Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Quê ngoại

Hồi ức tuổi thơ: Quê ngoại

- Văn Ngọc — published 19/03/2011 21:08, cập nhật lần cuối 27/03/2011 22:56
- Chương 18 -

Quê ngoại


Văn Ngọc

Vào khoảng giữa năm 1947, gia đình nhà tôi đang tản cư về quê nội Hà Nam. Lúc đó tình hình ở đây còn tương đối yên ổn. Bỗng một hôm, ba chị em chúng tôi đang ở ngoài vườn, chợt nghe thấy ngoài ngõ có tiếng ai quen quen, chạy ra xem, thì chẳng phải ai xa lạ mà là bác Tư và cậu Năm của chúng tôi từ bên Hưng Yên sang thăm. Chúng tôi mừng như bắt được của. Thật không thể nào ngờ được. Bác và cậu tôi ăn mặc như hai ông lý, đầu đội nón lá, tay cầm gậy đánh chó, một thói quen ở nhà quê, khi phải đi đâu xa.
Trông thấy chúng tôi, lúc đó cũng đã bắt đầu có vẻ "phong trần" lắm rồi, bác và cậu vừa mừng, vừa xúc động, chưa chi nước mắt đã rơm rớm. Từ ngày mẹ tôi mất đi, cả họ bên ngoại như cảm thấy mất mát một cái gì không thể nào bù đắp lại được. Từ bà ngoại, đến các bác, các cậu, các mợ, và các anh chị em trong ho, đều tỏ ra rất thương chúng tôi. Hôm nay bác và cậu tôi chẳng quản ngại đường xa, lặn lội từ bên Hưng Yên sang đây để xin phép thầy tôi cho chúng tôi sang bên ấy chơi ít hôm thăm bà ngoại và họ hàng.
Đường từ Dũng Kim sang làng Bông, thuộc phủ Khoái Châu, thực ra không xa lắm, chỉ độ khoảng 30km. Hà Nam và Hưng Yên, nhìn trên bản đồ, chỉ cách nhau có con sông Hồng. Nhưng ngày ấy ở hậu phương, làm gì có bản đồ để mà xem, nên đi đâu xa là phải có người biết đường dẫn đi một lần đầu, và người ta cũng ít khi đặt vấn đề đường xa bao nhiêu cây số, mấy giờ đến nơi, v.v.
Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đi xa làng Dũng Kim như thế, nhưng đi với bác Tư và cậu Năm tôi, là những người từng trải không kém gì những bác nông dân thành thạo đường lối ở vùng này, nên chúng tôi yên trí lắm, vừa đi vừa nói chuyện, ngắm trời ngắm đất, thật là sung sướng.
Đi đến một chỗ có hàng quán, có bán cả thịt chó, trông thấy mấy chú cầy đã được thui sạch, luộc chín, treo lủng lẳng ở trên cái sào tre trước quầy, bác và cậu tôi chắc thèm cái món này lắm, và như để thoả mãn óc tò mò của chúng tôi, hai người lẳng lặng ngồi xuống ghế, gọi mấy đĩa cho cả chúng tôi cùng được thưởng thức. Lần đầu tiên trên đời tôi được ăn thử mấy miếng thịt chó và dồi chó, thấy ngon lạ, so với thịt gà hay thịt lợn, thật hơn hẳn một bậc. Nhưng thịt chó có cái hương vị riêng của nó, nghĩa là khá mạnh, và có lẽ chỉ những người nào thích nhắm nháp với ly rượu đế, hay thích nếm những "của ngon vật lạ", mới có thể mê được.
Đến một làng tên là làng Ân Thi, chúng tôi đang đi dưới tán lá tre um tùm, chợt nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang ở ngay gần đâu đó. Sau này, nếu tôi có còn nhớ mãi cái tên làng Ân Thi, chắc cũng vì ngôi nhà thờ ở đây. Hình ảnh ngôi nhà thờ đồ sộ bằng gạch đá, xuất hiện một cách bất ngờ sau những rặng tre, đã để lại cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Trước kia, nói đến nhà thờ, tôi chỉ biết có nhà thờ lớn ở Hà Nội. Sau về Dũng Kim, mới biết là ngay ở một làng quê nhỏ bé và nghèo xác xơ như làng tôi, cũng có xóm đạo và có nhà thờ. Khi hát bài Làng tôi của Văn Cao ngày ấy, tôi mới chỉ mường tượng được cái nhà thờ nhỏ bé của xóm đaọ làng tôi ở bên kia sông thôi, chứ chưa bao giờ hình dung được một ngôi nhà thờ to lớn, như nhà thờ Ân Thi, trong bóng tre xanh của một xóm làng việt Nam.
Có những điều mà mãi sau này tôi mới hiểu hết được ý nghĩa, nhưng ở cái tuổi còn thơ dại ngày ấy, tôi mới chỉ cảm nhận được một số hiện tượng bằng cái bản năng tự nhiên của mình mà thôi.
Chẳng mấy chốc đã đến bến đò. Không có một dấu hiệu gì đặc biệt chỉ đây là một bến đò, vậy mà người ta vẫn biết. Bãi sông ở đây toàn là đất cát và phù sa, những ruộng khoai lang mọc lan đến tận gần bờ nước. Sông Hồng ở khúc này rộng mênh mông, nhìn sang bờ bên kia xa mù mịt. Con thuyền nan lớn trông nặng và chắc chắn như thế, mà khi ra tới giữa sông, sóng to, cứ tròng trành, nước mấp mé đến cạp thuyền, trông thật dễ sợ. Khách trên thuyền thuộc đủ mọi hạng người, nào các bà, các cô đi buôn bán ở xa về, với đầy gồng gánh, thúng mủng, nào anh cán bộ với chiếc xe đạp đã cũ, anh bộ đội địa phương vào những ngày đầu kháng chiến, với khẩu súng trường và quả lựu đạn giắt ngang lưng. Ra đến chỗ sóng to nhất, mấy bà cụ từ nãy vẫn ngồi thu hình ở giữa khoang, nét mặt lo sợ, đang giở tràng hạt ra lầm rầm khấn khứa.
Tôi vực nước vào lòng bàn tay, thấy nước trong không một chút vẩn đục. Sông Hồng thực ra chỉ nhìn từ xa mới thấy được màu đỏ của phù sa. Măt trời đã bắt đầu xế bóng. Có những đám mây đen bỗng nhiên kéo tới làm cho tối hẳn cả một góc trời. Nước sông chỗ ấy đen thẫm như mực, làm cho mặt sông khúc đỏ, khúc đen, trông càng thêm dữ dội. Con thuyền chèo bằng tay, nên sang được đến bờ bên kia cũng vất vả và mất khá nhiều thì giờ.
Sang đến bên này sông, cũng lại là những bãi khoai, bãi ngô. Đây hình như đã là phủ Khoái Châu, thuộc tỉnh Hưng Yên rồi thì phải.
Chúng tôi rời bờ sông, đi lên một con đê. Đi ở trên đê, nhìn về phía xa, tít nơi chân trời, vẫn còn thấy được sông Hồng. Cảnh ở đây đẹp bát ngát. Có một lúc, chúng tôi rời đường đê, đi rẽ vào một rặng nhãn. Những chùm nhãn lồng tuy còn xanh chưa ăn được, nhưng đã khá to, có chùm sai quả trĩu xuống đến sát đầu người, với tay lấy được. Giá mà chúng tôi đi qua đây muộn hơn độ một tháng, thì đã tha hồ được ăn nhãn lồng rồi !

Đi thêm một quãng đường nữa là đã tới làng Bông. Làng xóm ở đây xem ra có vẻ giàu có, khác hẳn với làng Dũng Kim bên quê nội chúng tôi. Đường làng rộng rãi, sạch sẽ, đôi chỗ có lát gạch. Trong làng trồng nhiều cây cối và có nhiều hồ ao. Lác đác đây đó, có những chiếc nhà ngói có cả cổng ngõ và sân gạch để phơi phóng.
Ngôi nhà mà bác và cậu dẫn chúng tôi đến là nhà của vợ chồng một ông phú hộ ở làng này, không biết có họ hàng gì với nhà chúng tôi không, nhưng xem ra có vẻ thân tình lắm. Họ ngoại nhà tôi về đây đông quá, nên phải ở nhờ nhà của những người trong làng. Khi chúng tôi bước qua chiếc cổng gạch để vào sân, thì gặp ngay bà chủ nhà đang sàng sẩy với đầy nong nia ở trên sân. Trông thấy chúng tôi, bà chào hỏi như thể vẫn quen biết chúng tôi từ lâu. Có thể ngày xưa bà đã từng quen biết mẹ chúng tôi cũng nên ?
Quê này là quê của lúa, chứ không phải quê của mía, lạc, hay dong, riềng, tôi đoán vậy, vì thấy ngay dấu vết của những vụ gặt với những nông cụ treo ở đầu nhà, với cối giã gạo, vựa thóc, chuồng trâu bò, và những đống rơm cao ngất.
Bác và cậu tôi gọi bà chủ nhà là bà Lý. Bà chỉ trạc độ ngoài 50 tuổi, nét mặt còn đẹp, nhưng vì nhiều nếp nhăn nên trông hơi khắc khổ. Ông Lý cũng vừa ở trong nhà đi ra, trông ông nhỏ nhắn, hiền lành, người có vẻ ít nói, nét mặt buồn buồn như có một tâm sự gì đó. Mấy ngày sau, tôi được biết ông có một người vợ bé bán hàng ở chợ Bông, nhưng bà vợ bé này không bao giờ được bà Lý công nhận, nên ông Lý khổ tâm lắm. Bà Lý ăn ở với ông được một mụn con gái, người rất xinh đẹp, nhưng lại hơi dở người, nên không ai dám hỏi, dám lấy. Bà vợ bé có được một người con trai với ông Lý, anh ta người cần cù dễ thương, được bà Lý rất tin yêu, mọi việc trong nhà anh đều giúp bà quán xuyến hết.
Vào đến mấy gian nhà ngang, nơi bà ngoại và một vài gia đình trong họ ngoại tôi ở từ khi tản cư về đây, tất cả mọi người từ lớn chí bé, như biết trước, nên đã tụ họp đông đủ để chờ đón chúng tôi. Nỗi vui mừng được gặp lại nhau sau hơn một năm trời cách biệt, thật không sao tả xiết. Những ngày vui ở Thái Hà Ấp, khi mẹ tôi còn sống, lại như được gợi lên trong trí óc mọi người. Những người cùng họ, nhưng trước kia vẫn ở lại dưới quê, cũng chạy đến thăm hỏi ân cần. Ai cũng bảo chúng tôi sao mà giống mẹ thế !

Những ngày ngắn ngủi mà chúng tôi được ở lại chơi bên Bông với bà và họ hàng bên ngoại là những ngày đầy kỷ niệm êm đềm. Ngày ấy, cái tình của chúng tôi đối với nhau bên họ ngoại còn rất là mạnh, và trong sáng, chưa có một chấm đen nào xuất hiện ở chân trời. Mãi đến sau này, tôi vẫn không hiểu được tại sao cái tình đó đã có thể có được ở bên họ ngoại, mà lại không có được ở bên họ nội. Có lẽ tất cả chỉ vì cái cơ cấu đại gia đình của bên họ nội, đã gây nên cảnh xâu xé nhau để tranh giành quyền lợi, nhất là khi uy quyền của thầy tôi, người chủ gia đình, đã giảm sút, và tình hình làm ăn bắt đầu xấu đi. Nhưng rồi ngay cả đến cái tình trong lành của những người bên họ ngoại cũng đã bị rạn nứt , mất mát đi trong cơn bão lốc của chiến tranh và trong những biến cố xảy đến sau này, vào năm 1955, do những sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất.
Ngày ấy, cả mấy gia đình bên họ ngoại nhà tôi ở Hà Nội và ở Thái Hà Ấp đều tản cư về làng Bông, nên bọn trẻ, các anh chị em con cô con cậu chúng tôi đông lắm, suốt ngày cứ quấn quít lấy nhau đùa nghịch, khi thì ngồi quây quần ca hát, khi thì đi chơi quanh quẩn ngoài bờ ao, bờ đê, thả diều, săn rắn, bắt ếch, khi thì đi theo anh Nhân, con ông chủ nhà, cho trâu ra ăn cỏ ở ngoài đồng.
Riêng tôi, hay được cậu Bảy tôi cho đi theo bắn chim với một cái ná. Chiếc ná bằng gỗ quý, không biết cậu tôi lục tìm được ở đâu ra, hãy còn bám bụi, chắc là của ông ngoại, hay của cụ tổ nào để lại ở đây. Lần đầu tiên, tôi được cầm một cái ná, thấy cũng nguy hiểm, vì biết sức mạnh của nó. Cậu tôi cho tôi bắn thử trước vào những gốc cây ở chỗ vắng người. Tôi đứng cách xa đến mười thước, mà mũi tên cắm ngập vào thân cây đến năm sáu phân. Đường tên đi thẳng và mạnh. Tôi nghĩ bụng, mũi tên này bắn thú rừng cũng phải chết, chứ không nói gì đến bắn chim !
Vui nhất là những ngày có phiên chợ Bông. Không có một phiên chợ nào mà chúng tôi không rủ nhau đi cho bằng được. Chợ Bông là chợ to nhất ở vùng này, nên nhiều hàng lắm, nhất là hàng quà ! Đi chợ ở đây nhiều khi bắt gặp cả những người Hà Nội tản cư về vùng này. Mỗi lần có phiên chợ như vậy là anh Nhân, con bà vợ bé của ông Lý, lại tìm cách ra đây để gặp mẹ mình. Bà mẹ ngồi bán hàng ở đây, trông người hiền lành, phúc hậu. Cảnh mẹ con anh Nhân gặp nhau gần như lén lút ở mỗi phiên chợ, lại làm cho chúng tôi càng thêm ái ngại.

Hình ảnh cuối cùng về quê ngoại của tôi, là hình ảnh một buổi chiều trên bờ đê, trước hôm chúng tôi lên đường về Dũng Kim.
Chiều hôm đó, ba người chúng tôi, chị Thanh, anh Nhân và tôi, cho trâu ra ăn cỏ ở ngoài bờ đê cách làng không xa. Chúng tôi ngồi nói chuyện trên bãi cỏ ven đê cho đến khi mặt trời sắp lặn, nhưng ở đằng chân trời vẫn còn những áng mây màu sáng chói. Bầu trời trong xanh, cao lồng lộng. Chợt chúng tôi ngừng nói chuyện. Chị Thanh và anh Nhân nhìn nhau, rồi chị bỗng nói với tôi bằng một giọng cảm động : "Mai em về bên ấy rồi, không biết đến ngày nào chúng mình mới gặp lại nhau. Bây giờ em có ước nguyện một điều gì không, em cứ nói đi…". Tôi nhìn vào đôi mắt sâu thẳm của chị mà không biết nói gì, ước gì. Làm sao mà tôi biết được rằng, ngay từ ngày mai đây, số phận sẽ bắt chúng tôi phải xa nhau mãi mãi. Làm sao mà tôi biết được rằng rồi ra chiến tranh sẽ làm thay đổi hết cả, ngay cả cái tình của chúng tôi đối với nhau ngày ấy, ngay cả những con người hiền lành, chất phác bên họ ngoại nhà tôi ?
Nhìn lên bầu trời đang thẫm dần và bắt đầu điểm những vì sao lấp lánh, tôi thầm cầu nguyện cho chị Thanh gặp nhiều hạnh phúc. Chị Thanh và anh Nhân, hai con người cùng cảnh ngộ, bây giờ đã gặp được nhau ở đây, xem ra ý hợp tâm đầu lắm, tôi thầm mong cho họ lấy được nhau. Nghĩ trong bụng thế, nhưng rồi tôi cũng không biết nói gì cả. Riêng phần tôi, không biết ước ao gì cho mình lúc bấy giờ… Cuối cùng, chị Thanh lấy ở trong túi ra một chiếc mùi xoa bằng lụa do chính tay chị thêu, và bảo đó là của anh Nhân và của chị cùng tặng tôi làm kỷ niệm.
Nắng chiều vẫn chưa tắt hẳn trên mặt đê khi chúng tôi đánh trâu trở về.
Nhiều năm về sau, tôi vẫn còn nhớ mãi cái kỷ niệm buổi chiều hôm ấy, và tôi vẫn tự hứa với mình bao giờ sẽ trở về thăm lại làng Bông, thăm lại cái nôi của họ ngoại, và sống lại những buổi chiều êm ả nơi quê mẹ.

Xem tiếp: Chương 19

Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa
Chương 13: Những nhớ thương ngày cũ
Chương 14: Cái chất lãng mạn tuyệt vời
Chương 15: Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật
Chương 16: Đồng chiêm
Chương 17: Về thăm quê cũ

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss