Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Gia đình cơ sở ở Huế, phần 3/3

Gia đình cơ sở ở Huế, phần 3/3

- Chu Sơn — published 01/02/2012 12:26, cập nhật lần cuối 04/02/2012 10:51
...Bác sĩ Hoàng Bá đã bị công an Bình Trị Thiên bắt năm 1978. Năm ấy ông 71 tuổi theo khai sinh. Nhưng không hiểu vì lý do gì, khi thẩm vấn, công an Bình Trị Thiên của ông Bảy Khiêm ghi ông 69 tuổi. Năm 1981 ông được thả với giấy ra trại ghi “bị bắt không lý do” (...) Trong những người tìm trầm, không ít kẻ do ngậm ngải quá lâu đã biến thành cọp. Sự chuyển hóa đáng buồn này dẫn đến kết quả là nạn nhân của “người - cọp” chẳng ai khác, mà chính là người đồng hành cùng y...


Gia đình cơ sở ở Huế
(Phần III 
và hết)


Chu Sơn



6/ Gia đình cơ sở Hoàng Bá


Người bị hại gián tiếp bởi mảnh giấy vụn cháy dở còn sót lại trong sọt rác của “Trung tâm văn hóa thông tin Mỹ” ba năm sau cuộc tháo chạy tán loạn của Hoa Kỳ và đồng minh là bác sĩ Hoàng Bá. Ông bị công an Bình Trị Thỉên của ông Bảy Khiêm bắt cùng ngày cùng giờ với Nguyễn Thúc Tuân (1978). Theo Nguyễn Thúc Tuân, bác sĩ Hoàng Bá bị cáo buộc là đã mật báo cho bạn thân là Đoàn Công Lập (nguyên là Trưởng ty công an Thừa Thiên của chế độ cũ), để người này ra lệnh bắt Hoàng Kim Loan, một cán bộ của Thành ủy Huế hoạt động nội thành – vào đầu năm 1972. Nguyên vào ngày đầu năm 1965, Nguyễn Thúc Tuân nhận nhiệm vụ của Thành ủy Huế đưa Hoàng Kim Loan từ chiến khu vào thành phố và tổ chức nơi ăn chốn ở cho ông này. Vào những thời điểm khác nhau, Hoàng Kim Loan qua giới thiệu của Nguyễn Thúc Tuân đã tới và tá túc tại nhà bác sĩ Hoàng Bá. Việc Hoàng Kim Loan bị địch bắt là tội của Bác sĩ Hoàng Bá, đồng thời là tội của Nguyễn Thúc Tuân. Nhận định của Công an Bình Trị Thiên là như thế. Bởi Nguyễn Thúc Tuân đã biết nhà bác sĩ Hoàng Bá là “ổ kiến lửa” mà vẫn đưa Hoàng Kim Loan tới.

Tôi gặp bác sĩ Hoàng Bá tại Trung tâm thẩm vấn Thừa Thiên Huế vào giữa năm 1972. Chúng tôi bị bắt sau ông Hoàng Kim Loan mấy ngày và đều bị cáo buộc là hoạt động cho Cộng sản “theo lời khai của Hoàng Kim Loan”. Thực tế ông Hoàng Kim Loan có khai hay không tôi không biết. Nhưng khi tôi đòi đối chứng thì thẩm vấn viên không thực hiện.

Sau khi ra tù, tôi có đến thăm bác sĩ Hoàng Bá một vài lần tại nhà ông ở trên đường Phan Châu Trinh gần cầu Nam Giao. Vợ ông một công nương dòng họ Nguyễn Phước, thời niên thiếu chơi đùa cùng cậu bé Vĩnh Thụy sau này là vua Bảo Đại. Chuyện đời xưa là như thế, nhưng hiện tại (1972) bà trông coi một bãi bán sạn cát dùng cho xây dựng. Ông, sau khi về hưu rồi ở tù, tiếp tục khám và chữa bệnh tại nhà cho những gia đình quen thân và bà con lối xóm. Cái gia đình “tầng lớp trên” này đang cùng sống, cùng tồn tại giữa một góc Huế không còn ranh giới giàu nghèo, cao thấp, quí tộc và bình dân.

Mấy tháng đầu sau giải phóng, nhà ông Hoàng Bá ồn ào đông vui hơn ngày thường. Bạn bè bà con từ trên núi xuống, từ ngoài Bắc vô, từ trong Nam ra. Một sớm nào đó cuối năm 1975, Hoàng Anh Hào con trai thứ của Bác sĩ Hoàng Bá đến chỗ tôi và bảo: Ba mời anh lên, có một người khách từ trên Đà Lạt xuống muốn gặp và thăm anh. Tôi lên, gặp ông Năm Lực, một người rất lạ và cũng rất quen đối với tôi. Ông là Bí thư Khu ủy khu 6. Nguyên là cuối năm 1974 tôi trốn thoát khỏi nhà giam quân cảnh Đà Lạt, chạy ra chiến khu, tá túc tại cơ quan khu ủy 6 mấy tháng. Chính ông Năm Lực đã liên lạc với các nơi thẩm quyền và tổ chức đưa tôi về lại Huế. Qua câu chuyện tôi biết hai ông ( Hoàng Bá và Bí thư Năm Lực) thời trai trẻ ở quê nhà là bạn chí thiết (Hà Tĩnh). Thời trung niên hai ông tiếp tục phát triển tình bạn trong một tình thế đặc biệt. Ông Năm Lực là cán bộ kháng chiến ở Phan Thiết. Bác sĩ Hoàng Bá là bệnh viện trưởng bệnh viện Phan Thiết (trong vùng địch tạm chiếm). Ông đã đóng góp công sức cho kháng chiến theo cách riêng trong vị thế đặc biệt của ông. Giữa hai ông, bên ngoài là hai chiến tuyến, nhưng bên trong họ vẫn là một trong ý thức, tình tự Dân tộc.

Thì ra bác sĩ Hoàng Bá là người quảng giao. Ông không chỉ quen thân với những người mà sau này Công an bình Trị Thiên xem là đối tượng nguy hiểm, phản động, tay sai Mỹ Ngụy như Đoàn Công Lập chẳng hạn. Ông còn quen và thân thiết hơn với nhiều người đã lận đận gian khổ, sống chết cùng đất nước suốt hai cuộc kháng chiến. Ngoài ông Năm Lực, tôi còn gặp tại nhà bác sĩ Hoàng Bá nhà thơ Chế Lan Viên, giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng và nhiều người khác thuộc phe ta.

Hơn thế nữa bác sĩ Hoàng Bá còn là người “xanh vỏ đỏ lòng”, ông ủng hộ kháng chiến, đã là cơ sở của Thành ủy Huế từ 1954 đến khi nước nhà độc lập thống nhất. Trong các tài liệu ông Nguyễn Thúc Tuân đưa cho tôi, tôi thấy có giấy xác nhận của ông Lê Minh. Tôi xin chép nguyên văn giấy xác nhận này để ông Bảy Khiêm và độc giả đời sau hiểu biết đầy đủ hơn về một bộ phận trí thức và phong trào đô thị Huế thời chống Mỹ:



Lê Minh
Nguyễn Thượng Hiền
Quận Hai Bà Trưng Hà Nội 

Hà Nội ngày 18 – 10 – 1989

TỜ XÁC NHẬN


Quá trình hoạt động của ông Hoàng Bá,
ở số 3 Trương Định – Huế


Kính gởi: Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế

              Thường vụ Thành Ủy Huế


Tôi tên LÊ MINH (tên thật LÊ CHÂU), tham gia cách mạng năm 1936, đã công tác Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên và Thành ủy Huế, Ủy viên Liên khu ủy Liên khu 4, Liên khu 5, Khu ủy Trị-Thiên – Huế v. v… Trước khi nghỉ hưu là Phó trưởng ban nông nghiệp Trung ương Đảng. Theo yêu cầu của bác sĩ Hoàng Bá, tôi xin xác nhận như sau:

Từ đầu kháng chiến chống Pháp, gia đình bác sĩ Hoàng Bá ở trong nhóm cảm tình CM (Hoàng Bá, Thân Trọng Phước, Phạm Bá Viên, Lê Khắc Quyến, Hoàng Xuân Hiền, Nguyễn ngọc Ban…). Nhóm này đã có công tác quan trọng ngoài việc vận động anh chị em trí thức, còn chuyển thuốc men, y cụ, thầy thuốc lên chiến khu…

Đến thời kỳ chống Mỹ, gia đình BS HOÀNG BÁ trở thành cơ sở bí mật, là nơi ăn ở, đi lại của các đ/c Thành ủy Huế. Mặc dầu không phải là đảng viên, nhưng vợ chồng BS HOÀNG BÁ đã thực hiện đúng nguyên tắc một cơ sở bí mật của Đảng, theo mọi yêu cầu của Đảng.

Đến năm 1969, Thường vụ Khu ủy Trị Thiên - Huế có ý định tổ chức cho BS HOÀNG BÁ lên căn cứ để tham gia vào chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, làm Bộ trưởng y tế. Bác sĩ HOÀNG BÁ đã chấp nhận thoát ly, nhưng sau đó thường vụ Khu ủy và Trung ương Cục thấy một cơ sở đang giữ được bí mật cho nên không rút lên căn cứ mà để tiếp tục hoạt động bí mật.

Những năm sau Mậu Thân là những năm hết sức khó khăn ở thành phố Huế, gia đình BS HOÀNG BÁ tỏ ra rất dũng cảm kiên định đến ngày giải phóng thành phố Huế.

Với sự hiểu biết của tôi trên đây, đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Thành ủy Huế nghiên cứu giải oan cho gia đình BS HOÀNG BÁ và thực hiện các chính sách, quyền lợi, danh dự cho gia đình BS Bá.

Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm những lời xác nhận trên đây.

Kính chào các đồng chí.


Đã ký: LÊ MINH


Ban Nông Nghiệp Trung ương xác nhận chữ ký và cương vị của đ/c LÊ MINH trong văn bản này là đúng.

Hà Nội ngày 19 – 10 – 1989

TL / Ban nông nghiệp TƯ
Phụ trách Vụ TCCBộ

Đã ký: Nguyễn Văn Án

(và đóng dấu)

Đảng ủy Phường Nguyễn Du xác nhận chữ ký trong bản này đúng là chữ ký của đ/c TƯ MINH, và các cương vị của đ/c TƯ MINH đã nói trong văn bản này là đúng với lý lịch của đ/c MINH mà đảng bộ phường đang quản lý.

Ngày 20 - 10 - 1989

TM, BCN Đảng bộ Nguyễn Du

Bí thư

Đã ký: Nguyễn Tiến Can

(và đóng dấu)



Tôi không hoài nghi những gì ông Lê Minh xác nhận cho ông Hoàng Bá. Bản thân tôi qua những lần trò chuyện với ông tại Trung tâm thẩm vấn, tại ngoài đời sau khi chúng tôi ra tù, và những lần thăm hỏi bổ sung với các ông Hoàng Lanh, ông Phan Nam, ông Nguyễn Thọ (Hường) thì những xác minh của ông Lê Minh mới chỉ là cốt lõi. Thực tế và cụ thể những năm tháng ông Hoàng Bá tham gia công tác kháng chiến ở đô thị thời chống Mỹ phong phú và thú vị hơn nhiều.

Nhưng sự thật về Bác sĩ Hoàng Bá và phong trào đô thị trong kháng chiến chỉ có những người lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp quan hệ công tác như các ông Lê Minh, Hoàng Lanh, Phan Nam, Nguyễn Thọ (Hường), Nguyễn Thúc Tuân mới biết. Mà Nguyễn Thúc Tuân thì đã bị bắt với cáo buộc là CIA, gián điệp Mỹ âm mưu chui sâu leo cao. Còn các ông Tư Minh, Hoàng Lanh, Nguyễn Thọ (Hường) thì đang bị thất thế, bị xuống cấp, bởi Mỹ đã cút – Ngụy đã nhào, công cuộc kháng chiến trong lòng địch, trong lòng các đô thị đã cáo chung, nhiệm vụ lịch sử đã chấm dứt, và công cuộc thanh toán tàn dư của đế quốc thực dân, bảo vệ thành quả kháng chiến của cách mạng mới được bắt đầu với ông Bảy Khiêm và các thuộc cấp của ông ở Ty công an. “Mỹ và CIA tuy đã thua chạy, nhưng chiến lược hậu chiến của chúng đang được vận dụng. CIA năm đầu sáu tay, mưu ma chước quỉ : gia đình như vậy, bản thân như vậy, quan hệ xã hội như vậy, chỉ có điên mới dấn thân vào con đường kháng chiến cách mạng đầy gian nguy và khổ nạn”.

Bác sĩ Hoàng Bá đã bị công an Bình Trị Thiên bắt năm 1978. Năm ấy ông 71 tuổi theo khai sinh. Nhưng không hiểu vì lý do gì, khi thẩm vấn, công an Bình Trị Thiên của ông Bảy Khiêm ghi ông 69 tuổi. Năm 1981 ông được thả với giấy ra trại ghi “bị bắt không lý do”.

“Bị bắt không lý do” có nghĩa là bị bắt oan, bị tù oan, bị đối xử bất công: cực nhục, xấu hổ trăm bề, không những trong những năm ở tù mà ngay cả nhiều năm sau khi đã “ra trại”. Người lãnh đạo, chỉ đạo và đồng chí, đồng sự biết Bác sĩ Hoàng Bá bị oan, thương cảm xót xa, nhưng chẳng làm gì được. Bất lực hoàn toàn. Chính bản thân họ cũng bị bao vây bởi một mạng lưới ngờ vực. Những kẻ xấu miệng thì rỉa rói, cạnh khoé: “ để cho ông ấy biết thế nào là ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản. Đáng đời”.

Bác sĩ Hoàng Bá có năm người con, ba gái, hai trai. Một trong ba người con gái đi du học ở Bỉ trước 1975, lấy chồng và ở lại. Hai người con gái còn lại đều tốt nghiệp đại học, là giáo sư trung học. Hai người con trai học y khoa: Hoàng Anh Dũng, con trai đầu, Hoàng Anh Hào, con trai thứ. Tất cả đều yên vui, đến năm 1978 bác sĩ Hoàng bá bị bắt vì lý do chính trị, cả nhà không ai được yên cả: Vợ hoảng hốt lo sợ, con cũng tình trạng như thế tại các nơi học tập, công tác. Hoàng Anh Dũng và Hoàng Anh Hào tốt nghiệp bác sĩ Y khoa. Dũng đi làm ở bệnh viện Quảng Ngãi, không chịu được sự kềm kẹp, vượt biên. Hào đi làm ở một bệnh viện huyện thuộc tỉnh Quảng Nam, đau bao tử nặng, chuyển ra điều trị tại Hà nội, bệnh ổn định, được bác sĩ Tôn Thất Tùng nhận ở lại học chuyên khoa nội. Hai năm sau, tốt nghiệp chuyên khoa, cầm mảnh bằng và lý lịch địa phương xác nhận: cha bị “bắt không lý do” đi xin việc khắp nơi, chẳng ai thèm nhận cả.

Tôi đến thăm bác sĩ Hoàng Bá mấy lần trước và sau khi ông ra tù. Khu nhà thuê trên đường Phan Châu Trinh đã trả lại cho chủ sở hữu năm 1976. Gia đình dọn về căn nhà trên đường Lý Thường Kiệt. Ông đi tù, bà ở nhà bán căn nhà này để có tiền cho cả nhà sinh sống.

Một lần trở lại Huế năm 82, 83 gì đó, tôi tìm đến thăm ông ở một căn nhà nhỏ trên đường Trương Định. Ông đã ra tù được vài năm. Ông trở nên trầm mặc, không còn lạc quan, sinh động và nhiều cảm xúc như trước. Trong câu chuyện ông cố dấu vẻ buồn rầu thất vọng. Ông nói là con gái bên Bỉ muốn bảo lãnh cho cả nhà qua. Nhưng ngoài Dũng xốc nổi, đã vượt biên, những người còn lại chẳng ai muốn đi cả. Mình là một phần của dân tộc, của đất nước. Tách ra khỏi dân tộc, đi ra khỏi đất nước như cái cây bị đào gốc rễ. Ở lại thôi. Khổ nạn của đất nước của dân tộc cũng là khổ nạn của chính mình, không hứng chịu lúc này do bọn xâm lược thì phải chịu hứng lúc khác do những người dày công chống xâm lược thôi. Phản hồi và bù trừ là hai qui luật vẫn còn tác động trong đời sống dân tộc sau chiến tranh. Người làm chiến tranh cũng như người thầy thuốc, dịch bệnh đã qua những hiểm họa, vi trùng vẫn ám ảnh y đến một thời điểm nào đó nhất định. Cơn bạo phát của dịch bệnh đã được ngăn chận, nhưng di chứng vẫn còn đó và biến chứng thì khôn lường. Con bệnh có khi không chết vì bệnh chính mà chết vì biến chứng. Tai họa mà bản thân tôi, gia đình tôi phải gánh chịu mấy chục năm qua và còn kéo dài thêm một thời gian nữa là hậu quả tất yếu của cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu, quá khốc liệt, đồng thời là dấu vết của một trình độ văn minh và tâm lý dân tộc bị uốn nắn một cách lệch lạc. Vua quan và thần dân, tá điền và địa chủ, thợ thuyền và nhà tư bản là hai mặt của một tồn tại lịch sử. Đúng sai, tốt xấu thế nào khó mà phân định rạch ròi trong một cự ly gần…

Trong những người tìm trầm, không ít kẻ do ngậm ngải quá lâu đã biến thành cọp. Sự chuyển hóa đáng buồn này dẫn đến kết quả là nạn nhân của “người - cọp” chẳng ai khác, mà chính là người đồng hành cùng y.

Biết là vậy, nhưng nhiều lúc cũng thấy hụt hẫng, tưởng không đủ sức chịu đựng. Đã có lúc muốn chết đi cho xong. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại chẳng giải quyết được gì. Nỗi nhục nhã đau đớn chẳng vì thế mà tiêu tan…

Bác sĩ Hoàng Bá càng nói càng buồn, đôi mắt ông ráo hoảnh, khác hẳn với những lần gặp gỡ trước khi đi tù, ông thường tỏ ra quá mẫn mỗi khi nhớ, nghĩ, nói, nghe về một điều gì thương tâm, ngang trái. Tôi trái lại, càng nghe ông nói, tôi càng muốn khóc. Suốt buổi, tôi chẳng nói với ông điều gì. Từ lâu, khi bước lần về phía tuổi già, tôi cũng mắc chứng bệnh như ông trước đây. Không cầm được nước mắt khi xúc chạm với bi thương, ngang trái. Mà bi thương ngang trái thì quá nhiều trên cái đất nước mà đã có lúc tôi nghĩ tưởng rằng độc lập và thống nhất là nền tảng để đồng bào cả nuớc vượt qua muôn vàn đổ vỡ, khó khăn do xâm lược và chiến tranh, cùng nhau kiến tạo lại con người, kiến tạo lại đất nước.

Sự kiện Hoàng Anh Hào không có được một công việc đàng hoàng, ổn định và bình đẳng trong bất cứ một cơ quan y tế nào, đối với gia đình ông Hoàng Bá là một rẻ rúng, khước từ của quê hương đất nước. Họ đã làm một cuộc ra đi chẳng đặng đừng với lòng nặng trĩu nỗi cay đắng bẽ bàng.

Năm 2007 (hay 2008) tình cờ tôi gặp Hoàng Anh Dũng tại nhà Phan Hoàng Quí – con rể ông bà Hoàng Bá và là bạn thân của tôi. Hoàng Anh Dũng vượt biên năm 1982 và định cư tại Bỉ. Qua Hoàng Anh Dũng tôi có thêm mấy thông tin về người bạn vong niên chẳng bao giờ gặp lại. Vào tuổi 85, năm 1990, ông Hoàng Bá đoàn tụ với gia đình nhưng chia ly âm thầm với tổ quốc. Niềm vui sum họp đối với ông giữa bốn bề xa lạ chỉ là “vui gượng qua thì”. Vợ chồng con cái sống trong cùng một căn hộ mà đau đáu “nhớ nhà” là tâm cảnh của ông bà trong những ngày “xóm làng xa vắng”. Ông nhắm mắt từ biệt cõi đời đầu năm 1991 – chưa đầy một năm rưỡi sau khi rời Việt Nam.

Trong phút lâm chung, từ giã vợ con và các cháu nội ngoại, ông lặp lại lời dặn dò mà ông đã nói với họ rất nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đối với ông là rất dài sống tại Bỉ: “Đưa ba về nhà và làm bất cứ việc gì có thể làm được để chia sẻ với bà con…”

Theo ba, Dũng nói: Nước và Nhà là hai mặt của một thực tại đối với người Việt Nam. Xa nước cũng có nghĩa là xa nhà. Chia sẻ với bà con trong nước cũng có nghĩa là làm gì đó cho chính mình, cho gia đình mình.

Tôi hỏi Dũng: Tiến trình trở thành một người Bỉ gốc Việt của anh đã diễn ra như thế nào? Các anh chị đã thực hiện lời dặn dò, trăn trối của bác Bá đến đâu?

Dũng trả lời: “không kể cuộc vượt biển bi thảm khốn khổ như thế nào. Đến Bỉ việc đầu tiên là đi kiếm việc làm. Do đã là bác sĩ ở Việt Nam nên em được tiếp nhận trong ngành y tế. Tại Bỉ người ta không thừa nhận bằng cấp ở Việt Nam nên em phải làm y công rồi y tá, đồng thời học thêm ngoại ngữ, ôn tập các kiến thức phổ thông để thi tú tài. Xong tú tài thi vào Đại học Y. Tốt nghiệp đại học Y thi vào chuyên khoa ngoại. Hoàn tất chuyên khoa ngoại, làm việc tại khoa ngoại bệnh viện của trường Đại Học, rồi trở thành phó khoa. Khoa ngoại có một kinh phí hằng năm dùng để nghiên cứu và giúp đỡ y tế cho một số vùng chậm phát triển trên thế giới. Thay vì đi Phi Châu, em đi Việt Nam. Em đi Việt Nam từ khi bắt đầu đi làm tại khoa ngoại bệnh viện đến bây giờ đã hơn 10 năm. Năm nay về Việt Nam theo lời mời của nhà nước trong dịp tuyên dương những người Việt ở nước ngoài đã đóng góp nhiều công sức cho tổ quốc.

Về lời dặn dò của ba, em và Hào đã thực hiện nghiêm chỉnh. Sau khi ba mất, chúng em đã đưa tro ba về “nhà”, mặc dù nhà đã bán từ khi ông đi tù. Việc chia sẻ với bà con trong nước, Hào cũng đã làm hết sức theo cách riêng. Cậu ấy qua Bỉ chậm, trở thành bác sĩ nội khoa, cũng thường xuyên về lại Việt Nam để làm cái gì đó cho bà con…”

Trong gia đình ông Hoàng Bá còn có một người không thể không nhắc đến là Phan Hoàng Quí. Phan Hoàng Quí là rể và cũng xem như là con trai của gia đình này đặc biệt đối với ông Hoàng Bá, bởi Phan Hoàng Quí là con của người bạn thân thiết thuở thiếu thời của ông.

Gia đình Phan Hoàng Quí đến cư ngụ ở Phan Thiết nhiều năm trước cách mạng tháng Tám. Cụ thân sinh Phan Hoàng Quí tham gia kháng chiến chống Pháp và đã hy sinh vào thời kỳ này. Mẹ và anh em Phan Hoàng Quí (Quí còn có người em là Phan Hoàng Đồng. Phan Hoàng Đồng là tiến sĩ lâm học hiện ở Đức) lâm vào tình thế khốn đốn khi cha anh đi kháng chiến và qua đời, đành phải từ bỏ Phan Thiết đến mưu sinh tại một vùng quê sau này là thị xã Bình Tuy. Khi Hoàng Bá đến Phan Thiết làm bệnh viện trưởng, ông đã ra sức tìm kiếm vợ con người bạn quá cố. Cuộc tìm kiếm không phải dễ dàng vì gia đình Quí đã rời xa Phan Thiết khá lâu trước khi ông đến. Phải mất nhiều tháng họ mới có manh mối của nhau và tiếp nối mối tương thân bị đứt đoạn. Sau khi đỗ tú tài, Quí không vào Sài Gòn mà đi Huế học đại học vì mối tương thân này. Mối tương thân ấy trở nên ruột thịt khi anh và con gái ông Hoàng Bá kết nghĩa vợ chồng. Việc Phan Hoàng Quí đi Huế học và làm rể ông Hoàng Bá làm phát triển thêm cơ duyên anh gắn bó với phong trào đô thị mấy năm, từ Hiệp định Paris, khi anh du học Mỹ về. Theo những thông tin của ông Hoàng Bá, tôi đón Phan Hoàng Quí tại phi trường Tân Sơn Nhất và chúng tôi trở nên thân quen, bạn bè. (Lúc bây giờ theo sự phân công của Lê Công Cơ, tôi rời Huế đi Sài Gòn đứng làm gạch nối giữa phong trào đô thị miền Trung và miền Nam). Phan Hoàng Quí không phải là người của ý thức hệ và của chủ nghĩa Dân tộc, nhưng tình tự dân tộc rất sâu đậm nơi anh. Anh nói với chúng tôi: Vì tình tự dân tộc mà tau đi với tụi bay. Tau đã tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ từ bên Mỹ. Nhưng đứng ở góc độ học thuật, tau không chống Mỹ một cách cực đoan. Học thuật Mỹ về mặt nguyên lý và những thành tựu to lớn, vượt trội của nó, có nhiều điều chúng ta phải học tập để xây dựng lại đất nước khi chiến tranh chấm dứt. Tau là người có khuynh hướng xã hội nhưng hoàn toàn không thích hợp với bất cứ một thứ xã hội chủ nghĩa nào cho dù là xã hội chủ nghĩa Cộng sản hay xã hội chủ nghĩa không Cộng sản. Những năm tháng ở bên Mỹ, nhiều lúc tau đã nghĩ đến đất nước, một Việt Nam, một thế giới, một nhân loại tự giải trừ hết mọi ý thức hệ và mọi chủ nghĩa, tôn giáo… Do vậy tau yêu cầu tụi bay nên coi tau như một người bạn, đừng coi tau như một đồng chí, lại càng không như một “đồng đạo”.

Cuối tháng 3 năm 1975 sự thay đổi quyền lực tại Huế không làm cho Phan Hoàng Quí hò reo vì “phe ta đã thắng”, cũng chẳng làm cho anh hoảng sợ, tuyệt vọng vì “tụi mình đã thua”. Anh chỉ thở phào vì chiến tranh đã chấm dứt. Sự thiếu thốn cực khổ trong sinh hoạt, sự nghi ngờ và phân biệt đối xử trong trường học (Đại Học Sư Phạm Huế – nơi anh tiếp tục giảng dạy) và trong khu phố (nơi anh cư trú) đối với anh chưa phải là một khổ nạn mà chỉ là tất yếu. Sự kiện ông Hoàng Bá – người cha vợ đáng kính của anh – bi bắt và bị tù làm anh thương cảm nhưng không làm anh hoảng hốt. Quí bảo: “Tấn tuồng đã chấm dứt, sân khấu phải dẹp bỏ thôi. Tất cả những vai diễn lớn bé, chính phụ, đã trình diễn hay dự bị đều không còn lý do để tồn tại. Những nhân sĩ trí thức cỡ Lê Văn Hảo, Nguyễn Thúc Tuân, Hoàng Bá…, đến cả những đạo diễn cỡ Lê Minh, những chuyên gia trực tiếp dàn dựng như Hoàng Kim Loan, Phan Nam, những kỹ thuật viên phụ trách ánh sáng, âm thanh, phông màn, khuân vác như tụi bay cũng đều là nạn nhân của trò chơi chính trị. Mà chính trị phản động hay chính trị cách mạng cũng đều mưu lược, thủ đoạn giống nhau, đều lừa bịp, nham hiểm, độc ác, đê tiện và hạ lưu. Được chim bẻ ná, được cá quăng câu, qua cầu rút ván… đều không chỉ là châm ngôn của người làm chính trị thời xưa…”

Sau khi ông Hoàng Bá ra tù, Phan Hoàng Quí vào thành phố Hồ Chí Minh làm cán bộ giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm, anh có điều kiện để định cư ở nước ngoài nhưng dứt khoát không đi, không phải là lý do chính trị, cũng không phải là lý do kinh tế, chỉ vì lý do cá nhân. Quí nói: “Nghề nghiệp tau chọn từ đầu là dạy học, từ khi đi Mỹ về là dạy tiếng Anh. Tau không thể dạy tiếng Anh cho người Mỹ. Nếu vì bức xúc mà đi Mỹ, tau chỉ làm một nghề nào đó mà người Mỹ chê bởi tính chất hạ lưu của nó, mặc dầu xét về mặt kinh tế có thu nhập cao hơn nghề dạy học ở đây. Mấy năm đi học bên Mỹ, có lúc nào đó tau đã trở thành Hippy. Chống chiến tranh Mỹ, ngoài lý do tau là Người Việt Nam, còn có lý do tau là người Hyppy. Vô kỷ, vô công, vô danh. Khẩu hiệu của Hippy là thế. Xét về mặt hình thức và hậu quả của nó, Xã hội chủ nghĩa cũng có đôi nét hippy. Không giống ai cả. Không cần ai cả (trên bình diện thế giới), không cần gì cả (xét về mặt qui luật). Tau ở lại có phần vì cái tí chút máu Hippy trong người, chứ không hoàn toàn vì lí do tau là người Việt Nam với tất cả các mặt tốt xấu của nó. Như thế tau ở lại không vì chủ nghĩa dân tộc, cũng không vì chủ nghĩa xã hội xét về mặt ý thức hệ. Nhưng thực tế là người Hippy cũng như những người bình thường khác, cũng sinh, lão bệnh, tử, khi đau cũng cần có thuốc, khi đói cũng cần có cái ăn, khi rét cũng cần có cái mặc. Các điều kiện xã hội ngày nay không thể cung ứng các nhu cầu này của người Hippy. Phong trào Hippy tại Mỹ đã rã đám vì cái thực tế là rốt cùng họ không thể tồn tại ngoài các cung ứng hàng hóa và dịch vụ của xã hội văn minh công nghiệp. Người Cộng sản cũng như người Hippy thôi, rốt cùng họ không thể sống ngoài thế giới, ngoài những qui luật tồn tại và phát triển. Tau rời Huế đi Sài Gòn mà không định cư ở nước ngoài vì nghĩ rằng Sài Gòn dễ sống hơn và có nhiều điều kiện để khởi đầu cho công cuộc hội nhập cùng thế giới trên nền tảng học thuật và tự do, bước đầu trong một số lãnh vực của cuộc đời sống dân sự như kinh tế và văn hóa”

“Tiếng Anh là ngoại ngữ hàng đầu cùng với các ngoại ngữ khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hoa, Nhật…sẽ giúp các thế hệ học sinh, sinh viên và học thuật Việt Nam khởi đầu công cuộc hội nhập với thế giới. Tau dùng các từ khởi đầu, bắt đầu hơi nhiều trong những câu vừa phát biểu là căn cứ trên trình độ chung của giáo dục Việt Nam từ mẫu giáo đến Đại học ngày nay. Tau không hề bi quan hay tự ti khi nhận định rằng có một khoảng cách rất lớn giữa học thuật Việt Nam và học thuật thế giới, đặc biệt là học thuật Mỹ.

“Đất nước đang như một ốc đảo, học thuật Việt Nam cũng chỉ là một ốc đảo bé nhỏ. Khoảng cách giữa học thuật Việt Nam và học thuật thế giới là những dòng sông lớn, những đại dương. Cần phải bắt những cây cầu, đóng những con tàu để đưa học sinh, sinh viên và trí thức Việt Nam tiếp cận với thế giới. Ngoại ngữ chính là những cây cầu, những con tàu ấy. Người dạy ngoại ngữ và các phương tiện nghe nhìn chính là người tham gia đóng tàu, xây cầu và những vật liệu làm nên chúng…”

Xét về mặt cá nhân Phan Hoàng Quí chỉ làm được một phần những gì anh nói, đã bắt được mấy nhịp cầu tre, làm được mấy chiếc phao, đáp ứng nhu cầu tự phát của một bộ phận quần chúng bé nhỏ muốn giao tiếp với bên ngoài không chỉ vì nền học thuật của đất nước. Thực tế nền học thuật của đất nước ở trong tầm nhìn, tầm tay và tấm lòng của các nhà hoạch định sách lược của Đảng Cộng sản. Việc “ xây cầu”, “đóng tàu”, chăm lo cho nền giáo dục, học thuật – nói và làm trên bình diện vĩ mô hoàn toàn phụ thuộc vào các vị ấy.

Sự chọn lựa: dứt khoát ở lại để làm một công dân hữu ích đến thời điểm này (2010) vẫn còn là một thử thách đối với anh. Con người là một chủ thể độc lập trong tương quan bình đẳng với mọi công dân khác trong xã hội dân sự chưa được chú ý một cách đúng đắn và toàn diện, khi đất nước chỉ được điều hướng và lãnh đạo tuyệt đối bởi một đảng cầm quyền. Với anh – “một công dân quần chúng” (ngoài đảng), với “một đảng viên công dân” có một chênh lệch khá lớn về tinh thần cũng như vật chất, về trách nhiệm cũng như quyền lợi. Thực tế này xúc phạm dến danh dự và lòng tự trọng của đám đông quần chúng, dẫn đến hậu quả là làm giảm sút hoặc triệt tiêu nhiệt tình và ý thức trách nhiệm trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội, là nguyên nhân của mọi đình đốn, đổ vỡ.

Vào đảng ư? Đã có lúc tổ chức Đảng ở trường Đại Học (sư phạm) đã đề nghị trực tiếp với Phan Hoàng Quí về việc này. Nhưng vào đảng hay không vào đảng không phải là vấn đề anh quan tâm. Giả định anh trở thành đảng viên đâu có giải quyết tận gốc rễ mọi trăn trở của anh, đâu có thúc đẩy sự phát triển xã hội một cách tương đối hợp lý mà theo anh chỉ có thể diễn ra trong xã hội dân sự. Nhiều lần ban chính sách thúc dục anh ra Phan Thiết làm các thủ tục chứng nhận tình trạng liệt sĩ của người cha đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, Phan Hoàng Quí đã từ chối. Anh bảo: “Để cho linh hồn ông ấy yên nghỉ. Ông đã sống đời ông. Tôi đang sống đời tôi. Việc xác nhận liệt sĩ cho ông là nhu cầu của ai trong chúng ta? – Nhu cầu của ông ư? làm sao biết được vào thời điểm này ông nghĩ gì về cuộc kháng chiến mà ông đã tham gia và vì nó mà ông chết? – Nhu cầu của mẹ và anh em tôi ư? Chúng tôi không thấy có nhu cầu đó – Nhu cầu của nhà nước, của Đảng ư? Tôi không biết nhà nước và Đảng có nhu cầu ấy không? Nếu có thì việc xác nhận liệt sĩ cho cha tôi không phải là nhiệm vụ của gia đình chúng tôi, mà là nhiệm vụ của Đảng và nhà nước. Vả lại cái chết cho dù vì lý do gì cũng không nên là nguyên nhân dẫn đến đau khổ, chia cắt cho người đời sau. Giả định cha tôi là liệt sĩ, giấy xác nhận do nhà nước cấp sẽ được treo tại một vị trí trang trọng trong nhà chúng tôi. Sự kiện này vô hình chung là một khẳng định về những tội lỗi sai lầm của một số người bên họ ngoại tôi (đã cộng tác với Pháp) vào một thời điểm không thích hợp. Trong quan hệ huyết thống gần (gia tộc) sự tuyên dương và phê phán chính trị không nên tồn tại lâu dài, đặc biệt khi cuộc chiến (cho dù chống xâm lược hay nội chiến) đã kết thúc. Bởi như thế nó phá vỡ một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam là sự nối kết huyết thống và gia đình…”

Trước khi kết thúc bài viết này tôi xin được mở một ngoặc đơn để làm rõ cái tên Phan Hoàng Quí. Quí là tên. Phan Hoàng là họ. Không phải một họ mà là hai họ: Họ cha (Phan) và họ mẹ (Hoàng). Phan - Hoàng là hai họ nổi tiếng ở miền Trung, đặc biệt triều đình Huế từ sau khi vua Hàm Nghi khởi xướng Phong trào Cần Vương: “Họ Hoàng làm quan, họ Phan làm giặc”. Đại diện của “họ Hoàng làm quan” là Hoàng Cao Khải, một tổng trấn khét tiếng làm tay sai cho thực dân Pháp đàn áp các phong trào yêu nước, đặc biệt phong trào Cần Vương. Đại diện cho “họ Phan làm giặc” là Phan Đình Phùng, một lãnh tụ hàng đầu của phong trào Cần Vương. Thực tế lịch sử những năm cuối thế kỷ XIX hầu hết các con cháu họ Phan ở vùng Nghệ Tĩnh đều theo Cần Vương, theo Phan Đình Phùng “làm giặc”. Nhưng con cháu họ Hoàng, ngoài trừ Hoàng Cao Khải, không phải ai cũng “làm giặc” cả. “Họ Hoàng làm quan, họ Phan làm giặc” là một khái quát có tính định kiến không hoàn toàn là sự thật lịch sử. Cuộc tình dẫn đến hôn nhân đẻ ra Phan Hoàng Quí, Phan Hoàng Đồng của ông Phan bà Hoàng chứng tỏ họ rất trân trọng và hãnh diện gốc gác huyết tộc và truyền thống gia đình của nhau. Giả sử có “sự đối đầu lịch sử” giữa hai gia tộc Phan - Hoàng, qua thực tế “làm quan”, “làm giặc”, thì cuộc tình và hôn nhân của họ đã hóa giải mọi hận thù, vượt qua đau thương để kiến tạo một cuộc sống trong bao dung và nhường nhịn. Anh em Phan Hoàng Quí nhất quyết không làm giấy xác nhận liệt sĩ cho cha phải chăng một phần vì lý do này. Xin đóng ngoặc đơn.


Chu Sơn


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss