Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, bài 2

Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, bài 2

- Phạm Nam Kim — published 17/05/2016 20:35, cập nhật lần cuối 20/05/2016 21:25

Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, bài 2


Hiện trạng kinh tế Việt Nam
trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế

Phạm Nam Kim (*)


Hội nhập kinh tế quốc tế với những hiệp định EVFTA, TPP và sự hình thành của khối AEC mở cho Việt nam những cơ hội phát triển hy hữu, nhưng nắm bắt những cơ hội này là đầy thách thức ( Xin xem bài “Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức”). Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế quốc gia có đủ khả năng vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội trên?

Muốn trả lời câu hỏi này ta nên nhận thức tình hình kinh tế hiện nay ở nước nhà. Và muốn đánh giá kinh tế Việt Nam, thực tiễn nhất, ta nên nhìn lại diễn biến của nền kinh tế trong 10 năm qua

Diễn biến của nền kinh tế trong thập niên vừa qua


Diễn biến kinh tế, từ hồi đổi mới 1986 có thể chia ra làm nhiều giai đoạn.

Thời kỳ 1986-2006 được cho là giai đoạn kinh tế chuyển tiếp, trong giai đoạn này, vì đi từ một thời kỳ cực nghèo khổ nên tăng trưởng kinh tế đặt những tốc độ kỷ lục và Việt nam được gọi là “con Hổ mới Thái bình Dương”, con Hổ này đã vượt qua được dễ dàng Khủng Hoàng châu Á Thái Bình dương của năm 98-99, tăng trưởng GDP có hạ đôi chút nhưng để rồi lên lại mức 8%/năm, đó là vì kinh tế Việt Nam còn khá biệt lập với thị trường quốc tế

gdp

Năm 2006, được coi là năm bản lề, kinh tế VN tiến vào một giai đoạn mới và giai đoạn này kéo dài cho đến ngày nay .Vậy cái gì đã xảy ra trong năm 2006?

Những biển đổi trong năm 2006 – 2007


Mọi người đều nhớ thời kỳ 2006-2007 là thời kỳ thị trường chứng khoán bùng nổ, từ 200, 300 điểm nhảy vọt lên 1000 điểm, nhà đầu tư trong một năm thấy tài sản của mình nhân 3, mức tăng quá hấp dẫn thu hút rất nhiều người, sàn giao dịch mọc ra như nấm, ở sảnh ngân hàng nào cũng treo bảng thông tin chứng khoán trực tiếp. Mức giá này thu hút cả các nhà đầu tư nước ngoài mặc dù nhìn chỉ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) đạt mức 50, 60 của các công ty niêm yết (bình thường chỉ là 10, 12 lần) thấy có gì bất bình thường.

Chứng khoán lên, kéo theo luôn giá nhà đất và vực dậy thị trường bất động sản (BĐS), Trước đó trong giai đoạn 2000-2003 BĐS lên cơn sốt nặng và đã hạ nhiệt tới mức đóng băng.

2006, cũng là năm Nhà nước hoàn tất cổ phần hoá một số DNNN. Nhà nước đã bắt đầu chương trình cổ phần hoá từ đầu 2000 bằng một vài thí điểm nhỏ, rồi sau đó 2004-2006 là giai đoạn ‘cổ phần hoá ồ ạt’, hơn 3000 doanh nghiệp được cổ phần hoá. Trên nguyên tắc, một số cổ phần đươc chia bán cho nhân viên, trên thực tế thì các ông chủ gom mua lại hết với giá bèo, đợi lúc doanh nghiệp lên sàn, bán lại hoặc lấy cổ phần thế chấp vay ngân hàng làm áp phe.

vn index

Năm 2006 cũng là Năm Chính phủ thành lập các Tập đoàn quốc doanh. Mục đích của Nhà Nước là VN phải có những tập đoàn theo mô hình những Cheabols của Đại Hàn, và những tập đoàn này sẽ là những đầu tàu kéo đi lên nền kinh tế quốc gia. 13 tập đoàn đã được thành lập, gồm có Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo Việt), Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Hoá chất Việt Nam (Vinachem);Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD Holdings), Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC). Song, hai tập đoàn HUD và VNIC đã bị tháo gỡ trong năm 2012.
Những tập đoàn trên hưởng quyền lợi đặc biệt, vốn là do nhà nước cấp, vay trong nước thông qua những ngân hàng quốc doanh, vay nước ngoài, được Chính phủ bảo lãnh. Tập đoàn là cánh tay dài của chính phủ trên thị trường vì vậy họ có quy chế đặc biệt trên thị trường, trong vài trường hợp có thể đi đến độc quyền hay quyền định giá thị trường. Theo định nghĩa tập đoàn tập hợp nhiều cty đa ngành nghề nên các tập đoàn tha hồ đầu tư ngoại ngành, không một tập đoàn nào mà không đổ tiền vào ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản… mặc dù không liên quan gì đến kinh doanh ngành chính của tập đoàn và những năm vừa qua bị thua lỗ nặng. Cuối cùng những tập đoàn trên không phải là những đầu tàu cho kinh tế quốc gia mà ngược lại là những gánh nặng vì sự hạn chế trong kỹ năng quản lý và vì những thất thoát vì quyền lợi riêng tư.

Năm 2006, 12 ngân hàng nông thôn được chuyển thành Ngân hàng đô thị, nghĩa là được phép hoạt động trên toàn lãnh thổ Việt nam.Phải nói ngành NH trong thời điểm bấy giờ là ngành ‘hot’ nhất, tổng tài sản Ngân hàng, tăng bình quân 50, 60%/năm (kỷ lục hơn 100%/năm), Lợi nhuận trên vốn (ROE) đạt bình quân trên 35%. Không những ngân hàng là ngành sinh lời mà ngành này còn là phương tiện cho các đại gia lấy tiền tiết kiệm của dân để đầu cơ (may ra thực sự đầu tư) cho chính mình.

Năm 2007 , vì sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán và bất động sản VN, vì sự bất ổn chính trị của những quốc gia trong vùng và vì VN gia nhập WTO nên vốn nước ngoài đổ xô vào VN.

Với những sự kiện kể trên, thị trường Việt Nam hoàn toàn sôi sục, nóng bỏng, nhà nhà, người người mở hầu bao tiết kiệm hay đi vay đi mượn để chạy ‘áp phe’, mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử kinh tế Việt Nam, giai đoạn của sự bất ổn định, giai đoạn Việt Nam rời vùng kinh tế thực để đi vào vùng kinh tế ảo.


Vòng xoáy kinh tế ảo


Một hiện tượng rất quan trọng trong nền kinh tế VN mà ít người đề cập đến, đó là hiện tượng ‘kinh tế ảo’, ảo ở chỗ kinh tế không tạo ra giá trị thực mà chỉ dựa vào biến động của mức giá thị trường để sinh lời, đó là căn bản của đầu cơ. Xin lấy một thí dụ: anh mua một căn hộ 1 tỷ VND, năm sau anh bán lại nguyên xi cái nhà đó đươc 1,6 tỷ, anh hoàn toàn không tạo ra một giá trị nào thêm cho xã hội nhưng tài sản của anh tăng 600 triệu. Đó là cái vốn ảo, nếu ảo vẫn nằm trong ảo thì ta hoàn toàn trong thế giới trò chơi ảo ‘Second life’, nhưng sức mua ảo sẽ trở thành sức mua thực khi ta dùng nó để mua sản phẩm, dịch vụ thực và chi phối nền kinh tế thực. Với 600 triệu anh chàng, ở trên, mua một chiếc xe nhập từ nước ngoài. Để có ngoại tệ nhập chiếc xe, ta đã phải xuất khẩu gạo ra nước ngoài, tiền ảo đã tác động trên nông nghiệp ‘thực’!

Giai đoạn từ 2006 là giai đoạn đầu cơ bành trướng rất mạnh, xin tạm gọi là ‘vòng xoáy kinh tế ảo’ vì biên độ tăng theo hàm số mũ. Nhưng tại sao lại là vòng xoáy?


kinh tế ảo

Tất cả bắt đầu từ sự liên kết giữa Quyền lực, tư bản và ngân hàng, “tư bản” lúc ban đầu chỉ là ‘dân chạy áp phe’ không có đồng xu dính túi, tất cả dựa vào tiền ngân hàng, trong những vòng sau, tư bản cũng bỏ một chút vốn, nhưng vốn này sẽ được nhân ba, nhân mười nhờ ngân hàng, tiền tiết kiệm của người dân cũng từ đó chạy vào kinh tế ảo

Quyền lực ở đây sẽ tác động trên ba lãnh vực, BĐS, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công, từ đó sinh lời tiền lời sẽ đổ vào 4 lãnh vực đầu cơ là BĐS, Chứng khoán, vàng và đồng Đô, tiền lời ảo sẽ đẻ ra những dự án khác và chu trình lại tiếp tục.

Khi đã vào vòng xoáy rồi thì tâm lý rất khó thoát ra, ngay khi thị trường không thuận lợi, vốn sẽ được ‘trùm chăn’ đợi thời cơ khác, hoặc thổi ‘bong bóng’ tạo giá để trục lợi tiếp.

Vì vậy đầu cơ đã thành một mảng kinh tế quan trọng, thâu hút phần lớn nguồn lực, tiết kiệm quốc gia và một phần vốn nước ngoài cũng đổ vào kinh tế ảo. Doanh nghiệp sản xuất cũng bỏ nghề chính của mình để đổ vốn vào đầu cơ. Kinh tế ảo đã đưa dến sự bất ổn và suy thoái của nền kinh tế.


2007, kinh tế VN đi vào tình thế bất ổn
Chính sách tiền tệ nới lỏng


2007, vốn đầu cơ tăng mạnh, tiền nước ngoài đổ vào Việt nam, và vì tất cả được nhân lên với tác động của ngân hàng. Trong năm đó, tín dụng ngân hàng tăng 54% và Cung tiền M2 (lượng tiền đang lưu thông bao gồm tiền măt, tiền gửi ngân hảng, kể cả tiết kiệm) tăng 47%.


cán cân tài chính




Khi nguồn tiền tăng mà nguồn cung không tăng, tất nhiên giá cả được điều chỉnh đi lên, lạm phát 2007 lên đến mức 20%.

Khi lạm phát tăng thì lãi suất ngân hàng cũng tăng theo. Lãi cho vay chính thức là 21%, trên thực tế, trong thời kỳ đó muốn được vay, phải chi 25% (chưa kể tiền bôi trơn).

Với một mức lãi như vậy kinh doanh ‘thực’ không thể có mức lợi nhuận tương quan, vì vậy, doanh nghiệp chuyển hướng xoay ra đầu tư bất động sản với kỳ vọng bán lại sinh lời.


2008 – 211, chính sách tiền tệ thắt - mở, để rồi lại thắt


Trước tình trạng lạm phát phi ngựa, lãi suất ngất ngưởng, 2008, Chính phủ thắt chặt lại khối tiền tệ, dùng thị trường mở (open market) để thâu về lại dòng tiền và hạn chế tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Biện pháp này hạ nhiệt thị trường và lạm phát bắt đầu đi xuống.

cpi




Chính sách này chưa được áp dụng bao lâu thì trên thế giới, khủng hoảng tài chính, kinh tế, bùng nổ. Vì sợ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt nam, 2009, chính phủ mở lại van tiền tệ và đưa vào gói kích cầu 8 tỷ USD. Tác động trên thị trường, thấy rõ, lạm phát quay đầu đi lên và trở về mức 18% trong năm 2011.

Gói kích cầu đã không đạt được mục tiêu, thay vì kích cầu để vực dậy lãnh vực sản xuất thì tiền kích cầu lại bị bẻ ngoặt vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường vàng với lãi suất ưu đãi. Được Chính phủ hỗ trợ, kinh tế ‘ảo’ nóng trở lại, trong khi kinh tế ‘thực’ vẫn nguội tanh vì thị trường thế giới còn trên cơn khủng hoảng và doanh nghiệp sản xuất không kiếm ra được ngay cả vốn lưu động để duy trì kinh doanh.

Và năm 2011, vì có qua nhiều chỉ trích, vì Đại hội đảng sắp tới nên chính phủ lấy những biện pháp mạnh, đóng chặt lại van tiền tệ, hạn chế tăng trưởng tín dụng và đáng chú ý nhất, cấm ngân hàng cho vay những ngành nghề phi sản xuất, đặc biệt là bất động sản.
Biện pháp này hoàn toàn đóng băng thị trường bất động sản, hơn thế nữa các dự án xây cất nửa chừng dừng lại hết, xây xong rồi thì không có người mua. Những khoản vay trước không được chi trả, nợ xấu ngân hàng chồng chất và gia tăng khủng khiếp tới mức 19% tổng dư nợ (tiết lộ của thủ tướng trước quốc hội, 4 năm về sau).


Suy thoái kinh tế 2012 – ngày nay (?)


Từ BĐS đóng băng, từ ngân hàng khủng hoảng vì nợ xấu, hiệu ứng chuỗi theo kiểu cờ Đôminô đi rất nhanh và lan rộng ra khắp nền kinh tế.

Tâm lý người tiêu thụ, trước những khó khăn của nền kinh tế là hạn chế, giảm chi tiêu, nguồn cầu gần như không còn. Các cửa hàng thi nhau giảm giá, khuyến mại, nhưng cũng chẳng ai mua.

Xuất khẩu cũng gặp khó khăn (trừ những doanh nghiệp vốn nước ngoài, lắp ráp ở VN để tái xuất khẩu) vì:
- khủng hoảng kinh tế thế giới
- giá nguyên vật liệu thi nhau đi xuống
- mặt hàng VN đắt so với các đối thủ cạnh tranh, vì tỷ giá VND gắn liền với USD và tỷ giá USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác.

Hàng tồn kho chất đống, nào là hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, vật liệu xây dựng và ngay cả những khu nhà bỏ hoang, khu đô thị mới không người ở...

Khi hàng tồn kho phơi sương, thì ngân hàng ngụp lặn trong nợ xấu và phản ứng tự nhiên là không cho DN vay tiền nữa. DN ở cái thế hàng thì bán không được, vay tiền nhà băng để thanh toán chi tiêu thường xuyên, trả lương cho người lao động cũng không được, vậy chỉ có nước đóng cửa.
Trong những năm vừa rồi, doanh nghiệp giải thể hàng loạt, 2012 : 50.000 ; 2013 : 60.000 ; 2014 : 70.000 ; 2015: 90.000 ; 2016 (4 tháng đầu năm): 15000. Gần một nửa doanh nghiệp VN đã ngưng hoạt động trong những năm vừa qua.

Tất nhiên thị trường lao động bị tác động mạnh, hiện tượng thất nghiệp tràn lan, nhất là trong giới trẻ. Hàng năm có hơn một triệu sinh viên, học sinh các cấp ra trường và được tung ra thị trường lao động và trong những năm vừa qua với số doanh nghiệp giải thể VN đã giảm, thay vì tạo thêm công ăn việc làm mới.


Chính phủ đã làm gì?


Sau những năm khủng hoảng, chính phủ đề ra chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, dựa trên 3 trụ cột là :

- Tái cơ cấu DNNN

- Tái cơ cấu đầu tư công

- Tái cơ cấu ngân hàng và đổ 30.000 tỷ VND hỗ trợ mua nhà cho người có thu nhập thấp.

Tái cơ cấu doanh nghiệp đây có nghĩa là cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, từ một doanh nghiệp một thành viên đổi thành công ty cổ phần, trong đó chính phủ vẫn hoàn toàn giữ ít nhất lượng cổ phần chi phối. Do vậy, cổ phần hoá DNNN chỉ có tính cách hoàn toàn hình thức. Chủ nhân không thay đổi, lãnh đạo công ty vẫn ngồi đó, cách quản lý vẫn như xưa, bản chất của cuộc tái cơ cấu này là ‘bình mới rượu cũ’. Theo lộ trình, 2011-2015 phải cổ phần hoá 432 DNNN, riêng cho 2015 phải cổ phần hoá 285 DNNN còn lại. Cho đến cuối năm 2015 vẫn còn hơn 100 chưa thực hiện và cả năm 2015 chỉ cho lên sàn chứng khoán (IPO) được khoảng 70 DN

Tái cơ cấu đầu tư công là một điều cần thiết khi chỉ số ICOR (chỉ số hiệu quả đầu tư Incremental capital – output ratio) cao ngất ngưởng ở mức 6,92 (so sánh trong khu vực Indo:3,86, Phi Luật Tân . 4,0). Nhận thức điều này Chính phủ đã đề ra chính sách tái cơ cấu, nhưng đến nay chưa có một hành động cụ thể nào để cho đầu tư công hiệu quả hơn. Đầu tư công vẫn dàn trải và bỏ ra hàng ngàn tỷ xây trung tâm hành chính, xây tượng đài hoành tráng, tất cả chỉ vì tiền ‘lại quả’ cho người phê duyệt dự án rất là đáng kể.

Tái cơ cấu ngân hàng là một điểm cần thiết, vì tiền là huyết mạch của kinh tế, nhưng hiện nợ xấu ngân hàng là cục máu đông ngăn chặn lưu thông nguồn vốn. Cục máu đông này, trong năm 2012 là 19% tổng dư nợ, theo chính phủ và là khoảng 25% theo các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch hay Moody (nếu tính theo cách IAS) . Trước cái sự thể này Chính Phủ đã thành lập Công ty mua bán nợ xấu VAMC. Đặc trưng của phương án là ‘mua’ lại nợ xầu không bằng tiền mà bắng giấy ‘nhận giữ nợ xấu’ ngân hàng vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trên những khoản này, sau 5 năm nếu VAMC không bán được nợ sẽ trả lại cho NH, vì vậy NH hàng năm vẫn phải trích lập quỹ dự phòng. Phương án này hoàn toàn mang tính chất kế toán, sổ sách. Ngân hàng được đưa khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối nhưng không giải quyết được khó khăn tài chính hiện tại. Rút cuộc, nhiều ngân hàng mất hết vốn và Chính phủ phải mua lại với giá 0 đồng. Kết quả, ngành ngân hàng vẫn trong tình trạng nguy ngập và không có khả năng hỗ trợ nền kinh tế.

Chính phủ có đưa ra chính sách hỗ trợ giúp dân nghèo mua căn hộ bình dân, khổ nổi, ngành BĐS từ trước tới đến nay chỉ quan tâm đến căn hộ loại cao cấp giá từ 2000 đến 7000 đô một thước vuông, gói 30000 tỷ chỉ cho phép mua căn hộ xã hội không quá 70m2 giá dưới 670 đô/m2 (15 tr vnd). Vì vậy cung không gặp cầu và tới nay vẫn chỉ có tầm 30% được thực hiện. Những khó khăn của doanh nghiệp BĐS, không phải vì chính sách này mà được chấn chỉnh..

Có thể nói, những chính sách chính phủ đưa ra chưa mang lại những kết quả mong muốn và tác động thực sự trên nền kinh tế cũng rất mong manh.


Bức tranh chính thức 2015 và những khó khăn thực sự hiện tại


Trước thềm Đại hội Đảng, Chính phủ đưa ra một bức tranh của nền kinh tế rất khả quan
- Tăng trưởng GDP đạt 6,7%

- Lạm phát xuống mức 0,7%

- Xuất khẩu đạt 162 tỷ USD (tăng 8,1% so với năm trước)

- Nhập khẩu là 165 tỷ USD (tăng 11% so với năm trước)

- Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng xuống còn 2,9%

Nhìn bức tranh này ta hình dung Việt nam đã hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ suy thoái, nhưng nếu soi kỹ thì sẽ thấy :


- GDP tăng trở lại là nhờ hai yếu tố, thứ nhất là sự phát triển của doanh nghiệp FDI, đặc biệt những DN lắp ráp để tái xuất khầu ra nươc ngoài do sự dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, môi trường sản xuất tại Trung Quốc không còn thuận lợi.

Yếu tố thứ nhì là sự khởi sắc của BĐS, không phải vì nhu cầu nhà ở gia tăng nhưng là vì các kênh đầu tư (cơ) khác đều xuống dốc, các đại gia không còn biết để tiền vào đâu nên đổ vào BĐS, dân Hà nội mua cả tầng những chung cư mới xây ở TPHCM, Nha Trang Đà Nẵng hay Phú Quốc.

- Lạm phát còn 0.7%, vì với suy thoái kinh tế, hiện tượng giảm phát là lẽ thường, nếu CPI ở mức 0,7% là vì giá điện, bệnh viện, trường học, do Nhà Nước quyết định đều tăng.
- Xuất khầu tăng, như đã nói ở trên, nhờ các doanh nghiệp FDI, điển hình tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam hiện vượt xa tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. Tuy nhiên nhập khẩu tăng mạnh hơn, chi phối cán cân thanh toán quốc tế và chứng tỏ là nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.
- Nợ xấu thì như đã nói ở trên, con số 2.95% là hoàn toàn con số ‘trên sổ sách’.

Bề trái của bức tranh đẹp vừa rồi là căn bản kinh tế VN vẫn còn rất khó khăn đầu tháng 4, 2016, Ngân hàng Thế Giới (WB) đã điều chỉnh, giảm dự báo tăng trưởng GDP của VN cho năm 2016 từ 6,9% xuống còn 6,2%.
Nông nghiệp VN đang gặp rất nhiều vấn đề, ngoài hạn hán và nước mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, còn những vấn đề căn bản để cạnh tranh trên thị trường thế giới là chất lượng, là vệ sinh và là giá cả.
Doanh nghiệp vẫn không ngừng giải thể vì vốn từ ngân hàng vẫn chưa tới tay vì thị trường nội địa vẫn chưa hồi phục và xuất khẩu còn khó khăn.
Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vì đầu cơ ngoại ngành bị bắt thoái vốn (nếu chưa kịp làm thì cũng không còn là một kênh đầu tư hiệu quả), trong ngành, giá cả nguyên vật liệu đi xuống gây thất thoát cho những cơ xưởng đã hoạt động lâu năm cũng như những cơ xưởng mới được thành lập. Tính đến nay, 40% nợ xấu ngân hàng đến từ DNNN.
BĐS chỉ khởi sắc tạm thời, kho hàng không bán được và dự án trùm chăn vẫn chất đống.
Nợ xấu ‘gửi tạm’ VAMC cũng chỉ còn hai năm nữa, nếu không xử lý được sẽ trở về lại ngân hàng. Số ngân hàng mất vốn vì nợ xấu có thể nhiều hơn những ngân hàng mới được Chính Phủ mua lại với giá 0 đồng. Tình trạng sức khỏe của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, những năm qua là đáng lo ngại, nhưng thầy thuốc chỉ kê đơn uống Aspirin, giảm đau, hạ sốt!

Tình hình tài chính quốc gia cũng không được sáng sủa :
- Ngân sách bội chi từ lâu, nay đã đến mức tổng khoản thu chỉ vừa đủ chi thường xuyên và trả nợ. Nhà nước sẽ lấy tiền ở đâu ra để đầu tư, để tái cơ cấu nền kinh tế để giải quyết những sự cố quan trọng ?
- Nợ công, nếu tính theo cách của Nhà Nước Việt Nam thì còn nằm trong hạn mức 60% GDP, nhưng nếu theo tiêu chuẩn quốc tế là khoảng 115% GDP (nếu tính cả khoản nợ của các DNNN và phần bảo lãnh). Với mức, nợ công này đưa ra hai vấn đề chính, khả năng trả nợ và những khó khăn cũng như mức lãi suất đặt ra khi ta muốn mượn thêm tiền trên thị trường quốc tế.


Kinh tế Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập quốc tế hay chưa ?


Như ta thấy ở phần trên, kinh tế Việt nam chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái, 2015, tình hình có vẻ sáng lạn hơn một chút, nhưng những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững vẫn chưa được hội tụ. Doanh nghiệp Việt Nam, phần quốc doanh cũng như phần tư nhân còn rất èo uột và không được sự hậu thuẫn vững chắc của hệ thống ngân hàng. Như vậy doanh nghiệp Việt Nam hiện không có khả năng chiếm đoạt những thị trường mới cũng như khả năng bảo vệ thị trường quốc nội.

‘Sửa soạn là mẹ của thành công’, ta còn gần 2 năm để thay đổi, xếp đặt lại nước cờ để đối mặt với tình thế mới, phát huy vị trí của Việt Nam trên thương trường thế giới.

Nhưng ta phải thay đổi cái gì để một mặt đưa Việt Nam vào một quỹ đạo phát triển bền vững mới, mặt khác tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự hội nhập kinh tế quốc tế ?

Xin xem những đề xuất thay đổi ở phần sau.

Xem bài 1 tại đây.

Xem tiếp bài 3 tại đây


Phạm Nam Kim

(*) Chuyên gia tài chính, Thuỵ Sĩ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us