Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tần ngần ngày tháng

Tần ngần ngày tháng

- Lê Minh Hà — published 20/10/2017 22:00, cập nhật lần cuối 18/10/2017 21:13

Tần ngần ngày tháng (*)


Lê Minh Hà


Ngõ nhỏ nhưng đủ cho ba xe cải tiến kềnh càng rơm rạ dàn hàng ngang. Từ đầu ngõ thông thẳng ra mặt đê có bảy nhà, trừ nhà ông Lúa ngoảnh đằng đông, còn tất thảy nằm úp thìa vào nhau ngó đằng xuôi. Chẳng biết vì sao người đất ấy lại định phương hướng như thế. Xuôi: nam. Ngược: bắc. Ra: đông. Còn lại, hướng tây là đằng rừng. Cái này thì trí tuệ của con bé năm sáu tuổi thừa sức hiểu: ra đứng bìa làng phía có cánh đồng lúc chiều muộn là biết, phía tây núi dâng sương tím. Còn những ban trưa thấp thỏm chờ nghe tiếng máy bay tăng tốc, núi vạch một nét gồ ghề thẳng căng nơi chân trời nắng xanh.

Nhà đầu ngõ là nhà ông lang Mạch, gọi theo tên cháu đích tôn của ông. Đấy là người duy nhất trong họ mà bà lúc nào gặp cũng nhất mực thưa gửi anh với chúng em chứ không ông tôi, bác em như thường thấy. Bà cũng không gọi ông là ông lang Mạch như kẻ lạ, hay ông Mạch như trong ngõ trong xóm gọi. Bà gọi thẳng tên ông: Anh Chiều. Thân tình đặc biệt thế nhưng bà ít qua lại, có lần bà còn dặn ông Chiều tính khoảnh, khó gần, qua lại chơi nhởi bên nhà ông Chiều thì phải giữ ý đừng có hò hét ông ấy bực.

Tôi không rõ lắm thực ra nhà mình với nhà ông lang họ hàng thân sơ thế nào. Nhưng mà tôi chơi với hai đứa cháu nội của ông, thế nên cũng đôi ba bận lò dò gọi cổng xin đánh chó hộ để vào chơi.


   

Ông lang có nhẽ là người đàn ông duy nhất trong làng mặc đồ trắng, dù là quần áo ta. Mùa nước lên mặt sông dập dềnh củi rều, nước đỏ bầm màu phù sa từ mạn ngược trôi về mà quần áo ông mặc vẫn trắng. Ấy là do bác Mạch gái con dâu ông giặt xong ngoài bến còn phải về vò qua với nước đã lóng phèn rồi hồ lơ. Trong bộ quần áo trắng giản dị, búi tóc củ tỏi trắng, chòm râu trắng, mắt sáng, nghiêm mà không tươi, ông lang có gì gần gần mà lại khác dáng vẻ của các bậc lãnh tụ tiền bối thường đã chết. Người lớn kính trọng ông vì ông biết chữ nho và làm thuốc. Trẻ con kính sợ ông vì đứa nào chẳng một lần phải ngồi trước mặt ông để ông khám, bé thì trị chứng bụng ỏng, lớn thì đua trâu ngã trẹo cái gì đấy, bệnh chung thì còn có ghẻ lở chia nhau. Tôi thì ngán ông vì ngày nọ qua ngày kia phải uống nước mã đề, râu ngô với cam thảo chẳng ra ngọt chẳng ra mặn, kinh cam thảo đến tận giờ ngay cả trong… ô mai.
Nhưng công nhận thuốc của ông lang tốt. Thằng Cảnh bụng giun phưỡn ra mà chỉ dùng mấy gói thuốc bột chẳng biết tán từ cái gì gói trong miếng giấy vở học trò nhoè nhoẹt mực tím, thế là bụng xẹp. Thằng gì ở tận xóm trên bị con gì cắn sưng vù tay chân phát sốt, mẹ nó dắt xuống nhà ông lang, ông dặn dò mấy câu, thế rồi là lá lẩu gì đó bỏ mồm nhai kĩ đắp vào chỗ tấy, mấy ngày là hết. Thuốc ông lang ai cũng bảo là hay, lại rẻ, có điều đôi khi cũng hơi ghê ghê. Đấy, như cái vụ nhai lá đắp vào vết thương, chẳng biết khỏi nhờ thuốc hay nhờ nước bọt.

Tôi cũng có lần phải theo bà nửa đêm gọi cổng nhà ông. Vì nổi mày đay. Cả người sưng lên từng cục, ngứa phát rồ phát dại. Ông chẳng cần khám, nhìn một cái, rồi thông nõ điếu, rồi thong thả bảo con dâu ra chái bếp rút trên mái xuống mảnh vó bè cũ xì nồng mùi khói, mùi rong rêu tôm cá nước non từ đời nảo đời nào. Độc mảnh vó bè cũ ấy cho vào chảo rang to lửa, rồi cứ thế xát lên người, thế mà mày đay biến sạch.

Làm nghề độ người, lại còn biết chữ nho, ăn mặc thì ra chiều cảnh vẻ thế, nhưng nhà ông lang nghèo. Nhà quê mà chẳng có vườn tược gì, nằm sát bờ đê. Đến đống rơm cũng thiếu chỗ đánh, phải di ra bờ sông sát dốc bến bên dưới lùm tre nhà trồng. Có điều nhìn nhà cửa là biết chủ sống căn cơ. Nếp nhà một gian hai chái lợp ngói ta cách biệt với gian nửa nhà bếp nửa nhà ngang một cái giọt gianh, mảnh sân trị vôi, thẻo đất trước sân trồng mấy bụi đinh hương, cô tòng và mấy gốc chanh, sát ngõ thêm dăm ba bụi chuối, tất cả bao trong bức tường đá ong cao quá đầu người. Đi ngoài ngõ đánh mắt nhìn qua cổng, thường chỉ thấy có con chó vàng chồm hỗm. Con chó nhà ông lang dữ, ai đến cũng phải gọi cổng rõ to chờ người ra mở và đuổi chó. Nhưng người ta ngài ngại khi vào ngõ qua nhà ông lại không hẳn vì con chó, mà vì cái cổng, là thứ ở làng ít nhà xây. Làng không xa Hà Nội lắm, giờ phóng xe máy nhoáng cái đã ra tới Bờ Hồ nếu không tắc đường, nhưng ngày xưa ba chục cây đi bộ rã cẳng cả ngày mới tới. Khác nhiều nơi, khác ngay với làng Đồng Mít kề bên, lối sống ở làng tôi lại có vẻ không cơ chỉ, các nhà cách nhau mảnh vườn, bờ rào duối hay xương rồng, cùng lắm thì xây một bờ tường lửng lửng phía ngoài gọi là có, rất tiện cho trẻ con trèo lên hét thả đỉa ba ba chớ bắt đàn bà phải tội đàn ông rồi nhảy bịch xuống ù à ù ập túm áo nhau. Nhà có cổng như nhà ông lang, lang thang bờ bụi ngõ ngách cũng nhiều nhưng tôi ít thấy.

Ông lang sống cùng gia đình người con trai cả mà tôi phải gọi là bác Mạch. Nhưng cả ông và bác đều được gọi theo tên người cháu đích tôn hơn tôi phải tới gần chục tuổi. Sau anh cháu đích tôn này ông lang còn có hai đứa cháu nữa là anh Nguyên, rồi đến cái Oanh. Bác Mạch trai là người nhà nước, đi bộ đội, về thăm nhà để được cái Oanh vào bụng mẹ nó trước khi đi B, rồi thành liệt sĩ, tôi không biết mặt. Cái Oanh là chị họ tôi, nhưng tới cái lần sơ tán cuối cùng năm bảy mốt bảy hai (1971- 1972) thì tôi với nó mới thực chơi với nhau, cứ mày tao chí tớ sau lưng người lớn thế, là vì nó bằng tuổi tôi, lên chín, học sau hai lớp, có ông nội là thầy lang mà mũi dài xanh le xanh lét như trẻ lên ba làm tôi cũng khí coi thường.

Bà kể nhà ông Mạch cũng như nhà tôi, hồi cải cách ruộng đất được hạ thành phần. Hỏi nhà mình thành phần gì, bà bảo bần nông, lợi lắm cho sự học hành công tác. Bần nông là nông dân nghèo, tức cũng phải có ruộng, nhưng thực nhà tôi chả ruộng vườn gì trước cải cách ruộng đất vì là dân tản cư từ Hà Nội về. Sở dĩ sau này có nhà ở làng là nhờ ông tôi. Ông tôi là liệt sĩ nhưng trước khi được công nhận thì lại bị quy là việt gian bị ta ám sát, thế là bà với các cô các chú sau cải cách vẫn bị trói chân mãi ở làng không trở lại Hà Nội được, mãi tới lúc ông được minh oan nhà mới được hạ từ việt gian xuống bần nông, nhờ thế được chia thẻo đất xây cái nhà cho bà dắt díu bầy cháu về sơ tán trong những cuộc chiến tranh đánh phá một hai ba của Mỹ.

Nhà ông lang cũng được hạ thành phần, nhưng không được lợi như nhà tôi vì mất hết ruộng vườn trong cải cách. Đôi ba khi được buổi nghỉ chợ vãn việc đồng, mấy bà trong làng tạt vào ngồi ăn trầu với bà tôi, bác Mạch gái nghe tiếng người xao xác cách vườn cũng theo sang. Lúc bác về, các bà bàn bàn tán tán. Một bà bảo nhà ông lang ấy thế mà giỏi, có chữ có nghĩa có khác, mất hết mà gây dựng lại cho con cháu đâu vào đấy, chẳng ruộng vườn nhà cửa như xưa nhưng con cái ai cũng có ăn có học thoát li được cả. Một bà khác lại bảo may lúc đó bền gan chờ được tới ngày hạ thành phần không quẫn mà treo cổ như ông bố thầy Quyền thầy hiệu trưởng trường cấp 1 của tôi. Bà đưa ngón tay vén nước cốt trầu ở khoé miệng, gật gù ông ấy có chữ, sống có cốt cách, nhà có gia phong. Lần đầu tiên tôi nghe từ „gia phong“, chẳng hiểu gì, liên tưởng tới lời bà dặn khi họ hẹ trước cổng nhà cái Oanh mắt la mày liếc rủ nó đi chơi, hiểu luôn gia phong là tính nhất khoảnh, là riêng, là nghiêm. Thế thì đúng với ông lang rồi. Mặc đồ trắng, ra đường cầm quạt, nhà ngay dốc bến nhưng chẳng bao giờ ông cởi trần đi tắm sông rồi thung dung bưng bòi về như các ông liền ông trong xóm. Nhà ông kín cổng cao tường. Dù thế trẻ con chơi khăng chơi đáo trong ngõ cũng phải lần vào trước ngõ nhỏ nhà tôi hò hét, đố dám í ới trước cổng nhà ông.

Bác Mạch gái con dâu ông ngược lại tính xởi lởi dễ gần. Nhưng bác lo việc đồng áng, bảo ban ba đứa con và phục dịch ông bố chồng xong thì hàng ngày cũng chả còn được mấy lúc ra đầu ngõ góp lời với người cùng xóm. Bác đẹp gái, da trắng mỏng, mặt thanh mũi thon, mắt sáng, trán nhìn rất thoát. Khác với nhiều người đàn bà cùng tuổi ở làng, bác Mạch không cạo răng trắng, vẫn vấn khăn và mặc yếm với áo cánh. Cái yếm trắng hồ lơ hờ hững trên bộ ngực ba con mà vẫn đầy đầy. Áo khách khoác ngoài bờ vai mỏng. Vành khăn quấn tóc chặt chiệm luôn luôn là màu trắng như bà tôi, luôn luôn là khăn để tang ai đó trong họ mạc. Hồi viết truyện Châu Long, trong trí tôi không hiểu sao toàn hiện hình ảnh bác, và Châu Long của tôi có dáng vẻ thanh thoát, mắt nhìn xa vắng của bác Mạch tôi. Sau này già dặn hơn, tôi để ý cách chọn dâu con của những nhà thế giá làng quê Việt Nam độ trước có cái gì đó là lạ. Hầu như ít thấy cô con dâu nào của các nhà đó có dáng vẻ thực sự quê mùa, dù vẫn rất mộc mạc và dù bữa cơm hàng ngày thì cũng hạt gạo hạt ngô củ khoai củ sắn.

Hồi ấy cái Oanh với tôi cùng chín tuổi, có nghĩa là bố nó con giai cả của ông lang Mạch đã không về nhà phải tới mười năm, còn bác hi sinh từ bao giờ thì cả nhà cũng chỉ biết tin vào giấy báo tử. Cái Oanh không nhớ bố vì có biết mặt bố đâu mà nhớ. Nhưng anh cả nó thì dường như ý thức sâu sắc được sự mình là cháu đích tôn rồi sẽ phải gồng gánh việc nhà việc họ thay bố. Vì thế mà tôi ngại gần anh y như ngại gần ông lang, trong thâm tâm còn hơi hơi ghét ông anh họ hơn có mấy tuổi mà mặt mũi lừ lừ ra vẻ. Tôi chỉ thích chơi với anh Nguyên vì anh hay nhường tôi thắng lúc chơi khăng, lại cũng sẵn lòng chặt nguyên tầu lá chuối, rọc lá, lấy dao vát bẹ làm khầu súng bắn rốp rốp cho tôi đuổi gà. Tôi cũng thích chơi với cái Oanh mũi dãi thè lè nhưng thảo tính, toàn dúi cho tôi khoai môn mẹ nó vừa luộc, và vào mùa phơi sắn, biết ý tôi, nó sẵn lòng nhốt ngay con chó Vàng.

Thế là tôi yên tâm vào sân nhà nó, chào ông lang thật to rồi ngồi xệp xuống bên mẹ nó, chờ bác cho thay chỗ. Xe cải tiến sắn từ hôm trước bác Mạch với anh con cả đã người đẩy người kéo từ phía núi về làng, phải thái phơi cho kịp nắng không thì chạy nhựa. Mùa nào thức nấy, trong làng nhà nào cũng bấn bíu việc làm sao cho có đủ thức ghế thêm vào nồi cơm, chẳng cứ ngày giáp hạt. Mùa ngô thì bẻ ngô rồi tối tối mỗi người một cái dùi bé xúm vào tẽ hạt, mùa khoai thì rỡ khoai. Mùa sắn, làng không trồng sắn thì rủ nhau vào các làng trong chân núi mua từng xe cải tiến về, thái lát đem phơi kĩ rồi cho vào ang để dành. Nhà tôi không ăn cơm ghế ngô khoai sắn, nhưng tôi lê la các nhà thử cả rồi, sợ nhất là cơm ghế khoai khô mốc, no lâu nhất là cơm ghế ngô phơi khô rồi đem xay giập, ngon nhất là cơm ghế sắn khô được nắng.

Nhà ông lang thái sắn khác mọi nhà, không kê củ sắn lên cái đòn gỗ rồi dao bầu lia tơi tới. Ông lang làm thuốc nên có khác, giữa sân ông cho đặt con dao cầu. Không biết có phải là con dao cầu ông dùng thái thuốc không hay là một con dao khác làm theo kiểu dáng ấy. Thái sắn bằng dao cầu cực thích, chỉ cần đút củ sắn vào rồi cầm cần dao phập xuống, đều tăm tắp, lại nhanh, và cái chính là không sợ đứt tay. Thái được dăm ba củ là thể nào cũng được bác Mạch gái bồi dưỡng cho khúc sắn bác vừa vào bếp đặt nồi luộc. Tôi trẻ con, biết gì là đẹp đâu. Nhưng tôi thích ngắm bác lúc nghiêng người chắt nước vần nồi sắn. Cái lưng mỏng, dáng ngồi nghiêng, sợi tóc tuột khỏi vành khăn trắng, má hồng rực, có lúc dính muội gio nhem nhuốc nom rất buồn cười.

Thì lúc đó bác Mạch gái cũng chỉ ba sáu ba bảy tuổi, bằng tuổi những người đàn bà sẵn sàng chào tôi là cô xưng cháu bây giờ. Ông lang ngoài sáu mươi, chỉ dăm ba năm nữa rồi chúng tôi cũng tới tuổi ấy. Một ông bố chồng góa vợ từ lúc hơn ba mươi sau khi con gái út chào đời sống với đứa con dâu goá chồng và bầy cháu, ngày chiến tranh thế cũng thường.

Bà bảo ông Chiều ông ấy giỏi, vợ chết sớm, nhà cửa ruộng vườn bị mang ra chia quả thực hết, mà một tay gây dựng lại, nuôi con ăn học đến đũa đến đầu. Biết chữ nho, ông lang đặt tên con cháu ai cũng đẹp, trừ cô con gái út lọt lòng mẹ ra thì mẹ chết, trẻ thôi nhưng theo tôn ti trật tự tôi phải gọi là bác thì mang cái tên chắc để dễ nuôi là Cóc.
Ngay cả bác Cóc, tên xấu nhưng mà đường đời cũng đẹp. Bác Cóc là cô giáo ở một trường cấp hai không xa làng, xã khác nhưng xuôi về phía Phù Lưu Tế một đỗi đường đê là tới. Từ khi lấy chồng có con, hai thằng con trai đẹp như vẽ, nhất là thằng Thọ, với cái đầu tròn như quả bí ngô non và đôi mắt to thật là to thì bác Cóc ở luôn nhà tập thể giáo viên của trường. Thỉnh thoảng chồng về, bác mới cùng chồng đưa con về thăm bố.

Chồng bác Cóc tôi vẫn nhớ, tên là Dũng, dáng vâm váp, lúc nào cũng tươi tỉnh, là đại úy đội mũ mềm và đeo súng lục. Chẳng mấy khi về nhà vợ mà bác Dũng quen cả xóm, về là kiệu thằng Thọ trên vai đi rong thăm hỏi bà con.
Đùng cái, nhà ông Mạch thường khi lặng lẽ tối hôm đó y như nhà có đám. Nhưng không chỉ có tiếng khóc. Còn lẫn tiếng chửi tiếng gào. Lần đầu tiên tôi thấy cổng nhà ông không đóng, người tự động ra vào. Tôi cũng chen vào.
Giời ơi, hóa ra thằng đại úy chồng cái Cóc là kẻ cướp trốn tù. Nó vừa gây chuyện lừa xin việc cho cháu ngoại ông lang con gái đầu nhà cái Thảo ông gả cho người ở ngoài Mai. Nó cướp hết, tiền, xe đạp, nó còn làm hại…

Người đứng người ngồi từ cổng vào sân xôn xao nhao nhác. Bác Cóc ngồi rũ rượi bên cô cháu gái run bần bật ở xó bếp. Thằng cu Thọ đôi mắt to ơi là to đầy vẻ hãi hùng ngồi ôm thằng em trên phản bên cạnh ông ngoại, nhìn hết người nọ đến người kia. Có một bà xỉa xói nó là con kẻ cướp. Lần đầu tiên tôi thấy ông lang không còn vẻ oai nghiêm. Ông luống cuống ôm hai thằng cháu, thì thào: „Thôi các ông các bà. Trẻ con không làm nên tội.“

Rồi xóm nhỏ lại yên ắng. Nhà ông lang lại lặng lẽ. Nhưng tôi không còn thích vào nhà ông sau hôm ấy. Có lần bác Mạch gái qua nhà, nói là xin bà khẩu giầu với nẹn rau ngót về nấu bát canh bữa trưa cho ông nội bọn trẻ. Lúc đưa cho bác rổ rau mới hái, bà tần ngần hỏi gì đó và bác trả lời:
- Theo giấy báo tử thì bốn năm rồi thím ạ. Thời buổi này, người chết thì phải làm giỗ mà yên lòng sống tiếp chứ cũng có biết ngày giỗ thật là ngày nào đâu.
Bà với bác đi vào nhà. Tôi vào buồng lục đãy lấy khúc vỏ quạch vừa mua phiên chợ trước đưa bà, còn kịp hóng:

- Mày còm quá nhà mẹ Mạch ạ. Còn ba đứa con, phải giữ lấy thân mình. Ngày xưa… thím…

Bây giờ thì tôi đã có thể tự điền vào những khoảng trắng không hóng được từ lời bà. Bà tôi và bác Mạch gái, hai người đàn bà của hai thời, chung một nỗi cơ cực giống nhau, góa bụa từ lúc chỉ vừa qua tuổi ba mươi và chồng đều là liệt sĩ. Nhưng lúc đó thì tôi chỉ nghe tiếng bác Mạch:
- Thím bảo cháu biết làm thế nào. Từ ngày nhà cháu hi sinh, ông nhà cháu ít ngủ lắm. Sau đận cô Cóc gặp chuyện chẳng lành, nhiều đêm ông cháu cứ ngồi chong chong trên phản. Cháu phải bảo thằng Nguyên ra gian giữa ngủ với ông, bắt ông nằm. Chẳng biết ông có chợp được lúc nào không, nhưng cháu khó ngủ mãi thành mất ngủ.

Cái Oanh, có lần tranh được với tôi cái cột đá xanh chôn đầu ngõ, trèo lên ngồi ung dung rồi kể giờ nó xuống bếp nằm với mẹ nó. Không có mẹ nó không ngủ được, mà mẹ thì cứ loay hoay cả đêm dưới bếp, lúc cám bã, lúc vá áo quần cho chúng nó, lúc xay bột, có khi lại bắc nồi đun nước chán rồi chẳng nấu gì. Nó bò xuống bếp kéo rơm nằm ôm lưng mẹ, thế là mẹ nó phải đặt cái chõng hai mẹ con nằm ôm nhau.

Ngôi nhà xưa của bà tôi đã bán lâu lắm rồi, từ sau khi chúng tôi trở về Hà Nội đi học lại. Bà tôi mất sau đó có dăm năm. Bây giờ, mỗi bận về nước, tôi chỉ đi thăm mộ bà mà chưa một lần nhảo qua xóm nhỏ từng ở những năm tao loạn. Làng giờ đổi khác. Vườn tược biến hết. Gần như không còn những nếp nhà một gian ba gian hai chái nhìn đã thấy bao nhiêu là tần tảo và cơ chỉ của một thời, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, nhiều nhà xây y như biệt thự nhưng vẫn có thể giày dép hay chân đất đi vào, Hà Nội còn phải chạy theo mệt. Ờ mà làng tôi cũng thành Hà Nội mất rồi.

Sông thì như không chảy nữa. Bờ đê tơ hơ dưới nắng, không bóng tre pheo. Tôi không biết nhà ông lang giờ còn ai ở đó. Ông lang đã thành ma từ lâu. Bác Mạch gái nếu còn sống cũng phải tám mươi. Anh Mạch, anh Nguyên, cái Oanh… nghe nói…
Và khi nghe nói, trong lòng tôi thường dậy lên một cơn đau, nhẹ như một niềm xa xót. Những ngày tháng gieo neo ấy lăn lóc với đời chán ra rồi lại thấy như là một bình yên!


(*) Rút trong tập "Người làng", chưa xuất bản. Xem kỳ trước: Đắng như là vắng.

Diễn Đàn trân trọng cảm ơn tác giả và hoạ sĩ Đỗ Phấn đã gửi tặng bài và tranh minh hoạ.


Berlin 17.11. 2016

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss