Bạn đang ở: Trang chủ / Nhân vật / Phan Đình Diệu và Diễn Đàn

Phan Đình Diệu và Diễn Đàn

- Hà Dương Tường — published 17/05/2018 18:45, cập nhật lần cuối 18/05/2018 16:46
Cập nhật ngày 18/5: xem đoạn nói về Tin học và chú thích (1b), và chú thích (7) ở cuối bài.

Thay Lời giới thiệu số đặc biệt


Phan Đình Diệu và Diễn Đàn


Hà Dương Tường



Diễn Đàn (tờ báo và những người làm ra nó) ngay từ lúc chào đời đã tự hào được kể GS Phan Đình Diệu (và nhiều người khác, như GS Hoàng Tuỵ, nhà văn Nguyên Ngọc...) trong số những người bạn thân thiết của mình. Một phần vì ngẫu nhiên, trong những người chủ trương, hỗ trợ và trực tiếp tham gia thực hiện tờ báo ngay từ ngày đầu (tháng 9.1991) và cả trước đó (tôi sẽ trở lại chi tiết này sau), có một số khá đông trong nghề « toán - tin », đã có dịp gặp anh từ những năm cuối 1970, đầu 1980, cả ở trong nước và khi anh có dịp sang Pháp công tác và tìm hiểu ngành tin học lúc đó còn mới ở giai đoạn sơ khai (đối với đại chúng). Những cuộc gặp, trao đổi về tình hình khoa học, giáo dục trong nước, được mở rộng sang các vấn đề xã hội, chính trị nói chung, tuy không nhiều gì (vì lý do khoảng cách dễ hiểu), song những đồng cảm tự nhiên nảy nở giữa những người cùng chia sẻ các giá trị nhân văn cốt lõi của cuộc sống mới là nhân tố quyết định củng cố các mối liên hệ ngẫu nhiên ấy.

hnth1977

Hội nghị toán học toàn quốc 1977. 
Từ phải sang: Phan Đình Diệu (thứ 4), Lê Văn Thiêm (thứ 6), Bùi Trọng Liễu  (thứ 16)

Ví dụ tiêu biểu nhất về mối quan hệ nói trên giữa các thành viên Diễn Đàn với anh Diệu là cố giáo sư Bùi Trọng Liễu. Tuy sang Pháp từ lúc trẻ và lập nghiệp suốt đời ở đây, do có người anh ruột là GS Bùi Trọng Lựu ở Hà Nội, sinh thời anh Liễu giữ liên lạc khá mật thiết với giới khoa học, nhất là toán học miền Bắc (các GS Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Tuỵ...) từ trước khi chiến tranh chấm dứt. Riêng với anh Diệu, không thấy anh Liễu nói rõ nhưng xác suất lớn là hai người đã gặp nhau trong chuyến anh Diệu sang Pháp thực tập năm 1975, nếu không thì trễ nhất là trong chuyến về dự Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ hai của một phái đoàn toán học Việt kiều, năm 1977, rồi sau đó ở Hội nghị toán học quốc tế năm 1978 tại Helsinki, trong đó giáo sư Phan Đình Diệu là một trong hai đại biểu đến từ Việt Nam. Những trao đổi về giáo dục giữa hai anh đã dẫn tới một bài báo chung với đầu đề là “Góp ý kiến về việc học”, đăng trên báo Tổ quốc số tháng 11/1987, rồi báo Nhân Dân đăng ngày 27/12/1987 và báo Tuổi Trẻ đăng ngày 29/12/1987. Anh Liễu đã gửi cho Diễn Đàn (báo giấy, số 23, tháng 10,1993) bài viết Kiểm lại một số ý kiến góp về việc học, trong đó anh nhắc lại những ý chính của bài báo nói trên, kèm theo một vài « lời bình », cập nhật hoá thông tin hai năm sau bài báo chung. Diễn Đàn cũng đã nối kết nhiều bài của anh Diệu viết về Giáo dục trên các báo trong nước. Ở mục lục của số tưởng niệm đặc biệt này, chúng tôi đưa lại đường dẫn cập nhật tới các bài Kiến nghị lập uỷ ban cải cách giáo dục (2008) và Triết lí giáo dục bình đẳng, vì con người (2008), đã được giới thiệu trong mục Thấy trên mạng của báo.

Quan hệ thân thiết của hai anh cũng như giữa anh Liễu và các nhà toán học có uy tín trong nước là một thế mạnh giúp cho ý tưởng thành lập trường đại học dân lập Thăng Long, trường dân lập đầu tiên của VN, được xuôi chèo mát mái. Có thể nói, anh Liễu là « người đỡ đẻ » của Thăng Long, các GS Phan Đình Diệu, Bùi Trọng Lựu, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Đình Trí, Hoàng Tuỵ là những người đồng sáng lập trường, và Đoàn Kết(1) rồi Diễn Đàn là « cơ quan truyền thông » không chính thức của trường. Đồng thời nhiều anh em trong Diễn Đàn đã hàng tháng góp phần nhỏ hỗ trợ tài chính cho trường hoạt động. « Thăng Long » xuất hiện rất sớm trên Diễn Đàn : Từ số 4, tháng1,1992, trong bài Khủng hoảng giáo dục, tụ điểm của mọi khủng hoảng xã hội, văn hoá, chính trị... của BS Bùi Mộng Hùng, thành viên ban chủ biên của báo. Tiếp đó là hai bài Trung tâm đại học Thăng Long. Đã 3 năm (số 6, tháng 3,1992, tác giả : Colette Andrieu và Bùi Trọng Liễu) và Về trung tâm đại học Thăng Long (số 15, tháng 1,1993, Bùi Trọng Liễu), trực tiếp giới thiệu hoạt động của trường cũng như ý nghĩa ban đầu của việc mở ra trường đại học dân lập này (bãi bỏ lý lịch trong việc nhận sinh viên vào đại học), tuy không nêu tên các giáo sư đồng sáng lập trường. Tên tuổi của những người này sẽ được anh Liễu trang trọng giới thiệu trong bài Về một bài văn bia (số 32, tháng 7.1994), và trong một vài bài khác trên báo như bài về nhà toán học Hoàng Tuỵ nhân mừng sinh nhật ông 80 tuổi.

Theo bài viết Hai niềm hạnh phúc gắn bó với tin học của chính anh, đăng trên blog Đông Tác của Nguyễn Chí Công, sự say mê tin học của anh Diệu có từ rất sớm, trong những năm đầu thập niên 1960 : tuy « vẫn mê toán học trừu tượng, nhưng đã bắt đầu bị lôi cuốn bởi những ý tưởng về thông tin, điều khiển, và đặc biệt bởi sự diệu kỳ của máy tính điện tử. ». Từ năm 1968, anh chuyển sang công tác ở Phòng Toán Học Tính Toán (tức Phòng Máy Tính Điện Tử) thuộc Uỷ Ban Khoa Học và Kỹ Thuật Nhà Nước, và đầu năm 1975, anh qua Pháp trong một chuyến thực tập.Sau đó, với sự trợ giúp của các nhà khoa học Pháp Henri Van Regemorter, Alain Tessonnỉère trong CCSTVN (Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Vietnam, Uỷ ban vì sự hợp tác khoa học và kĩ thuật với Việt Nam), anh đã đưa sang Pháp thực tập một số cán bộ trẻ của Viện Tính toán và Điều khiển mới được thành lập ở Hà Nội mà anh là Viện trưởng. Đây chính là đội ngũ làm vi tin học đầu tiên ở Việt Nam, những Trần Bá Thái, Nguyễn Chí Công, Vũ Duy Mẫn, Nguyễn Thúc Hải..., những người đã lắp ráp lên chiếc máy « vi tính » đầu tiên của Đông Nam Á (xem loạt bài hồi tưởng « Một thời để nhớ » của Nguyễn Chí Công trên blog của anh). 

GS H.V. Regemorter, GS P.Đ. Diệu và Nguyễn Chí Công chuẩn bị kế hoạch đưa người sang Pháp thực tập tin học.
Photo (c) CCSTV 1979, KS Hoàn Kiếm (blog Đông Tác)

Về phía Việt kiều, trong số những chuyên gia thuộc nhóm Tin học VN tại Pháp và bè bạn tích cực tham gia hợp tác này, có những người trong ban biên tập Diễn Đàn (Hà Dương Tuấn, Phan Huy Đường, Nguyễn Hoàng - California, Hồ Văn Tiến  - Thuỵ Sĩ...). Tất cả đã có những chuyến về nước mở những khoá đào tạo ngắn cả về lý thuyết và ứng dụng tin học, mang theo một ít máy móc biếu các đồng nghiệp trong nước (1b), hoặc tham gia các « tuần lễ tin học » mở ra hai năm một lần, xen kẽ giữa Hà Nội và Hồ Chí Minh. Diễn Đàn số 34, tháng 10.1994, đã đăng một bài tường thuật về Tuần lễ Tin học lần thứ IV, năm đó, và các bài tham luận của Phan Huy Đường (Cuộc cách mạng tin học, một cơ hội?) và Hà Dương Tuấn (ESPRIT và RACE). Tất nhiên, tên Phan Đình Diệu cũng có mặt trong các bài về công nghệ thông tin đăng rải rác trên Diễn Đàn, như bài Chính sách Công nghệ Thông tin tại Việt Nam của Hàn Thuỷ (số 26, tháng 1.1994), hay bài Tin học ở Việt Nam (số 40, tháng 4.1995), bản dịch bài viết của của S.E. Goodman và L.I. Press trên Communications of the ACM, tạp chí của Hội Máy Tính Mỹ. Cả hai bài đều nhắc tới vai trò đầu tàu của Phan Đình Diệu trong việc thảo ra “chính sách quốc gia phát triển công nghệ thông tin ở nước ta đến năm 2000”, làm nền cho nghị quyết của chính phủ về phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90 được thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ngày 4/8/1993.

Tuy nhiên, last but not least, dù giáo dục, tin học là những quan tâm say mê suốt đời của nhà khoa học Phan Đình Diệu, tên tuổi của anh đối với quảng đại quần chúng Việt Nam trước hết gắn liền với những hoạt động của người trí thức dũng cảm, "có tâm và có tầm" theo cách nói hiện nay, đã tận dụng mọi cơ hội (2), đặc biệt là vị trí của mình trong Quốc hội (mà anh là đại biểu các khoá V và VI) cũng như trong Uỷ ban TƯ Mặt trận TQVN - mà không hề lo ngại bị mất vị trí đó, để đưa ra những đề nghị cải cách cần thiết cho đất nước, dù chúng đụng tới những vùng bị cho là « nhạy cảm » tới đâu, và dù biết là đảng CSVN chẳng mấy khi biết lắng nghe những ý kiến trái tai họ. Cho tới nay, anh là người đại biểu Quốc hội duy nhất dám phát biểu "Ông Lê Duẩn cực kỳ vĩ đại và sẽ vĩ đại hơn nữa nếu ông từ chức"(3). Chính điều đó làm nên một Phan Đình Diệu khí phách và trí tuệ, « chỉ tham gia gia chính trị với tinh thần khoa học », như tổng kết vô cùng chính xác của nhà báo Huy Đức. 

Trong lĩnh vực này, Diễn Đàn cũng đã vài lần hân hạnh là tờ báo đầu tiên đăng (hoặc trích đăng vì lúc đó báo giấy hạn chế chiều dài các bài) một bài viết của anh. Thực ra, không chỉ từ khi bắt đầu Diễn Đàn (tháng 10,1991), mà trước đó nữa, trong tờ Đoàn Kết những năm cuối, tuy chưa tách ra khỏi Hội người VN tại Pháp để "hoá thân" thành Diễn Đàn nhưng đã lấy lập trường dứt khoát vì dân chủ và đổi mới sau Đại hội VI của ĐCSVN. Lục lại báo cũ, bài đầu tiên mà Đoàn Kết đăng của Phan Đình Diệu là bài Góp ý kiến về đổi mới (ĐK số 410, tháng 2,1989)(4). Trong khung giới thiệu bài viết, báo cho thấy không khí áp bức mà ĐCSVN tạo ra đối với những trí thức trong nước khi họ nói lên những ý kiến đi ngược với giáo điều của đảng, và do đó, khó khăn của người làm báo khi đăng tải các ý kiến đó : đây là « một bản tham luận anh đọc tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQVN vào tháng 9.1986. Hồi đó, anh Diệu có gửi cho chúng tôi một bản chụp bài này, song vì tình hình chưa cho phép (Đại hội VI chưa họp, không có báo nào trong nước đăng bài này, nếu Đoàn Kết đăng có thể gây khó khăn cho tác giả), Đoàn Kết chưa thể dùng nó được. Ngày nay, đọc lại bài viết này, càng thấy nổi lên sự đúng đắn của các ý kiến trong bài, tầm nhìn khoa học cao xa của tác giả ». Tiếp đó, Đoàn Kết còn hai lần đăng bài của anh trước khi toàn ban biên tập lúc ấy « trả tờ báo cho Hội (người VN tại Pháp) » và thành lập tờ Diễn Đàn : số 424, tháng 6.1990, đăng bài Vấn đề dân chủ trong sự nghiệp đổi mới, tham luận tại Hội thảo về « Vấn đề dân chủ ở nước ta » do tạp chí Cộng sản và Uỷ ban TƯ Mặt trận TQVN tổ chức tại Hà Nội tháng 1,1990, với lời giới thiệu « Thay lời toà soạn » của Nguyễn Trọng Nghĩa ; và số 434, tháng 5.1991, đăng bài Kiến nghị về một chương trình cấp bách nhằm khắc phục khủng hoảng và tạo điều kiện lành mạnh cho sự phát triển đất nước. Gần đây, Diễn Đàn mạng cũng giới thiệu lại Kiến nghị này theo trang FB của Phan Dương Hiệu, con anh.

Sau Đoàn Kết, Diễn Đàn tiếp tục đăng nhiều bài viết khác của anh, nhiều lần từ một bản đánh máy nhận được qua bưu điện, không đề tên người gửi và ban biên tập phải xác kiểm trước khi đăng (nhưng chưa bao giờ bị nhầm với một bài « dỏm », một phần là vì đó đều là những bài đúng « phong cách Phan Đình Diệu », phần khác vì đều là những bài có ghi rõ đã phát biểu tại đâu, cho phép kiểm tra tính chính xác của thông tin). Bên cạnh đó, Diễn Đàn cũng thường xuyên giới thiệu trong mục Thấy trên mạng những bài viết ký tên Phan Đình Diệu đăng ở một nơi khác. Trong mục lục số đặc biệt này, chúng tôi đã ghi lại một vài bài chính, kể cả các bài của Diễn Đàn và những bài « thấy trên mạng ». Chỉ xin kể sơ: GS Phan Đình Diệu góp ý về Hiến pháp 1992, một bài phát biểu tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12.3.1992, mà Diễn Đàn đăng lại 21 năm sau, khi ĐCS chuẩn bị sửa đổi cái Hiến pháp 1992 ấy ; và bài Một lộ trình cho dân chủ hoá, phát biểu của tác giả tại Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội X Đảng CSVN do UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Hà nội, 14-2-2006, trong đó ông nhấn mạnh "Một lộ trình như vậy phải được bắt đầu từ nhận thức sự cần thiết của dân chủ hóa trong bản thân Đảng", và đề ra 5 bước cần thực hiện. Như bước 2 : Thực hiện thực sự các quyền tự do dân chủ trong xã hội, như các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do ứng cử và bầu cử ; và bước 5 : Thực hiện cuộc bầu cử thật sự tự do và dân chủ để bầu ra Quốc hội mới và các cơ cấu quyền lực mới. Quốc hội mới sẽ soạn thảo Hiến pháp mới cho một chế độ dân chủ mới. Ông chấm dứt bài phải biểu bằng một lời Cầu chúc cho một tổ quốc Việt Nam dân chủ và phát triển! 

Lời cầu chúc này, một lần nữa, vô hình trung xác nhận những đồng cảm (tiếng Pháp: "atomes crochus") giữa tác giả và Diễn Đàn, một tờ báo ngay từ trước khi chào đời đã khẳng định mục tiêu và tôn chỉ của mình là "Vì dân chủ và phát triển" (thông tin đăng trên Đoàn Kết số cuối về tờ báo đang được chuẩn bị ).

Xin lưu ý bạn đọc về ảnh hưởng rất lớn của những bài viết của anh, dĩ nhiên đã dẫn tới những phản ứng không phải luôn luôn đồng thuận. Về phía nhà cầm quyền, có nhiều bài báo đả kích các ý kiến của anh nhưng không bao giờ trích dẫn nghiêm chỉnh, thậm chí nêu tên tuổi của người bị họ đả kích, và tất nhiên không bao giờ thực hiện quyền trả lời của tác giả. Điển hình là bài viết của Lê Quang Vịnh, một sinh viên chống Mỹ từng bị tù Côn Đảo, bài Những ngộ nhận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội, mà chúng tôi đăng lại trên số 26, tháng 1.1994, với lời toà soạn như sau :

Như đã thông báo từ số trước, Diễn Đàn đăng kỳ này bài của Lê Quang Vịnh mà một quan chức phụ trách Ban văn hoá tư tưởng trung ương đã gửi sang. Bài này đăng trên Sài Gòn Giải phóng Nhân Dân. Gọi là để “nói lại” Phan Đình Diệu (Diễn Đàn, tháng 6.93)(5), nhưng hai tờ báo này không hề đăng lại bài phỏng vấn nhà toán học Phan Đình Diệu. Thậm chí, khi Phan Đình Diệu viết trả lời, thì họ làm ngơ. Theo nguồn tin từ Hà Nội, ông Phạm Văn Đồng đã đích thân điện thoại cho ông Hà Đăng, trưởng ban VHTTTƯ, yêu cầu tôn trọng quyền trả lời của Phan Đình Diệu. Cho đến khi số báo này lên khuôn, lời yêu cầu ấy vẫn gặp sự im lặng, không khác gì trước đây, hồi ông Phạm Văn Đồng còn làm thủ tướng.

và dĩ nhiên, với bài trả lời của PĐD. Bên cạnh trao đổi này, Diễn Đàn đã "lấy lập trường" qua một « Thư ngỏ gởi Lê Quang Vịnh » của Nguyễn Ngọc Giao, trong đó tác giả sau khi vạch ra những xuyên tạc, nguỵ biện trong bài Những ngộ nhận, đã tỏ ý mong sớm được mở ra một không gian tự do ("một tạp chí có thể đăng toàn văn cả hai bài, của LQV và PĐD, với số in không rộng rãi như Nhân Dân, Sài Gòn Giải phóng, nhưng đủ để phát hành trong giới nghiên cứu và học thuật") (6) để "chúng ta có thể bàn tới những chuyện nghiêm chỉnh. Hơn là những chuyện tào lao mà tôi buộc phải nói thẳng với anh trong thư này".

Về phía những người đấu tranh cho dân chủ, hay chỉ là đối lập với chính quyền, sự hiểu lầm và chê trách Phan Đình Diệu (không đi tới cùng logic dân chủ, ở lại Mặt trận Tổ quốc...) không phải không có. Điển hình là các chê trách của các bạn trong « nhóm Đà Lạt » (Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự). Diễn Đàn số 38, tháng 2,1995 đăng Thư gởi ông Phan Đình Diệu của Tiêu Dao Bảo Cự cùng với trả lời của ông, và một « lời toà soạn » ngắn mang tiêu đề « Đi tới một cuộc đối thoại... đúng địa chỉ », với hai nhận xét :.

Gọi là thư viết cho một người, nhưng đó là những thư để công bố. Độc lập với nội dung (mà nói chung, chúng tôi đồng ý), có thể nói chúng không gửi đúng địa chỉ. Nếu đã coi người đó là “ cây cảnh”, thiết tưởng nên gửi thư cho người... chơi cây cảnh.

Bằng không, thì nên tránh mọi phán quyết về ý đồ của người đã chọn thế đứng và phương thức khác mình. Điều này vừa có tính nguyên tắc (đa nguyên là thế), vừa thực tiễn (mọi sự chia rẽ trong một xã hội đã bị nguyên tử hoá quá mức chỉ củng cố thêm sức mạnh cho những lực lượng toàn trị trong chính quyền).

Diễn Đàn vẫn tiếp tục lập trường này đối với các tranh cãi giữa những người cùng đấu tranh cho dân chủ song ý kiến về các vấn đề chính trị, xã hội cụ thể thì... rất khác nhau. 

Bài đã dài, người viết không có tham vọng gì hơn là giới thiệu được một vài khía cạnh về một trong những trí thức Việt Nam có trí tuệ và nhân cách đáng kính và đáng trọng nhất vừa từ giã cõi đời này nhưng vẫn luôn ở cạnh chúng ta qua các trước tác, bài viết mà mặt báo này hân hạnh chia sẻ tuy chỉ được một phần khá khiêm tốn so với sự nghiệp để lại của Anh (7).



Hà Dương Tường

(thay mặt Ban Biên tập Diễn Đàn)

Chú thích:


(1) Bài đầu tiên « giới thiệu việc thành lập một đại học không của nhà nước tại Hà Nội » là bài nhan đề Trung tâm đại học Thăng Long, của anh BTL, đăng trên Đoàn Kết số 408, tháng 12,1988.

(1b - cập nhật ngày 18/5, sau khi bài đã xuất bản) Chính trong một chuyến về như vậy mà các anh trong nhóm đã đưa về một chiếc Micral, do ông Trương Trọng Thi gửi tặng Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, năm 1978. Xem bài  Kỹ sư Trương Trọng Thi trong sự tích chiếc máy vi tính đầu tiên.

(2) Tất nhiên, chúng tôi không thể biết hết những lần Phan Đình Diệu, trong vị thế của một nhà khoa học xuất sắc được thừa nhận, đã nói thẳng ý kiến của mình với những vị lãnh đạo cao cấp như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v.

(3) Xem Anh Diệu như tôi được biết của Nguyễn Ngọc Giao và (5).

(4) Đoàn Kết chỉ có báo giấy, chúng tôi rất tiếc chưa thể đưa lên đây bản số hoá các bài này. Trong số này, ĐK cũng đăng toàn văn bài thơ Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình của Trần Vàng Sao, mà chúng tôi đã đưa lại gần đây khi nhà thơ từ trần, kèm theo bài viết của nhà báo Trần Tuấn,  Bi kịch của một người yêu nước mình.

(5) Đúng hơn, tháng 5.93, đây là số báo đăng bài phỏng vấn Phan Đình Diệu của Stein Tønesson. Chính trong khung giới thiệu bài này, Diễn Đàn đã, lần đầu tiên nhắc tới câu phát biểu của anh về ông Lê Duẩn. 

(6) Ngày nay, với sự phát triển của Internet, mà Phan Đình Diệu có công đầu trong việc du nhập vào Việt Nam, một tạp chí như vậy tuy vẫn chưa có, nhìn về hình thức, nhưng chính quyền đã không còn đủ mạnh để bịt miệng người dân trên hằng hà sa số những trang blog, FB... !

(7) Chúng tôi được biết, các con ông đã tập hợp những trước tác của ông và mới xuất bản trên trang mạng mang tên Nghĩ suy cùng đất nước

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss