Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Hổ vẫn gầm, đến bao giờ? (III)

Hổ vẫn gầm, đến bao giờ? (III)

- Trần Bình — published 30/12/2009 00:00, cập nhật lần cuối 30/12/2009 11:49

Hổ vẫn gầm, đến bao giờ? (III)


Trần Bình


Tuy các phân tích về mặt lý thuyết trong tài liệu của công ty đầu tư Pivot Capital Management trình bày ở phần II dẫn tới kết luận rằng, do các khoản nợ lớn và đầu tư ngắn hạn đang rút dần, Trung Quốc (TQ) không có khả năng sử dụng khoản dự trữ ngoại khối trên 2 nghìn tỷ USD, song các nhà nghiên cứu như Ken Davies, Michael Forsythe lại cho rằng với nguồn dự trữ dồi dào này, TQ có khả năng mở rộng đầu tư ra nước ngoài và tăng cường sức mạnh quân sự. Trên thực tế, các báo cáo cho thấy các khoản đầu tư của TQ ra nước ngoài và chi phí quốc phòng vẫn gia tăng mạnh mẽ.

Những diễn biến này tuy không làm ngạc nhiên giới quan sát, song cũng đã gây không ít mối quan ngại vì TQ hiện là quốc gia có chế độ chuyên quyền. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế TQ còn là một thách thức với cuộc vận động dân chủ.     


III. Vươn ra thế giới:


1. Mở rộng đầu tư ra nước ngoài:

Dư luận xôn xao nhiều về các đầu tư của TQ tại Châu Phi, song thực ra, tỷ lệ đầu tư vào châu lục này chỉ chiếm 4% trên tổng số đầu ra nước ngoài của TQ, thể theo số liệu của Ken Davies, nhà kinh tế và trưởng ban liên lạc quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD). Những số liệu về đầu tư của TQ ra nước ngoài trong bài viết "Sự phát triển nhanh chóng đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc" tháng 8/2009 của Ken Davies làm rõ nét các động lực, hiện trạng và viễn cảnh của nguồn đầu tư này (1).

Theo số liệu cuối năm 2007, TQ đã đầu tư 118 tỷ USD, với tỷ lệ theo thành phần khu vực lãnh thổ như sau: Châu Á 67%, Châu Mỹ Latin (Nam Mỹ) 21%, Châu Âu 4%, Châu Phi 4%, Bắc Mỹ 3%, Oceania 2%.

Cho đến nay, đầu tư ra nước ngoài của TQ vẫn chỉ là một con số khiêm tốn, chiếm 1% thế giới. Song tốc độ phát triển rất nhanh của con số này gây chú ý đối với giới các nhà nghiên cứu. Biểu đồ dưới đây cho thấy các con số đầu tư hàng năm tăng nhanh từ năm 2004, với số đầu tư năm 2008 lớn hơn 7 lần con số năm 2004.




Trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới khủng hoảng, một câu hỏi thường đặt ra là liệu nguồn đầu tư này của TQ sẽ suy giảm? Con số sơ khởi về đầu tư năm 2009 cho thấy tốc độ đầu tư ra nước ngoài không hề có dấu hiệu suy giảm, mà ngược lại. Chỉ tính riêng quý 1, đầu tư của TQ vào nước Úc đã tăng lên 13 tỷ USD từ con số 1.4 tỷ USD năm 2008, và tổng đầu tư quý 1 năm 2009 đã vuợt con số của cả năm 2008.

Cũng theo Ken Davies, các động lực về kinh tế thúc đẩy đầu tư của TQ bao gồm:

  • Bảo đảm nguồn nguyên liệu cho nền sản xuất đang phát triển nhanh

  • Các doanh nghiệp lớn của TQ đang mua lại các công ty có danh hiệu thế giới như Lenovo mua lại chi nhánh máy vi tính cá nhân (PC) của IBM, hay SAIC và Nanjing mua MG Rover.

  • Các doanh nghiệp lớn nhà nước đang mất dần lợi thế độc quyền trong nước, cần mở rộng ra nước ngoài.

  • TQ đang mất dần lợi thế cạnh tranh do giá lao động tăng, chuyển các doanh nghiệp thâm dụng lao động qua các nước như Việt Nam và Châu Phi.

  • Các doanh nghiệp lớn nội địa xuất khẩu lượng hàng lớn đang cần các dịch vụ như vận chuyển và bảo hiểm. 

Sự gia tăng nhanh chóng đầu tư của TQ được nhiều nước Châu Phi đón nhận vì những khoản viện trợ không điều kiện, song những ngờ vực về ý đồ của TQ cũng lan rộng. Do vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế TQ, hiện đang có mối e ngại rằng "các đầu tư này có thể không được quản lý theo tiêu chuẩn thương mại thông thường, và hơn thế nữa, có thể là cánh tay nối dài của các chính sách ngoại giao và quốc phòng".

Trên tờ NewYork Times số ngày 9/1//2009 qua bài viết "Trung Quốc Cam kết viện trợ 10 tỷ USD cho Châu Phi" (2) Michael Wines nhắc lại những chỉ trích của một số học giả về điều kiện lao động và an toàn tại một số mỏ khoáng sản do TQ điều hành, và tình trạng tràn ngập hàng hóa TQ giá hạ đang thay thế các sản phẩm đã từng được sản xuất tại Châu Phi. TQ ngày nay đã trở thành một trong quốc gia đứng đầu trong giao dịch thương mại với Châu Phi, với kim ngạch 106.5 tỷ USD năm 2008, lớn hơn khoảng 11 lần con số mậu dịch năm 2000, và hiện đang khai thác rộng rãi các mỏ dầu và khoáng sản của lục địa giàu tài nguyên thiên nhiên này.

Trong nỗ lực đánh tan mối ngờ vực rằng TQ đang trở thành thực dân mới thay thế cho Châu Âu truớc đây, và để củng cố mối quan hệ khá sâu rộng với các nước Châu Phi, TQ hiện là một trong những nước chủ lực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cho các nước Châu Phi. Tháng 11/2009 vừa qua, TQ đã tung ra hàng loạt các chính sách viện trợ kinh tế cho các nước Châu Phi: tăng khoản cho vay lãi suất thấp lên 10 tỷ USD cho ba năm tới, xóa bỏ một số nợ cho vay không lãi, hạ thuế quan trên hầu hết hàng xuất cảng vào TQ cho các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, sẽ xây dựng 100 dự án điện lực sạch ..v..v..

2. Tăng cường sức mạnh quân sự:

TQ không che giấu chính sách hiện đại hóa quân lực, dưới các danh hiệu mỹ miều "vươn ra thế giới" (go global), "phát triển hòa bình" (peaceful development). Theo tờ công báo của bộ quốc phòng TQ, "TQ đang sẽ đẩy mạnh nỗ lực nhằm tạo được những bước tiến về mặt kỹ thuật, một quân lực có khả năng, hầu có thể hoạt động tầm xa vào năm 2020".    

Việc gửi hai khu trục hạm và các tàu tiếp liệu đến vùng biển Somalia tháng 12/2008 nhằm bảo vệ các tàu thương mại của TQ được các nhà quan sát lưu ý vì đây là lần đầu tiên hải quân TQ mở rộng phạm vi hoạt động xa phạm vi lãnh hải.  

Dưới tựa đề "Hãy quan sát TQ đang tăng cường không lực" trên NewYork Times số ngày 20/10/2009 (3), Michael Forsythe trích dẫn báo cáo tháng 7/2009 của cơ quan tình báo hải quân Hoa Kỳ, dự báo rằng TQ sẽ hạ thuỷ chiếc hàng không mẫu hạm (trang bị phi cơ chiến đấu) Varyag vào khoảng thời gian 2010-2012, và sẽ tự sản xuất được loại mẫu hạm vào năm 2015. Chiếc Varyag mua lại của Ukraine năm 2002, đang được tân trang, sẽ gia nhập hạm đội 190 chiếc, so với hạm đội 285 chiếc bao gồm 15 hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ.  

Động thái tăng cường hạm đội tại một vùng biển mà Hoa Kỳ giữ thế khống chế từ thế chiến thứ II "tuy chưa thây đổi cán cân quân lực giữa TQ và Hoa Kỳ, song nó tiếp sức cho TQ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với các nước Nhật, Nam Hàn, Việt Nam và Philippines".

Các phân tích của Jayshree Bajoria trong bài bình luận "Bối cảnh của quân lực Trung Quốc" trên Newyrok Times số ngày 3/5/2009 (4) bổ sung các góc nhìn và dữ liệu quan trọng khác về quân lực TQ. Theo sự đánh giá của các chuyên gia, việc tăng cường quân lực của TQ là một tiến trình tự nhiên khi quốc gia này trở thanh cường quốc, và TQ sẽ phải mất nhiều thập niên mới có thể đủ mạnh để đối đầu với Hoa Kỳ. Song sự quan ngại của các chuyên gia phương Tây đối sự phát triển của quân lực TQ là về những động lực dài hạn của TQ.

Các mối quan ngại này đã Jayshree trích dẫn từ bản báo cáo của Kerry Dumbaugh, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Châu Á của hạ viện Hoa kỳ trong báo cáo năm 2008, như sau:

  • Sự thiếu minh bạch về ngân sách quốc phòng và các hoạt động quân sự: Ngân sách quốc phòng do TQ công bố là 52 tỷ USD năm 2008. Con số ngân sách quốc phòng TQ do Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ ước tính khoảng 97 tỷ năm 2007 và 139 tỷ USD năm 2008. Quan điểm của TQ là ngân sách quốc phòng chỉ chiếm 1.38% GDP nếu so với Hoa Kỳ 4.5% GDP.

  • Các hoạt động gián điệp thu thập bí mật quốc phòng: Hoa Kỳ tố giác TQ không những xâm nhập hệ thống vi tính của bộ Ngoại giao, thương mại và quốc phòng của Hoa Kỳ mà còn cả các công ty Anh Quốc, và các cơ quan chính phủ của Pháp, Đức, Nam Hàn, và Đài Loan. Do hệ thống phòng ngự xâm nhập các mạng vi tính kinh tế và quốc phong Hoa Kỳ còn thiếu hữu hiệu, bản báo cáo nhấn mạnh, nếu như xảy ra sự xung đột, lợi thế của TQ về phương diện này sẽ làm giảm ưu thế của Hoa Kỳ về sức mạnh của vũ khí qui ước.

  • TQ đang cải thiện kỹ năng về kỹ thuật và quân sự: Cuộc thử nghiệm hỏa tiễn chống vệ tinh của TQ tháng giêng 2007, qua việc bắn hạ vệ tinh của chính mình, chứng tỏ TQ đã đạt tiến bộ về lĩnh vực không gian, do đó,  "Lợi thế của Hoa Kỳ về địa hạt này có lẽ sẽ giảm đi trong vòng 10 đến 20 năm tới". 

    Về vũ khí nguyên tử, TQ gần đây đã đạt bước cải tiến quan trọng về hoả tiễn liên lục địa, qua việc thay thế loại nhiên liệu lỏng bằng nhiên liệu đặc (solid-fuel DF-31), tăng độ chính xác và khả năng chống trả các cuộc tấn công nguyên tử. 

    Trong cuộc tường trình trước quốc hội tháng 1/2009, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, ông Robert M. Gate tuyên bố rằng: việc hiện đại hóa của TQ có thể đe dọa sức mạnh quân sự và khả năng bảo vệ các nước đồng minh tại vùng biển Thái Bình Dương

  • Các viện trợ về kỹ thuật và quân sự cho Zimbabwe, Myanmar (Miến Điện) và các nước bị thế giới lên án vì chính sách áp bức và bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.


Mặc dù khả năng xảy ra cuộc xung đột quân sự TQ và Hoa Kỳ là rất thấp, các chuyên gia quân sự vẫn e ngại rằng những "tai nạn" đã từng xảy ra giữa TQ và Hoa Kỳ, nhự vụ chạm trán giữa phi cơ dọ thám Hoa Kỳ và các chiến đấu cơ TQ năm 2001, hay hoả tiễn Hoa Kỳ bắn "nhầm" vào tòa đại sứ TQ tại Bỉ năm 1999, có thể làm bùng nổ chiến tranh. Hơn thế nữa, với sự mở rộng phạm vi hoạt động, không quân và hải quân TQ sẽ cọ sát nhiều hơn với các lực lượng của Hoa Kỳ, Đài Loan và Nhật Bản.  

Cũng theo nhận định của Jayshree, Hoa Kỳ gần đây có nỗ lực tái lập sự hiện diện tại Châu Á, qua việc xích lại gần Ấn Độ và các nước trong khu vực, và việc tăng cường lực lượng hải quân và không tại đảo Guam. Song thách thức lớn của chiến lược quốc phòng Hoa Kỳ hiện nay, theo bộ trưởng Robert Gate và các nhà phân tích, là làm thế nào để giữ được thế quân bình giữa hai mặt trận, cuộc chiến tranh chống khủng bố tại Iraq và Afghanistan, và việc hiện đại hóa quân lực TQ. 


3. Cuộc cạnh tranh mô hình phát triển:

Sự phát triển nhanh chóng của TQ còn là một thách đố đối với công cuộc vận động dân chủ. Với những thành tựu kinh tế, ngày nay TQ đã quy tụ được không ít môn đồ; những nước đang ra sức củng cố thể chế độc tài, hoặc với niềm tin rằng mô hình TQ là khuôn mẫu phát triển hiệu quả, hoặc sử dụng nó như cái phao để bám víu, duy trì quyền lực chính trị và lợi ích cá nhân. Thế giới ngày nay đang dõi theo từng bước phát triển của TQ và Liên Xô, đại biểu cho hai nền kinh tế tư bản hiện đang, hay có khuynh hướng, theo thể chế  chuyên quyền, và hai nền kinh tế Ấn Độ, Brazil, đang phát triển trong khuôn khổ của mô hình chính trị dân chủ.  

Trong bài viết "Cuộc thảo luận về sự tiến triển của dân chủ sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ" trên tờ The Wall Street Journal số ngày 29/10/2009 (5), Marcus Walker đã nêu lên các con số thống kê quan trọng do tổ chức nghiên cứu Freedom House tại Hoa Kỳ thực hiện. Nền dân chủ phát triển mạnh mẽ kể từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, với tỷ lệ quốc gia có được nền dân chủ phát triển tăng từ 36% vào 1989 lên 46% năm 1999; hầu hết xảy ra tại các nước nằm trong quỹ đạo của Liên Xô cũ, nơi đã đạt mức phát triển kinh tế ngoạn mục dưới thể chế dân chủ. Tuy nhiên, con số 46% đã chựng lại, vẫn không thay đổi từ 1999 cho đến nay. Trong những năm gần đây, Liên Xô và đa số các nước láng giềng của Liên Xô cũ đã trở lại với thể chế chuyên quyền.

Giáo sư Fukuyama, tác giả tập tiểu luận nổi tiếng “Sự cáo chung của lịch sử” viết năm 1989, cũng đã thận trọng hơn về sự diễn biến của lịch sử, đã nhận định: "Sự thành công bất ngờ của TQ trong việc phát triển nền kinh tế tư bản trong khi vẫn duy trì chế độ độc đảng là thử thách lớn nhất đối với khái niệm cho rằng chế độ chuyên quyền sẽ sớm tàn lụi và tiêu vong. TQ đang làm chủ được sự phát triển kinh tế trong một thể chế thể độc tài, và do đó, bạn có thể kết luận rằng họ làm được điều đó nhanh hơn vì họ chuyên quyền".

Mô hình phát triển TQ hiện là "một sự lựa chọn mới, khác với mô hình Tây phương, đang hấp dẫn các nước như Châu Phi, nơi nền dân chủ đã sớm nở rộ sau chiến tranh lạnh, nhưng ngày nay đang nhìn về Bắc Kinh như một nguồn khích lệ. Bộ trưởng lao động Nam phi tuyên bố trong chuyến thăm TQ năm 2007: Rõ ràng có điều gì đó đúng về những gì TQ đang làm, và Nam Phi có nhiều điều cần học hỏi qua việc trao đổi kinh nghiệm với TQ".  

Mô hình phát triển TQ cũng đang lôi cuốn Nga. Trong bài viết tháng 10/2009 trên NewYork Times "Giới lãnh đạo Nga xem Trung Quốc như là thể khuôn mẫu cai trị" (6), Clifford J. Levy phân tích rằng nước Nga sau khi trải nghiệm những ngày tháng đen tối của tiến trình chuyển đổi qua nền kinh tế thị trường, đang hổ thẹn vì nền kinh tế lệ thuộc nặng nề vào dầu, khí đốt và tài nguyên thiên nhiên, nay thán phục TQ về "khả năng sử dụng hệ thống chính trị một đảng có thể duy trì được sự kiểm soát quốc gia, đồng thời vẫn phát triển kinh tế với mức tăng trưởng cao". Nga chắc chắn sẽ không trở lại thời kỳ cộng sản cũ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Vladimir V. Putin và đảng của ông, United Russia, đang chuyển dần theo mô hình phát triển chính trị và kinh tế của TQ".


Trong cuộc họp mặt với các viên chức TQ ngày 9/10/2009 tại Trung Quốc, Aleksandr D. Zhukov, phó thủ tướng và phụ tá cao cấp của ông Putin đã ngợi khen "Những thành tựu của đảng Cộng Sản TQ trong việc phát triển chính quyền xứng đáng được đánh giá cao". Và ông Zhukov đã mời Tổng bí thư đảng Cộng Sản TQ Hu Jintao đến tham dự đại hội đảng United Russia tháng 11/2009 tại St. Petersburg.


*


Các luận cứ quan trọng từ các phản ứng của các nhà vận động dân chủ trước làn sóng TQ, như Niall Ferguson, Harvard, cho rằng "không có gì chắc chắn là TQ có thể duy trì cấu trúc quyền lực hiện nay". Giáo sư Fukuyama biện luận: "Dân chủ cuối cùng vẫn có thể thắng thế ngay tại TQ. Nếu như lợi tức đầu người tăng lên gấp đôi trong vòng 10-15 tới, ở mức lợi tức mà nền dân chủ chuyển mình tại Nam Hàn và Đài loan, phải chăng lúc ấy sẽ có áp lực đòi dân chủ hóa? (7). Một luận điểm quan trọng khác được Fukuyama nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn trên Die Welt: "Tạm thời thì Trung Quốc được cái ân huệ là có các nhà lãnh đạo nhiều năng lực. Nhưng trước đó thì Trung Quốc có Mao Trạch Đông. Thiếu một hình thức ràng buộc trách nhiệm kiểu dân chủ thì không gì có thể ngăn cản một Mao Trạch Đông mới lại xuất hiện." (8)

Ngày nay thế giới đang đặt kỳ vọng vào hai ngôi sao mới nổi là Ấn Độ và Brazil, hai nền kinh tế tư bản đang phát triển trong khuôn khổ của nền chính trị dân chủ, như những chứng cứ cho sự thành công của con đường phát triển dân chủ. Cả hai nền kinh tế này vẫn ở khoảng cách khá xa so với TQ, song hứa hẹn nhiều triển vọng.  

Bài bình luận "Brazil cất cánh" trên The Economists (9), số ngày 12/11/2009 nhận định: Gần một thập niên trước, khi các nhà kinh tế của Goldman Sachs ghép Brazil với Russia, India, và China (BRIC) là bốn nền kinh tế sẽ khống chế thế giới, thì đã có nhiều người muốn gở bỏ chữ B trong BRIC đi. Mối ngờ vực này nay đã rõ là sai lầm. Một số nhà phân tích nêu lên những lợi thế của Brazil trong nhóm BRIC: Khác với India, Brazil không có các nhóm phiến loạn, các xung đột về sắc tộc, tôn giáo, và với nước láng giềng. Khác với TQ, Brazil là một nước dân chủ. Khác với Nga, Brazil xuất khẩu dầu nhiều hơn là vũ khí, và tôn trọng các nhà đầu tư. Brazil đang nhanh chóng hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế, là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, hiện là nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, và được nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ vượt qua Anh, Pháp, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong thập niên tới.

Ấn Độ từ bỏ con đường phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và duy trì nền dân chủ đầy khó khăn của mình. Mức độ tăng trưởng quanh con số 9% trong những năm gần đây và sự phục hồi nhanh chóng trước cuộc khủng hoảng hiện là những thành tựu rất ấn tượng. Bài bình luận "Miền đất hứa hẹn phía Đông" trên The Economists (10), số tháng 19/11/2009, lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế của Ấn Độ không dựa nhiều vào gói kích thích lớn như TQ, và mức độ của đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng cân đối hơn. Ấn Độ hiện là ngôi sao của ngành công nghệ thông tin, vốn đầu tư của Nhật vào nước này đang vượt qua TQ, và ngành điện tử của Nam Hàn đang đổ bộ vào đất nước này. Nền kinh tế Ấn Độ hiện đứng thứ 12 trên thế giới, phát triển khá cân đối vì không lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu và có thị trường nội địa khá mạnh. Tác giả bài bình luận cho rằng trong trường kỳ, Ấn Độ sẽ vượt qua ngay cả TQ.

***


Sự phát triển của Trung Quốc là niềm khích lệ cho các nước đang phát triển, có thể có cơ hội vươn lên từ đói nghèo và lạc hậu. Song, nó cũng là mối đe dọa đáng lo ngại, nhất là đối với các quốc gia láng giềng, vì TQ là một nước chuyên quyền. Trong mối bang giao giữa TQ và Hoa Kỳ, các nhà quan sát nhận thức rằng kết quả của các nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước sẽ rất hạn chế. Tuy nhiên, họ hy vọng rằng "sự phụ thuộc lẫn nhau về phương diện kinh tế ngày càng gia tăng giữa hai nước sẽ là nền tảng để hai bên tránh các cuộc xung đột" (11). Trên bình diện thế giới cũng thế. Trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu hội nhập ngày nay, TQ cũng sẽ phải lệ thuộc vào các nền kinh tế khác để có thể duy trì được mức tăng trưởng và sự thịnh vượng, và do đó sẽ phải thận trọng cân nhắc trong các chiến lược phát triển kinh tế và quân sự.     

Trên một góc độ khác, dù rằng các nhà đầu tư, các cường quốc chỉ quan tâm đến lợi nhuận và quyền lợi quốc gia, chỉ lên án một cách chiếu lệ các vấn đề nhân quyền và bình đẳng xã hội, song sự phát triển kinh tế đơn thuần sẽ phiến diện nếu như những thành tựu không được phân bố rộng rãi đến các tầng lớp dân chúng, và khi các quyền căn bản của người dân không được tôn trọng và bảo vệ.

Hãy thử hình dung, nếu nơi bạn đang tạm cư là một nước có nền dân chủ phát triển, các quyền căn bản về tự do và bình đẳng đến với người dân mặc nhiên và thiết yếu như không khí hít thở. Rồi bỗng dưng một ngày nào đó, người dân bị tước đoạt tất cả các quyền căn bản ấy. Họ không được tự do chọn người đại diện trong chính phủ. Bị bỏ tù, tra tấn vì phát biểu chống đối chính phủ. Phải đút lót để có được cơ hội thăng tiến, và các viên chức chính phủ giàu sụ lên nhờ tham nhũng sống nhởn nhơ mà không bị trừng phạt. Nếu những điều tồi tệ này xảy ra, thì người dân sẽ nghĩ gì? làm gì? Tôi đoan chắc rằng dân chúng sẽ lồng lộn lên vì tức giận, sẽ xuống đường biểu tình đấu tranh, cho dù phải đổ máu, phải hy sinh, để giành lại các quyền đã mất, như thể giành lại không khí, hơi thở để sống.


Dân chủ, vì vậy không phải chỉ vì cơm với áo. Cơm áo dù rất thiết thực cho cuộc sống, song cuộc sống không phải chỉ có cơm áo.

 


Trần Bình 12/2009



Xem các bài trước: phần I, và phần II



(1) On China's rapid growth in outward FDI - ChinaDaily
(2) China Pledges $10 Billion to Africa - NewYork Times
(3) Watching Beijing's Air Power Grow - NewYork Times
(4) Backgrounder: China's Military Power - NewYork Times - Backgrounder
(5) After the Wall: A Debate Over Democracy's Reach  - The Wall Street Journal
(6) Russia's Leaders See China as Template for Ruling - NewYork Times
(7) The Wall Street Journal
(8) Chống chủ nghĩa bi quan về văn minh - Die Welt - Talawas
(9)  Brazil takes off - The Economists
(10) Land of Eastern promise - The Economists
(11) Backgrounder

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss