người Trung Quốc thường nói, “ nhà nào cũng có một cuốn sách không nên đọc to giọng ”. Nhiều gia đình Trung Quốc không muốn đối mặt với những gì họ đã trải qua trong Cách mạng Văn hóa. Trong cuốn sách ấy, nhiều chương thấm đậm nước mắt, những tờ giấy dính chặt vào nhau, không mở ra được nữa. Những thế hệ mai sau, những người ngoài cuộc sẽ chỉ đọc thấy mờ mờ cái tên sách. Khi người ta chứng kiến niềm vui đoàn tụ của các gia đình hay những nhóm bạn bè sau bao năm xa cách, ít người dám hỏi họ đã hành xử ra sao với những dục vọng và đớn đau trong suốt những năm tháng ấy.

Chịu đựng hậu quả của những ham muốn tính dục bị dồn nén là trường hợp của trẻ em, nhất là các em gái. Một người con gái lớn lên trong thời Cách mạng văn hóa bị bao vây bởi sự dốt nát, điên cuồng và trụy lạc. Nhà trường và gia đình không có khả năng và bị cấm đoán truyền bá cho trẻ em những điều sơ đẳng nhất về giáo dục giới tính. Nhiều bà mẹ và thày cô thậm chí chẳng hiểu biết gì về bộ môn này. Khi thân thể nảy nở, các em trở thành con mồi của những cuộc tấn công tính dục, những cuộc hiếp dâm, những cô gái như Hồng Tuyết, mà trải nghiệm duy nhất về khoái cảm nhục dục đến từ một con ruồi ; như Hoa Nhi bị Hồng Vệ Binh cưỡng dâm ; như người phụ nữ bị Đảng gả chồng ; như Thư Lâm người không bao giờ biết là mình đã trưởng thành. Kẻ hãm hại các cô là thày giáo, là người bạn trai, thậm chí là cha, là anh ruột, những kẻ đã không chế ngự được bản năng động vật và đã hành xử một cách xấu xa, vị kỷ nhất của một người đàn ông. Những cô gái ấy mất hết hy vọng, khả năng trải nghiệm hứng thú giao hợp mãi mãi tan tành. Nếu chúng ta có thể lắng nghe kể lại những ác mộng của họ, thì có thể troing mười năm, hai mươi năm, vẫn được nghe từng ấy câu chuyện y hệt nhau.

Bây giờ quá muộn để mang lại tuổi trẻ và hạnh phúc cho Hoa Nhi và những phụ nữ đã chịu đựng Cách mạng Văn hóa. Họ phải mang nặng đằng sau họ hình bóng đen tối của những hồi ức.

Tôi còn nhớ một hôm ở cơ quan, Mộng Hưng đọc thư thính giả yêu cầu phát một bản nhạc, rồi nói, “ Tôi thật không hiểu nổi. Tại sao mấy bà già lại thích những bài cũ kỹ sâu mọt gặm nhấm đến như vậy ? Tại sao họ không nhìn chung quanh để thấy thế giới ngày hôm nay như thế nào ? Họ chậm quá so với thời đại ”.

Lý Lớn gõ nhịp bút lên mặt bàn và khuyên nhủ, “ Chậm quá ư ? Đừng quên rằng các bà ấy chưa hề được hưởng thụ tuổi thanh xuân của họ ”.

Hân Nhiên


NGUỒN : Xinran, The Good Women of China, Hidden Voices, Anchor Books, 2003.

tiếp theo chương trước : Tuổi thơ tôi không thể bỏ lại phía sau

(Nguyễn Ngọc Giao dịch).



Cùng bạn đọc :


Hai chương Hân Nhiên vừa đưa lên mạng, chúng tôi nhận được thư của ba bạn đọc, cho biết cuốn này đã được Tạ Huyền dich ra tiếng Việt : Hân Nhiên, Hảo nữ Trung Hoa, nhà xuất bản Nhã Nam 2021 (356 trang).

Có thể đọc bản ePub trên mạng : bấm vào đây

Xin cảm ơn các bạn và xin giới thiệu với độc giả.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss