Lá thư của HT. THÍCH TRÍ QUANG gửi CAO HUY THUẦN
Tư liệu
Lá thư của
HT. THÍCH TRÍ QUANG
gửi CAO HUY THUẦN
Diễn Đàn ngày 12.7.2024 đã đăng bài của Nguyễn Thùy An Cao Huy Thuần và Thích Trí Quang trong đó tác giả đã cung cấp nhiều thông tin chính xác về mối quan hệ giữa nhà trí thức Phật tử quen biết của độc giả Diễn Đàn và nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đã đi vào lịch sử, với những nghi vấn về con người, về lập trường chính trị – những nghi vấn cho người ta định vị được người đặt ra hơn là hiểu thêm về đối tượng nghi vấn.
Để cung cấp thêm một thông tin, chúng tôi xin đăng dưới đây toàn văn lá thư đề ngày 16 tháng 2 năm 1998 của Hòa thượng Thích Trí Quang (1923-2009) gửi từ Sài Gòn cho Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024) ở Paris. Phía dưới là bản chụp bức thư viết tay của thiền sư, và sau đó, chúng tôi sẽ lược tả bối cảnh lá thư này cũng như trình bày ý kiến của người nhận được thư khi anh quyết định chia sẻ lá thư riêng với mọi người :
16-2-1998
Thuần,
Được thư Thuần khá lâu, cả thư viết cho Trung Hậu. Tôi sững sờ chua xót cho đến nay, ngày càng tăng lên. Tại sao lại có thể rủi ro đến như vậy được ? Tôi đã nghĩ, và đã làm một băng thu thanh cassette gửi cho Thuần. Nhưng làm 2 lần mà hỏng cả. Bực mình nên bỏ. Biết rằng Thuần nay viết và đọc rất khó, nhưng đành viết mà thôi.
Sự mong mỏi và thiết tha cầu nguyện của tôi là Thuần sớm định tĩnh trong cảnh ngộ mới với bao bất hạnh. Chẳng những mong và cầu như vậy cho Thuần – nay thì chị Thuần là trụ cột cho tiểu gia đình Thuần.
Thuần ơi, ta không thể có sự tin ông Trời của bao tâm hồn chất phác và của những tâm trí mỏi mệt. Ta khẳng định đời sống không đơn giản là nguyên tử chuyển động. Ta biết ta có Chân như, ta là Chân như. Trong cái vỏ của phiền não và trí thức, Chân như vẫn có lúc đột nhiên lộ ra, và ta cảm nhận được. Bằng sự cảm nhận ấy mà ta tập sống theo Chân như. Và rồi, khi là chư Phật, chư Bồ-tát, thì cũng là hoạt dụng Chân như ấy – Ta sống bằng Chân như, trong hiện tại và trong cứu cánh. Ta là như vậy, sự sống và cuộc sống của ta là, và sẽ là như vậy.
Đó là nói theo trí thức. Nhưng tôi thì đã không sống với trí thức ấy. Đã lâu rồi, tôi tin đức Di-đà trị trên đỉnh đầu của tôi. Tôi cố sống sao như đức tính qua danh hiệu của Ngài : hỷ xả, điềm đạm, tự phán xét, tự trách nhiệm, và bằng những phẩm chất này mà tôi biết tôi phải sống ở thế giới này và sẽ sống ở thế giới này. Sống ở thế giới này mà là như thế giới của tôi : thế giới Cực Lạc. Với 6 tiếng Nam mô A-di-đà Phật, với sự thấy rõ Ngài trụ trên đỉnh đầu của tôi, tôi sống như vậy và sống được như vậy, trong bất cứ cảnh ngộ nào, càng ngang trái và càng bất hạnh, tôi càng cảm kích hơn lên.
Thuần
ơi, đó là sự cứu độ Phật ban cho tôi. Tôi ước mong Thuần cũng tiếp nhận
được sự cứu độ ấy trong nỗi bất hạnh quá bất ngờ và lớn lao. Xin gửi
lời thăm và chia sẻ bao chua xót và lo lắng của chị ấy.
Lá thư viết đầu năm 1998. Trước đó mấy tháng, anh Cao Huy Thuần bị nhãn áp quá cao, bác sĩ khoa mắt chủ trương phải mổ. Chẳng may, cuộc phẫu thuật không mang lại kết quả mong muốn, anh nhìn không rõ, nên đi lại khó khăn, tinh thần suy sụp (cũng may, cho đến những ngày cuối đời, anh còn đọc và viết được thư điện tử với điều kiện phải dùng con chữ to), như chúng tôi đã kể lại một giai thoại về Hội thảo Mùa Hè (xem bài Đóng góp vào việc liệt kê thư mục Cao Huy Thuần, Diễn Đàn ngày 18.7.2024). Trong một lá thư điện tử gửi Hòa thượng Thích Tâm Hải, tổng biên tập báo Giác Ngộ, anh tâm sự :
“ Giữa cơn bão tố bấn loạn ấy, tôi nhận được thư của Thầy tôi. Thầy chưa bao giờ viết một thư dài như thế (...). Thầy tôi, dù không muốn, dù bất đắc dĩ, dù sao cũng đã là một nhân vật lịch sử mà giới bình luận gia thường nói là khó hiểu, chẳng biết ông Thích Trí Quang này đỏ hay đen, vàng hay trắng, chống ai, muốn gì. Trong chiến tranh, ai cũng nhìn Thầy qua lăng kính chính trị, có hiểu con người của Thầy đâu mà đoán gần đoán xa. Thư Thầy viết cho tôi, vì vậy, là một chút tâm sự để hiểu Thầy, tôi không muốn giữ mãi cho riêng tôi, một mai sẽ mất. Trong thư, tôi, và khủng hoảng của tôi, chỉ là bối cảnh để Thầy nói về niềm tin của Thầy, niềm tin này xin được xem như gửi đến mọi Phật tử, không riêng gì tôi ” (...)
“ Tôi đã đến cái tuổi có thể ra đi bất cứ lúc nào, cho nên không muốn mai kia mình đi thì thư cũng mất. Dù Ôn [hòa thượng Thích Trí Quang, chú thích của DĐ] muốn im lặng và biết tôi cũng học được cái im lặng của Ôn, bức thư là lời giáo huấn quý báu mà tôi nghĩ không nên để mất ”
Tuổi Trẻ Cuối Tuần, 12.7.2024
Theo thông tin của chúng tôi, hình ảnh (phóng lớn) ba trang thủ thư nói trên đã được trưng bày trong buổi tưởng niệm Giáo sư Cao Huy Thuần do báo Giác Ngộ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày chủ nhật 14.7.2024.
K.V.
Các thao tác trên Tài liệu