Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Gia đình cơ sở ở Huế – 1

Gia đình cơ sở ở Huế – 1

- Chu Sơn — published 10/01/2012 13:34, cập nhật lần cuối 04/02/2012 10:54
Gia đình cơ sở là tất cả mọi thành viên trong gia đình ấy: già trẻ lớn bé, con gái, con trai, dâu, rể, cháu chắt đều một lòng một dạ đi theo kháng chiến. Tìm được những gia đình như thế trong thành phố tạm chiếm là không dễ dàng gì.


Gia đình cơ sở ở Huế
( Phần I )


Chu Sơn



Gia đình cơ sở là gì? Gia đình cơ sở là tất cả mọi thành viên trong gia đình ấy: già trẻ lớn bé, con gái, con trai, dâu, rể, cháu chắt đều một lòng một dạ đi theo kháng chiến. Tìm được những gia đình như thế trong thành phố tạm chiếm là không dễ dàng gì. Bởi có nhiều cơ sở cách mạng mà gia đình của họ có người thế này, có người thế kia. Thậm chí con theo kháng chiến mà mẹ không đồng tình, cha anh chống đối. Cũng có những gia đình đồng lòng và nhiệt tình với kháng chiến nhưng điều kiện sinh sống – công ăn việc làm, điều kiện và vị trí cư trú – không phù hợp để tổ chức thành một gia đình cơ sở. Cũng có những gia đình có tất cả các điều kiện ấy nhưng cái gan chưa đủ để sống chết cùng cách mạng. Bởi vì nuôi dưỡng, che chở cán bộ, chứa chấp vũ khí, in ấn tài liệu… là chấp nhận tan gia bại sản, bắt bớ tù đày, tra tấn chết chóc. Có thể nói gia đình cơ sở là một đơn vị chiến đấu, một địa bàn lõm, một góc nhỏ của mặt trận chính trị trong lòng đô thị, vừa kiên cố và đồng thời cũng rất mong manh bởi nó nằm giữa vòng vây tua tủa tai mắt, súng đạn của đối phương, và có thể bị phát hiện, triệt hạ bất cứ lúc nào.

Tại thành phố Huế gia đình cách mạng như thế được bảo lưu từ thời chống Pháp khá nhiều và thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nông dân có, lao động nghèo ở đô thị có, tiểu thương, tiểu chủ có, trí thức, tư sản, quí tộc có. Bài viết này tôi tập chú vào một số gia đình tầng lớp trên. Do bởi không đủ tư liệu nên một số gia đình lẽ ra phải được nhắc nhở trước như gia đình Giáo sư Tôn thất Dương Kỵ, gia đình Bác sĩ Thân Trọng Phước, gia đình bác sĩ Lê Khắc Quyến, gia đình cụ Phiên ở Kim Long, Gia đình giáo sư Nguyễn Đóa, gia đình giáo sư Tôn thất Dương Tiềm… lại không được tường thuật trong bài này. Cũng do nhiều cơ duyên khác nhau, tôi may mắn tiếp cận với một số gia đình không thuộc thành phần giai cấp cơ bản. Những trang sau đây tôi viết về họ, chắc chắn không tránh được những sai sót. Xin độc giả rộng lòng tha thứ. Đồng thời xin nhận những chỉnh lí cần thiết cho lần xuất bản sau.


1/ Gia đình cơ sở Lê Hữu Trí


Gia đình ông Lê Hữu Trí không những là một cơ sở lớn với đầy đủ các tiêu chí, mà tầm vóc của nó còn như là một địa bàn lõm nằm trên con đường lớn, ồn ào náo nhiệt, trù phú nhất thành phố Huế lúc bây giờ. Ông Phan Nam nguyên là thành ủy viên thành ủy Huế, một cán bộ bám trụ nhiều năm trong nội thành đã mô tả gia đình cơ sở này như sau:

“…Toàn là một đảng viên trẻ sinh hoạt trong chi bộ phường Phú Hòa, làm nghề thợ mộc tại nhà anh Lê Hữu Trí. Bên ngoài thì quan hệ giữa Toàn và anh Trí là mối quan hệ của anh thợ mộc đến làm thuê cho chủ xí nghiệp đồ gỗ. Gia đình anh Lê Hữu Trí là một trong những cơ sở trung kiên của cách mạng từ thời chống Pháp. Anh hoạt động từ năm 1947, được kết nạp vào đảng năm 1949. Năm 1950 chuẩn bị cho tổng phản công, anh Trí đã từng nuôi giấu cán bộ từ bên ngoài vào thành hoạt động hợp pháp… Năm 1954 anh Trí còn là người hoạt động kinh tài của thành ủy. Trong những năm đầu đất nước chia cắt hai miền, anh phát triển sản xuất, xây dựng cơ ngơi, nuôi dấu cán bộ như anh Toàn, anh Loan (Hoàng Kim Loan), anh Minh Cận, nguyên là cán bộ được phân công nằm vùng ở Quảng Điền, bị địch bắt đi tù. Ra tù anh xin về làm công cho ông chủ hãng Lê Hữu Trí. Với danh nghĩa này Minh Cận hoàn toàn hợp pháp không phải ở hầm. Cũng như Toàn, cô Sen giúp việc, một cô gái xinh đẹp được bố trí ở ngoại thành vào làm liên lạc. Xưởng đồ gỗ của anh Trí dưới con mắt của khách qua đường là một cơ ngơi làm ăn gặp thời vận của một ông chủ hãng có uy tín ở Huế. Thực chất bên trong là nơi nuôi dấu cán bộ, nơi chiêu tập tổ chức lực lượng, nơi hội họp bàn bạc công việc cách mạng và là nơi thiết kế những căn hầm bí mật tinh xảo bảo đảm an toàn cho nhiều cán bộ được nuôi dấu tại nhà anh cũng như những gia đình cơ sở khác. Những cái giá sách có chỗ cho một người đứng nấp vừa vặn đàng sau, chiếc rương hai đáy trong buồng ngủ, tủ gương đựng quần áo có ngăn cho một cán bộ nằm. Những chiếc đò có rương hai đáy chở các cán bộ hoặc vũ khí, tài liệu xuôi ngược trên sông… Những chiếc đi - văng trang nhã trong phòng khách sang trọng cũng hai đáy, và cả trên trần nhà cũng thiết kế một căm hầm nửa chìm, nửa nổi cho người cán bộ ẩn nấp vừa có thể quan sát được kẻ địch đang lùng sục truy bắt mình. Anh Trí có con trai là Lê Hữu Dũng đang học ở Sài Gòn. Trước Tết anh Trí viết thư nhắn Dũng về nghỉ Tết sớm để còn lo một số việc nhà. Dũng được đưa lên hậu cứ để huấn luyện. Huấn luyện xong đưa về là bước vào chiến dịch ngay (Mậu Thân). (Nhớ về những con người và sự việc – Phan Nam kể - Hà Khánh Linh ghi, sách: Huế - Xuân 68 – Thành ủy Huế ấn hành 1988)”.

Qua lời kể của mình, ông Phan Nam đã xác nhận “công” của gia đình cơ sở nội thành Lê Hữu Trí và nhiều gia đình khác. Tôi cũng đọc được đó đây nhiều xác nhận đại khái như thế, của một số cán bộ nằm vùng, cho những gia đình cơ sở mà họ đã có quan hệ. Tôi nghĩ xác nhận chữ “công” mà không mô tả “khó” là một việc làm không đầy đủ. Phải lột tả được một phần nào cái “khó” của gia đình cơ sở mới thấy được phần nào cái “công” của họ. Đa phần xác nhận đều xem gia đình cơ sở là phần phụ việc hơn là một chiến hữu. Nuôi dưỡng, che dấu, bảo vệ cán bộ, tiếp nhận tích trữ, vận chuyển vũ khí và tài liệu cách mạng, thực hiện các nhiệm vụ được giao là cuộc chiến đấu thường trực mà mỗi thành viên trong gia đình cơ sở là một chiến sĩ và cơ ngơi của họ là pháo đài giữa bốn bề tai mắt và bạo lực của đối phương. Một khi các thứ “quốc cấm” hiện hữu trong nhà, gia chủ ý thức một cách sáng tỏ và thường trực rằng sinh mệnh, sự nghiệp, của cải của cả nhà ông ta đã thuộc về đồng chí đồng đội, thuộc về cuộc kháng chiến, thuộc về lý tưởng cách mạng mà ông ta đã gắn kết suốt đời. Một kẻ lạ mặt lai vãng, một lời nói, một âm thanh bất thường, một thông tin chưa có căn cớ, một sơ hở nhỏ nhặt, một động thái dễ dãi thiếu cảnh giác…Tất cả đều có thể dẫn đến đổ bể, tổn thất, tai họa không thể cứu chữa, không thể lường được.

Còn một thực tế mà hầu hết các lời kể đều không nhắc tới là thân phận của những gia đình cơ sở không thuộc thành phần giai cấp công nông khi cuộc chiến tranh chống xâm lược kết thúc và cả nước xốc tới Xã Hội Chủ Nghĩa theo mệnh lệnh của đảng Cộng Sản: Những ngôi nhà to cao, những cơ ngơi bề thế, những của cải trên mức trung bình, những gốc gác, quan hệ xã hội quá nhiều dấu vết, tàng tích của phong kiến, tư sản, ngụy quân, ngụy quyền sẽ là bằng chứng phức tạp khó mà biện minh là đương sự ở ngoài các đối tượng cần cải tạo.

Với cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa tả khuynh, đảng Cộng sản đã đẩy những gia đình cơ sở cách mạng kháng chiến thuộc tầng lớp trên: Tư sản, Trí thức, Quí tộc… về phía bên kia giới tuyến của cuộc đấu tranh ý thức hệ.

Sau giải phóng, chính quyền Thừa Thiên - Huế thành lập, Lê Hữu Trí được cử làm trưởng phòng thủ công nghiệp thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Huế. Các con (trai, gái) của ông bà trở thành những cán bộ viên chức nhà nước hăm hở tham gia công tác tiếp quản ổn định xã hội, bảo vệ thành quả kháng chiến, xây dựng đất nước. Năm 1976: toàn miền Nam tiến hành công cuộc cải tạo công thương nghiệp, Lê Hữu Trí được thành ủy gợi ý làm đơn xin tình nguyện sung công cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ để làm gương cho giới công thương thành phố, đồng thời xin thôi chức trưởng phòng thủ công nghiệp, cả nhà gồm vợ chồng con cái trở thành một đối tượng đặc biệt: kháng chiến có công nhưng thành phần giai cấp thì không đáng tin cậy (tư sản). Điều làm ông đau đớn nhất là những lời mắng mỏ bóng gió của những gia đình thuộc đối tượng cải tạo cư trú và làm ăn trên các đường phố rộng như hai bàn tay: Đông Ba – Gia Hội, qua ông (Lê Hữu Trí) họ đã đóng góp cho kháng chiến kẻ ít người nhiều với lời hứa hẹn: cách mạng sẽ ghi công và đền đáp sau khi nước nhà độc lập. Nay nước nhà đã hòa bình, độc lập, thống nhất, sự ghi công và đền đáp họ đã nhận được qua cuộc cải tạo công thương nghiệp là nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh được niêm phong, quốc hữu hóa, gia đình, vợ chồng con cháu bị đẩy xuống phía sau, (nhà phụ, nhà bếp) khu vực dành riêng cho các công dân loại hai, loại ba, hay tự do đi kinh tế mới. Ngoài nỗi đau, ông Lê Hữu Trí có niềm hổ thẹn: Lời hứa mà ông đã nói thay cho kháng chiến, cho cách mạng rốt cùng chỉ là thủ đoạn của kẻ tiểu nhân.

Chiến tranh dành độc lập kết thúc thắng lợi, nhưng hòa bình chưa thực sự vãn hồi. Những đổ vỡ, những vết thương chiến tranh mới chỉ được vá víu mặt ngoài, nhưng ở bên trong, ở tầng sâu của tâm thức dân tộc vẫn âm ỉ nỗi đau nhức cũ và bỏng rát xé lòng vết thương mới.


2/ Gia đình ông Thiên Tường


Một gia đình cơ sở cách mạng được nhiều người biết đến tại Huế sau chiến dịch Mậu Thân là gia đình ông Thiên Tường ở An Cựu. Thiên Tường là một tiệm thuốc bắc lớn và nổi tiếng không những ở An Cựu mà còn cả Thừa Thiên và thành phố Huế. Thiên Tường giàu có. Tiệm thuốc bắc Thiên Tường tấp nấp kẻ ra vào: – khách khám và chữa bệnh (thời bấy giờ tại những tiệm thuốc bắc, nay gọi là đông dược, thường có một ông thầy thuốc, bệnh nhân đến hiệu thuốc thường nhờ thầy xem mạch, kê đơn và bốc thuốc) – Khách mua thuốc (còn gọi là bổ thuốc), – khách mua rượu thuốc (rượu thuốc Thiên Tường rất nổi tiếng), – khách bán dược liệu thô.

Thiên Tường còn có một cửa hàng bán vật liệu xây dựng to lớn, cách tiệm thuốc bắc một căn phố có tên là Thiên Hương. Cơ ngơi làm giàu phồn thịnh như vậy vô cùng thuận lợi cho các hoạt động, liên hệ cách mạng và nuôi dấu cán bộ bí mật. Bởi ai có ngờ cha con ông Thiên Tường tư sản giàu có mà theo Việt Cộng. Gia đình Thiên Tường không những theo Việt cộng mà còn là Việt cộng thứ thiệt. Việt cộng từ lúc khởi đầu kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Trong chiến dịch tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ông Thiên Tường xuất hiện là chủ tịch khu phố. Địch phản kích ông Tường và con trai thứ là Phan Thọ bị quân Mỹ và quân Sài Gòn bắn chết, xác phơi ở đầu cầu An Cựu mấy ngày. Cái giá mà Thiên Tường phải trả là mạng sống của hai con người và sự tan nát, đổ vỡ của cả gia đình. Bà Thiên Tường buồn rầu, bệnh và chết sau đó. Người con trai cả là Phan Đưa cùng vợ con và các em trai gái còn lại trốn thoát, vào làm ăn sinh sống tại Sài Gòn. Giải phóng xong, phấn khởi vì nước nhà được độc lập, thống nhất trong hòa bình và sum họp, Phan Đưa gom hết tài sản về Huế theo lời kêu gọi của Thành Ủy, cùng với nhà nước xây dựng xí nghiệp cơ khí công tư hợp doanh Phú Xuân. Ba năm sau xí nghiệp Phú Xuân còn lại đống sắt vụn. Phan Đưa phủi hai bàn tay trắng lủi thủi trở lại Sài Gòn với vợ và một đàn con, mà cả nhà có thể tổ chức thành mấy tổ tam tam. Xin mở một ngoặc đơn để kể thêm một chi tiết cho vui: Cuối năm 1975 tôi vào nhà Phan Đưa ở Chợ Lớn để nhờ chị Đưa (lúc bây giờ Phan Đưa ở Huế với xí nghiệp Phú Xuân) tìm thuốc chữa bệnh phong cho Trương Văn Hoàng theo đơn của thầy thuốc Trần Tiễn Hy. Thấy chị Đưa đang mang bầu, tôi hỏi: Chị đã đẻ chín đứa rồi mà còn chưa đủ sao? Chị Đưa phấn khởi trả lời: Nước nhà độc lập, thống nhất rồi, đẻ thêm một đứa làm kỷ niệm và để nó sống sung sướng… đóng ngoặc đơn.

Thế đó là nhà tư sản dân tộc bé tí teo không còn để cải tạo nhưng vẫn còn cái danh tư sản, kẻ thù không độ trời chung của giai cấp công nông. Nghe nói mấy đứa con lớn của anh chị Phan Đưa đã theo chú và cô chúng vượt biên sau đó. Chẳng biết lời phong thanh ấy thực hư thế nào.


3/ Gia đình ông Bửu Đáp


Một nhà cơ sở khác, không phải là chủ doanh nghiệp, cũng chẳng có gốc gác lao động nghèo hay một vị tu hành đạo cao chức trọng, mà là một nhà quí tộc: ông Bửu Đáp.

Ở Vỹ Dạ trước 1975, ít người không biết đến cái tên của nhà quí tộc với khu vườn nhà rộng rãi, kín cổng cao tường, cây cối xanh um nằm giữa đường Thuận An ( nay là đường Nguyễn Sinh Cung) và bờ sông. Bấy giờ, khu nhà hoàn chỉnh gồm có nhà trên, nhà dưới và nhà phụ. Ngoài ba phần ấy, khu nhà còn có một căn chòi lục giác nằm ở phía sau nhà chính dùng làm nơi uống rượu ngắm trăng, làm thơ của “mệ” và bạn bè. Tất cả kiến trúc ấy nằm trên một mảnh đất rộng nửa mẫu tây với cổng trước, cổng sau, bình phong, vườn kiểng, cây trái, vườn rau và sân gia cầm. Cổng trước luôn đóng kín. Cổng sau và cả bến nước xây bằng đá hộc hai trụ hai bên và những bậc cấp. Bến và cả dãy dài bờ sông được che phủ bởi tán lá những cây sung, cây cừa cổ thụ.

Bửu Đáp dòng dõi Nguyễn Phước. Tên họ đầy đủ là Nguyễn Phước Bửu Đáp, cháu nội trực hệ đời thứ tư của vua thánh tổ nhà Nguyễn (Minh Mạng) Chữ Bửu trong Nguyễn Phước Bửu Đáp là từ thứ tư trong bài “Đế hệ thi” do vua Thánh Tổ làm ra để phân biệt các thế hệ con cháu đời sau của chính mình và của các thân vương (anh em ruột của ông). Bài “Đế hệ” như sau:

Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quí Định Long Tường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thụy Quốc Gia Trường

Là con chúa cháu vua chính tông, là máu thịt của cái mà nhiều nhà cách mạng Việt Nam mỗi khi nhắc đến đều không dấu được sự căm giận và khinh miệt: Phong kiến.

Ấy vậy mà chỉ theo ký ức của tôi thôi (còn ký ức của nhiều người khác đặc biệt là ký ức lịch sử), có rất nhiều tên tuổi nguyên xi phong kiến đó chẳng hạn như Bửu Đình, Bửu Tiếp, Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Dương Kỵ, Tôn Thất Dương Tiềm, Tôn Thất Lập ( các vị mang họ Tôn Thất thật ra là tông thất nhà Nguyễn, họ Nguyễn Phước dòng thứ) Vĩnh Linh, Vĩnh Toàn, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Tôn Thất Kỳ, Vĩnh Thọ… đã đi làm cách mạng, hoặc tham gia phong trào kháng chiến ở đô thị. Nếu nhớ hết, ghi chép được hết tên tuổi các mệ “ làm loạn”, các “mệ Việt Cộng”, con số chắc cả ngàn, một trong số ấy là Bửu Đáp.

Tôi nghe tên Bửu Đáp mới gần một năm nay thôi, khi có việc cần hỏi ông Hoàng Lanh. Theo Hoàng Lanh, người biết nhiều về ông Bửu Đáp là ông Tư Minh (Lê Minh), Ngô Lén (Hà), hai trong số những người lãnh đạo và gắn bó với phong trào đô thị của Thừa Thiên Huế suốt nhiều năm liền trong cả hai cuộc kháng chiến. Rất tiếc là hai ông Lê Minh và Ngô Lén đã qua đời.

Tôi và Nguyễn Hữu Châu Phan tìm về khu nhà của nhà quí tộc đỏ. Khung cảnh cũ không còn. Người xưa thì tôi chỉ gặp được một phụ nữ trung niên tên là Hoa, con gái ông Bửu Đáp và gia đình riêng của chị. Ông Bửu Đáp mất năm 1974. Bà Bửu Đáp ra đi trước chồng mấy năm.

Khu vườn xum xuê cây lá và ngôi nhà kỳ lạ ghi dấu một phần quá khứ vàng son và ôm ấp giấc mơ về thế giới đại đồng đã biến mất. Trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà hai tầng bê tông cốt sắt, to cao sừng sững nhìn ra một bãi cát sạn chạy dài từ đường Nguyễn Sinh Cung ra tận bến sông như là một thách thức với quá khứ, và một khẳng định mạnh mẽ, nóng vội quyền sở hữu của người chủ mới: chị Hoa.

Chị Hoa bảo ngôi nhà này được xây theo mô hình của ngôi nhà cũ, có phục chế một vài chi tiết để nhớ người quá cố. Chị đưa chúng tôi ra đầu hồi phía đông và quay chỉ lên tường. Trên phần tường tầng trệt phía trái chúng tôi là sáu chữ Hán to đắp nổi theo hàng dọc, mỗi hàng ba chữ. Chị Hoa bảo đây nguyên là hai câu đối, mỗi câu bốn chữ nhưng khi phục chế, người thợ nề bỏ quên hai chữ. Ở phần tường phía bên phải chúng tôi là một bầu rượu to nằm trong một khung vuông cũng đắp nổi. Chị Hoa đưa chúng tôi vòng ra phía sau. Một nhà lục giác mới xây bằng vật liệu hiện đại to lớn và bề thế hơn cái cũ. Nằm giữa nhà lục giác là một con chó berger to gần bằng một con bò và dữ hơn một con cọp nhảy chồm chồm và sủa vang khi thấy người lạ. Giữa nhà phụ và nhà lục giác là hàng trăm chậu cây cảnh sản xuất hàng loạt xếp ngay hàng thẳng lối đầy khắp mặt sân. Khi trở lại ngôi nhà chính, đứng ở hiên nhà nhìn ra bãi cát sạn tôi ngẫm nghĩ: vào những giờ cao điểm của công việc kinh doanh ở đây chắc là huyên náo, sôi động của cảnh trên xe dưới thuyền.

Chị Hoa nói với chúng tôi: 

“Không chỉ có ba tôi, mẹ tôi cũng là người tham gia kháng chiến tích cực. Mẹ tôi thường đi công tác xa tận các vùng ở Phú Vang, Hương Thủy. Tôi rời nhà sớm để đi dạy và lấy chồng ở xa. Tôi chỉ trở lại nhà này sau khi ba tôi mất cho nên không biết gì nhiều như các anh chị em tôi. Tôi có một ông anh và một bà chị đi tập kết. Hai người này chắc biết rõ sự tham gia của ba mẹ chúng tôi thời chống Pháp. Tôi còn có một ông anh và một cậu em đang ở nước ngoài. Anh và cậu này chỉ rời nhà này để vượt biên, không những họ biết rõ ba mẹ tôi đã tham gia chống Mỹ như thế nào mà chính họ còn góp phần... Bản thân tôi cũng có lúc đã treo màn cho các chú, các bác cán bộ bí mật ngủ, dọn cơm mời họ ăn, rót nước mời họ uống và cảnh giới cho họ trò chuyện, họp hành.

“Sau 1975, anh trai, chị gái tôi từ Hà nội về thăm nhà. Thấy cha mẹ đã qua đời, nhà cửa tiêu điều khốn khó…, họ đau lòng, nhưng chẳng làm gì được. Suốt bốn, năm năm liền nhà tôi là đối tượng cần cải tạo và canh chừng của chính quyền cách mạng. Công an chiếm hết căn nhà trên làm trụ sở. Chúng tôi bị đẩy xuống nhà dưới. Các vật sản trong nhà có số bị trưng dụng, số vì thiếu đói chúng tôi đã bán đổ, bán tháo. Sập gụ, tủ chè, đồ sứ, sách vở… Cây cối vườn tược bị đốn phá một phần để lấy củi, một phần lấy đất trồng khoai sắn, rau dưa để có cái ăn. Đất đai phía trước đường, phía sau nhà bị chiếm cứ xây cất tùy tiện. Anh và em trai tôi cùng đường phải vượt biên. Nhiều năm liền chúng tôi phải cầu cứu ông Hoàng Lanh – lúc bây giờ là bí thư tỉnh ủy, ông Phan Nam – về sau làm chủ tịch thành phố, mới thu hồi lại nhà cửa bị tan hoang và đất đai chẳng còn nguyên vẹn. Rất tiếc là chúng tôi không giữ được nguyên trạng khu vườn nhà và những vật sản lịch sử, văn hóa của cha ông để lại. Tình cảnh mấy năm đầu giải phóng là như thế, chúng tôi tối tăm mù mịt chỉ biết ứng biến để sinh tồn. Đến khi đất nước mở cửa, mở lòng chúng tôi mới bung ra làm ăn…”

Yêu cầu của chúng tôi là ghi chép đầy đủ sự đóng góp, tham dự của những gia đình yêu nước – là cơ sở của Thành ủy trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt là những gia đình tầng lớp trên: Hoàng tộc, Trí thức, Tư sản để mô tả cho chính xác một điều không phải là bất kỳ ai, bất kỳ thứ gì thuộc về phong kiến cũng xấu xa bại hoại cả. Cũng có thể nói theo một cách khác: chế độ Phong kiến hay Tư sản cũng không độc quyền “bại hoại xấu xa”. Việc làm này còn góp phần mô tả đầy đủ và chân thật cuộc chiến tranh nhân dân do đảng Cộng Sản lãnh đạo trong lòng các đô thị.

Tôi chờ tin tức từ chị Hoa đã mấy tháng, vẫn không thấy. Tôi đành tìm lại ông Hoàng Lanh, rồi gặp thêm ông Phan Nam, ông Trần Hân – sau 1954 là bí thư thành ủy Huế, cuối năm 1956 ông bị bắt bị đày đi côn đảo đến 1975 mới được giải phóng. Hai người bạn tôi không hỏi nhưng lại cung cấp mấy chi tiết khá bổ ích là anh Nguyễn Hữu Châu Phan và anh Lê Phước Tâm.

Hôm chở tôi đến chỗ chị Hoa, anh Châu Phan nói là đã tới nhà này một lần vào năm 1958 theo sự chỉ bảo của ông cụ thân sinh của anh – Ông Nguyễn Hữu Đính, một thành viên của nhóm Ngày Mai và “chi bộ Xa lông”. Tôi sẽ tiếp cận nhóm Ngày mai và chi bộ Xa lông vào một dịp khác. Anh Lê Phước Tâm bảo là đã chở ông Hoàng Kim Loan đến đoạn đường này nhiều lần sau 1968. Ông Hoàng Kim Loan lúc bây giờ là thành ủy viên thành ủy Huế hoạt động bí mật trong nội thành.

Ông Phan Nam trong cuốn Huế - Xuân 1968, kể lại (Hà Khánh Linh ghi): “Ông cụ Phiên (một gia đình cơ sở ở Kim Long khi hoạt động trong nhóm những nhân sĩ yêu nước mà chúng tôi thường gọi là tổ “hưu quan” gồm ông Bửu Đáp, ông Thị Cầu… là những quan chức chế độ cũ có quan hệ gắn bó với cách mạng, có con em đi tập kết

Ông Trần Hân bảo trước khi bị địch bắt hồi cuối năm 1956, theo sự giới thiệu của ông Tư Minh, ông đã nhiều lần tới và ở lại nhà ông Bửu Đáp.

Ráp nối các thông tin trên, cộng với những hồi ức của ông Hoàng Lanh, của chị Hoa, chúng ta có được những nét khái quát về gia đình cơ sở cách mạng Bửu Đáp.

Gia đình Bửu Đáp là một cơ sở lâu bền của thành ủy Huế và tỉnh Thừa Thiên từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến lúc gần hết cuộc kháng chiến chống Mỹ (1974 khi ông bà qua đời).

Ông bà Bửu Đáp là thành viên tích cực hoạt động yêu nước trong những thành phần quan lại, viên chức về hưu thuộc Nam triều và những trí thức cao cấp tiến bộ ở Huế thời bây giờ. Gia đình này đã bền bỉ, liên tục đóng góp công sức, của cải cho sự nghiệp giải phóng tại Thừa Thiên - Huế; ông bà Bửu Đáp có hai con đi kháng chiến rồi đi tập kết. Tại nhà, ông bà nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật, làm kho trạm cất dấu vũ khí, vận chuyển hàng hóa. Cổng sau với những cây cổ thụ tàn lá phủ kín một dãy bến nước là nơi những con đò, những chiếc nốt hai đáy ngụy trang bằng nông lâm sản, phân rong đến rồi đi, đi rồi đến rất nhiều lần suốt cả hai thời kỳ. Các ông Lê Minh, Ngô Lén đánh giá cao cơ sở này và luôn luôn để dành làm cơ sở dự phòng.

Lời kể của ông Trần Hân sau đây, theo tôi, là nhận định sâu sắc và đầy đủ về gia đình cơ sở Bửu Đáp:

“Cuối tháng 7 – 1954 (hiệp định Genève vừa được ký kết) tôi được tỉnh ủy phân công làm bí thư Huế.

Từ Nam Hòa, tôi theo một cơ sở làm nghề cào vớt rong (rong là một loại cỏ mọc ở nước ngọt, nông dân thường làm phân bón) vào thành phố. Khoảng một giờ sáng, nốt cập bến. Một người đàn ông đã qua tuổi trung niên đang đợi, đón tôi. Từ trên núi anh Tư Minh bí thư tỉnh ủy đã cung cấp cho tôi nhiều thông tin về người đàn ông này. Ông là Bửu Đáp, người hoàng tộc, quan lại về hưu, là cơ sở cách mạng từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám. Ông có hai người con (một trai, một gái) thoát ly đi kháng chiến. Người con trai là đảng viên tham chiến ở mặt trận Điện Biên Phủ.

Ông Bửu Đáp đưa tôi vào nhà, cửa ngách đã mở sẵn, một người phụ nữ trung niên đứng đợi (bà Bửu Đáp). Tôi theo ông lên gác, qua cầu thang bằng gỗ. Căn gác chia làm ba ngăn, ở giữa là khu vực thờ tự, hai đầu: một làm buồng ngủ cho ông, một làm thư phòng. Bà Bửu Đáp và con ở dưới. Ông Bửu Đáp sắp xếp cho tôi ở thư phòng. Ngay sát chân cầu thang là chỗ ở của một học sinh từ nông thôn lên đi học và dạy kèm. Tôi ở lại nhà ông Bửu Đáp gần hai tuần lễ. Anh thanh niên dạy kèm rất ít khi ra ngoài vì thời gian này là kỳ nghỉ hè. Để bảo đảm bí mật, mọi sinh hoạt của tôi đều diễn ra trên gác. Từ ăn uống đến đại tiểu tiện, các thứ đều một tay ông Bửu Đáp quán xuyến. Anh thử nghĩ, ông Bửu Đáp là một quí tộc, một quan lại về hưu, tuổi tác đã cao, thường ngày ông được người khác phục vụ, nay ông lại đi phục vụ người khác là tôi. Vì lí do gì mà một người như ông Bửu Đáp phải bưng cứt đổ đái cho một người trẻ tuổi gốc gác bình dân như tôi, nếu không phải là lòng yêu nước, vì tinh thần cách mạng?

Một điều chúng ta cần lưu ý vào thời điểm tháng 7 - 1954, một nửa đất nước – miền Nam trong đó có Huế – vẫn là vùng lãnh thổ thuộc quyền quản lí của một chính quyền phụ thuộc ngoại bang và chống cộng điên cuồng. Độc lập, Thống nhất vẫn còn là mục đích xa vời. Tham gia kháng chiến trong lòng địch như gia đình ông Bửu Đáp là đương đầu với nguy hiểm, hi sinh, mất mát…

Câu chuyện của tôi có vậy, nghĩ suy gì thêm là tùy các anh và các độc giả đời sau…”

“Đáng tiếc là, ông Trần Hân nói, ông Bửu Đáp đã ra đi trước khi nước nhà độc lập. Và đáng tiếc hơn nữa là sau giải phóng các đồng chí ở ngoài vào nhìn thấy cơ ngơi to lớn của ông bà mà qui kết này nọ, đối xử nghiệt ngã, bất công sai trái với thế hệ sau, và qua cầu rút ván với người đi trước.”


4/ Gia đình ông Nguyễn Hữu Đính


Từ giữa năm 1965 ở đầu đường Nguyễn Huệ, phía nối với đường Lê Lợi, xuất hiện một ngôi nhà khang trang hiện đại và đẹp nhất thành phố Huế. Ngôi nhà mang bảng số 10 (nay là số 18), tọa lạc trên một khu vườn rộng có mặt tiền trên 70 mét, kiến trúc mới mẻ, không cắt tỉa chăm chút chỉnh chu ngăn nắp như những khu vườn truyền thống mẫu mực của Huế, cũng không thoáng trống, xa vắng như những khu vườn Tây lác đác xuất hiện đây đó chung quanh các giáo khu (Thiên Chúa giáo). Cổng và hàng rào không che chắn cao kín mà thưa thấp đơn giản nhưng vững chãi, là một chi tiết của một công trình kiến trúc tổng thể có nhiệm vụ vừa đủ để làm giới mốc với chung quanh, vừa đủ để giới thiệu phô tôn dáng vẻ tự tín duyên dáng và hòa hợp của khu vườn nhà.

Chủ nhân ngôi nhà là ai? Chắc là phải một quan chức có tầm cỡ của chế độ. Giả định này của khách bàng quan chẳng sai trật bao nhiêu. Đó là một nhà chuyên môn mà nếu lập trường chính trị “thuần nhất Việt Nam Cộng Hòa” thì đã là bộ trưởng bộ nông nghiệp của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông bà Nguyễn Hữu Đính – chủ nhân ngôi nhà – xuất thân trong hai gia đình danh gia vọng tộc của cố đô. Các anh chị em ông bà được đào tạo, đỗ đạt cao trong hệ thống giáo dục của thực dân Pháp ở Đông Dương, là quan chức cao cấp của chính quyền thuộc Pháp rồi thuộc Mỹ từ Bảo Đại đến Ngô Đình Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu. Các con của ông bà (ba trai, năm gái) đều được giáo dục chu đáo, học hành đến nơi đến chốn và đều có khả năng tạo lập cuộc sống đầy đủ ổn định. Đặc biệt bà là con gái của thượng thư Tôn Thất Ngân, là cháu nội cụ thân thần Tôn Thất Hân.

Một gia đình như thế có điên mới theo Cộng Sản, vừa nguy hiểm, vừa mất mát quyền lợi. Đó là cách nghĩ, cách đánh giá rất đời thường không những chỉ phổ biến ở bên này mà cả bên kia chiến tuyến vào những thời điểm khác nhau, và những nghịch lí, cực đoan có thể dẫn đến một kết cục khó lường.

Tuy nhiên, chiến tranh là một hiện thực bất thường. Và người chỉ đạo chiến tranh cũng như người tham dự đều tự đặt mình trong tình trạng bất thường ấy để tùy nghi mà tiến hành các nhiệm vụ đánh giặc cứu nước.

Chiến tranh chống xâm lược là cuộc chiến tranh từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vô. Bởi chỗ dựa chính yếu của bọn xâm lược là các đô thị, nên các nhà lãnh đạo chiến tranh cùng một lúc xây dựng căn cứ địa kháng chiến ở rừng núi – nông thôn và đặc biệt ngay chính chỗ dựa của đối phương: thành thị. Căn cứ địa kháng chiến trong lòng các đô thị không dựa vào các điều kiện thuận lợi núi cao, hang sâu, địa thế hiểm trở mà nương tựa vào lòng của nhân dân mà cụ thể là các gia đình yêu nước, các gia đình cơ sở cách mạng. Bất cứ loại hình căn cứ kháng chiến nào, yêu cầu cao nhất vẫn là tính kiên cố của nó. Tính kiên cố của các căn cứ địa kháng chiến trong lòng các đô thị là lòng yêu nước sâu nặng, là lý tưởng Cộng sản kiên định và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp kháng chiến dưới sự lạnh đạo của đảng Cộng sản.Tính kiên cố còn được rào chắn bởi một vỏ bọc mà đối phương khó nghi ngờ (quí tộc, tư sản, trí thức và đồng thời là quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa). Tính kiên cố được mô tả bằng thành ngữ thông dụng trong thời kháng chiến là “xanh vỏ đỏ lòng”. Vỏ càng xanh bao nhiêu, thì “đỏ lòng” càng kiên cố bấy nhiêu, và người cán bộ bí mật mà thành ủy cử vào nằm vùng để chỉ đạo phong trào càng yên ổn bấy nhiêu. Ở trong lòng đối phương mà người cán bộ hoạt động bất hợp pháp chọn các gia đình lao động với nhà cửa bé nhỏ ọp ẹp để bày tỏ lập trường giai cấp là thưa ông tôi ở bụi này.

Gia đình tư sản với kinh doanh tấp nập, kẻ ra người vào như Thiên Tường, như Lê Hữu Trí, gia đình quí tộc như Bửu Đáp, gia đình trí thức như Bác sĩ Thân Trọng Phước, bác sĩ Lê Khắc Quyến, như bà Tuần Chi, như nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là những điển hình. Trường hợp kỹ sư Nguyễn Hữu Đính vừa là dòng dõi thượng lưu, vừa là trí thức quan chức chế độ, vừa có cơ ngơi nhà cửa bề thế khang trang định vị tại một nơi mà ba bên bốn bề là dinh lũy của đối phương: Tòa Đại Biểu chính phủ miền Trung, Tòa hành chánh tỉnh, Dinh tỉnh trưởng trước mặt (trên đường Lê Lợi), trụ sở CIA và nha Sắc tộc nằm sát cạnh hai bên.

Ông Phan Nam trong lời kể của mình có đoạn ghi “công” như sau: hoặc như cụ Nguyễn Hữu Đính – một trí thức tham gia cách mạng thời chống Pháp. Cụ có một ngôi nhà vào loại đẹp ở Huế. Sự trang nhã, thanh lịch của chủ nhân, với ngôi nhà quanh năm kín cổng cao tường – nương mình bên những hàng cây cảnh quí – càng tăng thêm vẻ trang nghiêm, và càng khiến cho kẻ địch không hề mảy may nghi ngờ. Đó là một trong những chỗ ở của tôi và đồng chí Loan (Hoàng Kim Loan, thành ủy viên nằm gai nếm mật ở nội thành, phụ trách một mảng công tác phong trào đô thị. Chu Sơn chú thích), để chỉ đạo phong trào, cụ Đính đã giúp chúng tôi nhiều trong công tác móc nối với những đầu mối “lớp trên” (Hà Khánh Linh ghi – Huế - Xuân 68 trang 170)

Lời xác nhận để ghi “công” ở trên chưa đầy đủ kể cả chất và lượng, nhưng chúng ta không thể đòi hỏi hơn, bởi ông Phan Nam còn phải đứng một chân trên lập trường của giai cấp công nông. Tôi nghĩ các ông Ngô Lén, Lê Minh nếu có đủ điều kiện thời gian để nhận định về sự đóng góp của các cơ sở do mình xây dựng nên và chỉ đạo trực tiếp suốt nhiều năm tại nhiệm thì sự thật chắc chắn được mô tả đầy đủ và trung thực hơn.

Cụ Nguyễn Hữu Đính một trí thức cách mạng... giám đốc trung tâm Thủy Lâm miền Trung Trung bộ thời chống Pháp.” Lời kể này của ông Phan Nam thông báo một chi tiết về tiểu sử Nguyễn Hữu Đính đã khiến lí lịch của ông mất đi một phần thuần nhất Việt Nam Cộng Hòa, do vậy mà chức vụ bộ trưởng bộ nông nghiệp của chính phủ thuộc chế độ Ngô Đình Diệm của ông chỉ mới là đề xuất. Mất cơ hội hiếm có để leo cao chun sâu vào cơ chế đối phương. Nguyễn Hữu Đính tô vẽ thêm cho cái vỏ bọc của mình ngày một thêm xanh bằng các biện pháp cải thiện sinh hoạt. Mua đất và làm nhà to lớn, mỹ thuật và sang trọng ở đầu đường Nguyễn Huệ là một công việc làm không ngoài dự hoạch của ông bà.

Kinh phí làm nhà là ba triệu đồng, bác Nguyễn Hữu Đính kể, tiền tích góp chưa đủ, tôi phải mượn thêm chỗ bà con 700.000 đồng nữa. Số tiền này tôi và Châu Phan góp trả nhiều năm mới xong”. Khu vườn thanh lịch, ngôi nhà duyên dáng với trang trí nội thất đơn giản mà mỹ thuật và của cải nằm hết trong mấy tủ sách đồ sộ: tủ sách lâm học, tủ sách Marxisme, tủ sách mỹ thuật đầy đủ bậc nhất Đông Dương, cộng với cung cách khiêm tốn, kín đáo cũng là những lợi thế để Nguyễn Hữu Đính khẳng định với bàng quan thiên hạ cái vỏ xanh của mình. Ngoài khả năng chuyên môn là một nhà Lâm học uyên thâm, Nguyễn Hữu Đính còn say mê nghiên cứu mỹ thuật, văn hóa lịch sử cố đô Huế, qui hoạch đô thị và môi trường, kinh tế du lịch. Ông đã tận dụng cái thế mạnh của mình để sống và mở rộng giao tiếp, đi lại, tạo điều kiện và giúp đỡ cho cán bộ nằm vùng móc nối với các đầu mối thuộc tầng lớp trên (Phan Nam...)

Thế, các cán bộ nằm vùng ở đâu trong cái vỏ xanh kiên cố ấy? Trong tủ áo hai lớp ư? Trong đi văng hai đáy ư? Nơi góc nhỏ phía sau tủ đứng ư? Trong trường hợp bình thường, ông (người cán bộ bí mật) là một người bạn thân làm việc và ngủ lại tại một căn phòng liền kề với phòng gia chủ. Trong trường hợp khẩn trương ông ở trong căn hầm bí mật giữa hai lớp bê tông phía trên phòng vệ sinh. Trên bức tường giữa phòng ngủ và phòng vệ sinh có treo một bức tranh. Phía sau bức tranh là cửa vào hầm bí mật. Với sự trợ giúp của một trong các con trai của gia chủ là bức tranh được lấy xuống, người cán bộ bí mật đứng trên vai của người trai trẻ, chui vào hầm, người trai trẻ treo lại bức tranh và nằm ngủ ngay dưới cái giường chỉ một phút trước đây khách đã nằm, hay ngồi vào bàn tiếp tục học hành, làm việc. Một phút vừa đủ cho gia chủ cảnh giác, mở cửa mời kẻ gõ cửa vào nhà và sẵn sàng hướng dẫn bất cứ ai khám xét với lệnh tòa.

Trong ngôi nhà đẹp đẽ khang trang ở số 10 Nguyễn Huệ (nay là số 18) có hai căn hầm bí mật nằm giữa hai lớp bê tông như thế. Một cái cho hai người nằm như đã giới thiệu ở trên và một cái nằm ngay ở hiên trước cho vài chục người nằm, ở đây còn là nơi cất dấu vũ khí.

Nước là nơi ở ngàn đời của dân tộc. Nhà là nơi ở của một, hai, ba đời của cộng đồng nhỏ: gia đình. Ông bà Nguyễn Hữu Đính trước khi xây dựng ngôi nhà để ở đời cho vợ chồng con cháu mình đã nghĩ đến chuyện biến nó thành căn cứ kháng chiến. Ông bà Nguyễn Hữu Đính và con cái trong cái vỏ xanh ấy đã ấp ủ, đã kiên định, đã gắn kết, đã hội nhập thân phận mình với thân phận của cả dân tộc trên con đường độc lập và lý tưởng Cộng sản.

Hồi ở tù ở nhà lao Thừa Phủ, trong những câu chuyện miên man một già một trẻ, một trí thức, một nông dân, đã có lần tôi hỏi bác Nguyễn Hữu Đính về động cơ tham gia cách mạng của bác và của gia đình.

“ – Đơn giản thôi, bác trả lời, không chỉ thường thường bậc trung như chúng tôi, mà có rất nhiều người ở vị trí và có điều kiện sống cao, trên tôi rất nhiều chẳng hạng như vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và kể cả Bảo Đại... đều chẳng khó khăn để nhận ra rằng không ai có thể tránh khỏi thân phận nô lệ khi đất nước bị xâm lược. Chỉ có sự khác nhau giữa các tầng lớp nô lệ. Vua nô lệ, quan nô lệ, dân nô lệ. Vua nô lệ thì nối tiếp nhau mấy tên, quan nô lệ thì thay đổi nhau hàng ngàn tên, còn dân nô lệ thì đời đời kiếp kiếp mấy chục triệu con người”.

“Bọn xâm lược nuôi dạy và sai bảo một thiểu số để đè đầu cỡi cổ, cướp bóc giết hại và nô lệ cả dân tộc”

“Ngoài mục tiêu độc lập dân tộc, tôi tham gia cách mạng còn vì lý tưởng Cộng Sản. Bọn xâm lược, thực dân chỉ là cái ngọn, cái gốc của chúng là Tư bản, Đế quốc”.

“Bọn Tư Bản đàn áp khốc liệt và bóc lột tận xương tủy đại đa số nhân dân lao động vốn là đồng bào ruột thịt của chúng”

“Bọn Đế quốc đi xâm lược, cướp bóc tài sản, bóc lột nhân dân và nô lệ hóa các dân tộc thuộc địa”

“Bọn Đế quốc Tư bản do mâu thuẩn quyền lợi tranh chấp lẫn nhau gây ra các cuộc chiến tranh khu vực và thế giới, đẩy nhân loại vào thảm kịch chém giết lẫn nhau.

Trong tình hình hiện tai, chủ nghĩa Cộng sản vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để các dân tộc thuộc địa và nhân dân lao động trên toàn thế giới liên kết nhau lại, đứng chung một trận tuyến đánh đuổi bọn cướp nước, lật đổ bọn thống trị, thủ tiêu các tàn tích lạc hậu nghèo đói nô lệ, xây dựng đất nước công bằng giàu mạnh và tiến bộ, góp phần đánh bại chủ nghĩa Tư bản trên bình diện toàn cầu, góp phần hình thành một thế giới không có người đàn áp bóc lột người, một thế giới huynh đệ và hòa bình.

Liên tiếp hơn ba năm sau giải phóng, tôi và bác Đính vẫn tiếp tục cuộc trò chuyện miên man ấy. Có lần tôi đã thô thiển đặt một vấn đề mà bác không hề muốn chia sẻ với bất cứ ai ngoài gia đình mình. Người Huế, đặc biệt là những gia đình thuộc tầng lớp trên, thường rất kín đáo trong những việc riêng tư. Tôi không phải là người tế nhị, tôi lại nghĩ công ăn việc làm của các anh chị con trai, con gái của hai bác trong chế độ xã hội chủ nghĩa không còn là vấn đề riêng tư. Ngoài trừ hai người con gái lớn có chồng con ở xa và người con trai út thoát ly ra vùng giải phóng, những người còn lại – hai trai – ba gái – hết bốn người không tìm được việc làm ở Huế mặc dù tất cả đều hoàn chỉnh chương trình đại học, sau đại học và cho dù ở Huế lúc bây giờ y tế và giáo dục thiếu cán bộ trầm trọng, cho dù không nhiều thì ít các anh chị ấy là trợ thủ của ba mẹ mình trong căn cứ “xanh vỏ đỏ lòng” ở số 10 Nguyễn Huệ ấy. Một trong năm người có việc là Nguyễn Hữu Châu Phan, con trai đầu đã nếm mùi ở nhà tù Chín Hầm và bị đuổi ra khỏi thành phố Huế do lời khai của một cơ sở bị lộ ( Bác Đính cũng bị bắt, bị giam một năm, bị đưa ra tòa án quân sự mặt trận vào dịp này).

Châu Phan tốt nghiệp đại học sư phạm Khóa I năm 1960, chuyên ngành sử địa, là giáo viên phụ giảng Đại Học Sư Phạm Huế, bị tình nghi là Việt Cộng, bị đổi qua dạy Sử Địa tại viện Hán học trên 10 năm. Sau giải phóng Châu Phan xin về Đại Học Sư Phạm Huế, không được chấp nhận. Xin làm giáo viên một trường cấp ba, bị hoạnh họe đủ điều bởi những đồng nghiệp từ miền Bắc vào (xin lỗi Châu Phan, anh không muốn tôi xía vào việc riêng của anh. Tôi lại nghĩ khác, Anh muốn thế nào là tùy ý anh, còn tôi, tôi làm việc của tôi), cuối cùng anh xin làm thủ thư tại thư viện trường Hai Bà Trưng, rồi làm giám đốc nhà máy in của sở Giáo dục khi nước nhà chuyển qua thời kỳ đổi mới.

Tôi hỏi bác Đính hai câu:

– 1/ Sao bác không nói với ông Lanh, ông Nam để các anh chị ấy đi làm? (ông Hoàng Lanh, ông Phan Nam là hai cán bộ cao cấp nhất của thành phố lúc bây giờ và đều biết hoặc đã chiến đấu tại căn cứ Nguyễn Hữu Đính).

– 2/ Có phải vì ngôi nhà to lớn mà các anh chị ấy gặp khó khăn trong công việc chăng?

Bác Đính cũng trả lời đủ hai câu nhưng không thoải mái gì.

– 1/ Mình tham gia đánh giặc để lật đổ chế độ phong kiến tay sai, để khỏi làm cái công việc sỉ nhục ấy (cầu cạnh, chạy vạy).

– 2/ Người ta xóa bỏ chế độ phong kiến, xây dựng chế độ Tư bản qua ngưỡng cửa các nhà máy hiện đại và nền thương nghiệp tiên tiến. Mình xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (cao hơn chế độ tư bản) qua ngưỡng của của những ngôi đình và lũy tre làng, qua cuộc chiến tranh khủng khiếp lâu dài với những di chứng những đổ nát không dễ gì hàn gắn ngày một ngày hai. Không có người nông dân không giữ được đất. Trong cuộc chiến họ là những anh hùng. Kết thúc cuộc chiến, những anh hùng vẫn là nông dân với nhiều thương tật. Trước cách mạng tháng Tám, ở các đình làng và nhà thờ họ tộc thường phổ biến một thành ngữ: hữu công tắc tọa. Hữu công tắc tọa nghĩa là công nghiệp lớn đương nhiên ngồi chiếu trên lâu dài. Tôi là người trồng cây, tôi biết không thể một sớm một chiều mà có được mùa vàng và gỗ quí. Dù thế nào tôi cũng tin vào đảng Cộng Sản Việt Nam. Chiến tranh có lúc bại lúc thắng. Phong trào có lúc xuống lúc lên. Dân tộc Việt Nam và đảng Cộng sản, đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam, đối với tôi không thể thiếu một trong hai lúc này, và không chỉ lúc này.

Đương nhiên tôi không đồng tình với luận điểm bác Đính vừa nêu. Và tôi cũng đã tranh luận với bác đến cùng. Nhưng sau những tranh luận như vậy tôi mới nhận ra nơi người bạn tù lớn tuổi của tôi một sự thật mà lúc đầu tôi cho là mâu thuẫn, nhưng càng lâu về sau, tôi lại thấy nơi tâm thức của bác Đính chỉ là một vận động biện chứng. Về nhận thức, về tư tưởng, bác Đính là người Marxism không khoan nhượng. Về đức tính và bản lĩnh sống giữa đời bác lại là người Cộng hòa.

Người Cộng hòa biết lắng nghe và tôn trọng chính kiến của những người khác. Tôi là người bạn vong niên của bác Đính lâu dài vì chúng tôi biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau.


Chu Sơn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss