Tôi đọc Thuyền
Tôi đọc Thuyền
Bùi Mai Hạnh
Đọc xong chương cuối Gọi hồn, ớn lạnh, gần sáng, tôi cho thêm củi vào lò sưởi lúc này chỉ còn vài tàn lửa leo lét đỏ, lửa bùng lên mạnh mẽ trái ngược với cảm xúc bàng bạc hẫng hụt của tôi, vừa muốn kết thúc vừa muốn đọc nữa, hình như tôi chờ đợi một cái kết khác, một cuộc gọi hồn kiểu khác.
Sau khi làm cho mình một ly trà gừng, tôi thắp hương trên ban thờ cha mẹ, đúng hơn là cho lởn vởn những linh hồn người chết trong sách Thuyền, mà tôi cảm thấy rất rõ họ đang ở xung quanh. Ngắm tấm ảnh anh trai tôi (mới giỗ đầu) trên ban thờ, được để vào giữa tấm ảnh cha mẹ, tôi nhìn thấy một cặp vợ chồng trẻ hạnh phúc bên một hài nhi mới sinh. Lúc này bố mẹ tôi đang ôm ấp anh tôi nơi ấy. Anh tôi, đứa con trai cầu tự đã sống sót, sau khi hai người chị gái trước anh đã mất lúc mới hai, ba tuổi. Ông thày bói nào đó đã muốn các con do bố mẹ tôi sinh ra đều phải gọi bố mẹ tôi là cậu là mợ, thì mới sống được thành người. Chúng tôi đều sống sót, qua dịch bệnh, đói kém và chiến tranh. Cả đời tôi hóa ra không được gọi tiếng Mẹ, tiếng Bố, mặc nhiên chấp nhận gọi bố mẹ là cậu là mợ mà không hề biết đó là một khoảng thiếu hụt lớn, rất lớn… Tại ông thày bói, nhờ ông thày bói… Thuyền bắt đầu bằng một lần đi xem bói của đôi tình nhân trước khi xuống thuyền vượt biên… Có những thứ, không chỉ thuộc về tâm linh mà cả trong đời sống trần thế, không cần giải thích mà chỉ chấp nhận, như thế, như thế… Tôi muốn đọc Thuyền như là câu chuyện của một linh hồn, tham dự vào đời sống cùng với những linh hồn khác, không theo một thứ lôgic nào, những linh hồn chết đi sống lại liên tục tái sinh…
Ban đầu tôi háo hức chờ đợi Thuyền, nhưng khi sách tới, tôi nhìn nó một cách thờ ơ, một nỗi gì như là e ngại. Lại những cảnh cướp giết hiếp dã thú, những cảnh đói khát ăn thịt lẫn nhau? Đủ rồi, nỗi đau thương của con người, tôi không còn muốn chịu đựng nữa. Chỉ mới gần đây thôi, tôi đã biết từ chối nạp vào mình thứ năng lượng ngút ngàn hận thù độc hại ấy… Nhưng rồi, tôi đã cầm Thuyền lên. Đọc. Một cách rụt rè, có ý ngóng đợi cảnh tượng man rợ nhất. Và, kỳ lạ làm sao! Chính bối cảnh địa ngục trần gian của Thuyền hóa ra lại là nơi tỏa sáng vẻ đẹp của lòng trắc ẩn, của sự sống, qua hành động mang tính cứu chuộc của tên cướp già người Thái gốc Việt, người đã kéo con thuyền chết máy về chỗ giàn khoan, cứu sống hơn trăm mạng người đang cận kề cái chết; vẻ đẹp của tình mẫu tử bản nguyên nơi cô gái mang bầu do bị cướp biển hãm hiếp; vẻ đẹp nhân bản nơi một thanh nữ có súng nhưng đã tha bổng cho người vượt biên; vẻ đẹp của chiếc nạng gỗ thấm tình người nâng đỡ tâm hồn người tị nạn cụt chân trong ngày cưới; vẻ đẹp bi tráng của buổi lễ thủy táng nặng nghĩa đồng bào; vẻ đẹp của sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, biển, trăng, mặt trời, chim, cá… Và trên hết, là nguyên cớ và cũng là kết quả của tất cả, chính là vẻ đẹp của mối TÌNH YÊU KỲ DỊ (chữ dùng của nhân vật tôi), của Liên Hương và nhân vật tôi, người viết nên câu chuyện tình của họ. Tôi ở đây có thể là bất kỳ ai trong cõi nhân sinh vật lộn để sống sót trên con thuyền đời giữa biển đời; ai thì cũng phải trải dấn thân vào đời sống, phải trải qua địa ngục trần gian, cách này hay cách khác, ở những cấp độ khác nhau, nếu không bị giết chết, thì phải sống với những vết thương cứ tưởng là có thể chữa lành; ai thì cũng phải trải qua những khoảnh khắc lựa chọn khắc nghiệt, mất mát, mất người thân hay mất chính mình… Đó là một hành trình phải trả những cái giá đôi khi khắc nghiệt hơn cả cái chết, để tìm câu trả lời, ta là ai, ta đến từ đâu? đời ta phỏng có ý nghĩa gì?
“Viết là sống lại một lần nữa cuộc đời chưa được sống. Tôi có hai cuộc đời: một không thể sửa chữa và một có thể. Đó là cách chúng ta làm ra quá khứ, quá khứ không phải điều tôi đã sống, mà là những gì tôi nhớ lại, là mặt trời tôi chưa bao giờ thấy trong ngày u ám” (trang 252).
Tôi thích định nghĩa hành động viết này của nhân vật xưng tôi, thuyền nhân, bác sĩ, nhà văn, người viết nên câu chuyện vượt biên trong sách Thuyền, như là “Viết lại ký ức”. Nhân vật tôi khẳng định, vấn đề không phải là ký ức, những gì đã xảy ra, mà là cách ta ứng xử với nó. Ký ức trong Thuyền được miêu tả là thứ ký ức tươi ròng “như một nhành thông tươi vừa bị gió đánh gẫy ngang kêu răng rắc”, thứ ký ức có thể trở lại và chi phối hành vi vào những khoảnh khắc bất ngờ nhất; thứ ký ức “trong ý thức tối mò” vì “nỗi sợ hãi và sự khuất phục”, thì “chỉ có ký ức là nguyên vẹn và không ngừng ghi chép” (trang 101). Viết lại, trải nghiệm lại tất cả “ký ức nguyên vẹn” đó, cũng chính là thứ ký ức đã bị xóa bớt, bóp méo và khái quát hóa ngay từ khi nó được nạp vào bộ nhớ, và sau đó bị phôi phai và được “nghệ thuật hóa”. Viết lại ký ức, nghĩa là không chỉ một lần nữa mà là nhiều nhiều lần nữa, phải sống lại những gì đã xảy ra, nỗi đau đớn, sự sợ hãi, sự bất lực, sự nhục nhã, niềm tuyệt vọng, và cả hy vọng, cảm giác tội lỗi và sự bào chữa cho cảm giác đó, và sau đó là cho nó một ý nghĩa tạo tác động ngay lập tức vào cơ thể vật lý, là điều không hề dễ dàng, không phải ai cũng muốn làm, không phải ai muốn cũng làm được. Rồi lại phải dùng ngôn ngữ đã được nghệ thuật hóa, để diễn tả sao cho gần đúng nhất cái sự thật ấy. “Khi viết những dòng này, tay tôi vẫn run lên vì cảm giác căm hận, nhục nhã” (trích Thuyền).
Tôi thích những trang sách dành để phân tích, mổ xẻ hành vi của các nhân vật trước, trong và sau bối cảnh xảy ra sự kiện; những giả định, những ảo giác, từ những góc nhìn khác nhau, trong không gian thời gian khác nhau, thực và mộng đan quện vào nhau, bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng dễ cảm, tinh tế khoáng đạt mà không dễ dãi sáo mòn; và người đọc thưởng thức bữa tiệc của hình và ảnh, âm và thanh, màu và sắc, mùi và vị… y như đang dự phần vào sự kiện đó. Hơn thế nữa, đó là thứ ngôn ngữ mang tính ẩn dụ của thơ ca, nặng suy tư và không ngừng truy vấn chính mình, cũng chính là truy vấn người đọc, không phải thứ ngôn ngữ bi lụy của một nạn nhân chỉ muốn đổ lỗi và đòi được thông cảm xót thương, cũng không phải thứ ngôn ngữ cứng nhắc công thức của quan tòa để tố cáo khắc sâu thêm hận thù, mà đơn giản là thứ ngôn ngữ tự sự, chịu trách nhiệm về lựa chọn ra đi vào cuộc hải trình của mình, lấy cái cớ là kể chuyện cho Liên Hương, người con gái yêu dấu mất tích nghe, nhưng là để đào sâu vào chính mình, qua đó gương mặt đồng loại, và rộng hơn là nhân loại, hiện lên rõ ràng minh triết thông suốt, trong tiến trình lịch sử của nó. Xin trích dẫn một vài câu trong rất nhiều đoạn của Thuyền.
- “Anh đã chờ thật lâu để được nhìn thấy em… Ngồi bên em, kể cho em nghe câu chuyện của chúng ta, em là người đầu tiên anh muốn kể lại, một lần nữa” (trang 113)
- Vì tình yêu mà viết (trang 114)
- “Tôi chuẩn bị hành động. Tôi biết mọi chuyện đều vô vọng. Tôi biết bọn chúng sẽ giết tôi ngay”. (trang 105)
- Càng chống lại cái chết, tôi càng sợ nó. Trái lại, tôi càng chấp nhận cái chết, tôi càng bình tĩnh. (trang 106)
- Lòng tôi đã dịu đi vì tôi đã lựa chọn xong. Tôi điềm tĩnh trở lại… (Trang 106)
- "Tôi tin rằng con người có thể hiện hữu một cách nào khác ngoài cách hiện hữu mà chúng ta hằng biết” (trang 118)
- Viết lại cái chết, làm cho chúng chiếu sáng trên gương mặt những người chưa kịp sống.
- Cuộc ra đi không phải là một chọn lựa như ý chí tự do… Bàn chân tôi được sinh ra để đặt trên con đường ấy (trang 207)…
- Thời buổi loạn lạc xiển dương ý nghĩa của tự do, và tôi đã đi theo họ (trang 214)
- Không có gì đáng ghét hơn là một người đòi hỏi tự do trong mắt những kẻ có quyền hành và cả trong mắt một xã hội đã quen sống nô lệ.
- “Con đường tự do mà chúng ta đi khổ nhục thế này ư?” (trang 98),
- Tôi sẽ đầu hàng sự đói khát. Tôi sẽ nuốt sự nhục nhã xuống để sống.
- Từ trong sợ hãi, những người đàn ông đã đứng dậy, và bị bắn hạ. Họ đã trở lại làm người. (trang 111)
Không ít đoạn trong thuyền, nhân vật tôi thốt lên ba từ “Tôi không biết”. Sự nhòe mờ của ký ức với ảo giác trong hiện tại, giữa sống và chết, giữa thực và mộng, trong cơn sốt của sự mâu thuẫn nội tâm khi đối diện quá khứ, cơn sốt thanh tẩy giải thoát và níu kéo, cơn sốt của sáng tạo…làm nên sự quyến rũ hấp dẫn từ dòng đầu đến dòng cuối của Thuyền. Sự không biết này mở ra mọi khả thể của một sát na ngay sau đó. Sau những tự vấn sâu sắc, triệt để về ý nghĩa của khôn dại, của sự sống chết đặt trong bối cảnh bị cướp biển, nhân vật tôi đã chọn hành động, chọn cái chết. Nhưng khi giờ G đến, người yêu dấu của anh bị bắt đi, anh hoàn toàn hành động theo bản năng vô thức.
“Một phản ứng bất ngờ đẩy tôi lên, tôi bật dậy như lò xo, hoàn toàn không ý thức về hành động của mình, không kịp ra dấu cho người thợ máy, lao về phía trước, ôm lấy nàng, kéo trở lại. Khoảng cách xa quá, tôi vướng chân một người khác, khi vừa chạm được vào tay áo của Liên Hương. Nàng nghiêng người lảo đảo. (trang 110). Vài giây sau, gần như đồng thời xảy ra, nàng quyên sinh và anh bị bọn cướp đánh gục.
Tôi, người đang viết những dòng này, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể giết người. Nhưng để bảo vệ mình và con mình, tôi biết rằng tôi có thể. Khi còn là người mẹ trẻ 25 tuổi mơ mộng đau khổ vì bị chồng bạo hành, tôi đã từng có một hành động phi thường, một tay bế con thơ hơn 1 tuổi, một tay cầm chiếc kéo cắt may, chĩa thẳng vào người chồng say rượu đang xông vào đánh tôi, hét lên: “Mày mà tiến thêm một bước nữa, tao sẽ đâm chết mày”. Và người chồng đã dừng lại. Bây giờ nhớ lại, tôi tự hỏi, hành động bột phát đó là bởi sự sợ hãi bị ăn đòn hay bởi lòng dũng cảm dám đứng lên chống lại bất công, hay là lòng căm hận, hay là bản năng sống hay là tiếng kêu đòi của phẩm giá… Có lẽ là tất cả. Nỗi đau, những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần vì bị bạo hành bị làm nhục được tôi chôn vùi thật kỹ, nhưng nó đã theo vào cơn ác mộng cả hai chục năm sau đó… Và trở lại trong những hành vi bất thường của đời sống thường nhật… Và hôm nay, tôi đọc được trong sách Thuyền: “Một vết thương sẽ không bao giờ lành trên thân xác hay trong tâm hồn”. Nhận định này, và cả nhiều quan điểm khác, của tác giả là bác sĩ, nhà thơ, nhà tiểu thuyết, dựa trên trải nghiệm riêng luôn đúng với cá nhân người viết, và mở ra mọi khả thể cho người đọc. Lành được hay không, tôi vẫn đang trên con đường tự chữa lành cho mình… Đọc chữ của ông và viết về nó giúp tôi được thanh tẩy và xoa dịu nỗi khổ nhục đau đớn của kiếp người trong cái khoang thuyền địa ngục của mình, không để nó lấn át và xóa mất vẻ đẹp nguyên thủy của thiên nhiên và tình yêu, cái làm nên ý nghĩa sự tồn tại của mọi sinh linh trong hành tinh này. Có cảm giác như tác giả không muốn bỏ quên một thứ gì, dù nhỏ đến đâu, đã đi qua cuộc đời ông và để lại cảm xúc đẹp đẽ, mang tính cứu chuộc, bù đắp lại cho những khổ nạn mà số phận mang đến…
Tự do ư? Phẩm giá ư? Ý nghĩa đời sống ư? “Bản chất của đời sống là ý nghĩa. Đời sống tồn tại vì đời sống có ý nghĩa” (trích Thuyền). Rõ ràng, chúng ta luôn có kế hoạch nào đó cho đời mình, mà ta gọi đó là ước mơ, là hi vọng, và ta chuẩn bị rất kỹ cho điều đó xảy ra, cho mọi tính huống. Và ta đã chọn lựa. Ta ưu tiên chọn lựa tự do và phẩm giá. Nhưng nhiều khi, trong những bối cảnh cụ thể, ta chẳng thể chọn gì, chẳng muốn cho nó một ý nghĩa nào nữa, mà chấp nhận đời sống như nó là, và hành động với tình yêu, rồi buông, “buông cả cái ý muốn được sống, thì lại sống, như đám lục bình trôi trên sông nước…” (Trích Thuyền).
Thuyền
nhắc
tôi nhớ lại câu chuyện của người lái xe cho chồng tôi
hồi anh làm chuyên gia cho dự án nước sạch ở Hà Tiên,
hai chục năm về trước. Trong lúc chờ anh làm việc, tôi
rủ cậu ra ngồi uống nước dừa ở một cái quán ven
biển. Chúng tôi ngồi lặng lẽ ngắm mặt biển hiền
hòa. Bỗng cậu cất tiếng: “Ngày xưa em đã cố gắng
vượt biển mà không thoát. Hồi ấy, bạn bè rủ nhau đi,
là xác định: “Một
là con nuôi má, hai là má nuôi con, ba là con nuôi cá”.
Tôi
hỏi nghĩa là sao? Cậu mỉm cười xa xăm. Nếu con vượt
biển thành công thì con gửi tiền về nuôi má. Nếu con
bị bắt bỏ tù thì má lại phải tiếp tế nuôi con. Nếu
con bỏ mạng giữa biển thì xác con làm thức ăn cho cá.
Đơn giản vì mưu sinh, thế thôi. Chẳng có khái niệm Ý
NGHĨA ĐỜI SỐNG hay NHÂN PHẨM gì trong câu chuyện của
người chồng người cha ấy. Lên thuyền thời những năm
80 của thế kỷ trước, hay chui vào thùng xe lạnh những
năm đầu thế kỷ này, theo tiếng gọi của bản năng
sinh tồn, tìm mọi cách thậm chí trả giá bằng mạng
sống, nhiều khi chỉ để di chuyển từ địa ngục này
sang địa ngục khác, chính là TỰ DO. Chính là ý nghĩa
của đời sốn
Tôi thích cái tinh thần ấy. Của cậu. Cậu dùng từ VƯỢT BIỂN chứ không phải là và chỉ là VƯỢT BIÊN. Mà còn là vượt lên nỗi sợ, vượt lên hiện thực để đi đến một hiện thực khác, với tinh thần dám sống, dám thách thức chính mình. Một người thanh niên trẻ tuổi nhỏ bé mảnh dẻ, con dân của một đất nước có vóc dáng mảnh mai uốn lượn quanh bờ biển. Cậu ấy đã dám lao ra biển, góp phần làm nên cuộc di dân vĩ đại của dân tộc Việt. Khi không thể đi được, thôi mơ mộng đến “miền đất hứa”, cậu lao vào kiếm sống, lấy vợ và sinh ra hai mụn con có trai có gái. “Cái xe mua được là nhờ tiền nuôi heo. Em nuôi heo mà mua được chiếc xe này đó chị”. Em nói nuôi heo là sao? Là chăn nuôi một đàn heo hả? Cậu cười, giọng đầy tự hào: “Là bỏ ống tiết kiệm đó chị. Chị tin không?”. Tôi tin. Rất tin. Cậu ấy có một câu chuyện khi về già có thể tự hào kể lại cho con cháu nghe. Cậu không sống một đời vô nghĩa. Chắc hẳn, câu chuyện đời của người đàn ông này không thiếu gì các tình huống kinh hoàng rùng rợn mà sâu sắc xúc động, cũng đầy tinh thần cương cường khát sống, cũng lấp lánh ánh sáng của phẩm giá, của tính nhân bản, trong sự kết nối với vẻ đẹp của thiên nhiên và bề dày của truyền thống văn hóa, của tình yêu đất nước con người, như tôi đọc được, trong tiểu thuyết Thuyền.
Thuyền không phải là cuốn sách đọc một lần.
Tôi sẽ còn đọc lại Thuyền, nhiều lần nữa, đặc biệt là các chương 26 Cơn sốt, chương 38 Người đọc, và chương 50 Người kể chuyện, là ba trong những chương quan trọng và với riêng tôi là rất thành công, không chỉ bởi ngôn ngữ tiểu thuyết đậm chất thơ ca, không có một dấu chấm câu nào, không có viết hoa, chỉ có dấu phẩy, mặc cho câu văn gọi nhau cuốn nhau đi theo nội dung vượt lên trên những chuyện kể thông thường, đặc biệt là đoạn nói về tình yêu quê hương đất nước, qua mối tình sâu nặng day dứt khi mất Liên Hương, “thực ra sự đánh mất một người phụ nữ cũng giống như đánh mất chính quê hương mình, đối với anh quê hương là thời thơ ấu, nhưng không chỉ thế, quê hương còn là bầu khí quyển trong lành tự do, nơi anh đã sống những ngày đẹp đến nỗi chúng thuộc về một đời sống khác, anh đã gặp một người cao quý đến nỗi nàng là biểu tượng cho tâm hồn dân tộc, trong một ngõ hẻm ở giữa một xóm buôn bán và lao động ồn ào, nghèo và cũ, bám bụi thời gian…” (trang 323).
Nếu tôi bị mất người yêu dấu, mất quê hương, như nhà thơ tác giả Thuyền, tôi sẽ ra sao? Một ý nghĩ thoáng qua khi gấp sách lại. Thật bất ngờ, ngay đêm hôm ấy, tôi đã có câu trả lời. Tôi thấy mình nằm trong một cái lều có vẻ tạm bợ màu trắng, mấy thứ giấy tờ quan trọng để bên ngoài lều. Màu đỏ. Bỗng nhiên, tôi phát hiện ra bị mất mấy thứ giấy tờ đó. Chồng tôi bèn vùng dậy, chạy ra khỏi chiếc lều trắng. Anh đuổi theo kẻ trộm. Tôi nhìn thấy anh. Chồng tôi không mảnh vải trên người, chạy tuốt qua bãi trống, biến mất. Sau phút hoảng hốt, tôi vùng chạy đi tìm anh. Tôi đã tìm khắp nơi, lang thang qua nhiều ngõ ngách, mờ ảo như đi trong sương, có lẽ phải mất cả một ngày, trong tâm trạng vô cùng đau khổ, anh ở đâu với cái hình dạng trần trụi như thế, đi trong phố xá ư? Họ sẽ tưởng anh là thằng điên. Chỉ có điên mới trần như nhộng thế chạy ngoài đường. Tôi không thể tìm gặp lại chồng được nữa. Bởi người ta đã bắt anh, giết anh, và xẻo thịt anh nữa. Vì da anh rất trắng. Anh chết rồi. Tôi khóc rống lên, tuyệt vọng. Điên cuồng. Và tỉnh dậy trong cơn nức nở. Tôi quờ tay sang phải. Anh vẫn đây. Ấm nóng ngay bên cạnh tôi, bị đánh thức bởi tiếng khóc của tôi. May làm sao, đó chỉ là ác mộng. “Ông bụt” của tôi không biến mất. Bà thầy bói ở Làng Lủ, Kim Giang 28 năm trước đã phán là hậu vận đời tôi sẽ gặp một ông chồng giống ông bụt. Bà dùng từ ông bụt để gọi cái ông chồng trong cổ tích ấy. Không rõ là về tính cách hay hình dáng. Không biết có phải là anh? Tôi kể lại cho anh nghe cơn ác mộng của mình, nhớ không sót một chi tiết nào. Quả là kỳ dị, không thể nói là nó không bị tác động bởi đọc Thuyền.
Có lẽ, tôi là một người có “thần kinh nghệ sĩ yếu”, nên dễ bị ám ảnh. Nhất thời, chỉ có thể viết một vài suy nghĩ gửi tác giả, bày tò sự đồng cảm và cả ngưỡng mộ. Với tôi, Thuyền là một siêu phẩm văn học có giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử của một thứ văn chương vì chính nó, một cuốn sách người đọc Việt Nam chờ đợi quá lâu, một trường ca mang lại nhiều tầng lớp cảm xúc suy tư thăng hoa, giải thoát, và cả sám hối tội lỗi về cái chết – tình yêu – sự sống, có những câu đọc lên là nhớ ngay: “Một dân tộc không có tranh luận, tranh cãi, tìm đường là một dân tộc không thể lớn lên” (trang 216).
Biết ơn những người dám tranh luận, tranh cãi và dám ra đi tìm đường.
Biết ơn những người đã giúp cho Thuyền ra đời, ra với bạn đọc, ra với biển đời.
Biết ơn cả những người đã ra đi và đã ở lại, như người lái xe ở Hà Tiên.
Biết ơn cả những người từ chối ra đi…, những người ra đi để trở về.
Biết ơn tác giả, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng.
Healsville 4.7.2025
Bùi Mai Hạnh
Xin bạn đọc bấm vào tệp Sông Hậu kèm theo đây
để đọc một chương của Thuyền, mà tác giả đã có nhã ý cho phép Diễn Đàn
đăng tải.
Các thao tác trên Tài liệu