Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Hồ sơ / Hồi ức tuổi thơ - Văn Ngọc / Hồi ức tuổi thơ: Đồng chiêm

Hồi ức tuổi thơ: Đồng chiêm

- Văn Ngọc — published 06/03/2011 09:56, cập nhật lần cuối 27/03/2011 23:06

- Chương 16 -

Đồng chiêm


Văn Ngọc

Gia đình nhà tôi tản cư về quê nội Hà Nam thấm thoát đã được một năm. Làng tôi ở ngay gần đường số 1, đường chiến lược nối liền Hà Nội với Nam Định, cho nên hay bị càn quét. Lần cuối cùng, cách đây không bao lâu, chúng tôi đã phải chạy dạt vào đến tận Duy Tiên và ở nhờ dân làng Giáp Ba mấy tháng trời, chờ cho yên rồi mới dám quay trở về làng mình.
Lần này trở về Dũng Kim, ngôi nhà gạch hai tầng của thầy tôi đã bị phá tan hoang. Không còn chỗ ở nữa, chúng tôi phải ở cái nhà ngang, trước kia dành cho gia đình vợ chồng anh trưởng Tôn, người trông nom vườn tược cho thầy tôi từ ngày xưa. Anh trưởng Tôn trước kia, cùng với anh Thém (xem Hà Nội những ngày khói lửa), là thợ cả trong xưởng làm đồ da của thầy tôi ở trên Hà Nội trong nhiều năm, nên anh đối với chúng tôi rất là thân thiết. Bây giờ cả hai gia đình cùng ở chung dưới một mái nhà, nhưng nhà nào vẫn giữ nếp sinh hoạt của nhà nấy.
Gia đình anh chị trưởng Tôn làm lụng quần quật suốt ngày, sáng dậy từ bốn năm giờ sáng để ra đồng, hay lên vườn làm việc, mà quanh năm chỉ ăn dong, ăn khoai. Đây cũng là cái cảnh nghèo khổ chung của phần lớn dân làng tôi, nhất là từ khi có chiến tranh, trai tráng trong làng trước kia ở trên Hà Nội làm nghề đồ da với thầy tôi, nay không có việc làm nữa, phải trở về quê làm ruộng, hoặc đi bộ đội.
Còn gia đình nhà tôi là dân buôn bán ở trên tỉnh, bây giờ về đây không biết làm gì cả, mà tiền ăn thì cứ ngày một cạn dần. Thầy tôi lúc chạy đi chỉ mang theo được có một số tiền nhỏ, tiêu chưa được mấy tháng đã hết. Ruộng nương ở nhà quê, thầy tôi cho họ hàng làng nước làm, từ bao nhiêu năm nay không bao giờ lấy của ai một đồng xu nào, bây giờ về đây, mặc dầu gặp bước khó khăn, nhưng cụ cũng không muốn đòi hỏi gì của ai hết. Tính cụ khí khái đã quen, chỉ biết cho thôi, chứ không biết ngửa tay xin ai cái gì bao giờ cả, nhất là đối với những người mà cụ coi vào hạng đàn em trong làng. Đối với người làng này, cụ vẫn được coi như một thần tượng, một mình tay trắng làm nên, đã cưu mang, dạy nghề làm đồ da cho hầu hết trai tráng trong làng từ hai ba thế hệ nay. Cụ cũng đã là người xây đình, xây miếu, xây chùa, đào ao, đào giếng, cho làng.
Ngôi nhà gạch hai tầng, mới ngày nào còn là nơi đoàn tụ của mấy gia đình từ Hà Nội, Hải Phòng, tản cư về đây, bây giờ chỉ còn lại những bức tường không có mái che và những khung của sổ trống hốc, nhìn thấy trời. Nhưng rồi chúng tôi cũng quen đi với khung cảnh mới. Cuộc đời tản cư vẫn cứ tiếp tục và chúng tôi sẽ còn phải trải qua nhiều thử thách khác nữa.
Từ sau khi làng tôi bị quân Pháp càn quét lần cuối cùng, và hàng loạt tai hoạ đã xảy ra ở đây, một không khí lo âu đè nặng lên xóm làng và trong tâm tư mọi người.

Lúc này, gia đình nhà tôi bắt đầu túng thiếu thật sự. Một ông "chú" họ, có máu mặt ở xóm đạo bên kia sông, nhận lời mua lại của thầy tôi tất cả đống vì kèo bằng gỗ tứ thiết dỡ ra từ ngôi nhà tây cũ. Nhưng với vài ngàn đồng lúc bấy giờ, ăn cũng không được bao lâu. May mà ở quê tôi cá mú, thịt thà cũng rẻ, rau cỏ lại càng không hiếm. Ngay đằng sau nhà chúng tôi có con sông gọi là sông Tắc. Trên sông có xóm chài cũng thuộc xã Dũng Kim. Dân xóm chài không phải gốc gác vùng này, nghe đâu lưu lạc từ trong Thanh, trong Nghệ ra. Mỗi sáng, chúng tôi ra bờ sông đón mua những mẻ cá tươi còn nhảy ở trong rổ, mà giá có vài hào bạc. Đất quê tôi là đất bồi, đất phù sa, cho nên đây chính là quê của lạc, của mía, của đỗ tương, của khoai lang, dong, riềng, của su hào, bắp cải, cải ta, v.v. Cho nên, mặc dầu trong nhà túng thiếu, nhưng chúng tôi cũng chưa đến nỗi chết đói.
Tôi còn nhớ mãi những bữa cơm thanh đạm, cả về chất lẫn lượng, nhưng vẫn giữ được cái phong cách Hà Nội, với những món ăn rất thường, như tôm rang, dộng rang, cà nén, cà dầm tương, canh mướp, canh rau muống, đậu rán chấm tương, trứng bác với tương, lạc rang chấm nước mắm, v.v. toàn dùng những thực phẩm rẻ tiền mà ở Hà Nội chúng tôi cũng vẫn thường ăn. Lâu lâu, chị tôi cho ăn sang hơn, bữa cơm có cả thịt gà (do chúng tôi nuôi), cá dầu rán, cá bống kho, v.v.
Làng tôi ở một vị trí tương đối hẻo lánh, nên chúng tôi từ khi về đây không hay biết một tí gì về tình hình chiến sự chung. Tin tức bên ngoài không mấy khi lọt được tới đây, báo chí cũng tuyệt nhiên không có để mà đọc. Hoạ hoằn, khi nào anh tôi đi đâu xa về, mới có được một vài chuyện để kể cho cả nhà nghe.
Tình hình đã đến lúc phải kiếm ra một việc gì làm ở đây để sinh sống. Trong thời gian ở nhờ trong huyện Duy Tiên, chúng tôi được biết là ở làng Đọi Lĩnh, ngay dưới chân núi Đọi, người ta có nghề kéo sợi, dệt vải, làm ăn phát đạt lắm. Một gia đình trước kia cũng là thương gia ở Hải Phòng, chạy cùng với chúng tôi từ Dũng Kim vào Duy Tiên, đã sắm guồng và mua con bông về cho con cái làm thử, thấy cũng dễ, nên mách cho chúng tôi cùng làm. Thế là tôi được cử sang Duy Tiên học nghề để về dạy lại cho cả nhà. Lúc ấy tôi mới mười ba tuổi. Được thầy tôi và anh chị tôi giao cho nhiệm vụ quan trọng này, trong bụng lấy làm hân hoan, sung sướng lắm, tôi đi một mình sang Duy Tiên vì đường lối đã quen thuộc từ trước rồi. Vài ngày sau, anh tôi vào đón tôi ra. Hai anh em mang theo về một chiếc guồng làm mẫu. Thầy tôi nhờ anh trưởng Tôn đóng ngay cho ba chiếc khác giống như hệt.
Anh trưởng Tôn trước kia đã làm thợ da lâu năm với thầy tôi, sau về nhà quê lại quen với những công việc đan lát, làm các dụng cụ bằng tre, nên anh khéo tay lắm. Anh chỉ nhìn qua chiếc guồng mẫu một lần, rồi lẳng lặng vác con dao rựa đi đẵn một cây tre về. Thế là chỉ nội trong ngày hôm sau, anh đã làm xong ba chiếc guồng mới tinh, để cho ba chị em chúng tôi bắt đầu truyền nghề cho nhau và đi vào sản xuất. Khoảng một tuần lễ sau, chúng tôi đã kéo được mẻ sợi đầu tiên đem vào trong Đọi Lĩnh bán. Mọi sự trôi chảy cả, người ta còn khen là sợi của chúng tôi quay khéo nữa. Chỉ có một điều là tiền lời lãi thu vào không được là bao nhiêu so với công sức bỏ ra. Về nhà ai nấy đều thấy là không bõ, thế là cái dự án đó bị dẹp đi.
Ít lâu sau, một người trong làng, cũng là thợ cũ của thầy tôi, rủ anh tôi đi vào Nho Quan, Hoà Bình buôn nứa, rồi chở nứa về đến sông Cái bán. Thầy tôi bằng lòng để cho anh tôi đi với một cái vốn là 500 đồng. Mười lăm ngày sau, anh tôi chở được bè nứa về đến chỗ ngã ba Chợ Sông, rồi nhắn người về qua làng báo cho chúng tôi biết, và xin phép thầy tôi cho tôi đến thăm bè nứa của các anh. Gọi là "bè nứa", nhưng thật ra đây là những cây bương, thân rất to và thẳng, trông thật sướng mắt. Thân cây bương, như còn mang theo cái dư hương hoang dại của núi rừng. Tôi được ngủ một đêm trên bè nứa, vừa thích, nhưng cũng vừa sợ, vì nằm giữa trời, xung quanh trống trải, bè không có khoang, không có mái, trong đêm khuya bến sông mênh mông, tối như mực, chỉ thấy ở tít tận đằng xa một vài chấm lửa, và thỉnh thoảng lại nghe thấy những tiếng bì bõm như tiếng con vật gì đang bơi lội ở dưới nước.
Chuyến đi buôn nứa của anh tôi rốt cục cũng chẳng ăn thua gì, vì tính ra cũng được quá ít lời lãi, mà lại tốn không ít công sức. Anh lại xin phép thầy tôi, vác ba-lô đi về những vùng Diêm Điền , chợ Đại, v.v. Đương tuổi thanh niên, lúc đó anh tôi thực ra chỉ mới có mười tám tuổi, nhưng đã được đi nhiều nơi ở hâu phương, và anh hay kể cho tôi nghe những chuyện vui anh gặp ở dọc đường. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những câu chuyện những ngày đầu kháng chiến, dân thành thị ra ngoài rồi gặp lại nhau ở những nơi buôn bán sầm uất, nhộn nhịp như : Đồng quan, Vân Đình, Chợ Đại, v.v. Có một dạo anh được đi theo đoàn ca kịch Khu Ba sang đến tận Thái Bình, lấy làm thích thú lắm.

Một hôm, ông Bá Mỹ, chủ tịch Uỷ ban hành chính xã Dũng Kim dẫn một anh cán bộ tỉnh, dáng người Hà Nội, đến chơi nhà thầy tôi. Chị tôi nhận ra anh là một sinh viên đại học đã cùng học với chị ở Hà Nội. Hai người trò chuyện lân la đến chuyện chị tôi muốn tìm một chỗ dạy học. Anh cán bộ cho biết là ở Bối Cầu, cách Dũng Kim chừng 30 cây số, vừa mới mở một trường trung học, chị tôi có thể xin vào đấy dạy được. Anh viết giấy giới thiệu và chỉ cho chị tôi đường đi Bối Cầu.
Thế là vài ngày sau, một sáng sớm, chị tôi và tôi khăn gói lên đường đi Bối Cầu, trong lòng nửa mừng, nửa lo. Mừng vì thấy loé ra một chút hi vọng, còn lo vì sang bên ấy lạ nước, lạ cái, không biết người ta như thế nào, và cái trường kia ra sao. Nhưng đã đến nước này, thì đành phải liều thôi.
Hai chị em bước rảo, không ai nói với ai nửa lời. Chị tôi tính tình rất cương quyết, đã định việc gì thì như đinh đóng cột. Bây giờ chỉ còn một nước là đi tới thôi, không còn thể nào do dự được nữa.
Vừa đi, tôi vừa nghĩ ngợi, vừa thương cho chị, mà cũng vừa lo cả cho phận mình. Hơn một năm nay, tôi không có được lấy một cuốn sách để đọc, hay để học. Thật ra, từ ngày tản cư về đây, chưa có lúc nào tôi thấy buồn chán. Cuộc sống ở nông thôn đã dạy cho tôi nhiều cái mới lạ, khơi dậy trong tôi những tình cảm sâu kín của mình đối với thiên niên, đối với đồng ruộng… Sau này, nghĩ lại tôi càng thấy rằng không thể có bài học nào quý báu hơn là bài học ấy.
Chúng tôi đi qua những xóm làng chưa hề đặt chân tới, mà dường như đã quen biết từ lâu. Vẫn những vòm tre rậm rạp, gần gũi, vắt ngang qua những con đường đất, hai bên là những bụi xương rồng, bụi mây, hay bụi râm bụt, đằng sau là những vườn cam, quít. Chúng tôi vừa đi vừa hỏi đường, thỉnh thoảng lại dừng lại nghỉ ở một quán hàng nước bên đường, dưới gốc đa, gốc gạo.
Đi mãi, đến một nơi giống như một con đê nhỏ. Đằng trước mặt chúng tôi mở ra một khoảng trống bao la. Ánh sáng ở đây làm loá mắt. Nhìn xuống hai bên là đồng chiêm, nước ngập đến tận chân trời. Gió ở đây cũng nhiều hơn, lạnh hơn.
Ngay bên đường, trước mặt chúng tôi có một quán nước, đông người lui tới tấp nập. Trên đường đê, người ta gồng gánh, chào hỏi nhau í ới : "Các bác về đâu đấy ạ ?". "Chúng em lên Yên Đổ đây.". Trong quán hàng nước, người ta cũng tỏ ra quen biết nhau như thể những người vẫn thường đi lại trên con đường này, hoặc có thể chỉ là một cách làm quen : "Bác người đâu đấy ạ ?".
Cái ngôn ngữ rất chân phương đặc biệt ấy của người dân ở nông thôn miền Bắc, phải bắt gặp và nghe thấy trên những quãng đường quê này, mới thấy thấm thía được cái hay của nó. Giọng nói của người địa phương Hà Nam Nnh có một cái gì chắc nịch, mặn mà. Có lẽ ở miền Bắc, vùng này là một trong những vùng, cùng với Hà Nội, có giọng nói rành rọt hơn cả. Sau này, tôi mới được biết rằng đây chính là vùng có truyền thống hát chầu văn rất độc đáo.
Chúng tôi hỏi thăm đường về làng Bối Cầu. Người ta chỉ xuống cánh đồng chiêm trước mặt, về phía bên trái, và bảo chúng tôi : "Bối Cầu ở ngay trước mặt kia kìa !". Chúng tôi nhìn theo tay chỉ, thì thấy ở tít đằng xa, đến hơn một cây số, một xóm làng nằm chơ vơ như một hòn đảo nhỏ giữa đồng nước mênh mông.
Chúng tôi rời đường đê, đi rẽ xuống con đường ruộng nhỏ dẫn thẳng đến cái làng nổi trước mặt. Đường có quãng phải lội. Trời chưa đến nỗi rét lắm, nhưng ở giữa nơi đồng không mông quạnh này, hai chị em vẫn thấy chân tay lạnh cóng. Gió thổi lướt từng đợt nhẹ trên mặt ruộng nước, làm gợn lên những vết nhăn, báo hiệu cái rét mướt của mùa đông. Nhìn những vết nhăn trên mặt nước, không hiểu sao, ngay từ hồi nhỏ, tôi vẫn thấy lòng như se lại, cũng như cảnh những người nông dân áo tơi nón lá, đi co ro giữa những cánh đồng mưa gió, vẫn hay làm cho tôi ái ngại. Tôi nghiệm thấy cái giá rét thường hay dễ đi vào trí nhớ cùng với nhừng kỷ niệm sung sướng hay đau khổ trong một đời người.
Sau này, xa quê hương, cái giá rét ở đồng đất nước người không bao giờ làm tôi quên được cái giá rét giữa đồng chiêm ngày ấy, và kỷ niệm này luôn luôn theo đuổi tôi, ngay cả trong những giấc mơ. Có một dạo, đã lâu lắm rồi, lúc đó tôi chỉ độ mười bảy, mười tám tuổi, đang học trung học ở Pháp, hè đến hay sang Anh làm việc, vừa để kiếm tiền, vừa để học tiếng, trong những trại canh nông ở vùng Kent, phía nam Luân Đôn. Vào những ngày cuối tuần được nghỉ, nằm trong lều mái vòm bằng tôn, nghe gió heo hút từ đồng xa thổi về, tôi vẫn hay nghĩ đến cái giá rét ở quê nhà trong những kỷ niệm thời thơ ấu, từ cái gió heo may của Hà Nội mỗi độ thu sang, đén cái rét trên cánh đồng chiêm làng Bối Cầu, giữa một vùng nước trắng xoá.
Nhưng lúc này, chúng tôi như không còn để ý đến cái rét nữa. Hai chị em tay nải vác vai, quần xắn lên quá đầu gối, cứ thế lội băng băng qua những đoạn đường ngập nước.
Đi hết con đường ruộng, sang tới bờ bên kia là làng Bối Cầu. Chúng tôi dừng lại để rửa chân, đi dép lại đàng hoàng, rồi mới bước vào làng.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi, mà sau này tôi còn nhớ mãi, là một bụi tre ngà nằm ngay trước cổng làng. Đây là bụi tre ngà đầu tiên mà tôi được nhìn thấy. Thân tre to, óng mượt, màu còn đẹp hơn cả màu ngà, chắc tuổi phải già lắm. Từ bụi tre phát ra những tiếng kẽo kẹt của thân tre cọ vào nhau. Đúng là "tre ngà đưa võng"! Vẻ đẹp thần tiên của bụi tre ngà làm chúng tôi đứng sững lại như trước một hiện tượng quý hiếm, kỳ diệu của thiên nhiên.
Vào đến chỗ hẹn, chúng tôi được gia đình của ông hiệu trưởng đón tiếp hết sức tử tế. Ông hiệu trưởng đi công tác vắng đến đêm mới về tới nhà. Bà vợ ông người Huế, các cô con gái đã lớn, nói giọng Hà Nội. Chị tôi trước kia quen làm dáng, sau một năm trời về sống ở nhà quê, không có phấn sáp, nên chị hay có mặc cảm mỗi khi đi ra ngoài, và tự coi mình là "người rừng rú", còn người ta mới là người thành thị. Mà quả thật như vậy, ở đây người ta vẫn còn văn minh lắm, còn cả điã bát kiểu để ăn cơm, các cô còn để tóc quăn, còn có thuốc để đánh răng, v.v.
Bà hiệu trưởng cho chúng tôi ăn một bữa cơm, không biết có phải là cơm Huế không, chỉ biết là có một cái gì đó rất thanh cảnh, đài các hơn là bữa cơm thường của một gia đình miền Bắc. Tôi chỉ còn nhớ có món cá hấp chấm với một thứ tương mịn, có thể là tương mơ, ăn rất ngon. Cơm được xới vào những cái bát xinh xinh, nhỏ chỉ bằng những cái chén. Phải chăng đây cũng là một cách ăn "thanh đạm" để tiết kiệm như gia đình chúng tôi ở bên Dũng Kim ? Nhưng lúc đó, chúng tôi chỉ thấy sao người ta văn minh, lịch sự thế !
Chị tôi hỏi chuyện các cô con gái bà hiệu trưởng về chương trình học hành. Mọi sự như đã có sắp xếp đâu vào đấy rồi, làm chúng tôi cũng yên trí. Tối đến, tôi được ngủ trên một chiếc phản gỗ rộng có màn và chăn đắp đàng hoàng. Nửa đêm, ông hiệu trưởng đi công tác ở xa về, cũng chui vào ngủ ghé, nhưng rất ý tứ, sẽ sàng, không làm một tiêng động nhỏ. Rõ ràng những người này là những người tử tế lịch sự, tôi nghĩ vậy trong cơn mơ màng, rồi lại chợp ngủ thiếp đi ngay.

Sáng hôm sau, tôi từ biệt chị tôi và gia đình ông hiệu trưởng lên đường quay trở về Dũng Kim.
Một lần nữa, tôi lại phải lội qua cánh đồng chiêm. Gần tới bờ bên kia, bỗng nhiên nghe thấy nhiều tiếng súng nổ từ xa và ở trên đê người ta xô nhau chạy hớt hơ, hớt hải, vừa chạy vừa kêu : "Tây càn ! nó sắp xuống tới đây rồi !". Và người ta đổ xô nhau chạy về một phía.
Lúc này, trong bụng tôi phân vân vô cùng, không biết có nên quay trở lại Bối Cầu với chị tôi, để chị em có nhau không, hay là về Dũng Kim với thầy tôi. Cuối cùng, tôi lấy quyết định về Dũng Kim, vì tôi nghĩ chị tôi có đi theo người ta dạy học ở cái trường kia, thì cũng là một điều hay thôi, chứ về Dũng Kim đã chẳng làm được gì, lại không kiếm được ra tiền để nuôi thân, nuôi gia đình.
Ngoảnh nhìn lại cái làng nổi ở giữa cánh đồng chiêm đằng sau lưng, tôi chợt có một ý nghĩ trẻ thơ, ngộ nghĩnh, lúc ấy, là giá mà làm thế nào bắn được một mũi tên vào trong ấy đưa tin cho chị tôi để mọi người chạy cho kịp ! Nhưng đấy cũng chỉ là một ý nghĩ viển vông của trẻ con, còn thực tế trước mắt là phải chạy nhanh đi khỏi chốn này.
Tôi đi một mạch không nghỉ, đến khoảng hai ba giờ chiều thì về tới Dũng Kim. Kể lại chuyện Tây càn bên Bối Cầu cho thầy tôi và cả nhà nghe, ai nấy đều lấy làm lo lắng.
Ăn cơm chiều vừa xong, thì đã thấy chị tôi lù lù về đến nơi, quần áo, mặt mũi lấm đầy bùn. Thế là cả nhà lại vui vẻ trở lại. Thầy tôi, như để tự an ủi, lại nói lại cái câu nói muôn thuở của các cụ : "Còn người là còn của…". Chị tôi tuy vừa chạy về mệt đứt hơi, nhưng cũng kể lai ngay cho chúng tôi biết là, khi được tin Tây càn, trường lấy quyết định dời đi nơi khác, có lẽ là lên Việt Bắc. Người ta hỏi chị có thể theo được không, chị đã phải từ chối, vì nghĩ đến chúng tôi, và thế là lại khăn gói vác vai, lội một mạch qua cánh đồng chiêm để quay trở về Dũng Kim.
Nhiều năm sau, nghĩ lại đoạn đường gian nan của chúng tôi ngày ấy, tôi thấy quả là chúng tôi, cả hai chị em, khi đó tuy tuổi còn non nớt, mà có những lúc đã phải lấy những quyết định thật là hệ trọng, có thể thay đổi cả cuộc đời mình.
Sau này, cái kỷ niệm về Bối Cầu còn đeo đuổi chúng tôi mãi, và trong nhiều năm, lúc hai chị em còn ở gần nhau, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay nhắc nhở đến câu chuyện cũ.
Giờ đây, sau bao nhiêu năm rồi, hình ảnh cánh đồng chiêm ngày ấy vẫn luôn luôn có mặt trong suy nghĩ của tôi về người chị thân yêu.


Quay về:

Lời giới thiệu: Văn Ngọc - Một người Hà Nội rất Hà Nội
Chương 01: Tuổi vỡ lòng
Chương 02: Khu phố thời thơ ấu
Chương 03: Phố tôi ngày ấy
Chương 04: Những năm tháng không thể nào quên
Chương 05: Những ngày tháng chạp 1946
Chương 06: Hà Nội những ngày khói lửa
Chương 07: Ăn Tết làng dừa
Chương 08: Hà Nội mến yêu
Chương 09: Những ngôi nhà xưa
Chương 10: Ăn tết bên ngoại
Chương 11: Tết Trung Thu
Chương 12: Giấc mơ xưa
Chương 13: Những nhớ thương ngày cũ
Chương 14: Cái chất lãng mạn tuyệt vời
Chương 15: Dạo chơi hồ Tây một chiều chủ nhật

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Văn Ngọc
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss