Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hiện tình của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Hiện tình của hệ thống ngân hàng Việt Nam

- Phạm Nam Kim — published 11/07/2016 09:00, cập nhật lần cuối 12/08/2016 17:27

Hiện tình của hệ thống ngân hàng Việt Nam
và khả năng hỗ trợ phát triển kinh tế


Phạm Nam Kim



Mục tiêu của Chính Phủ Việt Nam là phát triển kinh tế với một mức độ cao và nỗ lực giữ được mức tăng trưởng GDP 6.7% cho năm 2016. Động cơ phát triển kinh tế là doanh nghiệp và vì vậy việc đầu tiên của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là hội thảo động viên và hứa hỗ trợ doanh nghiệp trên con đường phát triển.

Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần hỗ trợ gì nhất ? Như mọi doanh nghiệp trên thế giới và đặc biệt cho Việt Nam, doanh nghiệp cần vốn, vốn lưu động để tiếp tục kinh doanh và vốn đầu tư để phát triển trong tương lai. Nét đặc biệt của doanh nghiệp việt Nam là rất ít vốn tự có, có bao nhiêu đều đổ vào lúc ban đầu mới thành lập doanh nghiệp, kinh doanh trong hiện tại và tương lại đều trông chờ vào vay mượn và vay ngân hàng là chính – lãi suất trên tín dụng ‘đen’ ở cái mức không tưởng, nếu doanh nghiệp đụng vào là tự chôn vùi tương lai – vì vậy muốn doanh nghiệp sống – từ đầu năm tới nay 29.000 doanh nghiệp đã giải thể – thì ngân hàng phải sống và ngân hàng phải chịu đựng được rủi ro cho vay doanh nghiệp.

Muốn ngân hàng ngân hàng hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp thì hai điều kiện căn bản phải được hội tụ.

Thứ nhất, tình trạng tài chính của ngân hàng phải đủ khả quan để phát triển tín dụng. Nói một cách khác, ngân hàng phải có nguồn vốn phù hợp để cho vay và rủi ro của toàn bộ tín dụng không đe dọa sự sống còn của ngân hàng.

Thứ nhì là ngân hàng phải có một quy mô nào đó để có thể qua khỏi những thời kỳ suy thoái kinh tế toàn bộ, khi một số lớn khách hàng hay khi một vài khách hàng lớn gặp khó khăn và không còn khả năng trả nợ, điển hình như Habubank và tập đoàn Vinashin.


Vậy ngân hàng Việt Nam hiện có hội tụ đủ điều kiện
để hỗ trợ doanh nghiệp hay không ?


Về điều kiện tài chính, trên phương diện huy động vốn, thì từ khi kinh tế suy thoái, những cơ hội đầu tư ở những kênh khác đều khó khăn nên nguồn vốn của dân cư đổ trở lại ngân hàng. Nhưng suy thoái kinh tế đã phát sinh ra những khoản nợ xấu rất đáng sợ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình quốc hội là vào thời điểm 2012 nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 19,2% trên tổng tín dụng. Từ đó tới nay, những phương án được áp dụng để giảm nợ xấu chỉ có tính cách giấy tờ và kế toán, Ngân hàng không nhận được một đồng tiền thực nào để bù lắp vào cái lỗ hổng to tướng của những khoản vay không được chi trả. Sự thể này đã đưa đến tình trạng ngân hàng mất hết vốn và phải bán lại cho Nhà nước với giá 0 đồng cũng như những ngân hàng khác thâm hụt trầm trọng ngay trên vốn điều lệ.

Trên giấy tờ, con số chính thức về nợ xấu chỉ còn 2,9%, nhưng trên thực tế, nếu chưa rót một đồng tiền thật nào vào hệ thống thì con số 19,2% chắc vẫn còn giữ nguyên, nếu không phải là tăng thêm vì khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam càng ngày càng gia tăng, do suy thoái kinh tế trong và ngoài nước. Không thể trong 3 năm qua ngân hàng đã có khả năng tự cứu và xử lý 85% nợ xấu, lợi nhuận ngân hàng có nhiều đến đâu đi nữa cũng không thể tự bù lắp cái hố sâu nợ xấu. Cũng phải nói tình trạng lợi nhuận của ngân hàng cũng không được tốt, nếu cứ chiếu theo các báo cáo tài chính thì ngân hàng nào cũng sinh lời và lợi nhuận có khi đạt những mức kỷ lục. Nhưng chỉ cần liếc nhìn vào bảng ‘ngân lưu’ (dòng tiền thực), thì sẽ thấy một phần sự thật phũ phàng. Không phải là ngân hàng khai man, ngân hàng chỉ tận dụng và khai thác những gì luật pháp và quy định cho phép, vả lại tất cả các báo cáo tài chính đều được những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới xác nhận – cũng phải nói Kiểm toán không xác thực mà chỉ xác nhận là bản báo cáo phù hợp với luật lệ hiện hành.

Đặc trưng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là số lượng rất cao, nhất là từ khi ngân hàng nông thôn được biến thành ngân hàng thành thị, nhưng lại rất khiêm nhượng về quy mô. Ngay cả khi ta lấy ‘tứ đại ngân hàng’, so sánh với ngân hàng thế giới cũng rất ư là nhỏ bé. Cái quan trọng là với quy mô hiện tại, ngân hàng có phụng sự được một cách đắc lực nền kinh tế hay không ? Trong những năm kinh tế phát triển mạnh, độ tăng trưởng tín dụng, bình quân là vào khoảng 50-60% /năm, có ngân hàng tăng lên đến 165%, những mức tăng trưởng tột đỉnh này chứng tỏ là ngân hàng Việt Nam chưa đủ quy mô để đáp ứng nhu cầu vốn khi kinh tế phát triển mạnh – Trên thế giới, cho một hệ thống ngân hàng ổn định, tăng trưởng tín dụng nội địa chỉ tương đương với mức tăng trưởng GDP – Ngược lại, trong thời kỳ kinh tế suy thoái, doanh nghiệp giải thể hàng loạt, nhiều ngân hàng nhỏ lẻ lâm vào tình trạng bi đát, rồi bị thâu tóm, bị sáp nhập, bị mua lại với giá 0 đồng. Hiển nhiên quy mô ngân hàng việt Nam rất khó chống đỡ những cú sốc của nền kinh tế.

Do vậy, mặc dù vốn huy động có dư, hệ thống ngân hàng chưa đủ khả năng để hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, xác suất khoản vay trở thành nợ khó đòi, rồi thành nợ xấu còn quá cao, và ngân hàng không thể ôm thêm nợ xấu nếu những khoản nợ xấu cũ vẫn chưa được xử lý. Lãnh đạo ngân hàng cũng không bao giờ quên là nhiệm vụ trọng yếu của họ là bảo vệ người gửi tiền. Nếu Nhà nước nâng cao tiêu chí tăng trưởng tín dụng, thì ngân hàng cũng sẽ tuân thủ, nhưng họ sẽ chọn những phân khúc nào kém rủi ro nhất để cho vay, mua ồ ạt trái phiếu chính phủ hay đổ xô vào lãnh vực tín dụng tiêu dùng.

Tóm lại, muốn kinh tế quốc gia phát triển mạnh phải có một nền tảng doanh nghiệp mạnh và muốn có doanh nghiệp mạnh phải có một hệ thống ngân hàng mạnh. Do đó việc cấp bách hiện nay là cứu ngân hàng. Tất cả các quốc gia trên thế giới đều làm điểu này trước tiên khi khủng hoảng kinh tế đang đe dọa.


Vì sao Ngân hàng Việt nam lâm vào tình trạng hiện tại ?


Trong giai đoạn kinh tế phồn thịnh, ngân hàng đã vươn lên với một tốc độ kinh hoàng, mỗi năm bình quân tổng tài sản nhà băng tăng gấp 2, gấp 3 lần (kỷ lục là các ngân hàng nông thôn khi chuyển đổi thành ngân hàng thành thị, tổng tài sản tăng gấp 10 hay 15 lần mỗi năm. Với sức tăng trưởng đó, nền tảng kinh doanh ngân hàng không theo kịp.

Thứ nhất là vốn, trên nguyên tắc vốn chủ sở hữu phải tăng theo tăng trưởng của tổng tài sản, nhưng tăng vốn không phải là chuyện dễ cho nên có sự trì trệ, đến nỗi Nhà nước phải định ra vốn tối thiểu của một ngân hàng là 3000 tỷ, ngân hàng cũng không gom nổi và phải xin gia hạn một năm, tới năm sau, vốn góp được cũng chỉ trên giấy tờ với những kết nối ‘sân sau’ với ngân hàng, doanh nghiệp khác, vốn thiếu vẫn hoàn thiếu.

Thứ nhì là con người, từ lãnh đạo đến nhân viên đến từ những ngành nghề khác hoặc mới ra trường nên thiếu căn bản về quản lý tài chính, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng quản lý rủi ro không có.

Thứ ba là hệ thống quản lý, khi ngân hàng to lên gấp 5 gấp 10, hệ thống điều hành, kiểm soát, theo không kịp và có những sơ hở và lỗ hổng nghiêm trọng. Và ngân hàng đã vung tay quá trán, đầu tư, cho vay quá sức chịu đựng rủi ro của ngân hàng và là đất dụng võ của một vài phần tử bất lương, chưa kể những quyết định thiếu trách nhiệm của một số lãnh đạo.

Để rồi sau 4 năm kinh tế suy thoái, rủi ro tín dụng trở thành núi nợ xấu, những lỗi lầm quản lý hiện ra qua những thất thoát khủng lồ. Hiện tại một số ngân hàng mất hết vốn đã lộ ra mặt và phải bán lại cho Nhà nước với giá 0 đồng, tất nhiên một số ngân hàng khác cũng bị mất một phần vốn, nhưng thông tin chưa lọt ra ngoài. Cho toàn hệ thống thì lợi nhuận chỉ thể hiện trên giấy, tiền thực chẳng có là bao, đến nỗi thiếu tiền mặt, nổi lên phong trào trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngay hai ngân hàng lớn như BIDV và Vietinbank, khi Bộ tài chính đòi thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho ngân sách chính phủ cũng gặp khó khăn và phải nhờ Ngân hàng Nhà nước can thiệp.


Công ty mua bán nợ xấu VAMC thực sự đã giải quyết được gì?


Trên giấy tờ thì nợ xấu đã được xử lý rất tốt và phần lớn là nhờ VAMC. Bề mặt của hệ thống ngân hàng rất tốt, các quy định về an toàn vốn, về quản lý rủi ro, về thanh khoản đều được thực thi. Nợ xấu chỉ ở mức 2.9%, vốn điều lệ đầy đủ cả. Nhưng thực tế thì lại không phải vậy, ngay trên vấn đề nợ xấu, Các Ngân hàng nói là ‘bán’ những khoản nợ cho Công ty mua bán nợ VAMC, nhưng thực tình thì ngân hàng chỉ ủy thác cho VAMC quản lý khoản nợ, Ngân hàng vẫn chịu hoàn toàn trách nhiệm trên khoản nợ, hàng năm vẫn phải trích lập dự phòng và nếu sau năm năm VAMC không bán được nợ xấu, sẽ trả lại ngân hàng. Khác hợp đồng ủy thác là với tờ ‘biên nhận’ của VAMC ngân hàng có thể ra Ngân hàng nhà nước cầm cố và vay tiền, nhưng thực sự đó là tiền vay, không thể lầm lẫn với vốn tự có. Điểm thứ hai, là sau khi ‘ủy thác ‘, NHNN cho phép ngân hàng bỏ khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối, nói một cách khác không coi nó là món nợ xấu nữa, nhưng đây là một quyết định hoàn toàn hành chính, một nhà quản lý ngân hàng chân chính không thể dựa vào những quy tắc hành chính để điều hành ngân hàng mà phải nhìn vào thực tế. Ngân hàng vẫn hoàn toàn chịu trách nhiệm trên khoản nợ xấu và là yếu tố quan trọng cho lãnh vực quản lý rủi ro. Do vậy, nợ xấu dù đã bán cho VAMC vẫn là lưỡi gươm Damoclès trên đầu Ngân Hàng, và ngân hàng sẽ rất khó lãnh thêm rủi ro khi nhận cho doanh nghiệp vay tiền. Hạn kỳ sau 5 năm không bán được nợ VAMC sẽ trả lại ngân hàng, lại là một mối lo rất lớn cho ngân hàng. Bình quân thì chỉ còn 2 năm nữa là đến hạn kỳ, xác suất không bán được khoản nợ là rất cao, vì không đủ thời gian sửa đổi luật pháp, vì thị trường mua bán nợ chưa thành hình và vì các bên mua tiềm năng chưa mấy mặn mà mua lại nợ xấu. Trong vòng 2 năm nữa ngân hàng chưa đủ khả năng trích lập dự phòng toàn bộ những khoản nợ xấu, khi nhận trả lại những khoản thì không chóng thì chầy sẽ cấn vào vốn tự có của ngân hàng. Tương lai ngân hàng sẽ ra sao ?


Vậy ta phải làm gì để xử lý nợ xấu, cứu ngân hàng


Nhà nước đã ý thức từ lâu những yếu kém của hệ thống ngân hàng. Ngay năm 2012, nghị định 241 đã lên kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, và năm 2013, đã ký Quyết định 843, xử lý nợ xấu và thành lập công ty VAMC.

Để cứu ngân hàng, phương án thành lập một công ty mua lại nợ xấu của ngân hàng là một trong những phương án thường được áp dụng trên thế giới. Công ty mua thật gói nợ xấu, trả bằng tiền và ngân hàng lấy tiền đó bù lắp vào lỗ hổng tài chính rồi lại tiếp tục được nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế. Tất nhiên tiền mua là lấy từ ngân sách nhà nước, nói một cách khác, lấy tiền của dân bù đắp vào lỗ lã của ngân hàng. Ý tưởng này Chính phủ, trước Quốc Hội đã khẳng định không bỏ một đồng của dân cứu ngân hàng. Do đó mới có ‘sáng kiến’ mua lại và xóa nợ xấu trên giấy tờ như trình bầy ở trên.

Sau 3 năm hoạt động, mọi người đều công nhận là ‘sáng kiến’ này thiếu thực tế và cơn bệnh của ngân hàng với thời gian còn nguy cập hơn. Vậy ta phải làm gì ? Chính phủ không thể, một sớm một chiều quyết định giải thể VAMC và nghĩ đến phương án khác. Nhà nước phải khai thác những gì VAMC đã làm, đồng thời rót tiền thật vào ngân hàng. Giản dị nhất là VAMC mua đứt và trả tiền mặt món nợ xấu với mức giá có thể bán lại trên thị trường nợ xấu, giá này được thẩm định bởi một cơ quan độc lập. Ngân hàng có thể vay, dài hạn, nhà nước, chênh lệch giữa mệnh giá của món nợ xấu và giá bán cho VAMC, với những điều kiện thật ưu đãi (kỳ hạn 20 năm, lãi suất tương đương với lãi suất Nhà nước phải trả khi phát hành trái phiếu để tài trợ phương án này).

Với phương án này, nguyên tắc không dùng tiền của dân để mua nợ xấu ngân hàng được tuân thủ, chính phủ chỉ đứng ra giúp ngân hàng tiết kiệm thời gian và công sức để đòi nợ bán tài sản thế chấp và ứng tiền trước. Chính phủ tất nhiên trong phương án này chịu rủi ro khi bán lại nợ trên thị trường, sửa đổi bổ sung luật pháp để tạo dựng được thị trường mua bán nợ xấu và chịu trách nhiệm thu xếp vốn. Để tài trợ phương án này Nhà nước có thể kêu gọi sự trợ giúp của những tố chức Quốc tế như WB, IMF, ADB ... hoặc đưa thẳng lên thị trường tài chính quốc tế. Tình thế lãi suất trên thế giới hiện tại rất thấp. Những quốc gia có đồng tiền mạnh, lãi suất trái phiếu chính phủ xuống mức âm. Bình quân thi cũng nằm ở mức gần bằng không. Việt Nam bị Fitch (công ty xếp hạng tín dụng) xếp hạng BB– , chắc không hưởng được mức lãi này nhưng cũng sẽ rất thấp. Tuy nhiên, khi phát hành trái phiếu, tất nhiên mức nợ công sẽ gia tăng và sẽ vượt hạn mức 65% GPD cam kết với quốc hội. Thiết nghĩ, nợ công chỉ nguy hiểm khi quốc gia liên quan không có khả năng trả nợ, cho phi vụ nói trên, khả năng trả nợ nằm ở chỗ bán lại nợ xấu trên thị trường với mức giá đã được chuyên gia độc lập thẩm định.

Với phương án này, ngân hàng lấy lại được khả năng tài chính và trên nguyên tắc đảm nhiệm cái bổn phận của ngân hàng trên phương diện kinh tế vĩ mô là chuyển tiết kiệm quốc gia qua đầu tư, đó là công thức căn bản để phát triển kinh tế. Nói là trên nguyên tắc, vì trong những năm qua, dòng tiền tiết kiệm không chảy vào đầu tư mà lại chảy vào đầu cơ. Do vậy phương án mua đứt nợ xấu phải đi cùng với một chuỗi các biện pháp ngăn chặn sự bành trướng của thị trường đầu cơ và ngăn chặn ngân hàng rót tiền vào thị trường này.


Còn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ?


Như đã nói ở trên, nghị định 241 đã được phê duyệt hồi tháng 3.2012 và đặt ra mục tiêu, đến năm 2017, tức là còn 6 tháng nữa sẽ chỉ còn 20 ngân hàng hoạt động. Về phương diện tái cơ cấu, ta đã làm được những gì ? Nhà nước tự hào đã xử lý được 9 ngân hàng yếu, giảm bớt 5 ngân hàng và số lượng NHTMCP chỉ còn 37 ngân hàng. Các ngân hàng thoát thai từ sáp nhập, thâu tóm hay tự tái cấu trúc vẫn còn yếu kém và quy mô vẫn còn rất nhỏ, các ngân hàng quốc doanh bị bắt buộc thâu tóm hay quản lý ngân hàng yếu kém cũng trở nên yếu hơn, còn các ngân hàng bị mua lại 0 đồng, không còn vốn điều lệ thì không thấy nói gì và lấy tiền ở đâu để tái cấp vốn. Tóm lại đó chỉ là những phương án nhất thời, ngăn chặn sự vỡ lở của cả hệ thống chứ không chủ đích xây dựng một hệ thống ngân hàng vững mạnh cho tương lai.

Giảm thiểu số lượng ngân hàng xuống còn 20, không phải là mục tiêu mà chỉ là hậu quả của một phương án, muốn có ngân hàng quy mô, gom những ngân hàng nhỏ lại, do đó số lượng ngân hàng sẽ bớt đi.

Tuy nhiên khi gom những ngân hàng nhỏ và yếu lại với nhau thì sẽ có một nhà băng to hơn nhưng quy mô yếu kém cũng lớn hơn. Nếu sáp nhập những ngân hàng nhỏ vào một ngân hàng lớn thì ngân hàng lớn sẽ yếu đi.

Căn bản, một ngân hàng là một doanh nghiệp kinh doanh trên tiền và cái phần vốn chủ sở hữu là điểm tối quan trọng vì nó sẽ bảo đảm cho ngân hàng vượt qua những thời điểm khó khăn và đối mặt với rủi ro kinh doanh nói chung. Vốn điều lệ hay vốn tính theo điều lệ của hiệp ước quốc tế Basel, mà Việt Nam chưa theo kịp chỉ là những mấu chốt tối thiểu, ngân hàng phải có vốn tương xứng với lãnh vực kinh doanh tài chính, với thị trường và nhất là với mức độ rủi ro. Tình hình vốn của ngân hàng hiện nay có 2 điểm tiêu cực. Thứ nhất, quản lý rủi ro vẫn còn ở giai đoạn phôi thai, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và cách tính toán chưa được quy định rõ rệt, nên mỗi ngân hàng tính một kiểu làm sao giảm thiểu mức rủi ro và vốn phải có. Điểm thứ nhì là vốn chỉ thể hiện trên sổ sách, vốn thực thụ thì nó tùy thuộc vào những sở hữu chéo, những trò chơi sân trong, sân ngoài và những ‘biến ảo’ kế toán.

Vì vậy, tái cơ cấu ngân hàng không phải là chỉ hợp nhất một số ngân hàng mà phải làm sao rót thêm vốn và quy mô ngân hàng phải đi đôi với quy mô vốn ‘thực’.

Nghị định 241, cũng nêu rõ là tái cơ cấu ngân hàng sẽ dựa trên tự nguyện của ngân hàng. Chính sách này rất phóng khoáng nhưng thực tế là một rào cản lớn trong việc thực thi nghị định :

Thứ nhất trên căn bản tự nguyện, thì chỉ có những ngân hàng hoàn toàn không còn một chút hy vọng tồn tại mới tự nguyện ‘bán mình’, chịu để thâu tóm, sáp nhập. Còn nước, còn tát, ta vừa chứng kiến những ngân hàng mất hết vốn vẫn cố sống cho tới lúc bị ép buộc bán với giá 0 đồng.

Thứ nhì, bên thâu tóm, dù là trong ngành hay ngoài ngành biết thừa tình trạng ngặt nghèo của ngân hàng và sức đàm phán yếu kém, nên chèn ép bên bán và trong đó có những thu xếp vốn mua không mấy là chính trực.

Thứ ba, đây là cơ hội tốt cho các đại gia ngoại ngành thâu tóm ngân hàng với mục đích lấy vốn huy động của ngân hàng hay lấy danh nghĩa ngân hàng vay mượn chỗ khác để tài trợ cho những dự án riêng tư. Trường hợp Ngân hàng Xây dựng là điển hình.

Kết quả, ngân hàng thoát thai từ tự nguyện tái cơ cấu, chỉ có cái vỏ bề ngoài, thục chất là rất yếu và thiếu vốn ‘thực’. Tương lai không đảm bảo.

Như vậy muốn có một hệ thống ngân hàng mạnh, có quy mô, nhà nước phải đứng ra thực hiện công cuộc tái cấu trúc. Tháng 3, 2014 thủ tướng chính phủ đã ra quyết định 363/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo liên ngành triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng do phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đứng đầu. Tuy nhiên ban chỉ đạo này chỉ có trách nhiệm phối hợp các bộ ngành, tham mưu, đề xuất các phương án chứ không có trách nhiệm thực hiện. Có lẽ nên biến Ban chỉ đạo này thành một ủy ban đặc nhiệm (task force) có thực lực đề đưa ra lộ trình, chương trình hành động và ngân sách để thực hiện cuộc tái cấu trúc.

Nói đến ngân sách, vì tái cấu trúc, như đã nói ở trên, không phải chỉ sắp xếp lại đội ngũ ngân hàng mà phải tạo sức mạnh cho đội ngũ mới và đổ tiền tươi vào hệ thống. Như đối với phương án xử lý nợ xấu, Nhà Nước cũng không thể lấy tiền của dân để xây dựng hệ thống ngân hàng và Nhà Nước cũng không thể góp vốn vào hệ thống ngân hàng vì như vậy là đi ngược lại chính sách dịch chuyển qua cơ chế thị trường các doanh nghiệp nhà nước. Như vậy phương án hợp lý nhất là Nhà Nước cho vay Ngân hàng dưới dạng trái phiếu chuyển đổi. Tới kỳ hạn, khi ngân hàng đã đủ mạnh, trái phiếu sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu và sau đó Nhà nước sẽ bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cho những nhà đầu tư quốc nội và nước ngoài, khách đầu tư mục tiêu là thị trường đại chúng, như vậy tránh được sự chi phối của cá nhân hay tổ chức nào trên ngân hàng.

Vấn đề chính là lấy tiền ở đâu ra để tài trợ ngân hàng. Phương án duy nhất vẫn là vay mượn trên thị trường tài chính thế giới. Như vậy, nợ công lại một lần nữa tăng thêm, tuy nhiên món nợ này có sẵn phương cách trả lại nợ gốc, và các nhà tài chính sẽ dễ có niềm tin.

Tái cơ cấu ngân hàng là việc cấp bách, một mặt hệ thống ngân hàng mạnh sẽ hỗ trợ thực sự nền kinh tế trên con đường phát triển ở mức độ cao. Mặt khác, từ 2018, hội nhập quốc tế (*) sẽ mở cho Việt Nam một thị trường, "nặng" 2/3 GDP thế giới. Doanh nghiệp cần sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ để tiếp cận thị trường quốc tế và bảo vệ thị trường quốc nội. 


(*) Xem loạt bài Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức của tác giả trên mặt báo này.


Phạm Nam Kim

Chuyên gia tài chính, Thuỵ Sĩ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss