Bạn đang ở: Trang chủ / Việt Nam / Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, bài 3

Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, bài 3

- Phạm Nam Kim — published 20/05/2016 20:30, cập nhật lần cuối 19/05/2016 16:12

Hội nhập quốc tế, cơ hội và thách thức, bài 3


Thay đổi cần thiết cho
hội nhập kinh tế quốc tế


Phạm Nam Kim (*)


Trong hai bài trước, những cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế, đã được liệt kê, quá trình phát triển kinh tế trong 10 năm qua đã được phác họa. Khi nhận thức được hiện tình kinh tế, kết luận đã được đưa ra là muốn thành công trong công cuộc hội nhập quốc tế Việt Nam phải sửa soạn và thay đổi nhiều những căn bản của nền kinh tế.

Trước khi bàn tới những thay đổi phải thực hiện, để một mặt thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện tại và mặt khác đảm bảo thành công trong công cuộc hội nhập, có lẽ nên phác họa những nét chính của nền kinh tế quốc gia sau 30 năm đổi mới


Nét chính của nền kinh tế Việt Nam


Trên phương diện cơ cấu của nền kinh tế ta có thể rút ra những nét sau đây


- Kinh tế ‘Nhà nước’


Mặc dù Nhà nước khẳng định nền kinh tế VN là một nền kinh tế thị trường, với định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng tới nay khó thấy được sự độc lập của thị trường. Nhà nước vẫn điều hành nền kinh tế như dưới thể chế kinh tế kế hoạch bằng sự can thiệp trực tiếp vào thị trường hoặc thông qua những cánh tay dài của Nhà Nước, những doanh nghiệp quốc doanh. Ngay cả đất đai, tư liệu sản xuất căn bản cũng thuộc sở hữu của Nhà nước, thị trường chỉ có thể tác động trên quyền sử dụng đất do Nhà nước ban cho, dưới sự kiểm soát giá cả của chính Nhà nước. Tư liệu sản xuất căn bản tối ưu là lao động, được đặt dưới sự điều phối Công đoàn, và Công đoàn là do Đảng chỉ đạo và Đảng là Nhà Nước. Tư liệu sản xuất căn bản thứ ba là nguồn vốn, do Nhà nước quản lý thông qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và bốn ngân hàng quốc doanh. Quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước to hơn nhiều so với các ngân hàng trung ương trên thế giới, NHNN có quyền ‘sinh, tử’, ‘tiền trảm hậu tấu’ đối với các ngân hàng thương mại cổ phần (trên thế giới quyền kiểm soát các ngân hàng là dưới trách nhiệm của một hội đồng độc lập), khác hơn nữa, NHNN được coi như một Bộ của Chính phủ, trong khi đó trên thế giới, ngân hàng trung ương phải độc lập, tách rời ra khỏi chính phủ và chỉ chịu trách nhiệm trước quốc hội.


- Khu vực ‘kinh tế ảo’


Người ta tự hỏi, khi Nhà nước kiểm soát chặt chẽ thị trường thì làm sao có thể đầu cơ, chơi trên biến động giá thị trường? Đó là một phần do những kẽ hở của cái gọi là ‘hệ thống kinh tế hỗn hợp’ và một phần nữa do tác động của các ‘nhóm lợi ích’. Chính những nhóm lợi ích này đã lợi dụng quyền lực để có những quyết định, những ‘tin tay trong’ (insider) giúp họ hưởng lợi trên sự biến động thị trường có khi do chính họ chủ động. Ta cũng không quên được sự thành hình của một đám đông bắt chước (suiveurs) tạo nên một phong trào và lúc đó đi ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.

Đầu cơ hiện đã trở thành nguyên một khu vực của nền kinh tế, lấn át nền kinh tế thực. Thật vậy, tài sản, vốn liếng, tiết kiệm quốc gia ngay cả vay mượn quốc tế cũng được đổ sạch vào kinh tế ảo, lấy gì để đầu tư sản xuất trong nền kinh tế thực?


- Mô hình phát triển dựa trên ‘gia công’

Từ thời bao cấp, kinh tế kiệt quệ, không còn gì để bán ra ngoài Nhà nước đã có chính sách xuất khẩu lao động qua Liên Xô, qua Đông Âu, lấy ngoại tệ dùng cho việc khác (hiện tại, 10 tỷ USD/năm kiều hối, vẫn là một nguồn vốn rất quan trọng cho Việt Nam).
Tới thời kỳ đổi mới, rập khuôn theo Trung Quốc, thay vì xuất khẩu lao động ta ‘nhập khẩu cơ xưởng’ nước ngoài và phục vụ lao động rẻ tiền cho họ sản xuất. Mô hình phát triển dựa trên gia công, rất phổ biến ở những quốc gia mới nổi, đặc biệt là bên Trung Quốc, mặc dù mô hình này đi ngược lại chủ nghĩa Mác chống lại sự bóc lột người lao động đến từ tư bản mại bản và đế quốc tư bản. Mô hình này cũng đi kèm những ‘lỏng lẻo’ về luật lệ về lao động và bảo vệ môi trường để giúp công ty nước ngoài xiết tối đa giá thành tại những cơ xưởng sản xuất. Chính những ‘lỏng lẻo’, ‘nhắm mắt’ về môi trường đã biến một số quốc gia mới nổi thành ‘thùng rác’ quốc tế khi tiếp nhận những cơ xưởng về kỹ nghệ nặng hay hoá chất.
Lịch sử phát triển những năm vừa rồi cho ta thấy, khi áp dụng ‘suông’ mô hình ‘gia công’ thì quốc gia mới nổi sẽ mãi mãi là ‘cơ xưởng bẩn’ của thế giới. Muốn mô hình này là một bàn đạp để tiến lên trên con đường phát triển thì phải kèm theo sự chuyển giao thực sự công nghệ và sự thiết lập hệ thống công nghiệp phụ trợ nội địa.
Việt Nam hiện vẫn trong giai đoạn mô hình ‘suông’, thêm vào đó sự cố ‘bùn đỏ bôxit’. ‘cá chết’ để lộ ra cái nét ‘bẩn’ của mô hình.

- Cơ cấu sản xuất ‘tiền công nghiệp’


Một số doanh nghiệp FDI vào VN rất muốn dùng hàng phụ trợ trong nước, nhưng họ không kiếm ra nhà cung cấp nào có đủ khả năng sản xuất hàng phụ trợ theo đúng tiêu chuẩn chất lượng mà họ đòi hỏi. Câu chuyện con vít cho điện thoại Samsung là một bằng chúng cụ thể ta còn trong thời kỳ tiền công nghiệp.

Muốn có một nền công nghiệp hiện đại phải có hai nhân tố, thứ nhất là vốn thứ nhì nguồn nhân lực. Vốn thì như đã nói ở trên đổ hết vào thị trường đầu cơ và nguồn nhân lực thì ta ráo riết đào tạo tiến sĩ, và có phần buông lơi khâu đào tạo chuyên viên và công nhân lành nghề, có mua được máy về cũng không ai biết xài !


- Tài chính èo uột


Muốn phát triển một nền kinh tế bền vững phải có một hệ thống ngân hàng vững mạnh quản lý dòng tiền ổn định tài chính vững. Ngân hàng có quy mô sẽ dễ vượt qua những bất cập nhất thời, nguồn vốn ổn định sẽ giúp ngân hàng tài trợ những dự án dài hạn cần thiết cho phát triển kinh tế.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam gồm 34 nhà băng thuộc hạng nhỏ và siêu nhỏ (so với thế giới) hiện đang chật vật với nợ xấu và lợi nhuận suy giảm mạnh.
Về ổn định nguồn vốn, một lãnh đao ngân hàng đã thổ lộ « Chúng tôi quanh năm đi ‘cầu khỉ’, người dân gửi tiền bình quân cho một hạn kỳ là 3 tháng, 6 tháng họa hoằn 1 năm. Bên vay, nhất là phía doanh nghiệp đòi hỏi tài trợ những dự án kéo dài vài năm và VN không có thị trường vốn dài hạn, kêu gọi sự hỗ trợ của thị trường liên ngân hàng thì NHNN hiện hạn chế tối đa ».

- Lao động thiếu tay nghề


Theo Tố chức lao động quốc tế (ILO) năng suất lao động Việt Nam thua Lào, chỉ còn cao hơn Myanmar, Campuchia và chỉ bằng nửa Trung Quốc. Mặt khác, những báo cáo về năng lực cạnh tranh PCI, báo cáo của VCCI, những nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội đều đi đến một kết luận, sự dư thừa của lao động phổ thông, sự thiếu hụt của lao động có tay nghề cho mọi ngành và bên cạnh đó tỷ số rất cao sinh viên mới ra trường, thất nghiệp, không có công ăn việc làm. Như vậy là độ chênh giữa nhu cầu lao động và nguồn cung lao động là rất cao.
Hiển nhiên, nguyên do sự hạn chế trên là từ hệ thống giáo dục còn quá đặt nặng trên văn hoá khoa cử và quên đi là nhiệm vụ chính của hệ thống giáo dục là đào tạo những con người phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và hữu ích cho xã hội

Chúng ta phải làm gì?


Sau 4 năm suy thoái ‘căn nhà’ kinh tế Việt Nam đang siêu vẹo vì bên ngoài cơn lốc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành, bên trong con mọt đầu cơ và tham nhũng đang gặm nhấm. Móng nhà, sườn nhà không còn vững và mái nhà, trần nhà thấm dột, rạn nứt, thế mà dân cư trong căn nhà này càng ngày càng đông (dự đoán 2050, 140 triệu người).

Vậy mà ta sắp mở rộng cửa đón tiếp nào AEC, nào EVFTA, nào TTP những ông khách giàu sụ và rất khó tính, chưa kể ông hàng xóm Trung Quốc vẫn dòm ngó lân la chiếm đất, kinh doanh.

Liệu chúng ta có thể làm như mấy năm trước, lấp tạm những chỗ dột, sơn phết lại cái bề ngoài rồi tiếp tục sống? Tất nhiên là được, nhưng sẽ khó tránh được, như ở Trung Quốc một số dân cư có phương tiện dọn nhà đi ở chỗ khác, mấy ông khách quý mua rẻ lại một phần căn nhà, còn ông hàng xóm sẽ chiếm hẳn cái sân ngoài.

Có lẽ ta nên nhìn xa hơn, và trước tình trạng đổ nát của căn nhà, đổ lại móng nhà, xây lại tường vách, sửa sang mái nhà, trừ diệt mối, mọt. Và khi căn nhà khang trang trở lại ta sẽ tha hồ đón khách quý và nhân tiện mời ông hàng xóm tham lam đi chơi chỗ khác. Tuy nhiên muốn sửa sang căn nhà thì phải có tiền, vậy việc đầu tiên là phải kiếm tiền, kiếm nhà tài trợ.

Cụ thể ta phải làm những gì ?


Thay đổi căn bản


- Thay đổi thể chế


Xây lại cái móng nhà là xây lại nền tảng của nền kinh tế trên hệ thống kinh tế thị trường tự do. Đường hướng này đã được đề ra nhưng chưa được áp dụng triệt để và nghiêm túc, đường hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với thể chế mong muốn trong cuộc hội nhập quốc tế. Cốt lõi của kinh tế thị trường là luật chơi thị trường được bảo đảm, mọi tác nhân đều bình đằng, không một ai có quyền chi phối thị trường.
Như vậy, phải định rõ quyền lực của chính phủ trên thị trường là ngăn chặn những hành động xâm phạm đến luật thị trường và chính phủ sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường, dưới mọi lý do nào khác. Như vậy ta cũng phải ngăn chặn mọi tác nhân vì quy mô hay về thể chế có thể tác động trên thị trường, nói một cách khác ta phải giảm thiểu doanh nghiệp quốc doanh và ra bộ luật chống những liên kết, những thỏa thuận thao túng giá cả (anti cartel & trust).
Kinh tế thị trường chỉ có thể có nếu có quyền tư hữu, vì vây phải trả lại quyền sở hữu đất cho người dân. Tự do thị trường cũng là sự bình đẵng trong việc sử dụng tư liệu sản xuất vì vậy ta phải trả lại tự do cho thị trường vốn, định nghĩa lại quyền hạn và thể chế của Ngân hàng nhà nước. Ngài ra, Công đoàn lao động phải hoàn toàn độc lập với Nhà nước, nhất cử lưỡng tiện, điểm này sẽ phù hợp với những gì đã ký kết trong hiệp định TPP.
Xây dựng lại nền kinh tế thị trường, không có nghĩa là ta phải xoá bỏ hoàn toàn cái vế thứ nhì của đường lối Nhà nước, ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’. Nhưng ta phải định nghĩa rõ ràng thế nào thế nào là ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, trong một nền kinh tế thị trường, định hướng hợp lý nhất vẫn là bảo vệ người lao động, người tiêu dùng và nói chung người dân trước những áp lực, những hành động tiêu cực và quá quắt của tác nhân có quyền lực kinh tế.
Lịch sử chứng minh, kinh tế thị trường chỉ có thể tồn tại nếu bình đẳng trên thị trường đi đôi với bình đẳng chính trị. Kinh tế thị trường khó sống chung lâu dài với một thể chế độc tài, dù là độc tài vô sản. Vì vậy muốn thực sự phát huy sức mạnh của thị trường vấn đề dân chủ, bình đẳng chính trị phải được đặt ra.

- Mô hình tăng trưởng


Xây xong cái nền, cái móng nhà, bây giờ ta phải sửa sang tường vách, mái nhà. Việt Nam phải khẳng định mô hình tăng trưởng của mình và áp dụng mô hình một cách triệt để. Trong tình thế cạnh tranh trên thương trường thế giới ta rất khó thoát khỏi mô hình ‘gia công’, nhưng ta phải tạo một tính cách đặc trưng cho mô hình. Đặc trưng này sẽ là chiến lược cạnh tranh dựa trên sự khác biệt tích cực và cũng sẽ là bàn đạp cho phát triển kinh tế quốc gia.

Mô hình tăng trưởng ‘gia công’ theo kiểu Việt Nam sẽ có hai nét chính đó là Chất lượng và Phát triển bền vững.
Chất lượng đây phải là chất lượng Toàn bộ (total quality) đi xa hơn những tiêu chuẩn ISO về chất lượng hiện hành và áp dụng cho mọi khâu sản xuất, mọi ngành nghề. Ta còn nhớ sản phẩm Nhật Bản trong những năm 60 nổi tiếng thế giới là đồ rẻ tiền, kém chất lượng, Chính phủ Nhật đã phát động trên toàn quốc Phong trào chất lượng dưới sự tư vấn của giáo sư Mỹ Deming. Chỉ trong 5 năm, Nhật Bản đã lật ngược thế cờ và sản phẩm, dịch vụ. Nhật được bầu chọn trên mọi thị trường là chất lượng hàng đầu, Việt Nam nên theo gương Nhật Bản.

Phát triển bền vững cũng phải được áp dụng một cách toàn bộ từ bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường làm việc đến bảo vệ môi trường sống. Như vậy phát triển bền vững sẽ đi đôi với Chính sách Chất lượng.

Để đảm bảo chất lượng toàn bộ, các doanh nghiệp FDI muốn sản xuất ở Việt Nam sẽ phải đặt tại chỗ những phòng Nghiên cứu và phát triển, như vậy, chuyển giao công nghệ sẽ đươc thực hiện một cách cụ thể. Cũng để đảm bảo chất lượng các doanh nghiệp này sẽ phải hỗ trợ hoặc trực tiếp phát triển công nghiệp phụ trợ. Như vậy không những mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hoàn toàn miễn thuế (theo tiêu chí của hiệp định TPP) mà còn đặt nền tảng vững chắc cho nền công nghiệp quốc gia.

- Hệ thống giáo dục


Nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo con người thực dụng cho xã hội và có chỗ đứng trong nền kinh tế. Vì vậy ta phải từ bỏ hệ thống giáo dục khoa bảng, tìm một hướng đi thực tiễn hơn, con người sau đào tạo phải là một lao động có tay nghề, đã có trải nghiệm làm việc trong ngành, như vậy có thể phụng sự liền cho nền kinh tế.
Hệ thống giáo dục Bắc Âu là một điển hình trong chiều hướng này. Trẻ em, sau hết học kỳ bắt buộc (16 tuổi) phần đông theo chế độ học nghề, trong 4 năm được đào tạo 2 ngày một tuần ở trường nghề và thời gian còn lại thực tập tại doanh nghiệp. Khi ra trường sẽ đã là một người thợ giỏi, một nhân viên bán hàng hay nhân viên văn phòng có tay nghề. Con đường tiến thân cũng không ngừng ở đây, họ có thể học thêm ở những khoá kỹ sư hay chuyên gia trong nghề, họ cũng có thể sau đó theo đuổi những khoá cao học ở đại học.
Việt Nam nên nghiên cứu và áp dụng hệ thống giáo dục theo chiều hướng Bắc Âu.


Thay đổi cấp bách


Những thay đổi căn bản nói trên sẽ chỉ tác động trong một thời gian, cái cần thiết ngay bây giờ là phải làm sao đưa Việt Nam hẳn vào quỹ đạo phát triển cao (ít nhất 6,7%) và kiếm ra vốn để thực hiện những thay đổi. Chỉ riêng muốn có tăng trưởng GDP ở mức 6,7% trong năm 2016, theo tính toán của các chuyên gia, đầu tư toàn xã hội sẽ phải ở mức 1,6 triệu tỷ VND. Để tránh nạn thất nghiệp cho giới trẻ mới học xong, mỗi năm phải tạo một triệu công ăn việc làm. Làm sao ta huy động được vốn để đảm bảo ổn định kinh tế và xã hội ?

- Khai thông hệ thống ngân hàng


Trước tiên ta phải khai thông mạch máu dòng tiền. Muốn hệ thống ngân hàng đảm nhiệm chức năng huy động vốn và tài trợ doanh nghiệp thì ta phải, thứ nhất giải quyết một cách dứt khoát nợ xấu, thứ nhì tạo cho ngân hàng quy mô tối ưu để có thể chịu đựng được rủi ro tín dụng trong thời kỳ phát triển. Muốn gỡ gánh nặng nợ xấu cho ngân hàng, thì nhất thiết phải đổ tiền ‘thật’ giúp ngân hàng gầy dựng lại vốn, như vậy ngân hàng mới yên tâm tiếp tục cho doanh nghiệp vay. Muốn tạo quy mô cho ngân hàng phải giúp sức hợp nhất những ngân hàng nhỏ lẻ thanh một khối vững chắc.

- Chuyển hướng dòng tiền đầu tư


Khi đã khai thông được dòng tiền, nhất quyết ta phải chuyển hướng, không để vốn chạy trở lại thị trường đầu cơ, xây dựng kinh tế ‘ảo’. Muốn ngăn chặn đầu cơ, trong một thị trường tự do, cách tốt nhất vẫn là giảm thiểu sự hấp dẫn của đầu cơ bằng những sắc thuế thật nặng đánh trên lợi nhuận thâu được trên sự mua đi bán lại với tính cách đầu cơ. Trên thị trường tài chính, ngăn chặn những giao dịch có tính cách đầu cơ, đóng cửa thị trường phái sinh, ngăn chặn đầu cơ trên ngoại tệ.

- Huy động vốn nước ngoài


Tình hình thị trường thế giới đang rất thuận lợi để kêu gọi đầu tư vào Việt nam.

Với những khó khăn hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc, với những bất trắc chính trị ở những quốc gia có liên quan ít nhiều đến lực lượng khủng bố Hồi giáo, với sự suy sụp của kinh tế Nam Mỹ, Việt Nam với những hiệp định hội nhập quốc tế rất dễ dàng thu hút vốn đầu tư FDI. Đầu tư sản xuất ở Việt nam là có thể tiếp cận một thị trường màu mỡ, 2/3 GDP thế giới.

Với một thị trường tài chính thế giới ảm đạm, lãi suất bằng không, chứng khoán mất điểm, với sự suy sụp của chứng khoán Trung Quốc, Việt Nam cũng có một vị trí tốt để kêu gọi vốn đầu tư tài chính, nhưng ta nên tránh xa những quỹ đầu cơ (kiểu Hedge funds) họ có thể đến rất nhanh, nhưng ra đi cũng nhanh không kém, gây bất ổn cho thị trường hơn là hỗ trợ phát triển kinh tế.

Muốn kêu gọi vốn vào Việt nam ta phải năng động, đến những thị trường, đi gặp các nhà đầu tư, đó là thông lệ của giới tài chính, làm những buổi gặp gỡ (roadshow) trực tiếp với nhà đầu tư.

- Tư hữu hoá doanh nghiệp nhà nước


Chính phủ đang tiến hành cổ phần hoá DNNN, nên tiến thêm một bước và đi đến tư hữu hoá số đông những doanh nghiệp trên và chỉ giữ lại những doanh nghiệp phục vụ trực tiếp lợi ích xã hội.

Tư hữu hoá là cách nhanh nhất để đi đến một nền kinh tế thị trường thực sự. Mặt khác đây là một phương án để giảm thiểu gánh nặng nợ công và giải quyết thiếu hụt ngân sách nhà nước.

Với tư hữu hoá, ta cũng kêu gọi đươc vốn nước ngoài, để tránh những hiện tượng thâu tóm, trục lợi nhất thời của những tập đoàn trong nước hay nước ngoài, cổ phần sẽ được chào bán ra đại chúng với sự hạn chế một cá nhân hay tập thể không được quyền nắm giữ quá một tỷ lệ vốn điều lệ.

Hướng tới hội nhập quốc tế


Kinh nghiệm lịch sử khi Việt Nam gia nhập WTO (2011), cho thấy là ta đã hoàn toàn thiếu sửa soạn và bị đưa vào thế bị động. Ngay từ lúc đệ đơn xin gia nhập WTO ta đã có thông tin đại chúng, đã tổ chức hội thảo, đánh giá tình hình. Nhưng trong những cuộc hội thảo này bình thường chỉ có đề cao những điểm tốt và phô trương thành tích, rồi mọi người đi về, phấn khởi. Để đến lúc hiệp định có hiệu lực, hàng nước ngoài, vốn nước ngoài đổ vào Việt nam, mọi người mới ngỡ ngàng, Ngớ ngẩn hơn nữa là các nhà xuất khẩu hoàn hoàn không có thông tin, không biết thực trạng và cách tiếp cận những thị trường mới mở.

Thế rồi lịch sử lại lập lại với Cộng đồng AEC. Lại thông tin, lại hội thảo, lại ra về phấn khởi, nhưng lại ngỡ ngàng tổng kết 2015, Malaysia đầu tư FDI 2,5 tỷ đô vào Việt Nam, Singapore hơn 1 tỷ và gần đây nữa khi Thái Lan thâu tóm Big C, rồi ép giá các nhà cung cấp và nông dân Việt để rồi thay thế bằng mặt hàng Thái. Việt Nam một lần nữa lại ở thế bị động.

Còn hai năm nữa hiệp định tương mại tự do với EU và với khối TPP sẽ có hiệu lực, ta phải khẩn trương sửa soạn với một chương trình hành động cụ thể.

- Trên thị trường nội địa


Khi đã chấp nhận luật chơi thị trường và mở cửa cho hàng hoá, nguồn vốn vào Việt thì không thể có những hành động rào cản ngăn chặn. Chỉ còn cách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trên khả năng cạnh tranh trong phạm vi luật chơi thị trường, tránh gây khác biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác ta cũng phải cài đặt những luật lệ, quy định ngăn chặn những mưu toan giành ưu thế và chi phối một thị trường, như thâu tóm doanh nghiệp để chiếm lãnh giành ưu thế độc quyền thị trường. Phải cài đặt một hội đồng giám sát thị trường và phê duyệt tất cả những thương vụ, mua bán, sát nhập doanh nghiệp (M&A) trên khía cạnh bảo vệ thị trường tự do.

- Trên thị trường nước ngoài


Trong bước đầu ta phải giúp các doanh nghiệp hiểu rõ cặn kẽ thị trường và nhu cầu người tiêu dùng của từng thị trưòng nước ngoài. Nhật Bản trong thời kỳ phục hưng sau đệ nhị thế chiến, trong ý đồ tiếp cận những thị trường nước ngoài đã biến những tòa đại sứ Nhật thành những trung tâm tiếp thị, thâu thập thông tin, nhu cầu thị trường và mặt khác kết nối doanh nghiệp Nhật với doanh nghiệp nước ngoài, đi xa hơn nhiều so với công việc bình thường của một Tham tán thương mại ở một tòa đại sứ. Ngoài ra Nhật Bản, thời đó, cũng có một hệ thống hậu cần (logistique) cho xuất khẩu hàng hoá và hệ thống ngân hàng Nhật Bản quốc tế xử lý tất cả những vấn đề tài chính. Như vậy Nhật Bản thời đó đã ‘xuất quân’ có đội ngũ và có dàn trận. Việt Nam nên lấy đó làm gương.



Bài 1 :  Cơ hội và thách thức

Bài 2 :  Hiện trạng Kinh tế Việt Nam


Phạm Nam Kim

(*) Chuyên gia tài chính, Thuỵ Sĩ

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us