Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Về thăm quê cũ

Hồi ức tuổi thơ: Về thăm quê cũ

- Văn Ngọc — published 13/03/2011 11:38, cập nhật lần cuối 27/03/2011 23:02
- Chương 17 -

Về thăm quê cũ


Văn Ngọc

Tôi về thăm quê nội Hà Nam, nhân dịp được mời về làm việc với một cơ quan chuyên môn ở trong nước, vào dịp hè năm 1984, sau hơn ba muơi bảy năm xa cách. Tôi về đúng giữa thời kỳ kinh tế đang khó khăn, nên những cảm nhận của tôi vào lúc ấy cũng có phần nào hơi bị lệch lạc. Sau này, tôi mới biết rằng, đó là những năm trời khó khăn nhất, từ sau 75. Nhưng lúc đó quả thật là tôi đã không nén nổi xúc động trước những điều mà mình trông thấy tận mắt.
Từ huyện Lý Nhân về làng Dũng Kim, quê nội của tôi, chỉ còn vài cây số. Xưa kia, hồi năm 1947 tản cư về đây, tôi đã nhiều lần lên chợ huyện chơi, và vẫn biết khúc đê Nga Khê này, nhưng bây giờ thì chịu không còn nhận được lối về làng nữa. Ba mươi lăm năm rồi còn gì !
Tôi chỉ còn nhớ mang máng rằng con đường này ngày ấy đã được đào "hố chữ chi" từ đê về suốt tới quá làng tôi để phòng chống xe tăng đổ xuống càn quét.

Ông Thuyên, một cán bộ tỉnh, cùng quê Lý Nhân, đi với tôi, cho biết một cách tự nhiên là làng Dũng Kim bây giờ không còn gọi là Dũng Kim nữa, mà đã nhập với một bộ phận của làng Mạc để trở thành làng Chính Lý. Cái tên Chính Lý xa lạ quá, thoạt đầu làm tôi ngỡ ngàng. Tôi không kịp hỏi ông Thuyên về nguồn gốc của cái tên mới này, nhưng rồi tự nhủ : có cuộc cải tạo, quy hoạch nông thôn nào mà lại không có những chuyện gom ghép thôn xóm lại với nhau ? Ông Thuyên còn cho biết : thôn thượng làng Dũng Kim, tức thôn nhà tôi, lẽ ra phải dời sang bên kia đường cái để thực hiện kế hoạch cải tạo này, nhưng dân làng ở đây chưa chịu dời đi, mặc dầu ở bên kia đất đai thuận lợi, người ta làm ăn phát đạt lắm.
Nói chung, vùng Lý Nhân này bây giờ làm ăn khá hơn ngày xưa, nhất là bây giờ người ta biết kết hợp nông nghiệp với trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cây đay. Đay ở vùng này bây giờ nổi tiếng cả tỉnh. Cây đay to, khoẻ, năng suất cao. Trước kia, vùng quê tôi chỉ trồng toàn mía, lạc, khoai lang, đỗ tương và dong, riềng. Không có lúa. Ngoài ra, cây ăn quả có cam, quít, na, nhưng tôi chưa bao giờ trông thấy một khu vườn trồng cây ăn quả với quy mô lớn, có lẽ vì cây ăn quả đòi hỏi quá nhiều công chăm bón.
Trên con đường từ huyện về làng, tôi không còn nhận ra bộ mặt quen thuộc của nông thôn thời niên thiếu nữa. Mùa này lại đương mùa đay, nên hai bên đường chỉ rặt đay và mía. Những ruộng thấp như ruộng lạc, ruộng khoai ngày trước hình như cũng ít đi, hoặc giả bị che lấp ở phía sau mà tôi không nhìn thấy.
Về đến đầu làng, tôi chưa kịp nhận ra được đường lối, thì người dẫn đường đã bảo anh lái xe đỗ lại. Chúng tôi đi bộ vào xóm. Đi được vài bước đã gặp ngay một đám người đang làm việc dưới ruộng nước. Tôi lên tiếng hỏi:
- Các bác làm ơn cho tôi hỏi thăm đường vào nhà cụ Tường ạ.
Có tiếng ai hỏi lại từ dưới ruộng:
- Ai đấy ?
Tôi vui vẻ đáp:
- Tôi là con út của cụ Tường đây.
Thế là cùng một lúc nhiều tiếng reo lên:
- À, có phải cậu Ngọc đấy không ?.
Rồi một người, chắc là chỗ quen biết gần, chỉ cho tôi:
- Kìa, chị trưởng Tôn kia kìa.
Anh chị trưởng Tôn là những người được thầy tôi giao cho trông nom ngôi nhà và vườn tược ở nhà quê từ nhiều năm nay, từ trước khi có chiến tranh. Anh trưởng Tôn trước kia giúp việc cho thầy tôi ở trên Hà Nội, và là người rát thành thạo trong nghề làm đồ da. Chúng tôi vẫn thường coi anh chị như những người thân thích trong nhà. Hồi tản cư về đây, chúng tôi đã sống gần anh chị trong hai năm trời.
Nhìn về phía cuối đường, chỗ rẽ vào xóm theo tay chỉ, tôi thấy một bà lão chống gậy lom khom đương chăm chú nhìn về phía mình. Tôi đi lại gần và nhận ra chị trưởng Tôn, mặc dầu chị đã già yếu đi nhiều. Tôi hỏi thăm đến anh trưởng, thì được biết anh đã qua đời từ ba năm nay. Tôi bùi ngùi, tiếc đã không được gặp lại anh. Không hiểu sao, trước đây tôi vẫn đinh ninh rằng về Dũng Kim thế nào cũng sẽ gặp lại ít ra là anh trưởng Tôn, vì hồi tôi đi anh mới chỉ độ ngoài ba mươi, người lại lực lưỡng khoẻ mạnh vào bậc nhất trong làng.
Trông chị trưởng Tôn với thân hình tiều tuỵ trong chiếc áo cánh nâu đã cũ rách, tôi càng thêm ái ngại. Nét mặt vất vả, đau thương, của chị nói lên những khó khăn mà chị đã trải qua, nhất là anh ấy lại vừa mới mất, và thằng Tuẫn, đứa con nuôi duy nhất của chị, bây giờ cũng đi biệt, chẳng mấy khi về thăm làng nữa.
Chị trưởng Tôn giờ đây đứng trước mặt tôi như hiện thân của một "thực tế" mà tôi không chờ đợi ở làng quê này sau 37 năm trời xa cách. Trong tâm tư của tôi, như có một sự gì mâu thuẫn: một mặt tôi trở về làng cũng mong tìm thấy lại những kỷ niệm xưa, nhưng mặt khác tôi lại chờ đợi và ước mong có những đổi thay khả dĩ có thể tạo nên bộ mặt mới của nông thôn miền Bắc.
Không phải là tôi không biết rằng làng Dũng Kim xưa kia vẫn nổi tiếng là nghèo. Đất ruộng ở đây vốn vẫn là đất bạc mầu, mỗi nhà lại chỉ được chưa đầy ba sào để cày cấy, cho nên suốt năm người dân làng phải ăn cơm độn ngô và khoai, có khi phải ăn củ dong, củ bột trừ bữa. Thêm vào đó là những tệ nạn của thời trước:  rượu chè, cờ bạc, ăn trộm, ăn cướp, v.v. Bây giờ chắc hẳn những tệ nạn này không còn nữa, nhưng cái bóng đêm của nghèo nàn, lạc hậu, thì như vẫn còn lởn vởn ở đâu đây. Tôi đọc thấy nó trong đôi mắt đục lờ và trong đôi bàn tay gầy guộc, run rẩy, của người quả phụ đứng trước mặt tôi.
Tôi đi theo chị trưởng Tôn vào xóm, qua những lối ngõ chật hẹp, hai bên là ruộng mía và ruộng đay. Tôi không còn nhận ra đường lối trong làng nữa, và cảm thấy hơi ngột ngạt. Thời niên thiếu chắc hẳn tôi đã từng yêu thích những con đường đất nhỏ hẹp này, khi còn biết "dẫm chân đất", chạy chơi, len lỏi qua những bờ bụi.
Đi chưa được mấy bước đã đến nhà anh Mộc, người "trai làng" duy nhất còn lại ở làng, mà trước kia tôi đã từng quen biết. Anh Mộc, cũng như hầu hết tất cả trai tráng trong làng, trước kia cũng đã từng lên Hà Nội làm việc với thầy tôi một thời gian trong nghề làm đồ da. Sau này anh tham gia cách mạng và giữ một chức vụ khá quan trọng ở địa phương. Bây giờ anh đã về hưu. Các anh ở trên huyện cho tôi biết rằng bây giờ ở làng chỉ còn có anh Mộc là người có thể cho tôi những thông tin chính xác về dòng họ nhà tôi, điều mà tôi vẫn muốn tìm hiểu từ lâu, vì những cụ bô lão bây giờ không còn ai nữa.
Tôi nhìn anh Mộc nhận ra được ngay, nhưng anh không nhận ra được tôi. Tôi nhìn người thanh niên ngày xưa mà hình ảnh còn nguyên vẹn trong trí nhớ, bây giờ đã trở thành một ông già, tuy vẫn còn khoẻ mạnh. Trong ngôi nhà tranh đã bắt đầu cũ nát, mà tôi chắc cũng chỉ là ngôi nhà của gia đình ông cụ thân sinh ra anh để lại, vẫn cái khung cảnh nghèo nàn, trống trải của phần lớn những nếp nhà tranh trong làng ngày trước. Tôi bỗng có cảm tưởng hình như ở đây không có sự gì thay đổi cả : vẫn chiếc bàn gỗ màu đã ngả đen ở gian giữa, trên đó để cây đèn dầu lạc nhỏ, bát điếu, bộ ấm chén và phích nước đã cũ, mất cả nắp. Ngoài ra đồ đạc không có gì cả.
Tôi hỏi thăm qua một lượt tình hình làm ăn sinh sống của những người trong làng, trong họ, rồi xin phép đi sang ngôi nhà cũ của thầy tôi. Cái ý định tìm hiểu về gốc gác họ hàng nhà mình ở nhà quê dường như đã bị quên lãng đi từ lúc tôi về tới đây.Trên đường đi qua những lối ngõ nhỏ trong làng, tôi hồi hộp không biết ngôi nhà và khu vườn cũ của nhà mình ngày xưa bây giờ ra sao. Chợt chị trưởng Tôn cho biết : ngôi nhà và vườn tược của thầy tôi, Thể người cháu đích tôn con anh cả tôi, cách đây vài năm đã bán đi rồi, bây giờ cháu về hưu ở dưới Nam Định. Chị nói với một giọng bình thản. Tôi nghe như có một cái gì nhói ở trong tim, nhưng rồi tôi lại nghĩ : nếu Thể bán ngôi nhà, ngôi vườn này, hẳn phải có lý do, cũng có thể Thể nghĩ rằng rồi ra đằng nào thì thôn này cũng sẽ phải dời đi nơi khác, thì giữ lại cái cơ ngơi này để làm gì ? Cũng có thể vì gia đình Thể gặp lúc khó khăn, thiếu thốn ? Và tôi cho rằng Thể làm như vậy cũng có lý.

Đến bên ngôi nhà cũ lúc nào mà tôi cũng không hay, vì chẳng còn dấu tích gì nữa để mà nhận biết. Qua ngõ nhà chị Bẻo ở ngay sát nhà tôi, tôi lên tiếng hỏi thăm chị, thì chị đã từ trong nhà chạy ra chào hỏi vồn vã. Chị Bẻo ngày xưa có đôi mắt tuyệt vời, to và trong như nước hồ thu. Thời kỳ chúng tôi tản cư về đây, chị vẫn làm xôi lạc bán cho chúng tôi ăn, và quý mến chúng tôi lắm. Bây giờ tôi không còn nhận ra cặp mắt ấy nữa, nhưng trông chị có vẻ làm ăn phát đạt hơn xưa, người béo tốt khoẻ mạnh, mặc dầu mái tóc đã bạc đi nhiều.
Chị trưởng Tôn chỉ vào hai gian nhà gạch bỏ hoang, không còn mái, không còn cửa, hỏi tôi : "Đấy, cậu có còn nhớ không nào ?". Nhìn một lúc, tôi mới nhận ra được đó là căn nhà ngang và căn nhà bếp nằm quây quanh chiếc sân đằng sau ngôi nhà hai tầng ngày xưa. Cái giếng nước vẫn còn ở góc sân. Bây giờ cả chiếc sân đã biến thành một bãi trồng khoai lang và củ dong, củ riềng. Ngôi nhà hai tầng không còn nữa. Người ta đã dỡ đi không biết từ bao giờ cả từ viên gạch nhỏ. Ngay cả cái nền gạch trước kia cao đến hơn một thước, nay cũng đã bị phá đi, chỉ còn lại bức tường cao độ năm tấc bao xung quanh. Trên cái nền đất ấy bây giờ người ta cũng trồng khoai lang. Tất cả khu vườn cảnh đằng trước ngôi nhà nay đã biến thành một bãi riềng. Tôi không còn nhận ra được một cây hoa, hay cây ăn quả nào của ngôi vườn ngày trước nữa. Chiếc cổng gạch bây giờ cũng không còn. Mía đã được trồng vào sát tận bên trong ranh giới của ngôi vườn cũ.
Tôi tìm mãi không thấy được dấu vết của những bậc thang bằng đá ở trước thềm nhà. Xưa kia, nơi đó là chỗ chúng tôi vẫn hay ngồi nhìn xuống ngôi vườn đằng trước có cây hoa lan tiêu với hương thơm ngọt ngào, cây hoa mộc với hương thoảng nhẹ, và những cây hoa nhài vừa thơm vừa đẹp dịu dàng, nhất là vào những đêm sáng trăng.
Khu vườn phía đông xưa kia đầy cam quít và na, nay cũng chỉ trồng toàn là những thứ dong, riềng, và chuối. Quang cảnh khu vườn bây giờ trông um tùm, hoang dại, chắc hẳn vì thiếu người chăm sóc. Trong giây phút bồi hồi, tôi không kịp nghĩ đến đi vòng ra phía sau nhà, qua ngõ nhà bà Bình để đi ra bờ sông như hồi còn bé. Tôi chẳng còn lòng dạ nào để đi xem tiếp nữa, thôi đành để đến một dịp khác vậy, tôi sẽ dành nhiều buổi để về thăm lại dòng sông cũ.
Tôi sẽ dành những buổi sáng thức dậy thật sớm để ra sông xem thuyền chài đánh cá, nghe tiếng gõ nhịp lên mạn thuyền vang trên mặt sông và nhìn những vó lưới kéo lên những mẻ cá thầu dầu óng ánh bạc, ngon lành, hoặc ra đồng đùa nghịch với những giọt sương mai còn đọng trên những tàu lá ngô, lá mía, hay trên những hòn đất mới được cày vỡ.
Và tôi sẽ dành những buổi chiều thật êm ả để ra đứng nhìn bầu trời đầy màu sắc in lên mặt nước sông phẳng lặng như một tấm gương.
Tôi đi quay trở ra phía đầu làng để kịp về Hà Nội, trong lòng bâng khuâng, vui buồn khó tả. Tôi bâng khuâng không phải vì ngôi nhà cũ của thầy tôi không còn nữa. Dũng Kim sẽ không phải vì thế mà mất mát đi trong trái tim tôi. Cũng không phải vì mọi sự đã đổi thay không như tôi đã tưởng tượng, mà chính vì tôi thấy ở quê mình hình như đã có quá ít sự thay đổi sau ba mươi bảy năm.
Nhiều câu hỏi quay lộn trong đầu, mà tôi chưa tự giải dáp được. Lẽ ra tôi phải lấy thì giờ để nhìn sâu vào từng chi tiết của sự việc, tôi phải đi hỏi thăm từng nhà, từng người trong làng, trong họ, cho kỹ hơn về làng nước, về đời sống làm ăn của mọi người trong những năm qua. Có thể tôi đã không đủ tỉnh táo để nhìn thấy hết những gì đã thay đổi và chưa thay đổi ở quê tôi, nhưng rõ ràng là quê tôi còn nghèo lắm, so với nhiều làng xã khác mà tôi đã được đi thăm.

Bầy trẻ trong làng từ nãy vẫn quấn quít theo tôi, giờ như kéo ra đông thêm, đứng chật cả sân đình. Xưa kia làng tôi không có nhiều trẻ em như vậy. Nhìn bầy trẻ khoẻ mạnh, mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, đùa nghịch một cách hồn nhiên, tôi bỗng thấy vui hẳn lên. Một ngày kia, làng Dũng Kim, quê tôi, có lẽ cũng vẫn sẽ tiếp tục sống mãi với các em và trong kỷ niệm của các em, cũng như trong niềm thương nhớ của những đứa con lưu lạc ở khắp bốn phương trời.
Ngôi đình thầy tôi xây ngày xưa trông vẫn còn tươm tất. Chiếc ao đình trông sạch sẽ hơn ngày trước. Đình chùa miếu mạo ở làng đều do thầy tôi cúng tiến vào những năm 33-34. Hai tấm bia đá ở mặt trước đình khắc chữ nho và chữ quốc ngữ ghi đình này nguyên có từ đời Hùng Vương. Anh Thuyên cho biết gần đây ngôi đình đã được xếp vào những công trình lịch sử của tỉnh.
Tôi ngoảnh nhìn một lần cuối về phía ngôi nhà cũ của thầy tôi, bây giờ không còn dấu tích gì nữa. Những bức tường trắng nổi bật trên những khóm tre xanh ngày nào sẽ chỉ còn hiện về trong những giấc mơ và hình ảnh quê nội thời niên thiếu cũng sẽ chỉ còn nguyên vẹn trong kỷ niệm.
Giờ đây, quê tôi là những ruộng đay, ruộng mía, mọc chen nhau đến tít tận chân trời. Nhưng tôi biết chắc rằng, ở đằng sau những ruộng đay, ruộng mía ấy, vẫn có một dòng sông đang lặng lẽ trôi, và đang uốn mình dưới nắng như một dải lụa bạc.


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa
Chương 13: Những nhớ thương ngày cũ
Chương 14: Cái chất lãng mạn tuyệt vời
Chương 15: Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật
Chương 16: Đồng chiêm

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss