Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tháp tuyên lễ ở Thuỵ Sĩ và câu chuyện Bản sắc dân tộc

Tháp tuyên lễ ở Thuỵ Sĩ và câu chuyện Bản sắc dân tộc

- NGUYỄN QUANG — published 23/12/2009 14:54, cập nhật lần cuối 29/12/2009 19:45


Sau cuộc bỏ phiếu "votation" ở Thuỵ Sĩ



Tháp tuyên lễ Thuỵ Sĩ
và bản sắc dân tộc

NGUYỄN QUANG



Tháng 12 này, ở hai triền núi Alpes, đám chính khách khốn kiếp tung ra chuyện "bản sắc dân tộc" đã bị vỡ mặt vì nó quay ngược trở lại như cái boomerang của người dân bản địa Úc Châu. Bên Thuỵ Sĩ, cuộc trưng cầu dân ý ("do dân chúng chủ động yêu cầu") nhằm cấm xây dựng những cái tháp tuyên lễ (minaret) của nhà thờ Hồi giáo, đã được đa số 57,5 % phiếu thuận (với 53 % cử tri đi bỏ phiếu), làm điên đầu "giới thượng lưu chính trị" -- ngoại trừ đảng dân tuý UDC là đảng là chủ xướng cuộc "votation" này. Bên Pháp, cuộc thảo luận dấm dớ về "bản sắc dân tộc" do người đứng đầu Nhà nước tung ra với mục đích lộ liễu là giành phiếu trong cuộc bầu cử vùng sắp tới, đã nhanh chóng tập trung vào vấn đề nhập cư, và sau cuộc bỏ phiếu ở Thuỵ Sĩ, chuyển sang chuyện Islam, mang lại cho phe cực hữu một luồng sinh khí "trời cho".

Câu chuyện những cái tháp tuyên lễ

Tháp tuyên lễ (manara) có từ thế kỉ thứ VIII, sau khi Islam sáng lập. Nó đứng sừng sững giữa quang cảnh đền thờ, tượng trưng cho con người hướng thượng tới Thượng Đế, hơn là một quy định của tôn giáo. Nhưng tháp manara cũng có thể là một thứ vọng gác, dấu hiệu thắng lợi của Islam, là chỗ người tu sĩ đứng gọi tín đồ cầu nguyện... Ở Thuỵ Sĩ hiện có 4 tháp tuyên lễ, ở Pháp chưa tới 20 (trong số 2000 giáo đường hay nơi cầu nguyện).

Đối với hình ảnh của đất nước Thuỵ Sĩ trên trường quốc tế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý xảy ra thật không phải lúc chút nào. Tại một quốc gia dân số 7 triệu, với một thiểu số Hồi giáo 350 000 người, nói chung đã hội nhập tốt, nguyên quán phần đông là những nước Islam "thế tục hoá" (60 % từ các nước vùng Balkan, 20 % từ Thổ Nhĩ Kì), nay vì cuộc bỏ phiếu hai năm rõ mười như vậy, phải sửa đổi Hiến pháp, cấm chỉ sự xuất hiện trong cảnh quan đất nước biểu tượng của một tôn giáo nhất định (xem khung bên cạnh). Thế là, sau cuộc chao đảo (và bị vạch mặt chỉ tên) của các ngân hàng Thuỵ Sĩ trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau việc sở thuế Mĩ buộc Thuỵ Sĩ phải từ bỏ một phần "bí mật ngân hàng" vốn là thương hiệu thiêng liêng của mình, sau vụ scandale ô nhục Hannibal Khadafi trong đó, theo nhận định của chính người dân Thuỵ Sĩ, chính quyền đã phải khấu đầu, thậm chí nằm phủ phục, dưới chân Tripoli, sau vụ Polanski thảm hại (trong vụ này, dường như để "chuộc lỗi", cơ quan tư pháp Thuỵ Sĩ đã "cầm đèn trước ô tô" toà án Mĩ -- mà Mĩ hình như cũng chẳng muốn như vậy tí nào), bây giờ chính cái hình ảnh Sonderfall ("biệt lệ" Thuỵ Sĩ) đã bị mất giá : 

* trước hết là cái mô hình "dân chủ trực tiếp" mà các nhà tư tưởng lớn về dân chủ vẫn luôn luôn cảnh báo, vì nó rất dễ rơi vào bẫy mị dân. Vụ bỏ phiếu cấm xây tháp tuyên lễ vừa qua đã minh hoạ sự sa đà này : bao nhiêu luận điểm "thuần lí" mà các chính đảng và hội đoàn tôn giáo cổ điển đưa ra đều tỏ ra vô hiệu trước những thành kiến và sự hoảng sợ của người dân.

* sau đó là thứ đồng thuận mềm mà thí dụ điển hình là Hội đồng liên bang Thuỵ Sĩ luôn luôn nấp bóng "vox populi" (tiếng nói của nhân dân) thiêng liêng để không bao giờ dám đưa ra một dự án xã hội nào khác hơn là ngày ngày quản lý công việc. Trong việc huy động dư luận bỏ phiếu "chống" (lại việc cấm xây tháp tuyên lễ), rõ ràng chính quyền thiếu sự kiên quyết tương xứng với tầm cỡ vấn đề, trong một cuộc trưng cầu dân ý kiểu "xả hết ẩn ức" mà lẽ ra, theo kinh nghiệm quá khứ, phải hết sức cảnh giác đối với các cuộc thăm dò dư luận (khi được thăm dò, cử tri thường che giấu ý định thực sự của mình, vì sợ phô bày lập trường "không đúng đắn" của mình, nhưng khi vào phòng kín bỏ phiếu, thì "xả xú pháp" cho bõ tức). Đáng kinh ngạc hơn nữa là việc các quan chức vội vã ghi kết luận của cuộc bỏ phiếu vào văn bản Hiến pháp, một kết luận có lẽ là vi hiến vì nó phân biệt đối xử với một tôn giáo nhất định. Vẫn biết Thuỵ Sĩ không có Toà án bảo hiến, nhưng có thể tính tới việc đưa ra phân xử trước Toà án Strasbourg chẳng hạn, vì Thuỵ Sĩ đã kí vào Công ước Âu châu về quyền con người. Đằng này, thái độ của chủ tịch Hội đồng liên bang khiến cho người ta có cảm tưởng rằng ông ta chỉ lo một điều là sợ các nước Hồi giáo trả đũa về mặt đầu tư, gửi tiền vào ngân hàng và du lịch ở Thuỵ Sĩ.

thapa

* cuối cùng là thanh danh của Liên bang Thuỵ Sĩ vốn nổi tiếng là cởi mở và khoan dung, vì đây là một cuộc bỏ phiếu rõ ràng có tính cách bài ngoại, hay nói chính xác, bài Islam. Thuỵ Sĩ có 140 nơi thờ cúng và nguyện cầu Hồi giáo nhưng chỉ có 4 cái tháp tuyên lễ, vậy mà những người kêu gọi bỏ phiếu "thuận" đã dán khắp mọi nơi những tấm áp-phích vẽ huỵch toẹt những điều họ không dám nói ra lời : một phụ nữ đội khăn trùm, đằng sau là những ngọn tháp tuyên lễ tua tủa dựng đứng như một dàn hoả tiễn đạn đạo. Thực ra, đây cũng không phải lần đầu Thuỵ Sĩ nổi trội về mặt bài ngoại. Từ giữa thập niên 60 đến giữa thập niên 70, cánh cực hữu đưa ra bỏ phiếu "votation" một loạt biện pháp chống "quá tải dân số ngoại quốc", nhưng không thành công. Song từ năm 1992 trở đi, khi người Thuỵ Sĩ đã bác bỏ việc gia nhập Không gian kinh tế châu Âu (phòng đợi của Liên hiệp châu Âu) trong một cuộc trưng cầu dân ý, dường như đất nước này đã, ý thức hay vô thức, tiến sâu vào lô-gic của sự co cụm.Chẳng hạn, những năm vừa qua, Thuỵ Sĩ đã bỏ phiếu "thuận" cho việc tăng cường các biện pháp kiểm soát di dân, cho việc gây thêm khó khăn trong việc nhập quốc tịch. Mọi người còn nhớ cuộc vận động vào mùa thu vừa qua của đảng UDC Liên minh Trung phái (từ cuộc bầu cử năm 2007, đảng dân tuý Union du Centre này đã trở thành chính đảng số 1 của Thuỵ Sĩ), tuyên truyền miệt thị những người Pháp ở biên giới ngày ngày sang làm việc ở Thuỵ Sĩ, gọi họ là "bọn cặn bã ở Annemasse", vẽ trên áp phích thành những con cừu đen bị đàn cừu trắng đá ra khỏi lãnh thổ. Trong cái lô-gic của sự co cụm bài ngoại ấy, kết quả cuộc bỏ phiếu cấm xây tháp Hồi giáo không phải là điều gây ngạc nhiên.

Cuộc bỏ phiếu vừa qua cũng là do UDC khởi xướng. Cùng với Đảng Tự do ở Hà Lan, Liên đoàn Miền Bắc ở Ý, Đảng Nhân dân ở Đan Mạch, Đảng Tiến bộ ở Na Uy, UDC Thuỵ Sĩ hợp thành một thứ mặt trận "quốc gia - dân tuý" phát triển khá mạnh từ mấy năm nay ở châu Âu, tại những nước mà nền tảng xã hội đang lung lay. Ta không nên đơn thuần xếp các đảng này bên cạnh phe cực hữu cổ điển. Thực ra, các đảng "quốc gia - dân tuý" này cạnh tranh với đảng cực hữu truyền thống, và chúng bị yếu thế nơi nào đảng cực hữu có cơ sở vững vàng, như ở Pháp (với đảng Mặt trận Quốc gia của Le Pen), ở Áo (với đảng FPÖ của Jorg Haider) và nay ở Anh (với British National Party). Đứng về mặt tư tưởng hệ, chủ nghĩa quốc gia - dân tuý gần gũi với cánh hữu anglo-saxon : về kinh tế thì liberal cực đoan, tới mức vô chính phủ (bớt thuế, bớt luật lệ, bớt trợ cấp xã hội), nhưng về văn hoá chính trị thì nó quyết liệt chống lại "chủ nghĩa đa văn hoá" (xem ở dưới). Tín điều chủ yếu của quốc gia - dân tuý là : các giá trị về khoan dung, về tự do, về thế tục (Nhà nước độc lập với tôn giáo) -- tức là di sản chung của các nước châu Âu -- đang bị những giá trị ngoại lai khác đe dạ nghiêm trọng. Do đó, "thương hiệu" tự nhiên của nó là bài ngoại, là kỳ thị đối với người nhập cư. Và vì những lí do có tính chất tình huống (mà chúng tôi sẽ bàn tới ở một đoạn dưới), nó tập trung chĩa mũi nhọn vào người Hồi giáo nhập cư. Kết quả cuộc bỏ phiếu ở Thuỵ Sĩ càng kích động mặt trận quốc gia - dân tuý : ở Đan Mạch, Đảng Nhân dân cũng đòi tổ chức trưng cầu dân ý về việc xây tháp tuyên lễ ; trong khi chờ đợi, nó vận động chống lại việc xây đại giáo đường Hồi giáo ở Copenhagen ; tại Ý, Liên đoàn Miền Bắc chuẩn bị một dự án luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý nếu có đủ số chữ ký cử tri ; và tại Thuỵ Sĩ, UDC không che giấu mục tiêu sắp tới là đòi bỏ phiếu về tấm khăn trùm burqua... Tóm lại, việc Thuỵ Sĩ cấm xây tháp tuyên lễ cũng giống như một cuộc vỡ đê : các nhà quan sát đều cho rằng tại các nước châu Âu khác, có người nhập cư Hồi giáo, nếu tổ chức bỏ phiếu, kết quả nhất định sẽ tương tự. Nghĩa là sự dị ứng đối với Islam ở châu Âu đã mạnh tới mức mà những quan điểm trước đây bị coi là cực đoan nay đã trở thành "trung phái". Đây là một thay đổi nghiêm trọng đáng được phân tích sâu sắc. Vậy mà những phản ứng ban đầu của chính giới và báo giới lại chỉ là những lời phẫn nộ ồn ào : "kinh hoàng", "ô nhục", "bỉ ổi"... thậm chí giới "thượng lưu" còn phản xạ bằng việc yêu cầu Thuỵ Sĩ bỏ phiếu lại ! Đó là một thái độ phản dân chủ và phản tác dụng. Phải chăng người ta quên mất rằng ở Pháp, thay vì suy nghĩ và triển khai một chính sách tổng thể về nhập cư, về giảm bớt bất bình đẳng xã hội, người ta chỉ biết làm "vành đai y tế" bao quanh đảng Mặt trận Quốc gia, và kết quả nhãn tiền là như thế nào ? Trong cuộc tranh cử tổng thống tháng 4 năm 2002, ứng viên phái tá (Lionel Jospin, thủ tướng) đã bị loại ngay vòng đầu. Thế là hàng ngàn người xuống đường biểu tình, hô vang sự "kinh hoàng", "nhục nhã"... nhưng than ôi, làm sao có thể bầu lại ! Bởi vậy, để tránh sự tái diễn bi kịch này, sao ta không thử chẩn đoán căn bệnh từ gốc rễ của nó ?

Bản sắc dân tộc

Bỏ phiếu cấm xây tháp tuyên lễ ở Thuỵ Sĩ là một đa số rõ nét, chắc chắn vượt quá lằn ranh tả-hữu. Có thể đặt ra nghi vấn : đây là một đa số thành hình do hoàn cảnh đưa đẩy, sự xúc động tức thời đã gắn kết những động cơ -- bất luận chính đáng hay không chính đáng -- đa tạp, thì dụ như an ninh (sợ nạn khủng bố), trật tự (sợ tình trạng phạm tội gia tăng), chính trị (sự đụng đầu giữa Islam và phương Tây), tôn giáo (người Ki-tô giáo thì sợ, những người chủ trương thế tục thì phản đối) vân vân...  Song cái đa số ấy muốn nói lên điều gì ? Tấm áp-phích nói ở trên cho thấy rõ câu hỏi đặt ra không liên quan tới khối người nhập cư nói chung, mà cụ thể là nhắm vào Islam. Nhưng trả lời câu hỏi ấy lại tuỳ thuộc vào ý nghĩa biểu tượng tháp tuyên lễ đối với mỗi người. Nếu tháp tuyên lễ đúng là những tên lửa đạn đạo theo lời tuyên truyền của UDC, thì cấm xây tháp có nghĩa là đối với đa số người Thuỵ Sĩ, thiểu số Hồi giáo (vốn là một thiểu số hiền hoà, hội nhập tốt) là tên chạy cờ của Islam cực đoan, một "đạo quân thứ năm" cần phải được canh chừng. Còn nếu tháp tuyên lễ chỉ là... tháp tuyên lễ, biểu tượng của đạo Hồi, thì vấn đề chỉ là mức độ biểu lộ phô trương của một tôn giáo tại một đất nước có truyền thống Ki-tô giáo hay thế tục, thì cậu chuyện lại chuyển từ lãnh vực huyễn tưởng sang lãnh vực xã hội học chính trị : các quốc gia Âu Châu tuy đã trở thành những nhà nước thế tục, độc/trung lập với các tôn giáo, song một mặt, "cảnh quan nội tâm" của cá nhân người dân vẫn mang dấu ấn của những biều tượng Ki-tô giáo (tháp chuông nhà thờ, cây thập tự), mặt khác quá trình giải thiêng hoá của xã hội Âu châu khó mà thích ứng với một tôn giáo như Islam với những nghi lễ ăn sâu vào cuộc sống hàng ngày (chế độ ăn uống, cầu nguyện, ăn mặc).Vấn đề đặt ra không phải là niềm tin của Islam, mà là sự phô trương của niềm tin ấy. Đào sâu hơn, thế hệ mới của các đảng dân tuý còn nâng thành lí luận sự xung khắc giữa Islam và những giá trị nền tảng của không gian Âu châu -- luận đề "đụng đầu giữa các nền văn minh" được dùng để che đậy cho việc thay thế chủ nghĩa chủng tộc có xếp thứ hạng (chủng tộc này cao cấp hơn chủng tộc nọ) bằng một thứ chủ nghĩa chủng tộc lấy dân tộc làm trung tâm (racisme ethnocentrique, nền văn hoá này cao siêu hơn nền văn hoá kia). Người ta lén lút đưa vào cuộc thảo luận những từ ngữ mang nặng ẩn ý ("văn minh", "văn hoá", "giá trị"...) để dần dần chuyển nó sang vấn đề bản sắc dân tộc. Không có gì phải ngạc nhiên khi Islam nổi lên trong cuộc thảo luận (hay đúng hơn, cuộc đánh lộn ngôn từ) nội bộ nước Pháp mà tổng thống Pháp và tay bộ trưởng Bộ nhập cư và Bản sắc dân tộc (1). Để tránh mọi ngộ nhận và xuyên tạc, có lẽ cũng cần "gỡ bom gỡ mìn" trên mảnh đất chúng ta đang bàn bằng cách xác định khái niệm bản sắc dân tộc, xác định mà không cố định một khái niệm mà bản chất của nó là biến hoá không ngừng.

Quốc gia - dân tộc, natio trong tiếng latinh, là tập hợp những người sinh ra trên cùng một lãnh thổ, trong cùng một nước. Nghĩa đầu tiên của nó trùng lặp với khái niệm "tổ quốc", hay "dân tộc" (ethnie) nếu muốn dùng danh từ có tính khoa học hơn. "Dân tộc" (ethnie) đây không dính dáng gì tới chủng tộc, giống nòi, mà là nhóm người có chung văn hoá (cho nên bộ môn dân tộc học / ethnographie còn được gọi là nhân học văn hoá / anthropologie culturelle). Trong nghĩa rộng, theo Claude Lévi-Strauss, khái niệm văn hoá bao gồm "toàn bộ những thái độ và khả năng mà con người học tập được trong tư cách thành viên của một xã hội". Như thế, văn hoá giúp tổ chức kinh nghiệm chung (và truyền đạt tri thức), gìn giữ kí ức chung (ngôn ngữ, lịch sử, truyền thống...), bình thường hoá cuộc sống chung (cơ cấu gia đình, cái ở, cái mặc, cái ăn...). Và quan trọng hơn cả các thực tiễn xã hội, văn hoá có chức năng cung cấp cho cá nhân những "biểu diễn" cần thiết cho cấu trúc tinh thần, một cách lí giải tập thể về thế giới quan (trong đó có tôn giáo). Khởi điểm của bản sắc dân tộc như vậy là thành tố văn hoá, một thành tố đa nguyên và tiến hoá. Thí dụ điển hình là bản sắc văn hoá Pháp, hưởng thụ ba di sản : di sản Hi-La, Do thái - Ki-tô giáo, và di sản của Phong trào Khai minh, và không biết đang "tiêu hoá" di sản nào nữa ? Để cảm nhận tính cách đa nguyên, biến hoá và thường trực (đồng thời cả ba) của bán sắc văn hoá, T. Todorov (2) đã minh hoạ bằng ẩn dụ tuyệt vời là con tầu Argo : Jason (nhân vật thần thoại Hi Lạp) đi tìm Bộ lông cừu vàng trên con tàu Argo ; trải qua bao tháng năm, sóng gió, đoàn thuỷ thủ đã phải thay thế từng tấm ván, từng cuộn thừng, từng chiếc đinh, đến ngày cặp bến trở về, con tàu không còn một mẩu vật chất nào của ngày nhổ neo ra đi, nhưng đó vẫn mãi mãi là con tàu Argo thần thoại.

Nhưng bản sắc dân tộc không chỉ thu gọn vào thành tố văn hoá. Trong cuộc đối thoại Về pháp luật viết năm 52 trước C.N., tức là ba thế kỉ trước Chỉ dụ Caracalla (3), Cicero đã có một trực quan hết sức hiện đại về một thành tố khác nữa : " Mọi công dân, theo tôi, đều có hai tổ quốc, một tổ quốc tự nhiên, và một tổ quốc chính trị. Chẳng hạn anh nói tới tên Caton : quê quán ở Tusculum, Caton có quyền công dân Roma. Như vậy là Caton có tổ quốc thứ nhất là sinh quán, và tổ quốc thứ nhì là Roma do quyền chính trị. Chúng ta cũng thế, đối với chúng ta, tổ quốc là nơi chúng ta ra đời, tổ quốc cũng là thành thị cho ta cái quyền làm thành viên. Mà cái tổ quốc thứ nhì mới là cái tổ quốc ta yêu dấu nhất, bởi đó là nền cộng hoà, là cái thành thị chung của chúng ta ; vì nó, chúng ta phải biết hi sinh cả mạng sống, cho nó chúng ta phải hiến dâng toàn thân, cái gì của ta là của nó, ta phải hi sinh tất cả vì nó. Nhưng tổ quốc sinh quán của chúng ta cũng rất đỗi đáng yêu, và tất nhiên sẽ không bao giờ tôi chối bỏ nó ".

Cái bản sắc hay căn cước công dân mà Cicero vừa nói, trước hết có thể là tư cách thành viên của một quốc gia, một Nhà nước, nghĩa là một thực thể hành chính đặt ra pháp luật, luật lệ, bảo đảm trật tự, phân phối của cải..., tóm lại, là người bảo chứng của một khế ước xã hội. Nhà nước áp vào dân tộc, nhưng không đồng nhất với nó. Khởi thuỷ, có thể có những chế độ "dân tộc trị", nghĩa là những Nhà nước trong đó một dân tộc thống trị có những ưu quyền dành riêng cho mình (thí dụ ngoạn mục nhất là thành phố Sparte thời cổ Hi Lạp : hàng năm, người Sparte cử hành lễ tuyên chiến với người Heilotes... để biện minh cho việc duy trì người Heilotes ở vị trí nô lệ). Nhưng với các cuộc di cư và hợp chủng trong lịch sử, ngày nay hầu như chẳng còn Nhà nước nào có một dân tộc duy nhất (hiện nay trên thế giới có 200 quốc gia và hơn 6000 ngôn ngữ !). Càng hay. Những cuồng vọng "thanh lọc dân tộc" trong thế kỉ 20 (Đức quốc xã, Bán đảo Balkan, Rwanda...), như ta biết, đều dẫn tới thảm kịch và đại hoạ.

Ta hãy trở lại Cicero. Nếu Nhà nước chỉ là một thực thể hành chính, cũng là cần thiết như khí trời để thở, nhưng nó cũng không mùi không vị như khí trời, ai mà chịu hi sinh tính mạng vì nó cho được. Để củng cố luận điểm của Cicero, ta có thể nói lẽ ra Cicero phải có một trực quan về Nhà nước - dân tộc (hay Nhà nước - quốc gia), một khái niệm về sau này mới xuất hiện. Với khái niệm này, người công dân không chỉ đơn giản là con dân của một chính thể, hay người sử dụng của bộ máy hành chính, mà là những chủ thể tham gia vào sự xây dựng và tiến hoá của Nhà nước. Nhà nước - dân tộc không phải chỉ là con toán cộng giữa Nhà nước và dân tộc, nó còn mang thêm một kích thước mới, kích thước ấy chỉ có thể triển khai trong bối cảnh xã hội và triết lí thuận lợi cho chủ quyền của nhân dân. Các nhà sử học liên hệ sự xuất hiện của khái niệm này với Thế kỉ Ánh sáng. Như vậy thành tố Nhà nước - Dân tộc có thể được gọi là bản sắc cộng hoà, kích thước thứ ba của bản sắc dân tộc. Ở trên đã nói tới khế ước xã hội, người công dân gắn kết với khế ước nào là do ngẫu nhiên của nơi ra đời (nói như Montesquieu, "tôi là người, đó là điều tất nhiên, tôi là người Pháp, đó là điều ngẫu nhiên"). Trái lại, khế ước cộng hoà là khẳng định sự chọn lựa, là tuân thủ những nguyên tắc chính trị và đạo đức. Đó là ý nghĩa câu nói nổi tiếng của Renan : "Sự tồn tại của mỗi quốc gia là một cuộc biểu quyết toàn dân diễn ra hàng ngày". Muốn có cuộc biểu quyết toàn dân ấy, tất nhiên phải có những giá trị phổ quát (để người ta có thể đánh giá), những giá trị ấy phải có thứ bậc (để người ta lựa chọn). Đánh cuộc vào tính thống nhất của nhân loại, Phong trào Khai Minh đã liên kết tính phổ quát của các giá trị và sự đa nguyên của các nền văn hoá trong lòng Nhà nước - dân tộc. Và, như thế đấy, đã có những con người sẵn sàng bỏ mình cho ý tưởng ấy. Các nhà sử học thường viện dẫn một trong nhiều ví dụ, là trong Thế chiến lần thứ nhất, hàng nghìn người tứ xứ (Tây Ban Nha, Tiệp Khắc, Ba Lan, Nga, Mỹ -- trước khi Hoa Kì quyết định tham chiến) đã sang Pháp chiến đấu bên cạnh người Pháp, chỉ vì họ cho rằng nền dân chủ Pháp có giá trị cao hơn chế độ cực quyền của nước Phổ.

Những nền văn hoá

Tóm lại, bản sắc của mỗi dân tộc dựa trên cái kiềng ba chân : - bản sắc văn hoá (mỗi cá nhân nằm trong nền văn hoá nào) - bản sắc công dân (thuộc Nhà nước nào) - bản sắc cộng hoà (tán thành những giá trị nào). Bộ ba ấy sẽ là cái la bàn phương pháp luận để chúng ta xem xét các luận đề của chủ nghĩa quốc gia - dân tuý. Khi Sarkozy ghép "bản sắc dân tộc" và "nhập cư" vào cùng một bộ, hắn nuôi dưỡng ý đồ, ý chí gì ? Nếu có thiện ý, có thể giả định rằng dòng người nhập cư có thể làm phong phú hơn bản sắc dân tộc (hiểu theo nghĩa hẹp là bản sắc văn hoá). Nhưng giả định này bị quét sạch bởi sự thật phũ phàng : chủ trương công khai của chính phủ Pháp là "săn lùng những người không giấy tờ", đi ngược lại những quyền con người. Còn lại giả định ác ý : nhập cư gây khó khăn cho bản sắc dân tộc -- quan điểm "vô ngôn" này, hai mươi nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã tố cáo khi họ phản đối "việc đưa ra trên sân khấu công cộng những ngôn từ điểm mặt và chỉ trích người ngoại quốc" ; họ "công khai khẳng định một lần nữa những lí tưởng phổ quát làm nền tảng cho chế độ cộng hoà của chúng ta, đối nghịch với sự bắt cóc ý niệm dân tộc với ý đồ dân tộc chủ nghĩa đang diễn ra" (4). Nhưng ta hãy thử chấp nhận cuộc chơi và thử hỏi xem sự nhập cư có thể đe doạ bản sắc dân tộc ở chỗ nào, cụ thể là nó có thể đe doạ bản sắc văn hoá không.

Chủ nghĩa chủng tộc lấy dân tộc làm trung tâm ẩn tàng trong các luận đề bài ngoại (xem ở trên) dựa trên khẳng định tính ưu việt của nền văn hoá này đối với nền văn hoá nọ -- nói toạc ra là đối với mọi nền văn hoá khác. Trong luận đề nổi tiếng của mình, Samuel Huntington đã dùng danh từ "văn minh" theo nghĩa "văn hoá" (2). Không bàn tới những biến thái tiềm thể của luận đề này (chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa cứu thế...), ta chỉ cần đặt một câu hỏi : có thể nào so sánh bất kỳ hai nền văn hoá trong tổng thể của chúng không ? Trước đó, phải nói là sự so sánh như vậy giả định là các giá trị có thể được xếp thứ bậc như đã nói ở trên. Hãy cứ giả định như vậy, và thử chấp nhận nhận định rằng cuốn tiểu thuyết Chiến tranh và Hoà bình cao siêu hơn mọi chuyện Ngàn lẻ một đêm. Cứ cho là nhận định như vậy có thể đúng trên một điểm cụ thể, nhưng nhìn về tổng thể, thì không thể chấp nhận, vì nền văn hoá đã sản sinh ra Tolstoi cũng là nền văn hoá đã sản sinh và Hitler và Mein Kampf. Kết luận hợp lí duy nhất là mỗi nền văn hoá đều có những yếu tố xuất sắc, mà các nền văn hoá khác có thể vay mượn để làm giàu cho mình. Đó cũng là điều mà sử học đã chứng thực về sự hình thành đa nguyên của mọi bản sắc văn hoá. Một lần nữa, ẩn dụ về con tàu Argo đáng để chúng ta suy ngẫm. Tới điểm này, không thể không tham chiếu Lévi-Strauss, người đã có công lớn trong việc "phục hồi danh dự" cho "tư duy man rợ", nghĩa là khẳng định sự chính đáng bình đẳng của mọi nền văn hoá. Nhưng Lévi-Strauss còn đi xa hơn mức mà chúng tôi muốn theo, khi ông từ chối không chịu đưa ra những phán đoán giá trị về các nền văn hoá và những yếu tố cấu thành của chúng : đối với Lévi-Strauss, mọi phán đoán giá trị nào cũng tất yếu là tương đối, và chẳng có phán đoán xuyên văn hoá nào có thể chấp nhận được cả. Để bảo vệ sự duy trì tính đa dạng của các nền văn hoá, ông còn đi xa hơn nữa khi khẳng định rằng : "Các nền văn hoá có quyền tự vệ đối với những văn hoá khác. Bài ngoại tới một mức độ nào đó không phải là vô ích để bảo đảm cho sự trường tồn của xã hội, và không nên nhầm lẫn điều đó với chủ nghĩa chủng tộc". Lạ một điều là chưa thấy chính khách dân tuý nào lặp lại luận điểm này.

Bất luận đứng ở quan điểm nào -- phổ quát hay tương đối chủ nghĩa -- vấn đề vẫn sẽ đặt ra một cách gay gắt khi hai nền văn hoá thâm nhập lẫn nhau mà lại chuyên chở những giá trị trái nghịch nhau. Để minh hoạ sự phức tạp khác thường của các mối quan hệ liên-vănhoá, và đồng thời cho thấy sự giản đơn ấu trĩ của những "giải pháp" bài ngoại, xin kể dưới đây tình tiết một "tình huống nghiên cứu" nhân học điển hình (5) :

Brasil là một quốc gia đa văn hoá, và Nhà nước Brasil phải quản trị cả những vùng sâu vùng xa của lưu vực Amazon, với những sắc dân bản địa sống theo tập quán truyền thống của mình. Trong các sắc dân này, có tộc người Suruwaha thường cho uống thuốc độc hay thiêu sống những trẻ em dị dạng, hoặc trẻ em song sinh, hoặc trẻ em bị coi là mang điềm gở... Hakani là một em bé gái, hai tuổi, bị còi, chậm lớn. Cha mẹ em pha chế thuốc độc, nhưng giờ chót, thay vì cho con , thì chính họ lại uống thuốc độc. Điều này gây ra phẫn nộ trong cộng đồng, họ gây áp lực lên anh trai của Hakani, 15 tuổi, ép anh trai phải giết em gái. Anh trai lấy gậy đập em gái rồi đào đất chôn em, nhưng khi thấy Hakani còn sống thì ngừng tay. Thấy vậy một trong hai người ông giương cung, bắn mũi tên vào Hakani, nhưng mũi tên chỉ làm em bị thương bả vai. Hối hận, ông già tự vẫn. Cuối cùng, một cặp vợ chồng giáo sĩ thừa sai đón nhận em bé, với sự thoả thuận của cộng đồng. Họ đưa em vào bệnh viện, tại đây bác sĩ phát hiện Hakani bị còi vì thuyên giảm tuyến giáp, bệnh này rất dễ điều trị. Đơn xin nhận Hakani làm con nuôi bị kẹt trong suốt năm năm trời do ý kiến phản đối của một nhà nhân học làm việc cho viện kiểm sát : theo ý nhà khoa học này, can thiệp từ bên ngoài như thế là đe doạ một lễ nghi Suruwaha "đậm đà bản sắc dân tộc". Xin để bạn đọc tự rút ra kết luận. Chỉ lưu ý một một điều thôi : mọi sự can thiệp của Nhà nước trung ương đều là vô ích. Nếu Nhà nước can thiệp đối với những người trực tiếp liên quan tới vụ việc này, là cố tình phủ nhận vấn đề then chốt : giết trẻ em ở đây là một lễ nghi. Can thiệp vào riêng bộ tộc Suruwaha : thế còn bao nhiêu bộ tộc khác, mà tập quán nhất định có những điều phạm pháp ? Can thiệp vào mọi bộ tộc ở vùng Amazon : khác nào chỉ trích toàn bộ dân số bản địa ở đây, vốn là nạn nhân của chế độ thực dân... Trong trường hợp cụ thể này, chúng ta nhận thức sâu sắc sự phân biệt mà Max Weber đã vạch ra giữa một bên là "đạo lí xác tín" [lí trí, bằng mọi giá] và "đạo lí trách nhiệm" [lí trí kết hợp với quan tâm làm sao cho hiệu quả].

May thay, vấn đề văn hoá đặt ra trong sự nhập cư -- khi có vấn đề đặt ra -- có vẻ đơn giản hơn nhiều, bởi vì nó liên quan tới một thiểu số người nhập cư, hội nhập vào đa số lập quốc. Nếu xảy ra xung đột giữa các bản sắc văn hoá, thì phải vận dụng nguyên tắc bản sắc công dân, mà như ta đã thấy, thuộc về phạm vị pháp lí và chính trị : các xã hội loài người đều đặt dưới những luật lệ do và vì công dân quy định, và trong cuộc sống công cộng, mọi ràng buộc có tính chất cộng đồng phải nhường bước trước luật lệ chung của xã hội. Sự hội nhập không thể biếm hoạ thành chính sách đồng hoá : sự tôn trọng khế ước xã hội là lằn ranh hạn định sự tôn trọng tính đa dạng để không làm nguy hại sự thống nhất. Quá trình ấy đã vận hành ở châu Âu nói chung, ở Pháp nói riêng,và nó đã thực hiện tốt sự hội nhập các đợt nhập cư nối tiếp (không phải không có lúc trục trặc).

Giá trị

Vậy thì tại sao ngày nay, với sự nhập cư của người Hồi giáo, lại có vấn đề ? Dị biệt về não trạng giữa những xã hội nông dân của quê hương và xã hội công nghiệp của nước định cư không phải là một hiện tượng mới mẻ gì. Cái mới ở đây là những đòi hỏi về diện mục căn cước xuất phát từ một tôn giáo muốn tác động ra ngoài phạm vi riêng tư. Không kể tới những nguyên nhân có tính thời sự (hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh) chúng tôi thấy dường như trong cuộc tranh luận về vị trí của Islam, yếu tố văn hoá (trong đó có tôn giáo) đã bị các giá trị làm nhiễu :

* Sự phân rã của các Nhà nước - dân tộc trước làn sóng toàn cầu hoá (về kinh tế, và về văn hoá nữa) làm suy yếu mô hình cộng hoà và khiến cho các xã hội tiếp đón nhập cư dễ thẩm thấu mô hình "đa văn hoá chủ nghĩa". Cần nói nói rõ : chủ nghĩa đa văn hoá không phải là sự đa văn hoá (bởi vì bản sắc văn hoá, do bản thân sự hình thành của nó, là đa nguyên), nó chỉ là một hình thái đặc thù, gắn liền với xã hội anglo-saxon, với cách xử lí các vấn đề chính trị và triết lí của các xã nội ấy. Để đơn giản hoá vấn đề, có thể nói rằng trong cuộc tranh luận triền miên xem thế nào là cân bằng  giữa các giá trị chung và các quyền tự do cá nhân, khế ước cộng hoà chủ trương quyền thản nhiên / le droit à l'indifférence (mọi người bình đẳng, bất luận khác biệt ra sao) còn chủ nghĩa đa văn hoá lại chủ trương quyền khác biệt (trước tiên là thừa nhận sự khác biệt, sau đó mới xử lí bình đẳng). Quyền thản nhiên, nằm trong truyền thống Jacobins của Pháp, đã được phát biểu một cách tuyệt diệu qua câu nói của Stanislas de Clermont-Tonnerre (một đại biểu của giới quý tộc ở quốc hội, nhưng thời Cách mạng đã bỏ phiếu huỷ bỏ các đặc quyền) trong bài diễn văn đọc nhân dịp người Do Thái được hưởng các quyền công dân : "Đối với người Do Thái với tư cách như một quốc gia, phải từ chối tất cả, còn đối với người Do Thái với tư cách là những cá nhân, phải cấp cho họ tất cả" (chỉ cần thay danh từ Do Thái trong câu này bằng danh từ Hồi giáo, hay nhập cư). Còn quyền khác biệt phái sinh từ truyền thống liên bang của lịch sử Hoa Kì, thì nói như Tzvetan Todorov, nó "tuyệt đối hoá chủ nghĩa tương đối và bản thể hoá những dị biệt giữa những người này người kia". Nói một cách cụ thể, trong lòng một Nhà nước, nó phát huy chủ nghĩa cộng đồng, đòi hỏi phải thừa nhận sự dị biệt giữa các cộng đồng ("WASP" da trắng - gốc anglo-saxon - theo đạo Tin Lành, "Mĩ-Phi", "latino",... hay nói như kiểu Sarkozy "những người Pháp Hồi giáo"), nhưng từ chối, không thừa nhận sự cần thiết phải đặt ra một cái khung duy nhất cho mọi cộng đồng trong lòng Nhà nước. Một quan niệm như thé tất nhiên dẫn tới việc quản lí dựa trên tiêu chuẩn sắc tộc vấn đề nhập cư và hội nhập, chẳng hạn như ở Vương quốc Anh, với Uỷ ban vì bình đẳng, và các đơn vị đặc trách "chủng tộc" tại mỗi thị xã. Ngược lại, mô hình cộng hoà ở Pháp cố gắng duy trì một chính sách không dựa theo tiểu chuẩn sắc tộc mà tập trung vào sự hội nhập xã hội ; dấu hiệu hiển hiện là phần lớn các chương trình hội nhập cho Bộ xã hội quản lí, chứ không trao cho Bộ nhập cư.

Hai mô hình nói trên ứng phó ra sao trước chủ nghĩa toàn thủ Islam (không với đạo Hồi, mà là với những phần tử và tổ chức lợi dụng những băn khoăn về bản sắc và những kẽ hở của cơ chế dân chủ để đòi hỏi ngày càng nhiều những sự "phá lệ" để tôn giáo lấn chân vào không gian công cộng) ? Vụ cái khăn choàng tchador (rồi sắp tới có lẽ là khăn chùm kín burqa) cho thấy rõ một Nhà nước thế tục có thể tự bảo vệ ra sao, tuy ngày càng nhiều thành thị đã chấp nhận "những yêu cầu biết điều" (căng-tin trường học dùng thịt halal - con vật được sát sinh theo lễ nghi Hồi giáo - , cho phép phụ nữ và con gái mặc bộ quần áo tắm burquini ở các bể bơi công cộng, nam-nữ tách biệt ở các bể bơi, ở các phòng khám bệnh...). Còn ở những nước đi theo chiều hướng cộng đồng chủ nghĩa như Vương quốc Anh và Canada thì sao ? Trong cuốn sách Điều không tưởng cuối cùng (6), Caroline Fourest đã liệt kê một danh sách kinh hoàng những "thoả hiệp biết điều" qua đó có thể thấy cứ quen cò kè thương lượng với các cộng đồng để "mua" hoà bình xã hội, thì cuối cùng sẽ phá hỏng những quy chiếu chung của công dân. Tại Vương quốc Anh, giới chức sắc cao cấp của giáo hội -- và có cả một ngài Lord ! -- không ngần ngại nêu lên vấn đề du nhập những "toà án tập tục" và một "liều lượng" nào đó của charia, giáo luật Hồi giáo, chỉ một điều này cũng đủ cho thấy bản sắc dân tộc Anh đang ở trong tình trạng nào. Về tình hình Canada, chỉ cần kể ra đây sáng kiến ngoạn mục của một thị xã nhỏ thuộc tỉnh Québec, Hérouxville. Năm 2007, thị xã này đã "nổi loạn" bằng cách công bố một bộ "Luật đời sống" dành cho người di cư : "Chúng tôi cho rằng đàn ông và đàn bà có giá trị như nhau. Do đó, đàn bà có thể, chẳng hạn như : lái xe, tự do chọn lựa phiếu bầu, kí séc, khiểu vũ, tự quyết định công việc, phát biểu tự do, mặc quần áo theo ý thích của mình miễn là tôn trọng những tiêu chuẩn thuần phong đã được thông qua một cách dân chủ và tôn trọng những tiểu chuẩn về an ninh công cộng, một mình dạo bộ ở những nơi công cộng, đi học, có nghề nghiệp, có của cải (...). Chúng tôi coi là phạm quy tắc bất cứ hành động, cử chỉ nào trái nghịch với những điều nói trên, thí dụ như giết phụ nữ bằng cách chọi đá ở nơi công cộng, hay đổ xăng thiêu đốt, đổ a-xít lên người, xẻo âm vật...". Dưới đó, văn kiện này nhắc lại là cấm không được hành hạ trẻ em, rằng Noel là một ngày lễ truyền thống dân tộc, việc tiếp máu không cần phải có sự cho phép của ai cả, giáo dục và y tế là ưu tiên, không lệ thuộc vào đòi hỏi nam nữ tách biệt, việc giảng dạy lịch sử và sinh học là chung cho toàn thể học sinh, không có biệt lệ miễn trừ vân vân ((6), trang 193). Những sự việc liệt kê theo kiểu một bài thơ của Jacques Prévert, cố tình hài hước. Giới "trí thức" tự nhận là "lập trường chính trị vững vàng" tỏ ra khinh miệt, nhạo báng người dân Hérouxville là "quê một cục". Nhưng rồi một cuộc tranh luận cũng đã được tổ chức, dẫn tới bản báo cáo gọi là báo cáo Bouchard-Taylor, rào trước đón sau, nhưng cũng nhận định được một câu như sau : "Các thành viên của đa số dân tộc - văn hoá e ngại rằng họ sẽ bị chìm ngập bởi những thiểu số mà bản thân những thiểu số ấy cũng thấy thân phận mình mong manh và lo ngại cho tương lai". Chẩn đoán khá sáng suốt này có lẽ cũng vận vào cuộc bỏ phiếu vừa qua ở Thuỵ Sĩ.

* Sự suy tàn của các Nhà nước - dân tộc thực ra là nối dài sự thoái trào của chủ nghĩa phổ quát, mà ngày nay nhìn lại, có thể nghĩ là nó đã đạt đỉnh điểm năm 1948 với Tuyên ngôn phổ quát các quyền con người được thông qua ở cung Chaillot (Paris) sau hai năm thương thảo.Cũng nên nhắc lại câu mở đầu của điều khoản thứ nhất : " Mọi người đều sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi người đều có lí trí và lương tri, và phải hành xử đối với nhau trong tinh thần anh chị em". "Bao nhiêu lời là bấy nhiêu vũ khí", như cách nói của ông Robert Badinter. Đó là những lời đã góp phần vào việc thanh toán chủ nghĩa thực dân, vào sự sụp đổ của Bức tường Berlin, vào sự kết thúc chế độ apartheid ở Nam Phi. Nhưng sự cân bằng Nam-Bắc đã làm thay đổi tương quan số lượng ở Liên Hợp Quốc , ngày nay các chính thể cực quyền và/hay thối nát đang chiếm đa số áp đảo. Hội đồng nhân quyền mà do Libye của đại tá Khadafi làm chủ tịch thì còn ra cái thể thống gì nữa ? Liên quan đến chủ đề chúng ta quan tâm, sự kiện quan trọng nhất là năm 1969 thành lập Tổ chức Hội nghị Islam (OCI / Organisation de la Conférence Islamique) theo đề nghị của Arabia Saudi là nước cho đến nay vẫn không chịu kí Tuyên ngôn 1948. Mục đích của OCI là điều hợp hành động của ngoại trưởng toàn bộ các nước Hồi giáo trong hồ sơ Cận Đông và "phát huy hình ảnh của Islam". Mục đích thứ nhất thì quá chính đáng, còn mục địch thứ nhì thì dần dần đã biến OCI thành bộ máy chiến tranh chống lại các quyền con người, bị coi là "một khái niệm thế tục Tây phương bắt nguồn từ truyền thống Do Thái - Ki-tô giáo, và do đó, không phù hợp với luật Hồi giáo charia thiêng liêng" (giáo chủ Khomeiny). Sau một thập liên mày mò, năm 1990, OCI soạn ra một bản "Tuyên ngôn nhân quyền trong Islam", với mục đích không giấu giếm là kình chống bản Tuyên ngôn phổ quát. Trong Tuyên ngôn Islam, "tất cả các quyền và tự do nói trên phải tuân thủ các quy định của luật charia" (điều 24), nghĩa là "tính phổ quát bị thủ tiêu, thay vào đó là chủ nghĩa đa văn hoá lệ thuộc vào tôn giáo và tín ngưỡng" (R. Badinter). Tệ hại hơn nữa, Tuyên ngôn của OCI còn tái khẳng định tính ưu việt của người Hồi giáo, của umma (quốc gia) Hồi giáo, coi như có sứ mạng khai hoá, một thứ văn chương sặc mùi thực dân đế quốc xưa kia... y hệt nhà truyền giáo Ai Cập Sayyid Qotb : "Tuyên bố rằng chỉ Allah mới là Thượng Đế của toàn thể vũ trụ có nghĩa là thực hiện một cuộc tổng cách mạng chống lại việc trao quyền bính cho con người dưới bất cứ hình thức nào, là đứng lên tổng khởi nghĩa, trên khắp trái đất, chống lại mọi tình huống trong đó quyền lực trong tay những con người, bất kỳ theo cung cách nào". Nghe chát chúa như cuộc đụng độ giữa Islam và Tây phương, giữa Islam và dân chủ. Không thể không nói đến tác động tai hại của những luận đề mà Samuel Huntington đã đưa ra, mà Ben Laden đã ủng hộ : "Tôi nói không còn nghi ngờ gì nữa. Cuộc "đụng độ giữa các nền văn minh" là chuyện hai năm rõ mười, Kinh Quran và các lời truyền của Đức Tiên Tri đã chứng minh rõ ràng, không một tín đồ thực sự có đạo lại có thể nghi ngờ những chân lí đó".

Người ta có thể phản bác, cho rằng những tuyên bố và hiệu triệu đó chỉ là của những cá nhân tự coi là "thần cảm", phát biểu nhân danh Thượng Đế, hay là của những chính thể độc tài nói thay nhân dân bị chúng bịt miệng ; rằng tuyệt đại đa số người Hồi giáo chỉ mong muốn sống đạo trong hoà bình và nhân phẩm. Điều này, các cuộc thăm dò dư luận ở Pháp cũng đã xác nhận : Islam là tôn giáo thứ nhì ở Pháp đứng về số tín đồ, và 80 % người Hồi giáo được thăm dò đều nói rằng sự hội nhập vào xã hội Pháp không mâu thuẫn với Kinh Quran. Chỉ mong rằng cộng đồng thầm lặng ấy, một ngày kia, ở các nước quê quán cũng như ở các nước họ định cư, hãy lên tiếng phát biểu (còn các nhà cầm quyền ở các quốc gia ấy thì khỏi trông mong gì được), khẳng định ý chí chấp nhận dân chủ và tiến lên hiện đại.

Nguyễn Quang

nguyên tác tiếng Pháp : Minarets helvétiques et Identité nationale

(1) Hình như Sarkozy (tổng thống) đã nói với Besson (bộ trưởng) là "cứ làm đại đi", đừng mặc cảm. Cuộc tranh cứ hội đồng vùng sắp tới, mục tiêu của đảng cầm quyền là diễn lại kịch bản "hút phiếu của đảng FN", nhờ đó mà năm 2007 Sarkozy đã thắng cử tổng thống. Xem cuốn nhật kí cuộc tranh cử của Yasmina Reza, L'aube, le soir ou la nuit, nhà xuất bản Flammarion, 2007, tr. 130.

(2) Tzvetan Todorov, La peur des barbares, Robert Laffont, 2008. Tác đã đã dành một phần cuốn sách này để bác bỏ luận đề "cuộc đụng đầu của các nền văn minh" của Samuel Huntington.

(3) Năm 212, chỉ dụ Caracalla đã ban "công dân tịch" Roma cho toàn dân dưới đế chế La Mã.

(4) Lời kêu gọi tập thể đòi bãi bỏ Bộ nhập cư và bản sắc dân tộc, công bố trên báo Libération ngày 4.12.2009.

(5) Tường thuật của Leonardo Coutinho, Doit-on tolérer la pratique de l'infanticide ?, tuần báo Courrier International, 30.8.2007.

(6) Caroline Fourest, La dernière utopie, Grasset, 2009.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss