Bạn đang ở: Trang chủ / Thế giới / Tổng thống Pháp : Sarko hay Ségo ?

Tổng thống Pháp : Sarko hay Ségo ?

- Nguyễn Quang — published 27/04/2007 12:02, cập nhật lần cuối 27/04/2007 12:02
Phân tích kết quả vòng đầu cuộc bỏ phiếu

Bầu cử tổng thống Pháp



Giữa hai vòng phiếu

Nguyễn Quang

Kết quả vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống Pháp (ngày 22-4-2007), một lần nữa, làm cho mọi người phải ngạc nhiên về sự nghịch lí của dân chủ : những tiếng nói đa chiều lộn xộn mà rốt cuộc lại hợp thành một ý chí đa số, khá nhất quán song cũng nhiều sắc thái ý nhị. Bài này không có tham vọng đạt tới sự chính xác khoa học, chỉ xin nêu ra một vài bài học có thể rút ra giữa hai vòng bỏ phiếu :

1. Sự phục hồi của "chính trị", nghĩa là của "việc nước"

Cuộc tranh cử năm 2007 tuy quá dài (hơn 5 tháng) và tầm thường (chỉ có tranh cãi qua media, không có tranh luận thực sự) song đã được người dân Pháp (và cả những nước lân bang) chăm chú theo dõi. Trong suốt mấy thập kỉ vừa qua, tỉ số người đi bỏ phiếu cứ giảm liên tục, đe doạ ý nghĩa của sinh hoạt chính trị (tháng 4-2002, số người không đi bầu lên tới 28,4% và kết quả thê thảm như thế nào, mọi người còn nhớ). Chủ nhật vừa qua, số người bỏ phiếu đặt con số kỉ lục 84,8%, ngang tỉ số năm 1965 là lần đầu tiên người Pháp bỏ phiếu trực tiếp bầu tổng thống của nền cộng hoà thứ 5. Đây quả là một sự tỉnh thức của tinh thần công dân, tương xứng với tầm mức của cuộc tranh đua, lần đầu tiên, giữa những ứng cử viên thuộc thế hệ sau chiến tranh, và đối tượng là sự chọn lựa cơ bản về mô hình xã hội (1).

 

2. Trở lại khái niệm "đảng cầm quyền"

Có thể vì cương lĩnh chính trị của các đảng không đáp ứng được nhu cầu của cử tri nên trong các cuộc tuyển cử trước đây, đã phát triển hiện tượng "lá phiếu phản đối", phân tán phiếu bầu cho những ứng viên "đứng ngoài hệ thống", ở cực tả hay cực hữu. Hồi tháng 4.2002, "phái tả của phái tả" được nhiều phiếu hơn Jospin, ứng viên của Đảng Xã hội (18% > 16,2%), và gián tiếp hỗ trợ cho "phái hữu của phái hữu" đưa Đảng Mặt trận Quốc gia vào vòng nhì (16,9% phiếu bầu cho Le Pen, 19,9% cho Chirac). Lần này, tình hình đảo ngược, chắc do ý thức được tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu và ý muốn không để tái diễn tình huống cay đắng của 5 năm trước, "lá phiếu ống nhổ" đã nhường chỗ cho "lá phiếu hữu dụng". Ba ứng viên về đầu, con đẻ của "chế độ đảng phái", đã giành 3/4 tổng số phiếu bầu (Sarkozy 31,1%, Royal 25,8%, Bayrou 18,5%). Các đảng cực đoan bị nghiền nát : ba ứng viên thuộc các xu hướng trốt-kít cách đây 5 năm tập hợp được 11% phiếu bầu (làm cho cả thế giới phải trố mắt kinh ngạc) nay chưa được 6%, còn Le Pen tụt xuống dưới mức 11%, tỉ số thấp nhất từ 30 năm nay. Chiến trường đã được khai quang, dọn chỗ cho cuộc tỉ thí "cổ điển" giữa hai phe tả hữu ở vòng nhì.

 3. Trở lại cuộc đối đầu tả-hữu

Trái với sự chờ đợi vào "con người thứ ba" (1)  của những ai bị các media đầu độc bằng huyền thoại này, vòng chung kết sẽ là cuộc tỉ thí tả-hữu như chúng tôi đã viết trong bài trước.

Bên hữu, với 31,1% phiếu bầu, Sarkozy không những đã đạt mức tỉ số tối đa tiên đoán trong các cuộc thăm dò, mà còn tìm lại số phiếu cao của Giscard trong những năm 70 (32,6% trong cuộc bầu cử 1974), vượt xa Chirac những năm 90 (20,8% năm 1995). Đó là kết quả của môt cuộc vận động bắt đầu từ lâu (từ trước khi Sarkozy nắm được đảng UMP) nhằm tái tạo phái hữu, một phái hữu không còn mặc cảm, dám công khai chủ trương liberal cực đoan (về kinh tế) và phản động (về mặt xã hội). Cá nhân Sarkozy còn đi xa hơn : giành được phiếu của cử tri vốn ủng hộ Le Pen. Điều này hiện rõ khi ta xem bản đồ bỏ phiếu vòng đầu : so với năm 2002, phe hữu của Sarkozy tăng thêm được 6%, tức là có phần ít hơn số giảm phiếu của Đảng Mặt trận Quốc gia (-8,5%), nhưng hai bản đồ phân bố số phiếu ấy gần như trùng khít đến từng xã một (2). Những ai (ở Pháp và Âu Châu) đã vội hoan nghênh sự "trở về hàng ngũ cộng hoà" của một phần ba cử tri Le Pen là vui mừng hơi vội vã : phái cực hữu không hề thay đổi, mà chính là phe Sarkozy đã nhích lại gần nó. Cho dù sự "hữu hoá" các hành động của ông bộ trưởng (tất cả cho an ninh, săn lùng người nhập cư...) và diễn văn của ứng viên Sarkozy ("bọn cặn bã", tẩy uế bằng "Kärcher", "cắt cổ cừu non trong bồn tắm", luồng nhập cư đe doạ "bản sắc dân tộc"...) chỉ là để kiếm phiếu, có thể nghĩ rằng khoảng một phần tư đến một phần ba cử tri của MTQG "tin lời" Sarkozy, quyết định bỏ phiếu vì họ suy tính theo óc thực tiễn : "Sarkozy cũng nói như Le Pen, nhưng Sarkozy có khả năng lên cầm quyền và thực hiện những điều ông ta nói" (lời của Daniel Simonpieri, thị trưởng, cựu đảng viên MTQG, nay đi với UMP).

Bên tả, với 25,8%, Ségolène Royal không những đã "rửa hận" 2002, vào vòng nhì, mà còn vào đàng hoàng, ngang hàng với tỉ số phiếu lịch sử của Đảng Xã hội (Mitterrand, 1981). Đó là một thành công lớn nếu ta nhớ lại hoàn cảnh và quá trình của nó : Ségolène Royal đã phải đương đầu với bọn trọng nam khinh nữ (3), với các media, với những lời tố cáo vô căn cứ, những lời xúc xiểm nói bà "thiểu năng", với những trò ma giáo, phản thùng, chống trả những "đại ca" ở ngay trong hàng ngũ Đảng Xã hội, đến mức trong cuộc chạy đua kéo dài 14 tháng, nhiều lúc ba đã lâm vào cảnh đơn thương độc mã, hơn một lần có thể tự nhủ "bạn mà như vậy thà thù còn hơn". Song thử thách tháng 5 này còn gay go hơn nữa : đứng sau đối thủ tới 5 điểm, mà dự trữ phiếu thì hầu như cạn kiệt. Tiếc rằng ở vòng đầu, một số phiếu đã "lạc" sang Bayrou vì cử tri bị hoả mù, tưởng rằng đó là cách duy nhất để chặn đường Sarkozy : nếu có ngay số phiếu đó, S. Royal sẽ có một xung năng lớn cho vòng hai. Bởi vì so sánh 25,8% của Ségolène năm 2007 với 25,8% của Mitterrand năm 1981 thì cũng là so sánh khập khễnh. Vậy mà không phải vậy : năm 1981, Đảng Cộng sản còn nặng kí (15%), và tổng số phiếu của phái tả lên tới 47%. Năm nay, ĐCS teo lại còn 2%, và tổng số phiếu phái tả 36%. Thành thử, nếu chỉ căn cứ vào những con số cộng thì Sarkozy đã đặt bàn chân phải vào điện Elysée rồi. May thay, như chính Ségolène đã nói, chính trị không đơn thuần là những con tính cộng, mà là "con số nhân của những tài năng và năng lực". Ngay từ bây giờ nữ ứng viên có thể trông cậy vào toàn bộ phiếu bầu của phái tả, kể cả thành phần cực tả (ngay Arlette Laguiller cũng kêu gọi bỏ phiếu chống Sarkozy, một điều chưa hề có tiền lệ). Ở phía đối phương, phải nói là Sarkozy cũng đã tập hợp phiếu bầu ở mức tối đa rồi, thậm chí hơn cả tối đa vì đã tranh thủ được, ngay từ vòng đầu, những lá phiếu của cử tri Le Pen. Muốn thắng cử ở vòng nhì, có thêm 3% phiếu của "các đảng phái hữu khác" (điều này Sarkozy sẽ làm được thôi) cũng không đủ, phải có thêm cả "hạt nhân cứng" của khối cử tri Le Pen, mà điều này không hiển nhiên chút nào. Và, đối với phái hữu cũng như phái tả, số phiếu bổ sung ấy chưa đủ. Bởi vậy mà có cuộc chạy đua để săn lùng lá phiếu trung phái.

4. Sự trỗi dậy của một trung phái tự lập ?

François Bayrou đang sống những giờ phút vinh quang. Ngay những người đã tin chắc rằng Bayrou không tài nào vào được vòng nhì cũng phải thừa nhận rằng với gần 7 triệu phiếu tín nhiệm (gấp ba lần số phiếu năm 2002), chủ tịch đảng UDF đã chứng tỏ rằng dự án thành lập một "trung phái tự lập" giữa một cảnh quan chính trị mà nét chủ đạo (từ thời... Cách mạng Pháp đến nay) là sự đối đầu tả-hữu không hẳn là một dự án "phi hiện thực". Tính từ "tự lập" đi kèm danh từ "trung phái" tưởng cũng cần được giải thích. Xin nhắc lại là UDF do Giscard d'Estaing lập ra năm 1978 với mục đích hình thành một "đảng trung tâm" (câu nói cửa miệng của cựu tổng thống là "nước Pháp (tự) cai trị từ trung tâm"), nhưng từ đó đến giờ, nó chỉ là một lực lượng trợ tá cho phái hữu, đơn thuần là một tổ chức quan phương, chức sắc, chưa bao giờ thoát khỏi sự khống chế của phe bảo thủ. Mặc dù vậy, đảng Chirac vẫn chưa thấy đủ, nên năm 2002 đã thành lập đảng UMP với mục đích sáp nhập UDF, trở thành chính đảng phái hữu duy nhất. Chủ trương này vấp phải sự "nổi dậy" của Bayrou. Ngày nay, Bayrou muốn biến cuộc "nổi dậy" thành một cuộc "cách mạng", tiến tới thành lập một đảng dân chủ Ki tô giáo tự lập. Tuy được số phiếu cao như vậy ở vòng đầu, sự trường tồn của một đảng trung tâm không có gì bảo đảm vì nó tuỳ thuộc hai nhân tố ở ngoài tầm tay của ông Bayrou :

- sự trung thành của các đại diện dân cử : UDF là một đảng chức sắc, không có đông đảo đảng viên và hậu thuẫn, nên hơn một nửa đại biểu quốc hội của UDF được trúng cử là nhờ sự thoả hiệp ở cơ sở với UMP, vì vậy khi tới lúc phải chọn lựa, "con mắt trung tâm" thường hơi bị lé lác sang phía hữu.

- sự hỗn tạp của khối cử tri mới : theo một số điều tra dư luận (2), về mặt xã hội học, đây là thành phần tương đối trẻ và dư dả (25% có trình độ xã hội - nghiệp vụ cao, trong đó 30% là thương nhân hoặc chủ doanh nghiệp, 23% là cán bộ hay làm việc trong những ngành nghề trí thức), ở vòng nhì sẽ bỏ phiếu cho Ségolène Royal (46%) nhiều hơn là cho Nicolas Sarkozy (25%).

Với những dữ kiện đó, liệu François Bayrou có khả năng tự do chọn lựa không ? Theo phản xạ trung phái, ở vòng phiếu thứ nhì sắp tới, hình như ông đã chọn cách... không chọn (4), mặc dù tất cả những lời tuyên bố và phát biểu của ông đều biểu lộ sự dị ứng thật sự đối với cái mà ông gọi là "quan niệm Sarkozy về chính quyền và chính trị". Một quan niệm đã thể hiện ngay hôm sau ngày bỏ phiếu vòng đầu : bộ tham mưu UMP đã "tảo thanh" các đại biểu quốc hội của đảng UDF, với một thông điệp "cà rốt và cây gậy". Họ không hề che giấu : "Ăn cỗ, xin mời vô đây ! " (xin tạm dịch chữ la soupe / món xúp bằng mâm cỗ cho nó "đậm đà bản sắc dân tộc"), hay là, trắng trợn hơn : "Họ sẽ đến với chúng ta, không phải vì yêu thương gì chúng ta, mà để cứu cái thân xác của họ". Ăn nói rất lịch sự, trong khi Sarkozy vẫn cao đạo tuyên bố không bao giờ mặc cả, thương lượng, lôi kéo gì cả ! Còn phía bên kia, tránh xa mọi sự thương lượng giữa hai bộ máy, và như để minh hoạ một "cách làm chính trị" khác đi -- mặc dầu mục đích rõ ràng là tranh thủ phiếu bầu -- Ségolène Royal đề nghị cùng François Bayrou mở ra một "cuộc đối thoại công khai trên cơ sở hiến ước tổng thống [tức là cương lĩnh ứng cử của SR] để tạo dựng những sự hội tụ chung quanh một ý chí canh tân không hậu ý và không thiên kiến" (4). Mươi ngày nữa, chúng ta sẽ rõ người Pháp chọn phương pháp chính quyền nào.

Nguyễn Quang



(2 )Xem báo Libération ngày 24.4.2007.

(3) Kể cả trong phái yếu, vì 32% nữ cử tri đã bỏ phiếu cho Sarkozy, còn Ségolène chỉ được 26%.

(4) Trong cuộc họp báo ngày 25.4.2007, đúng là Bayrou đã tuyên bố để cho cử tri của mình và các đại biểu dân cử thuộc đảng của ông tự do chọn lựa. Ông cũng nhận lời tranh luận với Ségolène Royal.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss